Nhắc lại Chuyện cũ, biển bức hưởng khói hương lễ bái của dân chúng Quán Khẩu được gần một ngàn năm, bỗng đâu lão giao xuất hiện, đập phá tan nát miếu thờ. Biển bức vốn người trung hậu, an phận, thấy thời hạn một ngàn năm cũng sắp hết, không gây chuyện chống đối làm chi, mới trở vế núi bái yết sư phụ là Văn Mỹ chân nhân, đem chuyện kể lại sơ lược. Chân nhân lặng yên suy nghĩ hồi lâu, mới cất tiếng thở dài :
– Con xuất thân dị loại, lại thuộc loài động vật quá nhỏ bé, đạt được thành tựu như thế, là được lắm rồi ! Từ thủa khai thiên lập ra đến giờ, những động vật nhỏ mà tu đạo thành người, mai sau còn có tiền trình rộng lớn, e rằng ngoài con ra, vị tất đã có người thứ hai. Xét kỹ ra, ông Trời cũng không bạc đãi con đâu. Việc gì cũng vậy, không đủ phúc phận mà được hưởng, ắt gặp phải nhiều thế lực ngăn trở, ngoài ý muốn. Thất bại càng nặng, thành công càng lớn, mà sự thành công đó mới đáng quí trọng: Vì thế, con nên tiếp tục tu luyện thêm vài năm nữa, ắt thành tiên đạo. Chúng sinh trên đời này cứ đổ xô đi học làm tiên, có biết đâu rằng thành tiên đâu phải chuyện dễ ? Mà tiên với người, có khác nhau bao nhiêu ? Chỉ thấy tiên là đáng quí, nhắm mắt nhắm mũi để học làm tiên, mà chẳng có chút tài năng nào, thì thứ tiên như thế, chúng ta khổ công tu luyện để đạt tới làm chi ?
Biển bức cúi đầu, nói :
– Đệ từ đã hiểu. Đệ tử tuy xuất thân là dị loại, lại thuộc loài động vật nhỏ bé, nhưng từ khi được sư tôn thu nhận vào môn hạ, lại thụ hưởng một ngàn năm hương khói, tuy không dám nói có chút thành tựu, cũng đạt được một phần nhân tính. Từ nay đệ tử quyết chí tu luyện, chẳng dám tự cao tự đại, dù có gặp thất bại, gian khổ cỡ nào, cũng không từ bỏ việc tu hành.
Chân nhân nghe vậy, tỏ ý hài lòng, nói :
– Không dè con có nghị lực và quyết tâm đến thế. Quả là kẻ kiệt xuất trong loài vật, mai sau sẽ thành công rất lớn, không biết đâu mà lường ! Để giúp con trong việc tu luyện, ta sẽ viết một điệp văn gửi tới điện của Chuyển Luân vương dưới âm phủ, nhờ ngài đưa con đi chuyển kiếp làm người, chọn một nhà lương thiện cho con đầu thai. Con hãy xác định rõ mục đích tu hành, minh tâm kiến tính, đừng để lợi dục dụ dỗ, tài sắc mê hoặc, thấy điều nghĩa làm ngay, coi điều ác như kẻ thù, gặp điều thiện ra sức mà làm, tránh xa mọi điều tà. Cứ vậy mà làm, không bao giờ trễ biếng. Khi cơ hội tới, sẽ có người hóa độ cho con thoát khỏi mọi ràng buộc của cuộc đời Trong đám học trò, thầy chỉ trông mong ở một mình con là người có nhiều cơ may thành công.
Biển bức nghe lời thầy dạy, cảm kích rơi nước mắt, nói :
– Đệ tử đã lĩnh hội được rồi. Đệ tử chỉ biết tu đạo, thuận mệnh, không kể thành bại. Có sư tôn chỉ bảo rõ ràng như thế, lẽ nào đệ tử lại chẳng thành công ?
