Huyền Châu Tử nhận lời Thiết Quài tiên sinh chỉ bảo, yên tâm đi Đông Hải nhậm chức.
Nguyên lão giao ở Quán Khẩu, sau lần thất bại ở Hoài Hải, đã tới cửa sông Tiền Đường, có ý đồ công phá đập nước đón rồng, chiếm cứ chỗ cửa biển đó, tự lập làm vua. Mưu đồ không kín, bị quan tuần hải ở Đông Hải nghe được phong thanh, bẩm báo với long vương. Phe đảng của lão giao rất đông, lại có Ma giáo giáo chủ lên tiếng nâng đỡ, nên vợ chồng long vương tỏ ra rất thận trọng. Vả lại, mộ của bà mẹ vương phi chôn ở chỗ đó, một khi lão giao đắc chí, tất nhiên phải mưu đồ báo phục, rửa mối hận thất bại ở Quán Khẩu, cũng như ở thôn Hoài Hải sau đó. Trước hết, chúng sẽ phá hoại ngôi mộ của bà mẹ vương phi. Vì thế, vương phi đích thân tuyển lựa, chọn ra được mười vạn thần binh hải tộc, suất lĩnh bốn vị thái tử, cùng các đại thần tướng, chia quân trấn giữ cửa biển. Lão giao thấy long vương phòng bị nghiêm ngặt, biết rằng kế không thành, mới quất mạnh đuôi giao long, hướng về phía bờ biển mà quét, khiến cho sóng lớn nổi lên, cao vạn trượng, đổ ập xuống ruộng vườn, nhà cửa của dân, cuốn trôi trâu bò, ngựa và người, không biết bao nhiêu mà kể. Sau việc này, long vương bẩm báo lên thiên đình, Ngọc đế giáng chỉ, phái Huyền Châu Tử xuống hạ giới điều tra cho rõ. Tức thì ở địa phận Hải Ninh, nhờ thổ địa báo mộng cho dân, thiết lập miếu thờ Trấn Giao Tĩnh Hải 1 tiên quân. Sau khi Huyền Châu Tử nhậm chức, đã hai lần xuống biển, cùng vợ chồng và các con trai của long vương bàn bạc cách giữ gìn vùng biển đất Chiết. Lại nhờ Huyền Châu Tử tâu lên thiên đình, điều khiển binh tướng tới đóng chốt chặn ở gần miếu vũ, và long vương cũng phái hải binh tới phòng thủ ở những nơi hiểm yếu.
Nguyên nước thủy triều ở Chiết Giang nổi lên rất lớn, là vì chỗ cửa biển nằm giữa hai vách núi cao ngất, mà miền thượng lưu sông Tiền Đường có địa thế cao hơn vùng hạ lưu rất nhiều, tạo thành những đợt triều cường rất lớn. Trước khi Huyền Châu tử tới trấn nhậm Hải Ninh, nước thủy triều ở khắp vùng đất này đã dâng lên rất cao. Huyền Châu Tử vì muốn đề phòng lão giao có thể bơi theo dòng nước thủy triều mà xâm nhập vào đất liền, mới bàn bạc với long vương, đạt giấy mời tới các vị tiên quân cai quản mặt trời, mặt trăng và tinh tú, cùng thi triển pháp lực, hút cho nước biển rút xuống, ngang bằng với mực nước ở Hải Ninh.
Từ sau khi thi hành pháp thuật, nước thủy triều đã lên xuống đều đặn. Nhưng mỗi khi nước lên, Huyền Châu tử lại phái các thần binh tới bờ biển, đứng trên không trung, nhìn ra khắp nơi, xa và gần, hễ thấy hải yêu tác quái, lập tức chế phục.
