– Muôn tâu Nương nương; giờ Ngự thiện đã gần qua rồi! ….
Lý Chiêu Hoàng, chợt tỉnh cơn mơ mộng, quay lưng lại hỏi cung nhân:
– Giờ Ngự thiện sắp qua rồi cớ sao Hoàng thượng chưa xa giá hồi cung?
– Tâu Nương nương, thần thiếp nghe đâu Ngài ngự qua dự yến bên dinh Tướng quốc.
Chiêu Hoàng ngạc nhiên:
– Hoàng thượng ngự qua đinh Tướng quốc, sao không cho ta hay?
Nhưng, nàng bỗng có vẻ buồn rầu, lẩm bẩm nói một mình:
– Thân ta hiện nay như cá nằm trốc thớt, sống chết không biết lúc nào, ai còn cần phải hỏi han gì đến ta nữa …
Nàng thở dài, đoạn cúi đầu, yên lặng. Những cách hành động của Thủ Độ từ trước cho tới khi Huệ Tôn tự tận một cách bí mật khiến nàng thêm lo sợ. Trời ơi! Cơ nghiệp mất, vẻ thiêng liêng mất, đến ngay tính mệnh cũng cheo leo! ….
Ngót hai chục tuổi đầu, nàng có ngờ đâu cuộc đời mà nàng chắt chiu, yêu dấu kia lại chỉ dành cho nàng những cái thất vọng chua cay nhường ấy? Một tấm lòng mơn mởn ái ân, thiết tha tin cậy, khi không đã bị một vết thương đau.
– Hoàng thượng đi vắng, vậy xin thỉnh Nương nương ngự thiện vậy.
Mấy lời cung nữ nhắc khiến Chiêu Hoàng thêm đau xót. Trong giây phút, nàng cảm thấy nỗi quạnh hiu, đơn độc của đời mình. Nàng, lúc ấy, có thể ví như một con hươu bị bọn thợ săn vây kín, xunh quanh mình không còn một sự tin cậy, một sự tựa nương nào nữa. Nàng yếu hèn, trơ trọi biết bao nhiêu!
– Thôi, cho ngươi triệt bỏ hết ngự soạn đi.
Cung nữ cúi đầu lui ra.
Chiêu Hoàng như thoát được một sự ám ảnh. Gục đầu bên cạnh đài gương, nàng mặc cho suối lệ chan hòa. Theo chuỗi ngọc châu tầm tã, sự đau khổ không những không nhẹ bớt phần nào, mà trái lại còn tăng thêm gấp bội. Chiếc thuyền gãy lái gặp trận phong ba, nào biết đâu là cõi phúc mà tìm?
Nàng mỏi mệt quá, đầu nhức, tim đau, thân thể rũ liệt. Lúc ấy, ví ai đem cho nàng được chút nghĩ ngơi, an ủi, thì đó là thần Chết, nàng cũng vui lòng cảm tạ ….
Chết! …. Trời ơi, chết giữa lúc này đương say đắm cái thi vị của tình yêu? …
Giữa lúc lòng xuân đương dào dạt, đối với cuộc đời nàng còn đương muốn bám chặt lấy như kẻ ngã xuống dòng sâu cố víu lấy một vật nổi lềnh bềnh? Không!
Nàng chưa muốn chết, nàng có thể mất hết phẩm giá, mất hết cơ nghiệp của ông cha, mất hết sự vui sướng của đời phú quý mà nàng vẫn có thễ cam lòng đành phận, miễn sao nàng còn được yêu, sống mà yêu …
– Ừ, Trần lang, người mà ta yêu mến, kính thờ, người mà ta lấy làm sự tựa nương, che chở, Trần lang còn thì hy vọng của ta còn, hạnh phúc của ta còn chứ sao? … Nhưng, Trần lang liệu có yêu ta như lời chàng nói? …
Ý nghĩ ấy vừa dứt, Chiêu Hoàng bỗng thấy một bàn tay để nhẹ lên vai. Nàng ngẩng đầu thì Trần Thái Tôn đang nhìn nàng một cách thương hại …
– Trẫm vì có việc cần phải sang tướng phủ nên, lúc đi, không kịp báo tin để Ái khanh rõ, khiến Ái khanh phải buồn rầu, Trẫm thực hối hận! ….
