Nhân lúc bọn phỉ đồ đang đứng ngẩn người ra nhìn mấy người mới tới, Lạc Dương đã móc túi lấy một viên thuốc trường thọ ra uống ngay để chữa thương.
Chàng đã nhận ra thiếu nữ vừa mới tới là Hách Tố Lan, bốn nữ tì theo sau có Mai Nhi, nhưng chàng không thể lên tiếng gọi ngay lúc này được, đành phải nhấn mạnh sức để vận khí hành công cho thật chóng. Tố Lan nhận thấy Lạc Dương bị thương khá nặng, liền đưa mắt nhìn thẳng vào mặt Trấn Viễn. Hai mắt của nàng lộ đầy căm hờn, rồi lạnh lùng trả lời:
– Không dám, xin hỏi Tổng trại chủ người này là ai mà Đàn tổng trại chủ phải ra tay đấu như thế.
Trấn Viễn thấy sắc mặt của Tố Lan như vậy, biết là chẳng lành, vội trả lời:
– Người này liên can đến Quảng Thành nhị báu, cho nên lão phu mới phải thân hành ra tay như thế.
Tố Lan hỏi tiếp:
– Có phải nhị báu ở trong người y không?
– Không.
Trấn Viễn nói tiếp:
– Nhưng ở trong người một lão đạo sĩ, và lão ta đã đào tẩu rồi. Lão đã truyền lệnh đi năm trăm dặm quanh đây để khám xét và lùng bắt, chắc thể nào cũng tóm được lão đạo sĩ ấy.
Trong lúc hai người nói chuyện, Mai Nhi lướt đến bên Lạc Dương khẽ hỏi:
– Công tử bị thương có nặng không? Lạc Dương lắc đầu khẽ đáp:
– Cũng may không nặng mấy, việc võ lâm thật khó biết phải trái được, tại hạ với Trấn Viễn không có thù hằn gì, tuy nhiên y giở độc thủ ra áp đảo. Y bảo Quảng Thành nhị báu đã bị tại hạ lấy đi mất. Tại hạ ngạc nhiên không hiểu gì. Sự thật tại hạ có biết Quảng Thành nhị báu là cái gì đâu, tại hạ giải thích thế nào y cũng mặc, không chịu tin.
Mai Nhi tủm tỉm cười đáp:
– Nếu thật công tử không biết gì hết, thì việc này dễ xử lắm. Từ khi công tử đi khỏi, tính nết của Lan tỷ thay đổi hẳn, hỉ nộ vô thường. Lát nữa thế nào chị ấy cũng trách móc công tử, vậy công tử nên nhịn đừng có cãi lại.
Lạc Dương gượng cười nói tiếp:
– Việc này tại hạ đã biết rồi, chẳng hay chị vẫn mạnh giỏi đấy chứ? Chàng vừa hỏi tới đó thì Tố Lan đã vẫy tay gọi chàng sang bên đó. Chàng đành phải từ từ đi tới nơi. Tố Lan liền hỏi:
– Đàm đương gia bảo các người lấy được Quảng Thành nhị báu, chẳng hay đó là thực hay hư? Lạc Dương giận dữ nhìn Trấn Viễn rồi lạnh lùng đáp:
– Muốn gán tội cho người thì thiếu gì cách vu vạ. Đàm đương gia, tại hạ xin hỏi câu này: chẳng hay người đã mục kích tận mắt hay nghe lời đồn, xin mời người đó ra đối chứng? Tố Lan sầm nét mặt lại hỏi:
– Đàm đương gia nghe ai nói thế, việc này chẳng phải La Thái là gì, trước khi đi y còn khoe khoang cướp được Quảng Thành nhị báu như trở bàn tay phải không? Vậy La Thái đâu? Trấn Viễn cười đáp gượng cười đáp:
– Cô nương nên rõ cho, đó là La Thái cho lão hay, bảo Quảng Thành nhị báu đã lọt vào tay y rồi, nhưng đã bị lão đạo sĩ đi cùng với thiếu niên này lấy trộm, cho nên…
Đột nhiên có mấy cái bóng đen như bay chạy tới và một đại hán đến trước mặt Trấn Viễn, vẻ mặt kinh hoảng nói:
– Thưa đương gia. La Thái ba người đã chạy ra khỏi tổng trại ở Côn Sơn, rồi không biết chúng đi đâu? Trấn Viễn nghe nói biến sắc mặt, quát lớn một tiếng, giơ nắm ngón tay ra túm chặt lấy đại hán đó vặn mạnh một cái chỉ nghe thấy rắc một cánh tay trái của y đã bị bẻ gãy, máy tuôn ra như suối. Tiếp theo đó Trấn Viễn phi thân lên đá một cái, đại hán rú lên một tiếng, ngực đã bị đá trúng, người bắn ra xa bảy tám trượng, mồm phun máu tươi ra như phun nước.
Tố Lan sa sầm nét mặt lại hỏi:
– Đàm đương gia làm thế là nghĩa gi? Trấn Viễn thở dài tỏ vẻ đáp:
– Đó là tại lão nhất thời u mê lầm tin tưởng lời nói của La Thái cho nên mới xúc phạm đến vị thiếu hiệp này bây giờ đã lỡ rồi, hiển nhiên là La Thái đã lấy được Quảng Thành nhị báu đem giấu đi, còn chúng quay về đây là đánh lừa lấy thuốc giải.
Tố Lan cười nhạt nói:
– Động Đình Hồ rộng chừng tám trăm dặm, mặt nước mênh mông và Côn Sơn lại ở ngay giữa hồ, muốn chạy khỏi Côn Sơn thật khó hơn lên trời. Đàm đương gia sao lại sơ xuất sự canh phòng đến thế.
Trấn Viễn gượng cười đáp:
– Công nương trách cứ như vậy rất phải.
Nói xong y quay đầu lại dặn bảo thuộc hạ:
– Ra lệnh thu hồi lại lệnh của ta hồi nãy, đổi lệnh lùng bắt là bắt sống bọn La Thái ba người. Ai trái lệnh sẽ bị xử tử.
Lũ giặc Động Đình vâng lời chia làm bốn phương đi lùng bắt La Thái. Lúc này Trấn Viễn thay đổi hẳn nét mặt, không còn kiêu ngạo như trước, rất tươi tỉnh cười nói:
– Xin mời cô nương và thiếu hiệp giá lâm tệ trại, để lão được mời hai vị xơi chén rượu nhạt và tạ lỗi cùng thiếu hiệp.
