Ra khỏi Quảng Châu được mươi dặm, đường sá lầy lội khó đi. Chí Thiện bảo môn đồ thuê thuyền qua Kỳ Lãnh cương đến Long Xuyên hội vào cửa Tiểu Giang. Từ đó, năm thầy trò lên bộ đi Ác Dương huyện cách bến có mấy ngày đường.
Chí Thiện sư trưởng hỏi đồ đệ :
– Trong khi đi đường các con có để ý đến các thương thuyền tấp nập qua lại ven biển không?
Phương Thế Ngọc đáp :
– Bạch sư phụ, số thuyền thương, chài đi lại quá nhiều, nhưng không hiểu tại sao con có cẩm tưởng như thuyền nào cũng là thuyền giặc cả.
– Lý do gì đã khiến hiền đồ nghĩ như vậy?
– Diện mạo các thủy thủ phần nhiều dữ tướng quá.
Phương Hiếu Ngọc nói :
– Tam đệ xét người đi biển như vậy không được. Gió nắng biển khơi khiến da dẻ các thủy thủ người nào trắng thì đỏ ra, người nào vàng thì sạm lại và ai đã đen sẵn thì đen thêm, họ lại vạm vỡ khỏe mạnh, bởi vậy tam đệ tưởng họ dữ tợn chớ gì? Trái lại thuyền giặc và thuyền buôn có điểm khác nhau đặc biệt. Khấu thuyền đóng y hệt chiến thuyền, các tay chèo đặt sau thành thuyền, hạng lớn có ít nhất ba lá buồm. Hạng trung bình phải hai buồm. So với khấu thuyền, thương thuyền to lớn kềnh càng, thành thuyền thấp hơn nhiều, chèo lái ở cả trên mặt thuyền và chỉ có một cánh buồm lớn. Sở dĩ ngu huynh nhận ra các điều ấy là do trước đây thường đi tải hàng từ Triệu Khánh lên Triều Dương bằng đường biển, nên được các thủy thủ lão luyện chỉ dẫn cho biết.
Chí Thiện nói :
– Hiếu Ngọc nhận xét rất đúng. Chuyến này đi ta nhận thấy một hải thuyền như vậy, trên thuyền có một người quen mặt nhưng không nhớ ra là ai và đã gặp ở đâu rồi.
Phương Thế Ngọc vội hỏi :
– Bạch sư phụ, phải chăng là chiếc thuyền ba cánh buồm, sơn đen tuyền, vượt gần sát thuyền ta trưa hôm kia? Người mà sư phụ chú ý tới đứng dựa tay lên thanh thuyền, râu quai nón, sắc diện đỏ gay, trừng trừng nhìn sang thuyền ta, phải không?
Chí Thiện vỗ vai Thế Ngọc khen :
– Đồ đệ nhận xét khá lắm, chính hắn đó.
Năm thầy trò mải chuyện vãn bất giác đã tới Ác Dương huyện trong buổi chiều tàn.
Yên trí có sư trưởng đi cùng, Lâm Thắng dẫn mọi người về thẳng khu Trạng Nguyên đình đến thẳng võ đường. Lâm mẫu từ sân sau lên nhà trên mừng rỡ la lớn :
– A! Lâm nhi đã về! Mẹ mỏi mắt trông chừng tưởng thế nào sang Giêng con mới về tới nhà. Những vị này là ai đây?
Lâm Thắng thưa rằng :
– Đây là Chí Thiện sư trưởng và ba vị đây là Phương gia tam tuấn Hiếu Ngọc, Mỹ Ngọc, Thế Ngọc.
Lâm mẫu bái kiến Chí Thiện, đáp lễ ba anh em Phương gia, đoạn chỉ Lã Mai Nương :
– Đây là nữ hiệp Lã Mai Nương đã dự phần cứu Hoàng Khôn tiên sinh. Hiện thời họ Hoàng đang đàm luận cùng Bắc hiệp Cam Tử Long ở sân sau.
Dứt lời, Lâm mẫu vội kêu nữ tì bảo mời Cam Tử Long và Hoàng Khôn lên khách sảnh. Cam, Hoàng, hai người vội vã tới nơi, Hoàng Khôn mừng rỡ quỳ lạy Chí Thiện :
– Sư phụ giáng lâm, đệ tử không biết tiếp đốn, quả đáng tội muôn vàn.
Chí Thiện đỡ bảo đồ dậy :
– Đã không biết thì không có tội, hiền đồ khá an tâm.
Trong khi Hoàng Khôn bái kiến sư trưởng Thiếu Lâm tự, Lã Mai Nương đã nói qua tình hình Cam Tử Long nghe. Hai người cũng tiến tới bái kiến Chí Thiện, xưng danh tánh.
Sư trưởng hân hoan đỡ Song hiệp dậy mà rằng :
– Cho nhị vị hiền điệt bình thân. Chẳng hay Chiêu Dương thiền sư và Lã đại sư được mạnh không? Năm kia Chiêu Dương sư huynh có nói chuyện cho nghe về Cam lão anh hùng bị sát hại. Còn Lã đại sư, có lẽ người ít xuất ngoại lắm? Nhị vị hiền điệt xuống Nam ngoài việc du hiệp ra còn chuyện gì khác không?
Cam Tử Long đáp :
– Đệ tử được sư muội Lã Mai Nương đây đi giúp để tìm kẻ thù. Nghe nói tên gian đạo ấy hiện đang quẫn quất dưới Nam nên chúng đệ tử theo xuống đây tìm kiếm. Lúc đi qua Hàng Châu, đệ tử nghe mọi người còn bàn tán về vụ Vô Địch đài và Mai Hoa Thung nên tò mò hỏi địa chỉ Phương gia xuống thăm. Chẳng dè khi vừa tới huyện này thì gặp Hoàng đại ca đây lâm nạn.
Hoàng Khôn đỡ lời Song hiệp, thuật vụ hai người tiếp cứu, hạ sát Mã Xuyến, cắt tai chị em Mộng Ái và hai mụ Trương Lý cho sư trưởng nghe.
Sư trưởng chỉ ba anh em Phương gia mà rằng :
– Đây là ba anh em họ Phương. Người nhỏ tuổi đây là Thế Ngọc, cả ba theo bần tăng về Tung Sơn điều chỉnh lại công phu luyện tập. Chính bần tăng cũng thấy ngại về vụ Vô Địch đài và Mai Hoa Thung sẽ có nhiều hậu quả tranh giành thù hiềm, khích bác giữa các môn phái nay mai đây. Rồi đây đồng đạo tàn sát lẫn nhau. Đáng buồn cho tình trạng giao hảo giữa các võ phái quá. Trong lúc này người Mãn Thanh còn đang chà đạp lên cổ Hán tộc, các chí sĩ cách mạng phần nhiều do các Võ phái đào tạo nên, chưa xua đuổi được quân Mãn ra khỏi bờ cõi thì các môn đồ võ phái đã lâm vào cảnh huynh đệ tương tàn, chán ngán biết chừng nào! Bần tăng khuyên các con nên hết sức thận trọng tránh mọi sự gây hấn do môn đồ các phái khác, may ra còn có cơ dập tắt các nguy hại hiềm thù. Người của Võ Đang và Tây Khương khiêu khích quá! Ta ngờ có điều uẩn khúc. Xưa nay lỡ các môn đồ lầm lỡ đụng độ các sư phó vẫn thường hòa giải trong tinh thần tương thân tương ái. Hiện thời, tình hình căng thẳng, không còn đường lối xử trí nữa.
Quay sang Hoàng Khôn, Thiền sư nói :
– Thầy đến đây là vì việc của hiền đồ, nay vụ án đó đã xong, thầy phải đi gấp về Tung Sơn, nơi Ngũ Mai sư bá đang chờ.Vả lại anh em Phương gia cần được điều chỉnh công phu ngay, trễ ngày nào thiệt ngày ấy rồi. Hiện nay con đơn thân nhất cảnh, nếu không muốn hoạt động ngoài đời nữa, cứ việc trở lại chùa giúp thầy đào tạo mầm non.
Hoàng Khôn vâng lời chấp tay bái tạ.
Sư trưởng bảo luôn Song hiệp :
– Bần tăng mừng cho Bắc phái đào tạo được nhị vị hiền điệt kiếm khách giang hồ. Đó là một sự hãnh diện cho võ giới và phái Thiếu Lâm, Nga Mi. Chừng nào qua Tuyền Châu, hai hiền điệt ghé thăm Thiếu Lâm tự?
Cam, Lã nhận lời, bái từ Chí Thiện cùng ba anh em Phương gia.
Riêng Thế Ngọc quyến luyến Song hiệp vô cùng.
Chí Thiện sư trưởng và ba anh em Phương gia mải miết ngày đi đêm nghỉ, đến mồng mười tháng Giêng đến Đăng Phong huyện thì trời vừa tới.
Bốn thầy trò ra lối Tây môn vào Môn Sinh Tửu Quán trọ một đêm, sớm hôm sau mới lên Thiếu Thất sơn vào chùa Thiếu Thất.
