Ngày xưa có hai vợ chồng già nọ, nếu không có lũ chim phá hoại hoa màu thì chắc họ đã sống sung sướng rồi. Ông già rất thích lafm việc ngoài đồng, chăm chú nhổ cỏ dại thật sạch, còn bọn chim thì háu ăn, cứ đến ăn hết những đọt non của hoa màu. Không vụ mùa nào ông thu hoạch được như ý cả. Ngay cả ban đêm, ông cũng trăn qua trở lại vì không ngủ được, cứ lo chuyện bầy chim khổng lồ phá phách ruộng của mình và ăn hết sạch hoa màu. Sáng lại, người ông ướt đẫm mồ hôi, mệt phờ.
Một hôm, sau một đêm không ngủ, ông nói với vợ:
Này bà, chúng ta không thể để tình trạng này tiếp diễn mãi. Bà chuẩn bị cho tôi thức ăn và tìm một ít giẻ rách màu, chắc bà có nhiều đấy. Tôi sẽ mặc hết vào người làm con bù nhìn để đuổi chim.
Bà già đi nấu ít vắt xôi, lục tìm trong tủ lấy giẻ rách ra, và ông già mặc vào. A, thật là một bù nhìn bảnh chọe, cái mũ trên đầu móc nhiều tua len ngũ sắc, còn cái áo khoác dính vào những mảnh vải trắng có, đen có, xanh có, rồi thêm vào hoa lớn hoa nhỏ, một dãi vải đã quấn quanh người làm thắt lưng. Trang hoàng xong, ông già ra đồng, hươ tay hươ chân làm cho giẻ vải tung bay phất phới quanh người. Ông nhảy múa tung tăng khiến cho không một con chim nào dám đáp xuống ruộng để ăn hoa màu của ông cả.
“Bọn bây là đồ ham ăn, tao sẽ kiên trì cho chúng bay biết tay. Từ rày về sau đừng hòng ăn của tao được một hạt”.
Ông già khoái chí nghĩ như thế.
Mặt trời từ từ lên cao, cánh tay hoạt động của ông già càng lúc càng yếu dần, hai chân nhúng nhảy càng lúc càng nặng nề. Cuối cùng ông nói:
Kết quả khả quan, mình đã đuổi được bầy chim rồi, bây giờ phải ngồi bên bờ ruộng nghỉ một chút cho lại sức đã.
Ông ngồi xuống, hai chân xếp lại, rồi lấy trong bị ra một vắt xôi, nhưng vừa ăn xong vắt xôi là hai cánh tay ông đã rơi xuống đầu gối, đầu gục xuống ngực. Ông già ngủ.
Ngày hè ấm áp, mặt trời trong sáng, tất cả đều im lặng, chim chóc đều trốn dưới bóng
mát hết. Ông già say sưa ngủ.
Bỗng một đàn khỉ trong rừng đi ra, chúng kêu nhau ồn ào. Chúng nhìn quanh ngại ngùng. Rồi bỗng một con kêu to hơn những con khác. Thấy ông già ngồi ngủ bên bờ ruộng, mặc áo quần rách tươm đủ màu sắc, nó liền gọi bầy bạn đến, đi quanh ông già lạ lùng này. Chúng đến gần hơn, sẵn sàng bỏ chạy nếu cái vật kỳ lạ này động đậy. Nhưng ông già ngủ thật say, không biết những chuyện đang xảy ra quanh mình. Vì ông ngồi yên không động đậy, nên bọn khỉ dạn dĩ lên, chúng đến gần ông và một con khỉ lấy cái bị của ông, lôi xôi ra. Chúng ăn hết trong nháy mắt. Rồi một con khỉ lớn tuổi đến gần ông già, nó quan sát thật kỹ, rồi nói với bọn kia.
Bọn bây biết cái gì động đậy không? Chắc đây là một Phật mới, còn mấy vắt xôi là đồ cúng.
Bác nói đúng rồi, đây chắc chắn là một tượng Phật mới! Chưa bao giờ tôi thấy một tượng phật như thế này! – Một con khỉ khác nói, vừa chạm nhẹ vào cái miếng giẻ ngũ sắc, vẻ mến mộ.
Thế là bọn khỉ không sợ nữa, chúng la hét, kéo những sợi vải và những sợi len màu.
Cuối cùng con khỉ già nói :
Chúng ta sẽ mang ông Phật đem về để trong chùa chúng ta. Bọn thú khác mà biết chúng ta có một tượng Phật đẹp tuyệt vời như thế này, thế nào cũng ngạc nhiên và ganh tị cho mà xem.
Bọn khỉ đều hoan hô ý kiến ấy. Nhiều con nắm tay nhau để làm thành một cái cáng, rồi những con khác bế ông Phật để lên cáng. Dĩ nhiên là tiếng ồn đã đánh thức ông già dậy. Ông ngạc nhiên khi nghe bọn khỉ nói chuyện với nhau về mình, và bỗng cảm thấy hiếu kỳ. Ông muốn xem thử bọn khỉ sẽ mang mình đi đâu, ông thầm nghĩ:
“Mình cứ yên lặng không tỏ ra hay biết gì hết như thể mình bằng gỗ vậy. Khi ta kể lại chuyện này cho bà già nghe, chắc bà cười bể bụng cho mà xem.”
