—
Tuyệt Long Cung… tương truyền ngày xưa Hậu Nghệ dùng để bắn hạ chín mặt trời cứu lấy trái đất.
—
Lục phủ canh bốn…
Lục Nhất Tài cầm binh phù trong tay, dưới kia là hai mươi ngàn đại quân Gia Định. Điều khiển hai vạn đại quân không phải là một việc dễ dàng, nó phải thông qua một hệ thống võ quan phân cấp nhiều tầng. Sáu doanh hợp thành hai vạn quân kia được cầm đầu bởi sáu vị chưởng vệ, dưới chưởng vệ là các chưởng cơ, dưới nữa là các quản cơ. Mỗi cơ khoảng năm sáu trăm người là một lực lượng chiến đấu mạnh, có thể thực hiện độc lập một chiến dịch nhỏ.
Gió đêm lùa lên tầng hai của Mãn Giang Lâu, đại kỳ run lên phần phật.
Đứng bên cạnh Lục Nhất Tài là Trương Kiến Đức, Bùi Thế Phong… Tất cả đều là những cao thủ có tiếng của Nhất Phẩm Đường, dưới quyền quản lý của Hắc Phiêu.
Nhất Phẩm Đường là tổ chức ra mặt duy nhất của Y Tâm Giáo mười mấy năm nay. Tuy vậy, vẫn không mấy người nắm rõ danh tính những cao thủ của họ. Đêm nay, tất cả những cao thủ của Nhất Phẩm Đường đều tụ tập về đây, chịu sự điều khiển của Lục Nhất Tài.
Bỗng một tên thị vệ từ bên ngoài bước nhanh tới.
– Bẩm công tử, các vị chưởng vệ đã đến đủ cả.
Lục Nhất Tài gật đầu:
– Mời họ vào phòng họp!
Tên thị vệ lập tức lui ra ngoài.
Lục Nhất Tài dặn nhỏ bọn Trương Kiến Đức, Bùi Thế Phong rồi bước tới phòng họp.
Chừng một lát sau, sáu vị chưởng vệ đã tập trung đầy đủ vào một căn phòng nhỏ. Trong phòng đặt một chiếc bàn hình chữ nhật, trên đó là sa bàn mấy trăm dặm xung quanh thành Gia Định.
Lục Nhất Tài cầm binh phù trên tay:
– Tại hạ vâng mệnh Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý điều binh mã tiến đánh núi Chứa Chan. Giờ Mẹo ngày mai, tất cả cùng xuất phát.
Các vị chưởng vệ chỉ trỏ trên sa bàn thảo luận đường đi nước bước thêm lát nữa rồi mới rút lui.
Vừa bước ra khỏi Mãn Giang Lâu, Trần Văn Đạt – chưởng quản doanh kỵ đã lớn tiếng:
– Tổ mẹ nó, không ngờ chúng ta phải chịu sự chỉ huy của một tên oắt con chưa vắt sạch mũi.
Lê Tý nói:
– Nhưng hắn có binh phù.
Nguyễn Công Nghĩa:
– Lệnh hành quân kỳ này có vẻ gấp rút.
Trần Văn Đạt:
– Mã tặc ở núi Chứa Chan có bao nhiêu mà phải điều hết binh mã trong thành. Ta chẳng hiểu Huỳnh Công Lý nghĩ gì trong đầu nữa.
Lê Tý suỵt một tiếng:
– Khe khẽ cái mồm thôi. Dù sao hắn cũng là thượng cấp của chúng ta, lại là cha vợ của hoàng thượng. Thôi ai về doanh trại nấy chuẩn bị sáng sớm mai hành quân.
Cả đám người tản ra, ai về doanh nấy.
Trần Văn Đạt rẽ vào một góc khuất, lầm bầm mắng chửi gì đó trong miệng. Gã đẩy tấm bạt bước vào lều riêng, một luồng gió tà thổi vào khiến hắn hơi rùng mình. Gã chửi lớn:
– Mẹ kiếp! Giờ Mẹo hay giờ Thìn gì cũng mặc, ông phải ngã lưng một giấc mới được.
Nhưng chắc chắn gã sẽ không kịp thực hiện được ý định ấy. Bởi lúc gã vừa ghé miệng định thổi tắt ngọn đèn thì một ánh thép lạnh lẽo đã từ phía dưới bàn đâm lên.