Môn Sinh quán này cũng có một tiểu tử liên hệ đến Tung Sơn Thiếu Lâm tự.
Nguyên tửu quán này vẫn cha truyền con nối, có từ đời tiền Minh cho đến nay. Chủ quán họ Hồng tên Gia Hoàn, từ bao nhiêu đời tổ tiên đến hiện tại cùng là môn đồ Thiếu Lâm tự.
Đối với môn đồ thành tài từ chùa ra về thì, sau nhiều năm cơm chay kham khổ trên chùa, tâm lý con người ta là “đánh chén” một bữa thật say sưa cho đỡ thèm, mà cũng là bữa tiệc giã từ khu vực mà trước kia – hồi tưởng lại – họ bỡ ngỡ như mọi người thường, không biết lấy một ngọn quyền, một thế cước.
Trái lại, bây giờ con người ấy ra đi với tấm thân vạm vỡ, cường tráng của một dũng sĩ bản lãnh tuyệt luân, với danh từ “Môn đồ Thiếu Lâm tự” được chánh thức hạ sơn.
Còn đối với người đến xin học, họ đều biết nếu được thâu nhận thì những chuỗi ngày, tháng, năm dài dằng dặc sau đây, họ sẽ phải theo quy luật chay tịnh của nhà chùa.
Hồng Gia không những là môn đồ Thiếu Lâm mà còn là người xứ sở, hiểu tâm lý đó nên lập Môn Sinh quán treo chiêu bài ở khắp bốn cửa ngoại thành để cho những người mới biết đường tìm đến ăn, trọ trước khi vào chùa.
Nếu các môn đồ đồng khóa cùng hồi hương trong một buổi thì Môn Sinh quán là nơi để họ chuốc chén từ biệt sau nhiều năm chung sống, hẹn non xanh chẳng đổi, nước biếc còn dài, hứa ngày hậu hội.
Từ mấy thế kỷ nay, trải qua bao thế sự thăng trầm, quán môn sinh vẫn trơ trơ tuế nguyệt và quán chủ vẫn người họ Hồng truyền nghiệp. Ngoài mấy môn quyền, cước, họ Hồng đặc biệt thông thạo Kiếm pháp nổi danh khắp vùng Giang Nam. Thiên hạ không hiểu gọi là môn “Hồng gia Kiếm”. Thiệt ra Kiếm pháp nổi danh của họ Hồng phát tích từ Thiếu Lâm tự và “Hồng Gia Kiếm” tức là Thiếu Lâm kiếm pháp.
Chí Thiện sư trưởng về đến chùa, các môn đồ tăng lục tục kéo nhau ra đón chào hân hoan.
Thời ấy, trưởng tràng là tăng nhân đạo hiệu Thái Minh hòa thượng. Sư trưởng hỏi ngay :
– Ngũ Mai sư bá còn đây không?
Thái Minh đáp :
– Bạch sư phụ, sư bá hiện còn ở trong nội điện.
– Người tới đây lâu chưa?
– Thưa, được trên một tháng rồi. Sư phụ về vừa kịp thời vì sư bá chờ lâu quá đang định lên đường.
Chí Thiện giới thiệu ba anh em Phương gia với Thái Minh hòa thượng. Đoạn sư trưởng vào thẳng hậu đoạn gặp Ngũ Mai.
Thái Minh bảo Thế Ngọc :
– Thế ra hiền đệ là vị tiểu anh hùng thắng Đài chủ Vô địch ở Hàng Châu?
Thái Minh quay lại bảo bọn môn đồ :
– Các sư đệ hãy tụ tập cả ở võ sảnh, bần tăng sẽ tới sau.
Nói đoạn Thái Minh dẫn anh em Phương gia về sau chùa nhận nơi ở, sau đó cùng sang bên võ sảnh.
Hồi ấy trên Thiếu Lâm tự, ngoại trừ các “nội đồ” thế phát, trong số các “ngoại đồ”, những người dưới đây được chia làm ba hạng.
Hạng quá bực Trung đẳng đã theo học dư bảy năm:
Lý Cẩm Luân, người Tuyền Châu, Phúc Kiến.
Hồng Hy Quan, người Hán Khẩu, thuộc Hồ Bắc.
Tạ Á Phúc, người Trường Sa, Hồ Nam.
Ba môn đồ này đồng niên, được coi là khá nhất trong hồi bấy giờ.
Đổng Thiên Cân, người Nam Ninh, Quảng Tây.
Lương Bá Tòng, người Liễu Châu, Quảng Tây.
Liễu Bách Thăng, người Hải Châu, Giang Tô.
Thạch Thiên Long, người Kỳ Châu, huyện Giang Tây.
Cam Thượng Ân, người Anh Đức, huyện Quảng Đông.
Chu Thế Hùng, người Trần Giang.
Sáu môn đồ này học hơn năm năm, được liệt vào hàng trung đẳng.
Hạ Hầu Bá, người Khai Phong phủ.
Nhạc Bình, người Tô Châu.
Vương Tứ Nghi, người Tô Châu.
Gia Cát Quảng, người Dương Châu.
Hạn Kiềm Hái, người Hán Dương.
Lý Văn Quân, người Động Đình hồ.
Hồ Á Kiến, người Dương Thành, Quảng Đông.
Tám môn đồ này theo học dưới ba năm, liệt vào dạng dưới trung đẳng.
Nay thêm Phương Hiếu Ngọc, Phương Mỹ Ngọc và Phương Thế Ngọc. Tuy ba anh em Phương gia không theo học trên chùa từ lúc khởi đầu luyện tập, nhưng được Miêu Hiển luyện cho lâu ngày, bản lãnh cao siêu theo kịp Lý Cẩm Luân, Hồng Hy Quan và Tạ Á Phúc.
Riêng Phương Thế Ngọc nhỏ tuổi nhất, được Miêu Thúy Hoa tập luyện cho từ nhỏ, nên về cân lực có phần đặc biệt, hy vọng vượt những người trên khi tới tuổi trưởng thành.
Gặp Hồ Á Kiền, ba anh em Phương gia thấy Kiền vóc người mảnh khảnh, dáng điệu thư sanh, nhưng được cái khá lanh lẹ nhờ sự chăm chỉ luyện tập.
So với các bạn đồng hành, Hồ Á Kiền chịu khó nhất và được sư trưởng và Thái Minh chú ý. Đối với chàng, mối thù bọn Quân Cơ phòng sát phụ lúc nào cũng canh cánh bên lòng.
Sau ba năm theo học, Hồ Á Kiền đã mấy lần xin phép sư trưởng xuống núi hồi hương báo thù cho cha. Yêu cầu của Á Kiền trái với quy định Thiếu Lâm tự, không được chấp nhận.
Không biết làm thế nào, Á Kiền đành ở lại. Chàng âm thầm buồn bã. Nhưng cũng từ đó, chàng lầm lì ít nói, nhưng điên điên khùng khùng.
Mới đến, Thế Ngọc không biết, nên khi gặp Hồ Á Kiền là tiểu khách kể chuyện Hà thị và Hồ Á Đức cho Á Kiền nghe.
Như kẻ bị dội gáo nước lanh lên sống lưng giữa mùa đông rét mướt. Hồ Á Kiền tái sắc, mặt tím sạm lại. Y biết thành tích của Phương Thế Ngọc ở Hàng Châu và công phu luyện tập rất dài của tiểu anh hùng hơn mình nhiều nên kính trọng hỏi rằng :
– Sao đại ca biết hai người ấy là vợ, con tôi?
Thế Ngọc vô tình thuật lại chuyện can thiệp đánh bọn quân Cơ phòng giải cứu và sau đó tặng bạc cho Hà thị, Á Đức về quê.
Nghe xong chuyện, Hồ Á Đức mồ hôi phát ra như tắm, toàn thân run lẩy bẩy, mặt biến sắc.
Thế Ngọc sợ hãi vội hỏi :
– Kìa! Hồ đại ca sao vậy?
Á Kiền trấn tĩnh ngay, mỉm cười :
– Không sao. Nghe đại thuật chuyện tôi cảm như chính tôi được dự trận giải cứu đánh bọn Cơ phòng tan nát, sướng tay nên run bật lên như vậy. Hả quá!… Nhưng tiện nội có nói lên Quảng Châu làm gì không?
Thế Ngọc đáp :
– Hình như tẩu nương lên Quảng Châu tìm người bà con hỏi tiền nong chi đó, nhưng anh em tôi đã tặng bạc để tẩu nương kiếp về thẳng Dương Thành, kẻo gặp bọn Cơ phòng lần nữa lôi thôi nguy hiểm.
Hồ Á Kiền vái Thế Ngọc mà rằng :
– Ơn cứu tử và giúp bạc ấy không khi nào Hồ mỗ này dám quên.
Thế Ngọc vội giữ lấy hai vai Á Kiền :
– Ấy chết, sao lại hành động thế? Giúp người ngoài còn được nữa là người nhà bọn đồng môn.
