Anh Hùng Bắc Cương

Chương 39 - Lĩnh-Nam Tam Tiên

trước
tiếp

Lĩnh-Nam Tam Tiên —— –

– Lão phu không hiểu?

– Có gì lạ đâu. Triều đình ban chỉ thí võ tuyển Phò-mã. Vì sợ số ứng thi nhiều quá, nên quan Tể-tướng ban lệnh rằng, các châu tổ chức sơ tuyển. Mỗi châu được lấy ba người trúng cách. Ba người đó được cấp ngựa, y phục, cùng tiền để lai kinh. Để phân biệt, các ứng sinh trúng cách sơ tuyển mỗi châu mang mầu khăn khác nhau. Ba người ban nãy mang mầu vàng. Như vậy họ thuộc châu Linh-lăng. Còn chúng tôi khăn trắng thuộc châu Quế-dương. Chúng tôi đồng lên đường lai kinh, dự trận đấu chung kết.

Một kị mã khác hỏi:

– Phải chăng ba người kia phạm tội gì với các vị?

Lão Bát lắc đầu:

– Không. Bây giờ anh em tôi có việc phải

theo người bạn ban nãy. Xin kiếu ba vị công tử.

Một kị mã cười:

– Nếu hai vị tướng quân không cho rằng Chúng tôi- đa sự. Anh em chúng tôi xin theo hai vị.

– Thế thì anh em chúng tôi đành phiền ba công tử. Nào, chúng ta đi.

Năm người vọt ngựa về trước. Phút chốc biến vào những lùm cây xanh ngắt ẩn hiện trong sương mù.

Thanh-Mai hỏi lão Tôn:

– Tôn tiên sinh. Hiện nhà Đại-Tống có bao nhiêu châu?

– Tổng số chín mươi ba châu lớn.

– Như vậy có tới hai trăm bẩy mươi chín ứng viên sơ tuyển về kinh. Rồi thêm người nhà theo hỗ trợ, cũng như võ lâm thiên hạ tụ về tò mò xem. Phen này Biện-kinh thực náo nhiệt.

Lão Tôn thở dài:

– Hôm trước anh em lão phu báo tin cho Vương-gia, để Vương-gia cho các thiếu niên Đại-Việt ứng tuyển, may ra có người thành phò mã. Bây giờ Tả-bộc xạ Tào Lợi-Dụng lại đặt ra thể lệ mỗi châu ba người, e rằng Đại-Việt khó chen chân.

Mỹ-Linh xen vào

– Nếu muốn chúng tôi vẫn có thể tham dự như thường. Chúng tôi có Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn coi như đại diện Bắc-biên hay Đại-Việt cũng vẫn hợp lệ như thường.

Lão Tôn gật đầu:

– Nếu ba thiếu niên đó mà ứng tuyển, dù không lấy được Công-chúa, cũng lấy được Quận-chúa hoặc tiểu thư con đại thần.

Thanh-Mai ngạc nhiên:

– Sao vậy?

– Lưu hậu tuyển mười bẩy cô vừa đẹp, vừa ngoan, văn hay, chữ tốt trong các Quận-chúa, tiểu thư tuổi từ mười lăm đến mười bẩy, rồi nhận làm con nuôi. Cộng với công chúa Huệ-Nhu thành mười tám. Các ứng viên trúng cách của các châu về kinh sẽ qua ba cuộc tuyển nữa. Cuộc tuyển đầu tiên là khám xét xem phẩm chất coi có được không? Có khai ít tuổi hoặc tăng tuổi lên không? Có bệnh hoạn không? Những người trúng cách đợt này qua cuộc tuyển thứ nhì là thi văn tại sân rồng. Cuối cùng thi võ.

Phút chốc xe qua khu cây cối xanh rì, phía trước hiện ra ba kị mã nữa. Cũng vẫn một thứ ngựa, một mầu quần áo, nhưng họ choàng khăn mầu đen. Lão Tôn thấy ba người mình ra đi, mà không thấy bóng dáng đâu. Lão ra lệnh:

– Lão Lục, lão Thập hãy đi tìm ba lão Thất, Bát, Cửu về ngay. Kể từ bây giờ tới giờ Thân, nếu thấy hay không thấy cũng phải trở về phục lệnh.

Lão Lục, Thập phi ngựa đi liền. Khi ngựa hai lão gần tới phía sau, thình lình ba kị mã cũng ra roi cho ngựa chạy. Thế là năm ngựa cùng phi nước đại. Phút chốc cả năm đều biến vào khúc quẹo, rồi mất hút.

Lão Lê hỏi lão Tôn:

– Tôi có cảm tưởng một thế lực nào đang trêu ghẹo mình. Bằng không tại sao họ phi ngựa theo người bên mình làm gì?

Lão Tôn nói cứng:

– Dù thế lực nào chăng nữa, với bản lĩnh năm lão, ai làm gì nổi mà sợ?

Xe đi hơn giờ nữa, bắt đầu rẽ ra con đường song song với bờ sông. Nước sông Tương mùa Đông chảy trong veo. Trên sông thuyền bè đi lại tấp nập. Lão Tôn chỉ vào dẫy chiến thuyền hơn năm chục chiếc phía trước:

– Kìa là Hướng-dương kiều. Cây cầu đá da bắc ngang Chưng-hà. Chỗ giao hội ba con sông Tương, Lỗi, Chưng có căn cứ thủy quân. Chúng tôi dự trù đón vương gia cùng sứ đoàn xuống thuyền qua đêm.

Một đội quân hơn nghìn người, gươm giáo sáng ngời, đánh trống đón tiếp sứ đoàn.