Một đường đao cực kỳ chính xác, lựa chọn đúng thời điểm Trần Văn Đạt cúi người xuống đã đâm vào cổ họng gã. Trần chưởng vệ hai mắt trợn ngược lên, đôi tay liền chụp lấy cổ họng. Sát thủ liền vặn mạnh thanh đao, vết thương hở rộng, máu từ trong cổ họng đối phương tuôn ra xối xả. Trần chưởng vệ chỉ còn khục khục mấy tiếng bất lực rồi đổ ập xuống bàn.
Sát thủ từ dưới gầm bàn cũng bước ra ngoài, thu thanh đao lại, cẩn thận lau sạch vết máu. Gã cúi người xuống lục trong người Trần Văn Đạt lấy ra một tấm lệnh phù. Xong đâu đấy, gã vỗ tay nhẹ mấy cái, lập tức có hai tên lính từ bên ngoài bước vào khiêng cái xác đi.
Đêm nay quả là xúi quẩy với Trần Văn Đạt, bởi vì gã đã vĩnh viễn không còn thở được nữa. Nhưng với Lê Tý thì không đến nỗi. Bởi lúc gã còn cách lều của mình một trăm bước chân thì đã có một tên lính tuần va phải hắn.
Lê Tý bị đụng suýt ngã, lớn tiếng thóa mạ:
– Mẹ kiếp! Ngươi đi đứng như thế hả?
Chỉ thấy tên lính kia ghé tai nói nhỏ với Lê Tý điều gì đó. Lê Tý đôi mắt đảo chiều mấy lần, thần thái khá phức tạp. Xong đâu đấy, gã liền đạp cho tên lính một cái khá mạnh, không quên kèm mấy tiếng chửi bới um lên.
Lê Tý bước chân vào lều, vẫn để nguyên y giáp trên người. Nhìn ngọn đèn dầu trên bàn, gã lớn tiếng:
– Có lẽ nên ngủ một lát. Bổn vệ mệt mỏi lắm rồi.
Vừa dứt lời, gã liền dùng vỏ kiếm ném vào cây đèn, cây đèn lập tức tắt ngóm. Cùng lúc ấy, một bóng đen cùng từ bên ngoài nhẹ nhàng phóng vào.
Biến cố quá bất ngờ, gã sát thủ nấp dưới gầm bàn chưa kịp ứng biến liền thấy mát lạnh ở lưng, một thanh kiếm đã đâm xuyên mặt bàn ghim cứng hắn.
Sát thủ chỉ còn ú ở được vài lời:
– Ngươi là ai?
Lê Tý châm một ngọn nến đưa sát vào mặt sát thủ, người đó chính là một giáo đồ Y Tâm Giáo. Sát thủ cũng nhìn rõ người vừa giết mình:
– Vương quân sư, ngươi…
Người vừa cứu lấy Lê Tý, giết gã sát thủ kia không ai khác chính là Vương Thiên Tường.
Vương Thiên Tường nói với Lê Tý:
– Lê chưởng vệ, ngài mau đi thực hiện theo kế hoạch. Ta sẽ dẫn người tiêu diệt dư đảng Y Tâm Giáo.
Lê Tý gật đầu rồi nhanh chóng lui ra ngoài.
–––
Vương Thiên Tường bước nhanh lên lầu, mấy gã thị vệ vốn là người của Nhất Phẩm Đường nhận ra gã liền tránh qua một bên. Lục Nhất Tài thấy Vương Thiên Tường thì hơi ngạc nhiên:
– Vương quân sư, sao ngài có mặt tại đây?
Vương Thiên Tường rút trong ngực ra lệnh kỳ thêu một con rồng vàng, nói:
– Tại hạ vâng mệnh giáo chủ tới tiếp quản binh mã. Giáo chủ thay đổi kế hoạch, sáng sớm ngày mai sẽ xuất binh về kinh đô.
Lục Nhất Tài ồ lên một tiếng:
– Binh phù hiện ở trong tay ta.
Vương Thiên Tường:
– Vậy công tử mau giao ra. Việc binh không thể chậm trễ.
Lục Nhất Tài không nghi ngờ gì cả, trao binh phù cho Vương Thiên Tường.
Vừa lúc ấy thì một bóng người lảo đảo bước lên lầu, nhìn kỹ lại là Bùi Thế Phong.
Bùi Thế Phong nhìn thấy Lục Nhất Tài thì lắp bắp, gã vừa nói vừa chỉ vào Vương Thiên Tường:
– Hắn là gian…!
