“Chiều rồi quê cũ nào đâu nhỉ
Khói sóng trên sông khiến dạ sầu.”
Lại nói, sau khi tứ quỷ vâng lời từ tạ ra đi, trong sân miếu chỉ còn lại Lăng Vân Phượng đang hôn mê nằm dưới đất và Bạch Thiếu Huy đứng bên cạnh nhìn nàng. Vì đang trong thân phận một trang phong lưu công tử không hiểu võ công nên chàng không tiện xuất thủ giải huyệt cho nàng. Chàng đành cởi áo bào đắp cho nàng và chờ cho đến lúc huyệt đạo tự giải khai.
Thời gian lặng lẽ trôi qua.
Mấy canh giờ sau, Lăng Vân Phượng từ từ hồi tỉnh. Nàng mở mắt ra, ngước mắt quan sát xung quanh thì chỉ thấy Bạch Thiếu Huy đang ngồi bên cạnh, nét mặt đầy vẻ lo lắng. Nàng liền ngồi dậy, phủi hết bụi đất dính trên quần áo, rồi quay sang hỏi Bạch Thiếu Huy với vẻ ngạc nhiên :
– Sao công tử lại ở đây ? Còn bọn Tương Tây Tứ Quỷ đâu hết rồi ?
Bạch Thiếu Huy đáp :
– Sau khi cô nương ngã xuống, lão quỷ đầu to định bắt cô nương mang đi, nhưng ngay khi đó dường như có tiếng ai đó kêu gọi, và rồi bọn lão vội vã chạy đi ngay, bỏ mặc cô nương ở lại đây.
Lăng Vân Phượng có vẻ giận dỗi :
– Công tử sao không chịu giải huyệt cho tiểu muội ?
Chưa nói hết câu, chừng như thấy mình lỡ lời, nàng đỏ mặt nói tiếp :
– Tiểu muội quên là công tử không biết võ công. Nãy giờ công tử vẫn ngồi bên cạnh tiểu muội hay sao ?
Nàng chợt nhận ra mình đang khoác áo bào của Bạch Thiếu Huy liền đưa trả cho chàng. Chàng nhận lấy, khe khẽ mỉm cười :
– Tiểu sinh sợ cô nương trong lúc hôn mê có thể bị bọn chồn cáo làm hại nên phải ở bên cạnh canh chừng. Cô nương làm thế nào mà lại kết thù kết oán với bọn người đáng sợ kia thế ?
Lăng Vân Phượng tức bực nói :
– Bọn chúng … bọn chúng …
Nàng ấp úng không nói nên lời, đôi môi mím chặt, đôi má ửng hồng, ánh mắt khẽ liếc nhìn Bạch Thiếu Huy. Trông dáng điệu này lại càng khả ái.
Thế nhưng …
Đứng trước một giai nhân như nàng mà Bạch Thiếu Huy chẳng chút động tâm. Chàng hỏi :
– Bọn chúng thế nào ?
Lăng Vân Phượng giận dỗi quay ngoắt người bỏ đi ra phía sau miếu dắt ngựa, chỉ nói vọng lại :
– Tiểu muội đói lắm rồi. Chúng ta hãy đến trấn thành tìm chỗ ăn uống nghỉ ngơi.
Nàng nói xong, không thấy Bạch Thiếu Huy đi theo liền quay lại điểm huyệt chàng, mang đặt lên lưng ngựa rồi phóng lên yên giục cương chạy đi. Đến nước này thì chàng chỉ còn biết lắc đầu gượng cười.
Đến một tiểu trấn, nàng vào khách điếm thuê hai phòng trọ, mang Bạch Thiếu Huy bỏ vào một phòng rồi mới giải huyệt cho chàng. Nàng nhìn chàng cười nói :
– Công tử đừng mong trốn đi. Không thể thoát khỏi tay tiểu muội đâu.
Bạch Thiếu Huy lắc đầu :
– Cô nương hành sự thật kỳ quái.
Lăng Vân Phượng cười lớn nói :
– Có như thế mới giữ chân công tử được chứ.
Bạch Thiếu Huy thở dài bảo :
– Hay hơn hết là cô nương cứ trói tiểu sinh lại, để đôi chân có thể đi đứng được. Chứ mỗi lúc mỗi điểm huyệt thế này thật là bất tiện.