Lạc Dương thấy Trấn Viễn kính nể Tố Lan như vậy thì kinh ngạc, chàng không hiểu giữa hai người đó có liên can gì. Tố Lan không thấy Lạc Dương để ý tới lời nói của Trí Viễn thì quay đầu lại nhìn, thấy chàng đương cúi đầu suy nghĩ liền tủm tỉm cười và hỏi:
– Dương đệ, Đàm đương gia mời đi Côn Sơn đấy, Dương đệ bằng lòng không? Lạc Dương ngẩn người ra giây lát rồi hỏi lại:
– Đi Côn Sơn ư? Chàng lắc đầu mấy cái và nói tiếp:
– Không đi, nếu tỷ có việc thì cứ đi đừng để lỡ.
Tố Lan tỏ vẻ oán trách, lườm chàng đáp:
– Dương đệ không đi thì tôi còn đi làm chi.
Trấn Viễn nghe nói rùng mình kinh hãi nghĩ thầm: “Thì ra họ quen biết nhau từ lâu, may ra mà ta ngừng tay nhanh và chưa hề lỗ mãng đả thương thiếu niên này, bằng không thì nguy hiểm thật, nguy hiểm thật…” Nghĩ tới đó y vội chạy lại cạnh Tố Lan rỉ tai khẽ nói hồi, chỉ thấy Tố Lan cau mày lại như không bằng lòng rồi đáp:
– Đối với việc này tôi không can thiệp vào đâu, Đàm đương gia cứ yên trí, nếu cha tôi có biết rõ sự thể cũng quyết không nghi tôi đặt điều thị phi gì cả.
Trấn Viễn vừa cười vừa nói tiếp:
– Cô nương đã hứa như vậy, lão đâu dám không nghe, nhị vị cứ ngồi nói chuyện để lão còn đi chỉ điểm thuộc hạ lùng bắt La Thái ba người. Xin cáo từ nhị vị.
Nói xong y chắp tay chào rồi đi luôn, thoáng một cái đã mất dạng liền.
Lúc đó Tố Lan nhìn thẳng vào mặt Lạc Dương với dáng vẻ trìu mến vì bấy lâu nàng hằng mong thầm nhớ vụng nay bất ngờ gặp gỡ không biết nên nói những gì đành chỉ âm thầm oán trách chàng thôi. Mai Nhi đột nhiên lướt tới trước mặt Lạc Dương hỏi:
– Công tử có phải là người bữa nọ gặp ở La Phù không? Lạc Dương đáp:
– Chính tại hạ đây.
Tố Lan khẽ thốt một tiếng hừ rồi chất vấn Lạc Dương:
– Thế hiền đệ đã gặp con Mai Nhi sao không ở lại mà bỏ đi ngay như vậy? Lạc Dương mặt đỏ bừng vội đáp:
– Tiểu đệ có tâm sự riêng, xin Lan tỷ đừng truy hỏi như vậy, chẳng qua chỉ tại tầm thù mà ra cả.
Tố Lan lườm chàng một cái rồi vừa cười vừa nói tiếp:
– Được, chúng ta đã ước hẹn với nhau rồi, không ai hỏi việc làm của ai nữa.
Chàng chỉ sợ Tố Lan bắt chàng kể hết những chuyện đã qua, giờ thấy nàng nói vậy chàng mới yên tâm.
Hình như Tố Lan đã biết rõ tâm sự của Lạc Dương nên không muốn nói toạc ra mà chỉ hỏi:
– Bây giờ hiền đệ định đi đâu thế? Lạc Dương nghe nói thì bỗng nghĩ đến ông già áo đen mà mình đã gặp ở núi Vân Vụ được ông ta truyền thụ cho bốn phu tuyệt học và mình đã hứa với ông ta tích một nghìn việc thiện. Nhưng không ngờ mình chưa tích được việc thiện nào đã nhận lời Tàn Tú diệt trừ nghiệt đồ của ông ta là Kim Ty Nhân Vệ Phi Long, rồi giữa đường lại gặp vụ ân oán của Quảng Thành nhị báu, nay Hách Tố Lan lại hỏi như vậy, chàng ngẩn người không biết trả lời ra sao, lúc sau mới đáp:
– Tiểu đệ đi kiếm kẻ thù, dù chân trời góc biển cũng phải tới, nên bây giờ cũng chưa biết là phải đi đâu, nếu Vạn Đằng Long chưa chết, thể nào cũng có ngày đệ gặp được y.
Hách Tố Lan nói ngay:
– Nếu hiền đệ chưa biết đi đâu thì hãy cùng tôi đi Hồ Bắc có hơn không? Lạc Dương ngạc nhiên hỏi:
– Tỷ đi Hồ Bắc làm chi? Tố Lan nhìn thẳng vào mặt chàng cười khanh khách rồi đáp:
– Hiền đệ lại quên lời hẹn ước rồi sao? Lạc Dương mặt đỏ bừng vừa cười vừa đáp:
– Vâng, tiểu đệ không hỏi tới nữa, chúng ta đi ngay bây giờ chứ.
Thế rồi năm thiếu nữ và một thiếu niên cùng đi trên đường cái quan tiến thẳng về phía Hồ Bắc.
Mặt trăng mới mọc, các nhà trong thành phố Lạc Dương đã lên đèn, năm nữ một nam tới tửu điếm Vạn Lợi thuê cả một căn nhà có ba phòng ngoài, hai phòng trong. Tửu điếm Vạn Lợi kiến trúc theo kiểu nhà phía bắc, nhưng cũng có chỗ bắt chước theo nhiều kiểu Giang Nam. Tửu điếm này có hàng trăm căn phòng, phòng nào cũng rộng rãi, lịch sự. Lạc Dương một mình một phòng ngoài, bốn nữ tỳ và Tố Lan ở bốn phòng trong.
Lúc ấy, năm nữ một nam đang ngồi quây quần bên một cái bàn tròn. Mai Nhi liếc chàng một cái rồi hỏi:
– Lạc công tử biết mình có tội không? Lạc Dương nghe nói ngẩn người ra, đăm chiêu nhìn Mai Nhi và hỏi:
– Chị Mai nói gì mà lạ thế, tại hạ nào có tội tình gì: Mai Nhi ranh mãnh cười đáp:
– Tôi không những đi qua La Phù mà còn tới cả trấn Lạc Trúc Quế Giang. Công tử có gặp một thiếu nữ mặc áo lụa xanh phải không? Lạc Dương thấy nàng nhắc nhở chuyện đó, liền nghĩ: “Nếu thiếu nữ áo xanh đó không ra tay cản trở thì Đặng Khôi làm sao mà thoát nổi”.
