Chính Khí Tộc Việt —
Phái đoàn Triệu Huy đã dò la ra tông tích bộ Lĩnh-nam võ-kinh rồi xẩy ra cuộc dụng võ ở đền thờ Tương-liệt đại vương. Quách Quỳ bị bắt. Sau khi bọn Triệu Anh tìm thấy cuốn phổ trong bụng pho tượng. Y tưởng đó là di thư… thì bị người bịt mặt cướp mất. Bọn y đuổi theo, đánh nhau suốt đêm, người bị mặt quẳng trả bọn y cuốn phổ. Bọn y mở ra coi, thất vọng ê chề. Khi trở về tìm Quách Quỳ, thì Quỳ bị bắt giải lên tri huyện. Bọn y bàn với nhau rằng phải vu cáo cho Tôn Trung-Luận ăn trộm châu báu của sứ đoàn. Mưu kế đã định, bọn Triệu Huy tìm đến dinh an-vũ-sứ Đàm Toái-Trạng. Đàm Toái-Trạng sai em là Đàm An-Hòa điều tra. Đàm An-Hòa bị Triệu Anh dụ nên bí mật làm việc với Thiên-sứ, sẽ được phong chức tước lớn. Vì vậy y không cần cứu xét đến luật pháp, yêu cầu huyện lệnh tha Quách Quỳ, rồi chính y trói Tôn Trung-Luận, giải trở về đền Tương-liệt đại-vương. Trong khi đi đường, gặp đoàn của công chúa Bình-dương.
Còn phái đoàn Triệu Thành đến Thiên-trường, không dò được tin tức gì của phái Đông-a. Bọn chúng lên đường đi Cửu-chân. Dọc đường gặp đòan của Triệu Anh. Triệu Anh cho biết di thư đã hé lộ một chú ánh sáng. Thế là cả hai nhập làm một lên núi Chung-chinh, đụng độ với Khai-quốc vương. Trong khi đi đường, chúng được biết ngày hôm sau có buổi lễ tế Lệ-hải Bà-vương. Vương Duy-Chính cho Triệu Thành biết rõ rằng triều đình nhà Lý phong thần, tổ chức tế Lệ-hải Bà-vương, rõ ràng khuyến khích sĩ dân thiên hạ chống Trung-quốc. Sứ đoàn nên tìm cớ đến đó, may ra tìm được thêm chi tiết nào về di thư chăng. Thế rồi bọn chúng cùng theo Đàm An-Hòa trở lại đền thờ Tương-liệt đại vương, rồi xẩy ra cuộc đụng chạm với người bịt mặt. Triệu Thành bị người bịt mặt bắt đi, rồi được thả ra. Chúng tuyệt vọng, tìm Tôn Trung-Luận,thì được tin ông đã đi dự lễ tế Lệ-hải Bà-vương. Bọn Thành kéo lên dự lễ đúng lúc bọn Địch Thanh bị bắt.
Đàm Toái-Trạng tới trước ngựa Triệu Thành:
– An-vũ-sứ trấn Thanh-hóa nước Đại-Việt, xin tham kiến Bình-nam vương, Thiên-sứ Đại-tống.
Triệu Thành chỉ bọn Địch Thanh:
– Cô-gia lĩnh chỉ Thiên-tử sang phủ dụ man dân phía nam. Hôm qua đã bị bọn trộm cướp cản đường. Hôm nay tùy tòng của cô-gia lại bị các người bắt trói làm nhục. Thì ra các người không coi Thiên-triều vào đâu cả.
Triệu Thành nói lớn:
– Chúa người là Lý Công-Uẩn, trước đây cướp nghiệp của họ Lê, thực đáng ghét. Song Thiên-triều lờ đi cho, tưởng rằng chúa người hết tâm hết sức phủ dụ dân chúng, diệt cướp, bắt trộm. Nào ngờ?
Y hỏi Vương Duy-Chính:
– Vương chuyển-vận-sứ, những chức tước đã phong cho Lý Công-Uẩn ra sao?
Vương Duy-Chính kính cẩn đáp:
– Niên hiệu Đại-trung Tường-phù thứ 3 (1010) đời vua Chân-tông bản triều đã phong cho chức Kiểm-hiệu thái-phó, Tĩnh-hải tiết-độ-sứ, quan-sát- sứ, xử-trí-xứ, An-nam đô-hộ, Ngự-sử đại-phu, Thượng-trụ-quốc, Giao-chỉ quận- vương, suy-thành thuận-hóa công-thần . Cũng năm đó thêm Đồng-bình-chương-sự . Đến niên hiệu Đại-trung Tường-phù thứ 5 (1012) lại thêm cho Khai-phủ nghi-đồng tam-ti, dực đái công-thần .
Duy-Chính ngừng lại một lát rồi tiếp:
– Niên hiệu Đại-trung Tường-phù thứ 7 (1014) lại thêm cho mỹ-tự Bảo-tiết thủ-chính công-thần . Sang niên hiệu Đại-trung Tường-phù thứ 10 (1017) lại gia phong Nam-bình vương . Sang niên hiệu Thiên-hy nguyên-niên (1018) gia phong Kiểm-hiệu thái-úy . Niên hiệu Càn-hưng nguyên-niên (1022) gia phong lên tột đỉnh Kiểm-hiệu thái-sư .
Triệu Thành thở dài:
– Thiên-triều không ngớt thăng quan cho chúa người. Chúa người trọng dụng người, ban cho chức an-vũ-sứ coi trấn Thanh-hóa, người lười biếng, để trộm cướp tụ tập. Đến ngay sứ đoàn mà chúng không từ. Hỏi rằng đối với dân chúng, trộm cướp còn hòanh hành tới đâu?
Tạ Sơn đến trước mặt Triệu Thành nói lớn:
– Này Bình-nam vương gia. Vương-gia là sứ-gỉa Thiên-triều, đến nước tôi. Ở ngôi chủ nhân, chúng tôi nhường nhịn vương-gia thực, song nhường nhịn cũng có giới hạn. Tống Thiên-tử truyền Vương-gia mựơn đường nước tôi sang Chiêm, chứ không sai vương-gia sang nước tôi ăn trộm. Hôm trước đây bọn Triệu Anh, Ngô Tích, Triệu Huy, Quách Quỳ vào đền thờ Tương-Liệt đại-vương ăn trộm, bị bắt qủa tang. Thế mà họ còn vu cáo cho kẻ bắt trộm ăn cướp vàng bạc của họ.
Dân chúng nghe Triệu Thành nói năng hỗn láo, tức muốn cành hông, mà không biết phải biện-minh như thế nào cho phải. Nay nghe Tạ Sơn hạch tội bọn Thiên-sứ, họ hả hê trong lòng, cùng vỗ tay vang dội.
Tạ Sơn tiếp:
– Nước tôi với qúi quốc, từ mấy nghìn năm đã phân cương vực, tiếng nói, phong tục. Chúa tôi phải nhận sắc phong của qúi quốc chẳng qua là muốn tránh chiến tranh mà thôi. Chứ sĩ dân chúng tôi há sợ Trung-nguyên sao? Sông Bạch-đằng hết hai lần thây người Hán lấp nghẹt chưa đủ sao?