Lăng Vân Phượng cười nói :
– Ý kiến của công tử thật hay. Nhưng chúng ta hãy đi dùng cơm trước đã.
Nàng kéo Bạch Thiếu Huy sang tửu lâu bên cạnh ăn uống. Bạch Thiếu Huy bảo tiểu nhị dọn ra mấy chục món danh tiếng nhất và một vò rượu năm cân thượng hạng. Lăng Vâng Phượng thấy vậy liền hỏi :
– Công tử gọi nhiều như thế làm sao ăn hết. Bữa ăn này tốn kém lắm đấy, tiểu muội không kham nổi đâu.
Bạch Thiếu Huy khẽ cười nói :
– Bao nhiêu đó có đáng là bao. Nếu cô nương thấy chưa đủ thì có thể gọi thêm. Không lẽ tiểu sinh lại để cho cô nương trả tiền.
Lăng Vân Phượng cười nói :
– Tiểu muội bắt công tử đi theo, không ngờ được nhiều lợi ích như thế.
Bạch Thiếu Huy khẽ mỉm cười, không nói gì. Tiểu nhị mang rượu và thức ăn đến. Mùi thức ăn ngon lành, mùi rượu quý tỏa hương bát ngát. Lăng Vân Phượng rót đầy hai chung rượu, mời :
– Công tử uống với tiểu muội một chung.
Nói xong nàng nâng chung uống một hơi cạn sạch. Bạch Thiếu Huy chỉ đưa lên môi nhấp một chút rồi lại để xuống. Lăng Vân Phượng rót đầy chung của nàng, thấy chung của chàng hầu như vẫn còn nguyên, ngạc nhiên hỏi :
– Sao công tử không uống hết ?
Bạch Thiếu Huy đáp :
– Tiểu sinh không uống được rượu. Cô nương cứ dùng tự nhiên.
Lăng Vân Phượng cười nói :
– Công tử là một thư sinh trói gà không chặt, lại không biết uống rượu thì còn làm gì được.
Bạch Thiếu Huy khẽ nhếch môi cười. Chàng chỉ ăn chút ít, trong khi Lăng Vân Phượng ăn uống có vẻ rất hào hứng. Dù nàng xuất thân từ nhà hào phú nhưng cũng chưa bao giờ dám gọi một bữa ăn như thế này. Hơn nữa, nàng đang đói lả sau trận chiến nơi miếu hoang vừa rồi.
Bạch Thiếu Huy vẫn ngồi yên. Chàng đưa mắt nhìn qua cửa sổ, trông xuống dòng sông đang lững lờ xuôi chảy, khẽ ngâm hai câu thơ của Thôi Hiệu :
“Nhật mộ tương qua hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”
Lăng Vân Phượng nghe chàng ngâm thơ mà cảm thấy tức cười. Sau khi đã ăn uống xong, cả hai trở về khách điếm. Lăng Vân Phượng đưa Bạch Thiếu Huy về phòng, bảo chàng lên giường nằm, rồi điểm huyệt chàng, xong rồi mới trở về phòng mình. Bạch Thiếu Huy nằm yên, tĩnh tâm suy tính những việc sắp tới.
Sáng sớm hôm sau, Lăng Vân Phượng sang phòng Bạch Thiếu Huy, giải huyệt cho chàng. Sau khi ăn sáng xong, Bạch Thiếu Huy đưa ngân lượng bảo tiểu nhị thuê giúp một cỗ xe ngựa để đi lại cho tiện.
Lát sau, một cỗ xe sang trọng dừng trước khách điếm. Lăng Vân Phượng cùng chàng bước lên xe. Nàng dùng một sợi dây lụa trói hai tay chàng ra sau lưng, đoạn đưa tay nhẹ nhàng vuốt má chàng, cười nói :
– Như thế này thì công tử sẽ thấy thoải mái hơn rồi đấy nhé.
Nàng bảo gã phu xe cho xe chạy. Cuộc hành trình cứ tiếp tục trong tình trạng như thế. Hàng ngày, chàng chỉ được cởi trói vài lần để ăn uống và làm vài việc thiết yếu.
