Anh Hùng Tiêu Sơn

Chương 7 - Thiền Công Việt , Hoa

trước
tiếp

Thiền công Việt , Hoa

Sư thái Tịnh-Huyền đến bên Lý Long. Bà cầm lấy tay chàng xem xét qua rồi nói sẻ:

– Không sao. Thí chủ an tâm. Độc chất này không làm hại được thí chủ đâu. Trong một vài giờ nữa mới nguy kịch. Thí chủ cảm thấy thế nào?

Lý Long bình tĩnh:

– Đa tạ sư thái. Tiểu bối chỉ cảm thấy ngứa ngáy khó chịu thôi.

Tịnh-Huyền ghé tai chàng:

– Thí chủ nạp khí vào trung đơn điền. Sau đó thổ khí truyền từ phế vào Thủ-thái-âm phế kinh rồi dẫn khí tới huyệt Liệt-khuyết, chuyển sang Thủ dương-minh đại trường kinh. Cái ngứa ngáy tự nhiên hết.

Bà nói đến đâu, Lý Long vận chân khí theo đến đó. Bàn tay chàng tiết ra mùi tanh hôi nồng nặc, cực kỳ khó chịu. Cảm giác ngứa ngáy, đau nhức theo chất độc mà giảm dần. Sau khi thổ nạp trên mười tức, chàng cảm thấy nhẹ nhàng. Sư thái Tịnh-Huyền sẽ để bàn tay lên lưng Lý Long. Một kình lực nhu hòa êm dịu truyền khắp người chàng. Mồ hôi phát ra như tắm. Chàng cảm thấy khoan khóai không bút nào tả siết. Sư thái Tịnh-Huyền nói sẽ vào tai chàng bằng giọng ôn nhu như mẹ hiền nói với con:

– Nguy nan qua rồi. Con hãy đứng dậy.

Chàng ung dung đến đối diện với bọn Vương Duy-Chính. Tự-Mai thấy anh bị hại. Nó lườm lừơm nhìn tên mặt lưỡi cầy:

– Bọn mi là người Hán, sang Đại-Việt ta làm truyện đạo tặc, lại còn bang bạnh, dùng sức áp chế người ư?

Vương Duy-Chính quát lớn:

– Mi có biết chủ nhân ta là ai không, mà mi dám hỗn láo?

Trần Tự-Mai là đệ tử danh gia. Tuy nhỏ tuổi, nhưng nó có cái học rất uyên thâm về luật lệ, về đạo lý, về văn chương. Nó hứơng vào Vương Duy-Chính hỏi:

– Vương tiên sinh. Tiên sinh đã từng đỗ tiến-sĩ, hẳn phải biết nhà có chủ. Đất có vua. Trung-quốc có vua Tống. Liêu có vua Liêu. Đại-Việt tôi có hoàng đế, có luật lệ. Luật Đại-Việt định rằng, bất cứ người ngoại quốc nào, muốn vào trong nứơc phải có thẻ bài nhập cảnh. Thấy tiên sinh cùng các bạn là người Hán. Anh cả tôi lễ phép hỏi thẻ bài để phân biệt người ngay với kẻ gian. Thế mà chủ nhân của tiên sinh lại dùng dộc chất hại anh tôi là đạo lý gì vậy?

Thấy bọn chúng im lặng, nó tiếp:

– Kinh tởm hơn nữa độc chất các vị dùng là của bọn Hồng-thiết giáo, một giáo phái qui tụ những kẻ vong mạng, trộm cướp, điên khùng, khắp nước tôi đều muốn tru diệt.

Nó chỉ vào bọn Triệu Anh:

– Huống hồ những người này, hôm qua đột nhập vào đền thờ anh hùng nước tôi ăn trộm. Quách Quỳ đã bị giải lên quan.

Quách Quỳ cười:

– Quan của bọn mi không giám giữ ta. Y còn phải lậy chủ nhân ta về cái tội mi bắt trói ta nữa. Mi không tin ư. Mi cứ về hỏi bọn quan của mi thì biết. Ta nói cho mi rõ, tất cả đất nước này đều thuộc sở hữu chủ của chúng ta. Cho nên chủ nhân ta không cần cái thẻ bài chó má của bọn Việt nhà mi.

Chỉ thấy thấp thoáng bóng xanh, tiếp theo hai tiếng bốp, bốp. Quách Quỳ bị Thanh-Mai tát cho hai cái nảy lửa. Nó bưng mặt lùi lại. Thanh-Mai mắng:

– Này Quách công tử. Hôm qua, em ta bắt đựơc công tử vào đền thờ Đức Ông ăn trộm. Giá như chúng ta cho công tử một nhát dao, rồi báo quan, thì liệu cái tính mệnh công tử có còn không? Lại như vừa rồi, nếu ta lấy tính mệnh công tử, thì giờ này công tử chỉ còn là cái xác không hồn. Công tử nhục mạ giòng giống Việt của chúng ta là chó. Nếu ta nhục mạ giòng giống Hán của công tử như vậy, công tử có chịu không?

Nho sinh hướng vào Nùng-Sơn tử:

– Lão đạo sĩ kia. Người có mau thả Triệu Anh ra, rồi xin lỗi y ngay không. Nếu chậm trễ tính mệnh tên chủ nhân của mi nguy trong chốc lát. Vì y bị trúng độc. Còn bọn mi sẽ không có đất mà chôn.

Hà Thiện-Lãm quát lên:

– Không bao giờ. Không bao giờ thả bọn ăn trộm. Các người có bản lĩnh gì thì cứ dở ra.

Tên mặt lưỡi cầy hướng Thanh-Mai:

– Trần cô nương. Tại hạ chỉ muốn đối thoại với cô nương thôi. Để giữ hòa khí giữa hai bên. Mong cô nương thả Triệu Anh ra. Chúng ta cùng cười xòa một tiếng, rồi bỏ qua hết. Cô nương nghĩ sao?

Thanh-Mai liếc nhìn Nùng-Sơn tử, rồi đáp:

– Cũng được. Song công tử phải trao thuốc giải cho anh cả tiểu nữ trước đã. Này công tử, người vẫn chưa cho chúng tôi biết cao danh quí tính đấy.

Gã mặt lưỡi cày hướng vào Vương Duy-Chính:

– Người cho cô nương biết ta là ai đi.

Vương Duy-Chính rút trong bọc ra một cuộn giấy, đưa cho Thanh-Mai:

– Trần cô nương. Cô nương cứ mở ra đọc sẽ biết chủ nhân tôi là ai?

Thanh-Mai định tiếp cuộn giấy, thì Tự-Mai la lớn:

– Chị Thanh, cẩn thận, coi chừng trúng độc.

