Ngũ Hồ Chiến Sử

Q.6 - Chương 1 - No Ấm Sinh Dâm Dục

trước
tiếp

Đại loạn năm Nguyên Khang vốn bắt đầu từ việc Giả hậu chuyên chính nắm quyền dẫn đến loạn bát vương. Mặc dù chủ yếu là tranh đấu giữa tám vị Vương gia của họ Tư Mã nhưng đã làm liên lụy, gây bao khổ sở cho dân chúng. Đến năm Vĩnh Khang thì Triệu Vương Tư Mã Luân khởi binh, nhập kinh giết Giả hoàng hậu. Từ đó thiên hạ không một ngày được yên ổn nữa.

Năm Vĩnh Khang, Vương Tuyệt Chi mới được tám tuổi. Nhắc đến chuyện này để biết rằng Vương Tuyệt Chi từ khi hiểu chuyện cho đến ngày hôm nay thì một ngày thái bình cũng chưa từng nếm qua. Cuộc đời của hắn từ nhỏ đã sinh ra trong cảnh binh đao loạn lạc, chỉ thấy sinh ly tử biệt, chiến tranh không dứt. Ngoài những thứ đó ra thì trong đầu hắn không còn gì nữa?

Chỉ sợ suy nghĩ của hắn so với những người ngoài bốn mươi tuổi, đã từng hưởng cảnh thái bình thịnh trị thì khác nhau rất nhiều.

Đầu năm nay khắp nơi đều là cảnh giết chóc, sài lang khắp nơi. Đừng nói là người bị thương, mà cho dù trong người không khỏe một chút cũng vạn vạn lần không dám hành tẩu một mình trên đường. Cho dù có dám thì cũng không dám đi xa. Nếu không, cũng sẽ giống như động vật bị thương sống trong rừng – tuyệt không thể sống được lâu.

Thương thế của Vương Tuyệt Chi không nhẹ. Cừu nhân của hắn tại Thiên Thủy nếu nói ít thì cũng không phải là ít, nói nhiều cũng không phải là nhiều. Thử tính ra thì người muốn đoạt mạng hắn đại khái cũng khoảng mười vạn người. Về phần nhất lưu cao thủ thì ít nhất cũng có khoảng năm mươi người. Bất quá hắn vẫn ung dung ra vào thành Thiên Thủy, thần thái nhàn nhã dạo chơ. Sau khi ăn no thì tản bộ, thưởng hoa, ngâm phú.

Tuy nhiên thực sự hắn không có khả năng ngâm phú, chỉ có thể hát:

Thu phong tiêu sắt thiên khí lương

Thảo mộc diêu lạc lộ vi sương

Quần yến từ quy nhạn tường

Niệm quân khách du tư đoạn tràng

Khiêm khiêm tư quy biến cố hương

Hà vi yêm lưu ký đà phương

Tiện thiếp thủ không phòng

Hựu lai tư quân bất cảm vong

Bất giác lệ hạ triêm y thường

Viên cầm minh huyền phát thanh thương

Đoản ca vi ngâm bất năng trường

Minh nguyệt kiểu kiểu chiếu ngã sang

Tinh chiếu tây lưu dạ vị ương

Khiên ngưu chức nữ diêu tương vọng

Nhĩ độc hà cô hạn từ lương.

Bản dịch thơ Lam Giang:

Gió thu hiu hắt sương thu

Cỏ cây rơi lá sa mù vương vương

Thu về đã báo tin sương

Thành Nam hồng nhạn lên đường từ lâu

Chàng còn lưu lạc đâu đâu

Người đi khắc khoải, kẻ sầu nao nao

Bơ vơ gối lẻ song đào

Lung lay phiến nguyệt, nghẹn ngào lời ca

Buồng thu xế ánh trăng tà

Đêm khuya nhìn giải Ngân Hà trôi ngang

Nhìn nhau Chức Nữ, Ngưu Lang

Cầu sông thiếu nhịp riêng chàng xa em.

Thành thật mà nói thì tiếng hát của Vương Tuyệt Chi cũng tương tự như tiếng “gà trống gáy” vậy. Bất kỳ ai nghe được đều không thể nào tán dương. Bài hát này vốn là một tác phẩm sáng tác khi ưu tư của Ngụy Văn Đế, thế nhưng hắn lại hát theo nhịp cực nhanh, âm hưởng hừng hực, tươi vui như trên trời vừa rơi xuống mười khối đại nguyên bảo và mười đại mỹ nhân. Nếu nói hắn là kẻ đã “tàn phá” một tác phẩm hay của Tào Phi thì cũng thật không ngoa.

Vương Tuyệt Chi vừa đi vừa hát, hết một bài lại tiếp một bài. Dọc đường đi chỉ thấy thi thể nằm phơi đầy nội, xương trắng còn nhiều hơn thi thể, ruồi bọ bâu vào xác chết ong ong từng đàn, mùi hôi thối bốc lên khắp nơi. Chỉ dựa vào hiện trường quan sát được cũng đủ biết trận chiến tại Thiên Thủy thảm khốc đến nhường nào.

Âm nhạc thời Hán Ngụy từ lời ca, nhịp phách đều sầu bi u oán đến chín phần mười. Nhưng Vương Tuyệt Chi hát xướng theo kiểu vừa qua loa, vừa hời hợt đã làm biến đổi hoàn toàn hào khí của thứ âm nhạc đầy u oán này.