Văn Mỹ chân nhân rất hài lòng, lập tức viết điệp văn, sai người đưa biển bức xuống âm ti. Lại thấy biển bức quì xuống, thưa rằng :
– Đệ tử còn một lời, muốn hỏi sư tôn. Vừa rồi thầy nói : “Sau này, khi cơ hội tới, sẽ có người thoát độ cho đệ tử”, chẳng lẽ sư tôn lại bỏ rơi đệ tử, không cứu vớt nữa ? Đệ tử đội ơn sư tôn chỉ bảo dẫn dắt. Ơn đức rộng như trời biển, lẽ nào đệ tử còn phải vái một sư phụ khác ? Đó là điều đệ tử còn đang phân vân !
Chân nhân nghe học trò nói vậy, khẳng khái nói :
– Thầy trò gặp nhau đều bởi duyên phận; duyên hết thì chia lìa, đó là lẽ thường. Vả lại quan hệ giữa thầy trò ta không phải tới đây là chấm dứt đâu. Chẳng qua người hóa độ cho con không phải là ta nữa, nhưng tài năng cũng không kém gì ta, lại là sư huynh đệ với ta.
Biển bức nghe vậy, buồn vui lẫn lộn. Văn Mỹ chân nhân viết xong điệp văn, sai Hoàng cân lực sĩ đưa biển bức xuống Địa phủ. Đúng lúc đó, Diêm vương đang tra xét sổ sách, nói :
– Hà Nam có một người họ Tôn tên Kiệt, tích đức đã lâu cứu người vô số, hiện tại chưa có con, có thể đưa biển bức tới đó đầu thai.
Lập tức sai phán quan viết hồi văn, trả lời Văn Mỹ chân nhân, đồng thời cử người đưa biển bức đi đầu thai.
Lúc đó, La Viên, vợ Tôn Kiệt, hoài thai được mười tháng, đêm nằm mộng thấy một ông quan, đưa tới một con phi cầm đen sì, nói với cô ta :
Vợ chồng ngươi hành thiện đã nhiều năm, cảm động lòng trời, nay Diêm vương sai ta đưa một con tiên cầm tới làm con trai cho vợ chồng ngươi. Con vật này vốn thuộc dòng tiên, tiền trình rộng mở vô hạn. Các ngươi hãy khéo nuôi dưỡng nó, chớ xem thường !
Nói rồi, buông tay thả phi cầm ra, nó liền chui vào bụng, La Viên giật mình tỉnh dậy, lập tức cảm thấy bụng đau dữ dội. Chừng nửa giờ sau, có tiếng “Oa oa”. Thì ra là một cậu bé xinh xắn, mặt trắng môi đỏ, mày thanh mắt sáng. Vợ chồng mừng không biết để đâu cho hết. Chiếu theo giấc mộng, biết đứa bé không phải người tầm thường, lòng rất được an ủi. Lại thấy nó do thần tiên ban cho, mới đặt tên là Tiên Tứ.
Tháng ngày thấm thoắt, chẳng bao lâu Tiên Tứ đã được mười tuổi. Vợ chồng Tôn Kiệt mời một ông thầy danh tiếng về dạy cho con. Tiên Tứ bẩm sinh thông minh, học một biết mười. Đến năm mười bốn tuổi, đã đọc thông kim cổ sử sách, hiểu nhiều điển tích. Tiếng đồn lan rộng, xa gần đều biết đứa con của Tôn Kiệt là do thần tiên ban cho, sinh ra đã có kỳ tài. Sớm có châu quan 1 họ Phong, nghe danh mới đánh tiếng, muốn nhận làm rể. Vợ chồng Tôn Kiệt thấy Tiên Tứ còn trẻ, không muốn cho đi xa, trước mặt châu quan đã mấy lần chối từ. Không dè châu quan nói chuyện với Tiên Tứ một hồi, biết cậu là người có học thức, muốn giúp đỡ, mới nói với Tôn Kiệt :
– Lão tiên sinh vẫn coi công tử là một cậu bé hay sao ? Cậu ấy tuy còn ít tuổi, đã có học thức uyên thâm, những người thanh niên tầm thường không sánh nổi đâu. Hãy cho cậu ấy đi theo, giúp đỡ hạ quan, chuyên coi về án văn, ắt có thể tạo phúc cho địa phương, vì dân trừ hại. Đợi một, hai năm sau, hạ quan sẽ bảo cử cho cậu ấy vào triều làm quan, mới có thể thi triển hết kỳ tài của cậu.