Nhưng hắn chưa kịp thốt xong hai chữ “gian tế” đã thấy một lưỡi đao sáng loáng từ ngực mình thò ra. Võ Đại Hưng dùng tay đẩy mạnh Bùi Thế Phong, rút thanh đao ra. Bùi Thế Phong mất chỗ dựa, ngã ập người xuống sàn gỗ.
Lục Nhất Tài bất ngờ trước biến cố trên. Cho tới khi Bùi Thế Phong ngã xuống, gã mới tỉnh ra.
– Ngươi phản giáo?
Từ phía dưới lầu, một người đàn ông cao lớn mặc khôi giáp bệ vệ bước lên. Đi bênh cạnh là mấy vị chưởng vệ.
Vương Thiên Tường cầm binh phù đưa cho vị tướng quân ấy.
– Tổng trấn đại nhân, binh phù giao lại cho ngài.
Vị tướng quân cao lớn, uy phong lẫm liệt ấy không ai khác chính là Lê Văn Duyệt – tổng trấn Gia Định thành.
Lê Văn Duyệt nói:
– Đa tạ các vị hảo hán đã tương trợ. Chờ mọi việc xong xuôi, ta sẽ báo công về triều đình phong thưởng.
Vương Thiên Tường đáp lễ:
– Không dám!
Lê Văn Duyệt quát lớn:
– Quân đâu, bắt tên phản tặc này lại cho ta!
Mấy tên thân binh từ dưới lầu túa lên bao vây lấy Lục Nhất Tài.
Lục Nhất Tài nào coi bọn lính trơn này ra gì, chỉ thấy hắn tuốt đao một cái đã giết chết được mấy tên, rồi nhanh chóng phi thân xuống dưới lầu.
–––
Một hồi còi trầm thấp kéo dài, sau đó là tiếng chiêng gõ lên liên hồi. Mười mấy kỵ mã chạy như bay khắp doanh trại báo tin gấp.
Quân sĩ sáu doanh nghe tiếng chiêng báo động bèn nhanh chóng thức dậy, vớ lấy khôi giáp mặc vào người, doanh nào tập trung theo doanh nấy. Chỉ hơn một tuần trà đã đội ngũ tề chỉnh.
Bên dưới soái lều, Lê Văn Duyệt đứng cùng năm vị chưởng vệ và các anh hùng hào kiệt.
Đám kỵ binh truyền tin nhanh chóng báo tin về. Tin xấu là Trần Văn Đạt đã bị giết, doanh kỵ binh đã bị người của Nhất Phẩm Đường khống chế. Quân sĩ không tuân theo mệnh lệnh, hiện đang rùng rùng đánh về hướng soái lều.
Từ xa, tiếng vó ngựa vang lên rầm rập, tiếng chém giết càng lúc càng lớn.
Lê Văn Duyệt cùng mọi người gấp rút leo lên xe thang. Xe thang là một loại xe có gắn thang cao mấy chục thước dùng để quan sát, được dẫn động bằng sức người, phải ít nhất ba chục hán tử khỏe mạnh mới có thể điều khiển cỗ xe này được. Từ trên xe thang nhìn xuống, một tốp kỵ binh mấy ngàn người đang dàn thành hình cánh cung ầm ầm đánh tới.
Kỵ binh thành Gia Định đa số đều là những khinh kỵ, được trang bị đoản cung và đoản đao, sức cơ động rất lớn. Chính vì vậy rất có lợi trong tập kích. Đám kỵ binh ba nghìn mấy trăm người kia đánh vào hàng ngũ rối bời của bộ binh, giống như một cơn bão càn qua. Kỵ binh đánh tới đâu, bộ binh tan tác tới đó. Cánh cung kỵ binh càng lúc càng biến thành một mũi tên sắc bén, do một tiểu tướng dũng mãnh cầm đầu. Dưới đao của tiểu tướng, đã không ít bộ binh phải bỏ mạng. Nhìn thấy tình cảnh trên, tinh thần mọi người đều ngưng trọng.
Lê Văn Duyệt là một đại binh gia, trong biến không loạn, lập tức đã có giải pháp. Lão liền hạ lệnh:
– Lê Tý, giao cho ngươi hai ngàn trọng bộ binh. Nhanh chóng khép vòng vây đám kỵ binh này cho ta.
Lê Tý vâng dạ, lĩnh mệnh lui xuống.
Tiếng trống trận vang lên thùng thùng.