Tổng-trấn Thanh-hóa lĩnh chức tiết-độ-sứ Đinh Ngô-Thương cũng nói:
– Thiên-sứ mượn đường qua nước tôi, rồi làm truyện đạo-tặc đó là điều sai quấy không dung thứ. Dù cho chúa tôi có là quan triều Tống chăng nữa, như Vương Duy-Chính vừa nói: Triều Tống phong cho chúa tôi tước Nam-bình vương, kiểm-hiệu thái-sư, Khai-phủ nghị đồng tam-tư… Chức tước chúa tôi cao hơn Vương-gia nhiều. Thế mà Vương-gia kêu tên tục chúa tôi ra mà mạ lị. Xin Vương-gia nhớ rằng gươm chúng tôi để trong bao lúc nào cũng sắc.
Vương Duy-Chính cười nhạt:
– Đinh tiết-độ-sứ muốn đe dọa chúng ta ư?
Đinh Ngô-Thương cười nhạt:
– Tôi chỉ đem lý ra mà nói. Về vụ trộm cướp trong trấn, không do Đàm an-vũ-sứ trách nhiệm, mà do tôi. Tôi Đinh Ngô-Thương, lĩnh tiết-độ-sứ, Tổng- trấn Thanh-hóa, tôi có bổn phận điều tra vụ trộm ở đền thờ Tương-Liệt đại vương.
Đinh Ngô-Thương chỉ vào bọn Địch Thanh:
– Người tùy-tòng của Thiên-sứ can tội trộm, còn phá phách đền thờ anh hùng nước tôi. Tôi có thể vì thể diện của Thiên-sứ mà bỏ qua. Còn bọn này, không có tên trong danh sách tùy-tòng sứ-đoàn. Chúng can tội nhập cảnh không phép, do thám quân tình. Tội nặng khộng tha thứ là chúng giết mệnh quan của chúa tôi giữa lúc đang đọc văn tế.
Địch Thanh tỏ vẻ quật-cường chỉ vào tên ăn mày bị trói:
– Giao-chỉ vốn là quận huyện của đại Tống. Hoa nhân, Việt nhân cũng thế. Vậy mà trong bài văn tế, các người không ngớt mạt sát người Hoa. Rõ ràng Vũ Anh-Thông đọc bọn chó Ngô . Vì vậy vị huynh đệ của ta là Lý Tự mới tung phi trùy giết y.
Công-chúa Bảo-Hòa chỉ mặt Địch Thanh:
– Này trạng-nguyên họ Địch. Người đường đường là đệ nhất cao thủ Trung-quốc. Người lại là đệ tử của một trong Tứ đại thần kiếm phái Hoa-sơn, mà nói năng như vậy ư? Tên ăn mày này rõ ràng tung ba mũi phi trùy. Hai mũi định giết chết cháu Bình-dương của ta. Một mũi giết Vũ Anh-Thông. May đâu có Trần Thanh-Mai nữ hiệp vung kiếm cứu cháu ta. Còn Vũ Anh-Thông vốn là quan văn nên bị giết chết. Như vậy mà người dám nói rằng tên ăn mày kia nổi giận vì lời văn tế ư?
Triệu Thành biết sự không ổn. Y tỏ vẻ ôn hòa:
– Được, cô-gia nhận lỗi vì không quản cố thuộc hạ, để chúng phạm tội. Theo luật bản triều, khi nha thuộc của vương hầu phạm tội, thì trả lại, để chủ trừng trị. Cô gia xin an-vũ-sứ, tiết-độ-sứ vì cô-gia tha cho bọn Địch Thanh và Lý Tự.
Đinh Ngô-Thương đến trước công-chúa Bảo-Hòa trình:
– Xin công-chúa điện hạ ban chỉ dụ.
Bảo-Hòa suy nghĩ không biết giải quyết ra sao thì có tiếng nói nhỏ như muỗi kêu rót vào tai:
– Nếu nay mình bắt giam bọn Địch Thanh, ắt Triệu Thành chạy về Thăng-long xin triều đình tha bọn chúng, chắc chắn triều đình sẽ ban lệnh ân xá. Chi bằng mình tha chúng tại đây cho giản dị. Như vậy chúng tưởng ta vô dụng. Chúng sẽ hành động không úy kị gì. Trong khi đó ta tung người theo dõi, khắc biết rõ hành tung của chúng.
Báo-Hòa không biết tiếng của ai, song tiếng nói rất quen thuộc, thân ái, ấm áp vô cùng, rõ ràng là tiếng nói phụ nữ. Nàng thấy người này đưa đề nghị hợp lý, bèn bảo Đinh Ngô-Thương:
– Thôi chúng ta cũng nên vị nể Bình-nam vương, giao bọn tội phạm cho người trừng trị.
Đinh Ngô-Thương truyền cởi trói cho bọn Địch Thanh. Đinh vừa truyền lệnh, thì Đông-Sơn lão nhân chuyển động thân mình, bao nhiêu dây trói đứt hết. Địch Thanh quát lên một tiếng, giật mạnh hai tay, dây trói đứt tua tủa. Mọi người đều kinh hoàng về công lực của thầy trò Đông-Sơn. Triệu Thành cười lớn:
– Cô-gia cần tỏ cho các người biết: thuộc-hạ của cô gia không dễ gì các người bắt được. Sở dĩ họ để cho các người trói, vì cô gia dặn họ khi đến Giao-chỉ thì mình là khách, phải tôn trọng chủ nhân mà thôi. Các người cứ nhìn đó mà coi.
Địch Thanh tỏ vẻ nhũn nhặn, y tiến tới trước công-chúa Bảo-Hòa:
– Thân phu nhân. Địch Thanh này kiến thức thô lậu, mong phu-nhân chỉ dạy cho một vài điều.
Công-chúa Bảo-Hòa gật đầu:
– Được, Địch trạng-nguyên cứ nói.
Địch Thanh kính cẩn:
– Chúng tôi là thần tử nhà Đại-tống. Thân hầu là chưởng-môn phái Tây-vu, lại làm vua một cõi. Thân hầu cùng phu nhân có hàng trăm việc ích lợi cho dân, cho võ lâm. Hà cớ gì hai vị bỏ phí thời gìơ theo cản trở sư-phụ cùng sư-huynh tại hạ. Hơn tháng nay, người của phái Tây-vu không ngớt theo chọc phá bọn tại hạ. Cuối cùng đích thân quân-hầu cùng phu nhân theo bọn tại hạ tới đây? Bọn tại hạ không thù, cũng không hề có điều chi sai quấy với qúi phái, với Lạng-châu.
Thân Thừa-Quý đáp:
– Người bảo không có lỗi gì với phái Tây-vu ư? Ta hỏi người nhé: Mấy tháng nay người âm thầm vượt biên giới đến các khê, động thuộc quyền của ta làm gì chẳng lẽ người không tự biết ư? Ngày rằm tháng trước, người tới tổng-đàn của phái Tây-vu lục lọi không còn thiếu gì. Đến ngay tượng của Hồ tiên-cô người cũng lật lên. Tượng của Thiên-ưng lục tướng, người cũng không tha. Như vậy mà người bảo rằng không vô lễ ư?