Tôn Kiệt không nỡ chối từ, cùng vợ bàn bạc, cho Tiên Tứ đi theo châu quan.
Từ đó, hễ có việc chính trị nào quan trọng ở địa phương, đều hỏi ý Tiên Tứ, sau đó mới cho thi hành. Tiên Tứ cảm ơn tri ngộ của châu quan, gặp việc gì cũng ra sức mà làm, chỗ đáng nói không ngại góp ý. Chưa đầy một năm, việc chính trị trong châu đổi mới, dân chúng cảm phục, ca ngợi. Châu quan rất hoan hỉ, lại theo lời hứa trước kia, bảo cử Tiên Tứ vào triều, nhận chức hạ đại phu. Bấy giờ Tiên Tứ chưa đầy hai mươi tuổi, nổi tiếng thiếu niên anh tuấn, trong triều ngoài dã đều xưng tụng. Nhiều quí nhân, đại quan có con gái, nhờ người làm mai, gọi gả. Tiên Tứ còn trẻ mà đã chín chắn, lại dự việc triều chính, thường lấy việc nước làm trọng, chưa bận tâm tới việc hôn nhân, nên vẫn tìm cớ chối từ những người mai mối, nói rằng còn phải đợi lệnh cha mẹ.
Sau có một quan thượng đại phu là Bá Cao, quá ái mộ Tiên Tứ, quyết định đem cô thứ nữ hứa gả cho. Tiên Tứ lấy cớ đợi lệnh cha mẹ để chối từ, Bá Cao đích thân tới thăm vợ chồng Tôn Kiệt, bàn chuyện hôn nhân. Vợ chồng Tôn Kiệt từ lâu nghe biết hai vị tiểu thư đều có tài đức, tất nhiên tán thành. Đàng trai, đàng gái thỏa thuận với nhau, định ngày cưới vào tháng ba, năm sau.
Nào ngờ, vào mùa đông năm đó, thứ nữ của Bá Cao, tên gọi Tuệ Nhi, nhân lúc ở vườn hoa đứng coi cho đám gia nhân bẻ cành mai, bỗng nhìn lên thấy ngoài bờ rào có một người đàn ông trẻ tuổi qua chỗ trống của hàng rào, nhìn soi mói vào bên trong. Tuệ Nhi trong lòng không ưa, định đứng dậy, trở vào nhà trong. Vừa bước vài bước, bỗng thấy trước mắt xuất hiện một luồng sáng xanh, chiếu lóa mắt, tức thì thần trí hôn mê, ngã lăn ra đất. May có mấy cô nha hoàn, bộc phụ thường đi theo hầu hạ, xúm vào đỡ cô dậy, cất tiếng hô hoán. Lúc đó Tuệ cô hầu như đã phát chứng điên, miệng la be be, đòi ra vườn hoa cho bằng được. Không hiểu cô kiếm đâu ra khí lực mạnh mẽ, ba, bốn người đàn bà nắm giữ cô lại cũng không nổi. Một cuộc náo loạn xảy ra, làm kinh động tới những người bên trong. Vừa hay Bá Cao tan chầu về, nghe được chuyện lạ, vội cùng phu nhân là Cổ thị, và trưởng nữ là Cúc cô, dẫn theo toàn thể đám gia nhân nam nữ, chạy ra vườn hoa.
Họ thấy mấy cô hầu gái trì kéo Tuệ cô, Tuệ giận dữ, trừng mắt nhìn lại, ra sức phản kháng, khiến mấy cô hầu gái rã rời gân cất.
Nhìn lại Tuệ cô : áo rách tả tơi, đầu bù tóc rối, chẳng thành hình dạng gì. Lại thêm hai mắt nhìn thẳng, miệng phun nước bọt phè phè kêu be be, nói nhảm nói nhí. Thấy cha mẹ, cô cũng không thẹn thùng, sợ hãi, vẫn tiếp tục giằng co để thoát ra ngoài vườn. Cổ thị nhìn tình cảnh đó, đau lòng quá, vội tiến lại, ôm lấy Tuệ cô, mà kêu khóc :
– Con ơi, con làm sao vậy ? Con không thương mẹ nữa ư ?