Từ hôm biết chuyện gia đình, Hồ Á Kiền như đống tro than đã gần tàn lại được nhóm lên cháy bùng bùng.
Chàng đếm từng giờ, tính từng ngày, mong mỏi tới thời kỳ hồi hương gây sự với bọn Cơ phòng, đánh cho chúng một trận thịt nát xương tan mới hả lòng căm tức.
* * * * *
Ngũ Mai lão ni đang tụng niệm trước bàn thờ Đạt Ma sư tổ, giọng niệm vang vang lẫn với tiếng chày kình âm u đều đều trong kinh phòng vắng vẻ tranh tối tranh sáng, đượm hương trầm.
Đọc đến câu cuối cùng, lão sư buông chày kình, lễ năm lễ, đoạn ngồi nguyên như cũ, cất tiếng hỏi :
– Sư trưởng mới về đó ư?
Chí Thiện chắp tay lẳng lặng đứng sau bệ thờ từ nãy, chờ Ngũ Mai sư bá tụng xong bộ Kinh Dược Sư, người nói :
– Dạ, tôi mới về, và vào hầu sư bá ngay.
Ngũ Mai từ từ đứng dậy, cùng Chí Thiện sư trưởng thi lễ. Ngũ Mai hỏi :
– Phương Thế Ngọc có theo về chùa không?
Chí Thiện khẽ gật đầu :
– Có, cả hai anh của y là Hiếu Ngọc và Mỹ Ngọc.
– Miêu Thúy Hoa có lên không?
– Không, anh em Thế Ngọc từ Triệu Khánh lên Tây Thiền tự cầm thư giới thiệu của thân mẫu chúng.
– Chắc Thế Ngọc đã thuật vụ Hàng Châu cho Sư trưởng nghe rồi?
– Có thế.
Ngũ Mai trầm ngâm giây lát :
– Trận Mai Hoa Thung rất đáng tiếc, nhưng tôi dám chắc nếu ở trong tình thế ấy, Sư trưởng cũng hành động như tôi?
– Thưa, việc đó quả khó tránh trước một đối phương cố chấp, ngạo mạn, không chịu hiểu như Lý Ba Sơn.
Nhìn Chí Thiện, Ngũ Mai nói :
– Cho đến nay, tôi vẫn không hiểu thái độ ấy của Ba Sơn. Tuy không năng gặp y nhưng hình như xưa nay họ Lý không đến nỗi cố chấp, gàn bướng, bất cần đồng đạo như vậy.
– Tôi ngại một điều là vì bất cứ lý do gì, các võ phái chúng ta xâu xé, tàn hại nhau thì chỉ thêm làm trò cười cho quan dân nhà Thanh, vì từ ngày Thuận Trị vào Quan nội lập quốc, xâm chiếm Trung Nguyên, Vua tôi nhà Thanh vẫn hiểu rằng các võ phái là nơi đào tạo nhân tài, chí sĩ cách mạng rồi tung họ ra khắp đất nước Trung Hoa. Những người đó là phần tử gây rối cho việc cai trị của người Mãn không ít.
– Sư trưởng muốn nói rằng triều đình Mãn Thanh để ý các võ phái vì cho đó là lò sản xuất cách mạng diệt Thanh hưng Hán? Nói ngược lai, Thanh triều cho rằng các võ phái chống đối họ?
Chí Thiện gật đầu :
– Là lò sản xuất thì đúng hơn là chống đối.
Ngũ Mai giơ hai tay ra như phân bua :
– Phải đâu như bây giờ các võ phái mới sản xuất nhân tài?
– “Đành là từ cả ngàn năm rồi, nhưng hiện tại sự đào tạo sản xuất nhân tài ấy có hại về mặt chánh trị riêng đối với triều Mãn Thanh.
Thời Khang Hi, các vụ Phiên trấn, Thiên Địa hội, thời Ung Chánh vụ Hưng Minh, các nhân vật hoạt động mạnh mẽ trong các trấn, hội gây nên phong trào Bài Thanh sôi nổi ấy, số đông là cựu môn đồ Thiếu Lâm tự.
Khanh Hi và Ung Chánh sở dĩ làm tan nổi các phiên, hội đối lập, phần lớn đều do công lao của ban “mật vụ” đã trà trộn đó gây sự chia rẽ, nghi kỵ lẫn nhau giữa các đảng viên, để rốt cuộc bị các lực lượng Mãn Thanh càn quét.
Do ban “mật vụ” triều Thanh đã biết chí sĩ Hán tộc có bản lãnh xuất thân từ đâu, tất nhiên phải để ý đến các võ phái. Cho đến nay, Vua quan Mãn Thanh không dám triệt hạ một số võ phái nổi danh là do còn e lòng căm phẫn báo thù của các hàng sư trưởng, cao đồ. Ngoài ra còn một số lý do nữa khiến bọn Mãn Thanh không dám trực tiếp đụng đến võ phái là vì trụ sở võ phái đều là thiền tự phật giáo. Chúng e gây căm phẫn trong giới tu hành.
Đã không dám hành động trực tiếp, Vua, quan nhà Thanh há dại gì mà không đặc phái ban mật vụ hoạt động gián tiếp hại ta? Thí dụ như gây mâu thuẫn giữa các võ phái để đồng đạo đi đến chỗ tương tàn.
Tôi nghi thái độ kỳ dị của Lý Ba Sơn và Lôi Lão Hổ. Nếu họ Lôi không lập võ đài khiêu khích như phỉ nhổ vào mặt dân Tô Châu, Hàng Châu, Quảng Đông thì đâu có xảy ra vụ xung đột lưu huyết đáng tiếc vừa qua? Lập lôi đài là chuyện thường có, nhưng tại sao Lôi Lão Hổ phải dựng biển có tánh cách khiêu khích phỉ báng mọi người?
Hành động ấy có lợi gì cho Lôi Lão Hổ? Vì lẽ gì quan sở tại im lặng trước thái độ kiêu căng côn đồ ấy? Tại sao Lý Ba Sơn khăng khăng cố chấp đòi báo thù cho rể y?
Vì tham bạc mà vợ chồng Lôi Lão Hổ đã mù quáng lập lôi đài chăng? Số bạc đó tất phải cực lớn mới khiến chúng mất hết lý trí đem tài nghệ ra làm liều. Vậy số tiền đó xuất phát từ đâu? Ai cung đốn? Cũng như việc Lý Ba Sơn cố chấp đồi báo thù cho tế tử. Ai đã nhúng tay gây lớn đám lửa hận thù ấy?
Mỗi khi suy xét cân nhắc kỹ càng tôi đều nghĩ đến ban ‘mật vụ’ của Thanh triều”.
Nghe Chí Thiện biện luận một hồi, Ngũ Mai nói :
– Tôi đồng ý với sư trưởng và rất tiếc đã không tránh nổi vụ Mai Hoa Thung.
Chí Thiện cười mà rằng :
– Sư bá tránh sao được? Nếu chẳng may tôi ở trong trường hợp ấy cũng đành giao tranh thôi. Chúng ta là người bị thụ động mà! Muốn cứu vãn tình thế, thiết tưởng không có gì hơn là triệu tập một cuộc hội họp cấp sư trưởng, bàn luận tìm hiểu nhau mới đem lại tình hòa hảo cho các võ phái được, sư bá nghĩ có nên chăng?
Ngũ Mai suy nghĩ giây lát, chép miệng :
– “Khó lắm! Khó về vấn đề thời gian. Thí dụ như Tung Sơn Thiếu Lâm đứng lên triệu tập. Từ đây vào Tây Khương gặp Bạch Mi, lên Cam Túc vào Không Động gặp Thạch Phủ Kính, lên Thanh Hải vào Côn Luân gặp Lư Dương Minh, vạn dặm trường hành, không kịp mất. Vào Tứ Xuyên lên Nga Mi sơn, lên Không Động gặp Mã Dương cương, đi Võ Đang sơn mời Chu Tâm, Chiêu Dương, Lã Tứ Nương, Phùng Đạo Đức còn tạm được, chớ các nơi kia xa xôi quá đỗi.
Sau khi Lý Ba Sơn tử nạn, nghe nói Lý Tiểu Hoàn đã quàn thây cha đem về Tây Khương trình Bạch Mi định đoạt, từ bất đến nay, có lẽ Tiểu Hoàn đến nơi, và Bạch Mi đã định đoạt đối phó hay báo thù ra sao rồi, tôi e triệu tập cuộc hội họp cao độ không kịp.
Ngoài ra còn Phùng Đạo Đức nữa! Cái chết của Lôi Lão Hổ làm y khó chịu không ít vì Lão Hổ là đồ đệ độc nhất của Phùng Đạo Kính bên Chí Huyện, con trai Lão Hổ là Lôi Đại Bàng đang theo học trên Võ Đang. Các sự kiện ấy hợp lại đủ để Bát Tý Na Tra không nhận lời gặp chúng ta được.
