Triệu Hú trầm ngâm một lúc rồi nói:
– Nhưng Nhưng làm Hoàng đế thay cho hài nhi, tức là thương hài nhi. Việc dùng người do NhữngNhững quyết định. Thánh chỉ cũng do Nhưng Nhưng bàn ra. Hài nhi được thanh nhàn, khi nào còn oán hận Nhưng Nhưng?
Hoàng thái hậu thở dài nói:
– Người giống tính gia gia, lại thông minh hơn người, muốn làm nên đại sự nghiệp. Trong lòng ngươi vẫn oán hận ta, lẽ nào ta không biết?
Triệu Hú tủm tỉm cười nói:
– Dĩ nhiên là Nhưng Nhưng đã biết rồi. Quân ngự lâm trong cung do người thân tín của Nhưng Nhưng chỉ huy. Bọn Thái giám cũng là người tâm phúc của Nhưng Nhưng. Các văn võ đại thần trong triều đều vâng mệnh Nhưng Nhưng. Hài nhi ngoài việc vâng lời dạy bảo của Nhưng Nhưng, không còn có chi phải làm nữa.
Hoàng thái hậu nhìn lên đỉnh màn nói:
– Chắc hàng ngày, ngươi chỉ mong cho bệnh ta ngày một thêm trọng như bữa nay, ngươi… được ra tay hành động.
Triệu Hú nói:
– Nhất thiết cái gì của hài nhi cũng đều là của Nhưng Nhưng cho. Gia gia hài nhi băng hà rồi, nếu ngày ấy không được Nhưng Nhưng chủ trương, thì các vị đại thần trong triều chẳng lập Ung Vương cũng lập Tào Vương lên ngôi, đâu có lần đến hài nhi. Ơn đức của Nhưng Nhưng hài nhi khi nào quên được. Có điều… có điều…
Hoàng thái hậu hỏi:
– Có điều thế nào? Sao ngươi không nói huỵch toẹt ra, mà cứ úp mở như vậy?
Triệu Hú nói:
– Hài nhi nghe người ta nói: sở dĩ Nhưng Nhưng lập hài nhi là vì hài nhi còn nhỏ tuổi. Có như thế Nhưng Nhưng mới thao túng được việc triều chính.
Triệu Hú cả gan nói câu này, nhưng trái tim vị ấu quân đó cũng đập loạn lên. Y liếc mắt nhìn ra ngoài cửa điện, thấy bọn Thái giám vẫn là bọn tâm phúc của mình. Tên nào cũng tay cầm khí giới phòng vệ rất nghiêm mật, mới hơi yên lòng.
Hoàng thái hậu gật đầu đáp:
– Ngươi nói đúng đó. Quả ta muốn chính mình chỉnh lý mọi việc trong nước. Chín năm nay ta đã làm được những việc gì?
Triệu Hú lấy trong bọc ra một cuộn giấy đáp:
– Nhưng Nhưng! Những bậc văn học trong triều ngoài nội ca tụng công đức Nhưng Nhưng rất nhiều, tưởng Nhưng Nhưng cũng đã biết rồi?
Hoàng thái hậu gật đầu nói:
– Thiên hạ ca tụng hay buông lời phỉ báng cũng vậy thôi… Là thân chỉ sống đến đêm nay là hết… Chẳng biết lão thân còn coi được Liêu Tể tướng đưa bản tin tâu lên Liêu chúa đã nói gì nữa không?
Hoàng thái hậu tuy biết mình đã như ngọn đèn khô dầu, còn sống chẳng được mấy giờ, mà lòng hiếu danh vẫn chưa mất hết. Bà nghe tin Tể tướng nước Liêu có bản tâu Hoàng đế nước họ đề cập đến bà. Bà muốn biết bản tâu đó nói gì?
Triệu Hú nói:
– Bản tâu của Liêu Tể tướng như sau: “Từ Thái hậu Ðại Tống buông rèm, nghe chính, chiêu nạp kẻ danh thần, bài trừ chính trị hà khắc. Trong chín năm trời, triều đình hưng thịnh, trăm họ yên vui…”
Triệu Hú đọc đến đây thì ngừng lại. Y nhìn cặp mắt lờ đờ của Hoàng thái hậu có bốc lên vài tia phấn khởi.