Gã mặt lưỡi cầy cười:

– Cậu em ơi. Sao cậu đần lắm vậy. Chị cậu là trang quốc sắc thiên hương, dù kẻ ngu phu ngu phụ trông thấy, hồn phách cũng bay phơi phới. Huống hồ bọn ta? Vương tiên sinh là văn nhân, đỗ tiến-sĩ, đời nào nỡ hại chị cậu. Hơn nữa, Vương tiên sinh là người theo hầu ta. Chị cậu đã lọt mắt ta. Tiên sinh có gan bằng trời cũng không giám với vô phép với nàng.

Thanh-Mai mở trục giấy ra. Hai bên vẽ hai con rồng bằng thiếp vàng lóng lánh. Hai con rồng chầu vào nhau trong tư thế tranh viên ngọc đỏ chói. Dưới có hàng chữ :

Thừa thiên hưng vận, Thiên-thánh hoàng đế (1) chỉ dụ chọ hoàng thúc là Bình-nam vương Triệu Thành, lĩnh phụ quốc thái úy thay mặt trẫm kinh lý các vùng Mân-Quảng để phủ dụ khê động, man di. Bách quan văn võ phải nhất nhất tuân lệnh điều động.

Ghi chú,

(1) Thoát-Thoát, Tống-sử, quyển 9-10-11-12, Nhân-tông bản kỷ, Trung-hoa thư cục Thượng-hải xuất bản 1977, trang 175-253: Thiên-thánh, niên hiệu của vua Nhân-tông nhà Tống gồm tám năm (1023-1030). Sau khi chết, vua Nhân-tông được suy tôn là Nhân-tông, thể thiên pháp đạo, cực công toàn đức, thần văn thánh vũ, duệ triết, minh hiếu hoàng đế

Thanh-Mai cười nhạt:

– Thì ra Bình-nam vương nhà Đại-Tống giá lâm Đại-Việt. Này vương gia. Trong chiếu chỉ hoàng đế Đại-Tống ủy thác cho vương gia kinh lý Mân, Việt. Tại sao vương gia lại vào Đại-Việt của chúng tôi.

Triệu Thành cười:

– Trong chiếu chỉ nói rõ phủ dụ khê động, man di. Giao-chỉ là đất man di. Nên cô-gia phải lặn lội sang, hầu đạy dỗ. Vua đất Giao-chỉ của cô nương là Lý Công-Uẩn được bản triều phong tước Giao-chỉ quận-vương. Lãnh địa Giao-chỉ chẳng qua là một quận của thiên tử. Cô-gia đường đường là Thái-úy phụ quốc. Cô gia phải đến tra xét, thì có chi là lạ. Cô nương nên biết cô gia không chỉ giữ chức Phụ- quốc thái úy.

Nghe Triệu Thành nói, Lý Long tỉnh ngộ. Chàng chửi thầm:

– Hôm trước được tin tin báo Phụ-quốc thái úy, hoàng thúc của vua Tống mượn đường Đại-Việt, cầm đầu sứ đoàn sang Chiêm. Ta cứ tự hỏi nước Chiêm nhỏ bé. Xưa nay Tống chỉ cử chức quan ở biên giới Hoa-Việt đi là đủ. Nay sao có sự lạ đời như vậy. Thì ra đi sứ chẳng qua là lá chắn bề ngoài. Bên trong còn nhiều việc trọng đại nữa.

Minh-Thiên đại sư dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai chàng:

– Chủ nhân phải cẩn thận. Tên Triệu Thành là nhân vật kiệt hiệt bậc nhất Tống triều. Mưu trí của y hiếm ai theo kịp. Y lại là người tinh minh mẫn cán, biết thu phục nhân tâm. Y sang đây với niềm kiêu hãnh. Ta hãy làm như không biết y là ai gây cho y một ít thất bại. Khi y hết kiêu hãnh, ta tìm cách đưa y lên. Như vậy y thành bạn của ta. Y đã thân Đại-Việt, ít ra ta có mươi năm thanh bình. Sau mươi năm, dân ta giầu, binh ta mạnh. Ta không sợ Tống nữa.

Lý Long dùng lăng không truyền ngữ nói vào tai Thanh-Mai:

– Tam muội! Phải cẩn thận. Khi chưa có ý kiến của anh, tuyệt đối không nên khinh thường bọn này. Tam muội hãy nhắc lại nguyên văn những gì anh nói vào tai tam muội để đưa bọn này vào bẫy.

Rồi chàng rót vào tai Thanh-Mai.

Thanh-Mai thản nhiên:

– Rừng nào, cọp ấy. Giang sơn nào, anh hùng ấy. Tiểu nữ biết vương gia còn nhận nhiều chức tướng khác, kể ra dài đến trăm chữ.

Triệu Thành tươi nét mặt:

– Nếu cô nương nói được rõ cô gia là ai. Cô gia xin cúi đầu tôn cô nương làm sư mẫu.

Thanh-Mai hướng vào Minh-Thiên, Vương Duy-Chính:

– Ở đây có thủ toạ Đạt-Ma đường chùa Thiếu-lâm cùng Vương chuyển-vận sứ làm chứng cho cuộc đánh đố này. Cứ như Triệu vương gia nói, nếu tiểu nữ nói rõ chân tướng của vương gia. Vương gia sẽ tôn tiểu nữ làm sư mẫu. Có phải thế không?

Minh-Thiên, Duy-Chính đồng nói:

– Đúng thế. Chúng tôi xin làm chứng cho vương gia. Còn cô nương, ai sẽ làm chứng cho cô nương?

Thanh-Mai hướng vào Minh-Thiên:

– Xin đại sư làm chứng cho đệ tử.

Minh-Thiên gật đầu. Nàng lại hướng vào Tịnh-Huyền:

– Xin sư phụ làm chứng cho đệ tử.

Tịnh-Huyền cũng gật đầu.

Thanh-Mai dơ tay lên:

– Nếu như tiểu nữ không nói được chân tướng vương gia. Tiểu nữ nguyện làm tỳ nữ cho vương gia cả đời. Còn như tiểu nữ nói được hết cuộc đời vương gia ra, tiểu nữ đâu đủ tài đức gì mà dám làm sư mẫu vương gia. Bởi sư phụ vương gia là đại sư Minh-Thiên, đạo cao đức trọng ai bì. Tiểu nữ ngồi cao bằng người, không tổn thọ mà chết thì sư phụ, phụ thân cũng đánh què.

Triệu Thành hỏi:

– Vậy cô nương muốn cô gia làm gì?

– Tiểu nữ chỉ xin vương gia làm cho ba điều. Những điều đó không làm hại đến quốc thể Thiên-triều, cũng không trái với luân lý Hoa, Việt.

