Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa

Chương 4 - Chương 4

trước
tiếp

Những Bông Hoa Làm Bằng Vỏ Bào

Thường khi nghĩ đến cái nghiệp văn chương tôi hay tự đặt cho mình câu hỏi: nó khởi đầu từ bao giờ nhỉ? Và nói chung, nó khởi đầu như thế nào? Cái gì đã buộc ta cầm bút lần đầu để không bao giờ buông ra nữa cho đến mãn đời?

Khó nhất là cái việc nhớ lại xem nó bắt đầu từ lúc nào. Chắc là cái nghiệp văn chương bao giờ cũng xuất hiện trong con người như một trạng thái tâm hồn từ rất lâu trước khi ta bắt đầu viết hết chồng giấy này đến chồng giấy khác. Nó xuất hiện từ thời niên thiếu, và có thể, từ tuổi ấu thơ.

Trong tuổi thơ và trong thời niên thiếu, thế giới tồn tại khác hẳn khi ta đã trưởng thành. Với tuổi thơ mặt trời nóng bỏng hơn, cỏ rậm hơn, mưa to hơn, trời tối hơn và con người nào cũng cực kỳ thú vị.

Đối với trẻ con thì bất kỳ người lớn nào cũng là một sinh vật hơi bí ẩn, dù cho đó là ông thợ mộc với bộ đồ nghề sặc mùi vỏ bào hay nhà bác học, người biết vì sao cỏ lại màu xanh.

Sự tiếp nhận một cách thi vị cuộc đời, tất cả những gì ở quanh ta, là tặng phẩm vĩ đại nhất mà tuổi thơ cho ta.

Nếu con người sau nhiều năm dài tỉnh táo không để mất đi tặng vật ấy thì người đó sẽ là nhà văn hay nhà thơ. Nói cho cùng, họ cũng chẳng khác nhau là mấy.

Cảm giác về cuộc sống như một sự đổi mới không ngừng chính là cái mảnh đất màu mỡ, trên đó nghệ thuật đơm hoa kết quả.

Khi còn là học sinh trung học, tất nhiên tôi cũng làm thơ. Tôi làm nhiều thơ đến nỗi chỉ trong một tháng đã hết veo một quyển vở dày.

Những bài thơ ấy tồi, hoa mĩ và hào nhoáng, nhưng hồi ấy tôi lại tưởng chúng rất đẹp.

Bây giờ tôi đã quên những bài thơ ấy rồi. Chỉ còn nhớ lõm bõm đôi đoạn. Thí dụ như những câu này:

Hãy ngắt đi, những nhành hoa sa thấp

Khi mưa rơi lặng lẽ xuống đồng

Và chân trời, nơi chiều thu cháy đỏ

Những chiếc lá vàng tan tác bay đi…

Thế còn khá. Càng về sau tôi càng chất đủ mọi thứ hoa mĩ, thậm chí vô nghĩa vào trong thơ:

Và nỗi nhớ Sadi lấp lánh như ngọc thạch

Trên những trang tháng ngày chậm chạp trôi qua…

Tại sao nỗi nhớ lại “lấp lánh như ngọc thạch” thì cả lúc ấy, cả bây giờ, tôi đều không giải thích nổi.

Đó chẳng qua chỉ vì âm hưởng của những từ lôi cuốn tôi. Tôi không hề nghĩ đến nghĩa của chúng.

Tôi làm thơ về biển nhiều hơn cả. Lúc đó hầu như tôi chưa biết biển là gì.

Đó không phải là một biển nào rõ rệt, không phải Hắc hải, không phải Baltic hay Địa Trung hải, mà là một “biển nói chung” hào nhoáng. Nó gắn lại với nhau tất cả cái phong phú của màu sắc, mọi thứ phóng đại, tất cả cái lãng mạn viển vông không có người thực, thời gian thực và không gian địa lý cụ thể. Lúc đó chất lãng mạn ấy bao trùm cả địa cầu trong mắt tôi như một khí quyển dày đặc.

Đó là một biển tươi vui, có sóng bạc đầu, tổ quốc của những con tàu có cánh và những người vượt biển gan dạ. Trên các bờ biển, những ngọn hải đăng tỏa sáng như những viên ngọc bích. Một cuộc sống vô tư lự sục sôi trên các hải cảng. Những cô gái duyên dáng tuyệt trần với nước da bánh mật bị ngòi bút của tôi cuốn vào cơn lốc dục vọng.

Nói cho đúng, cùng với thời gian thơ tôi cũng bớt dần hào nhoáng. Tính chuộng lạ cũng mất dần trong thơ.

Thật ra, tuổi ấu thơ và niên thiếu bao giờ cũng chuộng lạ, dù cho cái lạ đó là của những xứ nhiệt đới hay của thời nội chiến.

