Nam Quốc Sơn Hà

Chương 17 - Vinh Qui Cố Ly -(Vinh Dự Trở Về Quê)

trước
tiếp

Từ ngày cô thiếu nữ Minh-Đệ bị gia đình ghét bỏ, bị làng khinh khi, bỗng trở lên một đệ nhất sủng-phi của Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế; thì dường như mỗi ngày, lý-dịch làng Thổ-lội lại nhận được văn thư từ các nơi gửi về. Đến nỗi trên từ cụ tiên, thứ-chỉ, cho đến lý-trưởng, phó-lý, trương-tuần, thủ-bạ phải ăn uống ngay tại đình để thi-hành.

Đầu tiên, sau khi Ỷ-Lan lên kiệu ngồi với nhà vua ba ngày, thì bộ Lễ đã sai một vị thị-lang làm khâm-sai đại thần (Ngày nay là tổng-giám đốc) thay nhà vua, đem sính lễ đến nhà ông bà Lê Văn-Thiết. Sính lễ do mười xe ngựa, với năm mươi cung-nga, thái-giám mới mang hết. Tuy Ỷ-Lan mới tiến cung, chưa định rõ đẳng trật, nhưng cứ xem lễ thì người ta đã biết nàng được phong làm Thần-phi. Lễ có năm loại. Một là vàng, bạc; gồm vàng ròng nghìn lượng, bạc nhất ba nghìn lượng. Hai là vải vóc gồm gấm Thăng-long 100 tấm, lụa Nghi-tàm 100 tấm, nhiễu Tam-giang 100 tấm. Ba là trâu bò, gồm mười trâu, mười bò, mười dê. Bốn là gà vịt gồm gà trống 100 cặp, gà mái ghẹ 100 cặp, ngan 100 cặp, ngỗng 100 cặp. Năm là trà, trầu: cau 100 buồng, trầu 100 mớ, vỏ 10 khúc, trà 10 cân. An-vũ kinh-lược-sứ Kinh-Bắc, quan huyện Gia-lâm cũng tháp tùng Khâm-sai. Khâm-sai đại nhân thay nhà vua lễ từ đường họ Lê, rồi dâng lễ vật lên cho quốc-trượng Lê Văn-Thiết và phu-nhân. Cả làng phải cử người đến cho phu nhân sai phái để làm cỗ đãi khâm-sai, cùng tùy tùng.

Trong buổi tiệc, khâm-sai đại nhân hỏi cụ tiên-chỉ về tiền treo của làng. Cụ tiên-chỉ đáp:

– Bẩm khâm-sai đại nhân, con gái tệ hương mà lấy chồng trong làng, thì thu treo rất nhẹ: vài quan tiền, một đôi gà, một thúng gạo. Nhưng nếu lấy chồng khác làng thì tiền treo rất nặng, có khi gấp ba, gấp bốn lần. Nếu lấy chồng có chức tước thì tiền treo cao gấp bội. Nhưng nay… Hoàng-thượng ban ân sủng, thì tiểu-nhân không biết tâu trình ra sao ?

Khâm-sai mỉm cười:

– Từ trước đến giờ, triều đình tuyển phi-tần thường chọn con em các đại thần. Mà các đại thần thì ở ngay Thăng-long, nên không có vấn đề treo. Nhưng nay Lê mỹ-nhân lại là người quý hương, bản sứ hỏi vậy, để còn liệu trình lại với ngài Thượng-thư bộ Lễ. Bản sứ xin nhắc để các cụ biết, đẳng trật của cung-nga triều đình gồm 27 bậc. Cao nhất là hoàng-hậu, rồi tới bẩy bậc phi là thần-phi, tuyên-phi, quý-phi, thục-phi, đức-phi, hiền-phi, giai-phi. Sau tới các bậc đại-nghi, quý-nghi… Thấp nhất là quý-nhân. Hiện chưa biết Lê mỹ-nhân sẽ được phong chức gì. Nhưng cứ như lễ vật mà hoàng-thượng ban chỉ cho bản chức đem về hôm nay, thì ít ra Lê mỹ-nhân cũng được phong vào bậc phi. Còn quý hương thì chưa biết sẽ được ban thưởng những gì. Chắc chắn là lớn lắm, vì nghe cung-nga, thị-vệ nói Lê mỹ nhân được sủng ái cùng cực.

Thầy đồ Trần Trọng-San chắp tay:

– Thưa đại nhân, đúng như giấc mộng của hoàng-thượng, thì Lê mỹ-nhân là Hằng-Nga giáng thế, sẽ dâng cho hoàng-thượng hai hoàng tử, mà cả hai hoàng tử đều là người nhà trời, sau này sự nghiệp vĩ-đại vô cùng. Như vậy tệ hương cũng được ghi vào thanh sử.

– Trường hợp đó, lọ là phải bàn, Lê mỹ-nhân sẽ thành hoàng-thái-hậu, địa vị cực cao quý. À, tiên-sinh là Trần Trọng-San phải không? Dường như còn một tiên sinh nữa là Quách Sĩ-An thì phải?

Thầy đồ Trần chỉ thầy đồ Thái:

– Vâng, đây là thầy Quách Sĩ-An. Không ngờ anh em chúng tôi ở nơi cỏ nội hoa hèn, mà đại nhân cũng biết tới?

– Tiên sinh đừng dậy thế. Từ xưa đến giờ, học trò thành danh, thì thầy vinh-hiển. Hai tiên-sinh là thầy của Lê mỹ-nhân thì tiến trình tương lai không tầm thường. Lê mỹ-nhân đã tâu với hoàng-thượng về tài đức hai tiên sinh. Hoàng-thượng đã đưa sang toà Bình-chương cứu xét.

Lời của khâm-sai làm cả làng vui vẻ chi siết kể.

Sau hơn tháng, thì có chiếu chỉ đổi làng Thổ-lội thành làng Siêu-loại, và triều đình ban cho dân làng Siêu-loại được hưởng Tam-ân.(1) Khắp làng đều đốt pháo ăn mừng. Rồi từ đấy, cứ tháng tháng đôi tuần, Ỷ-Lan lại sai sứ phi ngựa đem những sơn hào hải vị về dâng cho song thân.

Rồi quả đúng như khâm-sai báo trước, có sứ giả về triệu hồi hai thầy đồ Quách Sĩ-An, Trần Trọng-San lai kinh. Ít lâu sau có tin cả hai thầy đều được phong làm tham-tri, tức lên tới tột đỉnh công danh. Cho đến hôm rồi, quan huyện Gia-lâm đạt giấy yêu cầu tất cả chức dịch tổng Dương-quang phải có mặt tại đình làng Siêu-loại, để quan huyện về truyền lệnh. Cả tổng bàn tán xôn xao, không biết triều đình lại ban ân điển gì nữa đây? Khi vào buổi họp, quan mới loan báo cho biết cả huyện phải giúp tổng Dương-quang chuẩn bị đón Ỷ-Lan phu nhân vinh-quy. Trong chuyến đi này, còn có sứ giả của nhà vua gả bốn thiếu nữ khác của Siêu-loại cho hai hoàng-tử và hai đại công tử. Sứ giả cũng chuyển cho làng một bức thư của Quốc-phụ Khai-quốc vương loan báo: năm thiếu niên làng Thổ-lội, được Quốc-phụ dạy dỗ mấy năm qua, nay người cũng cho họ trở về cố lý để thăm cha mẹ, họ hàng.

Lập tức trong làng ồn ồn lên bàn tán rằng không biết còn bốn cô nào mà lại phúc đức như vậy? Có người đoán già rằng nhất định một trong bốn cô đó là Minh-Can. Người ta lại kéo đến chúc mừng bà Thiết. Bà nói oang oang cả ngày:

– Nhất định là thế rồi. Cái con Minh-Đệ nhà tôi, nhan sắc thua xa con Minh-Can, lại ăn không lên đọi, nói không lên lời, mà còn được đức vua tuyển làm phi, trong khi con Minh-Can nhan sắc như chim sa cá lặn, tề gia nội chợ giỏi thì nó phải làm hoàng-hậu mới đúng. Đây nhà vua gả cho hoàng-tử thì cũng thiệt thòi cho nó lắm đấy.

Người ta lại đoán xem hai hoàng tử đó là ai? Chắc chắn không phải là con của Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế rồi, vì ngài chưa có hoàng nam. Hay là em của ngài? Con nuôi của ngài?

Còn năm thiếu niên học với Quốc-phụ, thành tài trở về cố lý là những ai, thì cả làng đoán không ra. Người ta cứ thức mắc về hai hoàng tử mà thôi. Mãi mấy hôm sau, mới có tin từ kinh đô Thăng-long đưa về rằng hai hoàng tử đó có tên là Hoằng-Chân, Chiêu-Văn. Cả làng lại chấn động lên, vì hai hoàng tử này văn-võ song toàn, nổi tiếng là đệ nhất mỹ-nam tử Thăng-long, con trai của Quốc-phụ. Còn hai công-tử đều là con quan thượng-thư, cũng văn võ song toàn. Một người là Chiêu-vũ hiệu-úy, một người là Định-viễn tướng quân. Cả bốn người được Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế đứng ra gả cho bốn thiếu nữ trong làng. Nhưng người ta không biết bốn thiếu nữ đó là cô nào?

Quan huyện phân chia công việc cho các xã trong tổng phải làm những gì giúp Siêu-loại đón đại quý khách.