– Bá Cao biết con bị tà ma nhập, không thèm hỏi han lôi thôi, giang thẳng cánh tay tát cái bốp, hét to lên :
Yêu ma nào, dám ở đây mà lộng hành ? Còn chưa nghe danh ta là Bá đại phu, đời đời trung lương, với người không có lỗi, với trời không ngỗ nghịch ? Thần tiên trên thượng giới còn không dám khinh thường ta, huống gì tiểu yêu ma, dám vô lễ như thế ? không mau cút đi, ắt ta thỉnh mệnh các vị đế quân của hai giới tiên, phàm, xử trị ngươi bằng nghiêm hình, hối thì đã muộn !
Câu nói vừa dứt, quả nhiên Tuệ cô không còn hung hăng như trước nữa. Cô không nói gì, nhấc gót bước đi, mọi người vội theo sau. Cô tiến vào trong nhà, trở lại phòng ngủ của mình. Vẫn không nói gì, leo lên giường ngồi ngay ngẩn, tà khí lộ ra sắc mặt. Vợ chồng Bá Cao không biết làm sao, đành mời nhiều thầy thuốc danh tiếng về chẩn trị cho con gái. Người nói rằng tà nhập vào tim, e rằng sẽ mắc bệnh điên. Người nói là bệnh hen suyễn làm tắc van tim, hễ đờm khạc ra được ắt khỏi bệnh. Mỗi người nói một cách, chẳng biết tin ai, Bá Cao mới bảo mỗi thầy viết ra một phương thuốc. Các dược liệu sử dụng, có thứ giống nhau, có thứ khác nhau, nên chẳng biết thầy nào đúng, thầy nào sai, phương thuốc nào dùng được, phương thuốc nào không. Trong khi đó, Tuệ cô chỉ cười nhạt, trước sau chẳng nói tiếng nào.
Cổ thị nêu ý kiến là khấn vái trời đất, đem tất cả các toa thuốc gom vào một chỗ, bảo Bá Cao thành tâm khấn nguyện, khấn xong nhặt đại một toa thuốc, kể như ý trời chỉ bảo. Bá Cao làm theo như thế, lựa được một toa thuốc, sai người đi cắt thuốc.
Thuốc đem về sắc lên, đổ ra chén, đưa Tuệ cô uống. Tuệ cô cầm chén thuốc ngắm nghía, chợt cất tiếng cười vang. Rồi đột nhiên đổi sang giọng đàn ông, nói :
– Các ngươi quả là một lũ mê muội. Mấy tay lang băm trên đời mà viết ra toa, e rằng ngàn, vạn thang thuốc cũng không chữa khỏi bệnh cho tiểu tỉ đâu ! Tiểu tỉ hoàn toàn khỏe mạnh, chẳng có bệnh tật gì cả. Nếu không tin, hãy mời một thầy thuốc hiểu mạch lý về đây bảo ông ta xem mạch thử coi. Ta bảo đảm rằng bắt mạch sẽ không thấy bệnh gì. Tức cười cho các ngươi mời về một lũ giá áo túi cơm.
Nói rồi, cầm chén thuốc đổ vào trong cái chậu đặt dưới đất. Lạ lùng thay, chén thuốc nho nhỏ thôi, mà thuốc đổ vào đầy chậu, còn tràn ra ngoài, lại dựng đứng lên thành hình cái tháp. Mọi người kinh hãi quá chừng. Bá Cao phẫn uất nói :
– Bá Cao ta tuy chẳng hơn ai, nhưng tự vấn lương tâm chưa làm điều gì ác, tại sao lũ tà ma này lại tới tìm ta gây chuyện ?