Thanh-Mai nói với lão Tôn:

– Quốc công! Tôi nghe nói tướng chỉ huy hạm đội Hành-Nam tên Vương Văn, lĩnh chức Chiêu-võ hiệu-úy. Trước y trấn ở Hổ-môn, mới được tân thăng làm Đô-đốc Tương-giang hồ Động-đình hơn tháng nay thì phải (1)

Ghi chú

(1) Vương-Văn, thi nhân đời Tống. Ông tên thực là Trần Phụ-Quốc người trấn Ngọc-sơn thuộc Đại-Việt. Ông làm quan với Tống đến chức Tiết-độ-sứ. Khi về hưu, ông trở về vùng Phong-châu làm nhà sàn, săn thú. Ông là một thi sĩ không mấy nổi danh, nhưng bẩy bài từ Tương-giang của ông cực kỳ lãng mạn. Hầu hết được phổ nhạc.

Lão Tôn kinh hãi:

– Trời ôi! Thực xấu hổ, mình lĩnh chức tổng chỉ huy thị vệ, tai mắt của Lưu thái hậu, được lệnh hướng dẫn sứ đoàn, mà không biết tên viên chỉ huy thủy quân Hành-Nam. Thế sao con này biết tường tận như vậy? Cho rằng tế tác Đại-Việt giỏi thì giỏi thực. Nhưng việc viên Vương Văn đổi về đây thì con nhỏ này đã vào Tống rồi, làm sao nó liên lạc được với người trong nước mà biết? Nhất định nó phải nhận được tin dọc đường. Dọc đường ta canh phòng cẩn mật như thế, thì nó tiếp nhận tin bằng cách nbào?

Viên tướng giáp trụ sáng ngời hành lễ quân cách:

– Chiêu-võ hiệu-úy, chỉ huy hạm đội Hành-Nam, xin tham kiến Vương-gia cùng sứ đoàn Đại-Việt.

Y hướng Tôn, Lê:

– Xin tham kiến nhị vị quốc công.

Thanh-Mai để bàn tay phải ngang hông, rồi chĩa hai ngón tay giữa và trỏ ra giật giật ba cái. Khai-Quốc vương biết đây là phép hành lễ bí mật của phái Đông-a. Vương tự hỏi:

– Tại sao Thanh-Mai phải hành lễ với viên tướng Tống này như người dưới đối với người trên? Dường như y thản nhiên tiếp nhận, không đáp lễ lại?

Vương để ý thấy thấy sắc mặt Thanh-Mai với Vương Văn hơi khác lạ, cười mà không phải cười. Trong nụ cười hàm chứa điều gì kì bí mà vương không hiểu nổi.

Sau khi nhập cảnh Trung-quốc, từ Tuyên-vũ sứ Khâm-châu cho tới Kinh-lược an-phủ sứ Đàm-châu Tào Khánh cùng quan chức Tống, nhất nhất đều gọi sứ đoàn bằng danh tự Cống-sứ Giao-chỉ. Đây là lần đầu tiên Tống cử một đội binh hùng hậu dàn chào theo nghi lễ tiếp đón vị Vương, rồi Chiêu-võ sứ kính cẩn gọi bằng quốc hiệu Đại-Việt.

Khai-Quốc vương nghĩ thầm:

– Chắc chắn Định-vương Nguyên-Nghiễm đã phát lệnh dọc đường cho các quan làm việc này. Như vậy y xứng đáng con người tín nghĩa trọng lời hứa với ta.

Vương Văn mời mọi nghười xuống một chiến thuyền lớn. Y kính cẩn nói:

– Khải tấu Vương-gia. Thần được chỉ dụ của quan Thái-sư phụ quốc thái úy rằng: Ngoài Vương-gia, trong sứ đoàn còn có Vương-phi cùng công chúa Bình-Dương vốn thuộc nòi thi-văn, cho nên tiểu tướng chuẩn bị chiến thuyền này làm chỗ nghỉ ngơi, hầu sứ đoàn ngắm cảnh Tương-giang trong đêm. Như vậy Vương-gia được nghỉ ngơi, trong khi thuyền ngược chiều về hồ Động-đình.

Y chỉ hai con thuyền khác kè hai bên thuyền sứ đoàn:

– Hai chiến thuyền này dùng làm chỗ nghỉ ngơi của hai vị quốc-công. Thiết kị sẽ đi trên bờ. Ngoài ra còn mười chiến thuyền. Năm chiếc đi trước, năm chiến đi sau. Không biết như vậy có được không?

Lão Tôn bảo Vương Văn:

– Trước đây Tiếp dẫn sứ Tào Khánh khiếm khuyết chức vụ, để Trường-giang thất quỷ phạm đại giá Vương-gia. Vì vậy thái hậu ban chỉ hai chúng ta cùng mười vị tướng quân trong đại nội đích thân hộ tống. Đây gần Trường-giang vì vậy tướng quân phải canh phòng cẩn mật lắm mới được.

Trên sàn thuyền, tiệc rượu bầy ra sẵn, có tỳ nữ hầu hạ. Vương Văn mời mọi người. Thuyền nhổ neo hướng về Bắc.

Khai-Quốc vương chửi thầm:

– Thanh muội chỉ dùng chút xíu tin tức của Bảo-Hòa, Thông-Mai cung cấp, mà bọn này cũng sợ ta đến trình độ không dám mời vào thành, mà để trên thuyền hầu dễ canh gác. Chúng vây ta như thành đồng vách sắt thế này đây? Đã vậy ta đánh nghi binh làm chúng hoảng hốt cho bõ ghét.

Vương nói:

– Nhị vị quốc-công. Cô-gia muốn đích thân Vương tướng quân bảo giá cô-gia mới yên tâm. Vậy phiền hai vị để Vương tướng quân trấn trên thuyền của sứ đoàn. Vả lại được Vương tướng quân vốn nổi danh về từ của đất Giang-Nam, được đàm đạo với người chẳng thú lắm sao?