Chiêu Hoàng đứng dậy, níu lấy vai Thái Tôn, khóc nức nở:
– Thất tiện thiếp phải buồn rầu vì một sự nhỏ mọn mà bệ hạ đã hối hận thì khi thiếp chăng may gắp những sự hiểm nghèo ghê gớm, Bệ hạ chắc hẳn thương tâm lắm nhỉ? …
Trần Thái Tôn nghe nói bỗng có vẻ lo sợ:
– Ái khanh nói gì, Trẫm không hiểu?
– Bệ hạ ơi, thiếp tưởng Bệ hạ hiểu rõ lắm rồi thì phải! Tính mệnh của thiếp hiện nay như trứng để đầu đẳng, không biết sớm tối nguy ở lúc nào. Quanh mình thiếp, tuyền là thù địch cả, trông cậy còn một Bệ hạ, nhưng chẳng hay …
Thái Tôn, thấy Chiêu Hoàng ngừng nói, nhìn nàng hồi lâu rồi khẽ nói:
– Ái khanh nghi ngờ trẫm?
– Vâng! Thiếp ngờ không biết Bệ hạ có thương yêu thiếp được như lòng thiếp kính thờ Bệ hạ không? Sợ khi giông tố phũ phàng, Bệ hạ không đủ cương quyết bảo hộ cho thiếp khỏi những nỗi dập vùi đày đọa, vì Trần Thái sư, dù sao chăng nữa, đối với Bệ hạ cũng có tình cốt nhục nặng hơn nghĩa phu thê …
– Ái khanh chớ ngờ vực mà oan trẫm lắm. Trẫm được như ngày nay đều nhờ Ái khanh cả. Huống hồ, ngoài những vinh hoa phú quý. Ái khanh còn cho trẫm cả một tấm lòng yêu, thứ bảo vật mà hết thảy kho tàng trên thế gian cũng không đọ được. Trẫm chắc rằng không bao giờ xảy ra sự gì để phiền lòng Ái khanh.
Mà, ví dù vạn nhất có điều gì, nếu uy quyền của trẫm không đủ bảo hộ cho Ái khanh, trẫm nguyện sẽ cùng Ái khanh cũng chịu nỗi đau khổ ấy.
– Thiếp xin cảm ơn Bệ hạ. Một lời chỉ phán, thực hơn một thang thuốc hồi sinh đó Bệ hạ! ….
– Ái khanh chớ lo, cương thường nghĩa trong, tào khang chi thê bất khả hạ đường. Thái sư với trẫm tình trong là chú cháu, nhưng mặt ngoài là vua tôi, chẳng lẽ bầy tôi lại làm bức vua hay sao?
– Lẽ phải thì như thế, nhưng lòng dạ con người lắm khi đè nén cả lẽ phải.
Thiếp đã thờ Bệ hạ, cha thiếp đã trở nên kẻ tu hành hiếu tình vậy mà rút lại cha thiếp bỗng dưng chết một cách thảm thê. Tự tử ư? Xét ra Phụ hoàng thiếp không có một lẽ gì đáng phải tự tử hết. Gửi mình ở chốn am mây, vui cùng câu kinh, tiếng kệ, lại thêm mắt được nhìn canh rể hiền con thảo, bách tính an vui, những lẽ ấy phải khiến cho Phụ hoàng thiếp yêu đời thiết sống chứ? Chẳng qua Thái sư sợ thiên hạ lấy Phụ hoàng thiếp ra làm bung sung cho những cuộc tranh chiến nên mới đang tâm trừ khử đi đấy thôi. Đã giết cha, Thái sư không lẽ để con yên, vì sợ thù oán sau này …
Thái Tôn, không ngờ Chiêu Hoàng đoán rõ cả sự thực, vừa sợ vừa thương, vội đỡ nàng ngồi xuống long sàng và kiếm lời an ủi:
– Lời Ái khanh đoán vị tất đã đúng sự thật. Để Trẫm dò xem, Thái sư quả thực đã chuyên quyền làm ác, trẫm không khi nào tha. Còn riên phần Ái khanh, trẫm thề dù phải hy sinh đời trẫm cũng cam lòng chứ quyết không khi nào trẫm để Ái khanh phải khổ.