Mỗi khi dừng lại nghỉ ngơi, Bạch Thiếu Huy đều thuê bao trọn cả khách điếm, ăn uống dùng toàn thượng phẩm. Lăng Vân Phượng từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ được hưởng thụ sung sướng như thế này. Trên khuôn mặt nàng luôn hiện nét vui cười hớn hở.
Vài hôm sau, khung cảnh thành Kim Lăng đã hiện ra trước mắt. Lăng Vân Phượng cho xe dừng lại trước một tòa trang viện ở ngoại thành, trên cổng đề “Phích Lịch Bảo”. Toàn cảnh trang viện vắng vẻ đìu hiu trông có vẻ bất tường.
Nàng liền hối hả lôi Bạch Thiếu Huy đi thẳng vào trong. Đến đại sảnh thì thấy có ba người đang ngồi quanh bàn tiệc nhấp nháp chung trà chén rượu, nhưng khuôn mặt đầy nét lo lắng âu sầu.
Một người dung mạo trông chẳng khác gì Hỏa Đức Tinh Quân, mắt lộ mũi lân, miệng rộng, râu tóc đỏ rực. Một lão phụ tuổi độ sáu mươi nhưng vẫn còn nét xuân sắc cho thấy lúc trẻ cũng là trang giai nhân. Bạch Thiếu Huy trông bà, chợt nghĩ đến một câu chuyện xa xưa. Còn người thứ ba là một lão nhân xấp xỉ ngũ tuần, đôi mắt to tròn nhưng mũi miệng lại nhỏ bé, lưỡng quyền nhô cao, má hóp trán nhăn trông rất hoạt kê.
Lăng Vân Phượng chạy đến ôm cổ lão nhân râu đỏ tóc đỏ. Rồi nàng quay sang hai người kia, chào hỏi :
– Di mẫu, tam thúc.
Lão nhân râu tóc đỏ rực thấy ái nữ bình yên trở về thì lộ vẻ vui mừng, nhưng đến khi thấy nàng dẫn theo một chàng bạch y công tử hai tay bị trói ra sau lưng thì nhíu mày hỏi :
– Phượng nhi. Chuyện này là thế nào đây ?
Lăng Vân Phượng đỏ mặt nói :
– Hài nhi phải làm như thế mới có thể mời được Bạch công tử đến nhà ta chơi ít hôm.
Đoạn nàng nhỏ nhẹ kể lại sự việc. Lão nhân nghe xong trừng mắt nhìn ái nữ, bảo nàng cởi trói cho Bạch Thiếu Huy, rồi chắp tay nói :
– Tiểu nha đầu tinh nghịch quá đỗi, thật có lỗi với công tử. Mong công tử không phiền trách.
Bạch Thiếu Huy thở dài nói :
– Lăng cô nương đã muốn thế thì tiểu sinh đành chịu vậy. Biết làm sao hơn.
Lăng Vân Phượng giới thiệu :
– Công tử. Gia phụ là Phích Lịch Bảo chủ Lăng Tiêu, di mẫu là Hồng Phấn Mỹ Nhân Mộ Phụng Tường, còn tam thúc là Diệu Thủ Tiên Hầu Lăng Viên.
Bạch Thiếu Huy xoa xoa hai tay chỗ vết hằn đỏ do dây trói xiết vào da thịt, nghe nàng giới thiệu mà không tỏ thái độ gì. Mọi người lại tưởng chàng không phải là người trong giới giang hồ nên không biết các danh hiệu võ lâm. Lăng Viên cười hỏi :
– Công tử đi cùng Phượng nhi bấy lâu mà chẳng chút động lòng hay sao ?
Bạch Thiếu Huy mỉm cười nói :
– Tiểu sinh đã quen gần gũi rất nhiều tuyệt sắc giai nhân nên cũng chẳng có cảm giác gì.
Lăng Vân Phượng hừ một tiếng, đoạn quay sang Lăng Tiêu hỏi :
– Phụ thân. Sao hôm nay trong bảo vắng lặng quá vậy ? Bọn gia đinh đâu hết rồi ?