Cũng không biết đã đi bao lâu, chỉ biết hắn đã hát đến mười bảy, mười tám khúc nhạc, chiến trường đã xa dần, thi thể cũng không còn gặp nhiều như trước. Xa xa chỉ thấy doanh trại san sát, kéo dài đến gần bảy trăm dặm, phạm vi rộng lớn nhưng cực kỳ nghiêm mật, cờ xí tung bay phấp phới, trong đó có một lá đại kỳ thêu rõ chữ “Thạch” cực lớn.

Không cần nói cũng biết đây chính là nơi đóng quân của Thạch Lặc.

Vương Tuyệt Chi đột nhiên đứng lại. Con đường phía trước đã xuất hiện chướng ngại vật, không thể đi được nữa.

Trước mặt hắn là bốn thiếu nữ xinh đẹp, mắt đẹp mũi cao, mặc xiêm y Yết tộc, tuyệt đối được xếp vào hạng nhất đẳng mỹ nữ.

Vương Tuyệt Chi chắp tay mỉm cười, nhìn tứ nữ.

Một người lên tiếng:

– Nô tỳ là A Nguyệt.

Người thứ hai nói:

– Nô tỳ A Xuân.

Người thứ ba nói:

– Nô tỳ tên A Hoàn.

Người thứ tư nói:

– Nô tỳ là A Vi.

Bốn mỹ nữ yểu điệu đồng loạt thực hiện một nghi lễ của người Hồ, đồng thanh thi lễ:

– Tham kiến Vương công tử.

Vương Tuyệt Chi cũng giống như bao nam nhân khác trên thế gian – nhìn bốn mỹ nữ mà ứa nước bọt:

– Các nàng đang chờ ta?

A Nguyệt cười khúc khích nói:

– Ngoại trừ Vương công tử thì còn ai xứng đáng để bọn tiểu tỳ phải đứng đây đợi chờ?

Tiếng cười của nàng trong trẻo như tiếng chuông bạc, thiếu chút nữa đã có thể câu hồn nhiếp phách người khác đến bên mình. A Xuân, A Hoàn, A Vi cũng đồng thời cười rộ lên. Một người cười thì khuynh thành, hai người cười thì khuynh quốc, cả bốn người cùng cười thì cho dù là hồn phách của mười vạn nam nhân cũng đồng thời bị hấp dẫn, tức tốc bay đến bên các nàng.

Vương Tuyệt Chi quả nhiên là bị “bắt mất” hồn phách, thất thần hỏi:

– Các nàng chờ ta để làm gì?

A Nguyệt chợt nghiêm mặt nói:

– Để thay quần áo cho công tử.

Vương Tuyệt Chi đột nhiên dùng sức véo lên cánh tay một cái, đau đến nỗi kêu lên một tiếng, lẩm bẩm trong miệng:

– Trên đời này lại có thứ chuyện tốt như vậy ư? Ta không phải đang nằm mộng đấy chứ?

Tứ nữ nhanh chóng xúm đến thân thể hắn, thất thủ bát cước cởi quần áo của Vương Tuyệt Chi ra. Đây thực là việc “giết người” không cần dụng đến binh đao! Đáng sợ nhất chính là A Nguyệt đã thừa dịp này bóp một cái trên người hắn, đương nhiên là nàng bóp vào địa phương “gây chết người” của Vương Tuyệt Chi.

Vương Tuyệt Chi lúc này cũng giống như tất cả các nam nhân trên thế gian khác. Nếu có nữ nhân cởi bỏ quần áo cho mình thì sẽ không việc gì phải phản kháng. Tương tự như vậy, nếu có nữ nhân muốn nhéo vào bộ vị chết người của hắn thì cho dù hắn muốn phản kháng cũng vô lực thực hiện.

Vì vậy tứ nữ dễ dàng cởi sạch quần áo của hắn, thân thể Vương Tuyệt Chi lập tức trần trụi như một đứa trẻ mới sinh ra . Tứ nữ lại phảng phất giống như một đám lưu manh đánh bạc thắng đang lột sạch sẽ quần áo con nợ.

Đương nhiên trên người Vương Tuyệt Chi có một bộ phận so với trẻ sơ sinh thì lớn hơn rất nhiều!

Tứ nữ cởi bỏ quần áo của hắn xong thì dùng nước ấm thấm vải, cẩn thận lau chùi sạch sẽ bụi bẩn bám quanh các vết thương trên người. Sau đó lau vết máu đã đông lại, cử chỉ hoàn toàn cẩn thận dịu dàng, không hề làm hắn đau đớn.

Tiếp theo, tứ nữ lại dùng vải mỏng băng bó vết thương cho hắn, dùng giấy dầu phủ lên vết thương, kín đến nỗi ngay cả gió lùa cũng không lọt.

A Nguyệt mang đến một thùng gỗ thật lớn:

– Công tử, mời ngồi vào trong.

Thùng gỗ khi đặt ven đường thì có vẻ không quá lớn. Tuy nhiên thân thể hiên ngang khí vũ như Vương Tuyệt Chi nếu ngồi vào trong vẫn cảm thấy rộng rãi, thậm chí có thể bơi được.