Triệu Hú lại đọc tiếp:
“Bà thật là bậc nữ trung Nghiêu Thuấn….”
Hoàng thái hậu lẩm nhẩm:
– Nữ trung Nghiêu Thuấn! Nữ trung Nghiêu Thuấn! Dù có là Nghiêu Thuấn thiệt đi chăng nữa, cũng không tránh khỏi chết.
Ðột nhiên trong bộ óc đã lu mờ, vụt ra một tia sáng.
Hoàng thái hậu lại hỏi:
– Tể tướng nước Liêu sao lại đề cập đến là thân? Hài nhi! Ngươi… phải cẩn thận đấy! Bọn họ biết là thân chết đến nơi rồi và họ sẽ khinh nhờn ngươi đó.
Bộ mặt non nớt của Triệu Hú lộ vẻ kiêu ngạo. Y nói:
– Họ muốn khinh khi hài nhi ư? Có thể đúng như vậy. Những không phải dễ dàng đâu. Người Khất Ðan có thám tử ở Ðông Kinh biết Nhưng Nhưng bệnh trọng. Chẳng lẽ chúng ta không biết đặt do thám ở Thượng Kinh hay sao? Ðến bản tâu của họ dâng lên Hoàng đế Ðại Liêu cũng bị bên ta lấy được đó thôi? Vua tôi Khất Ðan thương nghị cùng nhau nói là chờ Nhưng Nhưng trăm tuổi rồi, mà văn võ đại thần bên ta vẫn không thay đổi chính sách báo quốc an dân thì thôi. Nếu hài nhi… có vọng động gì… thì bọn họ mới cư sự.
Hoàng thái hậu thất thanh nói:
– Nếu vậy thì chắc họ cử Nam chinh.
Triệu Hú đáp:
– Ðúng thế!
Y xoay mình ra cưa sổ, nhìn lên trời thấy bảy chòm sao Bắc Ðẩu sáng ngời. Y lại chú ý nhìn sao Bắc cực rồi lẩm bẩm: “Nhà Ðại Tống ta quân cơ tinh nhuệ lương thảo đầy đủ mà lại đông người thì còn sợ gì bọn Khất Ðan? Dù họ chẳng Nam chinh ta cũng đem quân Bắc phạt để tỷ thí một phen”.
Hoàng thái hậu nghe không rõ hỏi lại:
– Ngươi nói gì vậy? Cái gì mà tỷ đấu một phen?
Triệu Hú đến bên giường bệnh đáp:
– Nhưng Nhưng! Nhà Ðại Tống ta dân số nhiều gấp mười nước Liêu mà lương thảo cũng đến gấp ba mươi lần có đúng thế không? Mười người chọi một, chẳng lẽ không đánh được họ hay sao?
Hoàng thái hậu run lên hỏi lại:
– Ngươi muốn cùng nước Liêu khai chiến ư? Năm trước Châu Nguyên Hoàng đế oai võ như vậy, ngự giá thân chinh rồi cũng phải ký tờ hòa ước Thiên Uyên. Sao ngươi còn dám thiện tiện dấy động binh đao?
Triệu Hú hậm hực đáp:
– Nhưng Nhưng vẫn chưa hiểu hài nhi và coi là một đứa con nít miệng còn hôi sữa, không hiểu việc đời. Hài nhi dù chẳng bằng được Thái tổ, Thái tông thì còn có lý, chẳng lẽ lại không bằng được Chân Tôn Hoàng đế hay sao?
Hoàng thái hậu khẽ nói:
– Ngay Thái Tôn Hoàng đế ngày trước cũng bị đại bại vì Bắc quốc, may mà không đến nỗi mạng vong.
Triệu Hú nói:
– Thiên hạ sự không phải việc nào cũng giống nhau, ngày trước nhà Ðại Tống ta không đánh được nước Liêu, nhưng chưa chắc là vĩnh viễn chịu thua họ hoài.