Lão giao tu luyện đã hơn ngàn năm, nhưng hắn không làm được việc gì tốt chỉ biết tranh cường, đoạt thế, lập mưu hãm hại người. Hơn một ngàn năm đầu tiên, hắn tiến bộ rất mau, lúc này đã có thể biến hóa tùy theo ý mình. Sau đó, hắn không tăng thêm một chút bản lãnh nào, đã đến thời kỳ thoái hóa. Lão giao không luyện tập để tiến lên nữa, mà hàng ngày kết giao với một bọn yêu tinh, xưng hùng xưng bá. Ngày lâu, càng thêm kiêu căng, cho rằng trên đời không có ai mạnh hơn chúng. Từ khi đại náo thôn Hoài Hải, thất bại chua cay ở chốn bạng cung, lão giao rút về, tạm ẩn mình dưới đáy biển, lâu tới một ngàn năm nữa. Đến đây, thói cũ lại manh nha, dã tâm bột phát, hắn mới chiếm cứ chỗ sông Tiền Đường, tính lập một tiểu triều đình, nhưng lượng nước ở cửa sông không lớn lắm, phần lớn là nông cạn. Vì thế xác thân to lớn của lão giao không thể an cư. Hắn mới lợi dụng những khi nước thủy triều dâng cao để ra vào. Nay bị Huyền Châu Tử hội ý với long vương, mời được các tinh chủ thi triển pháp lực, hút nước thủy triều, gom về dưới biển, lại sai thần binh trấn giữ các nơi, khiến lão giao không có chỗ dung thân. Hắn hận Huyền Châu Tử lắm, mới tới núi Linh Thứu, khóc mà tố cáo cùng Thông Thiên giáo chủ, xin phái binh giúp hắn trả thù. Mặt khác, hắn tạm ẩn thân dưới đáy biển, đợi chờ cơ hội, làm cho Huyền Châu Tử thất điên bát đảo. Nhưng đó là chuyện sau này.
Đây nói về Lam Thái Hòa sau khi ra đời, thấm thoắt đã được mười tuổi. Từ bé, cậu đã đính hôn cùng Nguyệt Anh cô nương của nhà họ Vương, ở bên kia sông. Hai bên gia trưởng rất thân thiện nhau, không có điều gì trái ý. Cha của Lam Thái Hòa là Lam Văn, và cha của Vương Nguyệt Anh là Vương Quang, đều là những người phóng khoáng, không câu nệ tiểu tiết. Thấy con gái đã lớn, Vương Quang muốn tìm một cách nào tiện lợi cho con được học tập.
Gia đình Lam Văn đã mời được một vị tiên sinh họ Mao về dạy cho con trai. Vương Quang cũng nghĩ tới chuyện mời một ông thầy, Khốn nỗi bản thân ông ta tuy có tiếng tăm, nhưng thật tình gia đình không được sung túc, không đủ sức mời riêng một vị gia sư.
Vả lại thôn xóm ông cũng không kiếm đâu ra một vị danh sư, mà có con gái trong nhà, muốn kén thầy cũng không thể không thận trọng. Chính lúc đang tìm thầy khắp nơi mà chưa được, thì nhà họ Lam khai trương lớp học. Lam Văn đặc biệt đặt một tiệc long trọng khoản đãi ông thầy, lại mời một số vị khách bồi tiếp, đều là những nhân sĩ tai mắt ở địa phương. Vương Quang là sui gia, đồng thời là bạn thân, tự nhiên phải có mặt trong đám đó.
Trong tiệc, Vương Quang thấy Mao tiên sinh tuổi ngoài sáu mươi, râu tóc bạc trắng. Thấy ông ấy “lời trái lễ không nói, việc trái lễ không làm”, đúng là một vị lão sư phẩm hạnh đoan chính, tuổi tác và đạo đức đều cao, Vương Quang tỏ lòng khâm phục. Nói chuyện với ông ta một hồi, lại bội phục ông thầy học thức uyên thâm, Vương Quang mới nảy ra một ý nghĩ, liền cười, nói với Lam Văn :
– Anh sui có hồng phúc rất lớn, mời được một vị tiên sinh thật giỏi, tiểu đệ vô cùng khâm phục. Tiểu nữ cùng tuổi với công tử đến nay đã học lõm bõm được vài năm. Tuy rằng con gái chẳng cần học nhiều, nhưng với gia thế nhà chúng ta, con gái mà không biết chữ là rất không nên. Vả lại, tiểu nữ đã hứa gả cho công tử, sau này sẽ là dâu nhà họ Lam, quí phủ là nhà thư hương lâu đời các vị tiểu thư trong nhà đều biết làm thơ, làm văn, nếu tiểu nữ không có chút học vấn, sau này về nhà chồng, đối với chị em bên chồng có chỗ không được hợp. Vì thế, tiểu đệ có ý tài bồi cho con gái, cho nó được đọc sách vài ba năm, không cầu lấy giỏi, chỉ cần hiểu thông văn lý là đủ. Ý nghĩ này nuôi dưỡng đã lâu, khổ nỗi thôn làng tôi nhỏ hẹp, thô lậu, chưa mời được một vị tiên sinh thật giỏi. Nay thấy lão sư tuổi cao, đức trọng, tài học uyên thâm, tiểu đệ rất khâm phục, mới nẩy một yêu cầu, mong anh sui chấp thuận.