Vương Tuyệt Chi như người mất hồn, một câu cũng không hỏi, lững thững bước vào thùng gỗ.

Tứ nữ bắt đầu đổ nước vào. A Nguyệt, A Xuân đổ nước lạnh. A Hoàn, A Vi đổ nước nóng. Bên cạnh thùng gỗ là một chiếc vại bằng sành chứa đầy nước, đang được đun bằng củi khô, lửa cháy hừng hực.

Vại nước bằng sành so với thân thể tứ nữ thì còn cao hơn, lại chứa đầy nước. Sức nặng phải đến hai, ba trăm cân. Tuy nhiên tứ nữ không hề hao tốn nhiều khí lực đã có thể nhẹ nhàng nhấc đến. Đó là chưa nói đến việc vại nước đã được đun bằng lửa lớn, đương nhiên nóng vô cùng. Người bình thường nhấc lên như vậy, e rằng thủ chưởng đã phải bốc khói, nhưng các nàng lại xem như không có chuyện gì xảy ra. Xem ra công phu của các nàng không hề yếu kém.

Nước đầy thùng gỗ thì tứ nữ cũng nhảy vào trong thùng gỗ, tay cầm khăn, tay cầm bàn chải lông mềm tẩy rửa kỹ từng tấc thân thể hắn. Công phu trên tay các nàng thật khéo léo, làm cho Vương Tuyệt Chi bất giác phát ra âm thanh rên rỉ sung sướng.

Hắn lẩm bẩm

– Công phu bàn tay các nàng thật lợi hại, so với Kim Quý Tử e còn xảo diệu hơn nhiều.

Từ khi đáp ứng Kim Quý Tử đến Thiên Thủy cho đến nay, Vương Tuyệt Chi chưa một lần tắm rửa. Hơn nữa bản thân bị thương, lại phải đánh nhau, lăn lộn trên mặt đất không biết bao nhiêu lần, bùn đất dơ bẩn khôn xiết. Thân thể so với con heo đã chết mười tám ngày sợ rằng còn hôi thối hơn nhiều. Tứ nữ phải hao tổn hết sức lực của chín trâu hai hổ mới có thể tẩy rửa sạch sẽ thân thể hắn. Ngay cả địa phương bí ẩn nhất cũng được kỳ cọ, chải chuốt sạch sẽ. Lượng nước đầy ắp trong thùng cũng đã trở nên đổi màu, hiện lên một lớp cáu bẩn nhờ nhờ. Về phần vết thương của Vương Tuyệt Chi thì đã có giấy dầu phong bế, nước không hề thấm đến.

Vương Tuyệt Chi khoan khoái nhắm mắt lẩm bẩm:

– Thoải mái, thoải mái. Đáng tiếc chuyện thoải mái như vậy trên đời thực sự không có nhiều

A Nguyệt lại nói:

– Tắm rửa đã xong, thỉnh công tử thay quần áo.

Vương Tuyệt Chi cười ha hả, từ trong thùng gỗ nhảy dựng lên, đáp xuống mặt đất. Chỉ thấy thân thể hắn đã trở nên trắng hồng. Nếu như lúc nãy hắn giống như một con heo chết đã mười tám ngày thì bây giờ đã biến thành một con heo sữa mũm mĩm, ngon lành.

Tứ nữ lau khô thân thể cho hắn, mặc một bộ y phục trắng tinh, thay đôi guốc mộc khác, lại dùng vải khô lau khô tóc. A Hoàn chải tóc, A Vi tết tóc, thay da đổi thịt cho hắn.

Nhưng lúc này cặp mắt của Vương Tuyệt Chi lại nhìn chăm chăm về phía trước.

Trên bãi cỏ trước mặt hắn không biết từ lúc nào đã bày sẵn một bàn dài đựng đầy thức ăn. Có thịt nướng, dê nấu canh, thịt hươu, bò, gà, lợn, các loại hải sản… còn có dưa, có lựu, hơn nữa còn có hai bình Bồ Đào tửu tỏa ra hương vị thơm ngát.

Vương Tuyệt Chi vừa mới thoát khỏi thảm trạng một con quỷ đói chưa lâu. Tại Thiên Thủy khi nhìn thấy một cái đùi gà thì đã mừng rỡ như điên, huống chi là một bàn thịnh yến như lúc này? Không trách được hắn nhìn chăm chăm như vậy, ngay cả mỹ nữ cũng không quan tâm đến.

Hắn ngây ngốc hỏi:

– Rượu và thức ăn từ đâu đến đây?

A Nguyệt chu miệng, cười khúc khích nói:

– Là thần tiên biến ra đó.

Vương Tuyệt Chi mỉm cười:

– Không lẽ các nàng là tiên nữ hạ phàm đến đây cứu con quỷ đói này? – Lại chữa lại – Cứu được con quỷ vừa háo sắc vừa đói Vương Tuyệt Chi này?

Tứ nữ nghe thấy hắn nói “vừa háo sắc vừa đói”, nhất thời đồng loạt đỏ mặt. A Hoàn dịu dàng nói:

– Bọn tiểu tì đến đây để hầu hạ công tử. Công tử thích thế nào cũng được.

Nói xong những lời này thì mặt mũi đỏ bừng, thẹn lắm. Lúc nãy tắm cho Vương Tuyệt Chi thì nàng không thẹn thùng, không nghĩ ra bây giờ lại đỏ mặt.

