“Nghe đất Trung Nguyên loạn lạc hoài,
Bao chốn đêm nay chảy lệ dài.”
Lại nói, khi nghe Sơn Bản Mộ Đồ thách thức khiêu chiến, Hắc y lão nhân khệnh khạng bước tới, chuẩn bị dạy cho đối phương một bài học. Liên tục áp đảo các cao thủ ‘tuyệt đỉnh’ của võ lâm Trung Nguyên, lão càng thêm tin tưởng vào võ công của mình, không xem Sơn Bản Mộ Đồ vào đâu, dù đối phương là một trong Đông Doanh Song Thần danh tiếng lừng lẫy, bấy lâu nay vẫn khiến người võ lâm Trung Nguyên run sợ.
Sơn Bản Mộ Đồ rút kiếm ra, cầm chắc trên tay, mũi kiếm chĩa xéo về phía trước theo thế xuất kiếm của võ sĩ Đông Doanh, rồi nghiêm trang nói :
– Ta là kiếm khách nên phải dụng kiếm. Vũ khí của ngươi đâu ?
Hắc y lão nhân cười nhạt nói :
– Đối phó với tên nhãi ranh như ngươi mà bản tòa cũng phải sử dụng vũ khí hay sao ? Bản tòa chỉ dụng đôi bàn tay này thôi cũng đủ đánh bại ngươi rồi.
Sơn Bản Mộ Đồ trịnh trọng nói :
– Như thế khi ta đánh bại ngươi thì ngươi lại có cớ đổ lỗi cho ta ỷ thế hiếp đáp ngươi rồi sao ?
Hắc y lão nhân sôi giận, ngửa mặt lên trời cười điên cuồng, rồi gằn giọng nói :
– Câu đó phải để cho bản tòa nói với ngươi mới phải. Tuổi của bản tòa gấp đôi ngươi, công lực cao thâm hơn ngươi nhiều, nếu còn sử dụng vũ khí, làm sao ngươi có thể chống lại nổi, dù chỉ là một chiêu thôi. Bản tòa không muốn mang tiếng ỷ già hiếp trẻ.
Sơn Bản Mộ Đồ thấy lão ta đã quyết ý như thế, liền gật đầu nói :
– Thôi được rồi. Ta xuất chiêu đây. Ngươi cẩn thận đó. Hy vọng ngươi có thể đỡ được một chiêu của ta mà không uổng mạng. Bấy lâu nay, vô số khách võ lâm Trung Nguyên đều không đỡ nổi một chiêu của ta đó.
Hắc y lão nhân gằn giọng nói :
– Câm miệng đi. Đừng có so sánh bản tòa với lũ vô dụng đó. Xuất chiêu đi, đừng có nói nhiều nữa.
Bọn Không Hư đại sư, Huyền Hạc đạo trưởng, Hà Vĩnh Tuấn nghe lão ta bảo bọn họ là lũ vô dụng, chỉ biết cười khổ. Bọn họ không dám nói tiếng nào, ở yên một bên, tranh thủ lúc này mà vận công khôi phục nội lực hay điều dưỡng thương thế. Bọn họ đã lâm vào bước đường cùng, chỉ hy vọng cầm cự được lúc nào hay lúc đó mà thôi. Hà Vĩnh Tuấn đưa mắt nhìn quanh lượng định tình thế, rồi rỉ tai Không Hư đại sư, nói :
– Chúng ta tranh thủ lão quỷ kia mải giao chiến mà rút lui thôi.
Không Hư đại sư cũng đưa mắt nhìn quanh, rồi gật đầu tán đồng :
– Phải đó. Nhưng phải chờ đến lúc bọn họ giao chiến đã. Bang chủ chuẩn bị đi. Để lão nạp đi nói với Huyền Hạc đạo trưởng.
Thế là cả bọn chuẩn bị cho việc rút chạy. Ai nấy chú ý nhìn vào vòng chiến, chờ cơ hội để đào tẩu. Đương nhiên, trước tình thế này, chỉ có các cao thủ đầu não mới có hy vọng đào tẩu thành công. Còn phổ thông bang chúng thì … đành chịu theo số mạng vậy. Bọn Hà Vĩnh Tuấn tự lo thân mình còn chưa xong, làm sao cứu được bọn họ.
