Từ sau trận đấu dưới gốc tùng Sagarimatsu, danh tiếng Mata Ichirou ngày càng nổi như cồn.
Thứ đệ nhà Yoshioka thân thể cao ráo, khỏe mạnh, dáng người tuấn tú. Bước đi lại dịu dàng. Đến nỗi trong số bọn con gái có nhan sắc ở khu trường ngựa Yanagino, có nhiều kẻ cho họa sĩ vẽ chân dung Mata Ichirou mà dán trong phòng.
Theo như ghi chép phía nhà Yoshioka, thì nhân vật Bandan Uemon Naoyuki sau này tử chiến trong trận mùa hè ở Osaka đã có lần đến thăm võ đường này. Nhân vật tiếng tăm này trong thời gian dài lang bạt giang hồ, khốn cùng túng quẫn có đến nương tựa nơi hòa thượng Dairyu của thiền viện Diệu Tâm mà cầm cự qua cơn đói. Lúc này Badan xưng danh là Thiết Ngưu, ngày ngày đi mây về gió khắp nơi trong kinh, gõ cửa từng nhà xin ăn. Hình dong lúc nào cũng như kẻ lang thang, hông lại đeo đại kiếm nên dân chúng thương hại mà tranh nhau bố thí.
Bandan Uemon ghé đến nhà Yoshioka ở Nishino Touin chẳng qua cũng chỉ là vì mục đích này. Cũng giống như bách tính trong thành, Kempou thương hại cảnh ngộ không hợp thời mà cho mời vào thư phòng đãi làm thượng khách.
Bandan nhìn Mata Ichirou một hồi rồi nói:
– Chẳng hay thiếu hiệp có phải là công tử nhà Yoshioka mà bọn con gái trong kinh vẫn truyền tụng không?
Bandan nhìn chăm chú, ra vẻ quan tâm lắm. Kempou vốn đã từng gặp gỡ Bandan trước đây nên cũng không ngại ngùng gì:
– Thiết Ngưu tiên sinh là dũng sĩ vào sinh ra tử nơi chiến trường, vậy ngài thấy ngu đệ Mata Ichirou như thế nào?
– À.
Bandan Uemon vốn không hiểu gì về binh pháp võ nghệ. Thuật đao thương kiếm pháp và chuyện chém giết nơi chiến trường là hai việc hoàn toàn khác nhau. Trong số các bậc danh nhân võ nghệ thì hầu hết đều chưa từng trải qua kinh nghiệm chiến trường. Cho nên trong mắt của Bandan thì binh pháp võ nghệ chẳng qua chỉ là một cái “nghệ” như vẽ tranh khảy đàn mà thôi.
– Thiếu hiệp là một nghệ giả lanh lợi hoạt bát.
Uemon thật thà đáp. Kempou thản nhiên gật đầu nhưng dường như Mata Ichirou lại nổi nóng:
– Vậy theo Thiết Ngưu tiên sinh thì kiếm thuật cũng chỉ là một thứ nghệ năng như đánh trống thổi sáo thôi sao?
– Ấy, thật là phiền.
Uemon rót chén rượu như đùa cợt, một hơi uống cạn rồi lại rót thêm mấy chén nữa:
– Tại hạ không hiểu gì hơn ngoài chuyện trận mạc chiến trường. Vì chưa từng nghe thấy chuyện chỉ cần dùng đao thuật kiếm pháp thôi mà công được thành, nên tại hạ cho rằng chỉ là một cái nghệ mà thôi.
– Thế thì tiểu sinh xin được lĩnh giáo một chiêu với tiên sinh. Nào xin mời ra võ đường.
Mata Ichirou toan đứng dậy nhưng Kempou đã vội ngăn lại:
– Mata, đã quên gia pháp rồi sao!
Nhà Yoshioka trước đây cũng đã từng xảy ra chuyện tương tự như thế này. Chuyện xảy ra với Kempou đời trước là Naokata, phụ thân của huynh đệ Naotsuna. Theo như ghi chép thì lúc bấy giờ, Thái Cáp Toyotomi Hieyoshi cho vời Naokata vào thành Fushimi, cho tỷ thí với Katou Kazue Nokami Kiyomasa. Kiyomasa là danh tướng một đời bên cạnh Hideyoshi, từng vào sinh ra tử lập biết bao chiến công.