A Vi cẩn thận hơn một chút :

– Nô tỳ chỉ là hạ nhân hầu hạ công tử. Vạn lần không thể so sánh với tiên nữ, mong công tử đừng trêu cười.

A Nguyệt là người đứng đầu tứ nữ, dịu dàng nói:

– Công tử, có câu “bão noãn tư dâm dục”(1). Nhân lúc rượu và thức ăn còn nóng, nô tỳ xin mời công tử hưởng dụng.

Vương Tuyệt Chi vỗ tay nói:

– Bão noãn tư dâm dục, những lời này thật có đạo lý. Các nàng có biết ý khác của nó không?

Tứ nữ đỏ mặt, ngay cả người có da mặt dày nhất là A Nguyệt cũng không trả lời được, ấp úng:

– Công tử, chuyện này…

Vương Tuyệt Chi nghiêm trang nói:

– Phàm cái gì thái quá đều gọi là dâm. Thiên ‘Đại Vũ Mô’ trong Kinh Thư có ghi: ‘Chớ có ham nhạc thái quá’, ý khuyên người ta đừng nên mê đắm âm nhạc. Thiên ‘Lãm minh huân’ trong sách ‘Hoài Nam Tứ lại viết: ‘Chất tro cỏ lau mà ngăn dâm thủy’, dâm thủy có nghĩa là nước lên quá độ.

A Hoàn dường như là người thông minh nhất, lập tức lên tiếng:

– No ấm sinh dâm dục. Khởi đầu của sự bất chính chính là sự no ấm. Một khi no ấm đầy đủ thì sẽ rất dễ phát sinh những tham muốn, dục cầu khác?

Vương Tuyệt Chi cười khen:

– Quả nhiên thông minh.

A Nguyệt như cười như không nói:

– Không biết dục cầu của công tử là thứ gì?

Vương Tuyệt Chi trợn mắt, nói:

– Ta còn chưa có ăn no, làm sao biết được?

– Vậy xin mời công tử mau ăn no.

Nàng bày ra tư thế “thỉnh mời” rất đẹp mắt. Bất quá Vương Tuyệt Chi không hề để ý đến.

Hắn đang lầm bầm trong miệng:

– Ăn một mình làm sao có thể no, không no làm sao có thể ấm? Không ấm thì làm sao sinh ra dâm dục?

A Nguyệt chớp chớp mắt hỏi:

– Chẳng lẽ công tử muốn nô tỳ ăn cùng với công tử?

Vương Tuyệt Chi đáp:

– Chuyện này là đương nhiên. Nhưng chỉ mình nàng thì chưa đủ.

A Nguyệt lại nói:

– Vậy bốn người bọn tiểu tì sẽ đồng thời bồi tiếp công tử cùng ăn?

Vương Tuyệt Chi lắc đầu:

– Vẫn chưa đủ phân lượng.

A Nguyệt ngạc nhiên hỏi:

– Không biết công tử muốn có thêm ai nữa thì mới đủ phân lượng?

Vương Tuyệt Chi đáp:

– Ta là Vương Tuyệt Chi, được liệt vào võ lâm tứ đại kỳ nhân. Người có tư cách dùng cơm với ta đương nhiên cũng phải là nhất đại anh hùng mới được.

A Nguyệt cúi thấp đầu, nói:

– Công tử nói chúng tôi là nô tỳ, đương nhiên không xứng với hai chữ anh hùng?

Vương Tuyệt Chi thản nhiên nói:

– Không sai. Các nàng cho dù có bản lĩnh cao cường thế nào đi nữa thì cũng chỉ có thể giống như Phượng Hoàng phu nhân, nhiều lắm chỉ được gọi là anh thư mà thôi. Trừ phi đầu thai tái thế làm nam nhi. Nếu không thì tuyệt không thể làm anh hùng được.

A Nguyệt lại hỏi:

– Vậy trong lòng của công tử, vị anh hùng nào mới đủ tư cách dùng cơm cùng công tử?

Vương Tuyệt Chi đáp:

– Thiên Thủy tuy nhỏ nhưng lúc này chính là nơi ngọa hổ tàng long. Có đủ tư cách dùng cơm với ta nói nhiều cũng không nhiều, nói ít cũng không hẳn là ít, tính ra cũng khoảng năm người.

A Nguyệt tò mò cất tiếng hỏi:

– Mê Tiểu Kiếm là một người?

Ánh mắt Vương Tuyệt Chi lộ ra vẻ bội phục:

– Mê Tiểu Kiếm đương nhiên là đại anh hùng, thiên hạ không ai không muốn kết giao. Ta vẫn hy vọng có thể có ngày cùng hắn luận bàn nói chuyện thật lâu. Đáng tiếc là hắn đã thụ thương, xem ra hắn không có duyên ăn cơm cùng ta.

A Nguyệt lại nói:

– Tổ Địch thì sao? Người này có thể tính là người thứ hai không?

Vương Tuyệt Chi đáp:

– Kiếm pháp của Tổ Địch đã siêu phàm nhập thánh, liệt vào thiên hạ đệ tam kiếm. Lần trước ta đánh với hắn một trận, thiếu chút nữa đã chết dưới kiếm của hắn. Đương nhiên được xem là người thứ hai. Chỉ tiếc..