Hai lão Tôn, Lê ngạc nhiên:

– Tên Lý-long-Bồ có ngu không? Rõ ràng ta bao vây y, mà y không biết, còn xin cho Vương Văn ở chung trên chiến thuyền nữa, thì có khác gì tự trói mình?

Vương Văn quả có danh vọng về thi văn. Y sáng tác được nhiều bài từ cực kỳ lãng mạn, hầu như khắp Giang-Nam thanh thiếu niên đều thuộc lòng. Thế nhưng hai lão Tôn, Lê lại không biết gì. Bây giờ nghe Khai-Quốc vương nói, hai lão kinh ngạc đến hoảng sợ.

Vương Văn nghe Khai-Quốc vương khen từ của mình. Y khoan khoái đến cực điểm:

– Tiểu tướng mong được Vương-gia phẩm bình cho.

Mỹ-Linh mỉm cười:

– Vương tướng-quân này. Ở đây chúng tôi là người Việt. Hai vị quốc-công với tướng-quân vốn là người Hoa gốc Việt. Chúng ta nên nói tiếng Việt mới phải.

Hai lão Tôn, Lê, cùng như Vương Văn đều kinh sợ đến ngơ ngẩn cả người ra. Vì Văn gốc Việt, điều bí mật này đến vợ con y cũng không biết, mà nay Mỹ-Linh lại nói toẹt ra. Hỏi sao y không hoảng hốt.

Mỹ-Linh càng dọa già:

– Trong các bài từ của tướng quân, tôi thích nhất bài Tương-giang dạ vũ, lời óng mựơt, ý lãng mạn xứng đáng danh tác của Giang-Nam. Trên đường đến Hành-nam tôi hát thầm mãi. Bây giờ xin dịch để tướng-quân chỉnh cho.

Vương Văn nghe Mỹ-Linh nói, y sướng đến muốn ngất đi. Vì bài Tương-giang dạ vũ y mới sáng tác. Hơn mười ngày trước y họp bạn, mời ca kỹ đến hát. Thế mà cô Công-chúa tiên nữ này cũng biết được thực là điều y khó tin.

Mỹ-Linh cất tiếng ngâm:

Tương-giang một giải xanh lờ,

Sóng lăn tăn vỗ, bên bờ lá rơi.

Mỹ nhân giặt lụa, ngắm trời,

Tay ngà, nước biếc mây trôi ánh vàng (4)

Ghi chú

(4) Trích bốn câu đầu trong bài từ Tiêu tương dạ vũ của Vương-Văn.

Tả mỹ nhân giặt lụa trong đêm ở bến Tương-giang đến như vậy tôi nghĩ không thể khuyên son, mà phải đổ cả nghiên son lên mới xứng đáng.

Khai-Quốc vương gật gù:

– Này, Vương tướng quân. Người nên ứng thí, biết đâu không trúng trạng nguyên, bảng nhãn. Chứ làm quan võ này mãi, e chân tài mai một đi.

Vương Văn cúi đầu:

– Đa tạ Vương-gia, cùng Vông-chúa ban khen.

Thanh-Mai lắc đầu:

– Vương-gia. Theo em nghĩ cứ để Vương tướng quân coi thuỷ quân, mới có thời giờ tiêu dao mây nước mà sáng tác. Chứ thi đậu đại khoa rồi làm quan, thì e không có dịp sáng tác.

Quốc-vương vỗ đùi:

– Vương-phi bàn đúng. Xưa nay danh sĩ đều ít người thuộc giới quan trường. Như Lý Bạch, Đỗ Phủ đâu có đậu đại khoa, cũng chẳng làm quan lớn mà danh lưu vạn đại.

Thanh-Mai rót chung rượu mời Vương Văn:

– Chung rượu này để tặng danh sĩ. Mong Vương tướng quân cạn cho.

– Đa tạ Vương-phi ban thưởng.

Thanh-Mai nói:

– Vương tướng quân này, kiến thức tôi hơi hủ lậu, thành ra trong Tương-giang thất tuyệt của tướng-quân, tôi chỉ thuộc có năm bài. Còn hai bài Tương-giang địch vọng cùng Tương-giang xuân hiểu tôi nhớ được mấy câu. Tôi thích nhất bốn câu:

Thu tiêu dạ vũ,

Thanh vọng đoạn trường hề.

Thiếu phụ song tiền lệ thanh sam,

Trượng phu nhất khứ sầu mang mang (5)

Tôi đã dịch như sau:

Đêm Thu mưa gió phũ phàng,

Tiếng tiêu đứt ruột vọng sang bên bờ.

Chồng đi mang cả trời thơ,

Ngồi bên cửa sổ lệ mờ đẫm khăn.

Ghi chú

(5) Trích trong bài “Tương-giang lệ thùy” của Vương-Văn.

Vương Văn đứng dậy chắp tay:

– Đa tạ Vương-phi. Vương-phi dịch hay hơn cả nguyên tác của tiểu nhân.

Thế rồi tiệc rượu bàn toàn truyện thi văn Hoa-Việt.

Trời dần tối, thuyền rời Hành-Nam đã hơn bốn mươi dặm. Lão Lê hỏi lão Tôn:

– Bọn lão Lục, Thập chưa thấy trở về. Như vậy năm người của chúng ta ắt gặp sự gì cổ quái rồi chăng?

– Chúng ta cứ chờ xem.

Hai lão Tôn, Lê đứng dậy cáo từ:

– Vương gia, hai lão phu xin giã từ Vương-gia. Kinh chúc Vương-gia qua một đêm đẹp trên vùng đất tổ.