Đến đó, một cặp nam nữ thiếu niên leo lên đồi. Nam cực kỳ hùng vĩ tuổi khoảng mười tám. Nữ thì thanh nhã tuổi khỏang mười sáu, mười bẩy. Nam cỡi trên lưng một con cọp lông đen nhánh. Nữ cỡi con ngựa mầu đỏ như máu. Điều lạ là cả hai con vật đều không cương. Họ rời thú, xuống đất. Hai con thú thủng thỉnh theo sau. Hai người đến đứng sau Thân Thừa-Quý.
Địch Thanh trông thấy đôi nam nữ thiếu niên, y nổi giận lôi đình:
– Thằng khốn nạn! Con nha đầu kia! Ta phải bắt mi lột da, nấu thịt ăn cho hả giận mới được.
Y chuyển động thân mình, tay phải xử dụng hổ trảo. Tay trái xử dụng ưng trảo chụp thiếu nữ. Thiếu nữ dường như không để ý đến hai thế trảo của Địch Thanh. Nàng cười ha hả. Chỉ chậm một chút, trảo của Địch đã bao trùm người nàng.
Tạ Sơn đứng gần, thấy vậy vội phát một quyền đánh vào lưng Địch Thanh. Chàng hy vọng, y phải thu tay về đỡ thế quyền của chàng, thì thiếu nữ có thời giờ phản kích. Không ngờ Địch Thanh biến trảo trái thành chưởng, đỡ quyền của Tạ-Sơn. Tay phải tiếp tục chụp thiếu nữ. Binh một tiếng, Tạ Sơn bật lui đến ba bước, khí huyết chạy nhộn nhạo, tai chàng kêu lên những tiếng vo vo không ngớt. Chàng cảm thấy khí từ ngực đưa lên cổ. Oẹ một tiếng, chàng mửa ra búng máu.
Địch Thanh cười nhạt:
– Xin lỗi Tạ chỉ huy sứ. Tại hạ mới vận có ba thành công lực.
Tạ Sơn biết y nói thực. Chàng muốn nhảy đến giải cứu cô bé, mà vô lực.
Mọi người kinh hoảng, thấp thoáng một cái, có bóng nâu rơi vào giữa Địch Thanh với thiếu nữ. Bóng đó chụp thiếu nữ nhảy lùi hai bước. Địch Thanh nhảy theo, tay trái y phát quyền đánh vào vai bóng nâu. Bóng nâu tung quyền đỡ. Bộp một tiếng, cả hai đều bật lui lại.
Bấy giờ mọi người mới thấy bóng nâu là một nhà sư. Mặt nhà sư trơ như gỗ, rõ ràng ông đeo mặt nạ da người, lộ đôi mắt sáng loáng. Địch Thanh kinh hãi tự nghĩ:
– Ta tưởng với bản lĩnh mình, hiện vô địch thiên hạ. Tại sao nhà sư này lại đỡ được quyền của ta? Trông y dường như còn trẻ thì phải?
Địch Thanh cười nhạt:
– Nam nữ thụ thụ bất tương thân. Tiểu sư phụ động lòng trần, ôm thiếu nữ trong tay thế kia, thanh qui để đâu?
Nhà sư không nói không rằng, nhảy lui một bước, vô tình ông tới trước Dư Tĩnh. Dư Tĩnh phóng một chưởng cực kỳ hùng hậu vào nhà sư. Nhà sư xuất chưởng đỡ. Bùng một tiếng. Cả hai lùi lại. Nhà sư tung thiếu nữ ra xa, đỡ chưởng thứ nhì của Dư Tĩnh, thì Địch Thanh đã chụp được thiếu nữ.
Mọi người đều kinh ngạc tự hỏi:
– Bản lĩnh điện tiền chỉ huy sứ đâu phải tầm thường? Thế sao chỉ một chiêu hời hợt của Địch Thanh, đã phun máu miệng. Như vậy công lực y ắt cao thâm khôn lường! Thế nhưng nhà sư là ai? Dáng người còn trẻ thế kia, mà coi bộ không thua gì Dư Tĩnh, Địch Thanh. Lại nữa, giữa chốn đông người, nhà sư dám ôm thiếu nữ, thực là điều không tưởng tượng nổi.
Nhà sư vọt người theo tấn công Địch Thanh, thiếu nữ nói:
– Đa tạ tiểu sư phụ. Tên này không hại được tiểu nữ đâu. Tiểu sư phụ khỏi mất công dạy dỗ y.
Nhà sư khoanh tay nhìn Địch Thanh.
Từ lúc nhà sư xuất hiện, trong lòng Thanh-Mai nảy ra những tình cảm nao nao trong dạ, khó hiểu. Dáng dấp nhà sư rất thân ái, rất quen với nàng, mà tuyệt nàng không nhớ gặp ông ở đâu?
Địch Thanh nhấc bổng thiếu nữ lên rồi hỏi:
– Suốt một tháng qua, người theo dõi ta làm gì? Anh em người trêu ghẹo ta dọc đường với mục đích gì? Lại cả tên hòa thượng áo nâu này nữa.
Dường như thiếu nữ không tỏ vẻ sợ hãi. Nàng cười lớn:
– Thế người bắt ta làm gì? Người có bỏ ra không?
Con cọp xám thấy chủ lâm nguy, nó gầm lên một tiếng, chồm hai chân trước chụp Địch Thanh. Địch Thanh vọt mình lên cao. Tay trái y túm thiếu-nữ. Tay phải phóng một chưởng xuống đầu con cọp xám. Chưởng phong của y cực kỳ hùng hậu, những người đứng gần đều cảm thấy nghẹt thở, phải bật lui mấy bước để hóa giải. Con cọp nhảy lên cao tránh thế chưởng của Địch. Chưởng đánh xuống đất, bùng một tiếng, lủng thành một hố khá sâu.
Thiếu nữ quát lanh lảnh:
– Sơn-Sơn, không được vô phép. Ta với Địch trạng nguyên đùa cợt chơi, mi mau lui ra.
Con hùm xám vẫy đuôi lui lại.
Nàng nói với Địch Thanh:
– Người đùa như vậy đủ rồi, hãy bỏ ta xuống.
Địch Thanh cười nhạt:
Ta không bỏ người xuống. Nếu người không trả lời ta, ta vung tay một cái, người sẽ nát xương ra mà chết.
Thiếu nữ hỏi công chúa Bảo-hòa:
– Mạ mạ ơi, giết tên này hay tha?
Bấy giờ mọi người mới biết nàng là con gái của công chúa Bảo-hòa và lạc-hầu Thân Thừa-Quý. Lạ một điều, con gái bị một cao thủ nhấc lên, tính mệnh khó bảo tòan, mà hai người thản nhiên như không. Nghe con gái hỏi, công chúa Bảo-hòa nghiêm nghị:
– Con hư, Địch trạng nguyên với con đùa bỡn nhau đã hơn tháng nay, sao con đòi giết người ta. Hãy tha Địch trạng nguyên ra.
Thiếu nữ cười khúc khích:
– Này Địch Thanh. Mạ mạ ta bảo ta không được giết người. Vậy người bỏ ta xuống mau. Bằng không người chết thì mạ mạ đánh đòn ta đó.
Địch Thanh cùng mọi người còn ngơ ngác, không hiểu bằng cách nào, mà thiếu nữ dám đe dọa Địch trong khi Địch vung tay một cái, nàng nát xương ngay.