– Chúng ta là bạn chí thân, có điều gì mà không thể thương lượng ? Xin cứ nói rõ, tiểu đệ sẽ nghe theo.
– Tiểu đệ muốn đưa con gái sang đây học ké. Một là tiểu đệ khỏi phải mất công tìm thầy, hai là tiểu nữ được học chung với lệnh lang, thân nhau hơn. Tuy rằng nói đã đính lương duyên, theo lệ cũ đôi vợ chồng trẻ không được gặp nhau, nhưng chúng ta là những người phóng khoáng, hà tất phải câu nệ tục cũ. Huống chi hai trẻ đều còn nhỏ tuổi, chẳng cần phải nói tới chuyện tị hiềm. Chừng một, hai năm sau, tiểu đệ tìm được thầy giỏi, chúng ta sẽ bàn tính lại, không hiểu anh sui có đáp ứng hay không ?
– Đó là việc quá tốt lẽ nào tiểu đệ lại không chấp thuận ? Chỉ sợ chị nhà thương con gái, không chịu cho rời xa dưới gối, biết xử thế nào ?
– Chỉ cần anh sui đáp ứng, sẽ chẳng có vấn đề gì đâu. Chúng ta hai nhà cách nhau không xa, nội nhân có nhớ con gái thì thỉnh thoảng qua sông sang thăm, có gì là khó khăn ?
– Nếu vậy rất tốt. Ngày mai khai giảng cũng trễ lắm rồi.
– Sáng mai, tôi sẽ sai người chuẩn bị ngựa xe, sang sông đón tiểu thư về đây.
Vương Quang mừng lắm, nhưng lại nói :
– Để tôi về bàn bạc với nội nhân, chọn một ngày lành, đưa cháu sang đây, bất tất phải tiếp đón.
Lam Văn đồng ý. Vương Quang về nhà, đem chuyện này nói với phu nhân Lưu thị. Lưu thị lúc đầu không ưng, nói :
– Chúng ta chỉ được một đứa con gái này, đã sớm hứa gả, đợi khi trưởng thành hãy đưa về nhà chồng. Hiện tại, nó hãy còn nhỏ, để mẹ con tôi hú hí với nhau vài năm, sao vội đưa nó về nhà người khác để học tập ? Đã biết người ta có chịu chiếu cố tử tế đến nó hay chưa ? Tôi còn nghe bà vợ hai nhà họ Lam là Hồ thị, là người nham hiểm, điêu ngoa, rất khó chiều. Con gái mình là đứa ngây thơ hồn nhiên, không hiểu việc đời, vạn nhất đắc tội với Hồ thị, hai bên kết oán trong lòng, sau này về nhà chồng, con gái chúng ta sẽ chịu nhiều đau khổ đấy.
Vương Quang nghe nói, không biết giải quyết việc này làm sao cho ổn thỏa. Nhưng tự mình đã mở miệng cầu xin người, nay lại không có duyên cớ chính đáng mà đổi ý, há chẳng đáng chê cười hay sao ? Vì thế, nói với Lưu thị :
– Đó là kiến thức của đàn bà. Đấy đây gần trong gang tấc, nếu bà có nhớ con gái, thì mỗi ngày có thể qua thăm nó, hà tất phải giữ rịt lấy nó, mới là mẹ con thương yêu nhau ?