Hai lão tung mình lên cao, ai nhảy nhảy về thuyền người ấy.

Hai lão đi rồi Vương Văn xin phép vào trong thay quần áo. Khi y trở ra, trên mình khoác chiếc áo lạnh. Thoáng nhìn qua, Mỹ-Linh giật mình, vì trên chiếc nút áo cổ của y có sợi chỉ đỏ. Nàng đưa mắt nhìn Khai-Quốc vương xem chú mình có nhận biết y không. Nhưng Vương cùng Vương-phi vẫn nhìn ra sông ngắm cảnh.

Thình lình vương hỏi:

– Trời lạnh thế này, liệu tướng quân có kiếm ra hoa phong lan không?

Câu này vương ngụ ý muốn hỏi xem Vương Văn làm tới chức gì của Khu-mật viện.

Vương Văn ngồi ngay ngắn lại:

– Khải vương gia, tiểu tướng không thể tìm được hoa phong lan, nhưng có thể bắt được sư tử.

Khai-Quốc vương ngơ ngác không hiểu. Trong khi Thanh-Mai kinh hãi. Nàng chĩa ngón tay điểm thẳng vào ngực Vương Văn. Vương Văn cũng dùng chỉ điểm thẳng vào chỉ của nàng. Hai chỉ chạm nhau đến bộp một cái, Thanh-Mai cảm thấy tay mình tê dại, nàng phải lộn đi một vòng để hoá giải kình lực. Trong khi Vương Văn ôm tay nhăn nhó tỏ vẻ đau đớn.

Khai-Quốc vương kinh hãi vô cùng. Vì với bản lĩnh của Vương-phi hiện không thua Đại-Việt ngũ long làm bao. Hôm đại hội Lộc-hà, bọn Vũ Nhất-Trụ, Đỗ Xích-Thập, Lê Ba, Nguyên-Hạnh đều thua dưới tay nàng. Từ hồi đó đến giờ nàng luyện thêm phép điểm huyệt, công lực thâm hậu vô cùng. Thế mà dường như qua chỉ vừa rồi, nàng thua Vương Văn.

Vương định ra lệnh cho Thiệu-Thái can thiệp. Song thấy nét mặt Vương-phi như cười đùa với Vương Văn, chứ không phải đấu võ, nên vương an tâm.

Thanh-Mai dùng bàn tay chém vào cổ Vương Văn. Y không đỡ, không tránh, đợi tay nàng sắp chạm vào người mới co ngón tay trỏ và cái búng vào lưng bàn tay nàng. Thanh-Mai thu tay về dùng cùi chỏ thúc vào hông y. Y chĩa hai ngón tay kẹp cùi chỏ nàng lại. Thanh-Mai thu tay về.

Tần ngần suy nghĩ một lúc, Thanh-Mai dùng tay trái bẹo tai Vương Văn. Y để cho nàng bẹo, nhăn mặt:

– Ái! Thôi nhé! Hai mươi tuổi, làm vương phi, nay mai thành Hoàng-hậu. Không còn nhỏ nữa. Bỏ tay ra, bằng không ta đánh đòn.

Thanh-Mai thu tay lại, nàng nắm lấy vai Vương Văn, nước mắt dàn dụa:

– Đại sư ca! Em nhớ đại sư ca chết đi được. Sư tỷ đâu rồi?

– Sư tỷ hiện ở Biện-kinh. Sư huynh cũng nhớ sư muội muốn điên lên. Mười năm rồi còn gì nữa?

Y cũng khóc.

Thanh-Mai ghé tai Vương nói:

– Anh Văn là đệ tử thứ nhất của Bố. Hồi em còn bé, anh ấy thường bồng em đi chơi. Những chiêu võ vừa rồi em với anh xử dụng là những chiêu để đệ tử phái Đông-a nhận ra nhau.

Côi-sơn đại hiệp Trần Tự-An có bẩy đệ tử. Thanh-Mai đứng vào vai út. Đại đệ tử tên Trần Phụ-Quốc, nhị đệ tử tên Trần An-Dân, hay Bảo-Dân. Tam đệ tử tên Trần Trung-Đạo. Ba người võ công cực kỳ cao thâm, văn học uyên bác. Phụ-Quốc nổi danh về văn. Bảo-Dân nổi danh về nhạc. Trung-Đạo nổi danh về họa. Cả ba hành hiệp giúp đời. Giang hồ đặt cho danh hiệu Lĩnh-Nam tam tiên. Người ta còn tặng cho Phụ-Quốc danh tự Thanh-sư. Bảo-Dân danh tự Bạch-hổ và Trung-Đạo danh tự Phi-Hùng.

Thanh-Mai thua đại sư ca đến gần hai mươi tuổi. Hồi nhỏ nàng được sư ca thay phụ thân dậy võ, dậy văn. Nàng thường được Phụ-Quốc bế bồng, dẫn đi chơi. Sau cả ba được sư phụ ủy cho sứ mệnh đặc biệt, từ đấy Thanh-Mai không gặp lại các sư huynh nữa.

Bẵng đi mười năm, bây giờ gặp lại, nhưng Thanh-Mai nhận ra Phụ-Quốc ngay. Còn Phụ-Quốc đã được Thông-Mai, Bảo-Hòa báo trước, nên chàng không bỡ ngỡ.

Thanh-Mai giới thiệu sứ đoàn với Phụ-Quốc, rồi nói với Khai-Quốc vương:

– Nhờ anh Thông-Mai, cùng Bảo-Hòa nối hệ thống Đông-a với triều đình, nên anh Văn mới giúp chúng ta. Anh chưa có quan chức gì của Đại-Việt. Lúc mới gặp lại, em ngờ ngợ đôi chút. Sau anh nói: Có thể bắt được sư tử, em mới nhận ra.