Địch Thanh cười:
– Thì ra cô nương là quận chúa, ái nữ của lạc hầu Lạng-châu đấy. Này quận chúa, nếu người có tài hãy thóat khỏi tay ta, ta mới phục.
Thiếu nữ cười khúc khích:
– Được!
Bỗng Địch-Thanh kêu lên một tiếng aí chà rồi buông tay ra nhảy lùi lại. Thiếu nữ ung dung đến bên mẹ. Nàng cười:
– Mạ mạ ơi. Con tha nó rồi đấy.
Bấy giờ mọi người mới thấy Địch Thanh hai tay ôm lấy nhau tỏ vẻ đau đớn cùng cực. Triệu Thành hỏi:
– Địch trạng nguyên, cái gì vậy? Địch Thanh nhăn nhó:
– Trúng độc.
Hai tay Địch tím ngắt, sưng vù trông thực khủng khiếp. Triệu Thành cười nhạt:
– Thân lạc hầu, Tây-vu là danh môn chính phái. Tại sao qúi ái nữ lại dùng độc dựơc hại người của ta.
Thiếu nữ cười nhe hàm răng trắng như bắp:
– Này ông Thiên-sứ. Tôi có phóng độc hại Địch trạng nguyên đâu. Địch trạng nguyên chụp tôi. Trên người tôi có chất độc, Địch trạng nguyên tự mình làm, tự mình chịu, sao Thiên-sứ còn trách bố tôi. Tôi đã hỏi mạ mạ rằng giết hay tha y. Mạ mạ bảo tha, chứ không tôi đã giết y rồi. Y trúng độc của tôi không chữa thì trong một ngày mới chết, chứ bây gìơ thì không sao cả. Y muốn sống, cũng dễ thôi, điều cần thiết là y phải chặt hai tay đi.
Đông-Sơn lão nhân muốn dùng võ công. Song Triệu Thành đưa mắt tỏ ý ngăn cản. Rồi y hướng vào công-chúa Bảo-hòa:
– Công chúa điện hạ. Địch trạng nguyên trẻ người non dạ, lỡ vô phép với qúi quận chúa. Mong công chúa dung tình ban thuốc giải.
Công-chúa Bảo-hòa mỉm cười:
– Bình-nam vương gia. Địch trạng nguyên với mấy đứa con tôi tuổi còn trẻ. Chúng đùa với nhau cho khỏi buồn. Vương gia để tâm làm gì.
Bà nói với Đàm Toái-Trạng:
– Đàm an-vũ-sứ. Nhân có Vương gia cùng sứ đòan đến đất Cửu-chân lễ đền thờ Lệ-hải Bà-vương. Xin an-vũ-sứ chuẩn bị cho sứ đoàn vào lễ.
Triệu Thành kinh ngạc:
– Cô-gia phải lễ… Triệu Ẩu ư?
Triệu Thành chợt hiểu, đây là điều kiện công-chúa Bảo-hòa đặt ra: muốn cứu Địch Thanh, thì y phải khấu đầu làm lễ trước lăng mộ một vị thần linh Giao-chỉ. Điều y không thể chấp nhận. Triệu Trinh-Nương đối với dân Việt, thì là một vị đại anh hùng, phất cờ khởi nghĩa, toàn dân cúi đầu phụng thờ. Vua Lý vừa ban sắc chỉ phong làm Lệ-hải Bà-vương, tôn kính không gì bằng. Đối với người Hoa, thì bà là một cô gái ương nghạnh, tụ tập bè đảng làm loạn thời Tam-quốc, bị dẹp tan. Thường người Hoa gọi là Triệu Ẩu. Triệu Thành đường đường là hoàng đệ, lĩnh chức thái-úy coi Khu-mật-viện tước phong đến Bình-nam vương, cầm binh quyền Thiên-triều trong tay. Y sang Đại-Việt với tư cách sứ thần thay mặt vua. Thế mà nay phải cúi đầu làm lễ trước Triệu Ẩu thì còn gì là thể thống? Nhưng y tự biết cục diện ngày hôm nay, nếu y không nghe lời công-chúa Bảo-hòa thì Địch Thanh phải chết.
Y khôn ngoan, lại có tài thu phục nhân tâm. Y nghĩ đến khi xưa Ngô Khởi thân làm tướng mà ghé miệng mút mủ ở vết thương cho một người lính, sau việc đó tiếng đồn lan rộng, quân lính không ai mà không cảm phục Ngô. Y quyết định rất nhanh: phải cứu Địch Thanh. Y lẳng lặng đi trước, bọn Vương Duy-Chính, Đông-Sơn lão nhân theo sau.
Bọn Triệu Thành vừa đến trước bàn thờ, thì Đàm Toái-Trạng hô lớn:
– Tấu nhạc!
Chiêng, trống, nhạc nổi lên. Triệu Thành qùi trước, bọn Vương Duy-Chính quỳ sau. Mỗi người lễ 8 lễ. Lễ tất. Công chúa Bảo-hòa tươi cười nói:
– Nào chúng ta bầy cỗ mời Thiên-sứ cùng sứ đoàn thụ lộc Bà-vương.
Bấy giờ công chúa Bảo-hoà mới lễ phép hỏi nhà sư trẻ:
– Tiểu sư phụ! Đa tạ tiểu sư phụ quan tâm tới cháu gái nhà tôi. Tiểu sư phụ pháp danh là gì? Đệ tử cao nhân nào?
Nhà sư tần ngần một lát rồi đáp:
– Xin công chúa thứ lỗi. Tiểu tăng vì lẽ riêng không thể thố lộ thân thế cùng sư đồ. Tiểu tăng được lệnh sư phụ theo dõi sứ đoàn, phòng họ ăn trộm bảo vật Đại-Việt.
Công chúa Bảo-hoà nghĩ thầm:
– Dường như thiếu niên này không phải nhà sư thực. Y được cao nhân nào đó sai theo dõi sứ đoàn. Căn cứ vào tiếng nói, y còn trẻ, khoảng hai chục tuổi là cùng. Với hai chục tuổi, mà võ công y đến trình độ này, thì sư phụ y hẳn phải là nhân vật khét tiếng. Mắt y luôn luôn để vào Bảo-Hoà, rõ ràng y có tình ý với con gái ta. Được, ta lờ đi cho tình cảm ấy nảy nở. Y đã xiêu lòng vì Bảo-Hòa, trước sau y cũng phải tìm đến ta.
Triệu Thành thấy Bảo-Hòa lờ đi không cho Địch Thanh thuốc giải. Nếu y thôi thúc thì chẳng hóa ra nhát gan sao? Chợt nghĩ được một kế, y bảo Địch Thhanh :
– Địch trạng nguyên mau đến tạ ơn công chúa đã cứu mạng đi.
Địch Thanh giận tím gan, nhưng đứng trước cái chết gần kề. Y phải tuân lệnh chủ nhân. Y đến trước công-chúa Bảo-hòa khom lưng:
– Tiểu nhân đa tạ công-chúa cứu mạng.
Công-chúa Bảo-hòa chỉ con gái:
– Nó là con gái của chúng tôi tên Thân Bảo-Hòa. Chúng tôi hiếm hoi, được hai trai đầu lòng, mà chỉ có mình nó là gái. Vì vậy tôi lấy nhũ danh của mình đặt cho con.