Vương Duy-Chính thấy Thanh-Mai dám nhận đánh cuộc cả đời người. Y chột dạ, đưa mắt cho Triệu Thành, ý muốn bảo y lui đi là hơn. Nhưng Triệu Thành tin rằng trừ những người trong triều Tống, không ai biết rõ chân tướng của y, nên y im lặng chờ đợi.

Thanh-Mai hắng rặng một tiếng, rồi nói:

– Vương gia họ Triệu thì đúng. Song tên không phải Thành. Vương gia ơi, vương gia nên về cách chức cái ông Vương Tăng (2) về tội làm việc quân quốc trọng sự mà quá hồ đồ đi.

Ghi chú

(2) Sách đã dẫn (1), quyển 310, trang mười nghìn một trăm tám mươi hai đến trang mười nghìn một trăm tám mươi sáu (10.182-10.186), Vương Tăng liệt truyện.

Triệu Thành nghe đến tên Vương Tăng, thì giật mình:

– Tại sao lại cách chức y?

Thanh-Mai lắc đầu:

– Chết thực! Năm trước đây, thời vua Chân-tông, chấm đậu gần hai nghìn tiến sĩ. Nhân tài như lá trên rừng, mà sao lại dùng gã Vương Tăng hồ đồ thế nhỉ? Tiểu nữ nghe, niên hiệu Càn-hưng nguyên niên, tháng hai, ngày Mậu-Ngọ (1022). Vua Chân-tông băng, được con là Thiên-thánh hoàng đế tôn làm Ứng phù kê cổ, thần công tuyên đức, văn minh, vũ định, chương thánh nguyên hiếu hoàng đế. Vừa lên ngôi tháng hai, tháng bẩy, ngày Tân-Mùi phong Vương Tăng làm Trung thư thị lang, đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Tập-hiền viện đại học sĩ . Có đúng không?

Triệu Thành gật đầu. Thanh-Mai tiếp:

– Như vậy chiếu chỉ vừa rồi do y soạn, tâu Thiên-thánh hoàng đế kiềm thự. Y soạn chiếu chỉ như thế thực dốt hết chỗ nói !

– Vương đại-học sĩ có chỗ nào dốt đâu?

– Sao lại không. Trong chiếu chỉ y viết Hoàng thúc Triệu Thành là dốt rồi!

Vương Duy-Chính lắc đầu:

– Xin cô nương nói rõ hơn.

– Này nhé, Thái-tông có mười hoàng tử. Khi

đặt tên cho các con, vua Thái-tông đều tìm chữ có bộ nhân đứng bên cạnh. Vậy khi y viết chiếu chỉ đặt cho vương gia cái tên mới, cũng phải tìm chữ có bộ nhân đứng mới đúng chứ? Có đâu lại đặt tên Thành, với bộ ngôn bên cạnh? (3).

Ghi chú,

(3) Sách đã dẫn (1), Liệt truyện đệ tứ, Tông thất truyện 2, quyển 245, trang tám nghìn sáu trăm chín mươi ba đến trang tám nghìn bẩy trăm mười tám (8.693-8.718).

Triệu Thành gật đầu:

– Cho rằng Vương đại-học sĩ sơ xuất. Song cô nương đã biết gì về cô gia đâu?

Tự-Mai cười khúc khích:

– Vương gia ơi! Chỉ nguyên những chi tiết nhỏ, cùng ngày tháng diễn ra trong triều Tống, phái Đông-a nhà tôi cũng hay. Hỏi rằng biến cố lớn hơn núi Trường-sơn rằng vương gia là ai, không lẽ chúng tôi không biết. Chị Thanh, nói mau đi.

Sự thực câu này Huệ-Sinh dùng lăng không truyền ngữ nói vào tai Tự-Mai xui nó. Nguyên văn ông ví lớn hơn núi Thái-sơn như người Trung-quốc hay ví von. Vì núi Thái-sơn thực ra không lớn, nhưng vì nó lớn nhất trong các núi ở quê hương Khổng-tử. Tự-Mai được bố giáo dục yêu nước, nó không thích ví von kiểu Tầu, mà đổi lại ví von theo người Việt. Nói đổi chữ Thái-sơn thành chử Trường-sơn là tên rặng núi dài ở Nam Cửu-chân.

Thanh-Mai ngước mắt nhìn trời. Ánh trăng chiếu trên khuôn mặt thanh tú của nàng đẹp vô cùng. Nàng tiếp:

– Thiên-thánh hoàng đế gọi vương gia là hoàng thúc. Như vậy vương gia là con vua Thái-tông. Vua Thái-tông có mười hoàng tử. Vua Chân-tông đứng thứ ba. Con cả tên Nguyên-Tá, tước phong Hán vương. Ông này bị bệnh khật khùng, chắc không phải vương gia.

Vương Duy-Chính gật đầu tỏ vẻ công nhận lời Thanh-Mai nói đúng.

– Con thứ nhì tên Nguyên-Hy làm thái tử bị ám toán chết. Khi chết vẫn chẳng có chức tước gì. Không cần bàn đến. Con thứ ba là vua Chân-tông. Vua Chân-tông mới băng hà năm năm trước. Chắc vương gia không phải ngài.

Minh-Thiên thấy Thanh-Mai mới mười tám, mười chín, đã biết dùng lý luận loại suy, tìm chân tướng Triệu Thành. Ông gật đầu tỏ ý khâm phục trong lòng:

– Mình nghe chưởng môn phái Đông-a khét tiếng thiên hạ, quả không sai. Một thiếu nữ nhỏ tuổi thế kia, mà y huấn luyện đầy một đầu kiến thức. Như vậy đủ thấy y bác học đến chừng nào?

Minh-Thiên đâu ngờ những gì Thanh-Mai nói, đều do Lý Long rót vào tai nàng cả.

– Con thứ tư tên Nguyên-Phận tước phong Thương-vương. Ông này không biết võ công, chắc chắn chỉ luẩn quẩn ở Biện-kinh, không thể là vương gia. Con thứ năm tên Nguyên-Kiệt tước phong Việt vương. Việt vương đang trấn thủ Đàm-châu. Hiện Việt vương dồn hết khả năng tổ chức đại hội văn nhân danh sĩ, đâu có thời giờ sang Đại-Việt. Vương gia chẳng có thể là Việt vương.

Vương Duy-Chính gật đầu công nhận lý luận của Thanh-Mai đúng.

– Con thứ sáu tên Nguyên-Súc, tước phong Trấn vương. Trấn vương hiện đang trọng nhậm vùng Bắc biên, đối đầu với Liêu. Vương gia không thể là Trấn vương được. Con thứ bẩy tên Nguyên-Xứng tước phong Sở vương. Cái ông Sở vương chỉ thích thanh sắc. Một ngày không nghe đàn ngọt hát hay, e ông ta buồn đến chết được. Đời nào ông ta dám bỏ cung điện đến hoang sơn Đại-Việt làm chi. Vương gia càng không thể là Sơ vương.