Lăng Tiêu buồn rầu nói :
– Gia đình ta đang gặp đại nạn, ta đã cho gia đinh tạm tránh đi hết rồi. Di mẫu và tam thúc ngươi đến đây cũng chính vì chuyện ấy.
Lăng Vân Phượng ngạc nhiên hỏi :
– Chuyện gì đã xảy ra thế ạ ? Cả phụ thân cùng với di mẫu và tam thúc cũng không đối phó được hay sao ?
Lăng Tiêu nói :
– Bọn Thiên Ma Giáo gửi tối hậu thư đòi ta phải giao nộp cho chúng toàn bộ số Phích Lịch Thần Lôi có trong bảo. Nhưng bọn chúng là công địch võ lâm, ta giao Thần Lôi cho chúng có khác nào trợ Trụ vi ngược, tội nghiệt ấy ta không gánh nổi đâu.
Lăng Vân Phượng hỏi :
– Phụ thân định đối phó thế nào ? Hay là chúng ta thử liều mạng với chúng một phen.
Lăng Tiêu trợn mắt quát :
– Nói bậy. Thiên Ma Giáo là như thế nào ? Cả Cửu đại môn phái còn không địch nổi. Chúng ta có liều mạng cũng chỉ chết uổng mà thôi.
Mộ Phụng Tường nói :
– Chúng ta đã bàn bạc với nhau, định tạm thời tìm nơi nào đó ẩn lánh.
Lăng Vân Phượng nói :
– Thiên Ma Giáo cũng có gì ghê gớm đâu. Hài nhi nghe nói còn có mấy giáo phái người đông thế mạnh như Thiên Nhất Giáo, Bách Độc Giáo, Huyền Đô Bát Cảnh Cung, … Hay là chúng ta tìm đến nhờ bọn họ viện trợ.
Lăng Tiêu lắc đầu nói :
– Bọn họ tiếng tăm lừng lẫy, thế lực hùng mạnh, có xem chúng ta vào đâu. Chúng ta đành tìm nơi thâm sơn cùng cốc ẩn náu mà thôi.
Giọng nói của lão nghe có vẻ rất chán nản. Hai người kia cũng lộ vẻ buồn rầu. Bạch Thiếu Huy thấy Lăng Tiêu buông giọng chán nản, liền nói :
– Nếu chư vị muốn tìm nơi lánh nạn thì tiểu sinh sẽ giới thiệu giúp cho. Thiên Nhất Giáo, Bách Độc Giáo, Bài Giáo hay Bạch Giao Bang đều có thể dung thân được. Còn như chư vị đã chán cuộc sống giang hồ thì có thể đến Huyền Đô Bát Cảnh Cung hay Kim gia trang của Vạn Lý Tài Thần.
Lăng Tiêu ngạc nhiên hỏi :
– Công tử lại quen biết những nhân vật danh cao vị cả như thế ư ?
Bạch Thiếu Huy khẽ gật đầu. Mộ Phụng Tường nói :
– Lão thân nghe tiếng Vạn Lý Tài Thần đã lâu, chúng ta nên đến nương nhờ lão. Biểu đệ của lão lại là Tổng đốc Thiểm Tây, chắc bọn Thiên Ma Giáo chẳng dám đụng đến đâu.
Bạch Thiếu Huy bảo Lăng Vân Phượng vào trong lấy giấy bút. Chàng thảo một phong thư ngắn, sau đó lấy một chiếc ấn ngọc đóng vào trong thư, niêm phong lại. Chàng đưa phong thư cho Mộ Phụng Tường, nói lời từ biệt rồi quay ra cửa định đi. Mộ Phụng Tường cầm phong thư trong tay, hỏi :
– Xin phép được hỏi công tử lai lịch thế nào ?
Bạch Thiếu Huy quay lại nhìn bà, khẽ nói :
– Tháng mười hai, ngày hai mươi sáu, thành Lư Lăng, Mộ gia sinh ái nữ ngay giờ hoàng đạo nên gọi là Tiểu Tường nhi. Tường nhi. Sơn Hà Ngọc Bội vẫn còn giữ chứ.