A Nguyệt hỏi:

– Tiếc điều gì?

Vương Tuyệt Chi đáp:

– Đáng tiếc nếu hắn đến đây thì bốn vị mỹ nhân như hoa như ngọc sẽ phải bước đi, ta làm sao có thể chấp nhận được chuyện này?

A Nguyệt không hiểu, vội hỏi:

– Ý công tử là thế nào?

Vương Tuyệt Chi giải thích:

– Tổ Địch là Kiếm Bá của Sát Hồ thế gia, các nàng lại là người Hồ. Tuy nhiên hắn sẽ khinh thường các nàng, vì thế không giết các nàng. Song hắn tuyệt đối sẽ không cho các nàng ngồi đầy đối ẩm với ta.

A Nguyệt đếm đếm mấy ngón tay, đoạn nói:

– Mê Tiểu Kiếm, Tổ Địch đều không được, vậy là ai? Không lẽ là Lưu Côn?

Vương Tuyệt Chi đáp:

– Lưu Côn dường như vẫn còn kém một chút.

A Nguyệt hỏi:

– Công tử chê võ công Lưu Côn không bằng công tử?

Vương Tuyệt Chi đáp:

– Võ công chỉ là chuyện nhỏ mà thôi. Trương Lương là một thư sinh áo vải yếu đuối, Gia Cát Lượng trói gà không chặt, nhưng ai dám nói bọn họ không phải là đại nhân vật? Mê Tiểu Kiếm không biết võ công, nhưng so với ta vẫn còn hơn nhiều. Riêng Lưu Côn mặc dù kiếm pháp không kém nhưng không có đức để phục chúng, có khả năng chiêu tập quân đội nhưng lại không có khả năng chế ngự. Cho nên thường thường chỉ được nửa năm là quân đội tan rã, đến bây giờ hắn vẫn không có một binh một tốt nào, vẫn dưới tay Đoạn Thất Đan. Vì vậy luận về tài thì người này vẫn còn kém một bậc.

A Nguyệt lại nói:

– Công tử là nhân vật như vậy, nhãn giới đương nhiên rất cao. Ngay cả Lưu Côn cũng không được tính là anh hùng. A Nguyệt không thể nghĩ ra thêm ai được nữa.

Vương Tuyệt Chi đột nhiên hỏi:

– Thạch Lặc có đúng là đã đến Thiên Thủy?

A Nguyệt ngẩn người, hoảng sợ đáp:

– Công tử sao lại hỏi như vậy? Thạch đại tướng quân là nhân vật bậc nào? Người đang ở đâu làm sao nô tỳ có thể biết được?

Vương Tuyệt Chi cười nói:

– A Nguyệt, ngươi đã để lộ thân thế rồi nhé. Vừa rồi khi ngươi nói đến Mê Tiểu Kiếm, Lưu Côn, Tổ Địch đều là nói thẳng tên húy. Nhưng vừa nhắc đến Thạch Lặc thì lại không dám nói thẳng tên của hắn. Ngươi không phải là người của Thạch gia thì còn là người ở đâu nữa?

A Nguyệt chớp chớp mắt:

– Không lẽ công tử muốn dùng cơm với Thạch đại tướng quân?

Vương Tuyệt Chi lắc đầu:

– Không phải. Thạch Lặc đang nói chuyện đại sự với Mê Tiểu Kiếm, làm sao có thể ăn cơm với ta?

A Nguyệt nói:

– Công tử càng nói thì A Nguyệt càng hồ đồ, không biết ý của công tử như thế nào nữa!

Vương Tuyệt Chi mỉm cười:

– Người mà ta sẽ dùng cơm với hắn là một người Yết, họ Thạch tên Hổ!

Vương Tuyệt Chi vừa dứt câu thì một tiếng cười chợt vang lên:

– Vương Tuyệt Chi, thật sự là không thể gạt được ngươi.

Vương Tuyệt Chi thản nhiên nói:

– Thực ra cũng không có gì là khó đoán cả. Nơi này là lãnh địa của ngươi. Ngoại trừ ngươi ra thì làm gì có ai dám ở đây bày ra trò vui vẻ này?

Thạch Hổ cười to:

– Nói hay lắm!

Chỉ thấy một gã đại hán đi đến, ngoài khoác áo bào ngắn, trong mặc tê giáp nhung phục, uy vũ vô cùng – Thạch Hổ.

Thạch Hổ chỉ ngón tay lên bàn thức ăn, nói:

– Ăn. – Đoạn xé một cái đùi dê trên bàn, cứ thế nhai nhồm nhoàm ngon lành.

Vương Tuyệt Chi cũng không nói lời nào, trong nháy mắt đã ăn năm sáu khối thịt bò, nuốt thêm bảy tám miếng cá.

Hai người như quỷ đói, ăn một trận tựa gió cuốn mây tan, Thạch Hổ đưa tay chùi mép, chỉ A Nguyệt:

– Hát.

A Hoàn, A Vi, A Xuân ba người đều lấy ra một loại nhạc cụ. Một người ôm tỳ bà, một người thổi Khương địch, một người đeo Yết cổ, bắt đầu tấu nhạc.

A Nguyệt bắt đầu hát:

Thu mộc thê thê,

Kỳ diệp nuy hoàng.

Hữu điểu xứ sơn,

Tập ư bao tang.