Nghĩ thế chàng trợn mắt lên giận dữ nhìn Mai Nhi hỏi lại:
– Thiếu nữ ấy là ai? Chị Mai có quen biết không? Mai Nhi cười khúc khích đáp:
– Người ấy họ Hà, không những tôi quen biết mà cô ta lại là người tâm phúc của chị Lan nữa! Lạc Dương ngẩn người ra nhìn thẳng vào mặt Tố Lan, thấy nàng cũng đang nhìn mình, cả hai đều không nói gì cả. Mai Nhi lại nói tiếp:
– Thị nữ thân cận của chị Lan tất cả có mười sáu người, nên công tử không biết nàng là ai cũng phải.
Lạc Dương lớn tiếng nói tiếp:
– Tại hạ có tội tình gì vì không quen biết nhau thì làm sao mà đổ tội cho tại hạ được.
Mai Nhi lại nói:
– Tôi không nói điều đó, hẳn công tử không nhớ khi ở thị trấn Lạc Trúc công tử đã tiếp tay với Ngụy Thừa Yến đánh chết một ông già mặt vàng khè tên Mã Tiếu? Và tướng công có biết Mã Tiếu là người như thế nào không? Tố Lan cau mày lại nạt khẽ:
– Mai Nhi…
Lạc Dương ngẩn người hỏi lại:
– Y là phỉ đồ Tuyết Liên Giáo chứ gì? Mai Nhi chỉ cười không nói. Lạc Dương thấy thế càng thêm bực tức nói:
– Chị Lan, tại hạ thật sự không biết Mã Tiếu là…
Tố Lan đỡ lời:
– Chúng ta không nói tới chuyện đó nữa, võ công của công tử tiến bộ nhiều lắm. Lát nữa công tử có thể biểu diễn một hai thế chị Lan xem không? Lạc Dương mặt đỏ bừng đáp:
– Sở dĩ tại hạ có được ngày nay cũng đều nhờ ở như chị Lan, vậy hà tất chị bắt tại hạ múa may bêu xấu làm chi.
– Tôi biết công tử sau khi rời khỏi núi Ngọc Chung, công tử đã học được nhiều thế võ hay nhưng sợ tôi học lỏm, không muốn biểu diễn phải không? Như vậy thì thôi.
Lạc Dương định thanh minh nhưng không hiểu sao chàng lại cúi đầu làm thinh. Mai Nhi đưa mắt ra hiệu cho Tố Lan rồi nói:
– Có lẽ công tử vẫn còn hận Phùng Nhi ở Lạc Trúc phá bĩnh cho nên mới giận cả tiểu thư đấy.
Tố Lan giả bộ giận dữ, sầm nét mặt lại hỏi:
– Công tử, Mai Nhi nói vậy có đúng không? Lạc Dương ngửa người lên thấy Tố Lan đã thay đổi nét mặt vội đáp:
– Tại hạ đâu dám có ý ấy.
Dứt lời chàng trợn mắt nhìn Mai Nhi nói tiếp:
– Nhưng thú thật tại hạ vẫn còn hận thiếu nữ áo xanh ấy thật, thế nào bên trong cũng có duyên cớ gì chị Lan mới hỏi cặn kẽ như vậy.
Mai Nhi vỗ tay cười nói:
– Tiểu thư xem cháu có nói sai đâu.
Nói xong, nàng lại làm bộ chế giễu Lạc Dương, khiến cho Tố Lan và ba nữ tỳ kia cũng phải che miệng cười khúc khích. Tố Lan định cất tiếng hỏi lại Lạc Dương thì mặt nàng bỗng biến sắc vội nói khẽ:
– Trên mái nhà có người.
Mọi người lắng tai nghe thì quả nhiên thấy trên mái nhà có tiếng chân đi rất khẽ, bốn nữ tỳ cùng lẹ làng nhảy ra ngoài cửa sổ tung mình lên mái nhà.
Dưới ánh trăng mờ bốn nữ tỳ trông thấy trên mái nhà có hai bóng đen đứng yên. Mai Nhi chưa kịp lên tiếng hỏi thì một người trong bọn kia đã lên tiếng nói trước:
– Mai cô nương đấy à, tại hạ thừa lệnh Thân Phùng Xuân lão sư đem thư đến đây cầu kiến tiểu thư…
Nói xong, y nhảy tới đưa lá thư. Mai Nhi đỡ lấy bức thư rồi liếc mắt nhìn khẽ bảo:
– Hãy đợi ở đây.
Nói xong, nàng tung mình nhảy xuống dưới nhà và thưa với Tố Lan:
– Không biết thân lão sư có gì mà sai người đem thư tới.
Tố Lan mở cái khăn ra lấy thư đọc rồi hơi cau mày dặn Mai Nhi:
– Mai Nhi trả lời cho y hay là ngày mai ta sẽ lên đường ngay.
Lạc Dương không để ý nghe và cũng hỏi han tới, chỉ đưa mắt nhìn xung quanh. Mai Nhi vừa đi ra ngoài cửa sổ thì Tố Lan đã cười hỏi:
– Có thật công tử nhẫn tâm đến nỗi không thèm hỏi han gì đến chuyện của tôi phải không? Lạc Dương ngẩn người ra giây lát rồi đáp:
– Chị Lan có gì sai bảo dù nhảy vào chỗ chết tại hạ cũng không dám từ chối, nhưng bản tính tại hạ xưa nay vốn vậy không muốn nhảy vào chuyện của người khác. Ngay khi ở núi Ngọc Chung tại hạ cũng đã nói cho chị Lan biết rồi những việc của kẻ giang hồ rất phức tạp và huyền ảo, không thể nào lấy cái lý thường ra đo lường được. Thị phi phải trái ra sao người ngoài cuộc không nên can dự vào. Mong chị Lan đừng trách cứ tiểu đệ.
Tố Lan cười tươi như hoa nở, bao nhiêu tình tứ đều xuất hiện ở đầu môi khóe mắt.
Hôm sau, đúng giờ ngọ, trời nóng như thiêu như đốt không có cả đến một làn gió nhỏ.
Trên cái quan, từ Hàm Ninh đi Hạ Khánh có một chiếc xe lừa đang chạy bon bon, cát bụi phía sau tung bay mù mịt. Trên xe có hai người ngồi, bên trái là Lạc Dương, mặc áo xanh tay cầm quạt giấy phe phẩy, mặt đeo mặt nạ đưa mắt nhìn thẳng về phía xa. Người ngồi bên trái là phu xe. Mồ hôi nhễ nhại tay phải cầm roi luôn luôn quất con lừa để nó chạy nhanh thêm. Còn tay trái thì giơ lên lau mồ hôi liên tiếp, mồm lẩm bẩm:
– Trời nóng nực thế này mà đòi đi ngay, có lẽ phen này chết thiêu chết nóng mất.