Bọn khỉ cẩn thận mang ông Phật đi. Đến một bờ sông, chúng tìm chỗ nước cạn để lội qua, vì chúng không muốn để ướt ông Phật lộng lẫy của mình. Cuối cùng chúng tìm ra một chỗ và nhẹ nhàng lội xuống nước. Có một ông Phật đẹp như thế này, chúng khoái quá, bèn cất cao tiếng hát. Chúng hát khác loài người. Chúng ta khó mà nhận ra chúng hát , vì chúng chỉ la bai bải. Mỗi con khỉ hát một cách , nhưng bài hát làm cho chúng thích thú lắm:
Coi chừng, coi chừng bước
Để Phật ta khỏi ướt
Nghe chưa, coi chừng bước
Một con khỉ ra dấu cho cả bầy ngừng hát, nó nói lớn :
Hãy nâng Phật lên cao. Các cậu có bị ướt đuôi một ít cũng được. Điều quan trọng là để đuôi Phật được khô!
Nhưng vì bận la hét, nó vểnh cao đuôi nó cho khỏi bị ướt.
Ông già phải cố gắng hết sức mới khỏi bật cười. Thật quá khôi hài khi thấy bầy khỉ lo lắng cho ông như vậy.
Cuối cùng chúng cũng qua được sông, lên bờ, chúng la hét vang trời, rồi mang ông già vào chùa nằm trên núi cao. Nói cho đúng, thì đây không phải là chùa, mà là cái động sâu, bàn thờ là một cái bệ gỗ cũ mà chắc bọn khi đã lấy trong một cái chùa bỏ hoang.
Bọn khỉ để ông Phật đẹp đẽ lên. Khi thì chúng chạy lại gần để nhìn, khi thì nhảy ra ngoài cửa động đua nhau la lớn :
– Có một ông Phật đẹp quá trời! Khắp thế giới không ai có một ông Phật như thế này!
Sau đó chúng nói với nhau rằng để ông Phật vui lòng ở với chúng, thì phải có đồ dâng cúng. Lập tức chúng chạy đi khắp nơi tìm quà để dâng lên Phật. Mấy giờ sau, lần lượt bọn khỉ quay về, đem đến để lên bệ thờ những thứ vừa kiếm được. Để đồ cúng xong, chúng quì xuống đất, rồi cất giọng run run, chúng hát:
Ôi lạy đức Phật từ bi, xin Phật vui lòng nhận món quà mọn này của một con khỉ khốn khổ.
Con thì để lên bệ một nắm hồ đào ngon, con khác một rễ cây ngọt; một con khỉ lại đem đến một đồng tiền vàng, có lẽ nó đã ăn cắp của một thương gia hay khách hành hương lơ đãng nào đó, có con lại đem đến cái quạt gãy hay cái mảnh chai màu; tóm lại chúng đem đến cúng Phật tất cả những gì chúng cho là quý báu. Hàng đồ cúng sắp dài và chồng chất mãi lên bệ. Vì ngồi yên một chỗ, nên ông già đau nhừ cả người, nhưng ông không dám động đậy vì biết đâu sẽ có chuyện không hay xảy ra. Ông kiên nhẫn
ráng đợi xem chuyện sẽ kết thúc ra sao. Bọn khi ở lại trong động thêm một lát, rồi thôi không quan tâm đến ông Phật mới nữa, chúng tản mát trong rừng để kiếm thứ giải trí mới. Khi ông già không còn nghe tiếng kêu của chúng nữa, ông liền tụt xuống khỏi bệ, người tê cứng. Ông nhủ thầm :
– Một tý nữa chắc mình biến thành tượng gỗ mất.
Ông thu hết quà cúng đem về dùng và cả đồng tiền vàng nữa. Suốt đời chưa bao giờ ông có đồng tiền như thế này. Ông vội vã bước nhanh ra khỏi động vì không muốn gặp lại bọn khỉ nữa. Về đến phố, ông đổi đồng tiền vàng, mua cho hai vợ chồng mỗi người một bộ kimônô mùa hè và một bộ mùa đông, còn mua thêm một hộp kẹo bánh ngon thật lớn nữa.
Một bữa tiệc thật sự! Khi ông kể lại cho bà vợ nghe bọn khỉ mang ông qua sông ra sao và chúng sợ làm ướt ông như thế nào, bà đã cười ngất muốn chết được. Rồi ông già cứ nhắc lại hoài bài hát của bọn khỉ và miêu tả cảnh chúng quỳ trước ông Phật từ bi như thế nào.
