Bát Tiên Đắc Đạo

Chương 13 - Thứ Lòng Dạ, Thiếu Niên Lập Chí Tròn Hiếu Đạo, Tam Thư Khéo Giảng

trước
tiếp

Cô gái thấy Tiên Tứ rụt rà rụt rè, chẳng dám bước tới, liền cười một chập, tiến lại vài bước, nói :

– Công tử khiếp nhược như thế, tưởng một cô gái yếu đuối như tôi có thể là hổ lang, yêu quái hay sao ?

Tiên Tứ thấy cô kia dáng vẻ ôn nhu, hình dung xinh đẹp, chắc rằng cô không phải người xấu, nên cũng cười gượng gạo, nhờ cô chỉ đường ra khỏi vườn hoa. Cô gái nói :

– Tôi cũng không phải người ở gần đây. Nhân vì ông nội tôi là ông lão cai quản vườn hoa, thường dẫn tôi vào đây ngắm hoa, nên tôi khá quen thuộc đường đi nước bước trong này. Thấy công tử cứ ngần ngừ chỗ ngã rẽ trên đường, lúng ta lúng túng, nên tôi biết công tử lạc đường, không ra khỏi đây. Trước kia tôi vốn là hàng xóm của công tử. Mỗi ngày công tử đi ra, đi vào, tôi đều nhìn thấy, nên tôi nhận biết công tử. Đã là chỗ quen biết, lẽ nào lại không chỉ dẫn một lời ? Dè đâu công tử không nhận ra tôi, còn nghi là người xấu, nuôi sẵn ác ý. Thật đáng tức cười !

Tiên Tứ nghe cô kia nói vậy, mới nhận ra người quen, nói :

– Thì ra cô là hàng xóm, láng giềng. Xin thứ lỗi cho tôi, con mắt hạn hẹp, nhìn mặt không nhận ra người quen, quả đáng cười, đáng thẹn ! Bây giờ xin cô nương chỉ đường dẫn lối, cho tôi sớm ra khỏi vườn hoa, trở về nhà, cảm kích vô cùng !

– Anh cũng là người tốt, nghe biết là chỗ láng giềng lâu năm, sao không hề hỏi tôi họ Trương hay họ Lý ? Đúng là quý công tử, quan chức lớn, không thèm biết tới kẻ thấp hèn.

Tiên Tứ nghe vậy, tự thẹn trong lòng, vội nở một nụ cười, nói :

– Đúng là tôi có lỗi, đã không thỉnh giáo cao danh quí tính của cô nương. Tôi nhất thời nóng vội, không kịp hỏi tới, xin cô lượng thứ!

Cô gái cười, gật đầu :

– Thế mới hợp đạo lý. Tôi họ Hồ, không có danh hiệu gì. Người ta thường gọi tôi là “tam thư ” (cô ba), mỗi khi anh muốn gọi tới tôi, cứ kêu “tam thư” là được.

Tiên Tứ lẩm nhẩm ba tiếng “Hồ tam thư” trong miệng, trong lòng nghi hoặc. Đã là gái khuê môn nhà lành, sao cô này không biết thẹn thùng, nói năng phóng túng như thế ? Cô gái này nhất định không phải người tử tế. Anh lại nghĩ tiếp :”Mặc kệ cô ấy, hiện giờ chỉ biết cầu xin cô chỉ đường, ra khỏi cửa vườn hoa này cho mau”. Đang suy nghĩ như vậy, đã thấy cô kia mỉm cười, nói :

– Công tử nghĩ gì thế ? Tôi đã đoán ra ý công tử, nhất định nói tôi là thứ con gái bạ đâu nói đấy, cười cười cợt cợt, chẳng có vẻ gì là một tiểu thư cô nương con nhà quan, phải vậy không ? Nói thật với anh, tôi tất nhiên không phải tiểu thư con quan, nhưng cũng chính vì xuất thân không cao, tôi chỉ biết nói sự thật, không chuộng hư văn. Vì trước đây đã nhiều lần được thấy tôn nhan, nên hôm nay tình cờ gặp nhau, tôi nhận là chỗ quen biết, mới chỉ đường dẫn lối cho anh.