Xe do bốn con lừa to lớn kéo, phóng như bay nên trên xe càng lắc lư mạnh.
Hôm đó, người phu xe cũng cảm thấy đặc biệt vì y đi trên đường cái quan có rất nhiều nhân vật võ lâm đi lại liên tiếp, người nào vẻ mặt cũng đầy căng thẳng, gay cấn và phi ngựa rất nhanh.
Một lát sau, bỗng phía đằng trước có năm cái bóng người xuất hiện, chỉ thoáng cái đã thấy năm người cưỡi năm con ngựa phóng nhanh như gió lướt tới. Tiếng ngựa vang rồn rả, một người vận võ phục màu huyền tuổi trạc tam tuần, thân hình to lớn vạm vỡ trông rất hung dữ. Phía trước ngực bên trái người này có thêu ba cái vòng tròn, người đó phóng tới cách xa Lạc Dương chừng ba trượng liền gò cương cho ngựa đứng lại ngăn cản lối đi. Người phu xe của Lạc Dương thấy vậy hoảng sợ vô cùng vội cho bốn con lừa đứng lại. Lạc Dương thấy thế sầm nét mặt, cụp cái quạt lại cho vào cổ áo rồi lạnh lùng hỏi:
– Ban ngày ban mặt như thế này mà các ngươi định chặn đánh cướp kể các người cũng to gan thực.
Một đại hán mặt đỏ nghe nói thế trợn trừng mắt lớn tiếng quát:
– Câm mồm, chúng tao muốn khám xét trong xe xem có người mà bổn bang đang cần truy nã không.
Lạc Dương cười nhạt hỏi:
– Các người không phải là nha sai lính lệ thì các người lấy quyền gì mà khám xét xe của mỗ.
Đại hán mặt đỏ cười ha hả rồi múa tay phải một cái giơ trường tiên nhằm mặt Lạc Dương quất luôn một thế ác liệt. Còn bốn người nọ cũng lấy thủ tiên ra nhằm thẳng xe ngựa mà ném luôn mấy chục mũi một lúc. Những tên đó vào mui xe bùng cháy ngay.
Lạc Dương thất vậy tức giận vô cùng, liền giơ tay ra nắm lấy đầu đại hán mặt đỏ giật mạnh một cái. Đại hán mặt đỏ trở mình không kịp, buông tay kêu rú một tiếng mình bị rơi khỏi yên ngựa lộn mấy vòng trước xe ngựa. Lạc Dương cười nhạt một tiếng, rút luôn cái quạt ra điểm ngay vào ngang ngực tên này, thế là ngực tên này bị thủng và máu bắn tung ra mặt đất.
Lạc Dương không thèm nhìn y, tung mình nhảy lên trên mui xe chỗ đang có lửa cháy, múa tít quạt một hồi, những ngọn lửa tắt ngóm liền, nhờ vậy xe mới không bị cháy, xong chàng vừa tung mình nhảy xuống đất đã nghe có tiếng vó ngựa vang động. Thì ra bốn người nọ đã nâng đại hán mặt đỏ lên và thúc ngựa ù té chạy. Lạc Dương liền vén màn xe lên hỏi:
– Chị Lan có kinh sợ không, năm tên đó là người của bang phái nào thế? Năm thiếu nữ vẫn ngồi trong xe, hình như cảm thấy bên ngoài không có chuyện gì xảy ra. Tố Lan vừa cười vừa đáp:
– Không sao, mau bảo phu xe đánh xe lên đường đi! Theo dự đoán của tôi thì đằng trước còn nhiều sự cản trở lắm, nếu cần tôi sẽ ra tay.
Năm tên này là tiểu yêu của Tam Nguyên Bang, còn nhiều nhân vật lợi hại nữa sẽ lần lượt xuất hiện ngăn cản đường đi của chúng ta cho mà xem.
Lạc Dương nghe nói ngẩn người ra giây lát sau mới hỏi lại:
– Nếu vậy sao chị Lan không xuống xe đi bộ chả hơn là đi xe như thế này để bị lộ thân và bị đón đánh.
Tố Lan khẽ lắc đầu nói tiếp:
– Công tử không biết chuyện Tam Nguyên Bang liên hiệp với Hắc Kỳ Hội gây thù hằn với cha tôi. Chúng giở thủ đoạn để đối phó chúng ta và thế lực của chúng cũng lớn lắm, nếu chúng ta đi đường tắt chẳng khác nào đâm đầu vào lưới của chúng. Cho nên tôi mới quyết định đi đường cái quan này. Bây giờ điều cần nhất của chúng ta là trước khi mặt trời lặn phải đến thị trấn Hán Khẩu, ban ngày ban mặt cho dù bọn chúng có hung ác tới đâu cũng không dám làm quá tay! Lạc Dương tỏ vẻ hoài nghi hỏi tiếp:
– Có phải Tam Nguyên Bang và Hắc Kỳ Hội chỉ muốn bắt được chị không? Mai Nhi vội đỡ lời:
– Công tử còn hỏi gì nữa! Chỉ vì tiểu thư tìm kiếm công tử, tìm mãi không thấy, tính nết thay đổi hẳn, nên ở trên Hán Thủy đã ra tay đánh chết bốn tay cao thủ của Tam Nguyên Bang một lúc. Đôi bên trước đây đã không hòa hợp nhau, nay vì việc đó nữa càng thù hằn nhau thêm. Tôi với Phùng Nhi ở Thiên Nam về cho chị Lan biết tin tức của công tử, rồi tôi từ Hán Thủy đến Động Đình này là vì thế. Tóm lại, Phùng Nhi bị bắt cóc, Bình Nhi bị thương, Quang tiền bối, chú của chị Lan, bị phỉ đồ đánh đến nỗi tính mạng đang nguy hiểm. Tất cả những việc đó đều vì công tử mà nên hết.
Tố Lan hai má đỏ bừng, trách khéo Mai Nhi rằng:
– Mai Nhi, ai bảo ngươi nói nhiều như thế? Lạc Dương ngạc nhiên hồi lâu mới lên tiếng:
– Vậy là Tam Nguyên, Hắc Kỳ hai phỉ bang tập hợp toàn những tay cừ khôi hắc đạo, chúng ta phải cẩn thận, đừng có coi thường chúng.
Tố Lan lại nói:
– Chúng còn có một thế lực rất mạnh che chở cho, thế lực đó là phái Nga Mi đấy.
Nói xong, nàng lại cười nhạt một tiếng và nói tiếp:
– Dương đệ, bây giờ đã muộn rồi, chúng ta phải lên đường ngay đi. Đến nơi đó rồi chúng ta hãy bàn tính sau.