Lúc này, sau khi nghe Hắc y lão nhân giục xuất chiêu, Sơn Bản Mộ Đồ vận nội lực truyền vào mũi kiếm, sau đó vung kiếm lên, nhằm tấn công vào yết hầu của đối phương. Thế kiếm đơn giản, nhưng kiếm quang như điện, tốc độ cực nhanh, chỉ nhoáng lên một cái là đã thấy mũi kiếm chỉ còn cách yết hầu của Hắc y lão nhân độ nửa tấc. Lão ta kinh hoảng thất sắc, vội vàng phiêu thân nhảy lùi về phía sau mấy bước để tránh, đương nhiên cũng đã để mất tiên cơ. Sơn Bản Mộ Độ dậm chân lướt nhanh theo sát đối phương, vung kiếm lên, vận toàn lực phát xuất Vô Tình Kiếm quyết. Kiếm ảnh phản chiếu ánh lửa hồng, bức ra sát khí dày đặc. Hơi lạnh phát ra dàn dụa. Sơn Bản Mộ Đồ nương theo luồng kiếm quang chém xuống đầu Hắc y lão nhân. Khí thế của chiêu kiếm mãnh liệt như cuồng phong, xuyên thẳng qua làn chưởng ảnh mà Hắc y lão nhân khẩn cấp giăng ra, thế kiếm không hề suy giảm, tiếp tục bổ xuống. Hắc y lão nhân xám xanh cả mặt, vội vã nghiêng người về phía sau né tránh. Lão phản ứng cực nhanh, nên tránh thoát trong đường tơ kẻ tóc. Mũi kiếm chỉ còn cách yết hầu của lão chừng nửa tấc. Lão khẽ thở phào, thầm hô thật là nguy hiểm.
Đột nhiên, sắc mặt tái xanh của Hắc y lão nhân bỗng trở thành trắng bệch. Rồi mọi người nhìn thấy có máu từ cổ lão chảy ra. Trước thế kiếm hung hiểm của Sơn Bản Mộ Đồ, lão tưởng đâu đã tránh thoát được rồi, nào ngờ đến phút cuối cùng, Sơn Bản Mộ Đồ lại phát lực, nội lực từ đầu mũi kiếm phát ra, phún mạnh về phía trước, xuyên thẳng qua yết hầu của đối phương, và Hắc y lão nhân đương trường tử vong. Mãi cho đến khi chết, lão cũng không tin được rằng mình phải chết. Lão không ngờ rằng Sơn Bản Mộ Đồ có thể phát ra được kiếm khí.
Đứng trên mái nhà quán chiến, Đông Hải Song Tiên cũng không khỏi rùng mình trước thế kiếm hiểm độc kia. Ngay cả hai lão, trong lúc bất ngờ cũng khó lòng trở tay cho kịp. Bình Giả Công Tạo tán thán :
– Thế kiếm xuất kỳ bất ý, thật hiểm ác vô cùng.
Hạ Điền Linh Mộc nói :
– Sơn Bản chỉ mất có một tháng mà đã luyện được thành thục, lại còn phát ra được kiếm khí, quả là tiến bộ thần tốc.
Bình Giả Công Tạo mỉm cười nói :
– Sơn Bản gần đây rất cố gắng. Cả Tuyết Nghi cũng thế.
Hạ Điền Linh Mộc nói :
– Sơn Bản xuất chiêu mà còn như thế, nếu như ta với lão thi triển, không biết sẽ còn lợi hại đến mức nào.
Bình Giả Công Tạo gật đầu :
– Tuyệt học như thế mà Dương giáo chủ lại mang tặng chúng ta, quả là trọng nghĩa khinh tài a.
Hạ Điền Linh Mộc gật đầu nói :
– Ta vốn không ưa nhân sĩ Trung Nguyên, nhưng cũng phải thừa nhận Dương giáo chủ là hảo bằng hữu, nghĩa khí hào hiệp, rất đáng kết giao.
Bình Giả Công Tạo gật đầu tán đồng, rồi hướng xuống bên dưới bảo lớn :
– Con mau giải quyết bọn chúng rồi chúng ta về ngủ thôi.