– Tiên Tứ không biết đường đâu trả lời, chỉ luôn miệng “dạ dạ”.

Cô gái mới đưa anh đi một đoạn đường núi. Tiên Tứ đứng lại, tính ngỏ lời cáo từ, nói :

– Nhờ nương tử chỉ dẫn, tiểu tử đã hiểu rõ , có thể tự tìm được lối ra, không dám phiền cô đưa đi xa hơn.

Hồ Tam thư cất tiếng cười rộ :

– Nhà quan các anh nói giọng kiểu cách, không quen với tôi. Chẳng qua tôi chỉ đưa anh đi vài bước, có gì mà phải khách sáo ? Nói thực cho anh biết : đường lối trong hoa viên này rất đỗi khúc khuỷu. Anh hãy nhìn thử trước mặt có hai ngã rẽ kia, đường nào cũng có thể thông ra bên ngoài. Nhưng đi chừng một đổi, mới thấy khó khăn, không tài nào phân biệt nổi, vì trên chỗ đường cong lại có đường cong khác, biết ngã rẽ này lại thấy ngã rẽ khác, loanh quanh một hồi lại trở về điểm xuất phát. Không có người dẫn đường, anh có đi nổi không ?

Tiên Tứ nghe lời giải thích quá đúng, tỏ ý trù trừ. Lại thấy trời không còn sớm, cô nam quả nữ cùng ở chỗ vắng vẻ này mà trò chuyện, thật bất tiện. Vạn nhất bị người trong hoàng cung bắt gặp, chỉ tội cho cô gái mang tiếng oan khó giải thích.

Nghĩ tới đó, Tiên Tứ cảm thấy việc này thập phần mạo hiểm, càng nghi càng sợ. Nhưng cô gái tỉnh như ruồi, cứ sải bước chân tiến về trước, thái độ mạnh mẽ như một nam nhi anh tuấn, không có vẻ gì là một cô gái khuê các, khiến Tiên Tứ đem lòng nể sợ cô, cứ cúi đầu, lẽo đẽo theo sau, chẳng dám nói chuyện nhiều với cô.

Hồ Tam thư tuyệt nhiên không hiểu được nỗi khổ tâm của Tiên Tứ, đi một quãng lại quay đầu hỏi chuyện anh. Tiên Tứ không biết làm sao, đành bớt mồm bớt miệng, cớ hỏi mới nói, và cũng chỉ trả lời vắn tắt, không khinh suất nói thêm một lời.

Cũng may, hai người ra khỏi cửa vườn hoa, và trên đường đi không từng gặp một người nào. Bấy giờ Tiên Tứ mới nhẹ nhõm trong lòng, thầm cảm kích cô gái. Vừa định mở miệng cảm tạ, dường như Hồ Tam thư đã biết trước ý định của anh, liền nói :

– Này công tử, anh đã ra khỏi cửa vườn, tính lờ tịt người ta, không thèm mời tôi về nhà ngồi chơi, uống chén trà, ăn miếng bánh hay sao ? Việc đó có phí tổn chi nhiều, mà biểu lộ rõ cả nhà công tử đều biết lễ nghĩa, có đạo đức.

Tiên Tứ không dè cô ta lại nói những lời như vậy. Thật lòng anh rất muốn mời cô đi cùng, nhân đó ngỏ lời cám ơn. Nhưng lần đi này phải qua một khu chợ đông đúc, người qua lại nhòm ngó nhất định phải nhiều. Một nam một nữ, kẻ trước người sau, cùng đi chung, còn ra thể thống gì ? Cũng may lần này cô gái lùi lũi đi phía trước, không quay đầu lại bắt chuyện với anh nên người đi đường chẳng ai nghi ngờ hai người đi chung với nhau. Tiên Tứ rất được yên lòng.