Hai ngàn bộ binh hạng nặng chia thành hai cánh rùng rùng tiến tới. Bộ binh hạng nặng được trang bị giáp sắt, khiên lớn, lại sử dụng trường thương. Bộ binh hạng nặng đi tới đâu, quân sĩ các vệ khác lập tức dạt ra nhường đường.
Tiểu tướng dũng mãnh dẫn đầu đám kỵ binh không ai khác chính là Lục Nhất Tài, bên cạnh là bọn người của Nhất Phẩm Đường. Lục Nhất Tài dẫn theo gần năm trăm thuộc hạ của Nhất Phẩm Đường, từ chiều qua đã trà trộn vào doanh kỵ binh. Sau khi giết được chưởng vệ Trần Văn Đạt liền lấy lệnh phù. Những người phản kháng đều đã bị chém đầu.
Đám kỵ binh dàn thành thế trận mũi tên, chọc thẳng về soái lều, tốc độ chém giết càng lúc càng lớn. Không ngờ đùng một cái va phải bức tường trọng bộ binh. Khiên cứng và giáo dài phát huy tác dụng, kỵ binh lớp bị dội ra rớt xuống đất, không gãy tay thì cũng đau đớn ê ẩm, lớp bị trường thương xuyên thấu.
Lục Nhất Tài thấy tình hình bất ổn liền phất cờ hiệu. Các quản cơ trong doanh kỵ binh đều là người của Y Tâm Giáo, trận pháp thành thục, liền theo hiệu kỳ của Lục Nhất Tài biến trận.
Kỵ binh chạy thành vòng tròn, tuốt đao chém vào bức tướng bằng khiên thép của trọng bộ binh rồi nhanh chóng nhản ra ngoài, không đụng độ trực diện nên số tử thương giảm hẳn. Đám kỵ binh kéo léo chém vào mũi thương khiến cho không ít trường thương bị chém cụt mũi, trở nên mất tác dụng.
Năm vị chưởng vệ ngơ ngác không hiểu. Lê Văn Duyệt nói lớn:
– Khá khen cho tiểu tử này có kinh nghiệm trận mạc!
Chưởng vệ Nguyễn Công Nghĩa:
– Đây có phải là chiêu bào cà rốt?
Lê Văn Duyệt giải thích:
– Đích thị! Khinh kỵ binh chủ yếu là được trang bị giáp da, nhẹ nhàng linh hoạt, thích hợp cho đột kích hoặc đánh giáp la cà. Chính vì vậy lúc nãy mới gây thiệt hại được đội hình bộ binh đang rối loạn. Tuy nhiên, nó lại không hiệu quả khi phải đối đầu trực diện với trọng bộ binh. Trọng bộ binh với giáp nặng không sợ cung tên, hơn nữa thương dài chính là khắc tinh. Tuy nhiên, nếu khinh kỵ binh không đối diện trực tiếp mà chỉ dùng vòng tròn tiến đánh thì sẽ tránh được thương vong, giống như ta bào củ rốt thành từng lớp mỏng, tuy hơi lâu nhưng sớm muộn gì cũng hết. Kỵ binh ở gần sẽ dùng đoản đao để tiêu hao sức mạnh địch, kỵ binh phía xa sẽ dùng cung tên để phá rối khiến trọng bộ binh không tiến lên được.
Quả thực vậy, dưới sự chỉ huy của Lục Nhất Tài, vòng kỵ binh phía xa liên tiếp dùng đoản cung bắn vào, khiến trọng bộ binh phải dừng đội hình, đưa khiên lớn lên chống đỡ.
Lê Văn Duyệt quay qua Nguyễn Công Nghĩa:
– Nguyễn Công Nghĩa nghe lệnh, giao cho ngươi hai nghìn trường cung thủ, từ đằng sau bộ binh tấn công đối phương.
Nguyễn Công Nghĩa nhanh chóng nhận lệnh bước xuống xe thang.
Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Công Nghĩa, hai ngàn cung thủ chia làm hai đội rầm rập tiến lên. Một đội nấp ngay sau lưng khiên lớn của bộ binh, đội còn lại đứng phía sau hai trăm bước.
Trường cung quân Gia Định có tầm bắn chừng hai trăm năm mươi bước, trong khi đoản cung chỉ bắn tối đa chừng một trăm năm mươi bước.
Cung thủ Gia Định được trang bị khinh giáp, nhẹ nhàng cơ động nên phải dùng chiến thuật phục kích bất ngờ hoặc ẩn nấp mới tránh được cung tên của đối phường. Nguyễn Công Nghĩa chia cung thủ làm hai đội, một đội nấp sau khiên thép, một đội đứng cách đó hai trăm bước là nhằm tránh tầm bắn của đoản cung đối phương.