Lạc Dương liền tung mình nhảy lên mũi xe, tên phu xe vẫn còn hoảng sợ, nhưng y vẫn quất roi cho bốn con lừa chạy ngay đi. Chiếc xe lại bon bon chạy trên đường cái quan thẳng về phía trước, người ta chỉ còn trông thấy cát bụi thôi, chứ không thấy thân xe đâu nữa.
Không bao lâu xe đã chạy đến một sườn núi, chỗ đó có tới bốn năm ngã đi, thì bỗng thấy một bụi cây ở gần đấy có mấy cái bóng đen xuất hiện và chờ xe đi qua, thì nhảy ngay lên mui xe mà không ai hay biết gì. Dù sao Lạc Dương cũng kém kinh nghiệm giang hồ, vì thế mà chàng và tên phu xe cứ nhìn thẳng về phía trước, không biết gì về bọn giặc. Mấy tên giặc đã vận nội công vào hai bàn tay, đánh ra một kình lực âm nhu vào màn xe mà tấn công, không gây ra tiếng động nào cả. Chúng tấn công xong lại tung mình nhảy xuống đào tẩu, một tên còn cười nhạt một tiếng. Lúc ấy Lạc Dương mới hay vội quay đầu lại, chỉ thấy mấy cái bóng đen lẫn khuất vào trong rừng thôi, chàng vội quát bảo người phu xe ngừng lại. Lạc Dương liền quay đầu lại gọi:
– Chị Lan… Chị Lan…
Chàng đang giơ tay ra vén màn lên xem, thì đột nhiên có tiếng cười nhạt và có người nói vọng tới:
– Người đã chết rồi còn gọi làm chi nữa.
Lạc Dương kinh hãi vô cùng, đồng thời chàng lại thấy một cái bóng đen ở trên không nhảy xuống nhanh như chim cắt chàng thất rõ đó là một ông già mắt cú mũi két, mặt mũi trông rất hung ác kinh người. Chàng kinh hãi vô cùng vì thấy Tố Lan không trả lời nên chàng tưởng là nàng đã bị địch giết chết rồi. Chàng càng tức hận thêm nên không thèm đếm xỉa đến ông già kia, cứ vén màn xe lên nhìn vào bên trong xem sao. Chàng thấy bên trong trống rỗng không có một người nào cả, những chỗ ngồi đều có những vết bàn tay sâu chừng nửa tấc.
Lạc Dương rất thông minh chàng chỉ đảo tròn đôi ngươi một vòng đã hiểu liền. Chàng liền cười nhạt một tiếng, tung mình nhảy xuống nhìn thẳng vào mặt ông già kia mà hỏi:
– Tại hạ với ngài không có oán thù gì tại sao ngài cứ sai người lén hại tại hạ mãi như thế? Ông già cười khỉnh và đáp:
– Các hạ nên biết rõ, không khi nào ta lại ra tay đánh một kẻ không có thù hằn gì mình cả, các hạ hỏi như thế là hỏi thừa? Lạc Dương ngửa mặt lên trời, cười ha hả mặt lộ sát khí hỏi tiếp:
– Hừ, hỏi thừa phải không, thử nhìn vào trong xe sẽ rõ liền.
Ông già ngạc nhiên vô cùng, ngẩn người ra hồi lâu, nghĩ thầm: “Người này ăn nói kỳ lạ thật, sắc mặt lại lạnh lùng, xảy ra tai biến như thế mà y không kinh hoàng chút nào, hay là chúng cho tin sai, hay đã có chuyện gì xảy ra chăng?” Nghĩ đoạn lão già vội nhảy tới cạnh xe vén màn lên xem, quả nhiên thấy bên trong không có một bóng người nào hết, y ngạc nhiên vô cùng. Đang lúc ấy, y bỗng thấy phía sau có gió lạnh, biết là Lạc Dương tấn công lén liền nhảy sang bên để tránh nhưng đã quá muộn.
Cổ tay của y đã bị Lạc Dương siết chặt, hơi sức cứ mất dần, người cứ mềm nhũn, y kinh hoàng cùng nhất là khi thấy Lạc Dương lạnh lùng quát bảo:
– Bỗng tự dưng ngài lại đến đây gây sự, đó là ngài tự mang nhục vào thân, không thể oán trách tại hạ ra tay ác độc.
Chàng chưa nói dứt, trên sườn núi đã có sáu cái bóng người phi tới, mồm thì quát lớn, tay múa chưởng nhằm chàng tấn công luôn, hình bóng của sáu người đó vừa xuống tới mặt đất thì đã có tiếng rú rất thảm thiết vang lên và sau đó sáu bóng người bay lại bắn lên trên cao như sáu chiếc diều đứt dây rớt xuống đất kêu đánh bộpmột tiếng nằm thẳng cẳng ra không cử động gì.
Lạc Dương định dùng ông già làm cái móc che cho mình ngờ đâu chàng lại thấy sự thể thay đổi một cách đột ngột như vậy, nên chàng đứng ngẩn người ra trong giây lát mới định thần nhìn kỹ thấy sáu người đó tên nào sau lưng cũng có một thanh kiếm nhỏ cắm sâu vào Mệnh huyệt môn, mỗi lưỡi kiếm có ánh sáng lóng lánh, đủ thấy mũi kiếm có bôi thuốc độc rất lợi hại.
Ông già nọ thấy vậy, mặt lộ vẻ kinh hoàng, nhất là thấy sáu cái xác đó cứ co rúm nhỏ dần, không bao lâu biến thành đống nước vàng.
Thế là không còn một vết tích gì nữa, người ta chỉ thấy trên mặt nước còn lại sáu bộ áo đen với sáu thanh kiếm nhỏ dùng làm ám khí mà thôi. Cảnh tượng hãi hùng đó làm hai người nọ dễ sợ đến biến sắc mặt.
Đột nhiên Tố Lan ở phía sau xe lướt ra nhanh nhẹn giơ tay ra chỉ vào hai yếu huyệt của ông già nọ. Ông già chỉ kêu một tiếng hự đã ngã ngửa ra đất liền. Lạc Dương thấy vậy cả mừng, buông năm ngón tay ra và la lớn:
– Chị Lan…
Tố Lan ngăn cản không để cho chàng nói tiếp và khẽ nói:
– Mau lên xe cho xe chạy ngay, đến bờ sông sẽ có người tiếp dẫn hiền đệ ngay, chớ có bỏ mặt nạ xuống.