Lưu thị vốn sợ chồng, không dám trái ý, mà làm tổn thương tình nghĩa vợ chồng. Suy nghĩ một lát, đành lên tiếng chấp thuận.
Hai vợ chồng chọn được ba ngày sau là ngày lành, đưa Nguyệt Anh qua sông, tới nhà họ Lam nhập học.
Nguyệt Anh tuy là còn bé, nhưng từ nhỏ tới lớn đã được chỉ bảo, biết lễ nghĩa. Năm lên bảy, cô đã theo cha học tập, biết được nhiều về thơ văn, kinh sách. Nhưng điều cô ưa thích nhất không phải ở chỗ học văn tự, mà là nghiên cứu về Đạo kinh, nhất là sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Lên tám, cô đã làu thông kinh sách. Đến nay lên mười, tri thức của cô thật sung mãn, đã có thể hiểu được những ý tại ngôn ngoại, thường ngày thắp hương tụng kinh, lặng yên suy nghĩ, dường như có điều đại ngộ. Vì thế tâm trí cô rất sáng suốt, nghiễm nhiên nẩy ra ý xuất thế. Mỗi khi nghĩ tới những điều đã trải trong kiếp trước, nhận thấy những điều thảm khốc đều bởi hôn nhân mà ra 1 . Nay điều quan tâm thứ nhất của cô là chuyện vợ chồng, lại phải đánh phá trước nhất. Không hiểu cậu Lam Thái Hòa kia, đã cùng cô đồng kiếp, đồng sinh, hẹn nhau cùng tu đạo, mấy năm nay sống trên nhung lụa, ăn sung mặc sướng, có bị vật dục cám dỗ, mà để tính linh mờ tối hay không.
Nếu cậu biến tâm, tất nhiên vì đạo làm vợ, ta không thể ép buộc cậu. Lúc đó, chỉ có thể khổ công điểm hóa, nếu cậu vẫn không quay đầu ta đành độc thiện kỳ thân, mất công đi xa, lên núi Thái Hoa, tìm sư phụ ta ở kiếp trước. Sư phụ đạo hạnh cao sâu, ắt có cách cứu cậu ta, ta có thể phóng tâm. Những ý nghĩ đó cứ vương vấn trong lòng cô, chỉ không dám nói ra trước mặt cha mẹ mà thôi. Thời thường ở chốn khuê phòng, cùng các chị em ngồi tán gẫu, những người khác có chung chí nguyện, hoặc là được người chồng giàu sang, hoặc được lang quân tài giỏi, chỉ riêng Nguyệt Anh, nhắm mắt ngồi yên, không góp một câu. Mọi người chế giễu, nói cô đã có người chồng giỏi, vừa ý cô lắm rồi, cần gì phải lo lắng ? Nguyệt Anh nghe vậy, liền cười nhạt, nói :
– Mỗi người một lòng, không ai giống ai. Chí hướng của tôi và của các chị tương phản nhau, tôi còn nói xen vào làm gì ?
– Vậy chí hướng của cô như thế nào ?
– Người có tài, tài cao như núi, sống không quá một trăm năm, cũng mục nát với cỏ cây. Người có tiền bạc, tiền bạc như biển, qua sáu bảy chục năm, tinh thần suy thoái, có tiền cũng chẳng dùng vào việc gì. Huống chi sự đời vốn vô thường, càng nhiều tiền càng dễ chuốc lấy họa. Kiếp sống con người có hạn, nếu cứ buông thả vào trường thanh sắc lợi danh, một khi con quỉ vô thường tới, mọi chuyện đều dứt, những gì thường ngày ta tranh giành nhau, lúc đó tiêu tan, chết xuống âm phủ, có mang theo được không ? Những sự vật mà các chị em trông mong, ao ước, lại không nằm trong suy nghĩ của tôi.
Mọi người nghe vậy liền cười ầm lên, nói :
– Hỏi chí hướng của cô, cô không chịu nói, lại dựa vào câu chuyện của người khác mà phê bình mù quáng, là nghĩa lý gì ?