Tiếng cười giòn tan của họ vang sang cả nhà hàng xóm, vợ chồng nhà này đâm ra ganh tị. Bà vợ bước sang cửa và hỏi:
Chỉ có hai ông bà thôi sao?
Mời vào, – hai vợ chồng già mời bà hàng xóm vào. Họ mời bà ta ăn bánh kẹo mua từ trên phố về. Bà hàng xóm ganh tị đến tái mặt, nhưng mụ ta giả vờ cười thân thiện rồi hỏi:
Hai người ăn tiệc gì mà vui thế?
Ông già kể cho bà ta nghe chuyện phiêu lưu của mình và chỉ cho bà ta thấy mấy bộ kimônô mới.
Nghe xong bà hàng xóm vội cáo từ về nhà. Bà ngóng chồng về. Khi ông ta về, vừa tháo dép là bà nói ngay:
Mình hãy nghe tôi nói đây. Sáng mai, mình hãy cải trang làm chú bù nhìn và ra ngoài đồng. Ông hàng xóm nhà mình đã may mắn. Mình , tôi tin chắc mình sẽ đem về nhiều hơn ông ta nữa.
Bà ta cứ nhắc đi nhắc lại cho chồng nghe câu chuyện mãi. Rồi bà lấy tấm vải còn tốt
dành may kimônô đem xé vụn ra để ngày mai cải trang cho chồng làm bù nhìn. Làm xong, bà hỏi chồng:
– Bây giờ mình ra đồng đợi khỉ đi.
Người hàng xóm ra đi, nhưng ông ta không ra giữa ruộng huơ tay múa chân để đuổi chim như ông già làm, mà ngồi ngay xuống bờ ruộng hai chân xếp lại, hai tay đặt lên đầu gối, đầu cúi xuống như đang đắm mình vào suy tư. Ông ta đợi khỉ đến. Ông phải đợi thật lâu, và khi gần muốn ngủ thì bỗng ông nghe tiếng khỉ kêu, rồi chúng đang chạy ra khỏi rừng.
Kia kìa, kia kìa, Phật chúng ta kia kìa. Hôm nay, ông ấy không mặc đẹp bằng hôm qua, nhưng không sao, chúng ta cứ mang ông về chùa.
Lại một lần nữa, chúng làm cáng và để ông hàng xóm lên và cẩn thận mang đi. Phải nói cho đúng là ông già hàng xóm này không thấy thoải mái mà cảm thấy khó chịu khi nghe bọn khỉ la hét. Nhưng ông cố chịu khó để có được những thứ giàu có.
Đến bờ sông, bọn khỉ lại tìm một khúc sông cạn có thể lội qua, và chúng lại hát :
Coi chừng, coi chừng bước
Để Phật ta khỏi ướt
Nghe chưa, coi chừng bước
“Chúng la hét thế là hát đấy nhỉ”, -người hàng xóm nhủ thầm rồi hết sức giữ mình khỏi bật cười. Nhưng khi ra đến giữa sông, bọn khỉ la lên:
Các cậu có bị ướt đuôi một tí cũng được. Điều quan trọng là phải để đuôi phật được khô!
Ông già không thể nín cười được nữa, bèn phá ra cười.
Bọn khỉ liền la lên :
Không phải Phật, mà là người, một kẻ mạo danh. – Chúng quá tức giận ném lão hàng xóm xuống nước rồi vừa la hét chúng vừa chạy biến vào rừng.
Dòng nước cuốn ông ta đi, ông tưởng chừng như mình sắp đến giờ tán mạng. Nhưng thật may, cuối cùng ông níu được một cành dương là đà trên mặt nước và trèo lên bờ.
Ông bị ướt như chuột lột, những mảnh vải ướt mèm chảy dài xuống, quấn quanh hai chân khiến ông không đi được. Ăn mặc kỳ dị như thế này, ông ta sẽ làm trò cười cho làng nước thôi. Ông bèn trốn vô bụi cây, đợi đến đêm mới về nhà. Khi đã nhìn thấy làng ông nhủ thầm :
Miễn sao đừng gặp ông hàng xóm là được, gặp ông ta nhục chết! Ông bèn chạy nhanh về nhà.
Bà vợ ở nhà đứng chờ chồng bên hàng rào thật lâu. Khi thấy chồng về bà mừng rỡ tự nhủ:
Chắc ông ấy có nhiều của hơn lão hàng xóm kia, có thế ông ấy mới vội vàng chạy về để báo cho mình biết đây. Chúng ta sẽ có tiền mua khối thứ. – Trước khi chồng về đến nhà, bà ta đã cởi hết áo quần cũ trên người ra, ném vào lửa cùng với quần áo cũ của chồng.
Ta không muốn thấy những thứ áo quần cũ này nữa. Chúng ta sẽ mua áo quần mới hết cho đẹp.
Đúng rồi, mua áo quần đẹp hết. Nếu đôi vợ chồng nhà hàng xóm không thương tình cho áo quần cũ của họ, thì chắc hai vợ chồng này phải ở truồng mà đi thôi.