Suốt năm ngày qua, toàn thể tổng Dương-quang nhộn nhịp hẳn lên. Trai gái thì lo đắp đường, làm cỏ, chặt cây, bắc lại cầu cho con đường đi tới làng Siêu-loại. Lý-dịch thì lo hội họp phân chia việc cho từng loại người. Như các cụ ông phải làm gì? Các cụ bà phải làm gì? Mỗi lần họp hàng tổng như thế, thì lý-dịch làng Siêu-loại được mời sang nghe để biết.

Rồi cái ngày chờ đợi đã tới.

Từ mờ sáng, dân chúng khắp nơi đổ dồn về đứng dọc hai bên đường dẫn tới làng Siêu-loại, để chờ đón xem mặt Hằng-Nga với hai hoàng-tử cùng hai đại tướng quân. Lý-dịch áo-xanh, quần trắng, dây lưng đỏ, lưng đeo loa lăng xăng chạy lui, chạy tới ra lệnh.

Khi mặt trời vừa lên khỏi lũy tre, thì có hai thị-vệ, giáp trụ sáng ngời, lưng đeo trường kiếm từ xa xa phi ngựa tới. Lý-trưởng vội đứng giữa cổng làng cung tay:

– Xin kính chào hai ngài thị-vệ đại nhân.

– Thưa cụ lý. Anh em chúng tôi xin kính chào cụ. Chúng tôi tới trước để kiểm soát an-ninh đôi chút mà thôi.

Viên thị-vệ khác nói nhỏ:

– Hằng-Nga tiên tử về thăm quê, người trần như bọn cháu phải hết sức phục thị cho phải đạo.

Hai thị-vệ đáp lễ, rồi kiểm soát cổng chào, kiểm soát cây cầu gỗ, kiểm soát cả con đường. Công việc xong, hai người đứng ra hai bên cổng làng. Một người đốt cái pháo thăng thiên tung lên trời. Cái pháo nổ đánh đùng một cái, rồi tỏa ra mầu tím hoa cà. Mọi người đều hướng mắt về phía trước con đường cái quan chờ đợi. Khoảng một khắc sau, từ đầu đường, một đoàn thị-vệ giáp trụ sáng ngời, cỡi ngựa, xếp hàng bốn từ từ tiến tới. Phía sau đoàn thị-vệ, là hai người lính cầm hai lá soái kỳ, một lá thêu con rồng vàng bay giữa đám mây với con ưng mầu trắng, cạnh có chữ « Quảng-thánh, Chiêu-vũ hiệu-úy Bùi ». Một lá cũng thêu con rồng vàng, nhưng con ưng thì mầu đen, cạnh có chữ « Quảng-vũ, Trấn-viễn tướng quân Nguyễn ».

Lý-trưởng hỏi viên thị-vệ:

– Ỷ-Lan phu nhân vinh quy kỳ này, có bao nhiêu người theo hầu? Do ai chỉ huy?

– Tổng số người theo hầu khá đông. Một trăm thị-vệ do chiêu-vũ hiệu-úy Bùi Hòang-Quan chỉ-huy. Năm mươi thái-giám, năm mươi cung nữ do chi-hậu nội-nhân Nguyễn Bông chỉ-huy. Còn người tổng chỉ huy là Định-viễn tướng-quân Nguyễn Căn.

Trương-tuần Huy hỏi:

– Tại sao giữa hai lá cờ lại có con ưng khác mầu? Hai vị tướng quân đó là ai vậy?

– À, hiện trong nước có mười hai đạo Thiên-tử binh. Trong mười hai đạo đó thì đạo Ngự-long, Quảng-thánh, Quảng-vũ, Bổng-nhật, Đằng-hải đóng ở Thăng-long làm Ngự-lâm quân, vì vậy quân kỳ của các đạo này đều thêu con rồng vàng. Để phân biệt, đạo Ngự-long thêu thêm con ưng vàng, đạo Quảng-thánh con ưng trắng, đạo Quảng-vũ con ưng đen, đạo Bổng-nhật con ưng xanh, đạo Đằng-hải con ưng đỏ. Vị tướng đi dưới cờ đạo Quảng-thánh là chiêu-vũ hiệu-úy Bùi Hòang-Quan. Vị đi dưới cờ đạo Quảng-vũ là trấn-viễn tướng quân Nguyễn Căn.

– Còn phía sau hai vị tướng giáp bạc là ai mà trang phục như con trai nhà quê thế kia?

– Ấy! Không phải trai quê đâu, mà là hai hoàng tử Hoằng-Chân và Chiêu-Văn đấy.

– Lạ nhỉ? Tại sao hai ông hoàng mà lại mặc quần áo nâu, dây lưng nâu, đầu quấn khăn như mấy anh thợ cấy vậy?

– Nguyên hai vị là anh em sinh đôi, con trai của Quốc-phụ Khai-quốc vương với vương phi Thanh-Mai. Hồi thơ ấu hai ông được gửi cho quốc-trượng Trần Tự-An nuôi dạy ở Thiên-trường, nên tính tình ảnh hưởng của phái Đông-a, ăn uống giản dị, nói năng ôn tồn, mà võ công cao siêu không biết đâu mà lường.

– Sao sau hoàng tử Hoằng-Chân lại có năm thiếu niên cỡi ngựa hồng, rồi sau hoàng-tử Chiêu-Văn lại có bẩy thiếu niên cỡi ngựa trắng? Họ là ai vậy?

– À, năm thiếu niên cỡi ngựa hồng vốn người Thổ-lội, được Quốc-phụ thu làm đệ tử, rồi được hoàng thượng ban cho mỹ danh là Long-biên ngũ hùng. Nay nhân Hằng-Nga hồi cố lý, năm cậu cũng được theo về. Ông không biết năm cậu ấy à?

– Khổ quá, đây là vinh dự lớn lao của làng, mà chúng tôi không biết mấy cậu ấy là ai mới khổ? Còn bẩy cậu cỡi ngựa trắng?

– Cũng là đệ tử của Quốc-phụ, em nuôi của Ỷ-Lan phu nhân đấy. Bẩy cậu được hoàng thượng ban cho mỹ danh là Tây-hồ thất kiệt.

Đoàn người ngựa từ từ tiến tới. Phía sau ngựa của hai hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn là ban nhã nhạc 120 người, rồi tới kiệu của Ỷ-Lan phu nhân. Kiệu do mười sáu cung nữ khiêng. Các cung nữ trang phục áo gấm mầu hồng nhạt, quần đen, dây lưng vàng. Hai bên kiệu có bốn thái-giám theo hầu. Phía sau kiệu Ỷ-Lan phu nhân, có bốn cái kiệu, mỗi kiệu do tám người lính khiêng. Người ta đoán đó là kiệu đón bốn thiếu nữ làng Siêu-loại cho bốn chàng rể đại tài. Sau bốn chiếc kiệu còn có mười tám xe song mã, trên chở đầy phẩm vật của nhà vua ban cho gia đình họ Lê, gia đình bốn cô gái tốt phúc và dân làng Siêu-loại.

Cuối cùng là một đoàn thiết-kị gươm đao sáng ngời, hàng ba. Khi kiệu tới đâu, là tiếng loa xướng đến đó:

– Phu nhân truyền miễn lễ cho dân làng.

Không ai được thấy dung nhan phu nhân. Họ cùng mở to mắt nhìn hai vị tướng quân giáp bạc oai phong lẫm liệt. Họ lại trầm trồ khen hai hoàng tử đẹp trai. Các cô gái cùng nhìn bốn người rể tương lai của làng, trong lòng ước mơ được làm vợ của một trong bốn người.

Khi đoàn người vào trong làng Siêu-loại, thì kiệu của Ỷ-Lan phu nhân cùng bốn kiệu « rước dâu » được đưa vào trong hành doanh. Hành doanh được cất bằng tre, lá, ngay trong khu vườn của ông bà Thiết. Trong khu hành doanh, một nhà rạp cực lớn mới cất lên trước ngôi nhà ông bà Lê Văn-Thiết. Long-biên ngũ-hùng, Tây-hồ thất kiệt cũng theo kiệu Ỷ-Lan vào nhà rạp.

Ông bà đã quần áo chỉnh tề cùng các con đón Ỷ-Lan. Nàng xuống kiệu lạy cha mẹ, thăm hỏi các em. Liếc mắt qua, thấy vắng mặt Minh-Can, nhưng vì có nhiều người ngoài, nàng không tiện hỏi xem ả ở đâu? Trước kia ông bà Thiết ở trong căn nhà năm gian, lợp tranh, tường gạch. Khi Ỷ-Lan tiến cung, với lễ vật từ hoàng cung gửi về, ông bà được dân làng giúp đỡ xây một dinh cơ lớn để ở. Nhưng Ỷ-Lan đã cho người về nói với làng là xây dinh mới thì cứ xây, nhưng phải giữ nguyên căn nhà cũ. Trong căn nhà, chỉ được sửa chữa những chỗ dột nát mà thôi. Cái giường của nàng nằm, cùng cái chuồng lợn mà nàng phải nằm ngủ mấy năm, phải giữ nguyên.

Ỷ-Lan thấy nhà rạp nối liền với căn nhà cũ của nàng, thì vui vẻ vô cùng. Tần ngần, xuống chuồng lợn, Ỷ-Lan nhìn bầy lợn năm con, hồi nàng sắp tiến cung chúng còn đỏ hỏn, mà bây giờ không thấy con nào nữa, chuồng bỏ không. Thì ra vắng nàng, thiếu người nấu cám, dã bèo, nên bà Thiết không nuôi lợn nữa. Mụ Sửu thấy nàng, vội quỳ mọp xuống đất, rập đầu binh binh. Nhưng vốn dốt nát, mụ không nói lên lời chúc tụng. Ỷ-Lan phất tay, chi-hậu Nguyễn Bông nói:

– Phu nhân truyền cho mụ bình thân.

Ỷ-Lan chỉ cho cung-nga, thái-giám, với các quan tháp tùng:

– Kia, cái giường tre kia tôi đã ngủ trên đó từ khi đẻ ra đến lúc vào cung.

Nàng chỉ vào căn buồng nhỏ hẹp, tối tăm:

– Trước tôi ở trong này. Sau bị đuổi ra ngủ trước chuồng lợn, những ngày lạnh thì chui đầu vào đống rơm, bằng không thì chết cóng.

Tùy tùng kinh ngạc đến không thể ngờ được. Hoàng-Nghi thêm:

– Các vị kinh ngạc hả? Thời thơ ấu của chị tôi khốn khổ đến không ai có thể tưởng tượng nổi kiếp người sao mà lại có thảm cảnh như thế!

Nghe Nghi nói, bà Thiết ứa gan muốn mắng chửi nó, nhưng bà thấy nó đeo kiếm, quần áo sang trọng, bà lại im lặng. Nàng vòng ra sau nhà, cái chuồng hôi cũ tuy đã được trồng hoa xung quanh, nhưng rộng hẹp vẫn không đổi. Nàng nói:

– Hồi xưa, tôi bị đánh bằng đũa cả cho đến khi mê man, rồi bị ném xuống dưới chuồng hôi, dòi bọ đầy người, sau đó đang đêm phải lần mò sang chùa Từ-quang xin cứu trị, giữa đường bị ngất, được y-sư Xuân-Hòa chữa cho.

Trần Ninh thêm:

– Bấy giờ chị đâu có ngờ, ngày nay lại thành bông «lan» thơm nhất thiên hạ. Em cho rằng cái lần bị ném xuống cầu tiêu, giống như chị xuống Âm-phủ, rồi tái đầu thai vậy.

Mặt bà Thiết cau lại, rất khó coi. Đi một vòng quanh nhà, nhìn lại kỷ niệm cũ, rồi nàng trở về rạp. Trong rạp chỉ có An-vũ-sứ, quan huyện, song thân của nàng mới được có mặt, để đón con gái. Giữa rạp, một hương án, đỉnh hương bốc khói lên nghi ngút. Hai hoàng-tử và hai vị tướng quân đóng quân ở sân đình. Thị-vệ vây kín xung quanh rạp. Ỷ-Lan phu-nhân được đưa ngồi trên một cái ngai chạm hai con phượng. Lễ quan bắc ghế cạnh phu nhân cho song thân nàng ngồi. An-vũ-sứ, tri huyện cũng được ngồi ghế đặt lui lại sau nửa bước. Bốn cái kiệu đón dâu mở ra, Trinh-Dung, Ngọc-Huệ, Ngọc-Nam, Thanh-Thảo bước xuống. Bốn cô hành lễ với ông bà Thiết, rồi ngồi vào bốn cái ghế phía sau Ỷ-Lan phu nhân. Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt đứng thành hai hàng phía trước. Lễ quan cho dàn ra bên trái phu nhân hai chục cung-nga, bên phải hai chục thái giám. Lại có hai đội thị vệ giáp sắt, cầm đao đứng hầu.

Lễ quan cung tay:

– Theo nghi lễ triều đình, hôm nay là ngày vinh quy của phu nhân. Hoàng-thượng gửi theo lễ vật về dâng cho song thân phu nhân.

Thái-giám cung nga đem lễ vật ra: nào ngọc, nào vàng, nào lụa, nào gấm. Ông bà Thiết phải đứng dậy tiếp lễ vật, rồi hướng vào hương án lễ tạ.

Lễ-quan hô:

– Xin phu nhân ban thưởng cho những người có ơn và những người phu nhân thương mến.

Phu nhân gật đầu:

– Cho mời lý-dịch vào.

Tiên-chỉ, thứ-chỉ, lý-trưởng, phó-lý, trương-tuần, thủ-bạ vào rạp quỳ gối hành lễ. Phu nhân phán:

– Xin các vị bình thân.

Ỷ-Lan truyền lệnh cho lý dịch:

– Mời tất cả dân làng vào rạp.

Cửa rạp mở rộng, dân chúng kéo nhau vào trong, đứng thành một vòng trước hương án. Ỷ-Lan hướng lý-dịch:

– Người xưa nói: có ở trong chăn mới biết chăn có rận, thì tôi cũng có thể nói rằng có ở trong chăn, mới biết chăn sạch sẽ. Tôi là đứa con gái sinh ra đã bị bất hạnh, bị chà đạp bị đánh đập đến chết đi sống lại, bị cường hào ác bá khinh khi đủ điều. Nhưng riêng các cụ trong lý-dịch vẫn đối xử với tôi bằng tấm lòng thương xót. Vì vậy, không bao giờ tôi quên cái ân tình đó. Tôi đã tâu lên hoàng-thượng, tưởng thưởng cho tất cả các vị như sau: hai cụ tiên, thứ chỉ được hưởng hàm ngũ-phẩm. Hai cụ chánh, phó lý được hưởng hàm thất phẩm. Anh trương-tuần, thủ-bạ được hưởng hàm bát phẩm.

Lễ quan hô:

– Lý dịch quỳ xuống nghe chiếu chỉ.

Sau khi lý-dịch quỳ gối trước hương án, một thái giám mở trục đọc chiếu chỉ phong hàm. Lý-dịch tạ ơn.

Lễ quan hô:

– Phu-nhân ban thưởng cho lý-dịch.

Ỷ-Lan bước khỏi ghế, trao cho mỗi người một nén vàng, một tấm gấm Thăng-long, một tấm lụa Nghi-tàm. Sau khi trao cho trương-tuần Huy, nàng nói với An-vũ-sứ:

– Này An-vũ-sứ, anh trương tuần xã tôi thực là người lỗi lạc. Anh bị bọn gian Trịnh Quang-Thạch áp chế, nhưng nhất định khăng khăng không chịu theo chúng. Anh lại có tài tổ chức hoàng-nam giữ an-ninh cho xã. Tôi sẽ đưa anh về kinh làm thị-vệ. Vậy An-vũ-sứ có cho đi không?

An-vũ-sứ cúi đầu:

– Tâu phu nhân được chứ ạ. Thần sẽ cử người khác thay anh Huy.

Ỷ-Lan tiếp:

– Cho mời bốn bà Đinh, Hiếu, Liên, Đức ở chùa Từ-quang.

Bốn bà theo sau bốn cung nữ vào nhà rạp, rồi quỳ gối hành lễ.

Ỷ-Lan phất tay:

– Miễn lễ.

Bốn cung nữ đỡ bốn bà dậy, mời ngồi. Ỷ-Lan hỏi:

– Sao lâu nay bốn bà vẫn khỏe chứ?

– Tâu phu nhân, hồi đó chùa bị đóng cửa. Sau thầy Viên-Hoa về, thầy đuổi hết chúng tôi đi. Mãi gần đây sư phụ với bốn thầy Viên-Căn, Viên-Diệp, Viên-Chi, Viên-Mộc được ân xá trở về. Chùa lại vui vẻ như xưa.

Phu-nhân chỉ Long-biên ngũ hùng:

– Các bà có biết ai đây không?

Bà Hiếu nhìn bốn trẻ, rồi lắc đầu:

– Tâu phu nhân trông mặt thì quen quen, song mụ già này không nhớ đã gặp ở đâu.

Ỷ-Lan chỉ Vũ Quang:

– Em nói cho bà Hiếu biết các em là ai đi.

Vũ Quang chắp tay vái các bà Hiếu, Đức, Đinh, Liên:

– Các bà không nhận ra bọn con cũng phải. Bọn con là Phạm Dật, Vũ Quang, Hoàng Nghi, Lý Đoan, Trần Nghi đây.

Tất cả dân chúng đều « ồ » lên kinh ngạc. Bà Liên lắc đầu:

– Hồi sư cụ, với các sư ông bị bắt, rồi các cháu cũng bị bắt… Rồi không thấy các cháu đâu. Cô Minh-Can bảo chính mắt cô thấy Minh-Đệ… à Ỷ-Lan phu nhân bị xử voi dầy, còn các cháu thì bị tùng xẻo rồi.

Bà chỉ ra ngoài:

– Hiện bố mẹ cháu cũng có mặt tại đây, để già đi gọi đến cho các ông bà ấy mừng.

Ỷ-Lan ban chỉ:

– Xin các bà ra ngoài mời bố mẹ các em vào cho tôi.

Bà Liên ra ngoài một lúc, thì dẫn vào mấy người. Trong năm trẻ thì có đứa còn đủ bố mẹ, có đứa chỉ còn mẹ. Riêng Hoàng-Nghi, nó đứng thừ mặt ra, vì từ hồi có trí khôn, nó không biết cha mẹ là ai. Đám trẻ mất bình tĩnh, bỏ hàng chạy ra ôm lấy bố mẹ mà khóc. Người người nhìn nhau, mừng mừng, tủi tủi. Ỷ-Lan bảo đám trẻ:

– Chị cho các em về thăm nhà. Mai lại đây đi thăm chùa Từ-quang với chị.

Ỷ-Lan phu nhân hỏi bốn bà Liên, Hiếu, Đức, Đinh:

– Này, bốn bà. Chúng ta vốn có tiền duyên. Tôi muốn đón các bà về kinh làm việc trong cung, không biết ý các bà thế nào?

Bà Đức lắc đầu:

– Phu nhân thương mà đón chúng tôi, chúng tôi muôn vàn cảm tạ. Xin phu nhân cứ cho chúng tôi ở làng được rồi.

– Vậy thì thế này. Tôi được hoàng-thượng cấp một trăm mẫu ruộng hạng Kim-điền. Tôi cho các bà làm tá điền. Mỗi bà được cầy mười mẫu, mỗi mùa chỉ phải nộp ba thùng gạo cúng dàng chùa Từ-quang. Không biết các bà nghĩ sao?

Cả bốn bà đều thuộc gia đình cùng khổ phải làm công quả cho chùa để kiếm ăn. Bây giờ được Ỷ-Lan cho cầy ruộng tốt, mà phải nộp chưa quá một phần trăm tô thường thì mừng chi siết kể. Bốn bà vội xụp lạy nàng. Ỷ-Lan tiếp:

– Hồi trước, tôi đến chùa, chỉ có quần một manh, áo một mảnh. Bà Hiếu, bà Đinh đã lấy quần áo các bà cho tôi. Bà Đức, bà Liên còn may quần áo cho tôi. Hỡi ơi! Tôi được các bà thương yêu như con trong nhà. Bấy lâu nay, những lúc khổ sở, những khi sung sướng, tôi đều nhớ đến các bà. Nay tôi được hoàng-thượng ân sủng cho về quê vinh quy. Vậy tôi xin tạ ơn mỗi bà một tấm luạ, một tấm gấm, một tấm sa và một tấm nhiễu. Lại tặng mỗi bà một nén vàng.

Bốn bà chắp tay tạ ơn.

Ghi chú,

Một nén vàng là mười lượng. Mỗi lượng vàng ăn mười lượng bạc. Mỗi lượng bạc ăn mười quan tiền. Mỗi quan là sáu trăm đồng. Giá một thùng gạo hồi đó là năm đồng. Một thùng gạo so với ngày nay là 10,75 kg. Như vậy số vàng ấy các bà có thể mua tới 120.000 kg gạo.

Ỷ-Lan phu nhân lại bảo lý-trưởng:

– Phiền cụ lý đem tất cả con các bà trong tuổi từ mười đến hai mươi về kinh, tôi sẽ gửi vào trường của Thái-bảo Lý Thường-Kiệt học. Mọi chi phí, tôi xin trả hết.

– Tuân chỉ của phu-nhân.

– Cho mời song thân của Trinh-Dung, Ngọc-Nam, Thanh-Thảo, và Ngọc-Huệ vào.

Lễ quan ra ngoài, lát sau dẫn bốn ông, bốn bà vào. Từ hồi bốn người con của ông bà được Ỷ-Lan dẫn về kinh để làm bạn, ông bà đã vui mừng đến nỗi nằm mơ cũng không tưởng tượng nổi. Rồi ít lâu sau, lại được thư các con viết về rằng cả bốn được thu nhận vào học trong trường của Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản. Chư vị lại mừng chi siết kể. Bởi trước đây, họ chỉ ước mơ con gái được thu vào trường Trung-nghĩa, cũng đủ hãnh diện lắm rồi. Bây giờ được vào trường của Long-thành ẩn-sĩ, một trường danh tiếng nhất Đại-Việt, hỏi sao các ông các bà không vui?

Hôm nay nhờ Ỷ-Lan vinh quy, các ông bà được lý-dịch mời đi đón, được đưa vào trong sân để gặp Ỷ-Lan, là điều ông bà vinh dự vô cùng. Bốn ông bà vội hành đại lễ. Ỷ-Lan nói lớn:

– Miễn lễ cho các bác.

Ông bà ngửng lên, thì thấy con gái mình đang ngồi sau Ỷ-Lan, nhan sắc diễm lệ, trang phục cực kỳ sang trong… đã đứng dậy đỡ mình. Quá cảm động, nước mắt bốn ông bà lăn tăn rơi trên má. Cung nga lấy ghế mời ông bà ngồi.

Lễ quan hô:

– Bốn quận chúa hành lễ với phụ-mẫu.

Bốn nàng thụp xống lạy cha mẹ tám lạy.

Ỷ-Lan truyền:

– Mời hai hoàng tử và hai vị tướng quân vào.

Hai hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn đã mặc quần áo tước quốc-công, phong tư tiêu sái, trông như cây ngọc trước gió, khiến tất cả mọi người đều suýt xoa. Theo sau hai hoàng tử là Chiêu-vũ hiệu-úy Bùi Hoàng-Quan, Định-viễn tướng-quân Nguyễn Căn. Hai tướng quân mặc giáp bạc, lưng đeo bảo kiếm, trông như những thiên tướng.

Lễ quan hô:

– Hai hoàng tử, hai tướng quân, cùng bốn quận chúa nghe chiếu chỉ.

Hai hoàng tử, hai tướng quân, Trinh-Dung, Ngọc-Huệ, Ngọc-Nam, Thanh-Thảo cùng đến trước hương án, quỳ gối. Một thái-giám cầm trục giấy đọc:

Thừa thiên hưng vận

Đại-Việt hoàng đế chiếu rằng:

Âm-dương là đạo của trời đất. Vì vậy nên khi xưa Quốc-tổ Kinh-Dương kết hôn với công chúa con vua Động-đình. Quốc-tổ Lạc-long quân kết hôn với công chúa Âu-Cơ. Thời Lĩnh-Nam, vua Trưng đã đứng ra tác thành cho biết bao nhiêu trai tài gái sắc. Kinh-thi nói rằng:

Đào chi yêu yêu,

kỳ diệp chăn chăn,

chi tử vu quy,

nghi kỳ gia nhân (1).

Lại nói:

Yểu điệu thục nữ,

quân tử hảo cầu (2).

Noi gương xưa, gẫm sách cổ, trẫm đi tìm những người thục nữ, vừa tài vừa sắc, lại có lòng son với Xã-tắc cưới về cho chư hoàng-tử, cho văn-quan võ tướng. Hiện Quốc-phụ, Quốc-mẫu có hai hoàng-tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn, văn chương quán thế, võ-công tuyệt cao, anh tuấn, tiêu sái khác phàm. Lại nữa Chiêu-vũ hiệu-úy Bùi Hoàng-Quan, thống lĩnh đạo binh Quảng-thánh; Định-viễn tướng quân Nguyễn Căn, thống lĩnh đạo binh Quảng-vũ. Cả hai đều văn võ toàn tài, xuất thân trong gia đình trung lương. Cho đến nay cả bốn người, tuổi đã hai mươi, mà chưa dựng vợ. Hay đâu có bốn kiều nữ, làng Siêu-loại, văn hay chữ tốt, võ-công cao cường, đức hạnh khó bì, kiến thức uyên bác, đó là: Nguyễn-thị Trinh-Dung, Trần-thị Ngọc-Huệ, Nguyễn-ngọc-Nam, Vũ-thanh-Thảo. Trẫm phong cho cả bốn đều là quận-chúa, truyền gả:

Nguyễn Thị Trinh-Dung cho hoàng-tử Hoằng-Chân.

Lê Ngọc-Nam cho hoàng-tử Chiêu-Văn.

Vũ Thanh-Thảo cho định-viễn tướng-quân Nguyễn Căn.

Trần Thị Ngọc-Huệ cho chiêu-vũ hiệu-úy Bùi Hoàng-Quan.

Kể từ nay, vợ chồng ăn ở với nhau, một là tình, hai là nghĩa, cùng khuyến khích nhau làm tròn bổn phận trai anh hùng, nữ hào kiệt, sao cho xứng đáng là con cháu vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng.

Niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh,

cát nhật, mùa Xuân.

Khâm thử ».

Ghi chú,

(1) Mấy câu thơ này trích trong Kinh-thi, phần Quốc-phong, thiên Chu-Nam, bài Đào yêu (Cây đào xanh tươi), ý nói con gái đến tuổi thì gả chồng. Nguyên văn như sau:

Đào chi yêu yêu,

Chước chước kỳ hoa.

Chi tử vu qui,

Nghi kỳ thất gia

Đào chi yêu yêu,

Hữu phần kỳ thực.

Chi tử vu quy,

Nghi kỳ gia thất.

Đào chi yêu yêu,

Kỳ diệp chăn chăn.

Chi tử vu quy,

Nghi kỳ gia nhân.

Dịch:

Cây đào non mơn mởn,

Rực rỡ muôn hoa đào.

Thiếu nữ vui duyên mới.

Êm hòa đạo thất gia.

Cây đào non mơn mởn,

Quả núc níu đầy cành.

Cô kia vừa xuất các,

Cầm sắt vui duyên lành.

Cây đào non mơn mởn,

Lá óng mượt xanh tươi.

Cô kia về nhà mới,

Gia đình thêm đồng vui.

(Bản dịch của Kim-Y Phạm-lệ-Oanh).

(2) Trích trong bài Quan-thư (con chim thư kêu), thiên Chu-Nam, phần Quốc-phong, Kinh-thi. Nguyên văn:

Quan quan thư cưu,

Tại hà chi châu.

Yểu điệu thục nữ,

Quân tử hảo cầu.

Sâm si hạnh thái,

Tả hữu lưu chi.

Yểu điệu thục nữ,

Ngụ mị cầu chi.

Cầu chi bất đắc,

Ngụ mị tư phục.

Du tai du tai,

Chiển, chuyển phản tắc.

Sâm si hạnh thái,

Tả hữu thái chi.

Yểu điệu thục nữ,

Cầm sắt hữu chi.

Sâm si hạnh thái,

Tả hữu mạo chi.

Yểu điệu thục nữ,

Chung cổ lạc chi.

Dịch:

Bãi sông có đôi chim cưu,

« Quan quan» cất tiếng, thương yêu giao hòa.

Kìa ai yểu điệu mặn mà,

Sánh cùng quân tử mặn mà đẹp đôi.

Thấp tho rau hạnh,

Giữa lạch nước trong.

Ngọn rau nghiêng ngả theo giòng nước trôi,

Dịu dàng thục nữ như ai,

Để ta dằn dọc canh dài nhớ mong,

Cầu ai chẳng được như lòng,

Mối sầu dằng dặc giấc nồng khôn an!

Thấp tho rau hạnh,

Giữa lạch nước trong.

Hái rau phải lựa theo giòng nước trôi.

Được người thục nữ như ai,

Tiếng cầm, tiếng sắt hòa vui một nhà!

Được người thục nữ mặn mà,

Tiếng chuông, tiếng trống vui ca tưng bừng.

(Kim-Y Phạm Lệ-Oanh dịch)

Văn nhân Hoa-Việt từ thời Khổng-tử cho đến nay, thường trích dẫn tinh hoa của Kinh-thi trong khi làm văn trong những bài chế, chiếu, biểu, văn tế, đối trướng. Hai bài trên, được trích dẫn nhiều nhất trong các dịp hỉ. Hồi 1975 về trước, thuật giả có đôi chút tiếng tăm về bút pháp, nên thường dược nhờ viết câu đối, trướng hoặc văn tế. Những câu sau đây thường được coi là « tuyệt bút :

Chi tử vu qui

để mừng một cô gái vai dưới khi lấy chồng.

Nghi gia, nghi thất

Nghi kỳ gia nhân

để chúc cô gái đức hạnh đi lấy chồng.

Yểu điệu thục nữ

để tán tụng các cô xinh đẹp, hoặc mừng các hoa hậu, á hậu.

Cầm sắt hòa hợp,

để mừng đám cưới.

Độc giả muốn tìm hiểu những câu thơ tuyệt tác trong văn chương bình dân mấy nghìn năm trước của Trung-quốc, xin tìm đọc bộ « Thi kinh Quốc-phong » bản dịch của Kim-Y Phạm-lệ-Oanh, do Cành Nam, Arlington, Virginia, Hoa-kỳ xuất bản.

Lễ-quan hô:

– Vợ chồng hướng bàn thờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu lễ tạ.

Tám người cùng lễ.

– Vợ chồng hướng nhạc-gia lễ tạ.

Từng cặp hướng nhạc-gia lạy tám lạy.

– Phu thê giao bái.

Từng cặp vợ chồng hướng nhau lạy ba lạy.

Thế rồi các chàng rể đi bằng ngựa, đem xe chở nhạc gia, cô dâu thì lên kiệu; phía sau mỗi kiệu, còn có cả chục xe chở đồ sính lễ hướng về từ đường họ nhà vợ để làm lễ. Dân chúng thấy những cô gái làng mình, bỗng chốc thành mệnh phụ phu nhân, vương-phi, thì vinh dự biết mấy. Họ vỗ tay reo mừng.

Bấy giờ trong làng lại bàn tán xôn xao. Bà Đức than:

– Minh-Can là em của Ỷ-Lan phu nhân, mà lại không được vinh hiển thì kể cũng lạ. Thế mà mấy hôm trước, đi đâu ả cũng vênh cái mặt lên, tưởng mình sắp lấy hoàng-tử không bằng. Rõ chán.

– Tôi thì tôi biết rất rõ cô nàng. Tuy cùng cha mẹ sinh ra, nhưng cô ả này đành hanh, ác độc vô cùng.

Bà Hiếu ngắt lời bạn, rồi bà kể nể hết những chuyện xẩy ra trong thời thơ ấu của Ỷ-Lan cho mọi người nghe.

Chiều hôm ấy, Ỷ-Lan miễn mọi lễ nghi, hầu hạ cho cung nga, thái giám, để nàng cùng bố mẹ, các em ăn uống, trò chuyện thân mật. Đối với bà Thiết thì Ỷ-Lan là một con quái vật, một con quỷ đầu thai vào nhà bà. Còn Minh-Can thì là thiên-tiên giáng trần, đem phúc đến không những cho nhà bà, mà còn cho cả nhân gian. Còn ông Thiết, ông là người đọc sách, nên con nào ông cũng coi như con nào. Có điều thấy vợ quá ghét Ỷ-Lan, đôi khi ông bầy tỏ bất mãn, nhưng ngay lập tức ông gặp phản ứng kinh khủng của bà, nên ông đành nín nhịn cho êm nhà êm cửa. Từ khi ông bà bị tể-tướng Dương Đạo-Gia gọi về Thăng-long nhiếc móc, đe dọa, rồi giao Ỷ-Lan cho ông bà quản chế, bà càng thù ghét nàng. Nhưng ông bà vẫn không biết những kiến thức trong sách vở nàng thu thập, lại càng không biết gì về võ công nàng đã học được.

Cho đến hôm nàng thi văn, đấu võ thắng Đoàn Quang-Minh, rồi cũng chính nàng với bốn người bạn làm cho Trịnh Quang-Thạch cùng bầy đệ tử thảm bại, bấy giờ ông bà mới hiểu con mình đôi chút. Rồi Ỷ-Lan nhập cung, ông bà, gia đình, xóm làng được vinh hiển, bấy giờ bà mới bớt nguyền rủa nàng. Tuy biết rằng phú, quý, vinh, hiển do Ỷ-Lan đem về, nhưng bà vẫn cứ cho rằng Minh-Can mới xứng đáng tiến cung, chớ Ỷ-Lan thì thực là gặp may.

Khi thấy đám cung nga, thái-giám ra ngoài hết rồi, bà bảo Ỷ-Lan:

– Cái gì mày cũng thua con Minh-Can hết, thế mà mày lên đến bậc phu-nhân. Tao nghe nói phu-nhân thấp hơn bậc phi, cao hơn các bậc khác. Vậy mày « bảo » ông vua rước Minh-Can vào cung phong cho nó chức hoàng-hậu đi.

Ông Thiết nhăn mặt:

– Bà ơi, con nó đã thành đại quý nhân rồi, mà bà còn mày tao như vậy nghe sao được?

Bà Thiết rống lên:

– Ông thấy nó vinh hiển, rồi ông bênh nó hả? Bộ tôi phải cúi đầu lạy nó như người ta sao? Hư!

Ỷ-Lan đưa mắt nhìn bà mẹ tham vọng đến mù quáng, nàng ngán ngẩm không biết trả lời bà thế nào, thì bà lại tiếp:

– Hay là thế này, mấy hôm nữa mày ở lại đây, để nó làm phu-nhân hồi cung. Nó đẹp như thế, nhất định nhà vua sẽ phong nó làm hoàng-hậu. Ừ, phải đấy, mình cứ thế mà làm.

Ông Thiết cau mày, lắc đầu:

– Chuyện triều đình, mà bà cứ làm như chuyện ra chợ mua mớ rau không bằng. Nhà vua đang sủng ái Yến-Loan tự nhiên đem con Minh-Can vào, liệu nhà vua có thuận không?

Lập tức bà Thiết nghiến hai hàm răng vào nhau, rồi bà rít lên:

– Sao lại không thuận? Con gái tôi bằng vàng, bằng ngọc, đẹp như tiên nga, mà tôi cho không ông ta, ông ta lại không thuận ư? Thôi được, để ngày mai tôi sẽ đem con Minh-Can về Thăng-long, xin vào yết kiến hoàng đế, xem ông vua có mê nó đến chết đi sống lại không?

Chiều hôm sau, Ỷ-Lan phu nhân lên chùa Từ-quang để lễ Phật. Tháp tùng phu-nhân chỉ có hai cung nữ đánh xe. Theo sau xe phu nhân là một cỗ xe do chi-hậu Nguyễn Bông chở phẩm vật cúng dàng. Mười hai trẻ cỡi ngựa đi hai bên thành hai hàng.

Xe đến cổng chùa, thì lý-dịch cùng các bà Hiếu, Đức, Liên, Đinh, dân chúng đã đứng ở tam-quan đón chờ. Ỷ-Lan xuống xe chào lý-dịch, dân chúng:

– Thực nhọc sức các vị đi đón tôi. Tôi không trở lại đây với cái danh phu-nhân, mà với tư cách của một con bé làm công quả ở chùa mấy năm trước.

Bà Đức cúi đầu:

– Tâu phu nhân, các thầy đang chờ phu nhân ở trên bảo-điện.

Trong lòng Ỷ-Lan cực kỳ súc động. Nàng bước lên thềm chùa, rồi vào trong. Đại sư Viên-Chiếu ngồi cạnh cái án thư phủ vải vàng. Cạnh ông bốn đệ tử Viên-Căn, Viên-Chi, Viên-Diệp, Viên-Mộc đang ngồi trên bồ-đoàn. Ỷ-Lan đến trước đại-sư Viên-Chiếu đỉnh-lễ, rồi vì cảm động quá nàng bật lên tiếng khóc. Trong khi bốn nhà sư Viên hành đại lễ với nàng. Tiếng sư Viên-Chiếu êm đềm, ấm áp:

– Con ngồi đó đi. Khi nghiệp quả đến đòi nợ, thầy chẳng từng nói với con rằng thầy trò mình cứ thản nhiên đón nhận đó sao? Có điều thiện duyên xoay chiều mau quá. Bây giờ mọi nhân tốt đang nằm trong tay con. Con càng tạo được nhiều nhân tốt, thì cái nghiệp cũ của con, của thày, của Đại-Việt cũng sẽ qua đi.

Ông nhìn vào không gian xa xôi, rồi nói:

– Yến-Loan ơi! Ngay từ khi con mới tới chùa, thầy đã biết con là người phúc trạch khôn lường. Từ ngày ấy đến giờ, tuy oan khuất, tuy nhục nhã, nhưng cái tâm của con vẫn trong sáng, vẫn không oán hờn, vẫn không thù hận. Thầy kỳ vọng vào con nhiều trong những năm tới.

Ỷ-Lan chỉ ra ngoài:

– Bạch thầy, năm em nhỏ Dật, Quang, Nghi, Đoan, Ninh đến chùa học chữ hồi trước cũng theo con về để thăm thầy. Xin thầy cho các em vào.

– Ừ, cho chúng vào đi.

Năm trẻ vào, chúng đỉnh lễ với các thầy. Sư Viên-Chiếu hân hoan vô cùng:

– Các con tuy vì thầy mà chịu biết bao cay đắng, nhưng cũng chính cái nghiệp nặng ấy, mà các con được hưởng cái hạnh phúc hôm nay. Các con ngồi đó đi.

Năm trẻ ngồi xuống cạnh Ỷ-Lan.

Sư Viên-Chiếu kéo tấm vải phủ chiếc án thư ra. Ỷ-Lan giật mình, vì đó chính là cái tráp mà Viên-Hoa đựng vàng ngọc của Triệu Thự ban cho. Đêm hôm ấy nàng đem dấu ở bụi hoa, rồi sau không cánh mà bay. Không hiểu sao nay lại ở cạnh đại-sư Viên-Chiếu.

Đại sư nhìn bốn đệ tử:

– Những việc làm của Viên-Hoa, thầy đã biết cả. Có điều khi y bị giết, thầy cũng đoán ra trước mà không cứu được y. Nghĩ cũng tội.

Ông đẩy cái tráp về phía Ỷ-Lan:

– Vàng bạc Tống đem đến nước Việt mình, thì thuộc về công khố. Con đưa về kinh, để dùng vào việc giúp dân khai hoang.

– Bạch thầy, cái tráp này sao lại ở đây? Hôm ấy con dấu ở bụi hoa, rồi sau con trở lại thì Viên-Hoa bị giết, cái tráp bị mất. Vậy???

– Sư huynh của thầy đã giết Viên-Hoa, đem cái tráp cất đi.

– Thưa thầy, đại sư bá là ai vậy? Hôm ấy tại phạm trường có để lại mũi tên. Trên mũi tên khắc cặp chim ưng bay qua núi. Ai cũng bảo là Ưng-sơn song hiệp ra tay. Vậy đại sư bá là Ưng-sơn song hiệp ư?

– Ta chưa thể nói với con được.

Ngài tiếp: con nên nhớ, trên thế gian này, không ai dại gì mà xưng là Ưng-sơn song hiệp để rồi bị giết cả nhà. Thời Thuận-thiên, đại hiệp Tự-An, Khai-quốc vương phi, Long-thành ẩn-sĩ đều có lần xưng là Ưng-sơn. Điều này con biết rồi.

– Như vậy đại sư bá là ai?

Ỷ-Lan hỏi tiếp: không lẽ đại sư bá là đại hiệp Tự-An? Mấy năm trước, con được một lão nhân bí mật truyền thụ võ công. Người xưng là đại hiệp Trần Tự-An. Nhưng con thấy dường như không phải, vì có nhiều điểm nghi ngờ. Sư phụ, sư bá của con hành trạng ra sao?

– Ta chưa thể nói ra trong lúc này.

Viên-Chiếu trầm tư: sư bá người không muốn cho nhân thế biết rõ người là ai.

Có tiếng vọng vào:

– Tại sao ta không muốn cho nhân thế biết nhỉ? Người thực là gã hòa thượng thối tha, vô tình. Ta sẽ đi rao khắp giang hồ rằng Đại-từ Liên-hoa hòa thượng đã đổi tên thành Đại-xú hòa thượng mới được.

Một nhà sư xuất hiện trong bảo điện, tay chỉ vào bốn nhà sư Viên và Ỷ-Lan:

– Bọn chúng đều không biết sư bá là ai? Ngay chính người, người cũng không chịu tiết lộ thân thế của người cho chúng biết là cớ gì vậy? Chính người không chịu cho chúng biết tên sư bá của chúng thì cứ nói là không muốn nói. Tại vì người sợ rằng nói tên ta ra, thì đệ tử của người sẽ biết người là Đại-từ Liên-hoa hòa thượng. Sư bá của chúng có tên là thầy chùa ăn thịt chó.

Ỷ-Lan cùng bốn nhà sư Viên nghe nhà sư mới nói sư phụ mình là Đại-từ Liên-hoa hòa thượng, một nhân vật khét tiếng hơn mười năm qua của Hoa-Việt về lòng từ bi, cứu khổ cứu nạn; đều trấn động trong lòng.

Viên-Chiếu cùng bốn đệ tử đứng bật dậy đón khách. Nhà sư mới tới dáng người hơi mập. Liếc qua khuôn mặt ông, Ỷ-Lan kinh hãi suýt bật lên tiếng la, vì nước da xanh mướt, trông khí sắc như mặt người chết. Nhưng nàng chợt hiểu ra rằng ông đeo mặt nạ da người. Viên-Chiếu nắm tay nhà sư:

– Sư huynh. Trận gió nào thổi sư huynh về đây vậy?

Trong khi đó Ỷ-Lan và bốn nhà sư đều hành đại lễ:

– Đệ tử tham kiến đại sư bá.

Nhà sư vẫy tay một cái, kình lực làm năm người không sao quỳ gối được. Ông ngồi xuống cạnh đại sư Viên-Chiếu, hai tay ông nắm lấy tay sư đệ:

– Người… người bỏ ta, mai danh ẩn tích ở đây, làm ta đi tìm người khắp nơi.

– Sư huynh ơi! Đệ thấy sư huynh giết người nhiều quá, nên động lòng trắc ẩn, kiếm chỗ an thân. Như vậy, may ra sư huynh mới giảm bớt sát nghiệp. Không ngờ sư-huynh vẫn đa sát. Sư huynh ơi, con người ta ai lại không có lần lầm lỗi? Khi thấy kẻ lầm lỗi, thì ta phải giáo huấn họ, chứ có đâu giết hoài?

Nhà sư móc trong bọc ra cái đùi chó luộc, một củ riềng, mấy cái lá mơ, một con dao. Ông để đùi chó lên cái tráp, rồi cắt ra từng miếng nhỏ, chấm muối, ăn với riềng trông thực con lành. Ông vừa ăn, vừa nói với Viên-Chiếu:

– Người từng khuyên ta rằng: nếu không động đến kẻ khác, thì ai dám gây với mình phải không?

Ông thở dài: sau đó người tìm nơi mai danh ẩn tích để phản đối ta. Nay người đã thấy chưa? Người không ăn thịt chó, thịt lợn, thịt gà, thịt trâu; mà người ta vu oan cho người. Người không ngủ với gái, cũng bị người ta bịa ra rằng người phạm giới dâm. Người nhất định không dùng võ công, mà người ta vẫn hại người. Người đã thấm lời ta chưa?

Ông chỉ vào bốn nhà sư:

– Bốn đệ tử của người đều là những thanh niên ngộ tính rất cao, lòng dạ quảng đại, mà người không chịu dạy võ công cho chúng, để chúng bị hiếp đáp. Ta là sư huynh của người, ta phải can thiệp.

Ông nói với bốn sư điệt:

– Từ ngày theo sư phụ học đạo, chắc chưa bao giờ sư phụ nói cho các người biết về gốc tích của y phải không? Y lại càng không nói cho các người biết rằng võ công y cực cao. Bản lĩnh đó, do chính ta truyền thụ cho y, nhưng ta không cho y gọi là sư phụ, mà chỉ gọi là sư huynh thôi. Các người có biết ta là ai không? Sư phụ mi là ai không?

– Bạch sư bá không.

– Sư phụ người trốn ta, mai danh ẩn tích, gác kiếm quy ẩn. Ta tìm kiếm khắp nơi mà không thấy. Nhưng tuy trốn ta, y vẫn liên lạc với gia đình, họ hàng, vì vậy bọn họ Dương mới tìm ra y để hãm hại. Trong khi ấy ta sang Trung-nguyên vắng, nên thầy trò các ngươi mới bị khổ. Để ta nói gốc tích sư phụ các người cho các người nghe.