Nguyệt Anh gật đầu, cất tiếng thở dài, nói :
– Các chị em trách tôi phê phán mù quáng, không chịu nói rõ chí hướng của mình, chỉ vì chí hướng đó em không thể nói với các chị. Chẳng những là không thể nói ra, mà bất tất phải nói.
Mấy người kia nghe vậy, lại cười mà bỏ qua. Nguyệt Anh thấy các chị em ai cũng có tài có sức, tất nhiên đều bị lợi danh ràng buộc, mà nội lực để tự chủ chẳng có chút nào, cô càng cảm nhận rõ ràng là hai chữ “lợi danh” trên đời quả thật là những gông cùm vô hình vô ảnh, là búa rìu chặt nát tính linh, quả thật đáng sợ. Đồng thời càng lo sợ lang quân họ Lam cũng bị những sự vật ngoài thân đó mê hoặc tâm chí. Như vậy, lần nhập thế này, chẳng những không có hy vọng liễu đạo, mà còn tăng thêm một tầng ma chướng, vướng thêm một vòng kiếp nạn. Hơn nữa, còn uổng phụ ý tốt của Thiết Quài tiên sinh thành toàn cho mình, từ đó vĩnh viễn không thể nhập đạo. Mỗi khi nghĩ đến đó, cô không khỏi giật mình, lo sợ thay cho cậu. Chỉ hận mình mang tiếng là vợ, nhưng đang ở thời gian trước khi cưới, chưa thể gặp mặt cậu, để ngỏ lời khuyên nhủ, cảnh giới, chưa có cơ hội nào để nói chuyện với cậu.
Cô vốn là người tình thâm, ý chắc, đối với Thái Hòa có mối giao tình sinh tử, có quan hệ vợ chồng, lại được tiên sư xếp đặt sẵn, cho hai người đồng sinh đồng tử. Với những lý do đó, cô không thể bỏ mặc Thái Hòa, một mình đi tìm đại đạo. Vì thế, lòng cô luôn luôn khắc khoải.
Trong lúc cô đang nghĩ ngợi, không tìm ra được cách nào để giải quyết, bỗng ở trong phòng của mẹ, nghe được câu chuyện cha mẹ cô nói với nhau. Lam công tử trẻ tuổi, anh tuấn, tài học rất cao. Xem gương các vị danh thần xưa nay, có thể thấy cậu này chưa đầy hai mươi tuổi đã đứng vào hàng công khanh, việc chung thân của Nguyệt Anh nhi chẳng cần lo lắng. Lưu phu nhân rất thương yêu con gái, nghe biết chàng rể có chí làm quan, lẽ nào lại không mừng? Chợt quay đầu, thấy Nguyệt Anh đứng một bên, cúi đầu lặng yên, ra chiều suy tư, phu nhân liền cười, nói với chồng :
– Ông xem kìa, Nguyệt Anh nhi nhà ta nghe chuyện, không nói một tiếng, là nghĩa làm sao ?
Vương Quang cười lớn tiếng, nói :
– Mấy cô gái nhỏ nghe những chuyện này, cô nào cũng e thẹn !
Phu nhân kéo Nguyệt Anh lại gần, vỗ nhẹ lên má, nựng nịu, cất tiếng cười hì hì, nói :
– Con của mẹ, con đã nghe gì chưa ? Công tử nhà họ Lam có chí, có tài, tuổi còn nhỏ mà đã vượt xa những người cùng trang lứa, nhất định sẽ làm nên một vị quan to. Cậu ấy làm quan lớn, thì con sẽ là một vị thái thái, đúng không ?
Nguyệt Anh nghe mẹ nói như vậy, càng thêm rầu rĩ, không ngờ những vấn đề thường ngày mình nghĩ đến, đã thành sự thật.
Cũng không ngờ mẹ đẻ mà không hiểu lòng con gái, nói ra những lời trái tai như thế. Nhưng cô cố nén lòng mình, chỉ hơi đỏ mặt, chớp chớp hai mắt, tuôn ra mấy giọt nước mắt, khiến vợ chồng Vương Quang vô cùng kinh hãi.