Nói đoạn chàng quay bước ra cửa. Mộ Phụng Tường nghe mấy lời của chàng như sét đánh ngang tai, kinh hãi thất sắc, vội lấy miếng ngọc bội đang đeo ra cầm trên tay, hết nhìn nó lại nhìn Bạch Thiếu Huy, lắp bắp :
– Công tử … công tử chính là …
Lăng Vân Phượng lên tiếng hỏi :
– Công tử có thể cho biết danh hiệu được chăng ? Tiểu muội vẫn chưa được biết danh hiệu của công tử.
Bạch Thiếu Huy nói vọng lại :
– Ngoại trừ tiên vương ra, chưa một ai dám gọi thẳng danh tính của quả nhân cả.
Tiếng nói vừa dứt thì bóng dáng của chàng cũng vừa khuất dạng. Mộ Phụng Tường vẫn thẫn thờ dõi mắt nhìn theo hướng đi của chàng. Lăng Viên hỏi với vẻ ngạc nhiên :
– Đại thư, người đó lai lịch thế nào ?
Mộ Phụng Tường như chợt bừng tỉnh, đáp :
– Khi ta vừa đầy năm, một vị thúc bá của ngoại tổ ta đã gửi tặng ta tấm Ngọc bội này. Ngoại tổ rất quý trọng nó, đã đeo vào cổ cho ta. Nó đã theo ta hơn sáu chục năm nay rồi. Bạch công tử lại gọi ta là Tường nhi thì chắc là hậu nhân của lão nhân gia, bối phận còn cao hơn ta mấy bậc.
Lăng gia nhị lão nghe nói thì kinh ngạc vô cùng. Trong khi đó thì Lăng Vân Phượng lộ vẻ buồn rầu, nét mặt đăm chiêu đầy vẻ bi thương.
Kim Lăng còn có tên là Nam Kinh, nằm về phía nam ngạn Trường Giang, bên bờ sông Tần Hoài, đã từng là kinh đô của một số triều đại như Đông Tấn, Nam Tề, Lương, Trần, … nay lại đang là nơi đóng đô của Minh Thái Tổ Hồng Vũ Hoàng đế Chu Nguyên Chương. Vì vậy nơi này rất nổi tiếng về các công trình văn hóa và danh lam thắng tích. Số lăng tẩm, đền đài, cung điện chùa miếu ở đấy còn nhiều hơn cả Lạc Dương, Yên Kinh, Biện Kinh, Lâm An. Có thể chỉ kém hơn Trường An, kinh đô của triều Đại Đường khi xưa.
Cách cửa đông thành Kim Lăng vài dặm có một địa phương được xem là một trong các tuyệt cảnh của đất đế đô. Đấy chính là Vạn Tú Hoa Viên. Khu vườn cảnh rộng ba trăm mẫu này là tài sản tư nhân, nhưng diễm lệ không thua gì Hoàng Cung Ngự Uyển. Trong khu vườn trồng hàng vạn loại kỳ hoa dị thảo được sưu tầm từ khắp các nơi đem về. Giả sơn, non bộ có đến mấy trăm, nằm rải rác khắp nơi, lại thêm ba dòng suối trong vắt uốn lượn quanh co, cá lội nhởn nhơ từng đàn, khiến cảnh vật bội phần kỳ tú.
Dưới những gốc tùng bách cổ thụ trăm tuổi là bãi cỏ xanh mơn mởn và quanh năm ngàn hoa đua nở, khoe sắc tỏa hương. Nơi đây còn có một tòa tửu lâu bốn tầng bằng gỗ rộng rãi và xinh đẹp. Đương nhiên các loại danh tửu của các địa phương đều đủ cả. Du khách nào đến Kim Lăng mà không đến Vạn Tú Hoa Viên uống rượu thưởng hoa thì xem như uổng cả chuyến đi.
Chủ nhân của Vạn Tú Hoa Viên, Hoạt Tài Thần Gia Cát Ngọc là người rất sành chuyện kinh thương. Sau khi nhà đại tài phú đất kinh kỳ là Thẩm Vạn Tam bị hại bởi tay Minh đế, lão nhờ vào tài lực hùng hậu cùng một thế lực hậu thuẫn rất hùng mạnh mà thế ngay vào chỗ khuyết đó. Trà lâu tửu quán, phân hiệu kinh doanh của lão trải khắp Giang Nam, lan rộng đến tận vùng Ngũ Lĩnh. Lão nắm giữ trong tay nhiều ngành kinh doanh huyết mạch như lúa gạo, tơ lụa, vận tải, … Thương thuyền của lão xuôi ngược khắp cả các miền đại giang nam bắc.