Không bao lâu, hai người về tới nhà. Cha mẹ Tiên Tứ, thấy con trai đi suốt đêm không về , đang lo lắng quá chừng. Nay thấy cậu trai cưng trở về , dẫn theo một cô gái lạ mặt, vừa mừng vừa kinh ngạc. Tiên Tứ đem tình tiết việc trước kể lại sơ qua, lại chỉ Tam thư, nói :

– May nhờ Tam thư giúp đỡ, con mới ra khỏi vườn hoa, không mắc phải tai họa gì lớn lao.

Vợ chồng Tôn Kiệt biết được sự tình, vội mời Tam thư ở chơi, ngỏ lời cảm tạ. Tam thư cúi chào ông bà già, mọi người hân hoan, cởi mở tâm tình.

Từ hôm đó trở đi, Tiên Tứ coi công danh phú quí nhạt như mây khói, chỉ mong sao sớm thoát kiếp hồng trần, sớm lên tiên cảnh, thỉnh thoảng có đem ý nghĩ đó thưa với cha mẹ. La Viên vốn có căn khí, lại biết Tiên Tứ là người của tiên ban cho, đương nhiên không thể ở lâu cõi trần, nghe con nói vậy cũng không phản đối lắm. Trái lại, Tôn Kiệt trước đây mong mỏi có một mụn con nối dõi, đã phải cầu Trời khấn Phật, lễ bái khắp nơi mới có được cậu trai cưng, lẽ tự nhiên chỉ mong con nối dòng thi thư, làm vinh hiển tổ tông.

Lại thêm một nỗi, việc gia thất đã ước hẹn, mà chưa thành, đột nhiên cậu ta nảy sinh ý niệm xuất gia, chẳng hóa ra bao điều mong ước của hai ông bà già suốt hai mươi năm qua đành để trôi theo giòng nước ? Vì thế, chủ trương của hai cha con không thể dung hòa.

Tiên Tứ lập chí kiên định, dẫu kính nể cha, cũng không để ông áp chế, mà thay đổi ước nguyện trong lòng. Tôn Kiệt cương quyết thề rằng, trừ phi mình chết đi, buông xuôi hai tay, không thể quản lý chuyện gia đình nữa, mới phải chịu, chứ quyết không để Tiên Tứ được tự do tự tại, có những hành động vượt khuôn phép như thế.

Nhưng lúc này, việc căng thắng giữa hai cha con cũng chưa quan trọng bằng vấn đề hôn nhân của Tiên Tứ. Một bên quyết không lấy vợ, bên kia chỉ mong cho hôn sự chóng thành. La Viên phu nhân đứng giữa lại có chuyện khó khăn khác.

Số là Hồ Tam thư từ khi cứu Tiên Tứ ra khỏi vườn hoa, đưa về tận nhà, cha mẹ anh rất hân hoan, mời cô những lúc rảnh rỗi, cứ lại nhà chơi. Tam thư nhận lời, thỉnh thoảng tới chơi nhà họ Tôn, cùng Tôn Tứ trò chuyện, thân mật khác thường. Tam thư có tướng mạo tốt lại thông minh. Bất cứ sự tình gì, không đợi Tiên Tứ phải mở miệng, cô đã thay anh giải quyết, lần nào cũng được ổn thỏa, lại không tránh tị hiềm, không ngại vất vả. Những chuyện có liên quan tới Tiên Tứ, cô đều nhúng tay vào, và làm việc gì cũng đều hoàn thiện.

Tiên Tứ là người rất thành thật không hề giả dối, nên thật lòng cảm ơn cô, tự nhiên đối đãi tử tế với cô. Về phần vợ chồng Tôn Kiệt, mỗi người có một kiến giải khác nhau. Tôn Kiệt thấy Tiên Tứ không thích lấy vợ, lại chuyện trò vui vẻ với Tam thư, chắc là cậu ta không muốn cưới con gái ông Bá Cao, mà tính lấy Tam thư làm vợ, nên mới thác cớ muốn đi tu đấy thôi.