Dưỡng dục mao vũ,

Hình dung sinh quang.

Ký đắc thăng vân,

Thượng du khúc phòng.

Ly cung tuyệt khoáng,

Thân thể tồi tàng.

Chí niệm ức trầm,

Bất đắc hiệt hàng.

Tuy đắc ẩm thực,

Tâm hữu hồi hoàng.

Ngã độc y hà,

Lai vãng biến thường.

Phiên phiên chi yến,

Viễn tập tây khương.

Cao sơn nga nga,

Hà thuỷ ương ương.

Phụ hề mẫu hề,

Đạo lý du trường.

Ô hô ai tai,

Ưu tâm trắc thương.

Bản dịch Thái Bạch:

Cành thu hiu hắt lá thu vàng,

Trên đỉnh non cao, đó rõ ràng.

Có một chim kìa hay đáo để,

Ở ăn tự lúc mớ ra dàng.

Ra dàng đã đủ cánh lông bay,

Thấy rõ hình dung quý giá thay.

Trên nóc lầu cao đá đổ xuống,

Chín từng mây thẳm đã tung bay.

Tung bay, nhưng khốn biết sao rầy,

Sự thế than ôi, nỗi nước này!

Nỗi nọ dường kia khôn tả xiết,

Gan sầu ruột héo, ngỏ ai hay!

Ai hay cho khúc đoạn trường này,

Cho nỗi quan hoài ở chốn đây!

Uống uống ăn ăn khôn đắp lại,

Những hờn những oán, những sầu cay!

Sầu cay riêng nghĩ xiết bàng hoàng,

Biết đến bao giờ hận mới tan.

Én nọ tung bay xập xoè cánh,

Đường xa mấy mấy dặm quan san.

Quan san thăm thẳm nỗi lòng đau,

Biển rộng non cao chất tủi sầu.

Vòi vọi đường xa muôn dặm cách,

Mưa nắng sân Lai, xót dãi dầu!

Dãi dầu ai hỡi thấu cho chăng?

Lấp đặng cho ai những bất bằng.

Những nhớ những thương tầy núi biển,

Tình thu chan chứa hận sầu vương!

Tiếng ca uyển chuyển du dương khiến cho người nghe tâm say thần cảm.

Vương Tuyệt Chi gật đầu nói:

– Đây là tích Vương Chiêu Quân gả cho vua Hung Nô, tại khuê phòng giữa vùng đại mạc mênh mông nhớ đến cố hương mà sáng tác ra khúc ca bi ai này. Bây giờ tuy đã được tấu theo nhạc của người Hồ nhưng vẫn ẩn chứa Hán âm Hán ý. A Nguyệt đã biểu lộ đến đỉnh cực của ca ý, cách lấy hơi nhả chữ đã khéo léo dung nhập được cả hai nét đặc trưng Hồ, Hán. Cũng may là nơi này không có nhiều người. Nếu không tất bị tiếng hát này gây xúc động bi thương mà khóc đến ba mươi ngày vẫn chưa ngừng.

Thạch Hổ vỗ tay cười to nói:

– Loại tích xưa này tòng phụ của ta rất thích nghe, thường nghe Hữu Hầu kể lại. Nhưng ta thì một chút cũng không hiểu. – Đoạn quay sang nhìn A Nguyệt – Vương công tử nói ngươi hát hay. Thưởng cho ngươi một trăm lượng hoàng kim.

Một trăm lượng hoàng kim không phải nhỏ. Tại thời đại này thì số tiền như vậy cũng đã có thể sống một cuộc sống xa hoa trong nhiều năm.

A Nguyệt lộ ra vẻ mặt vui mừng, nói:

– Đa tạ tướng quân.

Thạch Hổ lại quay sang nói với ba người kia:

– Các ngươi tấu cũng hay lắm, thưởng cho mỗi người năm mươi lượng.

Tam nữ đồng thanh đáp:

– Đa tạ tướng quân.

Vương Tuyệt Chi nhìn tứ nữ:

– Ca xướng đã xong, còn không mau ngồi xuống ăn?

Tứ nữ nghe vậy nhưng không hề có một hành động nào.

Thạch Hổ cười nói:

– Các nàng chỉ là ca kỹ hạ nhân, hầu hạ chúng ta ăn thì được. Nếu muốn ngồi xuống cùng ăn với chúng ta thì e rằng địa vị chưa đủ.

Ánh mắt Vương Tuyệt Chi trở nên rất kỳ quái, hỏi:

– Ngươi là người Hồ, chủ tớ – giàu nghèo cũng phân biệt rõ ràng vậy sao?

Thạch Hổ đáp:

– Không phân biệt chủ tớ làm sao có thể trị gia? Chẳng phân biệt cao quý bần tiện, sao có thể trị quốc? Năm đó Hán Cao Tổ dùng theo kế sách của Thúc Tôn Thông, tại triều đình đã chia ra quý – tiện, lập nên uy vọng của Hán triều. Thạch gia của ta nếu muốn thu phục thiên hạ thì trước tiên phải là quý nhân thì mới có thể làm cho vạn dân quy phục.

Vương Tuyệt Chi thầm nghĩ đạo lý này thật miễn cưỡng nhưng lại không nghĩ ra biện pháp nào để phản bác, đành nhíu mày nói:

– Việc hủ lậu không thông chó má này nhất định không phải do ngươi nghĩ ra. Cuối cùng là ai nói cho ngươi nghe?