Đến đây, vì Lý Long chưa nói tiếp được. Thanh-Mai đành ngừng lại, nàng nhìn trăng, nói bâng khuâng:

– Anh hùng thiên hạ đâu có nhiều. Tại sao họ không ngồi bên nhau, cùng tạo hạnh phúc cho dân Hoa, Việt nhỉ?

Nhìn trăng, nhìn Lý Long, Triệu Thành rồi nàng tiếp:

– Con thứ tám tên Nguyên-Nghiễm tước phong Kinh vương. Ông này tiểu nữ không biết nhiều cho lắm. Xin bỏ trống. Con thứ chín chết yểu, chẳng bàn làm chi. Con thứ mười tên Nguyên-Nhượng, tước phong Sùng vương. Sùng vương vốn yếu đuối, là con rể đại thần Khấu Chuẩn, có hiềm khích với Lưu quốc trượng, thân sinh Lưu thái hậu. Từ khi Lưu hậu thính chính, bà cách chức Khẩu Chuẩn hai lần. Ông này phẫn uất quá mà chết. Như vậy Sùng vương hiện bị nghi ngờ, đâu có được nắm binh quyền, mà sang Đại-Việt. Vương gia không thể là Sùng vương.

Nghe Thanh-Mai đọc vanh vách tên, chức tước của các anh, em của chủ nhân ra, Duy-Chính kinh hãi. Nhưng y vẫn nói cứng:

– Các vị vương, thiên hạ ai không biết tên huý cùng tước phong. Thế chủ nhân tại hạ là ai?

– Còn ai nữa! Chủ nhân của Vương đại nhân là con thứ tám của vua Thái-tông.

Cả bọn Triệu Thành cùng bật lên tiếng:

– Giỏi.

– Theo luật triều Tống, các hoàng tử đến tuổi mười hai, mười ba đều được phong chức tước, cho mở phủ đệ riêng. Duy vương gia được phụ hoàng yêu thương đặc biệt, cho hầu bên cạnh. Năm hai mươi tuổi vẫn chưa cho mở phủ đệ. Vì vậy trong cung gọi là Nhị thập bát thái bảo. Ý chỉ con thứ tám, hai mươi tuổi chưa ở riêng. Chính vì được hầu cạnh vua phụ hoàng. Vương gia thu thập được biết bao kinh nghiệm về tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Có thể nói trong triều Tống, cả hoàng thân quốc thích lẫn văn thần, võ tướng không ai có thể so sánh được với vương gia.

Triệu Thành muốn biết nhận xét của hào kiệt Đại-Việt về mình. Y hỏi:

– Không thể so sánh về phương diện gì, thưa cô nương?

– Võ, vương gia không thể bằng Minh-Thiên đại sư, cùng Vương, đại nhân, cũng như Hoa-sơn tứ lão, cùng các vị võ trạng nguyên, bảng nhản, thám hoa. Văn không thể bằng Tư-đồ kiêm thị trung, thượng thư tả bộc xạ Đinh Vị. Lại không thể bằng Tư-không kiêm thị trung, Khu-mật viện sứ, thượng thư hữu bộc xa Phùng Thừa. Càng không thể so sánh với Thượng-thư tả bộc xạ kiêm thị trung Tào Lợi-Dụng. Tài dùng binh kém xa Khấu Chuẩn, nguyên Tư-mã Đạo-châu. Tinh minh, mẫn cán, ngồi trong trướng quyết thắng ngoài vạn dăäm không hơn Phạm Trọng-Yêm. Nhưng…

Triệu Thành hồi hộp:

– Nhưng sao?

– Bàn về phương diện nhai văn nhấm chữ, vương gia không bằng các vị văn quan. Luận về nội lực, chiêu số võ công, vương gia thua các cao thủ nhiều lắm. Song bỏ cái hào nháng của vương tước, khuất thân cầu hiền, vương gia có thể so sánh với Tiên-chúa Lưu Bị, hay ít ra cũng không thua Chu-công. Ngồi trong màn, quyết thắng ngoài ngàn dậm, giúp chúa an định thiên hạ, vương gia có thể so sánh với Trương Lương đời Tây-Hán, Nghiêm Tử-Lăng thời Đông-Hán. So về tài dùng binh, e Hàn Tín, Tào Tháo khó hơn. Chỉ một người có thể so sánh với vương gia là…

– Là ai?

– Gia-cát Khổng Minh.

Cả bọn Triệu Thành đều bật lên tiếng ồ.

Duy-Chính gật đầu công nhận. Triệu Thành thấy như vậy là y thua cuộc. Y hỏi ngược lại:

– Đó là cô nương đoán mò. Cô gia đâu phải Nhị thập bát thái bảo ?

Thanh-Mai tiếp:

– Vương gia không phải Nhị thập bát thái bảo thì là ai? Này vương gia ơi, khi vua Chân-tông lên ngôi, phong cho vương gia làm Kiểm hiệu thái bảo, tả lãnh vệ thượng tướng quân. Tào quốc công . Năm sau gia tăng Bình hải vương tiết độ sứ, đồng trung thư môn hạ bình chương sự. Kiểm hiệu thái phó. Tước Quảng-lăng quận vương . Mấy năm sau thăng Kiểm-hiệu thái-úy. Chỉ vì truyện duyên tình lôi thôi, bị cách hết chức tước đến nỗi phải đi ở nhờ phò mã đô úy Thạch Bảo-Cát.

Duy-Chính kinh hãi:

– Rồi sao nữa?

Như vậy y công nhận Triệu Thành là con thứ tám Nhân-tông.

– Sau có lần gặp vua Chân-tông. Vương gia khóc lóc, anh em hòa lại với nhau. Vua Chân-tông phong vương làm An-hóa quân tiết độ sứ, Bành vương được cử làm Thái-phó dạy thái tử. Khi Thái- tử lên ngôi vua, tức Thiên-thánh hoàng đế, vương gia được trọng dụng, tước phong cực phẩm Thái úy, thượng thư lệnh, kiêm trung thư lệnh, quản Khu-mật viện , tước phong Yên vương, rồi Định vương. Bây giờ thêm Bình-Nam vương khi vào triều được đeo kiếm lên điện vua. Phàm tấu trình khỏi xưng tên. Tấu chương cũng không cần viết tên.

Thanh-Mai hỏi Triệu Thành:

– Chị tôi nói có sai câu nào chăng?

Triệu Thành buột miệng:

– Không.