Trang viện của lão nằm kề bên Vạn Tú Hoa Viên, có tên là Hy Văn Thư Trang, cũng muôn phần trang nhã. Đó là vì lão say mê thư họa, tuy là một thương gia nhưng dáng vẻ đoan chính, phong độ ung dung hào sảng chẳng khác một văn nhân.
Sáng nay, như lệ thường, Hoạt Tài Thần lại đi dạo một vòng hoa viên. Lão vừa đi vừa tính toán sinh ý trong việc kinh doanh.
Đột nhiên, lão nghe thấy âm hưởng nhu hòa réo rắt bên tai, tâm hồn cảm thấy sảng khoái nhẹ nhàng những muốn lâng lâng bay bổng.
Thanh âm nghe như từ phía Thưởng Hoa Đình truyền tới. Lão định thần lắng nghe, chợt nhận ra đó là khúc Tiêu Dao Dẫn mà trong khắp thiên hạ duy chỉ có một người duy nhất tấu được, đó chính là Bạch Thiếu Huy.
Lão liền theo thanh âm tìm đến.
Lúc ấy, Bạch Thiếu Huy đang đứng dựa vào lan can Thưởng Hoa Đình thổi tiêu. Dung mạo chàng tuấn nhã tiêu sái, phong nghi đường bệ phi phàm, phong lưu thoát tục. Lão vội tiến đến phục lạy :
– Thần, Gia Cát Ngọc, xin tham kiến điện hạ, cầu ngọc thể vạn an. Thần không hay điện hạ ngọc giá quang lâm nên không kịp nghênh tiếp, mong điện hạ thứ tội.
Bạch Thiếu Huy ngừng thổi, cất Bạch Ngọc Tiêu, đoạn xua tay nói :
– Khanh bất tất phải đa lễ. Hãy mau bình thân. Quả nhân vì có việc phải đến Kim Lăng nên nhân tiện đến thăm khanh.
Gia Cát Ngọc kính cẩn tạ ân, đứng dậy, rồi vòng tay cung kính nói :
– Xin thỉnh điện hạ di giá về trang.
Bạch Thiếu Huy gật đầu, bước khỏi tòa lương đình. Gia Cát Ngọc đi trước dẫn đường. Bạch Thiếu Huy lấy bạch ngọc phiến ra cầm trên tay, nhẹ nhàng thả bước theo sau Hoạt Tài Thần.
Về đến gia trang, lão rước chàng vào đại sảnh, lệnh cho gia nhân bày tiệc, rồi chắp tay cung kính hỏi :
– Điện hạ ngọc giá quang lâm không biết có chỉ dụ gì cho thần không ?
Bạch Thiếu Huy hỏi :
– Công việc kinh doanh gần đây thế nào ?
Gia Cát Ngọc cung kính hồi đáp :
– Khải tấu điện hạ. Việc kinh thương hiện đang rất thuận lợi. Thần đã giành được độc quyền vận tải hàng hóa trên dòng Trường Giang và việc cung ứng lúa gạo cho vùng Hà Bắc, Tứ Xuyên, Cam Túc.
Đoạn lão trình bày sinh ý của các cơ sở kinh doanh trực thuộc. Bạch Thiếu Huy nghe xong thì rất hài lòng. Chàng hỏi :
– Khanh có nghĩ đến khả năng mở rộng vùng kinh doanh hay không ?
Gia Cát Ngọc ngẩn người nói :
– Không biết thánh ý thế nào ? Thần luôn luôn thực hiện việc mở rộng địa bàn kinh doanh.
Bạch Thiếu Huy hỏi :
– Khanh thấy Bài Giáo và Bạch Giao Bang thế nào ?