Lúc mới đến Hướng-dương kiều, Khai-Quốc vương thấy Thanh-Mai chìa hai ngón tay ra rồi giật giật ba cái. Vương biết đó là lối hành lễ bí mật của phái Đông-a. Nhưng Vương không hiểu sao nàng lại hành lễ với Vương Văn, mà Vương Văn thản nhiên tiếp nhận, không đáp lễ, như một người trưởng thượng vậy. Bây giờ Vương mới hiểu rõ y là đại để tử của Trần-tự-An. Trong khi Thanh-Mai là đệ tử út.

Từ khi lên cầm quyền, Vương biết Tự-An có bẩy đệ tử đều là tay kiệt hiệt. Nhưng Khu-mật viện ghi nhận được có mình Ngô An-Ngữ, sau này thêm Đoàn Thông, Thông-Mai. Nếu kể cả Thanh-Mai mới có bốn. Bây giờ nảy ra Vương Văn, một võ quan khá lớn của Tống là đại đệ tử. Như vậy còn thiếu hai người đứng hàng nhì và ba nữa. Vương thắc mắc định hỏi Vương-phi, nhưng Vương tự nghĩ:

– Phái Đông-a hành sự rất kỳ bí. Nguyên hệ thống tế tác trên đất Tống của họ muốn hiệu nghiệm hơn Khu-mật viện. Những gì có thể nói ra, Thanh muội nói rồi. Những gì Thanh muội không nói ra, ắt có chỗ bất tiện, ta chẳng nên hỏi làm gì.

Chợt Vương nhớ lại sư phụ thường không tiếc lời ca tụng Lĩnh-Nam tam tiên về võ công, về văn học. Cả ba đều xuất phát từ phái Đông-a. Nay Vương Văn nói bắt sư tử chắc y có tên Trần Phụ-Quốc, hiệu Thanh-sư đây. Vương hỏi:

– Đại sư ca! Không ngờ sư ca nổi danh Thanh-sư mà lại làm tướng thủy quân!

Phụ-Quốc cười:

– Mình làm quan với Tống là giả mà! Xưa kia chúng ta từng có Vạn-tín hầu Lý Thân, Lĩnh-Nam vương Nghiêm Tử-Lăng, Bắc-bình vương Đào Kỳ rồi. Bây giờ thêm Vương Văn cũng không sao.

Thanh-Mai hỏi nhỏ:

– Đại sư ca! Người trên thuyền này tin được không?

– Toàn là người nhà không. Mình tha hồ nói truyện. Sư muội! Cách đây mấy ngày sư phụ, sư mẫu cùng với Hồng-sơn đại phu qua đây chơi ít ngày.

Thanh-Mai giật mình:

– Bố em đâu?

– Người đi lên hồ Động-đình lễ Quốc-tổ rồi.

– Đại ca biết lý lịch hai lão Tôn, Lê rồi chứ?

– Dĩ nhiên. Sư muội nói toạc lý lịch chúng ra, chúng sợ hãi quá, vội viết lệnh sai người truyền cho cho sư huynh rằng: Chúng vờ về thuyền riêng, để cho huynh theo dõi sứ đoàn. Đúng là giao thịt cho sư tử.

Vương Văn nhìn Thanh-Mai:

– Khi sư huynh tuân lệnh sư phụ sang Tống, bấy giờ sư muội mới mười tuổi. Thời gian qua mau thực. Nay sư muội đã hai mươi tuổi rồi. Vừa rồi sư muội dọa hai lão Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn về thi từ của sư huynh, làm hai lão sợ hãi hệ thống tế tác của Đại-Việt đến run lên.

Vương Văn thở dài:

– Sư mẫu qua đời trong hoàn cảnh đau khổ, khiến Thông-Mai trở thành con người quá nghiêm khắc. Khi y với Bảo-Hòa đến Hành-Nam, một đêm y giết sạch hơn trăm bang chúng Nhật-hồ, làm rúng động cả thành.

Thiệu-Thái kinh ngạc:

– Đệ nghe nói bang Nhật-hồ biến thành bang Hoàng-đế chuyên trị bệnh cứu người rồi kia mà? Sao có sự lạ thế?

Vương Văn lắc đầu:

– Người muốn thế, mà trời nào muốn thế! Nguyên trước đây Lưu hậu bị Đặng Đại-Bằng cho người khống chế bằng Chu-sa độc chưởng. Bà ta nhất nhất phải theo lệnh y. Vì vậy hầu hết các cao thủ bang Nhật-hồ được Lưu hậu phóng thích. Lưu hậu phải thu nhận mười trưởng lão làm thị vệ. Giữa Lưu thái hậu với tên Đặng Đại-Bằng có thỏa ước với nhau rằng: Bà phải để yên cho bang Nhật-hồ phát triển, không được truy lùng đệ tử bang này nữa. Ngược lại các trưởng lão của họ tuyệt đối phục tùng Lưu thái hậu để khống chế quần thần chống bà.

Thanh-Mai hỏi:

– Thế tại sao bà vẫn giam lỏng gia quyến của họ Đỗ tại Biện-kinh?

– Do lời yêu cầu của Đại-Bằng. Đại-Bằng không được truyền Hồng-thiết tâm pháp. Y biết trong các đệ tử bang trưởng tiền nhiệm, không ai được truyền thần công này. Tâm pháp Hồng-thiết thần công do con gái Ngạn-Uy giữ. Nay cứ giam gia quyến họ Đỗ, rồi sai người đi tìm Đỗ Lệ-Thanh, uy hiếp bà ta bắt trao mật pháp.