Đối với gia đình Bá Cao, tuy không có điều gì để chê bai, nhưng muốn ngăn chặn ý xuất gia của con trai, sao không nhân điều bất hạnh này, tìm ra một điều đại hạnh ? Vì thế, ông không còn oán giận Tam thư vì tính buông tuồng mà còn có ý tác thành cho hai người. Ông thường khi lựa lời ướm hỏi cô, nhưng Tam thư không hiểu ý ông, tỏ vẻ dửng dưng. La Viên phu nhân thì cho con trai mình là tuồng hiếu sắc thám dâm, Hồ Tam thư là kẻ ham chuộng vinh hoa phú quý, có ý tự mai mối cho mình, nên tỏ ra rất khinh bỉ cô, thường nói năng lạnh nhạt, cười khẩy, mong cô tự biết thân phận mà rút lui.

Tam thư lại làm mặt dầy mày dạn, không lý tới những lời dèm pha, chê cười, vẫn ngày ngày qua nhà chơi, cùng Tiên Tứ ngày càng quấn quít. Tiên Tứ đối với cô trước sau như một, luôn luôn lịch sự. Tôn Kiệt mừng lắm, cho rằng kế của mình rất hay. Một hôm, ông không nhịn được nữa, nhờ La Viên dẫn Tam thư ra chỗ vắng, hỏi cô có chịu làm dâu nhà họ Tôn hay không ? Tam thư nhận lời ngay. Tôn Kiệt mừng lắm.

Tiên Tứ nhiều lần yêu cầu xuất gia, gần đây mỗi ngày thường đóng cửa phòng, tập công phu luyện khí gì đó. ông già chỉ được một trai, thực chẳng muốn anh vất bỏ phú quý hiện tại, để đi cầu tiên, hỏi đạo. Nhân thế ông nhờ Tam thư khuyên nhủ, chỉ dẫn anh. Ông thấy con trai mình đối với Tam thư tình ái sâu đậm, anh chỉ nghe lời cô thôi, mà Tam thư đã chịu nhận làm dâu nhà họ Tôn rồi, thật là việc quá tốt. Chỉ nhờ vậy mới có thể khiến Tiên Tứ hồi tâm chuyển ý. Đối với nhà họ Bá, ông già tự có phương pháp thương lượng để giải quyết việc thoái hôn, tương lai quyết không để Tam thư phải rơi vào tình cảnh éo le. Tam thư nghe vậy đỏ mặt, rồi thung dung nói :

– Thiếp ngưỡng mộ tài của công tử, lại nhờ công tử không ghét bỏ, dẫu phải làm thê thiếp cũng cam. Thiếp sẽ vì đại nhân khuyên nhủ, nhưng tiểu thư của Bá đại phu đã có đính hôn từ trước, sao có thể thoái hôn ? Đợi thiếp khuyên nhủ công tử, để chàng hồi tâm chuyển ý, sau đó làm lễ đón đâu cũng chưa muộn. Tôn Kiệt nghe vậy càng mừng, nhờ cô âm thầm để ý giúp cho.

Ngày qua ngày, không thấy Tam thư có động tác gì, mà Tiên Tứ vẫn chiếu theo cách cũ, hàng ngày thực hiện bài tập luyện khí của mình, ông già thắc mắc trong lòng, muốn thúc giục Tam thư một lần, mà chưa biết mở lời thế nào. Một buổi tối, ông chắp tay ra sau lưng? bước đi lững thững ở chỗ hành lang cả giờ đồng hồ.

Dưới ánh đèn, bỗng thấy Tam thư ở đâu chạy tới, lén khép vào phòng Tiên Tứ. Tôn Kiệt thấy Tam thư giữa canh khuya tới đây, chắc mẩm đêm nay hảo sự phải thành, lòng rất an ủi. Ông mới rón rén tiến lại gần, đứng chỗ cửa sổ phòng Tiên Tứ, nghe lén coi hành động ra sao. Đợi một hồi, chẳng thấy động tỉnh gì, mới thấm nước bọt trên giấy dán cửa sổ, đục một lỗ nhỏ nhòm vào.

Tiên Tứ đang ngồi ngay ngắn trên tấm bồ đoàn, nhắm mắt luyện tập bài hít thở, Tam thư đứng một bên, chắp tay trước ngực, giữ yên lặng hoàn toàn. Hồi lâu, bài tập đã xong, Tiên Tứ mở mắt ra, thấy Tam thư bắt chước làm “đồng tử bái Quan âm”, trông tức cười, mới từ tốn hỏi :

– Tam thư tới đây làm gì ?