Sơn Bản Mộ Đồ đáp vâng một tiếng, rồi múa kiếm xông vào đám hắc y nhân. Thế kiếm của y tàn độc khủng khiếp, nhất kiếm đoạt mạng, nhất kích tất sát. Không gã hắc y nhân nào có thể toàn mạng được chỉ sau một kiếm. Thân ảnh của y nhoáng lên, đảo quanh một vòng, sau đó lại phóng người trở lên mái nhà. Và lúc này, bọn hắc y nhân đều đã bị giết hết, thi thể nằm ngổn ngang khắp nơi. Quần cái và chúng tăng đạo đến lúc này mới thở dài nhẹ nhõm, vội vàng xử lý chiến trường. Trận này phe Cái Bang tổn thất thảm trọng, Tổng đàn cũng bị thiêu rụi gần hết. Khắp nơi đều nhìn thấy xác người la liệt, máu tươi vương vãi đỏ hồng cả mặt đất. Không Hư đại sư, Huyền Hạc đạo trưởng và Hà Vĩnh Tuấn đưa mắt nhìn nhau, khẽ thở dài.
…
Bạch Vân Quan. Phân viện của Huyền Đô Bát Cảnh Cung ở thành Lạc Dương, nhờ uy danh của Huyền Đô Bát Cảnh mà hương khói cực kỳ hưng thịnh.
Quan chủ Thông Huyền Tử xuất thân từ Thượng Thanh Cung trong Huyền Đô Bát Cảnh, đạo cao đức trọng, từ khi đến trụ trì Bạch Vân Quan, đã mấy lần khoách kiến nơi đây, chiêu thu rất nhiều tín đồ, hương hỏa thịnh vượng, được công nhận là bậc chân nhân đắc đạo. Hôm nay, đạo trưởng đang tĩnh tu trong Biệt viện thì có đệ tử đến báo :
– Sư phụ. Ở chỗ Tổng đàn Cái Bang phía ngoài thành đang có giao chiến. Nhất Tuệ sư huynh đã đi đến đó xem xét tình hình rồi. Theo ước đoán của bọn đệ tử thì cuộc chiến là giữa phe Mật Tông với Cái Bang. Mới hôm kia phe Mật Tông vừa đến Lạc Dương.
Thông Huyền Tử chậm rãi nói :
– Chưởng giáo sư tôn bảo chúng ta không nên dính líu đến các ân oán trong võ lâm. Chuyện này chúng ta không nên can thiệp vào.
…
Thiên Nguyên biệt trang, phân đàn Lạc Dương của Thiên Nhất giáo.
– Bẩm Hương chủ. Bọn Cái Bang đang đánh nhau với Hồng Y Phiên của phe Mật Tông ở Tổng đàn của bọn chúng ngoài thành.
– Chuyện của bọn người võ lâm, quản hay không quản là chuyện của Dương Tổng đốc, liên quan gì đến chúng ta.
…
Lạc Hà biệt trang, phân đàn Lạc Dương của Bách Độc giáo.
– Bẩm Hương chủ. Bọn Cái Bang với đám Lạt ma đánh nhau rồi.
– Chuyện nhỏ nhặt. Mặc kệ bọn chúng. Đi ngủ thôi.
…
Kim Ký Tiền trang, Lạc Dương phân hiệu.
– Chưởng quỷ. Đánh nhau rồi. Bọn Lạt ma với bọn khiếu hóa tử đánh nhau rồi. Đánh nhau rất dữ dội, lửa cháy rực trời luôn.
– Bọn chúng có vay nợ ở chỗ chúng ta không ?
– Dạ không. Bọn Lạt ma mới đến đây, còn đám khiếu hóa tử toàn đi xin ăn, ai dám cho vay.
– Thế thì liên quan gì đến chúng ta ? Đi ngủ đi. Đừng đến làm phiền ta.
…
Hà Nam Tổng đốc phủ.