– Hôm trước nghe bọn bang Nhật-hồ nói với nhau rằng sau Lưu hậu được một trưởng lão Đại-Việt cấp thuốc giải. Trưởng lão đó tên Vũ Nhất-Trụ. Sự thực ra sao?

– Không phải Vũ Nhất-Trụ mà là Lê Ba.

Từ Khai-Quốc vương cho tới Thanh-Mai đều bật lên tiếng ủa kinh ngạc. Vì từ trước đến giờ Khu-mật viện Bắc-biên, Đại-Việt, cùng như đám bang chúng Nhật-hồ Trung-quốc đều ghi nhận rằng Vũ Nhất-Trụ cung cấp thuốc giải cho Lưu thái hậu. Bây giờ lại nảy ra Lê Ba, một người chủ trương yêu nước chống Trung-quốc quá khích. Hơn nữa chính sách khủng bố, chém giết người Hoa ở Đại-Việt do y soạn ra. Nào ngờ y lại làm gian tế cho Lưu thái hậu. Biết ý mọi người, Vương Văn tiếp:

– Việc Lê Ba dùng tên Vũ Nhất-Trụ chỉ có Lưu hậu với y biết. Hai người bàn nhau rằng: Phải tính toán Nhật-Hồ lão nhân với Vũ Nhất-Trụ, y mới lên làm giáo chủ được. Đối với Nhật-Hồ, y giam lão lại rồi, muốn giết lúc nào cũng được. Còn Vũ Nhất-Trụ, uy tín y lớn quá. Nếu giết y, đám đệ tử y toàn võ quan sẽ bỏ giáo, theo triều đình. Lưu hậu giới thiệu Lê Ba là Vũ Nhất-Trụ. Hành động gắp than bỏ bàn tay như vậy mục đích sau đó giả làm lộ ra, cho triều đình giết y. Đám đệ tử y kinh hoàng theo về Lê Ba hết.

Khai-Quốc vương gật đầu:

– Mưu sâu thực. Tin tức do chính bang Nhật-hồ với Hồng-thiết giáo làm lộ ra, thì Khu-mật viện lầm là phải. Thế tại sao Lê Ba lại chủ trương diệt người Hoa?

– Chủ trương đó của Lưu hậu. Lưu hậu sai Hoàng Văn tiềm ẩn kết hợp người Hoa làm nội ứng. Đa số người Hoa ở Đại-Việt đều bất mãn với quan lại Trung-quốc, mới bỏ xứ ra đi. Lưu hậu cho rằng đám đó giết đi càng lợi cho Tống. Nhưng Lê Ba chỉ cho giáo chúng giết những người nào còn mưu đồ chống Tống, không chịu theo Hoàng Văn.

Khai-Quốc á một tiếng:

– Hèn chi giáo chúng Hồng-thiết chuyên đốt nhà, giết người Hoa thuộc lớp mới di sang vì lý đo tiền nhân có liên hệ với Lưu Trí-Viễn, Quách Ngạn-Uy, Sài Vinh mà thôi. Đám này tuy ở Đại-Việt, mà mưu đồ diệt Tống, phục hồi tổ nghiệp. Thì ra thế.

Mỹ-Linh nhớ ra điều gì:

– Sau khi được Hoàng Văn cho thuốc giải, Lưu hậu đổi thái độ với bang Nhật-hồ Trung-quốc ngay, hay bà để nguyên vậy?

Vương Văn hỏi ngược lại:

– Nếu công chúa là Lưu hậu. Công chúa xử sự ra sao?

– Tôi sẽ im lặng, không cho bang Nhật-hồ biết. Một mặt vẫn xử dụng đám trưởng lão. Còn những điều Đại-Bằng bắt làm, lợi thì ừ. Không lợi thì lắc. Gã cắt thuốc giải, bà đâu có sợ?

Vương Văn mỉm cười:

– Lưu hậu là người trí tuệ tuyệt vời, bà ta đâu có hành động như vậy. Bà biến mười trưởng lão thành người của bà.

– Bằng cách nào?

– Bà phong chức tước, xây nhà cửa cho chúng ở, rồi đem gia quyến, họ hàng chúng về Biện-kinh. Bấy giờ bà mới làm như Công-chúa nói. Đám trưởng lão tài đến đâu cũng không dám trái ý bà, vì sợ bà giết hết tông ty họ hàng. Về sau bà ta lại thu dụng dược Trường-giang song quỷ. Hai gã này vốn là đệ tử Đỗ bang trưởng cuối cùng của bang Nhật-hồ. Mới đây bọn chúng qui phục Đại-Việt rồi phải không?

– Đúng vậy. Bà ta làm cách nào thu phục được chúng?

Thiệu-Thái hỏi:

Phụ-Quốc hất hàm hỏi Thiệu-Thái, thái độ uy nghi như sư phụ hỏi đệ tử:

– Giáo chủ thử đoán xem.

– Đối với những nhân vật xuất chúng như mười trưởng lão, như Trường-giang song ưng, không thể dùng vàng bạc, chức tước, mà phải dùng một thứ gì trói buộc. Đám này nguyên luyện Hồng-thiết công mà bị cái vạ đau đớn mỗi năm. Muốn thu phục chúng cần có người luyện thành Hồng-thiết tâm pháp. Về thần công này có Nhật-Hồ luyện thành. Ngoài ra còn ai đâu?

Thình lình chàng à lên một tiếng:

– Phải rồi! Khi Nhật-Hồ về Đại-Việt, lão thành lập Hồng-thiết giáo rồi truyền Hồng-thiết tâm pháp cho bẩy người, gồm tả, hữu hộ pháp Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn, cùng ngũ sứ Khiếu Tam-Bản, Nguyễn San, Bun Thành, Nguyễn Thúy-Minh, Sử-Van Na-vượng. À, thì ra hai lão Đào, Chu đã giúp bà ta làm việc đó.