Tam thư cười hì hì, hỏi lại :

– Sao tôi không thể tới đây ?

Tiên Tứ lắc đầu, nghiêm sắc mặt, nói :

– Lúc nên tới hãy tới, lúc không nên tới đừng tới. Tam thư là người thông minh, biết phép tắc, lẽ nào việc nam nữ tị hiềm cô cũng không hiểu ?

Tam thư nghe vậy, làm bộ mặt ôn nhu của con gái, đáp giọng thô thẻ :

– Công tử sao lại hỏi câu ngốc nghếch thế ? Người ta sống trên đời, cần nhất là tìm khoái lạc. Ngày tháng thoi đưa, trăm năm qua đi trong chớp mắt. Lúc tuổi trẻ không biết hưởng thụ, già rồi còn hứng thú gì ? Chung qui một đời nát với cỏ cây, ai khen anh biết giữ phép tắc đâu nào ? Công tử đừng si mê nữa, nên biết lương tiêu một khắc ngàn vàng, hảo sự khó mà gặp được ? Tôi với anh bèo nước gặp nhau, mà thành giao hảo, không hề trái ý nhau, là có túc duyên từ kiếp trước. Chàng cứ khăng khăng như thế, há chẳng phụ tấm lòng tốt của thiếp lắm sao ?

Tiên Tứ nghe vậy, không giận dữ, mà chỉ kinh ngạc, ngồi ngay ngắn trên bồ đoàn, lắc đầu nhè nhẹ, nói :

– Thịnh tình của Tam thư, ta đã lĩnh hội. Vì thịnh tình đó, ta chẳng dám làm hại tới tiếng trinh khiết của Tam thư. Mỗi người có chí hướng của mình, không thể cưỡng ép. Đêm hôm khuya khoắt, Tam thư không nên lưu lại ở đây. Vạn nhất người bên ngoài biết được, Tam thư còn gì là thể diện ?

Tiên Tứ nói rồi cúi đầu, không nói thêm tiếng nào nữa.

Tôn Kiệt ở bên ngoài cửa sổ, nóng lòng sốt ruột, hận không thể nhảy ngay vào phòng, mắng cho con trai mấy câu : “Việc này là do ta nhờ cô ấy can thiệp. Mày đám cải lệnh cha hả ?”.

Càng nghĩ càng tức, lại đứng ngoài cửa sổ nghe ngóng. Chỉ nghe Tam thư cất tiếng thở dài, đột nhiên thi thố bán lãnh riêng của phụ nữ, cất tiếng khóc lóc, lã chã nước mắt, nghẹn ngào thổn thức :

– Tôi chẳng phải hạng người hạ tiện. Tôi đến đây hôm nay không hề có ý dâm bôn, mà là nhận lời ủy thác của người khác mà tới. Nhưng khoan đề cập tới chuyện đó, hãy hỏi công tử nói : “Mỗi người có chí hướng của mình”, là nghĩa thế nào ?

Tiên Tứ cười cười, nói :

– Tam thư chẳng cần phải tranh cãi với tôi. Cô thông minh như thế, lẽ nào không hiểu, ngay cả với người nguyên phối chưa cưới, tôi còn không muốn cưới, huống gì là người khác ?

Tam thư nghe vậy, bất giác cười ha hả :

Thì ra công tử muốn nói chuyện cầu tiên, hỏi đạo chứ gì ?