Nói rồi, bất giác rơi nước mắt. Cổ thị khóc lóc bi ai. Tuệ cô lại cất tiếng đàn ông, nói giọng cười cợt :
Hai vị lão nhân gia chẳng cần buồn giận. Thấy Bá đại phu vừa rồi nói giọng ngông cuồng, ta chẳng thèm đôi co với ông ấy làm chi. Nay thấy hai người đáng thương, ta nói thật cho mà biết. Ta vốn là Tây Hải long thần, vì nhất thời nóng nẩy, đã gây chuyện ở địa phương Quán Khẩu. Nơi đó có đồ đệ của Văn Mỹ chân nhân, vốn là một con dơi, đã vâng lệnh thầy, thụ hưởng hương khói lễ bái của người dân Quán Khẩu. Ta thấy nó cậy giao hảo với lão long ở Quán Khẩu, nhìn chân long ta bằng nửa con mắt, ta mới tức mình phá nát miếu thờ của nó. Nó không chịu nhịn, lôi kéo lão long tới, gây chuyện với ta, đem dìm ta xuống dưới đáy biển, không ngóc đầu lên nổi. Bị dìm dưới đáy biển, ta không thể đối địch với lão long. Cũng may có sư phụ của lão long là Phiếu Diểu chân nhân, vâng lệnh Lão Quân tổ sư, tìm tới Quán
Khẩu, hội ý với thần Nhị Lang, giải quyết vụ án “lão long dời núi lấp biển”, đem cải tạo chỗ trước kia là nước biển thành một giếng muối rất lớn. Bên cạnh giếng muối, lại thiết lập một hỏa sơn, giúp cho dân chúng có lửa để nấu muối mà dùng. Tình cờ làm sao, chân núi lửa lại đặt ngay chỗ ta bị dìm. Đợi chúng khởi công động thổ, rình lúc chúng sơ ý, ta thoát ra ngoài, trốn đi liền. Nghe nói con dơi kia hiện thác sinh làm con trai nhà họ Tôn, nay lại làm rể nhà ông bà, và làm quan tới chức hạ đại phu. Đây là lúc ta tìm nó để trả thù. Không ngờ đi qua vườn hoa nhà ông bà, tình cờ trông thấy lệnh ái 2 , ta biết ngay đó là vợ chưa cưới của con trai nhà họ Tôn. Cô nương xinh đẹp như thế, lẽ nào kẻ thù của ta lại có phúc phận thụ hưởng ? ông bà nên biết điều, mau hủy cuộc hôn nhân này đi. Tên tiểu tử này là kẻ thù mà ta căm hận, ta nhất định phải đi tìm nó. Sớm muộn gì nó cũng chết về tay ta. Con gái ông bà mà gả về bên đó, sẽ thành quả phụ , chi bằng sớm lìa xa, lại hay hơn .
Bá Cao nghe vậy, nổi giận, nói :
Nói nhảm ! Người cùng con dơi chống đối nhau, ngươi phá hủy miếu thờ của nó, nó chớ hề hỏi tội ngươi mà ! Ngươi muốn nếm mùi đau khổ là do lỗi của lão long, có liên quan gì tới con dơi? Con gái ta lại dính líu gì vào chuyện này ? Ngươi thuộc dị loại, mà có thể biến hóa thành hình người, kể cũng có đạo thuật đấy ! Nhưng phải hiểu đạo lý chứ ? Ngươi hãy nghĩ lại coi, cái thứ sợ mạnh hiếp yếu như ngươi, có trả được thù, rửa được hận chăng nữa, có giữ nổi thể diện hay không ?
Tuệ cô nghe vậy, liền nổi giận, hét lên :
Giỏi cho lão già, ta có ý tốt khuyên nhủ, ông dám chê cười ta là sợ mạnh hiếp yếu hả ? Con dơi và ngay cả lão long, sớm muộn gì cũng bị ta tiêu diệt, trả thù. Nhưng thôi, không nhắc tới chuyện đó nữa. Còn con gái ông, đem gả cho tên tiểu tử nhà họ Tôn thật uổng phí, chi bằng gả cho thần long ta cho rồi. Luận về thân thế, nó chỉ là một quan chức nhỏ, còn ta là thần long oai quyền, luận về bản lãnh và đạo pháp, nó chỉ là thằng lỏi con chốn phàm trần, làm sao có thể so sánh với ta có pháp thân tu luyện một vạn năm? Luận về tương lai tốt đẹp, gả cho ta làm vợ, ta ắt hóa độ cho nàng thành tiên, ngay cả ông bà là bố vợ, mẹ vợ, cũng có nhiều điều ích lợi ? Nói gọn một câu, ta có thể tặng cho ông bà một viên kim đan trường sinh bất tử, có tốt không nào ? Còn tên tiểu tử kia, có tài năng gì ? Có chỗ nào là tốt đẹp ? Vợ chồng ông là những người hiểu biết, hãy bàn bạc với nhau, đừng để lầm lỡ chuyện chung thân của con gái mình !