Thạch Hổ đáp:

– Trương Tân dâng hiến sách lên cho tòng phụ, tòng phụ sai ta phải tuân thủ như vậy. Tòng phụ từ khi tuân theo phương pháp này thì quần tướng đều sợ hãi mà tuân phục, so với trước kia thì càng thu được nhiều nhân tâm. Hán nhân các ngươi có ngày nay chính là vì họ Tư Mã quá ngu xuẩn mà thôi. Kỳ thực cổ nhân các ngươi truyền lại rất nhiều đạo lý nên tuân theo.

Vương Tuyệt Chi lầm bầm:

– Lại là thằng nhãi Trương Tân! – Đột nhiên nghĩ đến – Trương Tân khuyên Thạch Lặc nên lập uy, phân chia quý – tiện, không lẽ Thạch Lặc thực sự muốn xưng đế.

Thạch Hổ lại nói:

– Trương Tân tuy bất hòa với ta nhưng người này quả thật có những kế sách rất kỳ lạ, khiến người ta không thể không bội phục. Tòng phụ nếu không có hắn phò tá thì quyết không có ngày hôm nay. Trách không được tòng phụ lại tín nhiệm đối với hắn như thế. – Trong tiếng cảm thán, Thạch Hổ lại ăn ba miếng thị lớn, uống ừng ựng hết một bình Bồ Đào tửu.

Vương Tuyệt Chi lại hỏi:

– Trương Tân trăm phương ngàn kế muốn giết ngươi, ngươi vẫn bội phục hắn?

Thạch Hổ đáp:

– Hắn muốn giết ta và ta bội phục hắn là hai việc khác nhau. Cũng như ngươi muốn giết chết tòng phụ của ta nhưng ngươi cũng không thể không bội phục tòng phụ của ta là anh hùng cái thế?

Vương Tuyệt Chi đáp:

– Không sai. – Hắn đáp xong không uống rượu mà lại uống một chén váng sữa đặc.

Thạch Hổ nhìn Vương Tuyệt Chi, cười ha ha, vui vẻ nói:

– A Nguyệt, hát tiếp một khúc hiến cho Vương công tử.

Vương Tuyệt Chi nghe vậy bèn nói:

– A Nguyệt, lúc nãy nàng đã hát một khúc ca u oán, nghe xong trong lòng cảm thấy bi thương lắm. Bây giờ nên hát một khúc có hào khí, cho hợp với bản sắc nam nhân của ta.

A Nguyệt ứng tiếng:

– Vâng, công tử. – Đoạn lấy hơi, hé môi anh đào, chuẩn bị hát.

Thạch Hổ chợt lên tiếng:

– Vương công tử muốn hào khí, chi bằng để ta hát!

A Vi, A Hoàn, A Xuân tam nữ hiểu ý. Cổ, địch, tỳ bà đồng thời tấu khởi. Thạch Hổ nhịp xuống bàn, hát:

Nam nhân mang chí lớn

Bằng hữu không cần nhiều

Phi ưng tung cánh gió

Quần sẻ loạn khiếp uy

Vó ngựa chấn đại địa

Cỏ bụi rạp tung bay

Thiết bài cắm thân eo

Danh vị vượt thế nhân

Khúc hát này vốn mang theo chí khí hùng tráng, do đích thân Thạch Hổ hát lại càng tỏ rõ khí phách nam nhân. Vương Tuyệt Chi không khỏi vỗ tay khen:

– Hảo khúc, hát rất hay.

Thạch Hổ cười ha hả:

– Vương Tuyệt Chi ngươi có hưng phấn không?

Vương Tuyệt Chi đáp:

– Hưng phấn.

Thạch Hổ lại hỏi:

– Ngươi đã no chưa?

Vương Tuyệt Chi đáp:

– No.

– Ngươi có ấm không?

– Tiết trời không lạnh, ta ấm lắm.

Thạch Hổ lại hỏi:

– Ngươi đã nghĩ đến dâm dục chưa?

Vương Tuyệt Chi không đáp, hỏi ngược lại:

– Nghĩ đến thì thế nào, không nghĩ đến thì thế nào?

Thạch Hổ đáp:

– Nơi này có bốn mỹ nữ. Trong đó có ba người vẫn là xử nữ. A Nguyệt có bản lĩnh cực kỳ khéo léo, đủ để ngươi sung sướng lên tiên. Ngươi có thể chọn một người bồi tiếp ngươi, hoặc nếu ngươi thấy chưa đủ thì có thể đồng thời bắt bốn nàng bồi tiếp cũng không sao.

Vương Tuyệt Chi lại hỏi:

– Sau đó thì thế nào?

Thạch Hổ đáp:

– Sau một canh giờ nữa ta sẽ quay lại đây tìm ngươi.

Vương Tuyệt Chi háy mắt nhìn tứ nữ, cười nói:

– Nơi này có đến bốn vị mỹ nhân thiên kiều bá mị. Một canh giờ làm sao đủ được?

Thạch Hổ đáp:

– Không thể lâu hơn. Lúc này tòng phụ ta đang mật đàm đại sự với Mê Tiểu Kiếm. Một lúc nữa, sau khi nói chuyện với Mê Tiểu Kiếm thì sẽ tìm ngươi.