Trong lần xuất binh sang Triều Tiên, quân đội Hideyoshi gặp mãnh hổ tấn công thì Kiyomasa đã một mình giết hổ giải nguy. Nhưng nếu là Hideyoshi cho vời Naokata thì quả thật kỳ lạ. Ban đầu Hideyoshi chỉ xuất thân từ một anh lính trơn rồi lập được công trạng mà lên đến chức Thái Cáp, nắm thiên hạ trong tay, nhưng cho đến lúc chết cũng chẳng hề tỏ vẻ hứng thú với giới kiếm khách, võ nghệ. Mà suốt đời cũng chẳng hề nhắc đến chữ võ nghệ.
Như vậy hẳn là Hideyoshi không cho gọi Naokata mà chính là Kiyomasa đã cho gọi Kempou đời trước đến dinh thự Katou trong thành Fushimi.
– Hãy đấu với ta một hiệp.
Kiyomasa truyền rồi bước ra vườn.
Dĩ nhiên Kiyomasa cũng chẳng phải là người am hiểu binh pháp. Chẳng qua chỉ là chút tự tin vào kinh nghiệm chiến trường, từ năm mười mấy tuổi đã xông pha trận mạc chưa một lần trễ nải.
Nhưng khi vác mộc kiếm vào trận thì đã bị Kempou Naokata nhanh nhẹn đến sát bên mà đánh nhẹ vào tay.
– Lại lần nữa nào!
Đối với Kempou thì Kiyomasa là bậc quý nhân nên không dám bổ thẳng lên đầu nên mấy lần đấu lại đều chỉ chém nhẹ vào tay mà thôi.
– Ta đã thấy cái nghệ của nhà ngươi rồi. Để ta cho ngươi xem thế nào là thực chiến.
Koyomasa vận binh giáp đã chuẩn bị sẵn, đầu đội mũ trụ, tay chống trường thương uy phong lẫm liệt như tướng nhà trời.
– Yatt!!!
Kiyomasa thét lớn, Naokata thấy uy vũ mà hoảng sợ, không, chỉ là giả vờ hoảng sợ mà vứt mộc kiếm, bất giác phủ phục. Quả nhiên đúng là con người của Naokata. Cho dù có thật là sợ uy dũng của Kiyomasa đi nữa nhưng nếu đấu thật thì Naokata cũng không thua. Nhưng nếu cứ gây phương hại cho lòng tự trọng của Kiyomasa thêm nữa, thì một kẻ võ nghệ khó mà lường hết được, kết quả là nhà Yoshioka sẽ không yên ổn gì. Hẳn là Naokata đã thấy được điều này.
Nhưng vì chuyện này mà thế gian vẫn rêu rao là ngay cả Yoshioka cũng phải thua uy dũng của Kazue Nokami. Kempou Naotsuna sau này mới căn dặn môn sinh:
– Binh pháp võ nghệ không phải là cái nghệ nơi chiến trường, nên các ngươi nhất quyết không được tỉ thí với những kẻ tự mãn về kinh nghiệm trận mạc.
Nếu nói về chuyện xông pha trận mạc trên lưng ngựa, thì Bandan Uemon cũng không hề thua kém Katou Kiyomasa. Nhưng Naotsuna đã thấy rõ binh pháp võ nghệ và chuyện trận mạc là hai việc khác nhau, còn gì ngu ngốc hơn khi tranh hơn thua tại võ đường Yoshioka này, một họ vẫn chuyên bán võ nghệ để kiếm sống. Vì vậy mà Kempou đã cản Mata Ichirou lại.
Vừa quan sát thái độ cao ngạo của Uemon mà Kempou Naotsuna nghĩ đến chuyện khác.
– Vậy thì binh pháp là cái gì?
Naotsuna trong thời gian dài đã ôm ấp mối ngờ vực này.