Nói xong, nàng đưa cho Lạc Dương lá cờ tam giác màu đen. Lá cờ này làm bằng lanh đen, trên có thêu một con phượng hoàng trắng, rồi nàng lại nói tiếp:
– Khi xe tới bờ sông, hiền đệ nên cắm ngay lá cờ đó lên trên xe.
Nói xong, nàng vẫy tay một cái, bốn nữ tỳ ở trên sườn núi chạy xuống chỗ sáu cái xác hồi nãy, quét dọn quần áo của chúng. Sau đó năm thiếu nữ liền tung mình nhảy lên trên sườn núi mất dạng.
Lạc Dương không hiểu gì hết nhưng chàng vẫn nhảy lên trên xe, thấy tên phu xe nhắm nghiền hai mắt, mồm lẩm bẩm niệm Phật, chàng không sao nhịn được cười liền quát bảo:
– Đánh xe đi, ngươi làm gì thế? Tên phu xe mở mắt ra nhìn, ngạc nhiên vô cùng vì y đã rõ ràng trông thấy sáu cái xác chết nằm trên mặt đất, chỉ thoáng cái đã mất tích liền, rồi y chớp mắt mấy cái rồi nói:
– Lão đại, có phải ban ngày ban mặt mà có ma xuất hiện hay không? Nói xong, y quất roi, bốn con lừa chạy, chiếc xe lại bon bon trên đường như trước.
Xe chạy nhanh như gió, mới đầu giờ thân đã đi được mấy chục dặm. Giữa đường có gặp mấy bọn giang hồ kỵ sĩ chạy xuống, bọn nào cũng đưa tầm mắt nhìn vào trong xe. Lạc Dương cứ ngồi như phổng đá, không nhìn ngược nhìn xuôi, trong lòng chỉ nghĩ đến chuyện Tố Lan với bốn nữ tỳ nhảy ra ngoài xe từ hồi nào mà chàng không hề hay biết gì cả.
Khi xe sắp chạy đến bờ sông, chỉ còn mười mấy dặm đường nữa là tới đích, lúc đó mặt trời đã lặn xuống núi, bỗng có mười mấy người cưỡi ngựa phóng qua nhanh như gió, rồi chúng cười ha hả lên tiếng nói:
– Định đi đưa đám hay sao mà chạy vội thế? Lạc Dương tức giận vô cùng, chỉ muốn lôi một tên phỉ đồ xuống ngựa đánh cho hai cái tát mới hả dạ, nhưng chàng nghĩ lại đành cố nhịn không dám ra tay. Đi thêm một quãng đường nữa chàng không nghe thấy tiếng vó ngựa kêu ở phía sau, quay đầu nhìn thì không trông thấy một bóng người nào nữa. Chàng nghểnh cổ lên nhìn về phía trước thì đã trông thấy trên mặt sóng nước đang chảy cuồn cuộn. Lạc Dương lấy lá cờ lĩnh đen ra cắm trên thành xe, chàng thấy nơi đó là khu đồi núi, không cao lắm, nhìn về phía trước chỉ thấy những cây thấp và trồng san sát bên nhau rồi chàng lại nghe thấy trong bụi cây lau ở gần chỗ chàng có tiếng kêu vo vo nổi lên, tiếp theo đó đằng xa cũng có tiếng vo vo vọng lại, ở khắp mọi nơi đều có tiếng kêu như thế, nghe rất rùng rợn ảo mộng. Tên phu xe hoảng hốt vô cùng, mếu máo nói:
– Đại gia ơi, lần này cửa đại ngục đã mở rộng, chắc thế nào chúng ta cũng phải yết kiến Diêm Vương mất.
Lạc Dương không trả lời, chàng lắng nghe thấy đằng xa có tiếng vó ngựa phóng dồn dập, chàng lại ghé mắt nhìn lại phía trước. Trời đã khuya mặt đất càng tối om, chàng thấy hai người cưỡi ngựa phóng tới. Hai người này thấy xe có cắm cờ đen thêu phượng hoàng trắng liền giơ tay ra nắm càng xe lại. Hai người rất cung kính vái chào Lạc Dương và nói:
– Mời ngài cứ ngồi yên, tại hạ dắt xe tới nơi rồi hãy nói chuyện sau.
Lạc Dương khẽ gật đầu nhưng không đáp. Xe đi được vài dặm nữa hai người nọ đột nhiên lôi xe quẹo vào trong khu rừng thông cạnh đó.
Nền trời trăng đêm thấp thoáng gió đêm thổi tới, rừng thiêng phát tiếng kêu vi vu. Lạc Dương thấy phía đằng trước xe có một tòa nhà đồ sộ xây ở giữa ngay rừng thông. Xe của chàng tiến thẳng về phía tòa nhà đó. Tới nơi, bốn bề vẫn tối đen như mực, không có một ánh đèn nào chiếu, cửa lớn bỗng mở toang phát tiếng kêu ầm ầm. Trong cửa có nhiều bóng đen thấp thoáng, nhưng hai người nọ vẫn lôi xe của chàng chạy thẳng vào bên trong. Đi qua khỏi cánh cửa, cánh cửa lại kêu ầm ầm rồi đóng kím lại. Lạc Dương đưa mắt ngắm nhìn, mới hay tòa nhà đó là một cổng thành to lớn vĩ đại, trên lầu thành có bóng người đi qua đi lại tuần tiểu ban đêm. Lúc ấy hai người kia liền xuống ngựa một người buông ra, xua tay cúi đầu vái chào chàng và nói:
– Mời ngài xuống xe, Thân Phùng Xuân lão sư đang đợi ngài tại khách sảnh.
Lạc Dương vội vàng nhảy xuống khỏi xe và đáp:
– Không dám! Phiền ngài dẫn đường giúp! Hai đại hán đi trước dẫn đường, bước qua ngưỡng cửa thứ hai rồi lại vòng qua một tấm vách như bình phong mới tiến thẳng vào trong đại sảnh. Thân Phùng Xuân đã đứng trước đại sảnh đợi, vừa trông thấy Lạc Dương đã bước lên một bước và mỉm cười nói:
– Từ khi cách biệt đến giờ thoáng cái đã được mấy tháng, công tử vẫn mạnh giỏi đấy chứ? Hai đại hán dẫn đường vội rút lui. Lạc Dương ngẩn người ra nghĩ thầm: “Mình đeo mặt nạ sao y lại nhận ra mình được.” Chàng thắc mắc vô cùng vội chào và đáp:
– Cám ơn Thân đại hiệp, tại hạ vẫn mạnh giỏi như thường, còn Thân đại hiệp thì sao? Phùng Xuân nắm cánh tay Lạc Dương cả cười và nói tiếp:
– Tình thế hiểm ác, mỗ không thể nào ra khỏi đây mà nghênh đón công tử được, mong công tử lượng thứ cho.