Tự-Mai hô:

– Như vậy vương gia thua cuộc rồi. Triệu Nguyên-Nghiễm, mau quỳ xuống bái kiến sư mẫu đi chứ? Sau đó bái kiến mỗ làm sư thúc!

Triệu Thành cãi chầy:

– Cô gia là thầy của Thiên-tử. Thiên-tử là cha Thiên-hạ. Như vậy cô gia cao hơn Trần cô nương hai bậc. Trần cô nương thắng cô gia, chỉ hơn cô gia một bậc. Nếu trừ đi. Cô gia vẫn cao hơn Trần cô nương mà. Đất nước này vẫn thuộc thẩm quyền cô gia.

Thanh-Mai vẫy tay cho em im lặng:

– Giữ lời hứa hay không tùy vương gia. Dù sao tôi cũng là đứa con gái quê mùa. Còn vương gia, uy trấn Thiên-hạ. Vương gia đối xử sao cho vạn dân ngước nhìn bậc tể phụ đấy thì làm.

Triệu Thành móc trong bọc ra cái túi gấm. Y đổ trong túi gấm ra ba cái thẻ bài bằng ngọc, mầu đỏ như máu:

– Ba cái thẻ này, nguyên của Tiên-đế ban cho cô gia. Khắp Trung-nguyên ai nhìn thấy cũng phải kính như kính cô gia. Vậy cô nương cầm lấy. Sau này cô nương muốn cô gia phải làm một điều gì thì đưa ra.

Thanh-Mai trịnh trọng đỡ lấy bỏ vào túi trước ngực. Tim Triệu Thành đập loạn lên. Y nói trong hơi thở dồn dập:

– Mong rằng cô nương không quên được chủ của viên ngọc.

Thanh-Mai nghe y nói, nàng chợt tỉnh ngộ đưa mắt nhìn Lý Long :

– Mình với chàng tuy chưa mai mối, lễ nghi,

nhưng tình trong như đã ước hẹn trăm năm, chẳng nên để cho chàng phải buồn. Nghĩ vậy nàng ngửa mặt nhìn trăng, ngâm bài thơ thơ bình dân Việt:

« Trèo lên cây bưởi hái hoa,

Bước xuống ruộng cà hái nụ tầm xuân.

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,

Em có chồng anh tiếc lắm thay! »

« Ba đồng một mớ trầu cay,

Sao anh không hỏi những ngày còn không?

Bây giờ em đã có chồng.

Như chim vào lồng, như cá cắn câu.

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?

Chim vào lồng biết thủa nào ra? »

Triệu Thành tuy học tiếng Việt, nhưng mấy câu ca dao trên y tỏ ra không hiểu hết ý. Y đưa mắt hỏi Tự-Mai:

– Chú em có thể dịch bài hát vừa rồi sang Hoa văn cho cô gia nghe được chăng?

Tự-Mai lắc đầu:

– Tôi không đủ khả năng dịch. Song tôi có thể đọc bài thơ của một thi hào đời Đường. Dường như thi hào này biết tiếng Việt. Ông dịch từ tiếng Việt sang tiếng Hoa. Thi hào đó tên Trương Tịch.(4)

Nói rồi nó đọc lớn lên:

Quân tri thiếp hữu phu,

Tặng thiếp song minh châu.

Cảm quân triền miên ý,

Hệ tại hồng là nhu.

Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi,

Lương nhân chấp kích Minh-quang lý.

Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt,

Sự phu, thệ nghĩ đồng sinh tử.

Hoàn quân minh châu song lệ thùy,

Hận bất tương phùng vị giá thì.(5)

Ghi chú

(4) Trương Tịch, thi hào thời thịnh Đường. Tự Văn-Xương, giỏi thơ cố phong, nhạc phủ. Làm quan tới chức Quốc-tử tư nghiệp. Cùng xướng hoạ với Bùi Độ, Lệnh-hồ Sở, Bạch Cư-Dị, Nguyên Chẩn.

(5) Trần Trọng-Kim dịch như sau:

Chàng hay thiếp có chồng rồi,

Còn đem cho thiếp một đôi ngọc lành.

Cảm lòng quyến luyến khôn đành,

Thiếp đeo vào áo lót mình mầu sen.

Vườn kia, nhà thiếp kề bên,

Lang quân chấp kích trong đền Minh-quang.

Biết chàng bụng sáng như gương,

Thờ chồng thề quyết đá vàng chẳng phai.

Gạt châu, trả ngọc chàng thôi,

Tiếc không gặp gỡ đương thời còn son.

Triệu Thành không thể ngờ Thanh-Mai với Long-Bồ có tình ý. Y nghĩ nàng đã được bố mẹ hứa gả nơi nào đó. Bất giác y thở dài:

– Uy quyền của cô gia trùm Thiên-hạ. Không ngờ vô lực ở đất Giao-chỉ này. Giao-chỉ chẳng qua một quận Nam-thùy, trong khi cô gia ngồi ôm Thiên-hạ.

Huệ-Sinh thấy đưa Triệu Thành lên cao như vậy đã đủ. Ông muốn hạ y xuống một chút, hầu y tự biết đất Việt không thiếu hào kiệt. Ông dùng lăng không truyền ngữ nói vào tai Hà Thiện-Lãm.

Hà Thiện-Lãm cười:

– Tên Triệu Thành kia, mi nói thối đếch chịu được. Từ mấy ngàn năm nay, cương thổ nam, bắc có khác, tiếng nói, phong tục chẳng đồng. Đại-Việt tiến cống Trung-nguyên chẳng qua là muốn giữ tình hòa hiếu. Mi đừng mơ tưởng đất nước này là của họ Triệu nhà mi. Sông Bạch-đằng hai phen chưa hết mùi máu tanh. Ải Chi-lăng xương khô còn đó. Mi đến Đại-Việt ta, mà không có thẻ bài. Chúng ta là con dân Đại-Việt, phải bắt gian.

Bọn thủ hạ Triệu Thành thấy Thanh-Mai, Tự-Mai tâng bốc chủ mình. Nay Thiện-Lãm vô phép, chúng định tấn công Thiện-Lãm. Song chúng thấy nó đứng cạnh sư thái Tịnh-Huyền, nên chỉ gườm mà thôi. Triệu Thành cười nhạt:

– Này cậu bé. Ta nể mặt Trần cô nương. Bằng không ta lấy tính mệnh chú rồi.

Thanh-Nguyên ngây thơ hỏi:

– Thế nghĩa là thế nào?

Vương Duy-Chính cười:

– Nghĩa là chị của cô sẽ thành vương phi của chủ nhân ta. Tức là chủ mẫu ta. Ta đâu dám vô phép.

Lý Long cười nhạt:

– Em ta là con rồng cháu tiên. Không bao giờ lấy chồng ngoại tộc. Các người đừng mơ tưởng hão. Ăn mày còn đòi xôi vò.

Triệu Thành hú lên một tiếng, y phóng chưởng nhằm vào đỉnh đầu Lý Long. Chưởng vừa phát ra, gió lộng ào ào. Lý Long ung dung lùi lại hai bước, đẩy ra một chưởng nhẹ nhàng. Chưởng của chàng chạm vào chưởng đối thủ, êm đềm, xùy một tiếng. Chưởng của y mất tăm mất tích. Y ngẩn người ra, lùi ba bước mặt tái mét.

Thiền sư Minh-Thiên bật lên tiếng úi chà, đầy vẻ kinh ngạc,rồi lên tiếng:

– Lý thí chủ. Chẳng hay thí chủ với Minh-Đức sư huynh có liên hệ gì?

Lý Long lắc đầu:

– Bạch thiền sư, tiểu bối chưa từng nghe nói đến đại sư Minh-Đức bao gìơ cả. Phải chăng thiền sư Minh-Đức thuộc phái Thiếu-lâm?

Minh-Thiên đáp:

– Người là sư huynh của bần tăng. Lý thí chủ, vậy Kim-cương chưởng thí chủ học ở đâu? Trong thế gian này, ngoài sư huynh bần tăng là Minh-Đức ra, không lẽ còn có người thứ nhì biết xử dụng Kim-cương chưởng. Thí chủ nên biết Kim-cương chưởng lấy yếu chỉ trong kinh Kim-cương, là một tuyệt kỹ vô song của bản phái. Trong lịch đại mấy chục đời, chỉ có khoảng năm người xử dụng được. Từ chín đời qua, mới có mình sư huynh tại hạ luyện thành mà thôi. Bần tăng biết Lý thí chủ có cơ duyên được người truyền thụ chưởng pháp bản phái. Thí chủ là đệ tử Thiếu-lâm, thấy sư thúc không chịu ra mắt ư?

Lý Long chỉ vào Huệ-Sinh:

– Tất cả bản lĩnh của tại hạ đều do ân sư truyền dạy. Ân sư của tại hạ pháp danh Huệ-Sinh. Hiệu Long-thành đại hiệp.

Cả bọn Minh-Thiên lẫn sư thái Tịnh-Huyền đều bật lên tiếng kinh ngạc. Sư thái Tịnh-Huyền hỏi:

– Long thành đại hiệp. Bần ni nghe nói đại hiệp ngộ đạo gác kiếm qui ẩn đã lâu. Thuận-thiên hoàng đế của bản triều ba lần khẩn cầu đại hiệp xuống núi, trao việc lớn làm tể tướng, mà đại hiệp từ chối. Không ngờ hôm nay đại giá cũng đến chốn hoang sơn này.

Huệ-Sinh chỉ vào Lý Long:

– Tại hạ đã theo về chủ nhân đây rồi. Nên không thể nhận lời của đức kim thượng đựơc.

Bỗng Triệu Thành run lập cập, lảo đảo, muốn ngã. Minh-Thiên chao người một cái đỡ gã dậy:

– Chủ nhân, cái gì vậy?

Triệu Thành xòe bàn tay ra, bàn tay y tím bầm, sưng vù. Y nói lắp bắp:

– Tên Lý Long dùng độc chưởng.

Sư thái Tịnh-Huyền lắc đầu:

– Không phải thế đâu. Lý thí chủ đây thân phận không tầm thường, lại là danh môn đệ tử. Đời nào hạ thể dùng độc chưởng.

Minh-Thiên chỉ tay Triệu Thành:

– Thế tại sao Bình-nam vương gia của bần

tăng lại trúng độc?

Thanh-Mai lắc đầu:

– Minh-Thiên đại sư. Chẳng lẽ đến đại sư mà cũng không nhận ra sự việc hay sao? Chủ nhân của đại sư dùng chất độc hại anh cả của tiểu nữ. Rồi hai bên giao nhau một chưởng. Công lực chủ nhân đại sư thấp hơn, chất độc từ tay anh cả của tiểu nữ nhập vào tay người. Chứ anh cả của tểu nữ đâu có biết dùng độc chưởng!

Minh-Thiên không chịu:

– Cô nương nói lạ. Kim-cương chưởng của bản phái đặt cơ sở trên nội công nhà Phật, chỉ hóa giải chất độc chứ không biết đẩy chất độc vào người đối thủ.

Thanh-Mai định trả lời. Lý Long dơ tay vẫy:

– Trong tâm đại sư cứ nghĩ rằng chưởng của tại hạ là Kim-cương chưởng của phái Thiếu-Lâm, nên từ lầm lẫn này đại sư sang lầm lẫn khác. Đại sư ơi, chưởng tại hạ vừa xử dụng là Tiêu-sơn Tượng-đầu chưởng. Không liên quan gì với Kim-cương chưởng Thiếu-lâm cả.

Minh-Thiên vung tay, hướng vào ngực Lý-Long đẩy một chửơng. Chưởng chưa phát ra hết, Lý-Long đã cảm thấy nghẹt thở. Chàng hít một hơi, xử dụng chiêu Như huyễn bất thành trong Tiêu-Sơn chưởng pháp. Bộp một tiếng, chàng cảm thấy như trời long đất lở. Mặt mày choáng váng. Chàng phải lùi đến năm bước mới hóa giải được kình lực. Chàng biết Minh-Thiên không có ác ý. Y chỉ vận có năm thành công lực. Chàng chắp tay:

– Đa tạ đại sư nhẹ tay.

Minh-Thiên thấy chưởng lực của mình bị hóa giải mất tăm mất tích. Còn chưởng của Lý Long bao hàm nội lực âm nhu, chính đại quang minh của nhà Phật, giống như Kim-cương chưởng phái Thiếu-lâm. Song trong Thiếu-lâm chửơng chỉ hóa giải kình lực đối phương mà thôi. Còn chưởng của Lý Long bao hàm sát thủ khủng khiếp. Ông gật đầu:

– Bần tăng lầm. Chưởng của Lý thí chủ qủa khác với Kim-cương chưởng Thiếu-lâm. Song có đôi phần giống nhau ở chỗ cùng xuất phát từ thiền công. Thiếu-lâm Kim-cương chưởng thì nhẹ nhàng. Còn Tiêu-sơn chưởng trong cái nhẹ nhàng có cái nặng nề. Trong cái hòa giải, có cái tấn công rất hung dữ. Bần tăng chưa hiểu nổi.

Lý Long nhìn sư phụ, chờ sự giải thích. Huệ-Sinh cũng lắc đầu. Vương Duy-Chính cười:

– Tại hạ hiểu rồi. Chắc trước đây có người Việt nào đó học lén võ công Thiếu-lâm rồi về thêm thắt đôi chút vào, thành Tiêu-sơn chưởng pháp. Giản dị quá.

Thanh-Mai cười nhạt:

– Vương tiên sinh! Tiên sinh nên biết rằng ở đây lực lượng chúng tôi mạnh hơn tiên sinh. Triệu Anh lại bị bắt. Tiên sinh cần liệu lời mà nói, mới hy vọng trở về Trung-thổ. Chứ tiên sinh cứ cái giọng miệt thị người Việt như vậy, anh cả chúng tôi có đại lượng mấy cũng không tha cho các vị đâu.

Vương Duy-Chính nghĩ rất nhanh. Nếu động thủ ra, thì Minh-Thiên khó thắng được sư thái Tịnh-Huyền. Y không thể địch nổi Nùng-Sơn tử. Còn lại Ngô Tích, Triệu Huy càng không phải đối thủ của Thanh-Mai, Lý Long. Trong khi đó còn Huệ-Sinh, Tạ Sơn. Y chữa:

– Nếu không phải vậy, thì sao hai thứ võ công giống nhau đến thế?

Sư thái Tịnh-Huyền lên tiếng:

– Để bần ni giải thích cho Vương thí chủ rõ. Võ công của Thiếu-lâm phát xuất từ Thiền-công nhà Phật. Trong khi võ công Tiêu-sơn cũng phát xuất từ nhà Phật, thì giống nhau là sự thường.

Vương Duy-Chính lắc đầu:

– Không phải. Võ công Thiếu-lâm phát xuất từ Đạt-Ma tổ sư. Ngài đến Tung-sơn, diện bích chín năm, rồi đắc đạo. Ngài truyền thụ Thiền công cho đệ tử. Từ đó Thiền công truyền sang Giao-chỉ. Chính sử sách quý quốc còn ghi.

Thanh-Mai thắc mắc:

– Xin tiên sinh dạy cho tiểu nữ biết đó là sử nào, sách nào?

Vương Duy-Chính gật đầu:

– Dường như qúi quốc có một thiền sư pháp danh La Quí-An ,được phong quốc sư. La Qúi-An đại sư đã vân du Trung-nguyên, hành hương chùa Thiếu-lâm, để lại một bài ký mang tên « Đăng Tung-sơn, du Thiếu-lâm ký ». Bài ký này văn chương uẩn súc. Khắp Trung-nguyên đều truyền tụng. Tại hạ vì hâm mộ, đọc nhiều lần nên cũng thuộc. Trong bài ký trên, đại sư La Quý-An khẳng định rằng Thiền-tông Đại-Việt xuất phát từ Thiền-tông Trung-nguyên. Tại hạ xin đọc nguyên văn để cô nương nghe.

Vương Duy-Chính cất cao giọng đọc. Bài ký viết bằng Hán văn. Thiện-Lãm ít học, không hiểu. Nó hỏi Tự-Mai:

– Này anh Sáu. Nó đọc gì mà ộp ạp như ếch kêu vậy.

Tự-Mai ghé vào tai Lãm dịch cho nó nghe:

« …Bồ-tát Tỳ-ni-đa Lưu-chi được truyền pháp từ tam tổ Tăng Sán, đến Đại-Việt hoằng dương đạo đức Thế-tôn, đến nay trải đã mấy trăm năm.. »

Vương Duy-Chính ngừng lại cười:

– Cô nương, điều này có thực chăng?

Thanh-Mai ngơ ngác đưa mắt hỏi ý kiến sư phụ. Tịnh-Huyền định lên tiếng thì, Tự-Mai xua tay:

– Vương tiên sinh ơi, tại hạ còn nhỏ tuổi, phải xin lỗi tiên sinh trước khi trả lời câu hỏi trên. Chết thật, tiên sinh nổi tiếng văn tự uyên bác, mà lại lầm lẫn đến thế ư. Tiên sinh cần phải phân biệt Thiền-học với Thiền-công không phải là một. Thiền-học cực kỳ cao qúy, đưa đến giải thoát con người khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử. Còn Thiền-công là luyện nội lực, hầu áp dụng vào việc xử dụng võ công. Để tại hạ nói cho tiên sinh rõ hơn một chút. Như chị em tại hạ đây đều là đệ tử phái Đông-a. Học võ công Đông-a.

Nghe nói đến chữ Đông-a mặt Triệu Thành nhăn nhó lại thực khó coi, y đưa mắt nhìn Minh-Thiên. Cả hai im lặng nghe Tự-Mai nói.

Nó chỉ vào Tịnh-Huyền:

– Trong khi đó chị em tại hạ lại xin qui y Tam-bảo với người. Tuy người là cao nhân phái Mê-Linh, nhưng người chỉ đạy chị em tại hạ về Thiền- học cao quí mà thôi. Bồ-tát Tỳ-ni-đa Lư-chi được tổ Tăng Sán truyền pháp là điều đương nhiên, quý báu không gì sánh. Chứ tổ Tăng Sán không truyền Thiền-công chẳng lấy gì làm quý cho ngài.

Vương Duy-Chính ngắt lời Tự-Mai:

– Này em bé. Thiền-công của nhà Phật quí biết dường nào. Thế mà em bảo chẳng lấy gì làm quí, chẳng hóa ra khinh mạn thái quá ư?

Tự-Mai cười nhạt:

– Vương tiên sinh lại lầm lẫn nữa rồi. Trong Phật giáo, thì không gì quí báu bằng pháp. Pháp tức là triết lý đi đến giải thóat cho mình, cho người, cho chúng sinh. Còn Thiền-công bất qúa là phương tiện giúp cho phật tử luyện tập cơ thể khỏe mạnh, hầu tránh ma nghiệp từ muôn kiếp trước đến quấy nhiễu mà thôi. Thiền-công thì nhất thời. Còn pháp môn Thiền-học thì không có đầu, cũng không có cuối. Bất diệt, bất cải. Thế thì không qúi sao được???

Tự-Mai nói đến đâu thì Minh-Thiên, Tịnh-Huyền gật đầu đến đó. Trong khi từ Vương Duy-Chính cho đến Quách Quỳ ngơ ngơ ngác ngác. Tự-Mai thở dài:

– Thôi được, tại hạ xin vì Vương tiên sinh mà nói về nguồn gốc Thiền-tông của Trung-quốc, Đại-Việt vậy. Không biết tiên sinh có nghe không?

Vương Duy-Chính định lắc đầu, thì gã mặt lưỡi cầy đã cướp lời:

– Nghe, nghe. Em bé, thực em không hổ là đệ tử danh gia. Chẳng điều gì mà không biết.