Nếu chỉ là cái thuật đâm chém đối phương trên chiến trường thì người như Uemon cũng hơn hẳn bọn binh pháp giả làng nhàng. Mà cũng đúng như lời Uemon nói, cho dù có mài giũa kiếm pháp võ nghệ đến đâu đi nữa, thì cũng không thể dùng để chiếm thành đoạt đất được. Như vậy thì binh pháp võ nghệ dùng để làm gì?
Naotsuna đem mối ngờ này đến hỏi Bandan Uemon.
– Tại hạ cũng không rõ. Nhưng gần đây ở Edo có phái Yagyu Ryu tiếp thu “tâm thuật” của Thiền gia, hình như binh pháp võ nghệ là ngộ đạo, dùng làm phương tiện để khai ngộ tinh thần. Nhưng nếu như thế thì không cần, cầm dao mà cạo đầu làm thầy tu thì có phải hay hơn không?
– Có thể lắm.
Trong tận thâm tâm Kempou cũng đồng ý với điều này.
– Như vậy thì binh pháp của họ Yoshioka chẳng phải là ngộ đạo như phái Yayu Ryu, mà cũng không phải là thuật chém giết nơi chiến trường như các phái khác. Võ nghệ phái Yoshioka Ryu chỉ là để bảo vệ gia tộc mà thôi.
Trong một thời gian dài Kempou suy nghĩ một cách sai lầm như vậy. Trong sinh hoạt thường nhật đã bắt đầu có những biểu hiện tiêu cực chính vì chuyện này.
KIẾM KHÁCH KINH ĐÔ (4)
Mùa thu năm Keichou thứ mười, nhà Yoshioka nhận được thư thách đấu của kiếm khách ở Banshu là Shinmen Miyamoto Musashi.
– Shinmen!
Kempou hay tin bất giác thốt lên, rồi lại trầm ngâm một hồi.
– Hắn là người như thế nào?
Musashi không hề gặp trực tiếp người nào trong nhà Yoshioka, mà chỉ đưa cho lão gác cổng một phong thư rồi bỏ đi.
– Hắn cao năm sáu thước bảy, tám thốn, gò má nhô ra, mép không râu, tròng mắt vàng như lòng trứng.
– Đúng là dị tướng. Thế khoảng bao nhiêu tuổi?
– Chừng hăm mốt, hăm hai.
Như vậy là Kempou đã hiểu rõ hành động của Musashi. Hắn sợ rằng nếu xuất hiện trước mặt người nhà Yoshioka thì sẽ bị nhìn thấu tâm can, thói quen nên chỉ nói rằng mọi việc sẽ được quyết định ở địa điểm thách đấu. Tuổi hãy còn trẻ nhưng đã khôn ngoan lọc lõi như người già.
Theo như bức thư thì Yoshioka phải mang thư trả lời đến người quét cổng ở chùa Diệu Pháp (Myouhou Ji) núi Higashiyama. Nếu phái Yoshioka không đáp trả, chẳng những khắp kinh đô mà người trong thiên hạ đều biết sự hèn kém của Yoshioka.
Kempou hoảng hốt khi nghe đến họ Shinmen này là vì trong đời Kempou trước, nhà Yoshioka cũng nhận được lời thách đấu từ kiếm khách mang cùng họ đến từ Banshu là Munisai. Trận ngự tiền tỉ võ diễn ra trước mặt Tướng Quân cuối cùng thời Muromachi là Ashikaga Yoshiaki, đấu ba hiệp thì Munisai đã thắng hai hiệp.
Nhà Yoshioka được gọi là lò luyện binh pháp, kiếm thuật của Tướng Quân Muromachi và được phong danh hiệu “Fusou Daiichi Heijutsu sha” (Phù Tang đệ nhất binh giả). Nhưng sau trận tỷ thí này, hình như Munsai đã được phong danh hiệu “Hinoshita Musou Hyouhou Jutsusha” (Nhật hạ vô song binh thuật giả), tức là binh pháp giả vô song dưới bầu trời và đi rêu rao quảng bá danh hiệu này.
Munisai không những tinh thông đao thuật kiếm pháp mà còn thạo cả lối đánh Jitte, nhưng cuộc đời sau này ra sao thì ở kinh đô không nghe nói đến.
– Hay là Musashi này có họ hàng gì với Munisai?