Không những thế mà thôi, như sư trưởng dự đoán, nếu ban mật vụ của Càn Long nhúng tay vào thì tình thế này thuận lợi cho chúng đổ thêm dầu vào lửa. Phòng bị đã đành nhưng chúng ta cần phải chuẩn bị mới được!”
Hai vị thiền sư bàn luận về tình hình hồi lâu, lúc trở ra tiền điện thì tăng đồ vào báo cáo với Chí Thiện rằng có Mạnh Sơn tăng yết kiến.
Mạnh Sơn thấy hai thiền sư đạo mạo đi xuống, vội quỳ bái kiến :
– Mô phật, Mạnh Sơn tăng, đồ đệ Bạch Vân tự kính chào nhị vị sư trưởng.
Chí Thiện đỡ Mạnh Sơn dậy :
– Hiền đồ đứng lên, người nhà cả, bất tất dùng đại lễ. Hiền đồ từ đâu qua đây?
Mạnh Sơn tăng lấy trong ngực áo ra một phong thơ kính cần đưa trình Chí Thiện :
– Ngu đồ từ Sơn Đông xuống thẳng đây do lệnh của gia sư, đưa trình người bức thơ này.
Chí Thiện tiếp thư, nhìn qua phong bì rồi cùng Ngũ Mai bước vào thiền phòng ngồi xuống trường kỷ. Chí Thiện chỉ Ngũ Mai, bảo Mạnh Sơn tăng :
– Vị này là Ngũ Mai sư bá. Cho phép hiền đồ tự nhiên ngồi xuống bục nghỉ ngơi kẻo đi xa mệt nhọc.
Mạnh Sơn tăng khép nép ngồi xuống. Chí Thiện bóc thư đọc hồi lâu rồi đưa cho Ngũ Mai. Hai thiền sư nhìn nhau rồi khẽ gật đầu.
Trong thư, Chiêu Dương và Lã Tứ Nương nói đại khái về vụ Hàng Châu, nhưng nhấn mạnh về điểm lưu ý sư trưởng Thiếu Lâm tự nên thận trọng để tránh xích mích giữa các võ phái. Phần tái bút, Chiêu Dương có nói rằng đã sai đồ đệ Võ Sơn tăng đi Võ Đang sơn trình một bức thư khác cho Bát Tý Na Tra Phùng Đạo Đức.
Ngũ Mai nói với Chí Thiện :
– Đạo hữu Dương Chiêu và Lã Tứ Nương góp ý khi trong khi chưa xảy ra việc Lý Ba Sơn lập Mai Hoa Thung. Nay trễ rồi, bức thư gửi cho Phùng Đạo Đức không chắc đã hiệu nghiệm theo ý muốn. Nhưng dù sao bức thư ấy cũng là một tiếng vội vang từ Sơn Đông xuống, cho Phùng Đạo Đức hay rằng sư trưởng Bắc phái để ý đến vụ Hàng Châu và lưu ý giới Võ Đang sơn về hậu quả không hay có thể xảy ra cho Vô Địch đài.
Nói đoạn, Chí Thiện hỏi Mạnh Sơn tăng :
– Võ Sơn hiện thời vào Hồ Nam, vậy chừng nào hai hiền đồ trở về Mã Dương cương? Có hẹn nhau ở đâu không, hay mạnh ai nấy đi?
Mạnh Sơn tăng đứng lên đáp :
– Bạch sư trưởng, đệ tử hẹn Võ Sơn về Thiếu Lâm rồi cùng đi Sơn Đông phụng lệnh.
Chí Thiện mừng rỡ :
– Hay lắm! Như vậy ta sẽ biết được thái độ Phùng Đạo Đức đối với vụ này ra sao. Từ nay hiền đồ yên tâm ở lại chùa chờ Võ Sơn.
Chí Thiện nhắc lại việc gặp Lã Mai Nương và Cam Tử Long tại huyện Ác Dương cho Mạnh Sơn nghe.
Mạnh Sơn hỏi :
– Bạch sư trưởng Cam, Lã hai người có nói là sẽ đi nơi nào khác chăng?
– Nếu không có gì cản trở hai nam, nữ kiếm khách sẽ xuống viếng Quảng Châu rồi qua Triệu Khánh phủ thăm Phương gia trang. Tiện đây hiền đồ sẽ gặp ba anh em họ Phương bên võ sảnh.
Đáng lẽ thì sau khi bội đàm cùng Chí Thiện, Ngũ Mai trở về Vân Nam ngay, nhưng muốn chờ Võ Sơn tăng để biết tin Võ Đang sơn nên Người nán lại Thiếu Lâm tự.
Trong thời gian ấy, hai vị thiền sư luân phiên điều chỉnh công phu cho ba anh em Phương gia, thành thử ba người ấy – nhất là Thế Ngọc, nghệ thuật tấn tới vô cùng.
Chí Thiện cũng đặc biệt chú ý đến ba ngoại đồ mà bản lĩnh được coi là cao hơn cả trong số các môn đồ cũ. Đó là Hồng Hy Quan, Lý Cẩm Luân và Tạ Á Phúc.
Thái Minh Tăng cũng nhận được mật lệnh cấp tốc luyện tập cho cấp trung đẳng để nhân dịp này khảo sát Mộc Nhân, Mộc Mã.
Lúc bất giờ các môn đồ thế phát, ngoại trừ Thái Minh hòa thượng là trưởng tràng, có Thế Chi Tăng, Mục Dương Tăng được liệt vào hàng cao đồ. Sau đến Kiền Không Tăng, Giác Bảo Tăng, Pháp Bình Tăng, Thiên Trụ Tăng, bốn người này đồng hạng Hồng Hy Quan, Lý Cẩm Luân, Tạ Á Phúc.
Được tin có kỳ sát hạch Mộc nhân, Mộc mã vượt cấp bực, các học trò đua nhau tập dượt, ai nấy đều hy vọng thành công.
Hơn một tháng sau, Võ Sơn tăng về tới Thiếu Lâm tự ra mắt Ngũ Mai, Chí Thiện.
Sư trưởng hỏi :
– Thái độ của Phùng đại sư thế nào?
Võ Sơn thưa :
– Đại sư lầm lì không hề phát biểu ý kiến. Đọc thư xong, đại sư bảo đệ tử ở lại Võ Đang sơn hai ngày để chờ phúc đáp. Nhưng sau thời gian ấy, người bảo đệ tử trở về, nhắn suông rằng “Về nói với lệnh sư rằng ta đã đọc kỹ bức thư”. Ngoài ra, đại sư không nói hơn một câu nào khác.
– Hiền đồ quan sát thấy có gì lạ không?
– Thưa, bàn thờ Lôi Lão Hổ không biết được đưa về Võ Đang sơn từ bao giờ, nhưng thấy bày trong phòng Lôi Đại Bàng. Ngày ngày Đại Bàng vận tang phục nguyền lạy trước bàn thờ, phải chăng y thề nguyền phục hận? Hiện tại trên Võ Đang sơn tổng cộng có mười bốn môn đồ, trưởng tràng là Lôi Đại Bàng, bản lãnh quả rất đáng kể. Sau họ Lôi có Mã Mạnh Thái và Tào Thiên Báo.
– Hiền đồ có thể quy định cấp bực của những người ấy theo thể thức của Thiếu Lâm không?
– Thưa sư trưởng, không thể căn cứ vào đâu mà so sánh đúng được, bởi lẽ các môn đồ Võ Đang sơn tập luyện trong sân xây kín, cấm không cho người lạ ra vào. Thấy Phùng đại sư và mọi người quý mến, kính trọng Lôi Đại Bàng và căn cứ vào cách xưng, đệ tử đoán cấp bực và tánh cách quan trọng của từng người một.
Chí Thiện gật đầu.
Sáng hôm sau, trước giờ khảo thí Mộc nhân, Mộc mã, Chí Thiện sư trưởng đang ngồi ở Thiền phòng kiểm điểm các danh sách môn đồ nội ngoại đến thời kỳ phải qua Mộc nhân, Mộc mã, thì Hồ Á Kiền vào tới nơi quỳ lạy xin khảo thí sớm để được hạ san báo thù cha.
Nhưng vì Hồ Á Kiền mới học được ba năm, chưa đủ sức khảo thí mà luật lệ Thiếu Lâm không cho phép, nên Chí Thiện không chấp nhận khuyên y cố học hai năm nữa.
Biết không thế năn nỉ hơn được nữa, Hồ Á Kiền vái sư phụ, buồn bã trở ra.
* * * * *
Sáng hôm hai mươi tám tháng hai, các môn đồ Thiếu Lâm tự tề tựu đông đủ trong sân trước khu Mộc nhân, Mộc mã.
Linh vị Đạt Ma sư tổ được bầy trên áng trầm hương nghi ngút. Các môn đồ lớn nhỏ túm năm tụm ba chuyện trò.
Vào khoảng giữa giờ Thìn, ba tiếng chuông ngân nga từ đại hùng bảo điện vọng tới, báo hiệu sư trưởng Thiếu Lâm phái và Ngũ Mai sư bá sắp tới. Tức thì các môn đồ sắp hàng theo cấp bực đứng trước bàn thờ Đạt Ma sư tổ.