Tổng đốc Hà Nam Dương Thiên Hành đang yến tiệc cùng chúng thê thiếp nhi nữ ở hậu viện, đột nhiên viên thân vệ trưởng chạy vào bẩm báo :
– Đại nhân. Phe Cái Bang và đám Lạt ma ở Tây Tạng đang đánh nhau rất dữ dội ở Tổng đàn Cái Bang ngoài thành. Theo tin tức sơ bộ thì phe Cái Bang thương vong cực kỳ thảm trọng. Ở đó lửa cháy rực trời, tiếng chém giết vang dậy.
Dương Thiên Hành ngẫm nghĩ giây lát, rồi nói :
– Khiếu hóa tử đông quá cũng không tốt, làm mất mỹ quan thành thị. Ta đang phiền không biết làm sao để giảm bớt số lượng khiếu hóa tử trong thành đây.
…
Tin tức về trận chiến ở Tổng đàn Cái Bang nhanh chóng truyền đi khắp đại giang nam bắc, chín quận mười đô, thậm chí ba nơi biên thùy, chín nơi quan ải cũng đều hay biết. Trận này, Cái Bang tổn thất thảm trọng. Không chỉ Tổng đàn bị thiêu rụi, mà hơn bảy nghìn bang chúng có mặt ở đó cũng hy sinh gần bốn nghìn, số còn lại đều thọ thương. Hai phái Võ Đang, Thiếu Lâm đến viện trợ Cái Bang cũng chịu nhiều tổn thất. Phái Võ Đang tổn thất nhất lưu cao thủ hết thất thành, Thiếu Lâm Tự cũng thương vong quá nửa. Cả ba phái thực lực đại giảm, đặc biệt là Cái Bang hoàn toàn tổn thương nguyên khí.
Sau trận chiến Lạc Dương, oai danh tam phái thụ tổn nặng nề, còn oai danh của Đông Doanh Song Thần càng thêm lừng lẫy. Khách võ lâm đều biết Nam Thần Sơn Bản Mộ Đồ chỉ hai chiêu sát tử Hắc y lão nhân, trong khi lão ta liên tục kích bại, đả thương bọn Không Hư đại sư, Hà Vĩnh Tuấn liên thủ cùng các cao thủ bản phái. Qua đó cho thấy võ công của Đông Doanh Song Thần khủng khiếp đến mức nào. Lời truyền tụng khách võ lâm không ai chống nổi bọn họ dù chỉ một chiêu, trước đây nhiều người không tin, thì nay mới thấy là hoàn toàn có cơ sở. Thế là, khách võ lâm nhân tâm hoàng hoàng, ai nấy co đầu rút cổ, không dám huênh hoang khoác lác như trước đây nữa. Nhiều kẻ có ít nhiều danh vọng trong vùng liền vội tìm cớ tránh đi nơi khác, để khỏi đụng độ Đông Doanh Song Thần, để khỏi mất mạng oan uổng.
Giới võ lâm nhất thời bình tĩnh.
Khách võ lâm khó thể yên tĩnh lâu dài được. Trong võ lâm không còn chuyện gì đáng để bàn bạc nữa, thế là khách võ lâm chuyển sang quan tâm thời cuộc. Lúc này, cuộc chiến Tĩnh nạn đang xảy ra. Nhiều hiệp khách võ lâm hào khí can vân, vác kiếm lên đường tòng quân cứu nước …, à không, tòng quân kiếm chút công danh. Tĩnh nạn chiến tranh là nội chiến, chỉ tàn phá đất nước chứ đâu liên quan gì đến việc cứu nước cứu dân. Chỉ chưa đầy một năm mà song phương đã mấy lần đại chiến, quân sĩ thương vong trên bách vạn, bách tính lưu ly thất sở, thương vong vô số. Tuy vậy, loạn thế xuất anh hùng. Khách võ lâm vác kiếm tòng quân, nếu lập nên công tích thì có thể được phong hầu bái tướng, rạng rỡ tổ tông.