Phụ-Quốc mỉm cười tinh quái:

– Vì vậy hai lão này mới được phong tước tới Quốc-công. Một lão cầm binh quyền Nam-biên tiếp giáp với Đại-Việt, Đại-lý, Lão-qua. Một lão coi ngự lâm quân cùng thị vệ. Trường-giang thất quỷ qui Nam-triều cho đến nay Lưu-hậu cũng chưa biết. Còn bang Nhật-hồ bỏ tà theo chính, thành bang Hoàng-Đế khiến võ lâm Trung-nguyên trấn động vui mừng khôn tả. Nhưng Lưu hậu lại buồn!

– Vì sao?

Mỹ-Linh hỏi.

– Vì bà mất đi một lực lượng hỗ trợ lớn. Hơn nữa lực lượng này trở thành chân tay của Định-vương Nguyên-Nghiễm, đối đầu với bà. Vì vậy bà cho hai lão Chu, Đào đi khắp nơi khống chế bang chúng Nhật-hồ bắt bỏ Đại-Bằng. Hai lão đã thu phục được mười tám trong chín mươi ba châu. Bang chúng Hành-nam này vốn thuộc bọn đầu trộm đuôi cướp, vô học, bất hạnh, nên theo hai lão Chu, Đào. Chẳng may cho chúng, cách đây nửa tháng, sứ giả của Đại-Bằng tới khuyến dụ chúng cải tà qui chánh. Chúng không theo, còn dùng số đông người giết chết. Đúng lúc đó Thông-Mai, Bảo-Hòa xất hiện. Hai người giết sạch không còn tên nào. Y đốt luôn trụ sở của chúng nữa.

Khai-Quốc vương lắc đầu:

– Anh Thông-Mai hành sự có hơi quá đáng. Giết như vậy thực tàn nhẫn quá.

Phụ-Quốc lắc đầu:

– Vương gia đừng ngạc nhiên. Đó là võ đạo phái Đông-a. Phái Đông-a chủ trương: Với bọn cướp nước, bọn bán nước, không có đất cho chúng sống. Bọn trộm cắp ác độc, không cải hóa được, thì phái giết đi hầu trừ hại cho dân. Bọn bang Nhật-hồ Hành-nam đã được lệnh bang chủ trở lại đường ngay, không những chúng không theo, còn giết sứ giả. Như vậy giết đi thực phải. Thanh-Mai, Tự-Mai theo sư thái Tịnh-Huyền lâu ngày, nên Phật-pháp cải biến đi nhiều. Còn Thông-Mai, trong lòng mang mối phẫn hận sư mẫu bị giết, bị làm nhục, y ra tay có hơi nặng, song tôi nghĩ cần phải làm thế.

Phụ-Quốc cười khoan khoái:

– Ngày mai, hai lão Chu, Đào nghe tin bộ hạ bị giết sạch, ắt tức đến điên người lên được.

Thiệu-Thái hỏi:

– Vương đại ca! Đại ca có biết nhóm nào giả làm chín kị mã hí lộng quỷ thần đám trưởng lão bang Nhật-hồ không?

Vương Văn, Thanh-Mai cùng nhìn nhau cười. Mỹ-Linh cũng bật cười. Thiệu-Thái ngơ ngác hỏi:

– Có gì lạ đâu mà cười.

Khai-Quốc vương lắc đầu:

– Chết ! Cháu thực thà thế, mà sau làm vua Bắc-biên, e nguy lắm chứ không chơi đâu. Có thực cháu không biết lý lịch chín kị mã à?

– Cháu không biết.

Mỹ-Linh thương hại người yêu:

– Anh hãy kiểm điểm lại đi. Trong ba kị mã đầu tiên anh thấy gì?

– Cả ba cỡi ngựa hồng. Chỉ có một người lên tiếng. Còn hai người im lặng. Y nói giọng khàn khàn như bị cảm. Anh để ý thấy một người xức nước hoa mùi Ngọc-lan. Cổ y không có bìu, mép trắng, dường như chưa đến tuổi có râu. Một người đội mũ che lấp hết tóc trên đầu. Còn một người da mặt đen thui, thuật kị mã của y thực tuyệt vời. Y ngồi im lấy gót chân khẽ khều vào bụng ngựa, khiến con ngựa nhảy dựng đứng lên, mà người y không nghiêng ngả.

Thanh-Mai khen:

– Thiệu-Thái tinh ý đấy chứ. Thế ba kị mã thứ nhì có gì đặc biệt?

Thiệu-Thái nhắm mắt ôn lại một lát rồi đáp:

– Một người có con mắt sáng ngời. Y liếc nhìn mợ hai với Mỹ-Linh miệng cười mà không phải cười. Một người lên tiếng, giọng y như ngậm nước trong miệng. Còn một người cổ không bìu, xức nước hoa… Ngọc-lan.

Chàng buột miệng:

– Thì ra họ có năm người, trong đó gã xức nước hoa Ngọc-lan, cổ không bìu xuất hiện tới hai lần. Lần trước y đeo kiếm, lần sau y đeo nhuyễn tiên, da mặt lần đầu vàng khè, lần thứ nhì đen như lọ chảo, vì vậy khó ai biết y xuất hiện hai lần.

Thanh-Mai cười:

– Còn ba người thuộc toán thứ ba?