Kempou thầm nghĩ. Sau này mới biết rằng Musashi chính là con ruột của Munisai nhưng lúc bấy giờ vẫn chưa hay điều này. Kempou rất sợ cái họ Shimen này. Đối với nhà Yoshioka thì đây là họ mang đến nhiều điềm gở không gì bằng.
– Hãy điều tra chỗ ở của hắn.
Kempou chợt trở nên cẩn trọng nghiêm chỉnh như một người hoàn toàn khác. Đầu mối chỉ là một người quét cổng ở chùa Diệu Pháp như Musashi nói, khi cho bọn môn đệ đến dò la tin tức thì lại chẳng thu được điều gì quan trọng. Theo như lời người quét cổng, thì một hôm có người cốt cách vạm vỡ như Musashi đến bảo:
– Nhà Yoshioka ở Nishino Touin có bức thư muốn giao cho ngươi, hãy giữ hộ ta.
Nói rồi, đưa cho hai đồng bạc rồi bỏ đi mất.
– Chỉ như thế thôi sao?
Kempou thất vọng.
– Nhưng nếu là người tướng mạo dị thường như thế thì có vào kinh cũng dễ nhận ra thôi. Hãy tìm thêm đi.
Bọn môn đệ chia nhau ra tám hướng sục sạo khắp kinh thành nhưng rốt cuộc chẳng có kết quả gì. Đối phương dường như đã biến mất.
Trong khi ấy, Kempou chưa hề trông thấy dung mạo của đối phương nên tưởng tượng ra một hình ảnh Musashi to lớn, ngày đêm bị hình ảnh đó ám ảnh. Thật là thất sách, chưa đấu mà đã thua mất rồi.
Đối với trận tỉ thí này thì chỉ có cách chấp nhận mà thôi. Chừng nào nhà Yoshioka còn mở lò luyện binh pháp cho thiên hạ thì không có cách nào khác ngoài việc chấp nhận.
Theo thủ tục, Kempou đem chuyện này bẩm lên sở ty đại, nhưng đột nhiên Itakura Iganokami lại hứng chí:
– Trận đấu này sẽ được tổ chức trong vườn sở ty. Đích thân ta sẽ giám sát.
Hẳn là quan thị chính Itakura đã sanh tâm tò mò, hứng thú với võ sĩ giang hồ Musashi dị hình dị tướng và chưa rõ tông tích này. Vì vậy mà trận đấu này được tổ chức công khai, không như trận tỷ thí với Asayama Santoku lần trước để hai bên tự quyết định mọi chuyện.
Kempou về nhà đem chuyện này thuật lại với Mata Ichirou:
– Tuy đối phương chỉ là một tay kiếm quê mùa nhưng đối với ta, đây lại là một trận đấu công khai. Này Mata.
Kempou lặng lẽ nói:
– Trận này đích thân ta sẽ đấu.
– Huynh trưởng sao?
Mata Ichirou nghe rồi buột miệng thốt lên:
– Liệu có thắng được không?
Kempou vẫn không hề thay đổi sắc mặt.
– Có thể là thua. Nhưng nếu là ngươi thì thua chắc.
– Huynh trưởng, cho dù có là phụ tử huynh đệ đi nữa, nhưng trong binh pháp tuyệt đối không có nhường nhịn. Giữa huynh và đệ thì ai hơn ai?
– Ta cao hơn một bậc.
– A, vậy thì mời huynh ra võ đường, đệ lãnh giáo một chiêu.
– Đâu cần gì phải động đến mộc kiếm mới phân định thắng thua chứ. Đêm nay ngươi hãy đến chỉ quán ở khu rừng nhà Isshiki thử xem. Nếu là ngươi thì bọn chim chóc chẳng thèm cất nửa lời.
– Thế là chuyện gì?
Mata Ichirou đợi đêm đến liền cất bước đến khu phế tích nhà Isshiki. Vầng trăng khuyết đã treo lơ lửng trên đỉnh núi Higashiyama xa xa.
Dưới đám cỏ trong khu rừng, lũ côn trùng kêu râm ran dưới ánh trăng thu, nhưng mỗi bước chân Mata Ichirou giẫm lên cỏ là tiếng côn trùng chung quanh lại im bặt. Hắn sờ soạng trong đêm rồi leo lên một tảng đá, ngồi xuống thu chân vào thế kiết già.