Vương Tuyệt Chi nói:

– Mê Tiểu Kiếm quả nhiên vẫn chưa chết. Hắn với tòng phụ của ngươi mật đàm chuyện gì?

Thạch Hổ lắc đầu:

– Ta cũng không biết. Ngươi cũng không cần phải biết.

Vương Tuyệt Chi đáp:

– Không sai. Một người sắp chết thì không cần thiết phải biết đúng không?

Thạch Hổ cười to:

– Vương Tuyệt Chi, ngươi quá thông minh. Ta thực sự không muốn giết ngươi, chỉ tiếc không thể không giết ngươi!

Vương Tuyệt Chi không đáp, chỉ “ồ” lên một tiếng.

Thạch Hổ nói tiếp:

– Ngươi và Trương Tân đã có ước định. Nếu tòng phụ đồng ý đánh với ngươi một trận thì người sẽ giết ta. Ta bây giờ không thừa dịp ngươi thụ thương mà đoạt mạng thì còn đợi đến khi nào nữa?

Vương Tuyệt Chi nói:

– Ngươi thừa dịp ta bị thương mà ra tay, thừa lúc người ta nguy nan như vậy, có thể tính là hành vi của anh hùng hay không?

Thạch Hổ thản nhiên đáp:

– Ngươi là người trong giang hồ nên mới dùng cái dũng của bọn thất phu. Ta một đời chinh chiến, binh bất yếm trá, thừa cơ địch nhân suy yếu mà nhất cử tiêu diệt. Đó mới là đại anh hùng chân chính.

Vương Tuyệt Chi hỏi:

– Cho nên mười năm qua, Thạch Lặc không hề cùng ai đơn đả độc đấu là vì nguyên nhân này?

Thạch Hổ đáp:

– Đúng là như thế.

Vương Tuyệt Chi lại nói:

– Trước tiên ngươi cho ta ăn no, tắm rửa sạch sẽ, lại dâng mỹ nữ cho ta hưởng dụng. Cũng có thể xem là bằng hữu.

Thạch Hổ thản nhiên đáp:

– Chúng ta vốn chính là bằng hữu.

Vương Tuyệt Chi cười nói:

– Nhưng ngươi đã cứu mạng ta, ta cũng đã cứu mạng ngươi. Giao tình tuyệt đối hơn cả bằng hữu.

Thạch Hổ than thở:

– Đáng tiếc bây giờ ngươi lại muốn giết ta. Ta cũng phải giết ngươi. Bằng hữu liều mạng với nhau.

Vương Tuyệt Chi cũng than rằng:

– Không có cách nào khác. Ai bảo ngươi là người Hồ, ta là người Hán. Ta họ Vương, ngươi họ Thạch?

Thạch Hổ đột nhiên đứng lên, quắc mắt nói:

– Ta đi một lúc sẽ trở lại. Tòng phụ sau khi nói chuyện xong với Mê Tiểu Kiếm thì ta cũng không có cách nào hạ thủ giết ngươi nữa.

Vương Tuyệt Chi nói:

– Không cần.

Thạch Hổ ngạc nhiên:

– Ngươi không thích bốn mỹ nữ này?

Vương Tuyệt Chi đáp:

– Ta thích đến gần chết đây.

Thạch Hổ lấy làm lạ:

– Vậy sao ngươi không hưởng dụng các nàng?

Vương Tuyệt Chi cười nói:

– Ai nói ta không hưởng dụng các nàng?

Thạch Hổ nghi hoặc hỏi:

– Ý của ngươi…?

Vương Tuyệt Chi nói từng chữ một:

– Ý của ta chính là sau khi ngươi chết thì ta sẽ hưởng dụng các nàng. Hơn nữa khi đó ta muốn vui vầy bao lâu tùy thích!

Thạch Hổ ngửa mặt lên trời cười lớn:

– Vương Tuyệt Chi quả nhiên là Lang Gia Cuồng Nhân. Thân thể ngươi trọng thương mà vẫn nghĩ có thể giết được Thạch Hổ ta. Quả thực là cuồng nhân.

Hắn chậm rãi thu lại thanh âm vui vẻ, âm trầm nói:

– Hôm nay, nếu ngươi có thể tiếp được một trăm chiêu của ta thì Thạch Hổ sẽ tự tay cắt lấy thủ cấp, dâng cho ngươi.

Vương Tuyệt Chi nói:

– Ta hy vọng ngươi có thể hiểu được hai chuyện.

Thạch Hổ hỏi:

– Hai chuyện?

Vương Tuyệt Chi đáp:

– Ta là Lang Gia Cuồng Nhân Vương Tuyệt Chi, cho dù bị thương vẫn có thể giết ngươi.

Thạch Hổ nhìn vẻ mặt Vương Tuyệt Chi tỏa ra sát khí lạnh lẽo, trong lòng không khỏi khẽ rùng mình:

– Chuyện thứ hai là gì?

Vương Tuyệt Chi đáp:

– Chuyện thứ hai chính là giết ngươi không nhất định phải do ta động thủ.

Hắn vừa nói xong thì Thạch Hổ đột nhiên thấy phía trước xuất hiện hai người.

Chú thích:

(1): no ấm sinh dâm dục


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.