Lịch sử Việt-nam nói về công chúa Bảo-Hòa có hai thuyết khác nhau. Một thuyết nói ngài là con thứ vua Lý Thái-tổ, gả cho Thân Thừa-Quý, lạc hầu Lạng-châu, có công lớn trong việc đánh Nùng Trí-Cao, bình Chiêm. Một thuyết nói công chúa vốn là người miền thượng, cùng hai anh có công đánh sang vùng Ung-châu, Liêm-châu, kháng chiến hồi quân Tống xâm lăng Đại-Việt. Các sử gia đời sau không ngớt cãi nhau. Sự thực có đến hai công chúa Bảo-Hòa. Chỉ độc gỉa Anh hùng Tiêu-sơn là biết rõ ràng rằng trong trường hợp nào, tại sao có hai anh hùng cùng mang tên Bảo-Hòa.
Quận chúa Thân Bảo-Hòa vẫy tay:
– Địch trạng nguyên, lại đây, tôi cho thuốc giải.
Phò-mã Thân Thừa-Quý sợ con mình làm nhục Địch Thanh qúa, gây thù chuốc oán sau này. Ông móc trong bọc ra hai viên thuốc, đưa lên tay búng một cái. Hai viên thuốc quay tròn với tốc độ thực mau, kêu lên nhửng tiếng vo vo từ từ bay tới Địch Thanh. Khi hai viên thuốc sắp tới tay Địch Thanh thì vỡ tan thành bụi chụp xuống người y.
Một đám mây trắng trôi ngang bầu trời xanh ngắt. Ánh nắng dịu hẳn xuống, gío chiều thổi nhè nhẹ, không khí buổi lễ bớt ngột ngạt.
Trong khi biến cố xẩy ra, Thanh-Mai ngồi yên lặng phía sau Mỹ-Linh, để bảo vệ cho sư muội. Từ lúc thấy anh em Thân Bảo-Hòa lên đồi, phong thái uy nghi, tư cách khác phàm. Tuổi họ ngang nàng, võ công e không thua. Qua mấy câu đối đáp, Thanh-Mai biết đây là những người được giáo dục giống chị em nàng. Sợ nàng quên mất việc Lý Tự giết Vũ Anh-Thông, Thanh-Mai nói nhỏ vào tai Bảo-Hòa mấy câu. Thân Bảo-Hòa gật đầu cười. Nàng hướng vào Triệu Thành:
– Triệu vương gia, bố tôi đã ban thuốc giải cho Địch trạng nguyên. Thế còn việc tên Lý Tự giết mệnh quan Đại-Việt thì vương gia tính sao đây? Miệng nói, tay nàng ngắt bông hồng trên lộc bình cạnh bàn thờ, cài lên mái tóc Thanh-Mai, rồi liếc ngang mắt nhìn người bạn mới. Thanh-Mai nắm lấy tay Bảo-Hòa.
Triệu Thành xuất thân là một hoàng tử, tài kiêm văn võ. Với tuổi của y, thì trong nhà không thiếu gì thê thiếp xinh đẹp. Ở Trung-nguyên, quyền lực y chỉ thua có hoàng đế. Y hăng say tổ chức quân đội, giao du với võ lâm, cho nên các khuê nữ, tiểu thư, quận chúa ngưỡng mộ y như một ông thần. Y muốn cô nào, cha mẹ cô ấy hãnh diện đem con gái dâng cho. Những người con gái đến với y trong tư thế dâng hiến, khiến cho y không mấy ưa thích. Từ ngày bôn tẩu giang hồ sang Đại-Việt đã hơn hai tháng không gần đàn bà, khiến y nhìn cô gái nào cũng thấy đẹp. Hôm đầu gặp Trần Thanh-Mai, y đã chết mê, chết mệt vì nhan sắc của nàng. Y tìm thấy ở Thanh-Mai, một thiếu nữ hồng hào, khoẻ mạnh, linh họat của người tập võ. Hơn nữa hầu hết thiếu nữ Trung-nguyên thấy y là qùi gối hành lễ. Lần đầu tiên y thấy một thiếu nữ chất vấn, đấu chửơng với y. Hôm nay y gặp công-chúa Bảo-hòa với nhan sắc diễm lệ trong tư thế uy nghiêm của một vua Bà. Cạnh công chúa Bảo-hòa còn con gái bà, còn Mỹ-Linh… toàn người đẹp mà y không thể tưởng nổi. Cho nên khi nghe quận chúa Thân Bảo-Hòa chất vấn, y tỏ vẻ muốn được nghe nàng nói truyện:
– Thân quận-chúa. Theo ý quận-chúa, điều kiện gì quận chúa mới tha cho Lý Tự?
Thân Bảo-Hòa chỉ Đàm Toái-Trạng:
– Cũng dễ thôi, Vương gia trao y cho tuyên-vũ-sứ xử theo luật lệ Đại-Việt. Luật lệ Đại-Việt có dự trù trường hợp kẻ sát nhân muốn tránh khỏi tội, nạp tiền thế mạng.
Nàng quay lại hỏi Đàm Toái-Trạng:
– Đàm đại nhân, trường hợp Lý Tự giết chết Vũ Anh-Thông, thì y phải bồi thường cho gia đình nạn nhân bao nhiêu tiền?
Đàm Toái-Trạng đáp:
– Theo bộ Hình thư bản triều, tội cố sát phải nộp một ngàn lượng vàng. Trong một ngàn lượng, hai trăm lượng nộp vào công khố, tám trăm lượng trao cho người thừa kế nạn nhân.
Triệu Thành cười:
– Được, cô-gia nộp vàng thế mạng cho Lý Tự.
Y quay laị hất hàm, Triệu Huy mở trong bọc lấy ra một trăm nén vàng, trao cho Triệu Thành:
– Khải tấu vương gia, đây một trăm nén, mỗi nén mười lượng, cộng thành một ngàn lượng.
Triệu Thành cầm vàng trao cho quận chúa Thân Bảo-Hòa:
– Thân quận chúa, tại-hạ xin nhờ quận chúa trao vàng cho gia đình Vũ Anh-Thông. Bây giờ tại hạ phải lên đường đi Chiêm-thành. Lúc trở về thế nào cũng tới Lạng-châu tạ lỗi với Thân lạc hầu, phu nhân và nhất là với quận-chúa.
Thái độ của Triệu Thành đối với quan chức Đại-Việt rất hống hách. Song đối với Thanh-Mai, Thân Bảo-Hòa lại rất nhũn nhặn. Y hướng Thanh-Mai, Bảo-Hòa xá một xá:
– Trần, Thân cô nương, non xanh còn đó, thế nào trên đường trở về,tại hạ cũng đến Thiên-trường, Lạng-châu thăm các vị.
Từ lúc lên đồi, thiếu niên đi cạnh Thân Bảo-Hòa không nói một câu. Bây giờ chàng mới lên tiếng:
– Địch trạng nguyên. Người bắt em ta nhấc lên định giết chết về tội trêu ghẹo người suốt tháng qua. Chẳng may trên áo em ta có phấn độc, nên người tự hại người. Chắc người còn ấm ức chưa tiết hận ra được phải không?
Địch Thanh đã đến cửa qủi-môn quan, được trở về. Tuy vậy trong lòng y còn giận cành hông. Nghe Thân Thiệu-Thái hỏi. Y trả lời bằng cái gật đầu. Trái với em gái lí lắc, Thiệu-Thái nghiêm trang, uy nghi. Chàng cười lớn:
– Địch trạng nguyên võ công cao, kiến thức không tầm thường mà sao hủ lậu quá vậy. Bố ta hiện là phò mã hoàng đế Đại-Việt, được trao trọng trách trấn nhậm biên cương phía Bắc. Ngoài phòng gian, trong phủ dụ dân chúng, thì nhất cử nhất động của biên sự người phải biết. Ngay khi trạng nguyên cùng tôn sư vượt biên vào Quảng-nguyên của Hoàng sư thúc, bố ta đã biết rồi. Người còn đi dụ các trang động tham dự cái gì Thiên-hạ anh hùng đại hội vào năm tới. Có đúng không?
Đông-Sơn lão nhân cùng Địch Thanh sượng sùng nhìn nhau. Vì cả hai thầy trò nhập biên Việt trời không biết, qủi không hay, sao Thân Thừa-Quý lại biết rõ ràng như vậy?
Thân Thiệu-Thái biết Địch Thanh đang nghĩ gì rồi. Chàng tiếp:
– Người không tin ư? Để ta nói cho người hay. Đầu tiên hai thầy trò người theo bọn lái buôn băng qua động Hoành-sơn thuộc Ung-châu, rồi vào châu Quảng-nguyên của Lưu sư thúc ta. Sau đó người trở về động Thái-bình thuộc châu Ung nghỉ trong bẩy ngày, rồi lại vào động Đình-lập thuộc châu Tô-mậu của thái sư thúc Vi. Từ đó người băng rừng vào Lạng-châu. Mạ mạ ta không nỡ hại người, sai anh em ta theo dõi. Em gái ta đùa cợt người, để người hiểu rằng tung tích bại lộ mà trở về Trung-nguyên. Không ngờ người chẳng hiểu nổi thiện ý của mạ mạ ta.
Mặt Địch Thanh tái nhợt. Y than thầm: Mình đáng chết thực. Hành tung bị lộ mà không biết.
Thiệu-Thái chỉ vào nhà sư trẻ tiếp:
– Khi thầy trò người tới động Quang-lang, vô tình chúng ta khám phá ra rằng người còn bị tiểu sư phụ này theo dõi nữa. Người mua bánh chưng mang theo ăn. Em gái ta muốn cảnh cáo người, nên nhờ tiểu sư phụ lén lấy trộm bánh chưng của người, bóc ra, ăn mất nhân. Rồi nó bỏ vào đó một con chuột chết, gói lại cẩn thận. Bởi vậy người mới được ăn thịt chuột thối.
Hôm trước thầy trò Địch Thanh mua bánh chưng, gói mang theo vì sợ rằng trên đường len lỏi vào các khê động không có hàng quán. Buổi trưa thày trò cắt bánh ra ăn, thì ôi thôi, nhân bánh là một con chuột, máu me dơ bẩn. Đông-Sơn lão nhân biết có bàn tay bí mật của cao nhân trêu chọc, mà không hiểu nổi bằng cách nào đã thay nhân bánh bằng con chuột chết. Trí nhớ giúp lão loé ra ánh sáng: một đêm nọ thầy trò ngủ trong rừng. Hai người cẩn thận treo cặp bánh lên cành cây, vì sợ để trong bọc, trời nóng dễ bị thiu. Không ngờ với bản lĩnh hai thầy trò nghiêng trời lệch đất, mà trong khi ngủ dưới gốc, bị người ta đổi bánh trên cành cây không hay. Y đưa mắt nhìn nhà sư:
– Tên trọc còn trẻ, mà bản lĩnh tới dường này thực hiếm có.
Thân Bảo-Hòa cười khúc khích:
– Lúc người đến Vạn-nhai, người ăn trộm công khố Đại-Việt mười nén vàng. Người có mau đem trả không? Úi chao, ông trạng nguyên ăn trộm, đẹp mặt chưa?
Địch Thanh giận tím gan, y quát lớn:
– Vu cáo. Cô nương vu cáo cho người ta. Cô nương bảo ta ăn trộm, theo luật của Tiêu thừa tướng, thì bắt trộm phải có chứng cớ. Vậy chứng cớ đâu?
Thân Bảo-Hòa cười nhe hàm răng trắng như bắp. Nàng mặc bộ quần áo ngũ sắc của vùng cao nguyên, khăn choàng cổ, dây lưng mầu hồng nhạt. Gió trên đồi thổi, y phục nàng bay phất phới trông như một thiên tiên. Nàng thừa biết Địch Thanh muốn nói rằng theo luật Tiêu Hà đời Hán làm ra, đến nay còn giá trị đối với triều Tống. Nàng vờ không biết:
– Đây là đất Đại-Việt, thì phải dùng luật Đại-Việt. Ta chỉ biết luật Đại-Việt do công-chúa Phùng Vĩnh-Hoa làm thời vua Bà, chứ không biết luật của Tiêu thừa tướng hay tỏi thừa tướng nào cả.
Sĩ dân Việt biết quận-chúa Bảo-Hòa đùa bỡn Địch Thanh, đem một danh nhân thời Hán ra làm trò cười. Mọi người cười ồ lên. Thân Bảo-Hòa liếc nhìn bố, mẹ, thấy cả hai cùng cười, nàng càng được thể, tiếp:
– Vàng của công khố Đại-Việt đều gốc từ châu Quảng-nguyên. Mỗi thỏi vàng nặng mười lượng, trên có khắc chữ Thuận-thiên quốc bảo . Người ăn cắp vàng của Đại-Việt hoàng đế để trong bọc. Người có gan thử mở bọc ra cho mọi người coi nào?
Triệu Thành đưa con mắt nghiêm khắc nhìn Địch Thanh. Khi rời Trung-nguyên sang Đại-Việt, Tống-đế đã chỉ dụ cho sứ đoàn phải dùng vàng bạc, châu báu mua chuộc quan lại, trang-chủ, động-chủ, khiến cho họ tối mắt lại mà theo Tống. Bây giờ nghe Thân Bảo-Hòa kết tội thầy trò Địch Thanh chắc như đinh đóng cột thì sự kiện không sai được. Bất cứ thầy trò Địch phạm tội gì y, cũng có thể tha thứ, duy tội trộm cướp thì không dung. Dung thứ sao được khi mục đích chuyến đi là đem cái giầu có, sung túc của Trung-nguyên khoe với Man-di, mà sứ đoàn ăn trộm thì không khác gì bôi do trát trấu vào mặt Tống-đế.
Địch Thanh kinh hỏang, song y tự tin mình không trộm cắp thì dù Bảo-Hòa có vu oan cũng khó. Y mở bọc ra,trong bọc nào quần áo, nào sách vở, nào thuốc men, nào ám khí. Cuối cùng tới cái túi vải nhỏ. Y móc trong túi ra mười thỏi vàng sáng chói, đưa ra nói:
– Đây rõ ràng là vàng Trung-nguyên, chứ làm gì có vàng Giao-chỉ mà…
Y chưa nói hết câu, thì há hốc mồm ra, vì trên mười thỏi vàng, đều có in hình nổi của đức Quan-thế-âm, dưới có khắc chữ Thuận-thiên quốc bảo . Thân Bảo-Hòa nói với Triệu Thành:
– Bình-nam vương gia, xin vương gia chứng cho: Địch trạng nguyên ăn cắp vàng, tôi nói đâu có sai? Nếu là vàng Đại-Tống thì khắc chìm hình hai con rồng chầu vào nhau, dưới có chữ Thiên-thánh bảo-khố chứ đâu có khắc hình Phật và niên hiệu hoàng-đế Đại-Việt?
Vương Duy-Chính chạy lại cầm các thẻ vàng lên coi, rõ ràng hình Phật Quan-thế-âm nổi, không chối cãi vào đâu được. Y nói với Triệu Thành:
– Vương gia. Vàng Đại-Việt thực.
Địch Thanh cố moi óc xem bằng cách nào y đã bị đánh tráo vàng. Lúc khởi hành, Triệu Thành trao cho thầy trò y hai mươi nén vàng. Dọc dường y đã chi mất mất nén để mua chuộc khê-động, còn mười nén. Thế mà nay vàng Tống bỗng hóa ra vàng Giao-chỉ. Trong đầu óc y lóe ra một tia sáng. Nguyên lúc đến thuyết phục động trưởng Vạn-nhai, y đã đem tất cả hai nươi nén vàng bầy ra cho động-trưởng coi. Cạnh động-trưởng có một thanh niên đã cầm từng nén một bỏ vào túi cho y. Bây giờ y mới biết thanh niên đó là Bảo-Hòa giả trai. Song tình ngay, lý gian, khó cãi. Y đến trước Triệu Thành qùi xuống:
– Vương gia. Thần bị oan.
Triệu Thành có con mắt tinh đời. Y chỉ liếc qua đã biết Địch Thanh bị oan, mọi việc do Thân Bảo-Hòa xếp đặt. Y bảo Địch Thanh:
– Người đem số vàng Đại-Việt, trả về cho Thân hầu.
Địch Thanh giận tím mặt, song y phải cầm vàng trao cho Thân Thừa-Quý.
Triệu Thành hô lớn:
– Đi thôi.
Y vọt lên ngựa, cùng đám tùy tòng xuống núi.
Công-chúa Bảo-hòa gọi với theo:
– Bình-nam vương gia. Khoan!
Triệu Thành dừng ngựa lại:
– Không biết công-chúa còn muốn dạy tại hạ điều chi nữa?
Khác với mọi người, y hống hách trong chức vụ Thiên-sứ. Nhưng vì ngây ngất trước sắc dẹp Thân Bảo-Hòa, y dùng danh xưng võ lâm với mẹ nàng. Y còn dùng chữ dạy dỗ. Chỉ nghe vài lời đối đáp giữa Triệu Thành với con gái, cùng nhìn con mắt lấm lét của y, công-chúa Bảo-hòa đã hiểu tâm lý y. Bà cười:
– Cách đây mấy hôm Khu-mật-viện lệnh cho quan chức Cửu-chân theo dõi việc sứ đoàn mượn đường qua đây. Song hôm nay lại nhận được lệnh mới, nói rằng cần hộ tống, bảo-vệ. Sở dĩ có lệnh mới, vì hôm trước tùy tùng của vương-gia là Triệu Huy báo với tuyên-vũ-sứ việc nhân viên sứ đoàn bị trộm cướp. Bây gìơ xin vương gia khoan đi, để chúng tôi sai tướng-binh theo hộ vệ.
Bà quay lại nói với Đàm Toái-Trạng:
– Tuyên-vũ-sứ, xin tuyên-vũ-sứ đích thân hộ tống sứ đoàn đến biên giới Chiêm-thành. Tôi cho đô-thống Nguyễn Khánh đem toàn bộ đạo Ngự-long theo.
Triệu Thành kinh hoàng trong lòng. Y tự nhủ:
– Hệ thống tế-tác Giao-chỉ thực kinh khủng. Đại-tống ta không thể nào theo kịp. Bọn Địch Thanh nhập biên bí mật như thế, mà bị chúng theo dõi, khám phá hết tung tích, hành trạng. Truyện ta với bọn Triệu Huy tìm di thư, mới hôm qua đây, mà Khu-mật-viện đã kịp thời truyền lệnh xuống. Với Đàm Toái-Trạng, Nguyễn Khánh thêm đạo quân Ngự-long, có khác gì chúng bỏ tù ta? Con bà nó. Tụi Giao-chỉ làm bộ lễ phép, phục vụ ta. Kỳ thực chúng áp tải ta. Thôi đành chịu.
Đàm Toái-Trạng cùng Nguyễn Khánh, dẫn đạo Ngự-long theo bọn Triệu Thành xuống đồi.
Thân Bảo-Hoà nói với nhà sư trẻ:
– Tiểu sư phụ. Chúng ta cùng làm việc với nhau hơn tháng qua. Thế mà thủy chung tiểu nữ vẫn không biết dung nhan tiểu sư phụ ra sao. Tiểu sư phụ có thể bỏ khăn ra cho mọi người biết được chăng?
Nhà sư chắp tay:
– Tiểu tăng có tâm sự riêng, không thể lộ diện được. Mong quận chúa miễn trách phạt.
Nói rồi nhà sư chắp tay xá một xá. Thấp thoáng, nhà sư đã biến vào đám dân chúng dự lễ.
Từ lúc nhà sư xuất hiện, trong lòng Thanh-Mai cảm thấy bồi hồi khó tả. Nhìn dáng nhà sư rất quen, mà nàng không biết đã gặp ở đâu.
Đinh Ngô-Thương mời tất cả đòan tùy tùng Mỹ-Linh cùng Thân Thừa-Quý về dinh tổng-trấn. Tới dinh, Thân Thừa-Quý nói với Đinh Ngô-Thương: Tôi có việc bàn riêng cùng công chúa, xin tiết-độ-sứ cho được tự do.
Đợi Đinh Ngô-Thương cùng các quan ra ngoài, trong phòng chỉ còn Tịnh-Huyền, Mỹ-Linh với vợ con, phò-mã Thân Thừa-Quý chỉ Tịnh-Huyền:
– Công chúa cùng các con có biết ai đây không?
Thân Thiệu-Thái, đưa mắt nhìn rồi nói:
– Bố ơi, có gì lạ đâu, đây là một sư bà đạo cao đức trọng.
Thân Bảo-Hòa suy nghĩ một lát rồi trả lời:
– Con thấy dường như sư bà với mạ mạ cùng em Mỹ-Linh giống nhau. Phải chăng sư bà là dì, là cô hay là chị của mạ mạ.
Thân Thừa-Quý hỏi vợ:
– Còn công chúa. Công chúa thấy thế nào?
Công-chúa Bảo-hòa bật lên tiếng kêu:
– Cô mẫu!
Bà quên cả lễ nghi đương thời, chạy đến ôm lấy Tịnh-Huyền, nước mắt dàn dụa.
Thân Thừa-Quý đưa mắt ra hiệu cho các con cùng qùi xuống ,rồi hô lớn:
– Thần nhi kính cẩn ra mắt đại công-chúa điện hạ.