Trên cùng là trưởng tràng Thái Minh hòa thượng. Sau Thái Minh là Thế Chí và Mục Dương hòa thượng. Hai người này được liệt vào hạng cao đồ, dưới Thái Minh một trật.
Hàng thứ ba, tục lẫn lộn thuộc cấp trên trung đẳng. Kiền Không Tăng, Hồng Hy Quan, Lý Cẩm Luân, Tạ Á Phúc, Phương Hiếu Ngọc, Phương Mỹ Ngọc và Thế Ngọc.
Hàng thứ tư, ngoài sáu vị tăng đồ, có Đồng Thiên Cân, Lương Bá Tòng, Liễu Bách Thắng, Thạch Thiên Long, Cam Thượng Ân, Chu Thế Hùng. Hàng này thuộc cấp trung đẳng. Chính mười hai vị môn đồ này sáng nay thử đả Mộc nhân, Mộc mã.
Hàng thứ năm cũng tăng tục lẫn lộn, thuộc cấp trên sơ đẳng, ngoại trừ tám tăng đồ, có Vương Tử Nghi, Hạ Hầu Bá, Nhạc Bình, Gia Cát Quảng, Hàn Kiếm Hải, Lý Văn Quân, La Hán Thành và Hồ Á Kiền. Họ Hồ liệt vào hạng nhất nhì trong cấp đẳng này.
Mọi người hàng ngũ chỉnh tề, im phăng phắc.
Hai vị thiền sư đi hàng chữ nhất, trịnh trọng tới nơi, đứng lên hàng trên Thái Minh hòa thượng. Chí Thiện sư trưởng tiến đến bàn thờ Đạt Ma sư tổ thắp ba nén nhang, đoạn lùi bước về chỗ cũ, cùng Ngũ Mai hành lễ tam bá. Các môn đồ cùng quỳ xuống sân lễ theo.
Lễ xong, hai thiền sư quay mặt đứng thẳng người đối diện với các môn đồ đang quỳ. Họ hành thêm một lễ bái sư rồi đồng đều đứng dậy.
Chí Thiện sư trưởng và Ngũ Mai từ tốn bước đến bên bàn thờ Sư tổ, ngồi xuống bành kỷ ở hai bên tả, hữu.
Các môn đồ theo thứ tự đứng cả ra phía sau, ngoại trừ Thái Minh, Thế Chí, Mục Dương, ba hòa thượng phụ trách việc mở hay hãm máy Mộc nhân, Mộc mã và cấp cứu các môn đồ dự thí đuối sức bị thương tích, ba vị này đứng sang bên hữu bàn thờ sư tổ, kế bên Sư trưởng Thiếu Lâm.
Mười hai môn sinh, tăng, tục dự thí đứng riêng ra thành hàng chứ nhất ở bên tả. Chí Thiện đứng dậy cất tiếng vang như chuông đồng :
– Hỡi các hiền đồ! Người nào cũng đã từng trông thấy cảnh khảo sát bằng Mộc nhân, Mộc mã, nhưng thầy cũng nhắc lại rằng :
– Thứ nhất, ai qua một trăm lẻ tám hàng Mộc nhân, Mộc mã một cách dễ dàng mới thiệt có công phu.
– Thứ nhì, lỡ đang chống đỡ mà kiệt sức thì phải nằm xuống để người ngoài hãm máy tiếp cứu.
– Thứ ba, ai bị trúng một đòn, phải luyện tập và sẽ khảo sát lại sau ba tháng, hai đòn sáu tháng, từ ba đòn trở đi luyện lại một năm.
– Riêng phần ba anh em Phương Gia, Hiếu Ngọc, Mỹ Ngọc, Thế Ngọc bản lãnh thuộc cấp trên, nhưng vì chưa thử Mộc nhân Mộc mã, vậy cũng nên khảo sát công khai một lần cho biết. Giờ đây, các hiền đồ nên chuẩn bị.
Nói đoạn, Sư trưởng ngồi xuống bành kỷ và ra hiệu khởi sự. Thái Minh, Thế Chí, Mục Dương, ba hòa thượng tức thì vận động cơ quan đặt ở đầu dãy hành lang. Một trăm lẻ tám bộ Mộc nhân, Mộc mã bắt đầu chuyển động trước còn chậm chạp, về sau mỗi lúc một lẹ hơn, phát ra những tiếng động ầm ầm.
Thái Minh hòa thượng vẫy tay ra hiệu cho ba anh em Phương gia.
Thế Ngọc nói với Hiếu Ngọc và Mỹ Ngọc :
– Nhị vị hiền huynh cho phép tiểu đệ nhập trận trước.
Tức thì, tiểu anh hùng họ Phương tiến ra xá hai vị Thiền sư, đoạn né đòn của từng cơ quan một. Ra thoát đầu bên kia là thành công.
Thế Ngọc bình tĩnh gật đầu rồi nhảy vút vào trong hành lang nhập trận loạn đả. Chàng nhịp nhàng khi né, lúc đỡ, Bộ pháp và Quyền pháp như ăn khớp với Mộc nhân, Mộc mã. Mỗi khi cần đánh lại, Thế Ngọc lại vỗ bàn tay hay điểm mũi cước vào bộ phận của cơ quan trúng đòn của chàng, mọi người trông rất rành mạch. Lần lượt Thế Ngọc đảo qua hết một trăm lẻ tám Mộc nhân, Mộc mã rất dễ dàng và ra cửa Xuất. Chàng chạy tới vái trình hai vị Thiền sư rồi trở về chỗ đứng như cũ. Chí Thiện nhìn Ngũ Mai nở nụ cười đắc ý.
Đến lượt Hiếu Ngọc, Mỹ Ngọc. Hai anh em cùng nhập trận, Hiếu Ngọc khởi đấu trước, Mỹ Ngọc theo sau. Cả hai cùng đạt ý, chống, đỡ đánh hết và ra tới cửa Xuất. Tiếp theo, đến lượt sáu tăng đồ thuộc cấp bực phải chánh thức khảo thí hôm nay. Theo đúng lệ luật, họ phải nhập trận từng người một, người nọ thành công mới tới người kia. Trong sáu vị tăng đồ ấy có Lâm Không Tăng bị trúng một đòn nơi bả vai và một ở bên hông tả. Lâm Không bị loại, phải luyện thêm sáu tháng nữa mới được khảo sát lại.
Sau phần nội đồ thế phát, đến lượt các ngoại đồ. Đồng Thiên Cân nhập trước. Lần lượt đến Lương Bá Tòng, Liễu Bách Thắng. Ba người này thành công. Nhưng giữa lúc mọi người còn đang chăm chú nhìn Thạch Thiên Long sửa soạn nhập trận thì, một môn đồ nào đó lẻn vòng ra phía sau và nhảy vút vào khu Mộc nhân Mộc mã mà thử sức chống đánh thoăn thoắt.
Ai nấy đều sửng sốt nhận ra là Hồ Á Kiền. Chí Thiện sư trưởng đứng phắt lên cằn nhằn :
– Hồ Á Kiền không nghe lời thế nào cũng bị bể đầu bể sọ!…
Nhưng Á Kiền chống đánh nhịp nhàng, đúng phép qua được tám cơ quan rồi.
Thái Minh vội chạy xuống hỏi ý kiến Sư trưởng, Chí Thiện nói :
– Hãm cơ quan lại gọi Hồ Á Kiền trở ra. Thế nào y cũng bị trúng thương nặng.
Ngũ Mai ngăn :
– Y khởi trận khá lắm. Nên mặc y thử coi chừng nào bị đòn sẽ hãm cơ quan lại cũng vừa. Như vậy, hành động của Á Kiền sẽ là một bài học chung cho các môn đồ hạ cấp mà liều lĩnh.
Chí Thiện bảo Thái Minh theo lời Ngũ Mai sư bá.
Nói về Hồ Á Kiền giao đấu thoát khỏi hơn ba mươi bộ nhân, mã thì chân tay đã thấy rã rời, mồ hôi toát ra như tắm. Chàng đâm ra hoang mang, hoa mắt, hoảng hốt giữa rừng Mộc nhân, Mộc mã vô tình, cử động ầm ầm, đòn đánh tới tấp, không biết đường lối nào mà tiến, mà gạt đỡ chống né nữa. Đang lúc kinh sợ, Á Kiền hổng bị một Mộc nhân đạp trúng đùi lăn vào chân một bộ Mộc mã, bị hai vó ngựa bổ xuống trúng vai và ngực, tiếp đến bị Mộc nhân ngồi trên ngựa hạ xuống một côn nhằm đầu…
Đau quá, Á Kiền cố sức lăn sang bên thì, may thay côn hạ trúng đùi bên hữu, Á Kiền ngất lịm.
Những sự kiện ấy xảy ra trong khoảnh khắc nên khi Thái Minh hòa thượng cùng Thế Chí, Mục Dương hãm kịp các cơ quan thì Á Kiền đã nhừ đòn rồi.