Bề ngoài thì phương pháp chỉ quán trông không khác gì với tọa thiền, nhưng đây vốn không phải là hành pháp của Thiền môn mà xuất phát từ các hành giả của Mật giáo[1] và phái Thiên thai.
[1] Phật giáo Mật tông.
Nếu mục đích của tọa thiền là làm cho mọi loạn tưởng tạp niệm quy về cái “không” thì ngược lại, chỉ quán làm cho mọi tưởng niệm thống nhất vào trong một niệm.
Các phái võ nghệ trước đây chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Thiên thai, sau có phái Yagyu Ryu kết hợp với Thiền tông, dùng chỉ quán làm phương pháp tập luyện tâm can. Chẳng hạn, trong chỉ quán có phương pháp thủy quán.
Hành giả tập thủy quán ngồi nơi bờ sông đến mấy ngày, mấy tháng, nhìn dòng sông trôi đi mà thực quán kiếp nhân sinh cũng chẳng khác gì dòng sông kia. Đối với hành giả đạt đạo thì không cần nhìn thấy dòng sông, cho dù có nhắm mắt thì cũng có thể thấy được như đang đứng ở bờ sông.
Nghe nói vào một thời vương triều xa xưa, có hành giả ngồi trong phòng thực hành chỉ quán. Lúc ấy có người bên ngoài vô ý mở cánh cửa ra, thì nước trong phòng cuồn cuộn tuôn ra suýt chết đuối. Dĩ nhiên đây chỉ là ảo giác nhưng người ta nói rằng, nếu tu luyện đến một mức nào đó thì không chỉ đối với bản thân, mà còn có thể kéo người khác vào ảo giác nữa.
Mata Ichirou ngồi chỉ quán đã lâu, khi trăng đã lên đến đỉnh đầu thì bất giác cảm thấy sau lưng có khí người.
– Này Mata.
Thì ra là Kempou.
– Chẳng phải là chim chóc đang ngủ sao.
Bóng đen cất tiếng cười. Mata Ichirou bỗng thấy máu chảy ngược, nổi xung lên. Từ trước đến nay, hắn vẫn luôn kính trọng huynh trưởng của mình, nhưng không hiểu sao trong giây phút này hắn hận Kempou đến xương tủy.
– Rút kiếm ra!
Mata Ichirou thét rồi nhảy xuống tảng đá, tuốt gươm vào thế thủ thượng đoạn như chực bổ xuống đầu Kempou.
– Thắng thua trong binh pháp chẳng qua là do kĩ thuật kiếm pháp quyết định. Ngày xưa huynh luôn bảo rằng hãy xông vào huynh như muốn chém. Vậy thì hôm nay ta sẽ thực hiện điều đó ở đây!
– Được.
Bóng đen của Kempou khẽ động đậy. Có tiếng tuốt gươm ra khỏi vỏ rồi ánh thép lóe lên dưới trăng. Rồi mũi kiếm từ từ hạ dần xuống dưới, dừng lại ở thế hạ đoạn.
– Sao không xông lên.
– Ta, ta thua rồi.
Mata Ichirou định dò xét hơi thở của Kempou nhưng không hiểu vì sao, mỗi lúc hắn lại thấy khó thở hơn. Kết cục hóa ra chính hô hấp của hắn đang loạn, toàn thân ướt đẫm mồ hôi.
– Huynh, huynh trưởng, đây là cái gì?
Lúc đó lũ chim bỗng nháo loạn, cất tiếng kêu như xé nát màn đêm rồi bay tứ tán. Thình lình Kempou nhảy lùi ra sau.
– Huynh trưởng!
– Đừng ồn ào. Bây giờ thì ta có thể chém chết ngươi như trở bàn tay. Ngươi đã hiểu cốt lõi của binh pháp chưa? Binh pháp võ nghệ, nếu giỏi quyền cước kĩ thuật thôi thì chưa đủ. Để hạ được đối thủ thì còn cần một thứ quan trọng hơn cả kĩ thuật nữa.