Sau một hồi trống trận, đội cung thủ phía sau và phía trước cùng giương cung. Rào rào, một rừng mũi tên bay tới ghim chặt kỵ binh đối phương xuống đất. Đám kỵ binh rú lên rớt xuống ngựa lũ lượt.
Khinh kỵ binh vì chỉ được trang bị giáp làm từ da bò nên không thể tránh được tên thép, nhất là được bắn từ trường cung với lực lớn, liền từng tốp mấy trăm người ngã xuống. Chừng ba lượt tên nữa, kỵ binh dưới tay Lục Nhất Tài chỉ còn chừng năm trăm người, lập tức co cụm lại.
Lê Văn Duyệt cùng chúng tướng lúc này cũng đã thúc ngựa phóng tới đương trường.
Lục Nhất Tài vẫn điên cuồng dẫn năm trăm kỵ binh đánh giết. Gã biết lúc này chỉ có đột phá vòng vây chạy về núi Chứa Chan mới có hy vọng, liền cho quân đột phá hướng ấy. Nhưng lúc này vòng tròn trọng bộ binh liền khép chặt. Lục Nhất Tài cùng đám thủ hạ Nhất Phẩm Đường liều mình phá vòng vây, tuy tử thương vô số nhưng cuối cùng cũng mở được một lỗ hổng.
Lục Nhất Tài dù sao cũng là người trong giang hồ, đám bộ binh hạng nặng kia sao có thể ngăn cản hắn. Nhưng quân lệnh như sơn, người này chết người kia lập tức thế vào chỗ trống. Bức tường khiên giáp vẫn liên tục được bổ sung.
Nhìn thấy từng người lính của mình ngã xuống, tổng trấn Lê Văn Duyệt cảm thấy đau lòng. Ông thúc ngựa tiến lên dẫn mấy chục thị vệ xông tới.
Bỗng nhiên lúc ấy, tiếng vó ngựa từ đằng sau vang lên. Một chàng thành niên mặc thanh y cỡi trên lưng bạch mã đã tới kịp. Chàng thanh niên hô lớn:
– Để người đó cho ta!
Tiếng nói phát ra ù ù như sấm động. Tất cả mọi người cùng quay lại. Lê Văn Duyệt hỏi:
– Người đó là ai?
Võ Đại Hưng:
– Đó là Nguyễn Đăng Bảo, di cô của Võ Thánh Nguyễn Thái Sơn.
Lê Văn Duyệt ồ lên một tiếng. Lúc lão vừa dứt lời thì người thanh niên ấy đã nhảy lên lưng ngựa. Bạch mã chàng cỡi là thần câu, hiểu ý chủ liền dừng vó, hai chân trước chồm lên cao hí vang. Nguyễn Đăng Bảo hai chân đứng thẳng lên lưng ngựa, đưa tay ra sau lưng rút cây Tuyệt Long Cung. Tuyệt Long Cung nặng chín thạch, người bình thường không kéo nổi, tương truyền ngày xưa Hậu Nghệ dùng để bắn hạ chín mặt trời cứu lấy trái đất. Chàng rút một mũi Bạch Liên Huyết Tiễn đặt lên, cong người kéo cây cung, tư thế vô cùng tuyệt đẹp.
Một tiếng bục vang lên, mũi Bạch Liên Huyết Tiễn vẽ thành một đường cầu vồng bắn tới. Đằng kia, Lục Nhất Tài đang điên cuồng giết chóc bỗng nhiên thấy một ánh bạc chói mắt, bèn quay đầu nhìn lại. Cho tới khi gã phát hiện ra sự tình thì đã mũi huyết tiễn đã cắm thẳng vào giữa trán gã. Lực tên còn chưa hết, đẩy gã rớt xuống ngựa một cái phịch.
Cuối cùng Lục Nhất Tài cũng chết!
Chết trong tay kẻ thù mình!
Tiếng hoan hô như sấm dậy! Chủ tướng quân giặc đã chết, kỵ binh của Nhất Phẩm Đường lập tức đại loạn. Lê Văn Duyệt đích thân dẫn một đội kỵ binh tiến lên. Bộ binh hạng nặng liền khép chặt vòng vây, chúng tướng chém giết điên cuồng.
Ấy chính là:
Nghênh ngang một cõi biên thùy
Thiếu gì cô quả thiếu gì bá vương
Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ!