Anh Hùng Bắc Cương

Chương 28 - Gian Nữ Ma-Đăng-Gia

trước
tiếp

Gian nữ Ma-Đăng-Gia — –

Từ nhỏ Tôn Đản sống trong đền thờ Tương-Liệt đại vương. Nó cực kỳ tôn kính ngài. Từ khi theo Khai-Quốc vương làm việc quốc sự, nó được giảng kỹ về nguồn gốc tộc Việt. Đối với vua Phục-Hy, Thần-Nông, vua Hùng, nó sùng bái cùng cực. Bây giờ nghe Du La nhục mạ ngài, nó hô lớn:

– Con mụ quỉ sứ kia, có câm miệng không? Mi mà không câm họng, chúng ta sẽ băm mi ra như băm chả bây giờ?

Du La đứng dậy, mụ nói líu lô một tràng dài. Đông-Thiên dịch:

– Sư thúc ta dạy rằng: Tên nào không muốn sống nữa, cứ bước ra đây cùng người chiết chiêu. Chứ các người dùng số đông uy hiếp chúng ta, thực khả ố.

Đặng Đại-Khê dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai bọn Thiệu-Cực, Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn:

– Tọa thủ bàng quang, để đám Hoa-sơn với bọn Hồng-thiết chém giết nhau.

Nghe Du La thách thức, đám Hoa-sơn đưa mắt nhìn nhau. Chuyến Nam du này, toàn phái đem theo gần năm chục người. Cao nhất ba lão Bắc, Tây, Nam, rồi tới thất hùng. Thế nhưng trong ba lão, bị Đặng Đại-Khê đánh đến trọng thương. Tuy được Lê Văn chữa trị song khó có thể xuất lực. Còn thất hùng thì Vương, Giáp bị Tự-Mai hút hết công lực. Du, Vạn bị Tôn Đản thu toàn bộ chân khí. Sư cô Trí-Thành trúng độc chưởng của Quỳnh-Hoa. Rút cuộc chỉ còn Tây-Sơn lão nhân, Chu Chiếu-Anh, Ngô Nam. Trong khi bên địch có tới năm người.

Bắc-Sơn lão nhân bàn với Tây-Sơn lão nhân, Chu Chiếu-Anh, Ngô Nam:

– Chân chính đấu, chúng ta đâu có sợ bọn này? Duy có điều chúng dùng độc chưởng, điều mà chúng ta đáng ngại nhất. Vậy tốt hơn hết chúng ta thách chúng đấu bằng vũ khí.

Lão tiến ra nói với Thiệu-Cực:

– Thế tử giỏi tiếng Hoa, xin Thế-tử dịch sang tiếng Việt, cho gã Đông-Thiên dịch sang tiếng Tây-vực.

Thiệu-Cực kính cẩn:

– Xin tuân lệnh lão nhân.

Bắc-Sơn lão nhân chỉ vào đám người Hoa-Sơn:

– Các vị trưởng lão Tây-vực. Hiện diện bản phái đông gấp hai mươi lần bên các vị. Nếu chúng ta dùng số đông thắng các vị, chẳng hoá ra văn hóa Trung-thổ không hơn Tây-di ư? Vậy lão đề nghị chúng ta đấu ba trận. Nếu bên các vị thắng hai, chúng ta để các vị mang anh em gã Đông-Thiên đi. Bằng bên lão phu thắng hai trận, lão phu chỉ xin các vị khuất thân về Biện-kinh để Tống thiên-tử phát lạc, thế thôi.

Hai bên đều dịch.

Du La cười:

– Được! Ta đấu trận đầu. Bên mi đứa nào muốn chết trước?

Ngô Nam bước ra, rút kiếm hành lễ:

– Tại hạ Ngô Nam, đệ ngũ nhân trong Hoa-sơn thất hùng, xin được lĩnh giáo võ công của Bắc-phương sứ giả Tây-vực Hồng-thiết.

Du La phóng liền một chiêu vào ngực Ngô Nam. Nhóm người Việt-Hoa cùng bật lên những tiếng nguyền rủa. Nguyên võ lâm Hoa-Việt, dù khi đối trận, dù phải tranh phong kẻ chết người sống, vẫn cúi chào nhau, tỏ ra mình vốn con cháu Phục-Hy, Thần-Nông, theo Nho-đạo, thấm nhuần phong hóa. Còn bọn Tây-vực, văn hóa chưa có, cư xử thô lỗ, nói năng cộc cằn. Vì vậy Du La rút kiếm tấn công liền.

Thấy kiếm chiêu Du La thô kệch, Ngô Nam không tránh né, cũng chẳng đỡ. Y dùng chiêu Thương-tùng nghênh khách đưa thẳng vào cổ y thị. Du La kinh hãi, vội thu kiếm về đỡ kiếm Ngô Nam. Ngô Nam đã chuyển sang chiêu Bạch-hạc xung thiên khiến thị phải nhảy lùi liền ba bước tránh đòn. Tay trái tung ra một độc chưởng. Ngô Nam úy kị độc chưởng, y không dám truy kích.

Du La nhờ thế thu kiếm phản công.

Tôn Đản hỏi Đặng Đại-Khê:

– Sư bá, kiếm pháp Tây-vực sao dở qúa vậy?

Đặng Đại-Khê lắc đầu:

– Không dở đâu! Kìa cháu nhìn xem, trông bề ngoài mình tưởng kiếm pháp của họ thô kệch, nhưng thực ra mỗi chiêu đều phối hợp với độc chưởng, rất hung hiểm. Còn sở dĩ Ngô Nam chiếm được thượng phong, vì kiếm pháp Hoa-sơn hiện đứng đầu Trung-nguyên. Bên Đại-Việt ta chỉ có Mê-linh kiếm pháp mới trị được mà thôi.

Tự-Mai mải mê quan sát trận đấu hai bên, bỗng nó thấy có hương thơm nhẹ nhàng thoảng qua bên mũi. Nó quay lại: Thuận-Tường đứng cạnh nó từ bao giờ. Nàng ghé miệng vào tai nó nói thầm:

– Trần đại ca, người có cách nào giúp Ngô sư thúc thắng con mụ mũi cú vọ, người đầy lông lá kia không?

Mỗi tiếng nói của Thuận-Tường đều phát ra luồng hơi nóng thoảng vào tai Tự-Mai, khiến nó cơ hồ phát run. Nghe Thuận-Tường hỏi, nó lắc đầu:

– Không cần! Cô nương coi kìa, Ngô tiền bối thắng con mụ Du La đến nơi rồi.

Đúng như Tự-Mai nói, Ngô Nam dồn Du La đến không còn đỡ kịp. Thình lình choang một tiếng, kiếm Du-La rơi xuống đất. Theo luật lệ võ lâm Hoa-Việt như vậy Du-La bại rồi. Ngô Nam thu kiếm lui lại, chắp tay:

– Đa tạ trưởng lão đã nhẹ tay.

Du-La cúi xuống nhặt kiếm, mụ quát lên:

– Ta không nhẹ tay đâu. Người đánh nữa đi chứ, tại sao lại lui?

Bắc-Sơn lão nhân nói với Cút-Độp:

– Trưng ương sứ giả. Theo thể lệ võ lâm, trong khi hai bên dùng vũ khí đấu với nhau, nếu bên nào vũ khí bị gẫy hay bị rơi coi như thua. Như vậy Bắc-phương sứ bị bại rồi!

Cút-Độp cãi:

– Theo thể lệ Hồng-thiết giáo, chỉ khi nào một bên chết, hay tự ý xin đầu hàng mới kể như thua.

– Thế nhưng đây đâu phải lĩnh địa Tây-vực?

– Theo Hồng-thiềt luật, nơi nào có giáo chúng, nơi ấy thuộc Tây-dương lĩnh địa. Khi chúng ta hiện diện ở đây, ắt đây thuộc lĩnh địa Tây-dương.

Đám đệ tử Việt-Hoa cùng nguyền rủa không ngớt.

Du La cầm kiếm tấn công Ngô Nam. Biết không thể lý luận với bọn man rợ, Ngô Nam phản công bằng những chiêu quái ác nhất. Chỉ hơn hai mươi chiêu, y dồn Du La đến luống cuống chân tay. Sột một tiếng, kiếm Ngô-Nam đâm trúng vai Du-La. Mu gào lên một tiếng lớn, ôm vai chạy lại sau Cút-Độp.

Đông-Thiên dịch:

– Ngũ sư thúc chịu thua rồi.

Bắc-Sơn lão nhân nói:

– Trận đầu bên Tống thắng. Vậy bên Tây-vực vị nào tứ giáo trận thứ nhì?

Bẹc Nác rút kiếm bước ra:

– Ta tứ giáo trận này.

Không cần lễ nghi, y xỉa kiếm tấn công Ngô Nam, tay trái phát một chưởng. Mùi hôi tanh bốc ra khủng khiếp. Nhiều người không chịu nổi, bưng miệng nôn ọe.

Ngô Nam cắt ngang một kiếm vào giữa chưởng Bẹc-Nác, rồi đảo kiếm lên đỡ kiếm của y. Choảng một tiếng, hai kiếm chạm nhau tóe lửa trên không trung. Cả hai cùng cảm thấy cánh tay tê rần. Biết rằng nội lực ngang nhau.

Thuận-Tường hỏi Tự-Mai:

– Đại ca! Không biết Ngô sư thúc có thắng được thằng qủy kia không?

– Thắng! Nhất định Ngô tiền bối thắng.

– Bằng vào lý nào đại ca bảo Ngô sư thúc thắng?

– Khi nội lực ngang nhau, sự thắng bại trông vào kiếm thuật. Kiếm thuật phái Hoa-sơn hiện đứng đầu Trung-nguyên, bọn Tây-vực muôn ngàn lần không bì kịp.

Sự thực nếu dùng kiếm không, chỉ trong vòng trăm chiêu Ngô Nam thắng Bẹc-Nác dễ dàng. Nhưng võ công Tây-vực lại phối hợp kiếm, chưởng rất nhịp nhàng. Trong khi Ngô Nam không dám đối chưởng với Bẹc-Nác, vì úy kị độc công.

Trận đấu sang đến chiêu thứ hai trăm, vẫn bất phân thắng bại. Thình lình Bẹc-Nác quát lên một tiếng như sét nổ, y lao sát vào người Ngô Nam, hai tay nắm kiếm, bổ xuống một chiêu bằng tất cả sức lực. Ngô Nam phải đưa kiếm đỡ. Choảng! Hai kiếm cùng bị gẫy.

Bẹc-Nác cắn môi cho máu cháy ra, phun vào mặt Ngô-Nam. Hai người đứng qúa gần nhau, Ngô tránh không kịp. Y đành dùng cùi chỏ thúc vào ngực đối thủ. Binh một tiếng, tiếp theo hai ba tiếng lắc cắc. Bẹc-Nác bị bật tung trở lại, miệng y phun máu như vòi nước. Y quằn quại mấy cái, rồi không bò dậy được nữa.

Bắc-Sơn lão nhân cười ha hả:

– Trong ba trận, Tống thắng hai. Như vậy Tây-vực bị thua rồi. Mong…

Lão chưa nói hết lời, Ngô Nam kêu thét lên, tay ôm mặt tỏ vẻ đau đớn khủng khiếp. Bấy giờ mọi người mới biết Bẹc-Nác phun máu có chất độc vào mặt Ngô-Nam.

Cút-Độp cười lớn:

– Bên Tây-vực thắng. Bởi nhị đệ chỉ bị thương, điều trị trong hơn tháng sẽ khỏi. Còn tên Ngô-Nam kia sắp chết đến nơi rồi.

Thuận-Tường thấy sư thúc đau đớn, nàng nói với Tự-Mai:

– Trần đại ca! Đại ca cho tiểu muội một viên thuốc, cứu Ngô sư thúc. Tiểu muội muôn vàn cảm tạ.

Lê Văn nghe Thuận-Tường hỏi xin thuốc. Nó vẫy tay:

– Tự-Mai khoan, để em xem lại thương thế Ngô tiền bối đã. Không phải thuốc giải nào cũng trị được mọi chất độc.

Nó tiến tới bắt mạch, xem xét vết thương cho Ngô Nam. Mọi người im lặng chờ đợi. Đâu đó vẳng giọng phụ nữ, nói tiếng Việt:

– Le te ra bộ ta đây. Đến lão Hồng-Sơn có mặt chưa chắc đã làm gì được, huống hồ thằng nhóc con kia.

Mọi người nhìn lại, thì ra mụ điếm già Anh-Tần. Mụ ngồi cạnh tên Mô-Lỗ. Tay Mô-Lỗ nắm lấy tay mụ, như đôi tình nhân trẻ.

Lê Văn cười nhạt:

– Không hề gì! Độc chất chỉ ở ngoài da. Dùng Thiền-công trị được. Song ở đây không ai đủ Thiền-công có thể đẩy chất độc ra. Xin tiền bối an tâm, lát nữa Vương-phi Khai-Quốc vương giá lâm, người có thể trị cho tiền bối. Tại hạ tạm dùng châm cứu làm cho Ngô tiền bối bớt đau.

Nói rồi nó cầm kim châm vào huyệt Hiệp-cốc, rồi xoay kim. Khoảng nhai dập miếng trầu, Ngô Nam cảm thấy bao nhiêu cái đau đớn biến mất. Y rùng mình đứng dậy chắp tay xá Lê Văn:

– Đa tạ Lê công tử.

Y nhặt kiếm, chỉ vào mặt Bẹc-Nác, nói với Cút-Độp:

– Nếu người cho rằng tên Bẹc-Nác thắng, vậy y hãy cầm kiếm tái đấu.

Gian xảo, lưu manh, lật lường thuộc yếu quyết trong Hồng-thiết kinh. Bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo đều thuộc mằm lòng. Cút-Độp cãi:

– Như vậy không kể. Nếu cứ để nguyên ắt mi sẽ chết. Đây mi nhờ tên bé con kia trị bệnh, tức trợ giúp. Có người trợ giúp coi như thua.

Vương Lệ-Ngọc quát lên:

– Thế hồi nãy bọn mi không vực tên Bẹc-Nác đó ư. Theo lý luận của mi, chính bọn mi thua trước.

Cút-Độp không cãi được nữa. Y nói ngang:

– Như vậy trận này coi như hoà. Then chốt quyết định thuộc trận thứ ba. Nào bên Tống, ai giám ra đấu với bọn ta?

Thuận-Tường hỏi Tự-Mai:

– Vương phi Khai-Quốc vương là ai vậy?

– Là chị gái của tại hạ. Công lực người cao không biết đâu mà lường. Người hiện ở dưới chân núi Tản-Viên.

Nghe đến vương phi Khai-Quốc vương, mụ điếm già Anh-Tần cùng tên đồ đệ Nguyễn Qúy-Toàn giật bắn người lên. Mụ ôm vội lấy tên Mô-Lỗ như cầu sự che chở. Còn tên Qúy-Toàn, nó núp sau mụ.

Biết có lý luận cùng bọn mọi rợ Tây-vực cũng vô ích. Bắc-Sơn lão nhân nói với Tây-Sơn lão nhân:

– Sư đệ. Mong sư đệ xuất thủ cho. Nhất thiết không thể nhân nhượng với bọn này.

Tây-Sơn lão nhân khoan thai bước ra đấu trường. Lão hướng vào Đặng Đại-Khê:

– Đặng tiên sinh! Lão phu xin tiên sinh ban cho một đặc ân.

Đại-Khê đáp lễ:

– Không dám. Tiền bối có điều chi dạy bảo?

Lão nhân chỉ vào bọn Cút-Độp:

– Anh em chúng tôi tới Tản-lĩnh tuy có chỗ hiểu lầm, song vẫn giữ lễ với quý phái, với thánh Tản. Còn bọn Hồ-lỗ ma quỉ này chưa được giáo hóa, lại không có phong khí, chẳng luân thường. Lão phu xin tiên sinh cho mượn thanh kiếm trên bàn thờ thánh Tản. Bởi chỉ có uy vũ của đức thánh mới trị được bọn ma đầu mà thôi.

Trong Hoa-Sơn tứ lão, Tây-Sơn lão nhân vốn xuất thân giới khoa bảng. Ông đã đỗ tiến sĩ, nhưng chán thế tục, qui ẩn trên Tuyệt-phong thuộc núi Hoa-sơn. Vì vậy lời lời của ông rõ ra kẻ có văn học. Ông biết anh em mình bị hố trong vụ thụ phong núi Tản, e gây thù với phái này. Vì vậy ông tỏ vẻ tôn kính thánh Tản, hầu mua chuộc lòng người Việt.

Quả nhiên Đặng-đại-Khê hướng bàn thờ vái ba vái, rồi trịnh trọng cầm thanh kiếm gỗ sơn sơn thiếp vàng trao cho Tây-Sơn lão nhân. Hai tay lão kính cẩn tiếp kiếm, hướng bàn thờ lễ ba lễ:

– Đệ tử từng nghe uy danh đại thánh trấn động trời Nam. Hôm nay đệ tử cúi đầu kính xin thánh ban uy trị bọn ma quái này.

Ông rút kiếm ra, mọi người bật lên tiếng ồ lớn, vì đó là thanh kiếm gỗ sơn thiếp vàng. Cút-Độp thấy kiếm gỗ, y cười khẩy:

– Kiếm gỗ mà đòi đấu với ta ư? Mi muốn tự tử sao?

Tây-Sơn lão nhân cười nhạt:

– Khi có oai thánh, đù ngọn cỏ, lá cây cũng thành sắt thép.

Ông vung kiếm một cái, mọi người hoa mắt, chỉ thấy một vừng vàng lóng lánh bao trùm người Cút-Độp. Cút-Độp kinh hãi, nhảy lùi liền ba bước, mặt tái mét. Y nhìn lại, Tây-Sơn lão nhân đã tra kiếm vào vỏ, thái độ nhàn tản, như người ngắm cảnh.

Phái Hoa-Sơn được cầm đầu bới Hoa-Sơn tứ lão. Dưới tứ lão có thất hùng. Hơn mười năm qua, Hoa-Sơn tứ lão nổi danh khắp Trung-nguyên về võ đạo cũng như võ công. Tứ lão có rất nhiều đệ tử thành danh về đủ mọi phương diện. Chỉ nguyên quan trường, hai đệ tử của Đông-Sơn lão nhân, hiện giữ trọng trách. Dư Tĩnh trong chức vụ Kinh-lược an phủ sứ Quảng-Đông Nam-lộ, một biên cương trọng thần trấn nhậm biên giới tiếp giáp với Đại-Lý, Đại-Việt. Mới đây, Địch Thanh oai trấn quần hùng, đạt võ trạng.

Hôm đại hội Lộc-hà, dù Mỹ-Linh luyện thành kiếm pháp Long-biên, mà cũng phải khó nhọc lắm mới thắng được lão. Hôm nay, trên Tản-lĩnh, hai cao thủ Bắc, Nam-Sơn lão nhân bị Đặng Đại-Khê đả bại trong trường hợp không rõ ràng, khiến toàn phái ấm ức trong lòng. Kế tiếp bốn trong thất hùng bị hai thiếu niên hút mất công lực, trong khi họ chưa tỏ được bản lĩnh.

Bây giờ Tây-Sơn lão nhân mới trổ thần uy trước mặt mọi người.

Cút-Độp hú lên một tiếng, y tung kiếm tấn công Tây-Sơn lão nhân ba chiêu, cùng ba chưởng. Chỉ thấy thấp thoáng, Tây-Sơn lão nhân di chuyển thân mình qua phải, rồi trái. Kiếm của Cút-Độp ba lần như sắp trúng người lão, mà đều trượt ra ngoài.

Ba chiêu không trúng đối thủ, y ngừng lại quan sát, rồi đánh liền năm chiêu. Tây-Sơn lão nhân bước qua phải, rồi trái, lùi lại sau. Những chiêu kiếm Cút-Đột đều đánh vào quãng không.

Tôn Đản thấy hiện tượng kỳ lạ nó hỏi Đặng Đại-Khê:

– Sư bá! Võ công Tây-Sơn lão nhân là võ công gì vậy?

Đặng Đại-Khê chỉ xuống chân lão:

– Cháu xem kìa, lão di chuyển thân mình theo quẻ Bát-quái của vua Phục-Hy. Nếu lão đấu với võ lâm Việt-Hoa, lập tức bị bại ngay. Vì chúng ta ai cũng biết thuật này. Còn bọn Cút-Độp vốn thuộc Tây-vực, nào biết gì về Tiên-thiên bát quái?

Mặc cho Cút-Độp đâm phải, chém trái, chiêu số dũng mãnh, kình lực phát ra vo vo. Tây-Sơn lão nhân cứ trơn tuột như con trạch. Đánh trên ba trăm chiêu, Cút-Đột nhảy lùi lại. Y lắc đầu:

– Như vậy không kể. Từ đầu đến cuối, mi trốn chạy không dám trực diện đấu với ta, coi như mi thua!

Tây-Sơn lão nhân cười ha hả:

– Bọn mi quả thực thuộc loại Hồ-lỗ. Ta dùng Tiên-thiên bát quái dạy cho mi lẽ biến hoá vô cùng của vũ trụ, mà mi không biết. Lại đây, lại đây, ta giáo hoá mi một loại văn hoá Việt-Hoa.

Cút-Độp phóng một kiếm giữa ngực Tây-Sơn lão nhân. Lão cũng phóng chiêu vào ngực y, giống như lối đánh thí mạng, cả hai cùng chết. Hai mũi thanh kiếm chạm vào nhau, rồi dính chặt. Cả hai cùng vận nội lực, mong trấn động gẫy kiếm của đối thủ.

Mọi người nín thở. Vì khi hai mũi kiếm chống nhau, kiếm bên nào gẫy, coi như mất mạng. Trận đấu này không phải kẻ thắng, người bại, mà kẻ chết người sống.

Nhìn trận đấu, ai cũng biết công lực Tây-Sơn lão nhân cao hơn Cút-Độp một bậc, vì kiếm của Cút bằng thép, trong khi kiếm của lão bằng gỗ. Nên khó biết ai sẽ thắng. Cả hai phát huy nội lực đến chỗ cùng độ.

Khoảng ăn xong bữa cơn, thanh kiếm của Cút-Độp từ từ cong lại, mặt y đỏ gay. Trong khi Tây-Sơn lão nhân phiêu phiêu, hốt hốt miệng mỉm cười tươi như hoa.

Bọn Tây-vực hò hét trợ oai. Trải qua mấy khắc nữa, mồ hôi Cút-Độp rơi lách tách trên nền nhà, mặt y đỏ như gấc. Bỗng y thét lên một tiếng, kiếm của y gẫy làm ba bốn mảnh. Y lộn một vòng, bắn vọt ra xa, miệng ri rỉ mấy vệt máu.

Tây-Sơn lão nhân vọt theo, chĩa kiếm vào ngực y hỏi:

– Trung ương sứ giả, người chịu thua chưa?

Cút-Độp nói trong hơi thở:

– Ta nhất định không chịu thua người.

– Nếu người không đầu hàng, ta đẩy kiếm tới, ngực người sẽ thủng một lỗ lớn.

– Trường hợp này lọ là còn phải nói. Nếu người đục lỗ lớn, thì con bà nó, ta chết, chứ ngực đâu có lỗ lớn được! Mi tưởng ta sợ chết ư? Ta thích chết lắm.

Nói rồi y lao mình về phía trước. Mọi người thấy y tự tử đều khoan khoái:

– Cho rồi đời bọn độc.

Nhưng binh một tiếng, ngực Cút-Độp nổ tung, nước bắn toé ra xung quanh. Tây-Sơn lão nhân nhảy lùi liền ba bước, nhưng vẫn không tránh khỏi nước bắn vào người.

Thì ra ngực Cút-Độp đeo một túi đựng nước độc. Khi thấy kiếm Tây-Sơn lão nhân chĩa vào ngực. Y lao tới. Bình nổ tung, nước độc bắn ra xung quanh. Thanh kiếm của Tây-Sơn lão nhân đâm thủng ngực y thấu tới lưng. Máu tuôn ra xối xả.

Mùi hôi thối xông ra, Tây-Sơn lão nhân biết đó là nước kịch độc. Ông vội dùng tay áo lau mặt. Nhưng không kịp, ông cảm thấy ngứa ngáy cực kỳ khó chịu. Ông hỏi Nhị-Bách:

– Xin nhị gia cho xin ít nước rửa thuốc độc.

Nhị-Bách chưa kịp trả lời, thình lình Tây-Sơn lão nhân kêu lên tiếng ái, rồi ông ngồi xuống vận công chống độc. Bên kia, chất độc lẫn vào vết thương khiến Cút-Độp rên la thảm thiết.

Bắc-Sơn lão nhân hỏi Đi Mi Trí:

– Tây-phương sứ giả. Xin sứ giả ban thuốc giải, trị thương cho quý trung sứ cùng sư đệ lão phu.

Đi Mi-Trí lắc đầu:

– Thứ thuốc này không gì trị được. Người trúng phải, đau đớn trong ba ngày, thịt rữa mà chết.

Cút-Độp móc trong túi ra bình thuốc, y lấy hai viên bỏ vào miệng. Khoảng nhai dập miếng trau, y trợn ngược mắt lên, không động đậy.

Lê Văn tiến lên bắt mạch y. Nó lắc đầu:

– Chết rồi.

Thấy Cút-Độp tự tử, đám Hoa-Sơn biết Đi Mi Trí nói thực. Họ đưa mắt nhìn Lê Văn:

– Lê công tử, liệu có hy vọng gì không?

Lê Văn lắc đầu:

– Tại hạ không biết chất độc này ra sao, nên đành bó tay.

Đi Mi-Trí nói:

– Trong ba trận đấu. Trận đầu Tống thắng. Trận thứ nhì hòa. Trận này Tống bại. Như vậy Hồng-thiết giáo thắng cuộc.

Bắc-Sơn lão nhân chỉ Cút-Độp:

– Người nói sai rồi! Rõ ràng trung sứ chết nằm đây. Trong khi Tây-Sơn lão nhân còn sống. Như vậy mà cũng cãi rằng thắng ư?

– Chúng ta thắng, tên Tây-Sơn bị trúng độc đến bị thương sắp chết. Còn sư huynh ta, lão… lão tự uống thuốc để về thế giới người hiền Mã-Mặc, Lệ-Anh đấy chứ.

Nghe lý luận chướng tai của Đi Mi Trí, đám Hoa-sơn cùng rút kiếm ra, định băm vằm chúng thành nhiều mảnh. Biết nguy cơ sắp đến, Đi Mi Trí cầm cây còi thổi lên lanh lảnh. Mọi người ngơ ngác tự hỏi:

– Y thổi còi với ý định gì đây?

Thiệu-Cực bước ra cười:

– Tây-sơn sứ giả thổi còi xin tiếp viện ư? Xin báo tin buồn cho Tây sứ biết, tất cả người của các vị đều bị bắt hết rồi.

Chàng hú lên một tiếng dài. Lập tức từ trong hang đá, một đoàn người lục tục chui ra. Tổng cộng hơn ba trăm. Tất cả đều bị trói tay dính vào nhau thành một xâu. Đi Mi Trí nhận ra là bọn thủ hạ của y với Đông-Thiên.

Nguyên trước khi lên Tản-lĩnh, bọn Cút-Độp, Đông-Thiên phối trí hơn ba trăm giáo chúng quanh núi Tản. Chờ mọi người không đề phòng, chúng sẽ siết chặt vòng vây. Nào ngờ, khi còn ở dưới chân núi, Thiệu-Cực được chim ưng báo cho biết. Chàng gửi tin về Khu-mật viện Bắc-biên. Đại-tư-mã Thân Thừa-Phú nhận tin, lập tức phái một đạo binh vây chân núi Tản, bắt sạch gian đảng.

Đi Mi Trí cười nhạt:

– Bọn mi thực mặt dày, đấu võ bị thua, rồi dùng số đông áp chế chúng ta.

Thiệu-Cực cười nhạt:

– Các người hẹn đấu với phái Hoa-sơn, chứ có đấu với bọn ta đâu? Ví dù phái Hoa-sơn có bại, tha cho bọn mi đi, đây thuộc lãnh địa Đại-Việt, ta cũng không cho các người rời khỏi Bắc-biên.

Bỗng có tiếng nói từ xa vọng lại:

– Ví dù Thân thế-tử tha cho các người rời khỏi Bắc-biên, phái Đông-a quyết đuổi bọn mi đến Tây-vực giết không tha một tên nào.

Nghe tiếng nói, Tự-Mai gọi lớn:

– Bố! Bố đến bao giờ vậy?

Tiếng Trần Tự-An nói:

– Chúng ta xuất hiện thôi.

Hai bóng người từ trên cây đáp xuống nhẹ nhàng, chính là Trần Tự-An với Hồng-Sơn đại phu. Một bóng vàng núp sau bụi hoa ngâu từ từ bước ra, chính là Minh-Không thiền sư. Đúng lúc đó, một bóng nâu, cỡi trên lưng con nai từ dốc núi đi lên, mọi người nhìn lại, thì ra sư thái Tịnh-Tuệ.

Mặt Bắc-Sơn lão nhân tái đi, trông thực khó coi. Lão than:

– Không hiểu có việc gì, mà ngũ-long Đại-Việt cùng lên đây.

Hồng-Sơn đại phu chĩa ngón tay điểm vào huyệt Bách-hội Tây-Sơn lão nhân đến một cái. Lão rùng mình, bao nhiêu cái đau đớn biến mất. Đại phu xoa đầu Lê Văn:

– Thằng cà chớn, được lắm, bố có lời khen. Hết cà chớn rồi.

Ông chỉa ngón tay điểm vào huyệt Nội-quan Ngô Nam. Véo, véo hai tiếng. Người Ngô Nam tiết ra mùi hôi khủng khiếp. Y rùng mình một cái đứng dậy, vận công. Y thấy chân khí lưu chuyển như thường, biết rằng đã thoát ách.

Tây-Sơn lão nhân, Ngô Nam đến trước Hồng-Sơn đại phu tạ ơn. Đại phu vẫy tay ra hiệu miễn lễ:

– Đã là võ lâm đống đạo, sao Tây-Sơn lão sư lại khách sáo thế?

Đặng Đại-Khê hỏi Minh-Không:

– Đại sư! Xin đại sư chỉ cho cách an trí bọn Hồng-thiết Tây-vực này.

Minh-Không nói với Thiệu-Cực:

– Chúng ta để Khu-mật viện Bắc-biên giải quyết.

Tự-An lắc đầu:

– Giải quyết bọn tà ma, độc hại gây rối loạn đất nước, thuộc nhiệm vụ bất cứ con dân Đại-Việt nào. Chứ trao cho quan nha, chẳng hóa ra chúng ta quên mất chủ đạo tộc Việt từ Phục-Hy, Thần-Nông, Hùng-vương, An-dương vương ư?

Ông nói với Thiệu-Cực:

– Thân thế-tử! Thế-tử về tâu lại với vua Bà Bắc-biên rằng hôm nay Trần mỗ mạn phép xử lý bọn tà ma này. Nếu vua Bà cho rằng mỗ phạm tội. Việc đây xong, mỗ thân đến động Giáp chịu tội với vua Bà.

Ông nói với nhóm người Hoa-sơn:

– Các vị huynh đệ Hoa-sơn. Các vị đừng ngạc nhiên. Mỗi dân tộc có một chủ đạo riêng. Người dân theo đó mà hành xử. Như bên Trung-quốc, vua tức con trời, do trời sai xuống trị vì Thiên-hạ. Khắp Thiên-hạ phải trung thành, qui phục vua. Vua muốn bầy tôi chết, mà bầy tôi không chết, coi như bất trung.

Tây-Sơn lão nhân gật đầu:

– Đúng như đại hiệp nói. Nguyên văn câu đó trong Luận-ngữ. Hiện Tống triều dùng Nho học trị dân. Vì vậy những gì nói trong Tứ-thư, Ngũ-kinh không thể thay đổi.

Tự-An cười lớn:

– Từ xưa tộc Việt theo bộ Thiên-địa kinh. Thiên địa kinh viết vào thời vua Hùng thứ ba, tức trước Tứ-thư, Ngũ-kinh đến hơn hai nghìn năm.

Thiên Trị Tắc nói rằng :

– Nhà có lề luật của nhà. Khi nhiều nhà sống với nhau thành xóm, thành làng, tự nó có những qui ước chung, gọi bằng tục. Nhiều xóm làng thành nước, tự nhiên qui ước đó thành luật. Nhà có cha, có mẹ. Xóm làng có lý dịch, do dân cử. Nước, tôn người hiền lên làm vua.

Tây-Sơn lão nhân gật đầu tán thành:

– Đạo lý đó, chỉ bậc thánh minh mới thi hành được. Bên Trung-quốc, cổ thời vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn. Vua Thuấn nhường ngôi cho vua Vũ. Đến vua Vũ, nhường ngôi cho con, đức kém đi một độ.

Hồng-Sơn đại phu đưa mắt nhìn Thuận-Tường cười:

– Hạ, Thương, Chu còn giữ được di sản Tam-hoàng. Từ khi nhà Hán lên làm vua, người ta dùng sức mạnh, dùng đao thương, hình pháp bắt dân qui phục. Hoá cho nên, đất nước không còn của dân nữa, mà của riêng một nhà, một giòng họ.

Ông nhấn mạnh:

– Thời Tây-Hán, Vương Mãng tàn bạo, cướp ngôi vua, thế mà cũng xưng rằng theo lối Nghiêu nhường Thuấn. Thuấn nhường Vũ. Rồi Tào Phi cướp ngôi Hán Hiến-đế cũng nêu Nghiêu, Thuấn, Vũ ra làm mộc che các mũi dùi dư luận. Gần đây Chu cướp ngôi Hán. Tống cướp ngôi Chu. Chủ đạo cử hiền hoàn toàn mất. Vì vậy việc vua, việc quan thuộc quan nha. Dân chúng võ lâm thờ ơ.

Thuận-Tường đưa mắt cho Tây-Sơn lão nhân. Lão chắp tay vái Tự-An, rồi hỏi:

– Nếu bảo chủ đạo cử hiền bên Trung-quốc suy thoái, thế bên Giao-chỉ thì sao? Lê Hoàn chẳng cướp ngôi của ấu quân đó ư? Lý Công-Uẩn cướp ngôi họ Lê. Phái chăng chủ đạo tộc Việt như thế đó?

Tự-An chỉ Tự-Mai:

– Con trả lời tiền bối đi.

Tự-Mai xá Bắc-Sơn lão nhân:

– Tiền Bối chỉ biết một mà không biết hai. Trở lại bên Đại-Việt. Khi vua Hùng thứ tám mươi tám hôn ám vô đạo. Quần hùng tôn vua An-Dương lên thay. Đến thời Lĩnh-Nam, một trăm sáu mươi hai hào kiệt khởi binh, tôn vua Trưng làm chúa. Tiếp theo đời Lý, đời Ngô, đời Đinh đều theo lối cử hiền. Khi vua Thái-tông bên quý quốc đem quân sang đánh Đại-Việt, vua còn nhỏ. Võ lâm tôn Lê Hoàn lên làm vua. Lại khi vua Ngọa-triều băng. Võ lâm lại tôn Lý Công-Uẩn thay thế. Đó chẳng theo lối cử hiền ư?

Nó nhấn mạnh:

– Chủ đạo tộc Việt định rằng: Việc xây dựng, phòng gian nhân hại nước thuộc mọi người, không thuộc triều đình. Cho nên hôm nay, bố tôi quyết định xử tội mấy tên ma đầu Tây-vực này.

Nói quay lại hỏi bố:

– Tội bọn này, bố xử ra sao?

Tự-An cười lớn:

– Con cứ chờ, sẽ thấy.

Ông cúi xuống đất bốc hai nắm sỏi. Tay trái ông vung lên. Cả nắm sỏi hướng bọn thủ hạ Hồng-thiết. Những tiếp lốp bốp, cùng tiếng rú thê thảm vang lên. Hơn hai mươi tên đều bị sỏi chui vào trong đầu. Chúng lảo đảo, quay tròn tròn rồi ngã lăn xuống đất.

Minh-Không, Tịnh-Tuệ đều bật lên tiếng:

– A-di-đà Phật.

Tự-An lại vung tay nữa hơn ba mươi tên ngã xuống. Ông chỉ vung tay có hai mươi lần, trên ba trăm tên chết la liệt bên nhau. Ông hất hàm cho Đi Mi Trí:

– Ta đánh người một chưởng. Nếu người đỡ được, ta thân đưa người về Tây-vực.

Ông vung tay phát chiêu. Đi Mi Trí phát ngũ độc chưởng đỡ. Binh một tiếng, người y bay bổng lên cao, rơi xuống người Bẹc-Nác. Cả hai cùng rú lên như lợn bị chọc tiết, xương thịt vỡ làm năm sáu mảnh, ruột gan tung tóe.

Hiện trường dù Hán, dù Việt đều kinh hoàng. Minh-Không, Tịnh-Tuệ chắp tay niệm:

– A-di-đà Phật.

Tư-An bảo Mô Lỗ:

– Người đỡ đi. Ta phát chưởng đây!

Ông vừa vung tay lên, thì véo, véo. Hai viên đá hướng Mô Lỗ, Du La. Bộp, bộp hai tiếng. Hai viên đá chui vào đầu hai người. Hai người gục xuống như ngủ.

Minh-Không niệm:

– A-di-đà Phật. Tội quá, tội quá.

Tự-An cười ha hả:

– Minh-Không đại sư đắc quả thành Bồ-tát, lấy từ bi hỉ xả phổ độ chúng sinh làm gốc. Song Trần mỗ xuất thân nghĩa hiệp. Môn qui phái Đông-a lấy chủ đạo tộc Việt làm gốc. Mỗ hành xử như vậy, giống như tru diệt ma vương quỷ dữ. Diệt quỷ dữ là có Phật tính vậy. Sau này Diêm-vương hỏi sao mỗ giết chúng, mỗ sẽ đáp : Tự-An này vốn con rồng cháu tiên, chỉ biết giữ nước. Khi bọn gian đến mưu hại tộc Việt, mỗ giết không tha. Diêm-vương chứ Ngọc-Hoàng đại đế kết tội, mỗ đếch cần.

Đại-Việt ngũ long vốn biết Tự-An từ lâu. Ông bác học, đa năng. Thông thường ông ôn nhu văn nhã, dễ chịu vô cùng. Khi nói đến bọn cướp nước, bán nước lập tức ông văng tục liền. Vì vậy không ai giận ông cả.

Ông đưa mắt nhìn đám Hoa-sơn một lượt. Mọi người đều cảm thấy lạnh người. Ông dừng lại trước Thuận-Tường:

– Triệu cô nương! Cô nương cho rằng ta ra tay nặng qúa chăng? Song chủ đạo tộc Việt thế đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.