– Là… là cái gì?
– Khí.
Kempou dịu giọng, tức thời lũ chim không còn xao động nữa mà toàn thân Mata Ichirou cũng cảm thấy như được buông lỏng. Thật là kỳ quái.
– Theo ta thấy thì kĩ thuật nhà ngươi có phần hơn ta, nhưng xét về khí thì chẳng thể nào bì được. Chẳng phải là ngươi không thể nào làm lũ chim thức giấc được đó sao. Như thế thì tuyệt đối không thể thắng được Musashi. Bây giờ ta đã biết được một điều về hắn. Nghe lão gác cổng Yobei kể lại thì khi đến gần Musashi, toàn thân lão run cầm cập mà chẳng thể cất nổi tiếng. Hẳn kẻ đó lúc mới sinh ra đã được trời phú cho cái khí như loài mãnh hổ.
KIẾM KHÁCH KINH ĐÔ (5)
Dinh thự sở ty đại được xây tiếp giáp với thành Nijou ở mặt Tây Bắc, phía đông thư các là Hakushu.
Quan thị chính Iganokami Katsushige ngồi ở một góc hiên quan sát trận đấu. Kempou ngồi trên một cái ghế nhỏ phía Tây, bên cạnh là tên gia nhân Nishino Kanzaemon đang mang ba loại mộc kiếm dài ngắn khác nhau.
Ba võ sĩ của sở ty đại tháp tùng Musashi cùng một gia thần của Iganokami đến Hakushu hơi muộn so với giờ khắc quy định. Gia thần Iganokami phủ phục trước quan thị chính.
– Đây là Shinmen Miyamoto Musashi, kiếm khách giang hồ xứ Banshu.
– Hừm.
Iganokami nhìn một chặp rồi đứng lên xưng danh, nói rõ nhiệm vụ giám sát trận đấu.
– Hai bên đấu một lần, cho dù thắng thua cũng không được mang hận về sau.
Musashi lặng lẽ cúi đầu. Thân thể Musashi cao lớn dị thường, mái tóc hơi đỏ không buộc lại mà để rối tung xõa xuống lưng.
– Xin ngài hãy chuẩn bị.
Võ sĩ của sở ty đại nhắc nhở. Musashi mượn gàu nước vấy ướt chân rồi xiết chặt dây buộc dép rơm. Sau đó lấy trong túi ra một sợi dây buộc chặt tay áo. Cuối cùng Musashi vuốt tóc ra sau, chậm rãi buộc dải băng màu cam quanh đầu, dùng đoản kiếm cắt bỏ phần tóc xõa rồi tra vào bao.
Nghe nói sau này Musashi không hề búi tóc mà cứ để mọc dài tự nhiên, thời trai trẻ tóc dài đến thắt lưng. Suốt đời chưa hề cầm lược mà cũng không vào bồn tắm bao giờ. Hẳn là Musashi ưa thích lối sống tự nhiên không ràng buộc chăng.
Kempou nhận lấy dải băng trắng từ gia thần rồi quấn quanh đầu. Không có ghi chép gì về phục trang của hai bên nhưng chỉ biết rằng, màu dải băng buộc đầu của hai người là khác nhau.
Musashi vác thanh mộc kiếm gỗ dài bốn thước rồi đứng ở đằng Đông. Kempou nhìn rồi nhặt lấy thanh mộc kiếm dài đặt bên cạnh Nishino Kanzaemon, lặng lẽ tiến ra.
– Tại hạ là Yoshioka Kempou.
Musashi cúi đầu nín thinh.
Khoảng cách giữa hai người là mười gian.[1] Kempou thủ thế Seigan, giữ mộc kiếm trước mặt. Đồng thời Musashi cũng đưa kiếm về một bên vai ở thế Hassou.
[1] Hơn mười tám mét.
– Yatt!!!
Thật là một tiếng thét Kiai mãnh liệt, không ai nghĩ là con người lại có thể phát ra âm thanh này. Cùng với tiếng Kiai, dáng vẻ Musashi cũng vô cùng kỳ lạ. Đầu hơi nghiêng về một bên, cặp mắt nửa nhắm nửa mở. Thói quen nửa nhắm nửa mở này theo Musashi suốt đời mỗi khi cầm kiếm.