Ba hòa thượng này vội vào xem xét thấy Hồ Á Kiền trúng đòn đau bị ngất, Mục Dương liền bế chàng lên, đem về nội phòng săn sóc.
Cuộc khảo thí được tiếp tục.
Mộc nhân, Mộc mã lại bắt đầu chuyển động và chuyến này đến phiên Thạch Thiên Long. Họ Thạch bị trúng hai đòn như Lâm Không tăng, phải luyện lại sáu tháng. Sau y là Cầm Thượng Ân bị trúng một đòn. Người sau cùng dự thí là Chu Thế Hùng, cùng sức với Đồng Thiên Cân, ra thoát khảo trường dễ dàng.
Cuộc khảo thí chấm dứt, Chí Thiện vào ngay nội phòng xem tình hình Á Kiền. Thấy Sư trưởng tới thăm, Á Kiền nhỏ lệ khóc, Chí Thiện thương hại :
– Thầy biết đồ đệ nóng ruột báo thù, nhưng phàm các môn học nào cũng vậy, văn cũng như võ, phải tuần tự nhi tiến, cấp bách vượt bực không khi nào thành công chắc chắn.
Sau cuộc đả Mộc nhân Mộc mã vài hôm, Ngũ Mai thiền sư trở về Vân Nam thu xếp công việc Long Sơn tự, hẹn cùng Chí Thiện sẽ trở lại xem tình hình Tây Khương và Võ Đang phản ứng thế nào về vụ Hàng Châu.
Một tháng sau, Hồ Á Kiền mới thật là lành mạnh, luyện tập điều hòa như trước. Nghĩ đến lối khảo thí Mộc nhân Mộc mã, chàng còn rùng mình rởn gáy.
Hai năm nữa. Hai năm đằng đẵng vô tận! Biết bao giờ mới nuốt hết thời gian đằng đẵng ấy, thê nhi ở Dương Thành không biết sanh tử thế nào!
Tâm can Hồ Á Kiền lúc nào cũng như bị hỏa thiêu nung nấu. Chàng buồn bã, ghê sợ Thiếu Lâm tự.
Từ hôm ấy, Hồ Á Kiền tự liệu không thể tiếp tục theo học trên Thiếu Lâm tự cho hết khóa, nên ngày ngày tính kế trốn về nhà.
Hiềm một nỗi suốt ngày đêm, sự canh phòng, do các tăng đồ lãnh trách nhiệm, rất cẩn mật khó bề đi thoát. Nguyên từ ngày người Mãn mở mang bờ cõi vào chiếm đóng Trung Nguyên, dựng nên triều Mãn Thanh, dân Hán uất ức theo học võ nghệ rất đông, các Sư trưởng Thiếu Lâm sợ người Mãn phái nội bọn cải trang vào Chùa giả theo học để quấy phá, nên từ cuối đời Thuận Trị, Sư trưởng bỏ tiền ra xây các vọng lầu canh phòng ở mấy nơi hiểm yếu dẫn vào Tung Sơn.
Theo luật lệ nhà Chùa, người nào được Sư trưởng chánh thức nhận cho theo học, trước khi khởi công luyện tập đều được Nội đồ cao cấp hướng dẫn cho quan sát khắp vùng Thiếu Thất sơn, để khả dĩ có một ý niệm về khu vực mà môn đồ đó sẽ trú ngụ trong nhiều năm trời.
Trong thời kỳ tòng học, không một Ngoại đồ nào được nhân lúc nhàn rỗi, xin phép hay tự ý xuống núi hay rong chơi quanh sườn núi, ngoại trừ những buổi được Sư trưởng hay vị Trưởng tràng dẫn xuống Lộng Nguyệt hồ hay Lạc Nhạn đầm học thủy công, là các môn đồ được ra khỏi bức trường thành Thiếu Lâm tự [1]
Tung Sơn là dãy núi thiên hiểm ở giữa vùng giáp giới ba tỉnh Phúc Kiến, Hồ Nam và Giang Tây, nhưng thuộc phần đất Tuyền Châu, Phúc Kiến trong địa giới hai huyện Đăng Phong và Tân Mật.
Trong dãy Tung Sơn có ngọn núi cao nhất hiểm trở vô cùng tên, là Thiếu Thất sơn, cao một ngàn bốn trăm trượng.
Thiệt ra, dân hai huyện Đăng Phong, Tân Mật ít khi được trông thấy đỉnh ngọn Thái Thất sơn.
Hầu hết suốt tháng, quanh năm, mây tụ dày đặc bao phủ lấy ngọn núi ấy, hết đợt nọ tới đợt kia không mấy khi tan hẳn.
Tuy vậy, cũng có một đôi khi – và chỉ trong khoảnh khắc – trời quang xanh ngắt, gió lộng Tây Phương thổi bạt những đợt mây thường trực ấy rời khỏi đỉnh ngọn Thái Dương qua hướng Đông, đỉnh núi lộ hẳn ra xanh biếc rõ rệt giữa khoảng không trong vắt.
Dân chúng hai huyện lân cận không khỏi líu ríu gọi nhau rủ xem, coi đó là một kỳ tượng hãn hữu.
Người ta nhận ra đỉnh Thái Thất sơn y hệt một cái sọ người khổng lồ, bởi vậy mới đặt tên là Hoa Cái Phong. Nhiều người mê tín vội vàng bày cả hương án ra thắp nhang quay về hướng Thái Thất sơn lễ bái, khấn khấn cầu cầu, rầm rì…
Nhiều bà thành kính cúi đầu khấn tràng giang đại hải, tới lúc ngưỡng lên chiêm ngưỡng kỳ tượng thì Hoa Cái Phong đã hoàn toàn bị mây phủ kín.
Dãy Tung Sơn kéo dài từ phía Bắc đến Thái Thất thì tắc quãng bởi một thung lũng nhỏ. Đầu thung lũng bên kia là ngọn Thiếu Thất sơn đứng trơ trọi một mình, nhưng tiếp giáp với dãy núi khác thuộc phần đất Hồ Nam chạy dài về hướng Tây nam.
Thiếu Thất sơn cao tám trăm trượng, đỉnh núi thiên nhiên bằng phẳng, tròn như mặt chiếc nia, diện tích rộng lớn y hệt có bàn tay vô tình nào đã gạt văng mất chóp núi vậy.
Dường như Thiếu Thất sơn tuy vằn vòe nhưng tương đối dễ đi. Chung quanh và trên mặt núi mọc toàn giống cây trái và thông cổ thụ gốc lớn hàng ôm.
Thiếu Thất sơn ở phía Tây bắc huyện Đăng Phong và chỉ cách huyện này có mấy dặm đường.
Chính Thiếu Lâm tự được xây dựng ở trên Thiếu Thất sơn, nhưng thiên hạ quen gọi là Tung Sơn nên hai tiếng Thiếu Thất ít được nhắc tới.
Thiếu Lâm tự thành lập từ đời Lương Võ Đế, sau trải bao thế sự thăng trầm, ngôi chùa nhỏ đó bị bỏ hoang.
Đến đời mạt Đường, Đạt Ma sư tổ gốc người Tây Tạng qua Trung Quốc truyền giáo và truyền luôn môn võ thuật canh tân thực hành do Người, căn cứ vào nền cổ thuật đã chế biến, tìm tạo ra.
Sau khi truyền dạy Ba Mươi Hai đường Hồng quyền cho Triệu Khuông Dẫn, Đạt Ma vân du khắp đất Trung Nguyên, lúc qua Đăng Phong huyện thấy cảnh Tung Sơn ưng ý bèn dùng công phu luyện tập lên thám hiểm cả hai ngọn Thái Thất và Thiếu Thất.
Trên Thiếu Thất, Đại sư tìm ra Thiếu Lâm tự trong cảnh hoang tàn, nên có ý muốn xây dựng lại ngôi tiểu viện ấy thành một đại tự vừa tu hành vừa truyền kỹ thuật Công Phu cho thiên hạ. Gần chân núi Thiếu Thất, có một thạch động ăn sâu vào lòng núi. Đạt Ma khám phá ra thạch động ấy và tu luyện tạm tại đó trong mười năm trời trước khi kiến thiết chùa Thiếu Lâm. Cũng trong thời gian ấy, người môn đồ đầu tiên của Đạt Ma là Triệu Khuông Dẫn thành lập Đế nghiệp.
Nguyên khi đã học đầy đủ bài Hồng quyền, Triệu Khuông Dẫn liền chu du thiên hạ giao kết anh hùng, nổi danh với tài sử dụng ba mươi hai thế quyền, cước đặc sắc ấy. Khí thế nhà Đường đã suy, Khuông Dẫn lập nên nghiệp đế khởi đầu kỷ nguyên nhà Tống tự xưng Thái Tổ.