Bá Cao giận dữ nói :
– Ngươi khoe khoang là thần long, nhưng thần long đâu có hành vi vô lễ, vô pháp như thế ? Đâu có cưỡng ép gái có chồng như ngươi? Ta thiết nghĩ ngươi nhất định là loài tôm cá, ba ba nào đó ở dưới biển, tu thành yêu pháp, tới đây để mê hoặc người đời, giết hại dân chúng. Ngươi có những hành vi vô thiên vô pháp như thế, e rằng trời không dung tha cho ngươi đâu ! Ta là người dương gian, không thể chế ngự nổi yêu pháp của ngươi, nhưng trên trời chẳng thiếu thần nhân, không để cho ngươi nói sằng, làm bậy, độc hại lương dân đâu !
Con yêu thấy Bá Cao nói trúng lai lịch của nó, thẹn quá hóa giận, đập phá đồ đạc, cầm ngang cây đao, coi bộ muốn làm dữ. Cả nhà họ Bá kinh hãi rụng rời, run lẩy bẩy. Cổ thị vội tiến lại năn nỉ, cầu xin, con yêu mới tạm tha.
Phu nhân lo sợ, không biết chừng nào con yêu lại dở chứng, đành đi mời một vị pháp sư, họ Đinh, tên Đắc Toàn, về nhà bắt yêu.
Đinh pháp sư cầm “Thất tinh bảo kiếm”, khoác áo đạo bào vẽ hình bát quái, mặt mày trang nghiêm, có khí tượng của thần tiên. Ông lên đàn vẽ bùa, chỉ Đông vạch Tây, múa may một hồi, cầm lệnh bài đập ba cái, miệng niệm lâm râm, rồi hét to lên :
– Thái thượng Lão Quân cấp cấp như luật lệnh !
Câu nói vừa dứt, bỗng nhiên một luồng hắc khí nổi dậy, bay lên đài, đánh trúng vào pháp sư. Đinh pháp sư hoảng hồn, vất lệnh bài xuống sân, cầm bảo kiếm múa loạn lên, như phát cuồng.
Dưới đàn, đám đông đứng coi đều cho rằng pháp sư đang ra sức đánh với yêu tinh, có ý kính phục ông là người đạo hạnh thâm hậu: Nào ngờ Đinh pháp sư múa kiếm một hồi, khí đen không tan đi mà còn bay thẳng vào mặt pháp sư, nhuộm khuôn mặt như quét một lớp sơn đen, xấu như ma. Người dưới đàn thấy vậy, cười rộ lên, ai cũng nói :
– Đinh pháp sư biến thành người da đen rồi !
Đinh pháp sư múa may loạn xạ, mồ hôi ra thánh thót, há miệng muốn nói, nói không thành tiếng. Ngay cả câu “Cấp cấp như luật lệnh !” cũng không thốt ra nổi. Lúc đó mọi người mới hiểu pháp sư không thu phục nổi con yêu, còn bị nó thu phục là khác.
Bá Cao là người nhân đức, không nỡ nhìn cảnh đó, đành cùng Cổ phu nhân lên tiếng năn nỉ, cầu xin năm lần bảy lượt. Con yêu đang nhập vào người Tuệ cô, bức bách vợ chồng Bá Cao phải tôn xưng nó là “thượng tiên”, hứa từ nay không dám làm điều gì đắc tội với nó, cũng không được mời một pháp sư nào khác về bắt yêu. Vợ chồng Bá Cao nhất nhất đáp ứng. Liền thấy Đinh pháp sư hô to lên:
– Thượng tiên tha mạng ! Tiểu đạo đã biết tội !
Nói vừa dứt lời, ngã lăn ra sàn. Bá Cao vội sai người lên đàn, khiêng ông ta xuống, đem đặt ở nhà sau cho ông nghỉ ngơi, lấy nước lạnh cho ông uống, dần dần tỉnh lại.