Toàn thân Musashi phát ra một sát khí dữ dội như nuốt chửng Kempou. Kempou chưa từng gặp một binh pháp giả nào có sát khí dữ dội như thế này, tự nhiên cảm thấy hoa mắt, tứ chi lơi lỏng. Musashi trông thấy, biết là thời khắc đã đến liền đạp đất nhảy tới.
Kempou cũng đạp đất xông lên.
Trong sát na, khoảng cách mười gian giữa hai người đã rút ngắn trong tiếng chân chạy. Khi hai người chạm mặt nhau thì hai thanh mộc kiếm đã động thủ, mắt thường không sao nhìn thấy được.
Iganokami nhoài người ra, chăm chú nhìn rồi gõ ván:
– Đủ rồi. Cả hai thu gươm lại!
– Aiya.
Musashi hướng đến quan giám sát. Lúc này cả Kempou lẫn Iganokami lần đầu tiên nghe thấy giọng nói của Musashi.
– Tại hạ đã thắng.
Iganokami không đáp, hết nhìn Musashi rồi quay sang Kempou.
– Lúc đó cả hai thanh mộc kiếm đều dừng lại trên đầu hai người. Ra chiêu cùng lúc, như vậy là hòa. Ngươi có phục không?
– Tại hạ không phục. Tại hạ đã thắng, chứng cớ là dải băng buộc đầu của Kempou đại hiệp kìa.
Quả nhiên trên dải băng trắng của Kempou, một vệt máu đã loang ra.
– Không, xuất thủ cùng lúc. Mắt ta không có nhầm đâu. Musashi, hãy cho ta xem dải băng của nhà ngươi.
Mọi con mắt đổ dồn về phía dải băng màu cam của Musashi, ai ai cũng nghĩ rằng đã có máu thấm ra nhưng vì đồng màu nên cũng không dám chắc.
– Tại hạ từ chối.
Kết cuộc, Musashi cũng không chịu cởi dải băng ra. Vào cuối đời, mỗi khi kể lại kiếm lịch của mình, Musashi đều có nhắc:
– Ta đã từng thắng Yoshioka.
Mà sự thật, nếu là trận đấu bằng kiếm thật thì có lẽ Musashi đã thắng, nhưng đây chỉ là “trận đấu tập” như lời quan thị chính nên phải dừng tay khi mộc kiếm chỉ còn cách đầu đối phương trong gang tấc. Vì thế mà kết quả chịu nhiều ảnh hưởng từ phán quyết của quan giám sát. Mà điều quan trọng là Iganokami Katsushige chẳng hề biết võ công mà vốn là một tăng lữ, sau được Ieyasu nhìn nhận tài năng mà cất nhắc lên hàng quan lại.
Nếu đứng về phía nhà Yoshioka, lò luyện binh pháp của kinh đô thì quan thị chính xử trí như thế cũng là điều đương nhiên. Như vậy trận quyết đấu giữa Musashi và họ Yoshioka đến đây là kết thúc. Nhưng sau khi Musashi mất thì dưỡng tử Miyamoto Iori có viết trên văn bia rằng Musashi chạm trán Yoshioka đến ba lần. Trận đầu tiên là đấu ở cánh đồng Rendai bên ngoài Kyouto với “thủ lãnh” nhà Yoshioka là Seijurou, Seijurou chết tại trận. Trận đấu thứ hai là với Yoshioka Denshichirou, đối phương cũng chết ngay tại chỗ. Trận thứ ba, Yoshioka Mata Shichirou dẫn theo nhiều môn đệ vây đánh Musashi dưới gốc tùng Sagarimatsu ở Ichijouji nhưng cũng không thành.
Nhưng dựa theo tài liệu ghi chép phía bên Yoshioka thì không thấy ba người có tên như trên đâu cả. Vả lại đương chủ Kempou cùng Mata Ichirou vẫn sống đến già, hưởng đủ mệnh trời. Như vậy, ai đúng ai sai thì cho đến ngày nay cũng không rõ, mà cũng chẳng phải là chuyện quan trọng để điều tra chi li.