Tự-Mai chắp tay kính cẩn nói:

– Đầu tiên tại hạ xin nói về nguồn gốc dòng Thiền tông ở Tây-trúc. Đạo Phật có vô tận pháp môn. Các pháp môn coi thì nhiều, song thu về chỉ có một mối. Người tu học cao như Minh-Thiên đại sư hoặc sư phụ của tại hạ thuyết pháp thì lại không qúi bằng kẻ thô lỗ vô học. Thiền-tông ra đời từ khi Phật còn tại thế. Thiền-sử kể rằng: « Một ngày Phật Thích-ca Mâu-ni lên tòa thuyết pháp ở Linh-sơn. Đức Phật im lặng không nói gì. Ngài cầm một bông hoa đưa ra trước pháp hội cho mọi người xem. Lúc ấy thính chúng đông hàng mấy trăm vạn. Song đều ngơ ngác không ai hiểu ý Phật. Chỉ có Ma-ha Ca-diếp hiểu. Ông mỉm cười đáp lại. Đức Phật nói: « Ta có nhãn tàng chính pháp, diệu tâm bồ đề, vô thực vô tướng. Nay truyền cho Ma-ha Ca-diếp ». Đó là cuộc truyền tâm ấn đầu tiên. Từ đấy Thiền-tông do thầy truyền cho trò cho đến nay. Thiền-tông không thuyết pháp. Người tu theo Thiền phải trực chỉ chân tâm. Muốn trực chỉ chân tâm, cần hiểu yếu chỉ kinh Kim-cương, kinh Lăng-gìa. Giáo lý Thiền-tông thu vào mấy câu sau:

Giáo ngọai biệt truyền.

Bất lập văn tự.

Trực chỉ chân tâm,

Kiến tính thành Phật.

Tự-Mai nhìn Minh-Thiên:

– Chính vì vậy mà Minh-Thiên thiền sư cũng như bổn sư tại hạ đều thuộc nằm lòng hai kinh Lăng-gìa, Kim-cương, coi việc luyện võ chẳng qua để đuổi ma nghiệp khỏi cơ thể mà thôi.

Triệu Huy hỏi Tự-Mai:

– Này cậu em. Cậu để Minh-Thiên thiền sư lên trên sư phụ mình phải chăng vì gốc Thiền-tông Giao-chỉ từ Trung- quốc?

Tự- Mai lắc đầu:

– Những vị tu hành chân chính thì tứ đại giai không. Minh-Thiên cũng thế. Cục phân bò cũng vậy. Tịnh-Huyền so với con chó, con mèo cũng như nhau.

Ngô Tích quát lên:

– Thằng Tự-Mai kia. Mày thực vô lễ. Mày gọi sư phụ mày là chó, là mèo, mặc mày. Bộ mày không muốn sống nữa hay sao mà giám ví sư bá của tao với cục phân?

Trong khi chị em Tự-Mai cười khúc khích, thì Minh-Thiên phất tay ra hiệu cho Ngô Tích im lặng:

– Sư điệt, con lầm rồi. Tiểu thí chủ đây nói đúng đó. Phật pháp cao siêu không cùng. Bỏ ra ngòai cái ta thì tự nhiên chẳng còn cái người. Đã không có cái người thì không có nhiều người. Không có nhiều người thì tất cả trở thành không. Sư thúc là không. Cục phân cũng là không. Sư thúc quả không quý hơn cục phân.

Tự-Mai tiếp:

– Giòng Thiền-tông truyền ở Thiên-trúc, trải tám đời. Vị tổ thứ tám là Tôn-gỉa Nan-đà đến Đại-Việt. Bấy giờ gọi là Lĩnh-nam.

Minh-Thiên cắt ngang:

– Tiểu thí chủ có lầm không? Vị tổ thứ hai mươi tám là Đạt-Ma Tổ sư đến Trung thổ đầu tiên chứ?

Tự-Mai quả quyết:

– Bạch đại sư, tiểu bối nói có sách. Mách có chứng đàng hoàng. Phía Nam hồ Động-đình có hai ngôi chùa. Một tên Kiến-pháp, một tên Linh-sơn. Hai ngôi chùa này xây từ đời Tam-quốc. Có đúng không?

– Đúng.

– Trước mỗi ngôi chùa đều có tấm bia. Tấm bia ở chùa Kiến-pháp do Tư-mã Trường-sa sọan năm Trinh-phù thứ mười lăm đời vua Đừơng Thái-tông (641 sau Tây lịch). Tấm bia ở chùa Linh-sơn do Hàn lâm đại học sĩ Chu Anh sọan năm Thái-bình Hưng-quốc thứ mười đời vua Thái-tông nhà Tống. Trong hai ngôi chùa đều thờ nữ vương Phật-Nguyệt. Cả hai tấm bia cùng nói rằng nữ vương được Tôn-gỉa Nan-đà truyền tâm ấn, đắc pháp thành Phật. Mà nữ vương Phật-Nguyệt nguyên là tướng tổng trấn Trường-sa, hồ Động-đình hồi vua Trưng. Văn bia nói rõ nữ vương đựơc truyền tâm ấn niên hiệu Kiến-vũ thứ mười sáu đời vua Quang-Vũ nhà Đông-Hán. So với Lĩnh- nam năm đó là niên hiệu Trưng hoàng (39 sau Tây-lịch) đế nguyên niên. Vậy kết lại Thiền-tông, Thiền-công truyền vào Đại-Việt cách nay là chín trăm chín mươi năm.

Tự-Mai nhìn Triệu Thành,mỉm cười:

– Còn Đạt-Ma tổ sư, thuộc thế hệ thứ hai mươi tám giòng Thiền-tông Tây-trúc. Ngài đến Trung thổ năm Canh-Tý, nhằm niên hiệu Phổ-thông nguyên niên, đời vua Lương Vũ-Đế (520 sau Tây lịch). Như vậy ngài tới sau Tôn-gỉa Nan-Đà đến hơn bốn trăm tám mươi mốt năm. Như thế có nghĩa là Thiền-tông, Thiền-công Đại-Việt có trước Trung-nguyên gần năm trăm năm. Còn Đạt-Ma tổ sư, trước khi đến Trung-thổ, ngài đã đến Đại-Việt trước. Điều này có chép trong « Cao tăng truyện » do chính văn gia đời Tống Thái-tông sọan. Trong đó ghi rõ «Sơ tiên Tống cảnh Nam Việt. Mạt hựu tỷ độ chí Ngụy » nghĩa là đầu tiên đến Nam-Việt thuộc nhà Tống, sau đó mới tới nước Ngụy. Bởi bấy giờ đất Việt thuộc Tống.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.