Ỷ-Lan cùng bốn nhà sư theo học với Viên-Chiếu từ lâu. Họ chỉ biết ngài là một thiền-sư đắc đạo, Phật-pháp cực cao, lòng dạ từ ái vô biên. Nhưng họ không hề biết gì về hành trạng của ngài. Bây giờ nghe một vị tăng xưng là sư huynh của ngài, hứa sẽ nói về ngài, khiến cả năm người đều ngồi im để nghe.

– Sư phụ người được giang hồ đặt cho cái tên là Đại-từ Liên-hoa hòa thượng.

Năm người lại bật lên tiếng « úi chà ».

Nhà sư ngước mắt nhìn lên nóc bảo điện: sư phụ của các người tục danh là Mai Trực. Y xuất thân trong một gia đình trung lương. Ông nội là Mai Hựu, là một võ quan cuối đời Lê Ngọa-triều. Sau phò triều Lý, thời Thuận-thiên được phong làm Bình-Nam đại tướng quân, chỉ huy hai đạo binh Đằng-hải. Con gái của người, tức cô sư phụ bọn mi là Mai Thị Thanh-Trúc, được tuyển làm phi cho Khai-Thiên vương. Khi chính phi Khai-Thiên vương là Triệu Liên-Hoa tuẫn quốc trong dịp chư vương khởi loạn; Mai phi nuôi dưỡng con của Triệu phi tức thế tử Nhật-Tông, cực kỳ chu đáo. Khai-Thiên vương lên ngôi vua, tức vua Thái-tông, thì Mai phi được phong làm thần-phi. Bình-Nam đại tướng quân được phong làm Nhân-dũng hầu, trấn Nam-biên. Người từng lập nhiều công trạng. Khi về già lên tới kiểm hiệu thái phó, phiêu-kị đại tướng quân, Trường-yên tiết độ sứ, Khu-mật viện sứ, Nga-sơn quốc công. Kịp đến khi hoàng-thượng lên ngôi vua, thì Mai phi được phong làm Linh-Cảm hoàng thái hậu.

Nhà sư lại cắt thịt chó ăn, rồi tiếp:

– Thân phụ của sư phụ người tên là Mai Trung-Thứ, anh ruột của Linh-Cảm thái hậu, xuất thân từ phái Đông-a, đệ tử của đại hiệp Phạm Hào, một trong Thiên-trường ngũ kiệt. Như vậy y là anh con cậu, Chương-thánh Gia-khánh là em con cô, nhưng không có tý máu nào.

Mọi người nghe đến đây đều bật lên tiếng « ồ » kinh ngạc.

– Người từng làm chức Đô-thống thời Thuận-thiên. Sang đời vua Thái-tông, dự trận bình Chiêm với Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, rồi đánh Tống giúp Nùng Trí-Cao, được phong chức tước cực lớn như sau: Kiểm-hiệu thái-úy, Tĩnh-hải tiết độ sứ, Đồng-bình chương sự, Uy-viễn điện đại học sĩ, Hữu-bộc xạ, Thiên-trường quốc-công. Hầu như các võ quan của Đại-Việt đều xuất ra từ cửa người.

Ỷ-Lan cũng như bốn nhà sư Viên từng nghe danh Mai Hựu, Mai Trung-Thứ từ lâu, nhưng họ đâu ngờ đó là ông, cha của sư phụ mình. Ỷ-Lan hỏi:

– Thưa sư bá, cơ duyên nào sư phụ lại vào chốn không môn?

– Câu chuyện như thế này.

Nhà sư nói bằng giọng cảm động: thời niên thiếu, vì mối đau khổ trong gia đình, ta bỏ nhà ra đi. Trên đường vào Thanh-hóa, ta hết tiền đến phải đi ăn mày; quần áo rách rưới lôi thôi. Ta gặp một công tử đi xe song mã, với bốn người hầu vào quán ăn uống. Y tức là sư phụ người đây. Vừa đói, vừa khát, ta xin y cho mấy đồng tiền mua cơm độ nhật. Y mời ta cùng ngồi ăn, rồi đàm đạo về thời cuộc, về võ công đến hơn nửa ngày. Trước khi từ biệt, y tặng ta một nén vàng, một con ngựa, cùng hai bộ quần áo. Sau này ta thành danh, đi tìm y, giữa lúc phụ thân y bắt y lấy vợ, mà chí của y là muốn đi tìm lẽ giải thoát. Ta bèn xuất hiện thuyết phục phụ thân y. Người đồng ý cho y theo ta tu học. Tất cả võ công của y, đều do ta truyền dạy. Vì y luôn xuất hiện cứu khổ, cứu nạn cho người, nên được dân chúng Hoa-Việt tặng cho danh hiệu Đại-từ Liên-hoa hòa thượng. Nhưng không ai biết xuất thân của y, cũng như gia thế y.

Ỷ-Lan cùng bốn nhà sư Viện nghe thuật về hành trạng của Viên-Chiếu mà kinh hoàng. Vì cặp Mộc-tồn Vọng-thê, Đại-từ Liên-hoa là hai hòa thượng, một thiện, một ác, lừng danh Hoa-Việt từ mấy chục năm nay, võ công cao siêu đến không thể tưởng tượng nổi. Hai người luôn xuất hiện cùng một lúc, hành hiệp cứu đời. Võ lâm Hoa-Việt thuộc hắc đạo, bọn tham quan, bọn cường hào ác bá khi nghe đến tên hại người đều táng đởm kinh hồn. Không ngờ Đại-từ Liên-hoa lại là sư phụ Viên-Chiếu.

Đến đây nhà sư đưa mắt nhìn Ỷ-Lan, nhãn quang ông cực kỳ sáng, làm nàng cảm thấy lạnh xương sống. Ông cười khành khạch:

– Phu-nhân là đệ tử của phò-mã Thân Thiệu-Thái với vua bà Bình-Dương phải không?

Ỷ-Lan líu ríu:

– Dạ.

Ông vung tay đánh vào giữa mặt nàng một chưởng. Ỷ-Lan kinh hãi, vội vận đủ mười thành công lực đỡ. Bình một tiếng, người nàng bật tung về sau đến hơn trượng, tai phát ra tiếng vo vo không ngừng, khí huyết đảo lộn cực kỳ khó chịu. Đại-sư Viên-Chiếu búng tay một cái, hai viên thuốc mầu đỏ hướng người nàng, bay rất chậm, nhưng quay rất nhanh; khi thuốc chạm da nàng, thì tan thành bụi. Nàng cảm thấy khoan khoái vô cùng, thuốc có mùi thơm như hương sen.

Đại-sư Viên-Chiếu lắc đầu:

– Sư huynh trước nào, sau vậy, không thay đổi gì cả.

– Thay đổi? Ta trắc nghiệm võ công con bé này mà thôi. Cách đây ít lâu, nó đến chùa này đối phó với bọn Triệu Thự. Hôm ấy ta có ra tay cứu nó. Bấy giờ võ công nó đâu có được như thế này. Con bé Bình-Dương với cu lợn Thiệu-Thái coi vậy mà được. Chỉ trong một thời gian ngắn, mà chúng đã tạo cho con bé một bản lĩnh không tầm thường.

Quá khứ hiện về trong tâm tư Ỷ-Lan: đêm hôm ấy nàng đấu với Lý Hiến, Dư Tĩnh bị thua, rồi Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng ra tay nhét thịt chó vào mồn chúng mà cứu nàng. Vừa rồi chính miệng vị sư bá xưng là thầy chùa ăn thịt chó. Không lẽ sư bá là Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng.

Nàng hỏi:

– Bạch sư-bá, sư-bá là Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng hay sao?

– Đúng vậy. Trên thế gian này chỉ có mình ta là hòa thượng ăn thịt chó và nhớ vợ mà thôi. Người nghĩ sao?

Nguyễn Bông bật lên tiếng kêu:

– Úi chà.

Viên-Chiếu hỏi:

– Công công cũng nghe danh sư huynh của bần tăng rồi ư?

Nguyễn Bông chối:

– Không! Đệ tử chỉ kinh ngạc về cái tên của đại sư mà thôi. Chứ đệ tử tiến cung từ nhỏ, không ra ngoài, nên nào có nghe đại danh của người.

Ỷ-Lan chắp tay hành ba lễ với Mộc-tồn hòa thượng:

– Sư bá đã đi tu, tại sao còn xơi thịt chó, còn nhớ vợ? Phàm khi vào chốn không môn, thì phải chay tịnh, để lòng trong sáng mới giải thoát được, chứ có đâu ăn mặn, hơn nữa ăn thịt chó?

Mộc-tồn hòa thượng chù mỏ thổi một hơi dài, tiếng sáo kêu to như tiếng tù và. Ông nhăn mũi:

– Con nhỏ này về Nho-học thì mi uyên-thâm thực, nhưng về Phật-pháp thì giỏi lắm mi thuộc bài kinh Bát-nhã, bài kinh A-di-Đà là quá. Có đúng thế không?

– Bạch sư bá đệ tử chưa thuộc bài kinh A-di-Đà.

– Có vậy chứ. Con nhỏ này quả tình là người ngay thẳng. Mi ngồi phò tá cho gã Nhật-Tông thực xứng đáng. Để ta vào cung giết con mẹ nó hết bọn Tể-tướng, Thượng-thư ăn hại đi, rồi bảo tên Nhật-Tông phong mi làm Tể tướng, bốn con bé bạn mi làm thượng thư. Như vậy dân mới sung sướng hơn được. Thôi, hôm nay ta vì mi, mà giảng về Phật-pháp một phen.