Nhưng theo như Miyamoto Iori viết trên bia mộ rằng đương chủ Yoshioka vì thua Musashi mà vứt bỏ binh thuật, xuống tóc đi tu. Điều này cũng không đúng. Vì lò luyện binh pháp Yoshioka vẫn tiếp tục đến mười năm sau.
Mùa hè năm Keichou thứ mười chín, trong cung có tổ chức buổi lễ nhạc Sarugaku công khai cho toàn dân đến xem. Hôm đó, không chỉ dân chúng trong kinh mà cả bách tính những vùng lân cận cũng kéo về tụ tập. Sở ty đại cũng cử ra nhiều vệ sĩ giữ gìn trật tự. Trong đám bách tính có tên môn nhân của Yoshioka là Seijirou Shigekata, vốn có tư thù từ trước với Tadamiya Goemon là lính cận vệ đang canh giữ đám đông.
Hôm đó, hắn không mang kiếm nhưng lẻn ra ngoài, giấu đoản đao vào người rồi quay trở lại chém chết Goemon. Cả hội trường náo loạn cả lên, bọn xem hát nhốn nháo chưa biết chạy đi đâu thì sở ty đại đã cho nhiều lính mang giáo mác, gậy gộc ra chặn lại. Trong nháy mắt mà Seijirou đã chém chết sáu, bảy người, làm bị thương mười bốn, mười lăm người, nhưng rồi cũng bị gia thần của Iganokami Katsushige là Tada Chubei dùng trường đao chém chết.
Vì chuyện lộn xộn này mà sở ty đại ra lệnh đóng cửa võ đường Yoshioka, huynh đệ Kempou dẫn theo môn nhân đến tá túc ở nhà Mishuku Echizen Nokami Naganori. Như vậy chuyện nhà Yoshioka mất thế không liên quan gì đến Musashi cả.
Huynh đệ Kempou sau trận mùa hè ở Osaka mới trở về kinh, công phu thêm kĩ thuật nhuộm vải học được từ Lý Tam Quan lúc trước rồi mở hiệu nhuộm ở Nishino Touin. Dân gian vẫn gọi màu lam là màu nhuộm Yoshioka, cửa hiệu của họ này hình như làm ăn rất phát đạt. Sau này, vào những năm KanEi thời Edo, trong quyển sách “Mado no Susami” có chép lại câu chuyện về họ Yoshioka như sau.
Xứ Mimasaka có hai võ sĩ tự mãn binh pháp võ nghệ, gia thần của chúa Mori Nagatsugu mười tám vạn hộc, chúng lên kinh đêm đêm rình ở đầu đường chém người qua lại, gọi là “thử kiếm”, “luyện võ”. Một đêm nọ, hai kẻ chia nhau ra nấp trên đường, đợi người qua lại như mọi khi. Chặp sau có một lão nhân đầu trọc đội khăn, ăn vận như thương nhân ẩn cư rảo bước đi tới. Đầu tiên, một kẻ thét lớn rồi nhảy ra chém từ phía sau nhưng lão nhân chỉ khẽ huơ tay như đuổi ruồi, gạt lưỡi gươm ra rồi đi tiếp.
Tên còn lại đang nấp ở chỗ khác đợi lão nhân đến gần toan xông ra chém.
– Chờ đã.
Lão nhân nói rồi cởi dép dắt vào thắt lưng, vén áo:
– Nào.
Lão ẩn cư rút quạt ra thủ thế. Tên chém người cứ dấn tới, toan chém nhưng mấy lần như thế lão nhân cứ dùng quạt gõ lên sóng kiếm mà rằng:
– Chưa được, chưa được.
Rồi hắn lãnh ngay một đòn Atemi lăn quay ra đất. Tên còn lại chạy đến, hoảng hốt vứt gươm.
– Chẳng hay lão là cao nhân phương nào?
– Là Kempou.
Lão ẩn cư chẳng thèm ngoảnh mặt lại, đáp rồi vừa hát vừa rảo bước đi. Chuyện này xảy ra khi Musashi lấy hiệu là Niten đang sống những ngày cuối đời ở thành Kumamoto xứ Higo.