Bài Hồng quyền do Tống Thái Tổ sử dụng được anh hùng thiên hạ chuyển danh là Thái Tổ Quyền. Đạt Ma tới thăm, Tống Thái Tổ nhớ ơn sư phụ bèn cung cấp đủ thứ để Đại sư xây dựng Thiếu Lâm tự theo bản đồ mới do Đại sư họa thành.
Dư tiền tài, Đạt Ma đích thân đốc thúc thợ thuyền đủ các ngành khởi công xây dựng Thiếu Lâm tự. Trong thời kỳ hơn mười năm trước, Đạt Ma lấy giống một thứ cây bên Tây Tạng gọi là Thiết Mộc về trồng ở Thiếu Thất sơn. Tới khi khởi công xây dựng chùa mới, thì giống Thiết Mộc đã cao lớn um tùm mọc thành rừng khắp chung quanh Thiếu Thất.
Thiết Mộc rắn như sắt, bền bỉ không sợ mối, mọt. Những phần nào bằng gỗ trong công cuộc xây dựng, Đạt Ma đều dùng toàn thứ gỗ quý ấy cả.
Ròng rã mười năm trời, Đại sư hoàn thành chùa Thiếu Lâm theo ý muốn của Người. Các thứ cây vô dụng mọc ở Thái Thất sơn đều bị phá bỏ, thay thế bằng Thiết Mộc và đại thông. Đường lên núi được sang sửa, những khúc khó khăn đều được xây thành bực dành cho khách bộ hành.
Trong chùa, các Phật tượng hoàn toàn bằng gỗ trầm hương. Đại sư đúc năm chiếc chuông đủ cỡ lớn, nhỏ. Chiếc lớn nhất cao một trượng rưỡi, nặng dư ba ngàn cân vừa đồng vừa vàng, treo trên Tam quan. Sức nặng ấy được trục treo lên một cây xà ngang bằng cả một cây Thiết Mộc lớn hai ôm trên lầu nhì Tam quan.
Mỗi khi đánh chuông, hai vị tăng lực lưỡng dùng chầy Thiết Mộc treo bằng thừng lên xà nhà, đưa đầu chày bọc da vào mắt chuông, tiếng đồng ngân vang, dân hai huyện Đăng Phong, Tân Mật đều nghe rõ.
Từ thời Đạt Ma sư tổ, sáng chiều hai buổi, tiếng chuông chiêu mộ ngân vang khắp bốn phương trời…
Năm khởi công xây dựng lại Thiếu Lâm tự, Sư tổ đúng một trăm lẻ hai tuổi mà sức lực còn rất mạnh mẽ, da dẻ hồng hào tính quắc thước như người mới độ lục tuần.
Đúng ba mươi tám năm sau và cũng là cuối đời Tống Thái Tông Triệu Khuông Nghĩa, Đạt Ma viên tịch, hưởng thọ một trăm bốn mươi tuổi, trong lúc Người tham thiền trong Thạch động.
Mọi người trên chùa không thấy Sư tổ trở về liền xuống thạch động tìm. Lúc đến nơi, họ thấy Sư tổ ngồi nguyên như bức tượng thì tưởng Người còn đang định thần, nên quỳ mọp cả xuống sau lưng. Hồi lâu, vị trưởng tràng là Nhất Lâm hòa thượng ngửng đầu nhận xét, thấy Sư tổ không thở nữa, vội vàng đứng dậy cầm cổ tay chẩn mạch mới biết là Người đã viên tịch, toàn thân lạnh cứng.
Lúc đó trời đã tối, trong Thạch động còn tối hơn, một vị tăng đốt đuốc lửa cắm vào vách đá. Ánh lửa chập chờn soi sáng, phản chiếu trên những chiếc đầu nhẵn bóng láng như gương và nét mặt lầm lì của chư tăng đang rì rầm tụng niệm cầu cho hồn Đạt Ma sư tổ sớm ngựa Phật đài.
Nhất Lâm hòa thượng gỡ chuỗi tràng hạt trong tay Sư tổ, đồng thời bật ra một phong thư nhỏ. Hòa thượng vội nhìn qua thấy đề vỏn vẹn có mấy chữ Hỏa táng bần tăng xong hãy đọc, liền đưa bức thư đó cho Tri Khách tăng giữ.
Hỏa táng xong, toàn thể môn đồ đồng ý bỏ mớ tro vụn vào quách đá chôn trong cùng thạch động và khắc linh vị Sư tổ ngay trên vách đá nơi Người, lúc sinh thời, vẫn nhập định tham thiền.
Nhất Lâm hòa thượng được toàn thể môn đồ Thiếu Lâm theo di chúc của Sư tổ tôn lên làm Sư trưởng, vị Sư trưởng đầu tiên của ngôi đại thiền viện hữu danh ấy. Nhất Lâm sư trưởng đặt tên hang đá là Trấn Võ Động.
Giữa khoảng hai trái núi Thái Thất và Thiếu Thất, trong thung lũng nhỏ, có một thủy hồ tròn như mặt trăng, nước trong vắt tựa pha lê, sâu tới bốn trượng.
Những đêm trăng, đứng phía sau ngọn Thiếu Thất nhìn xuống thung lũng, người ta thấy mặt hồ sáng loáng và có cảm tưởng như thể gương Nga mê luyến cảnh núi rừng mà rót xuống giữa thung lũng nhỏ bé ấy từ hồi nào… Bởi vậy Nhất Lâm sư trưởng mới đặt tên Lộng Nguyệt hồ. Lộng Nguyệt hồ ở ngay sau núi Thiếu Thất, nước lại trong xanh, mặt hồ tròn vành rộng rãi, Nhất Lâm sư trưởng cứ một tháng ba lần, đem các môn đồ đi đường tắt sau núi, xuống đó dạy luyện thủy công.
Ngay bên tả lối vào Thiếu Thất sơn, cách độ nửa dặm, có một cái đầm cực lớn nhiều mẫu, quanh bờ lau sậy um tùm.
Những buổi xuân thì gió êm sóng lặng, mặt hồ trong như khối pha lê, bầy nhạn tha hương bay soi mình thấy bóng, ngờ là đồng bạn, liền nhào xuống mặt hồ khiến nước vọt trắng xóa tựa thủy ngân, vô cùng ngoạn mục. Nhân vậy người ta đặt tên là Lạc Nhạn đầm.
Đến đời Minh Thành Tổ, Sư trưởng Thiếu Lâm, pháp hiệu Chiêu Đức mở mang toàn khu Lạc Nhạn đầm, phát nhẵn các khóm lau sậy trên bờ đầm thuộc phía Thiếu Thất sơn, trồng nhiều chặng tòng dương lả lướt mịn màng soi bóng bên bờ rất nên thơ Sư trưởng còn cho dựng Lục Lăng đình, xây bờ neo du thuyền, tao nhân mặc khách đến nhàn du quanh đầm Lạc Nhạn.
Cảnh sắc Tung Sơn và vị trí Thiếu Lâm tự là thế, quy luật thép vẫn được y nguyên truyền thống, nhưng về hình thức, các vị Sư trưởng kế tiếp nhau canh tân hóa tùy theo thời đại, và cho đến đời tiền Thanh thì xây thêm các vọng lâu canh phòng, trấn khắp nẻo hiểm yếu vào chùa.
Hồ Á Kiền suy tính, tưởng tượng, phác họa trong trí não lối trốn ra khỏi chùa Thiếu Lâm. Chàng tính đi nẻo Đăng Phong huyện không xong, ngày cũng như đêm khó lòng thoát khỏi các vọng canh. Riêng phía sau núi, nhờ địa thế hiểm yếu của ngọn Thái Thất sơn chặn lối vào Thiếu Thất, nên chỉ có một vọng canh xây ngay ở lối tắt dưới chân núi. Tránh được vọng lâu đó, đi ra Lộng Nguyệt hồ, sang phía Thái Thất sơn men theo rừng rậm đầy ác thú, lẩn ra huyện Tân Mật mới thoát.
Tính toán thiệt kỹ, nhất định thi hành chương trình trốn về quê hương, Hồ Á Kiền cố ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập cho thân thể hoàn toàn bình phục, bí mật tích trữ lương khô và chờ đến đêm cuối tháng trời tối mịt mù, lẻn ra phía sau chùa Thiếu Lâm chui qua cống đục lưới sắt mà đi.
Hồ Á Kiền đã tính đúng. Chàng lẩn lút qua các bụi cây, lẻn ra Lộng Nguyệt hồ, băng ven rừng rậm ra tới Tân Mật huyện, lạc lõng mất hơn hai ngày đêm.
Sáng hôm sau, các bạn đồng môn dậy sớm hợp thành đoàn để ra võ sảnh thao luyện, không thấy Á Kiền.
Sau đó, tới sân luyện võ, Thái Minh hòa thượng điểm danh, thấy vắng Á Kiền liền phái Hạ Hầu Bá về phòng ngủ lục soát, mới biết là y đã đem cả trang phục và lấy cây Mai Hoa thương của nhà chùa trao cho y trốn mất.