Thật đáng tức cười ! Khoan nói trên đời vị tất đã có thần tiên thật sự, cho dù quả có người đó, quả có việc đó, thì công tử bản chất yếu ớt sao có thể chịu nổi cảnh khổ tu tiên ? Nay bàn tới bản thân công tử, chàng còn có cha mẹ già, chỉ sinh được một trai, nuôi nấng, vỗ về, phí bao tâm huyết, chỉ mong chàng sớm cưới vợ sinh con, nối dõi tông đường, để ông bà có được nỗi vui ẵm cháu lúc tuổi già. Sao chàng không nghĩ tới tình nghĩa đó ? Nếu công tử quả thật muốn xuất gia, hãy đợi tới lúc hai vị lão nhân gia trăm tuổi, chôn cất êm xuôi, bản thân công tử có một hai đứa bé, nối dòng họ Tôn, bấy giờ mặc ý công tử ngao du bốn biển, thành thần thành tiên, tiêu diêu tự tại, chẳng ai nói gì. Còn như tình hình hiện tại, công tử có tâm sự riêng, lão nhân gia có tâm sự riêng, hoàn toàn đối nghịch. Tôi còn nghe nói : nếu công tử quyết định xuất gia, lão đại nhân cũng thề không sống nữa. Dám hỏi công tử, chàng có nhân tâm làm cái việc giết cha đó hay không ?

Tiên Tứ nghe đến đó, biến đổi sắc mặt, có vẻ kinh hãi. Ngoài cửa sổ, Tôn Kiệt mừng rỡ vô cùng, lại nghe Tam thư nói :

– Sao công tử không nói gì ? Tôi nói thấu triệt như thế, công tử còn không tin hay sao ?

Tiên Tứ đã lấy lại sắc mật bình thường, ngước nhìn lên, cất tiếng cười vang :

– Đó gọi là mỗi người có chí hướng riêng của mình !

Tam thư nghe vậy ngạc nhiên, suy nghĩ một hồi mới nói :

– Công tử nói vậy tỏ ra không chút hồi tâm chuyển ý. Này công tử, chàng là người có căn cơ rất lớn, vậy có biết Hồ Tam thư này là người có đạo hạnh, đáng mặt làm sư phụ anh hay không ? Hà hà ! Trước mặt có thần tiên không vái, lại đòi lên núi, vào rừng, bỏ rơi cha mẹ, cầu một thần tiên chưa chắc đã tìm được, còn gì ngu muội hơn nữa chứ ?

Tiên Tứ nghe vậy, bỗng kinh hãi, ngửng nhìn lên, nhìn chăm chú vào mắt Tam thư. Tam thư cười, nói :

– Tôi thấy công tử nhất định không tin tôi có chút đạo hạnh. Nhưng thôi, công tử có thể nghĩ cách thí nghiệm, sau đó mới hiểu rõ, biết tôi là thần tiên chân chính, có thể vái tôi làm thầy, nhất thiết phải nghe lời tôi chỉ dẫn, được không ?

Tiên Tứ nghiêm sắc mặt, nói :

– Tam thư đừng nói giỡn chơi. Nếu nói Tam thư là người tiên đích thực, thì người tiên phải có danh sơn, động phủ, phải làm được nhiều điều, có thời giờ đâu mà quấn quít bên tôi ?

– Anh đúng là chàng ngốc trong đám người thông minh ! Nói thực cho anh biết. Tôi chính là người vì tiền trình của anh mà lại đây ! Thông thường, người ta muốn thành tiên, giữ được tấm thân đồng tử là rất quí, nhưng cũng có người lấy vợ, sinh con, vẫn chẳng hại gì cho việc tu đạo. Đến như hạng người chỉ biết có bản thân, quên cả ơn nặng của cha mẹ, kẻ bất hiếu như thế, là thần tiên chúa ghét. Dù cho giữ thân đồng tử mười kiếp, tu hành cả ngàn năm, cũng chẳng đi đến đâu. Công tử hiểu rõ đạo lý, đọc sách rất nhiều, thử nói coi : từ xưa tới nay có thần tiên nào bất hiếu với cha mẹ hay không ?

Tôn Kiệt ở ngoài cửa sổ, đứng đã tê chân, nghe được câu đó, bất giác cảm thấy vô cùng thống khoái, quên hết cả đau chân, lại dán mắt vào cửa sổ để nhìn trộm, chợt thấy Tiên Tứ mở to hai mắt, nhìn thẳng vào Tam thư, đánh giá hồi lâu, bỗng lại nhắm chịt hai mắt , không nói một tiếng. Tam thư thấy anh chàng quá kiên quyết, gật gù vài cái, đột nhiên nổi giận, tiến lên trước mặt, nắm cổ Tiên Tứ, nhấc bổng lên khỏi bồ đoàn, như thể diều hâu quắp gà con. Tiên Tứ xuội lơ, chút sức phản kháng cũng không có.