Sư-thái Tịnh-Huyền phất tay, ra hiệu miễn lễ:
– Các con không nên đa lễ. Mọi việc ở Lạng-châu tốt đẹp cả chứ?
Thân phụ của Thân Thừa-Quý là Thân Thiệu-Anh được vua Lý Thái-tổ gả em gái là công chúa Hồng-Châu cho. Trên đường về Lạng-châu, công chúa truyền nữ tỳ xinh đẹp thay mình lấy chồng, còn bà đi tu, pháp danh Tịnh-Huyền. Sau 15 năm, sư thái Tịnh-Huyền tuân lời sư phụ, trở về Lạng-châu, nói hết mọi truyện cho Thân Thiệu-Anh nghe. Bấy gìơ Thiệu-Anh mới bật ngửa ra rằng vợ mình không phải em nhà vua, mà chỉ là một nữ tỳ. Sư thái Tịnh-Huyền đền bù cho Thiệu-Anh bằng cách hỏi con gái anh mình là công-chúa Bảo-hòa cho con trai Thiệu-Anh là Thân Thừa-Quý. Vua Lý Thái-tổ bằng lòng ngay. Nhà vua tưởng gả con gái cho em mình, nào ngờ…
Sư thái Tịnh-Huyền tuy hạc nội mây ngàn, nhưng bà luôn luôn theo dõi mọi biến chuyển của Lạng-châu. Truyện công chúa Hồng-Châu đi tu, chỉ có vợ chồng Thân Thiệu-Anh biết. Sau khi công chúa Bảo-hòa về làm dâu họ Thân, mới được biết mẹ chồng không phải cô mình mà là nữ tỳ. Hôm nay, sau bao năm, cô cháu gặp nhau. Công-chúa Bảo-hòa có nhan sắc vô song, cùng chồng tổng trấn các khê-động Bắc biên nước Việt. Võ công bà cực cao, mưu trí trùm thiên hạ, nhưng tình cảm thực giầu. Bà xa cách cô từ lâu, nay gặp lại, khiến bà không cầm được nước mắt.
Tịnh-Huyền ôn tồn nói với Thân Thừa-Quý:
– Ta được tiêu dao hạc nội mây ngàn, hưởng thú thanh cao bao năm nay cũng nhờ lòng trung thành của mẹ con. Mẹ con theo hầu ta từ nhỏ. Nghĩa thì là chúa tôi. Song tình như chị em. Mẹ con xinh đẹp, đoan trang. Ta hằng ước mong tìm đấng anh hùng mà gả. Hay đâu hoàng-huynh bắt ta vu qui về làm dâu họ Thân. Nếu ta lấy chồng, thì không kiếm đâu được người phẩm chất hơn bố con. Nhưng chí của ta là cõi Bồ-đề. Ta đang luống cuống không biết làm cách nào để không trái lời dạy của huynh trưởng, mà tiêu dao cõi Phật, thì mẹ con tình nguyện làm bất cứ việc gì nếu ta cần. Ta mới nghĩ ra kế thế thân. Trên đường rước dâu từ Thăng-long về Lạng-châu, nhân nghỉ ở nhà trạm, ta thay quần áo làm cung nữ. Còn mẹ con mặc quần áo của ta làm công chúa. Về tới Lạng-châu mẹ con đóng vai công chúa truyền lệnh cho ta làm tỳ nữ phải đi tu, cầu phúc cho chủ. Thế là ta được toại nguyện.
Công-chúa Bảo-hòa hỏi:
– Bây giờ cô-mẫu có cần dấu thân phận nữa không?
Không. Cô đã cho Bồ nhi, cho Mỹ-Linh cùng nhiều người biết rồi. Truyện xưa qúa, dấu diếm làm gì nữa. Anh ta có phiền trách thì cũng trễ rồi.
Bà hỏi quận chúa Thân Bảo-Hoà:
– Nhà sư cứu cháu ban nãy thân thế ra sao? Cháu gặp ở đâu?
Thân Bảo-Hoà khoan thai kể :
– Cách đây gần tháng, anh em nàng được lệnh mạ mạ theo dõi bọn Đông-Sơn lão nhân, Địch Thanh. Một hôm tới động Vạn-nhai. Hai anh em vào quán cơm ăn. Vừa lúc đó, cũng có nhà sư dừng ngựa, vào quán gọi một vài món ăn chay. Anh em Bảo-Hoà sống ở Bắc-biên từ nhỏ. Bắc-biên không theo đạo Phật, mà thờ 162 anh hùng thời Lĩnh-nam làm thần. Vì vậy hai người ít gặp tăng ni.
Bản tính Bảo-Hòa hay đùa, nàng đưa mắt nhìn nhà sư, thấy da mặt vàng ủng, trơ trơ như người chết, thì biết nhà sư đeo mặt nạ da người. Nàng trêu:
– Đại hoà thượng! Mời đại hoà thượng lại đây ngồi chung bàn với anh em tại hạ cho vui.
Bảo-Hoà tưởng mình là con gái, mời nhà sư ngồi chung bàn, y không dám. Nào ngờ y đến ngồi cạnh nàng. Muốn trêu người, mà người không chuyển động, Bảo-Hoà càng trêu già:
– Đại hoà thượng năm nay bao nhiêu tuổi? Có mấy vợ? Bao nhiêu con rồi.
Nhà sư thản nhiên:
– Tiểu tăng tu đạo đức Thế-tôn vì vậy không vợ, dĩ nhiên chẳng có con.
Bảo-Hoà cười lớn:
– Không vợ cũng có con được chứ! Tiểu nữ đoán chừng hoà thượng có nhiều con rơi.
Nhà sư cười tha thứ:
– Tiểu tăng tuy chưa có con, song nếu sau này thu đệ tử, cũng như có con vậy.
Bảo-Hoà trêu đến cùng:
– Hoà thượng ăn chay chi cho khổ. Nào mời hòa thượng xơi cái đùi gà luộc này đi.
Nói rồi nàng xé đùi gà luộc bỏ vào bát nhà sư. Nhà sư chắp tay:
– Đa tạ cô nương bố thí.
Rồi y bưng bát cơm, có đùi thịt gà, miệng gọi con chó đang ngửng đầu chực, tay vỗ lên cổ nó:
– Ăn đi! Ăn đi! Ngon lắm đó.
Bảo-Hoà cười khúc khích:
– Chắc chắn đại hoà thượng từng ăn vụng thịt gà, nên mới biết nó ngon lắm. Không chừng còn ăn cả thịt chó cũng nên.
Thiệu-Thái thấy em đùa quá trớn, định xin lỗi nhà sư. Không ngờ nhà sư đáp:
– Cô nương nói đúng. Hồi chưa đi tu, bần tăng đã ăn thịt gà, thịt chó. Không những ăn, mà còn ăn nhiều nữa. Từ ngày đi tu đến giờ, bần tăng chỉ ăn chay.
Ăn chay có gì là ngon! Ở đây chỉ có anh em tại hạ. Hoà thượng xơi mấy miếng thịt, không ai biết đâu.
Nhà sư vẫn mỉm cười. Bảo-Hoà nói với anh:
– Tiếc quá, đại hoà thượng không được lấy vợ, bằng không em xin mạ mạ cưới làm chồng quách.