Gia Cát Ngọc đáp :
– Gần đây Bạch Giao Bang hoạt động rất mạnh, vùng ảnh hưởng được mở rộng rất nhanh chóng, hiện đã thống lĩnh cả vùng Đông Hải và các tỉnh dọc duyên hải. Còn Bài Giáo tuy mới thành lập nhưng thực lực cũng không phải tầm thường. Giáo chủ của họ lai lịch rất bí ẩn, còn võ công thì không biết thế nào. Chỉ biết y là một chàng công tử còn rất trẻ, lại anh tuấn hào hoa, khí độ phong nhã phi phàm, đã dùng uy đức mà thu phục cả các đạo quần hùng thủy lộ Trường Giang.
Bạch Thiếu Huy nói :
– Khanh thử nghiên cứu việc hợp tác với bọn họ xem sao.
Gia Cát Ngọc ngạc nhiên hỏi :
– Quan hệ của bọn họ với bản cung thế nào ạ ?
Bạch Thiếu Huy mỉm cười :
– Bọn họ đều là những thần tử của bản cung, và đã được quả nhân ban cho Sơn Hà Ngọc Bội.
Gia Cát Ngọc nói :
– Như thế thì rất dễ. Thần sẽ bàn bạc với bọn họ.
Bạch Thiếu Huy lại nói :
– Không nên quá phụ thuộc vào các tuyến buôn bán trong nội địa. Khanh cần chú ý đến việc mở rộng buôn bán với người Cao Ly và Đông Doanh, nếu được thì mở tuyến giao thương với cả Nam Dương. Cần nhanh chóng đóng ngay những thuyền lớn có thể đi biển dài ngày. Có như thế, một khi Trung Nguyên xảy chuyện, việc sinh ý mới không gặp khó khăn.
Gia Cát Ngọc cung kính tuân chỉ. Bạch Thiếu Huy chỉ lưu lại một ngày rồi rời Hy Văn Thư Trang, tiếp tục hành trình.
Lần này, chàng rời Kim Lăng lần này liền hồi cung ngay. Trên đường đi, chàng nghe thiên hạ bàn tán xôn xao về cuộc hội ở Tung Sơn. Liên tưởng giữa sự việc ở Phích Lịch Bảo với lời thách thức của hai lão ma Bạch Phát Đồng Tử và Bạch Cốt Hung Thần, chàng chợt nghĩ đến một chuyện. Chàng liền thảo mấy đạo chỉ, kiềm ngọc ấn, rồi mang đến phân hiệu Kim ký tiền trang gần đấy, bảo phải khẩn cấp truyền đến cho Tam Giáo Nhất Bang cùng Huyền Đô Bát Cảnh Cung. Sau đó, chàng thấy đã yên tâm nên nhanh chóng hồi cung.
Bích Dạ Cung quần nữ được tin điện hạ hồi giá thì rất vui mừng. Cầm, Tiêu, Hoa, Kiếm Tứ đại Thị nữ thống lĩnh cung nhân các bộ ra tận ngoài xa nghênh đón. Bạch Thiếu Huy sắp tới chưa có định đi đâu nên ở lại trong cung rèn luyện tuyệt học. Việc liên lạc với các đạo bên ngoài chàng giao phó cho Dương Thiên Bộ phối hợp với Tam đại Tài Thần đảm trách.
Hơn tháng sau, tin tức từ các nơi liên tiếp báo về. Biểu tấu từ Miêu Cương, Quân Sơn, Ngân Ba đảo, Huyền Đô Quan, … cũng được thượng trình. Tình hình diễn ra hết sức thuận lợi. Người người đều rất hân hoan.
Nhân đó, Bạch Thiếu Huy truyền lệnh cho các nơi tuyển chọn hai trăm cao thủ gửi về cung để đào tạo thành các đội thị vệ. Chàng cũng cho xây dựng bốn tòa cung viện ở bốn phía cách Bích Dạ Cung hơn mười dặm làm chỗ ở cho bọn thị vệ và đảm trách việc bảo vệ vòng ngoài. Hai trăm người được chia thành hai mươi đội, gồm tám đội Ngự tiền Thị vệ, bốn đội Thiết kỵ, bốn đội Khinh kỵ và bốn đội Phi Vũ chuyên dùng trường tiễn. Ngoài ra, chàng còn cho tuyển thêm bốn mươi tỳ nữ vào cung lo việc phục dịch, địa vị xếp dưới cung nhân Cửu Thiên Bộ.