Có ai lúc còn thơ mà không bao vây các lâu đài cổ, không chết trên những con tàu viễn dương với những cánh buồm tơi tả nơi eo biển Magellan hay ở Tân thế giới, không cùng với Chapaev cưỡi cỗ xe ngựa gắn trung liên phóng băng băng trên những cánh đồng cỏ dại bên kia dãy Ural, không đi tìm những kho báu mà Stevenson đã giấu rất tài tình trên một hòn đảo bí mật, không nghe tiếng cờ reo trên trận địa Borodino hoặc không giúp đỡ Mowgli trong những rừng hoang rậm rạp xứ Industan.

Tính chuộng lạ truyền cho cuộc sống một chút phi thường cần thiết cho bất cứ ai còn trẻ và nhạy cảm. Denis Diderot đã nói rất đúng rằng nghệ thuật là ở chỗ tìm ra cái phi thường trong cái bình thường và cái bình thường trong cái phi thường.

Dù sao thì tôi cũng không nguyền rủa thói chuộng lạ mà một thời niên thiếu tôi đã say mê.

Tôi thường sống ở nhà quê và hay để ý quan sát các trò chơi của lũ trẻ nông trang. Bao giờ chúng cũng thích chơi những trò mới lạ, như vượt đại dương trên những chiếc bè (đại dương đây là một cái hồ nông có cái tên chẳng lấy gì hay ho lắm là hồ “Con bê”), bay lên các vì sao hoặc tìm ra những xứ sở bí ẩn. Chẳng hạn, lũ trẻ hàng xóm của tôi đã khám phá ra một vùng đất chưa người biết đến ở giữa các đồng cỏ. Chúng đặt tên cho vùng đất ấy là “Lukomorie”(Biển Cỏ). Đấy là một cái hồ có nhiều vũng nhỏ và đầy cỏ ấu, đến nỗi chỉ ở giữa hồ mới có một chút nước lấp lánh.

Tính chuộng lạ, tất nhiên, không phải một lúc mà mất hẳn trong ý thức của tôi. Nó còn lại rất lâu như hương thơm bền vững của hoa đinh hương trong vườn. Nó làm cho cái thành phố Kiev quen thuộc đến phát ngán của tôi thay đổi hẳn trong mắt tôi.

Ráng chiều vàng lộng lẫy trong các công viên thành phố. Chớp loang loáng trong bóng đêm bên kia sông Đnepr. Tưởng chừng ở đó có một nước chưa ai biết đến – một đất nước đầy giông tố và ẩm thấp – tràn ngập tiếng lá chuyển động ào ào.

Mùa xuân trút xuống thành phố cơ man nào là hoa dẻ vàng nhạt với những cánh lốm đốm đỏ. Hoa nhiều đến nỗi khi trời mưa chúng rơi xuống thành từng đống, ngăn nước mưa lại làm cho một số đường phố biến thành những hồ con.

Nhưng sau cơn mưa thì bầu trời Kiev lại sáng sủa như một vòm đá trăng. Và những vần thơ bỗng dưng được nhớ lại mạnh mẽ lạ thường.

Ôi sức mạnh bí ẩn của mùa xuân

Đang ngự trị với ngàn sao trên trán

Ngươi hiền dịu trên cõi trần nhơ bẩn

Ngươi hứa cho ta hạnh phúc vô ngần…

Những năm những tháng ấy gắn liền với mối tình đầu say đắm của tôi. Đó là một trạng thái kỳ lạ, khi trong mắt ta cô gái nào cũng đẹp mê hồn. Mỗi nét xuân thì thoáng qua ngoài phố, trong vườn hoa, trên xe điện – một khóe mắt thẹn thùng tưởng như đang chú ý đến ta, hương thơm của mái tóc, hàm răng trắng bóng sau làn môi hé mở, bắp chân trần khi gió làm tung váy, cái chạm nhẹ vào những ngón tay lạnh – tất cả những cái đó nhắc tôi rằng hoặc sớm hoặc muộn rồi tình yêu cũng sẽ đến với tôi. Tôi tin chắc như thế. Tôi muốn nghĩ như thế và tôi đã nghĩ như thế.

Cứ mỗi lần gặp gỡ như vậy là trong tôi lại dấy lên một nỗi buồn khó hiểu.

Phần lớn tuổi trẻ nghèo túng và thực ra rất cay đắng của tôi đã qua đi trong những vần thơ và trong niềm xao xuyến mơ hồ.

Sau đó tôi bỏ không làm thơ nữa. Tôi hiểu rằng đó chỉ là cái hào nhoáng bề ngoài, là những bông hoa làm bằng vỏ bào nhuộm khéo, một thứ vàng mạ.

Thay vào thơ tôi viết truyện ngắn đầu tiên. Nó có lịch sử của nó. Tôi sẽ kể lại lịch sử truyện ngắn này trong chương sau.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.