Thiệu-Thái cau mặt lại:

– À, cũng vẫn gã không bìu, xức nước hoa Ngọc-lan, lần này gã cỡi ngựa trắng, khăn trắng, áo choàng ngoài lông cừu, thành ra ai cũng tưởng hai người. Còn gã thứ nhì… ừ nhỉ, gã vẫn nhìn mợ hai với Mỹ-Linh rồi nhăn mũi một cái. Đúng rồi, gã chính là tên mắt sáng ở toán thí nhì, chỉ khác ngựa ô với áo choàng da bò. Gã thứ ba có thuật kị mã siêu việt, gã ngồi kiết già trên mình ngựa, mà ngựa nhảy dựng lên, gã vẫn không sao.

Chàng cau mặt:

– Thôi đúng rồi, gã chính là tên kị mã giỏi ở toán thứ nhất.

Mỹ-Linh vỗ lưng Thiệu-Thái:

– Tất cả có năm gã. Gã không bìu xuất hiện ba lần. Gã mắt sáng cười mũi xuất hiện hai lần. Gã kị mã giỏi xuất hiện hai lần. Còn gã che kín tóc cũng như gã khản tiếng xuất hiện một lần.

Thiệu-Thái thở phào một cái:

– Như vậy lần đầu tiên họ dụ cho lão Thất đuổi theo, sau đó bắt lão. Gã che kín đầu giữ gã lại. Lần thứ nhì họ bắt lão Bát, Cửu. Sau cùng họ bắt hai lão Lục, Thập. Bản lĩnh năm trưởng lão bang Nhật-hồ đâu có thua gì các trưởng lão Lạc-long giáo. Họ xử dụng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng đến chỗ thần sầu quỷ khốc, thế mà năm gã kị mã bắt được họ một cách dễ dàng. Như vậy bản lĩnh chúng phải ghê lắm. Coi thân thủ dường như chúng còn trẻ, thế mà sao võ công cao đến như thế?

Thanh-Mai bật cười:

– Khi đàn ông cổ không bìu, lại xức nước hoa thì y là đàn bà. Còn người che kín đầu, vì dầu y không tóc. Y là một nhà sư. Trên đời này, không ai có thể giỏi thuật kị mã bằng đệ tử Sài-sơn, hậu duệ Phù-đổng thiên vương. Vậy gã kị mã giỏi ắt xuất thân từ phái này.

Thiệu-Thái à lên một tiếng:

– Phải rồi, người xức dầu thơm là Bảo-Hòa. Vì Bảo-Hòa sợ người ta nhận ra hương trầm trên người nó. Người che kín đầu là Thông-Mai, vì anh ấy mới hoàn tục tóc chưa dài. Gã cỡi ngựa giỏi chắc chắn là Lê Văn. Còn tên cười mũi trêu mợ hai với Mỹ-Linh… là ai nhỉ? Đúng rồi y là Tự-Mai, vì còn ai dám trêu mợ với Mỹ-Linh một lúc. Còn gã nói tiếng khàn khàn võ công cực cao, gã giả võ công Trung-nguyên, nhưng nội lực rõ ra nội lực Cửu-chân chắc chắn là Tôn Đản chứ không ai vào đấy được.

Chàng nói một mình:

– Còn Thuận-Tông, Thiện-Lãm đâu không thấy xuất hiện?

Mỹ-Linh cốc vào đầu Thiệu-Thái:

– Đối phó với trưởng lão bang Nhật-hồ mà đưa Thuận-Tông, Thiện-Lãm ra, e mất mạng như chơi.

Thiệu-Thái xấu hổ hỏi Thanh-Mai:

– Đây là lần thứ nhì năm ông Thiên-lôi qua mắt được cháu. Mợ nhận ra chúng lúc nào?

– Ngay từ lúc chúng xuất hiện. Bảo-Hòa, Lê Văn độn quần áo ở trong cho ngườì lớn lên. Họ hóa trang cực kỳ công phu, song sợ chúng ta biết, nên ít dám quay mặt lại sau.

Mỹ-Linh hỏi Khai-Quốc vương:

– Chú thử đoán xem, năm ông mãnh trêu bọn tiếp dẫn sứ với mục đích gì?

– Con nên nhớ rằng mấy sư đệ của con tuy nhỏ tuổi, thích đùa nghịch, nhưng kiến thức cùng võ công không thua bất cứ người lớn tuổi nào. Chúng hành sự xuất quỷ nhập thần, khó mà đoán ra trước. Chúng được lệnh đi hộ vệ Ngô Quảng-Thiên từ Biện-kinh đến Bắc-biên. Nếu không có việc gì trọng đại, đời nào chúng trêu ghẹo đám thị vệ, kiêm trưởng lão bang Nhật-hồ.

Vương cười khoan khoái:

– Một đời kinh nghiệm, gian xảo như hai lão Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn cùng mười trưởng lão bang Nhật-hồ mà bị chúng qua mặt. Không biết chúng bắt sống năm trưởng lão làm gì? Thiệu-Thái, cháu thử giải đoán cho cậu xem nào?

Thiệu-Thái dạ một tiếng, suy nghĩ rồi nói:

– Thưa cậu, năm đứa tỏ ra có bản lĩnh, vì vậy khi hành sự chúng nghiên cứu theo dõi đám tiếp dẫn sứ rất chi tiết về tính tình, võ công, nhất là địa điểm hành sự. Vì cháu thấy cứ mỗi lần bẫy cho một tên thị vệ đuổi theo, thì phía trước đều có khúc quẹo hầu ra tay. Chúng sợ mình biết, nên không dám quay mặt lại. Cháu cho rằng Ngô-quảng-Thiên có sự gì bất ổn, chúng bắt đám trưởng lão hầu trao đổi với Lưu hậu. Cũng có thể chúng cần tra khảo để biết tin tức cần thiết. À, phải rồi, đây là do Bảo-Hòa bầy ra để hí lộng hai lão Tôn, Lê.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.