Lạc Dương liền đáp:
– Tại hạ không dám! Hai người khoác tay nhau đi vào trong nội sảnh. Tại đây có thắp một đôi nến màu đỏ to bằng cánh tay trẻ con, nên sáng như ban ngày, cả hai ngồi xuống ghế xong, Phùng Xuân liền giơ cánh tay trái lên khen ngợi Lạc Dương:
– Võ công của công tử tiến bộ nhanh chóng lạ thường khiến cho Thân mỗ cũng phải ngạc nhiên, giữa đường nếu không được công tử ra tay cứu giúp thì tính mạng của Lan cô nương đã nguy rồi! Lạc Dương ngẩn người ra đáp:
– Thân đại hiệp quá khen đấy thôi chứ Lan cô nương võ công cao cường hơn tại hạ nhiều, nói ra thêm hổ thẹn.
Phùng Xuân lại mỉm cười nói tiếp:
– Lạc Dương công tử chưa biết rõ nguyên nhân đấy thôi, không phải là Thân mỗ quá khen đâu. Nơi đây đang bị kẻ địch bao vây, cao thủ của chúng đông như kiến cỏ, ở xa khu này ngoài trăm trượng. Tòa nhà này không khác gì bị núi Thái Sơn đè đầu, đáng lẽ chúng tôi phải rút lui trước mới phải, nhưng vì Quan lão tiền bối nhũ phụ của Lan cô nương bị thương nặng không thể nào xê dịch được. Và chỉ có Lan cô nương có linh dược cứu chữa được thôi, vì thế nên mới phái người lén ra ngoài đi tìm kiếm Lan cô nương, quay về tiếp cứu. Việc này do Lan cô nương mà nên hết, vì nàng giận dỗi nhất thời mà giết chết con trai của Hắc Kỳ Bang, thù oán đó không sao bỏ được, nên giữa đường mới bị chúng tấn công lén liên tiếp như vậy.
Trong xe lừa có vết bàn tay in sâu như vậy, đủ thấy chúng chỉ muốn giết Lan cô nương cho hả giận mà thôi.
Nói tới đây, y ngừng lại giây lát rồi nói tiếp:
– Chúng yên trí năm thầy trò Lan cô nương bị đánh chết trong xe rồi, lại thấy sắc mặt công tử lầm lì như vậy và tên phu xe hoảng sợ cuống cả chân tay, chúng càng tin Lan cô nương và bốn nữ tỳ không sao sống sót được. Vì thế nên xe mới bình yên vô sự đến đây.
Đột nhiên có tiếng nói lanh lảnh vọng vào:
– Hai người nói xong chưa? Giọng nói quen thuộc, Lạc Dương giật mình kinh hãi nhìn ra thì thấy Mai Nhi đang thủng thẳng bước vào. Thấy Mai Nhi chàng mới yên tâm, đứng dậy cười hỏi:
– Bây giờ Mai cô nương mới tới à? Mai Nhi đáp:
– Đến sớm hơn công tử một chút thôi! Phùng Xuân vội chen lời hỏi:
– Quan đại thúc có đỡ tí nào không? Mai Nhi nghe nói mặt lộ vẻ lo âu thở dài đáp:
– Bệnh tình nguy nan lắm. Uống thuốc xong tuy giữ được cho kinh mạch của ông ta không đứt, nhưng cũng chỉ tạm bợ thôi, khiến tiểu thư khóc sướt mướt.
Lạc Dương vội hỏi:
– Tại hạ biết qua y thuật, Mai cô nương làm ơn nói với chị Lan xem có thể cho phép tại hạ vào xem mạch không.
Mai Nhi nghe Lạc Dương nói ngạc nhiên, hai mắt trợn tròn xoe đáp:
– Công tử chớ có nói đùa. Từ xưa đến nay tôi có thấy công tử nói về y thuật bao giờ đâu? Lạc Dương mỉm cười:
– Cứ để tôi chữa thử xem, biết đâu lang băm này lại chẳng mát tay.
Phùng Xuân cả cười nói xen vào:
– Tôi biết Lạc Dương công tử có nhiều tài nhưng hay giấu nên không mấy ai biết, giờ đây công tử đã nói như vậy chắc phải giỏi về y thuật nên mới dám nói thế. Mai cô nương hãy đưa chúng tội vào coi xem.
Ba người đi vào trong nhà. Lạc Dương thấy bên trong xây bằng ba bức tường rất cao, nên mỗi bức tường cứ cách năm thước là có một người gác, bóng người thấp thoáng đi lại rất nghiêm trang. Ánh đèn trong nhà vàng khè và âm u ám, Mai Nhi đẩy cửa vào trước, Phùng Xuân và Lạc Dương vào sau, thấy Tố Lan ngồi bên bàn đang khóc nức nở, hai mắt nàng sưng húp. Ba nữ tỳ bên cạnh không ngớt lời khuyên giải. Ngọn đèn dầu trên bàn hình như sắp hết bấc nên cứ lập lòe muốn tắt, khiến cảnh tượng càng thêm bi thảm. Phía trước mặt Tố Lan đang ngồi có kê một cái sập gỗ, một ông già đầu tóc rối bời đang nằm trên đó, hơi thở dồn dập, nặng nhọc.
Tố Lan thấy ba người vào, từ từ đứng lên, nhìn Lạc Dương gượng cười lấy khăn lau nước mắt, Mai Nhi chạy lại ghé sát tai Tố Lan thì thầm. Tố Lan tỏ vẻ ngạc nhiên và mừng rỡ nhếch mép hỏi:
– Dương đệ thông hiểu y thuật thật à? Lạc Dương đáp:
– Tiểu đệ không dám cam đoan có thể chữa được khỏi hay không, nhưng cứ để cho đệ thăm mạch và chữa thử xem.
Mai Nhi cho thêm ba chiếc bấc mới vào chiếc đèn dầu, làm căn phòng sáng hẳn lên.
Mai Nhi cầm chiếc đèn đi tới trước, Lạc Dương và mọi người theo sau. Mai Nhi tới trước cửa giữa một nô tỳ kéo cái ghế lại mời Lạc Dương ngồi. Tố Lan nhìn mặt Lạc Dương rồi cau mày lại nói:
– Dương đệ đã về tới đây còn đeo cái mặt nạ đó làm gì, trông lạnh lùng khó coi quá! Lạc Dương khẽ mỉm cười đưa tay lên cởi cái mặt nạ da người ra bỏ vào túi, rồi chàng cầm lấy cổ tay ông già, đặt lên đầu gối mình bắt mạch.
Quý vị nên rõ, khi ở trên núi Vân Vụ, Vân Nhạc truyền cho Lạc Dương cả võ công lẫn y học trong mười mấy ngày nên Lạc Dương đã hấp thụ được những môn võ công và y thuật tuyệt giỏi. Vân Nhạc là một người tài hoa cái thế, tuy chỉ có một thời gian ngắn ngủi để truyền thụ mà Lạc Dương đã thông làu bốn pho tuyệt học. Trong bốn pho tuyệt học đó có một môn là Mạch Ly Yếu Chỉ và một môn nữa là Kim Châm Quá Huyệt. Kim Châm Quá Huyệt là một môn châm chích tinh nhất trong y học. Vân Nhạc là một tài hoa xuất chúng nên cũng đã sáng tạo ra môn Cửu Châm Quá Cung kỳ học, có thể chữa được bách bệnh khỏi cần phải thuốc thang.
Lạc Dương lẳng lặng thăm mạch. Lát sau chàng buông tay khẽ nói:
– Bệnh này nguy hiểm lắm, lục mạch đã đã nổi hết, huyền môn lại không đủ giữ…
Tố Lan nghe nói lo âu vô cùng vội hỏi:
– Liệu có thể chữa được không Dương đệ? Lạc Dương thấy vậy vội đáp:
– Chị chớ lo âu thái quá, tiểu đệ từ khi học y thuật tới nay chưa hề đem ra sử dụng, đây là lần đầu tiên đệ ra tay cứu chữa cho người. Chưa biết chừng có thể xem nhầm cũng nên, nhưng dù sao đệ cũng xin đem hết năng lực của mình ra chữa. Xin hỏi chị Lan, vết thương của Quan tiền bối ở chỗ nào? Tố Lan đáp:
– Bị thương ở Tâm dư huyệt hai bên ngực.
Lạc Dương vội cởi áo ông cụ ra xem thấy hai bên dấu bàn tay thâm tím chàng dùng tay khẽ ấn thử thì thấy thịt chỗ đó hình như đã bị thối nên ấn lõm xuống mà không thấy phồng trở lên, chàng biết nội phủ của ông già này đã nát rồi, chàng khẽ thở dài.
Phía sau Lạc Dương có mười hai con mắt cứ nhìn đăm đăm thần sắc và cử chỉ của chàng, người nào người nấy đều im hơi lặng tiếng.
Lạc Dương nói:
– Chị nào làm ơn lấy cho tôi một chén nước lại đây.
Một nữ tỳ nhanh nhẹn ra trước bàn rót một chén nước đem lại cho Lạc Dương, Lạc Dương móc túi lấy một cái lọ nhỏ đổ ra một viên thuốc màu xanh biếc to bằng hạt châu thơm nức, ai ngửi thấy cũng khoan khoái.
Lạc Dương khẽ nạy mồm ông già ra bỏ viên thuốc vào rồi từ từ đổ nước cho ông ta uống, Tố Lan hỏi:
– Thế nào, có hy vọng khỏi không, công tử? Lạc Dương mỉm cười, không đáp chàng móc túi lấy ra một cái hộp đồng nho nhỏ và mở nắp ra, mọi người trông thấy bên trong có chín cây kim vàng nhỏ như sợi tóc. Lạc Dương lấy hai mũi kim ra cắm vào tả hữu hai kỳ môn huyệt, một kim cắm vào Thiếu dương huyệt bên trái, một kim cắm vào Thương dương huyệt bên phải. Hai kim châm vào hai Huyền chung huyệt. Ở hai chân còn ba mũi kim nữa thì chàng cắm vào Thiên đột và hai bên vai.
Thấy châm pháp của chàng lão luyện Phùng Xuân cũng phải khâm phục thầm, vội hỏi:
– Chín cây kim vàng này có phải là Tố Lan vấn cửu châm không? Lạc Dương đáp:
– Thế ra Thân đại hiệp cũng thạo về thuật châm quá huyệt này, nếu tại hạ có sơ suất chỗ nào, mong đại hiệp chỉ giáo cho. Vâng, chín mũi kim này chính là Tố Lan cửu châm đấy.
Một lát sau, chàng để lại bàn tay phải lên trán của ông già rồi nhắm mắt vận thuần dương chân khí của bản thân dồn sang đầu bệnh nhân, nên mặt chàng đang hồng hào bỗng trở nên nhợt nhạt dần, trên có một làn khói trắng bốc lên. Mọi người lại nhìn mặt ông già hồng hào dần mồ hôi toát ra ướt đẫm cả quần áo, lộ vẻ đau đớn, cất tiếng rên rỉ, nhưng hô hấp của ông ta đang dần điều hòa dần.
Lạc Dương mở hai mắt ra lấy bình thuốc đổ luôn một viên thuốc ra uống luôn, rồi lại xem xét lại ông già mặt lộ vẻ mừng rỡ lớn tiếng nói:
– Chị Lan, Quan lão tiền bối đã thoát nạn rồi.
Tố Lan nghe nói mừng rỡ vội hỏi lại:
– Dương đệ, có thật nhũ phụ tôi thoát chết không? Lạc Dương vừa cười vừa đáp:
– Phải, vì xem bệnh nhân chỉ cần hô hấp là biết an nguy, hô hấp là điều hòa âm dương, âm dương thuận hòa là vô bệnh…
Phùng Xuân càng kính phục liền khen ngợi rằng:
– Lạc công tử quả thật là thiên tài, sau này tương lai công tử còn rạng rỡ lắm, Thân mỗ vừa hâm mộ, vừa ghen tị với công tử nữa.
Lạc Dương đáp:
– Thân đại hiệp cứ quá khen…
Chàng vội quay lại nói với Tố Lan rằng:
– Tuy Quan lão tiền bối đã thoát khỏi nguy hiểm rồi, nhưng phải điều dưỡng nửa tháng nữa để cho máu bầm trong người bài trừ ra hết.
Đang lúc ấy bỗng nhiên trên trời có mấy tiếng còi vang lên, Phùng Xuân liền biến sắc mặt, nhảy qua cửa sổ đi ra bên ngoài thoáng cái đã mất dạng liền.
Tố Lan vội tắt đèn, thế là bốn bề tối om, đằng xa chỉ thỉnh thoảng có mấy tiếng còi vọng tới, lúc gần lúc xa, một lát sau từ cửa sổ đột nhiên có tiếng cười nhạt, tiếng cười nhạt ấy nghe rất rùng rợn. Lạc Dương trợn ngược đôi lông mày liền vội nhảy lên cửa sổ bên ngoài.