Ông đưa mắt nhìn mấy cung nữ theo hầu cùng chi-hậu Nguyễn Bông, rồi nói:

– Ta muốn giảng pháp môn đặc biệt cho mình phu nhân nghe. Những người khác ngộ tính không đủ e vô ích, phu nhân nên cho họ ra ngoài.

Ỷ-Lan vẫy tay cho tùy tùng:

– Các người có thể ra ngoài.

Nguyễn Bông, đám cung nữ, mười hai đứa trẻ lui khỏi bảo điện. Nhà sư cau mày:

– Mấy đứa trẻ này dung quang khác thường, nên để cho chúng ở lại nghe ta giảng kinh.

Bọn Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt ở lại.

Mộc-tồn hòa thượng hỏi Ỷ-Lan:

– Phu nhân thấy Nguyễn Bông là người thế nào?

– Y là thái giám bẩm sinh, được tuyển cung từ thời đức Thái-tổ, lên tới chức tổng-quản thái giám thuộc ty Thượng-thiện, chuyên coi việc ăn uống cho ngài. Sang đời đức Thái-tôn được chuyển sang trông coi toàn bộ cung nga, thái giám hầu Thiên-Cảm hoàng-hậu. Khi hoàng-hậu được phong làm Thiên-Cảm thái hậu, thì y được phong làm Bắc-ban chỉ-hậu, tước tới Phong-lĩnh bá, coi việc hầu Thượng-Dương hoàng hậu. Gần đây hoàng-thượng phong y lên làm chi-hậu nội-nhân, tước tới Trường-yên hầu, để coi việc cung Ỷ-Lan. Y rất cần mẫn, ăn uống dè sẻn, lại được lòng Thái-hậu, Hoàng-hậu, nên uy tín y rất lớn.

Viên-Chiếu lắc đầu, nhìn sư-huynh, rồi thở dài:

– Hỡi ơi! Con là người kinh lịch, thế mà không khám phá ra bí mật của Nguyễn Bông, thì cũng hơi lạ.

Ỷ-Lan còn cúi đầu trầm tư suy nghĩ, thì Viên-Chiếu đã nói:

– Con không để ý đến tướng đi của y ư? Một thái-giám bẩm sinh, thì cơ thể phải yếu đuối, thế mà nay tuổi y đã cao, lúc vào đây, bước chân y đi nhẹ như chim. Lúc sư bá đứng bên ngoài, nội công con cao như vậy, cũng không khám phá ra, thế nhưng y đã biết ngay, y cúi đầu nhăn mặt nghe ngóng. Rồi ban nãy y bước ra, lúc quay lưng thực nhẹ nhàng, rõ ràng nội công y cao đến mức thượng thừa.

Mộc-tồn hòa thượng tiếp:

– Phu nhân có chú ý không? Thân hình y gầy gò, cổ cao, thế nhưng mặt y lại bầu, má phính, trán gồ. Khi y nói, thì hai má không rung động, lúc nhăn mặt thì da trán vẫn cứng. Rõ ràng y đắp lớp da giả trên trán, trên má cho đổi khuôn mặt đi. Khi ta vào đây đã khám phá ra điều đó. Cho nên lúc nãy ta vờ vẫy tay đuổi y với đám cung nữ ra, nhưng kỳ thực ta phóng một tia nội lực vào hạ bộ y, thì biết rằng y không phải là thái giám.

Nghe sư bá, sư phụ nói, Ỷ-Lan kinh hoàng, vì một đại hành gia, chưa hề tĩnh thân, ẩn ở Hoàng-cung mấy chục năm nay, ắt phải có mưu đồ lớn lắm. Nàng cúi đầu tạ sư bá, sư phụ:

– Bây giờ đệ tử sai võ sĩ trói y lại giải về triều để quan Hình-bộ thượng thư điều tra, xử tội.

Mộc-tồn hòa thượng vẫy tay:

– Phu nhân cứ lờ đi như không biết. Ngay bây giờ phu nhân có thể viết một bài biểu, sai người thân tín đem về trao tận tay hoàng-thượng, để người biết trước. Còn hành trạng của y, để đó, ta theo dõi cho.

Ỷ-Lan mượn nghiên bút của sư phụ Viên-Chiếu, nàng viết liền năm trang, rồi niêm phong lại. Nàng gọi Trần Di:

– Em cùng Tây-hồ thất kiệt đi mời hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn cùng phu nhân của hai ngài đến cho chị.

Năm trẻ vội vã ra đi.

Bây giờ Mộc-tồn hòa thượng mới thuyết pháp: đạo đức Thế-tôn không có chỗ khởi đầu, cũng chẳng có chỗ tận cùng. Đạo có muôn vàn pháp-môn, ai muốn tu theo pháp môn nào cũng được, miễn sao đi đến đích là giải thoát. Thế thôi. Đức Thích-ca Mâu-ni có vợ, có con rồi mới đi tu. Đa số đại đệ tử của người đều đã có vợ, có con rồi mới đi tu. Ông An-Nan em Phật, có nhiều vợ, nhiều con sau mới đi tu. Khi ông đã đắc quả Bồ-tát rồi còn say mê nàng Ma-đăng-Gìa đến điên đảo thần hồn. Vua A-Dục, giết người như chà kiến cỏ, thế rồi cũng đắc pháp. Đấy, mỗi hoàn cảnh tự nó tạo thành một pháp môn. Tại sao lại cứ phải bắt người ta ăn chay, tụng kinh, gõ mõ mới là tu nhỉ? Còn ta. Ta sắp có vợ, thì mất vợ. Ta nhớ thương vô vàn, quên không được, thì ta tưởng tượng ra hình bóng nàng. Mỗi ngày, đúng giờ Dậu, ta ngồi tưởng nhớ nàng, nói chuyện với nàng nên mới có tên vọng thê. Ta nhớ thì ta nhận, trên thế gian này thiếu gì kẻ mặc áo cà sa, xưng là cao tăng, mà lúc vắng lại hú hí với gái. Hừ! Ta nhớ vợ thì ngồi tưởng tượng ra hình bóng nàng mỗi ngày một đôi lần, như thế mới là đắc đạo.

Ỷ-Lan nghĩ thầm:

– Vị sư bá của mình thực là đấng đa tình số một số hai trên thế gian này.

– Còn việc ta giết người. Ta hỏi phu nhân nhé, từ xưa đến giờ, ta đã giết oan một người nào chưa? Người thấy không, nếu như giết một con kiến, một con sâu cũng là giết. Thế thì giết kẻ ác cũng thế thôi. Có điều khi giết kẻ ác, là tạo phúc cho thế gian. Tạo phúc cho người là có hạnh bồ tát vậy.

– Dạ.

– Khi người giết một con kiến, môt con sâu cũng gây nghiệp quả như giết một con voi, giết một người. Còn người ăn một miếng thịt lợn, thịt gà, một con tép hay ăn thịt chó, thì cũng là ăn thịt, có khác gì đâu? Người cho rằng thịt chó dơ bẩn ư? Ta nghĩ trong các thú vật, thì chó là giống sạch sẽ nhất, trung thành nhất. Ăn thịt chó có gì là dơ bẩn đâu? Người nên biết chó có hai loại. Một là chó. Hai là má. Người có biết con chó với con má khác nhau thế nào không?

– Đệ tử chưa từng nghe qua.

– Không ai có thể dùng mắt mà phân biệt được chúng. Cũng như người không thể phân biệt được rằng trong năm sư huynh Viên, thì có bốn người là Phật-tử, còn một gã Viên-Hoa là quỷ trong xác người.

Ông giảng giải: muốn phân biệt chó với má, thì cứ đem thịt chó cho chúng ăn. Con nào ngửi rồi không ăn, thì là con chó. Còn con nào ngửi rồi lại ăn thì là con má. Chó có linh tính, còn má thì không!

Ông quét con mắt nhìn Ỷ-Lan từ đầu đến chân, rồi đưa bàn tay lên ngửi. Ông nhăn mặt:

– Cách đây khoảng ba tháng, phu nhân đã đấu chưởng với một người nội lực cao siêu vô cùng. Y dồn vào người phu nhân một chất độc, không phải với mục đích giết hại phu-nhân, mà với mục đích gì thực khó hiểu. Ai đã dồn chất độc vào người phu nhân?

Ỷ-Lan thấy sư bá hỷ nộ thất thường, khi thì ông gọi nàng là mi. Khi thì ông gọi nàng là phu nhân. Khi thì gọi nàng là người. Nàng biết rằng ông là kỳ nhân dị sĩ, dĩ nhiên sẽ có những điều kỳ quặc. Bây giờ ông hỏi nàng về kẻ dồn chất độc vào người. Nàng lắc đầu:

– Đệ tử cũng không biết nữa. Bạch sư bá, đệ tử bị trúng độc sao?

– Đúng thế. Cách đây mấy tháng người có giao đấu với cường địch, rồi bị dồn độc tố vào cơ thể. Độc tố này vốn chậm phát. Nếu không trị ngay, thì sẽ đưa đến tuyệt đường sinh đẻ. Hừ! Đúng ra người thường trúng độc này thì bị chết rồi. Cũng may phu nhân luyện Vô-ngã tướng thiền công nên bách độc không phạm vào người được. Nhưng người phóng độc này vốn là tay võ lâm cao thủ, lại có biệt tài dùng độc, nên phu nhân mới bị hại.

– Ông bắt mạch Ỷ-Lan rồi lắc đầu:

– Chà


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.