Hoàng Thái hậu muốn nói rất nhiều song tinh lực đã hết, đầu óc hồ đồ không còn đủ sáng suốt, mà thốt nên lời lại rất khó khăn. Thế mà vì lòng kiên cường nổi lên, thanh âm rất dõng dạc, bà nói tiếp:
– Ðộng binh là điềm dữ, lại khiến cho bá tánh phải lầm than. Hài nhi chớ nên vọng động.
Hoàng Thái hậu hít một hơi chân khí, rồi từ từ nói tiếp:
– Hài nhi! Trong chín năm trời, ta cầm quyền chính mà không phân tách rõ cho hài nhi nghe. Ðó là lỗi của ta. Ta tưởng rằng còn sống được lâu năm, ngờ đâu…
Hoàng thái hậu ho mấy tiếng rồi lại nói:
– Chúng ta người đông đúc, lương thực nhiều thiệt, nhưng nhà Ðại Tống ta chuyên về văn học, còn võ bị lại kém Khất Ðan. Hơn nữa xảy việc binh đao thì quân dân gan góc lầy đất, biết bao nhiều người uổng mạng? Bao nhiêu nhà cưa bị thiêu hủy? Làm một ông vua thì trong lòng lúc nào cũng phải nghĩ đến chữ nhân ấy là chưa kể đến chuyện thắng bại khó mà lường được. Dù mình có nắm chắc phần thắng, cũng chẳng nên động binh là hơn.
Triệu Hú nói:
– Mười sáu châu, quận đất Yên Vân của chúng ta bị người Liêu vô cớ chiếm đóng. Họ còn đòi hàng năm phải tiến cống vàng, lụa, khác nào một nước Phiên thuộc. Hài nhi làm Thiên tử nhà Ðại Tống thì chịu thế nào được cái nhục này? Chẳng lẽ cứ để bọn họ vĩnh viễn khinh nhờn hoài hay sao?
Thanh âm Triệu Hú mỗi lúc một vang lên. Y nói tiếp:
– Ngày trước Vương An Thạch thay đổi pháp lệnh, dựng ra phép”Bảo Giáp, Bảo Mã”cũng chỉ muốn cho quốc gia trở nên phú cường để rữa nhục cho tổ tông. Kẻ làm con cháu có biết trả thù rữa hận cho mới là đạo hiếu. Phụ hoàng hài nhi suốt đời hoài bão ý chí làm cho nước được hưng thịnh, phải chăng cũng là vì vậy? Hài nhi nhất quyết noi di chí của gia gia. Nếu không thỏa chí thì nguyện như thế này.
Triệu Hú nói xong đột nhiên rút thanh kiếm ở trên lưng ra chém xuống chiếc ghế bên cạnh đứt làm hai đoạn.
Dù là bậc Hoàng đế nhưng đã vào hậu cung thì không được mang cung đeo kiếm. Hoàng thái hậu thấy Triệu Hú còn nhỏ tuổi mà có cử động vũ phu thì không khỏi giật mình kinh hải, liền nói bằng một giọng đau buồn, uất ức:
– Sao mi đeo gươm kiếm vào đây? Phải chăng là để giết ta? Hoặc ngăn cấm không cho ta buông rèm nghe chính sự? Thằng lỏi này lớn mật làm càn! Ta phải truất phế mi đi! Hoàng thái hậu tuy bản tính hiền từ, nhưng đã từng nắm giữ quyền binh lâu ngày.
Bây giờ bà thấy quyền hành bị uy hiếp liền lập tức nghĩ tới cách bài trừ đối thủ. Dù là tình cốt nhục bà cũng không chịu khoan dung. Trong lúc thảng thốt bà quên rằng mình đã đến lúc như ngọn đèn khô dầu và sắp từ trần trong nháy mắt.
Triệu Hú thì trong lòng chỉ nghĩ đến cách xung trận giết giặc thu phục mười sáu châu, quận Yên Vân. Mộng tưởng của y đã lên đến mức độ tối cao, nhưng muốn thống suất trăm vạn hùng binh đến công phạt Thượng Kinh bắt Liêu chúa là Gia Luật Hồng Cơ phải ra hàng.
Y giơ cao thanh kiếm lên nói:
– Việc lớn nhà nước sở dĩ hử hỏng là vì bọn hủ nho kém cỏi nhát gan. Chúng tự xưng là quân tử, song thực ra chỉ là hạng tiểu nhân, ích kỷ. Hài nhi… phải trừng phạt bọn này mới được!
Hoàng thái hậu đột nhiên hồi tỉnh nghĩ bụng:
– Thằng nhỏ này là đương kim hoàng đế. Y có chủ ý của y ta không thể bắt y nghe ta được nữa, vì ta chết đến nơi rồi.
Hoàng thái hậu cố gượng nói:
– Hài nhi! Hài nhi có chí khí như vậy, Nhưng Nhưng rất lấy làm thỏa mãn.
Triệu Hú cả mừng tra kiếm vào vỏ nói:
– Nhưng Nhưng, hài nhi nói vậy có đúng không?
Hoàng thái hậu hỏi:
– Hài nhi có biết thế nào là kế vẹn toàn không?
Triệu Hú cau mày đáp:
– Dồn lương, chứa thảo, luyện tập binh cơ, để cùng Ðại Liêu quyết một trận sống mái thì có thể nắm chắc được phần thắng.
Hoàng thái hậu nói:
– Ngươi có biết rằng cất quân đi đánh chưa chắc đã nắm vững được phần thắng? Nhà Ðại Tống ta có thể không gây cuộc chiến chinh mà đưa người ta đến chỗ phải khuất phục được chăng?
Triệu Hú đáp:
– Cho dân nghỉ ngơi, ban hành nhân nghĩa thì có thể không đánh mà khuất phục được lòng người. Nhưng Nhưng! Ðó là kiến thức thiển cận của bọn hủ nho, loại Tư Mã Quang. Như vậy thì nên đại sự thế nào được?
Hoàng thái hậu thở dài nói:
– Kiến thức của Tư Mã Quang thiệt là siêu tuyệt, sao lại bảo là kẻ hủ nho thiển cận? Ngươi có lúc nào rảnh việc thì nên đọc sách “Tự trị thông giám” của Tư Mã tướng công. Bộ sách này biên chép rõ ràng những nguyên nhân về sự thịnh, suy của các thời đại hơn ngàn năm nay. Nhà Ðại Tống ta đất cát phì nhiêu, dân cư đông đúc gấp mười nước Liêu, không gây nên việc chiến chinh thì sự hưng thịnh mỗi ngày một tăng lên. Người Liêu tính nết hung hãn mà thích chiến đấu, nhưng ta chỉ phòng thủ biên cương cho nghiêm nhặt thì trong những bộ lạc của họ tất sinh nội biến, tàn sát lẫn nhau rồi đi đến chỗ bại vong. Năm trước cái loạn Sở vương đã làm cho một số lớn quân tinh nhuệ của nước Liêu phải hao mòn…
Triệu Hú vỗ đùi nói:
– Phải rồi! Khi ấy hài nhi đã toan xua quân Bắc tiến để nội ngoại giáp công. Nước Liêu đang có nội loạn, nhất định không thể đối phó được. Trời ơi! Thật là một cơ hội ngàn năm một thuở mà để lỡ mất rồi!
Hoàng thái hậu lớn tiếng:
– Lúc nào ngươi cũng chỉ nghĩ đến chuyện gây hấn với nước Liêu. Ngươi… ngươi…
Ðột nhiên bà ngồi dậy trỏ tay vào mặt Triệu Hú.
Triệu Hú thấy Hoàng thái hậu nổi cơn thịnh nộ, thì giật mình lùi lại ba bước. Chân y loạng choạng suýt nữa ngã quay. Tay y nắm chặt đốc kiếm. Trống ngực đánh thình thình, y lớn tiếng la:
– Mau! Các ngươi vào đi!
Bốn tên Thái giám nghe chúa thượng la gọi, liền tiến vào điện.
Triệu Hú run lên hỏi:
– Các ngươi… hãy trông kìa! Thái hậu làm sao rồi? Y vừa nói ra bao nhiêu lời hùng tâm tráng chí, muốn quyết ra trận tử chiến cùng người Khất Ðan. Thế mà một bà già ốm o bệnh hoạn vừa ra oai, y đã hoảng vía kinh hồn. Chân tay luống cuống, như vậy đủ biết đởm lượng y rất tầm thường.
Một tên nữ Thái giám tiến lại gần mấy bước, chú ý nhìn Hoàng thái hậu đưa tay ra sờ mặt, rồi nói:
– Khẩu tấu Hoàng thượng! Ðức Thái hậu đã cỡi hạc quy tiên rồi!
Triệu Hú cả mừng, cười ha hả lên:
– Hay quá! Hay quá! Ta là Hoàng đế rồi! Ta là Hoàng đế rồi!
Thực ra, Triệu Hú đã làm Hoàng đế bảy năm nay, nhưng trong thời gian ấy thì chỉ có danh hiệu mà thôi. Bấy giờ y mới chân chính là Hoàng đế cầm quyền trị nước.
Triệu Hú tự mình trông coi mọi việc triều chính. Việc đầu tiên của y là giáng chức quan lễ bộ thượng thư Tô Thức phải đi làm tri phủ huyện Ðịnh Châu.
Tô Thức là một nhà văn lừng danh thiên hạ, ai cũng trọng vọng. Thế mà Hoàng đế vừa thực hành quyền chính đã giáng quan nhà văn này. Các vị đại thần trong triều thấy thế nghị luận xôn xao.
Tô Thức là kẻ đối đầu với Vương An Thạch. Sự xích mích giữa các quan văn, quan võ là thường tình. Trong khoảng thời gian niên hiệu Nguyên, Hựu đức Hoàng thái hậu buông rèm nghe chính trọng dụng bọn Tư Mã Quang và anh em Tô Thức, Tô Triệt, Hoàng thái hậu vừa băng hà mà Hoàng đế đã giáng chức Tô Thức làm cho từ triều đình đến dân gian đều bị bao phủ một làn không khí sợ hãi. Ai nấy than thầm:
– Hoàng đế thi hành chính lệnh mới làm khốn khổ trăm họ đến nơi rồi! Dĩ nhiên cũng có kẻ mừng thầm vì chính lệnh mới sẽ là cơ hội khiến cho họ được thăng quan phát tài.
Lúc này những người cầm quyền binh trong triều đều là cựu thần do Hoàng thái hậu nhiệm dụng.
Hán lâm học sĩ là Phạm Tô Vũ cầm bản tâu dâng lên Hoàng đế, rồi nói:
– Ðức Tiên Hoàng thái hậu lấy công binh chính trực làm gốc, bài bỏ tân pháp độ của bọn Vương An Thạch, Lã Huệ Khanh mà áp dụng chính lệnh cũ của tổ tiên. Nhờ thế mà xã tắc gặp buổi nguy nan trở lại an ninh, lòng người ly tán trở lại đoàn kết. Thậm chí Liêu vương cùng Liêu Tể tướng bàn bạc với nhau nói là Nam triều thi hành chính sự của vua Nhân Tôn chỉ nên giữ nguyên Kinh Ðịa, phòng thủ bờ cõi, không nên sinh sự. Bệ hạ cứ xem địch quốc còn nghị luận như vậy, đủ biết lòng người trong nước thế nào? Nay bệ hạ thay đổi chính sách, bọn tiểu nhân sẽ thừa cơ vận động, mà kẻ vụ lợi cũng đã ngấm nghé dòm nom. Thần xin bệ hạ nghĩ đến tổ tiên trải bao gian nan, xây dựng cơ nghiệp, đức Hoàng thái hậu đã phải nhọc lòng giữ vững giang sơn, mà nghe lời tiểu thần, xa lánh tiểu nhân, noi theo chính cũ khiến nhà nước vững bền, bá tánh an vui thì thật may cho thiên hạ.
Triệu Hú càng coi bản tâu càng tức giận, đập bàn quát:
– Ngươi nói xa lánh kẻ tiểu nhân. Vậy những ai là quân tử, ai là tiểu nhân?
Nhà vua lại quắc mắt lên nhìn Phạm Tô Vũ.
Phạm Tô Vũ dập đầu tâu:
– Xin bệ hạ minh xét. Buổi đầu đức Hoàng thái hậu nghe việc triều chính thì thần dân trong triều ngoài nội có đến hàng vạn người đều nói là chính lệnh không hay làm cho trăm họ phải đau khổ. Ðức Hoàng thái hậu thể tuất dân tình đã đổi pháp lệnh, lại đổi luôn người hành khắp có tội. Bệ hạ đã vâng theo lời Hoàng thái hậu cho thuận lòng dân. Những thần tử bị đuổi đó là tiểu nhân.
Triệu Hú cười lạt nói:
– Ðó là Hoàng thái hậu đuổi họ, có can dự gì đến trẫm?
Nói xong rũ áo lui chầu.
Triệu Hú chán ghét quần thần nhưng mới lên thân hành chấp chính không tiện đuổi hết đại thần. Nhà vua lập tức hạ sắc phong thăng quan cho bọn nội thị Nhạc Sĩ Tuyến, Lưu Duy Giản, Lương Tòng Chính để thưởng chúng đã có công phụ họa với mình. Mấy ngày liền nhà vua cáo bệnh không lâm triều.
Quan Thái giám đưa bản tâu nét chữ rất tinh vi của Tô Thức vào.
Triệu Hú lẩm bẩm:
– Thằng cha này chữ thật tốt, chẳng hiểu hắn nói gì đây?
Rồi mở tấu chương ra xem thấy viết rằng:
“Hạ thần đang chầu chực dưới trướng, được lệnh đi thú biên cương. Hạ thần ra đi không được vào bái mạng mà muốn thông tin đến bệ hạ thật là khó khăn.”
Triệu Hú nói:
– Ta không muốn nhìn thấy bộ râu quai nón của ngươi, vĩnh viễn không muốn gặp ngươi nữa.
Nhà vua lại đọc tiếp: “Những hạ thần đâu dám chẳng hết lòng trung. Ðó là theo hành vi của thánh nhân để dạy. Phải vào chỗ tối mới được biết chỗ sáng, ngồi chỗ tĩnh để coi chỗ động, thì vạn vật đều bày ra trước mắt. Bệ hạ là bậc thánh trí hơn đời, đang tuổi thanh niên.”
Triệu Hú tủm tỉm cười nghĩ bụng:
– Thằng cha rậm râu này hỗn lắm! Hắn vẫn ra giọng mỉa mai. Hắn bảo ta thánh trí hơn đời, mà lại đèo câu đang tuổi thanh niên thì ra hắn bảo mình nhỏ tuổi. Ðã nhỏ tuổi thì còn hiểu việc trị nước thế nào được?
Nhà vua lại coi tiếp: “Hạ thần nguyện để tâm theo dõi, chưa dám hành động gì, để chiêm nghiệm bề lợi hại ra sao? Quần thần tà chính thế nào? Thần chờ trong ba năm cho mọi việc thực hiện rồi mới hành động. Ðã hành động tất nhiên bách tính không còn oán hận, bệ hạ không có điều chi hối tiếc. Hạ thần e rằng hành động cấp tiến chỉ là tấm lòng nông nổi của những người vụ lợi, nay dâng biểu tâu này, mong rằng bệ hạ tận trọng canh cải tôn pháp thời phúc cho xã tắc và may cho thiên hạ lắm vậy.”
Triệu Hú coi tấu chương xong, nhắp chén thanh trà lẩm bẩm:
– Người ta nói thằng cha rậm râu họ Tô là tay thông minh tuyệt đỉnh quả danh bất hư truyền. Hắn biết ta cố ý noi theo Tiên đế thi hành tân pháp, nhưng hắn không ngăn trở mà có ý khuyên ta trì hoãn lại ba năm. Y nói cái gì: “Ðã hành động tất bách tính không còn oán hận, bệ hạ không điều hối tiếc”. Thật là những cái nói uyển chuyển và như vậy tức là cấp tiến vụ lợi thì bách tính oán hận và mình phải hối tiếc.