Thái Minh lập tức lên thiền phòng tường trình cùng Chí Thiện, một mặt nhờ hai hòa thượng Thế Chí, Mục Dương tìm kiếm lối Hồ Á Kiền đã trốn khỏi nhà chùa.
Nghe tin ấy, Sư trưởng cau mày, dậm chân mà rằng :
– Ta biết là Á Kiền muốn về quê, nhưng không ngờ y dám trốn khỏi Thiếu Lâm sau khi Mộc nhân, Mộc mã đánh quỵ. Hừ! Không khéo Á Kiền lại gây tai họa với tài sức dở dang của y đây!…
Sư trưởng bảo Thái Minh :
– Á Kiền chưa đủ tài phi thiềm tẩu bách vượt được tường cao nhà chùa, tất y chui qua các cống nước, hiền đồ thử hướng sự tìm kiếm theo các ngả đó sẽ biết ngay.
Thái Minh chưa kịp đáp lời thì hai hòa thượng Thế Chí và Mục Dương đã trở về báo rằng Hồ Á Kiền phá lưới sắt chui qua cống nước sau Chùa ra ngoài.
Chí Thiện đi đi lại lại, đoạn nói :
– Á Kiền ranh mãnh tính rằng lối sau Chùa chỉ có một vọng lâu nên y tránh nơi đó ra lối Lộng Nguyệt hồ, qua Thát Thất liều mạng băng rừng qua Tân Mật huyện. Chắc chắn như vậy rồi!
Thái Minh nói với Sư trưởng :
– Sư phụ hạ lệnh cho người đuổi theo Hồ Á Kiền còn kịp, bắt y lại sau sẽ hay.
Chí Thiện lắc đầu :
– Vô ích! Giờ này y tới khu rừng rậm bên Thái Thất sơn rồi.
– Hồ Á Kiền tất phải về Quảng Châu gây sự với bọn Cơ phòng vậy sư phụ nên phái ngay người về Quảng Đông báo với Tam Đức và Thái Trí biết để liệu đường ngăn cản.
Sư trưởng gật đầu :
– Báo cho Tam Đức, Thái Trí là biện pháp hay, nhưng ngăn Á Kiền báo phụ thù – một mối thù có thật – sao được? Y tìm thầy học võ để báo thù nay trốn khỏi nhà chùa cũng vì nóng báo thù.
Nghĩ việc Á Kiền không biết suy tính bỏ trốn thì giận thực nhưng chẳng qua y cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt, biết buồn khổ, đau thương, sự trốn tránh bỏ chùa ra đi của Á Kiền chỉ là một hành động vô lương trí, nóng nẩy phải không?
– Dạ, sư phụ dạy chí phải.
– Hiền đồ hãy vì ta biên thư cho Tam Đức, Thái Trí hay và liệu phái người lập tức đi Quảng Châu. Tập luyện xong, lát nữa viết thư cũng được. Ngoài ra, ta muốn xây một vọng canh ở Lộng Nguyệt hồ, hiền đồ liệu trù tính việc đó.
Thái Minh vâng lời trở ra võ sảnh đường. Sư trưởng cũng lững thững ra sau chùa quan sát chỗ Hồ Á Kiền chui ra khỏi cống bịt lưới sắt.
* * * * *
Nói về Nữ Bá Vương Lý Tiểu Hoàn cùng bọn tiểu đồ áp tải quan tài Lý Ba Sơn về Tây Khương trình Bạch Mi đạo nhân, qua thiên sơn vạn thủy thiệt cực nhọc khó khăn.
Vượt Tây Xuyên, qua Trùng Khánh được ba ngày đường, vào địa phận Ma Bình huyện, đoàn người đi tới một khu hoang vắng.
Tiểu Hoàn bị Bệnh Nhị Lang Triệu Tần, tướng cướp ở Tú Hoa sơn đón đánh vì y ngờ quan tài đựng vàng bạc châu báu. Nhưng không cự nổi Lý Tiểu Hoàn, Bệnh Nhị Lang đành chạy trốn vào rừng. Chợt có Cửu Đầu Đà, đồng bọn của Bệnh Nhị Lang, học trò của Lý Ba Sơn nhận ra là người nhà, mời Tiểu Hoàn lên Tú Hoa sơn nghỉ, hôm sau Lý Tiểu Hoàn mới tiếp tục lên đường.
Nói về Bạch Mi đạo nhân, đang luyện võ cho các đồ đệ là Ngô Kiếm Thọ, Ngụy Tiết Khánh, Tống Kế Tổ và Lương Trí Vinh, do đệ tam môn đồ phái Tây Khương và Bạch Võng chỉ bảo, tại ngôi La Hán tự trên Triều Vân sơn, bỗng nghe nóng ruột lạ lùng, ngồi đứng không yên. Chợt có Lý Tiểu Hoàn vào òa lên khóc, quỳ lạy Sư tổ.
Thấy nàng vận đại tang phục, Bạch Mi giựt mình bảo nàng đứng dậy, hỏi han tự sự. Nghe xong câu chuyện, Bạch Mi lặng người ngồi như thạch tượng.
Trong khi kể chuyện cho Sư tổ nghe, Tiều Hoàn đã cố ý bỏ quên vụ Lôi Lão Hổ nhận tiền của Thiết Diện Hổ lập Vô Địch đài thách thức, nhạo báng anh hùng thiên hạ.
Vả lại, dù nàng có nới tới chuyện đó chăng nữa, Đạo nhân cũng bất chấp. Nguyên tắc của Bạch Mi là hạ sát Lý Ba Sơn – lão môn đồ phái Tây Khương và là đồ đệ đầu tiên của mình – tức là khinh miệt toàn phái. Không thể tha thứ Ngũ Mai được, và đồng phái Thiếu Lâm cũng vậy.
Một nguyên nhân nữa thúc đẩy Bạch Mi tức giận đến cực độ. Nguyên xưa nay, Thiếu Lâm phái vẫn nổi danh hơn Tây Khương, Ngũ Mai đả tử Lý Ba Sơn trên Mai Hoa Thung, chắc không ngoài mục đích phô trương một cách cụ thể cho toàn dân Hàng Châu thấy rõ rệt phái nào hơn phái nào.
Bạch Mi biết dũng lực, bản lãnh của từng đồ đệ một.
Ngoài đệ nhất môn đồ Lý Ba Sơn, trong số tân môn đồ có Cao Tấn Trung, Mã Hùng, Phương Thất, Bạch Dũng, Tống Kế Tổ, Lương Trí Vinh, Tiêu Khiết, Văn Thành Quý, Ngô Kiếm Thọ, Ngụy Tiết Khánh là các ngoại đồ.
Cao Tấn Trung, Mã Hùng, Thiên Lũy còn cao hơn Lý Ba Sơn về bản lãnh cũng như dũng lực, nhưng quen gọi họ Lý là sư huynh. Đứng cấp thứ nhì có Phương Thất và nội đồ pháp hiệu Giác Bình. Sau tới Bạch Dũng, Tống Kế Tổ, Lương Trí Vinh và các môn đồ cả tăng lẫn tục khác.
Nói về Lý Tiểu Hoàn khóc lóc thảm thiết yêu cầu Sư tổ Tây Khương định đoạt và phái người báo thù cho cha và chồng nàng, Bạch Mi vùng dậy, lầm lì, khoanh hai tay ra sau lưng đi vòng quanh gốc cổ tòng. Hồi lâu, Bạch Mi nói :
– Việc cần làm trước nhất là mai táng cho thân phụ nữ điệt, rồi chờ ta quyết định.
Bạch Mi bàn với Thiên Lũy cần phải phái mấy người ngoại đồ cao cấp xuống Vân Nam gặp Mai Nương hỏi chuyện trước khi sang Quảng Đông tìm Phương Thế Ngọc.
Cao Tấn Trung, Mã Hùng, Phương Thất và Bạch Dũng được tuyển lựa đi Vân Nam, Quảng Đông nhưng ba người đều đi Trùng Khánh chưa về nên Bạch Mi đành bảo Lý Tiểu Hoàn nán lại La Hán tự đợi họ cùng đi.
Phần Lý Tiểu Hoàn thấy Bạch Mi ưng thuận trông nom tới vụ báo thù rồi, nàng an tâm xin phép Sư tổ trở về Võ Đang sơn để gặp con trai là Lôi Đại Bàng rồi sẽ xuống Quảng Châu chờ Cao, Mã, Phương ở Thanh Thiên quán, Nam môn Quảng Châu, trước khi đi tìm mẹ con Phương Thế Ngọc.
Bạch Mi ưng thuận.
Lý Tiểu Hoàn đi được hơn nửa tháng, bọn Cao Tấn Trung mới trở về La Hán tự.
Xưa nay, các môn đồ Tây Khương vẫn hoa chân múa tay muốn cùng môn đồ Thiếu Lâm tự so tài cao thấp để định đoạt ngôi thứ trong võ giới. Bây giờ bỗng dưng được lãnh nhiệm vụ tìm các nhân vật phái Thiếu Lâm, họ lấy làm sung sướng hả hê.