Anh ta không dè cô Hồ Tam thư thường ngày nhu mì sao bỗng trở nên một nữ anh hùng, vũ dũng như thế, nên rất kinh hãi, kêu lên :

– Tam thư chẳng cần động chân, động tay. Tôn Tiên Tứ ta quyết không phải hạng người để kẻ khác dẫn dụ, uy hiếp mà đổi tiết. Muốn giết cứ giết, ta quyết không oán hận.

Tam thư nghe vậy, há miệng thở phì, phun ra một thanh kiếm nhỏ, vừa ra gió liền dài ra gấp mười lần, chiếu hàn quang lấp lánh, khiến người ta rét run. Tam thư cầm chuôi kiếm, hướng mũi nhọn về phía Tiên Tứ, nói :

Nói mềm mỏng không xong, đành phải nặng tay. Hạn cho ngươi một khắc đồng hồ, phải trả lời ta. Nếu ngươi thích thú, lập tức thành hôn với ta, ta sẽ đem tiên pháp bình sinh tập luyện, truyền thụ cho ngươi, cả hai có thể thành tiên. Nếu không, mũi kiếm này không nhận biết ngươi là công tử quý nhân đâu !

Tiên Tứ bấy giờ mới hiểu Tam thư là một kiếm khách. Nhưng đã là kiếm khách, sao có thể hèn hạ như thế ? Lòng chàng sinh tính quật cường, không thể chịu ép một bề. Ngoài cửa sổ, Tôn Kiệt hoảng hồn, muốn tông cửa xông vào, lên tiếng hòa giải giùm con. Sau thấy Tam thư ra hạn một khắc đồng hồ, ông muốn coi Tiên Tứ trả lời ra sao. Vả lại Tam thư rất yêu thương Tiên Tứ, quyết không khinh suất lấy mạng anh chàng, chỉ dọa dẫm thế thôi. Lại nghe Tiên Tứ khảng khái nói :

Thì ra Tam thư là kiếm tiên, đệ tử cam thất kính ! Nhưng đệ tử đã nhận lời giáo huấn, từng thề trước mặt sư tôn là kiếp này quyết không gần nữ sắc. Nếu cãi lời thầy, ắt chết vì kiếm quang của sư tôn. Bảo kiếm của Tam thư dẫu lợi hại, e rằng không sánh kịp kiếm quang của sư tôn. Từ nơi xa vạn dặm, kiếm quang vụt tới, khoảnh khắc chết ngay. Vả lại, đệ tử có chết dưới tay sư tôn, vẫn giữ được tấm thân đáng quý này. Rất có thể lão nhân gia niệm tình tôi kiên tâm khổ chí, mà tìm cách siêu độ cho tôi không chừng. Còn bây giờ, Tam thư muốn giết, tôi xin chịu vậy, quyết không dám oán thán.

Tam thư thấy Tiên Tứ kiên quyết như thế, đổi giận làm vui, lùi lại ba bước, thu kiếm vào miệng, mỉm cười, nói :

– Công tử quả là kỳ nhân. Chẳng dám giấu gì anh, vừa rồi thử thách đạo tâm của anh đó. Anh còn trẻ tuổi, đạo lực nông cạn, mà can đảm có thừa, tiến trình rộng mở, không biết đâu mà lường. Tôi cam thất kính.

Tiên Tứ chợt hiểu ra, mỉm cười bái tạ :

– Tam thư quả là thượng tiên, đệ tử vừa rồi không biết, nói năng bừa bãi, mong Tam thư tha thứ.

Tam thư cười, nói :

Tuy nói vậy, anh cùng Bá tiểu thư có mối lương duyên do Trời định sẵn, tránh cũng không được đâu. Nếu anh tin lời tôi, mối tục duyên đó đem lại nhiều tết đẹp đấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.