Hồng Vũ đế Chu Nguyên Chương là người hung bạo hiếu sát, vì củng cố địa vị thống trị của bản thân và con cháu, không chỉ sát hại hết sạch công thần mà còn đại phong tôn thất hơn hai mươi người thành phiên vương, trú thủ các nơi trọng yếu trong nước, để làm vây cánh cho Hoàng đế. Các vị phiên vương này tuy không có quyền quản lý phong địa, nhưng có quyền sở hữu quân đội hộ vệ, ít thì ba nghìn, nhiều thì hơn vạn. Các phiên vương trú thủ bắc phương biên cảnh như Tấn vương Cương ở Thái Nguyên, Yên vương Lệ ở Bắc Bình, Ninh vương Quyền ở Đại Ninh có quân lực càng hùng hậu hơn, và toàn là quân tinh nhuệ năng chinh thiện chiến.
Nếu như Hoàng thái tử Chu Tiêu không chết sớm, để rồi sau này kế vị, thì theo truyền thống ‘Trưởng huynh vi phụ’, chư vương sẽ kính nể tân đế mà giữ phận mình. Chu Tiêu bất hạnh chết sớm. Hoàng thái tôn Doãn Văn là phận hậu bối, sau khi kế vị, cảm thấy khó lòng ước chế được chư vương, lại thêm chư vương đều sở hữu quân quyền, đối tân đế tạo thành uy hiếp, nên có ý tước phiên. Chỉ có điều, Chu Doãn Văn không hề có tài năng và kinh nghiệm quân sự, lại do Hồng Vũ đế Chu Nguyên Chương đại sát công thần, khiến cho các đại thần trong triều đa số là văn quan nho sinh, triều đình thiếu tướng tài cầm quân đánh giặc. Trong bối cảnh ngoại hoạn uy hiếp (lúc bấy giờ Bắc Nguyên vẫn thường xuyên tiến phạm, vượt biên cướp bóc), bản thân lại không có chút kinh nghiệm tác chiến cũng như binh pháp tố dưỡng, đối với Chu Doãn Văn mà nói, mạo muội tước phiên không phải là lương sách trị quốc, chỉ sợ gặp cảnh phúc diệt giống như Tống triều, hứng lấy họa diệt quốc. Những đại thần mà Chu Doãn Văn trọng dụng như Phương Hiếu Nhụ, Tề Thái, Hoàng Tử Trừng đều không hề có tài năng bảo gia vệ quốc hay năng lực tác chiến. Huống hồ, các triều tước phiên đều dẫn đến sự phản kháng nghiêm trọng; loạn thất vương, loạn bát vương đều do tước phiên mà thành loạn. Chu Doãn Văn quá thiếu kinh nghiệm, tin dùng bọn nho sinh, vừa mới kế vị, thế lực chưa vững mà đã tước phiên, dẫn đến đại họa.
Ban đầu, triều đình nhắm đến các phiên vương ở phương nam, vốn thực lực yếu ớt, nên nhất thời thành công. Lần lượt phế trừ được ngũ vị phiên vương là Chu vương Thu, Tề vương Phù, Tương vương Bách, Đại vương Quế, Dân vương Tiện.
Yên vương Lệ cảm thấy triều đình sắp đối phó mình, liền bàn với mưu sĩ là Đạo Diễn Tăng (tục danh Diêu Quảng Hiếu, xuất gia đầu phật, pháp danh Đạo Diễn), từ phong địa Bắc Bình khởi binh, tuyên xưng ‘thanh quân trắc’, ý chỉ các đại thần bên cạnh Kiến Văn đế Chu Doãn Văn như Tề Thái, Hoàng Tử Trừng là gian thần, cần phải trừ diệt, tuyên xưng hành động của mình là ‘Tĩnh nạn’, ngay lập tức khống chế đại phận Bắc Bình, binh lực đến vài vạn.
Do Chu Nguyên Chương tàn sát công thần, khiến cho trong triều lúc này không còn tướng tài. Kiến Văn đế chỉ đành phái lão tướng Cảnh Bỉnh Văn lúc này đã 65 tuổi suất lĩnh 30 vạn quân bắc phạt. Cảnh Bỉnh Văn suất quân đến Chân Định, bị Yên quân tập kích cứ điểm Hùng huyện, rồi đánh bại viện binh, công chiếm Mạo Châu. Cảnh Bỉnh Văn dẫn quân vượt sông cứu viện, đến giữa sông lại bị tập kích, đại bại. Bộ tướng Lý Kiên, Ninh Trung, Cố Thành bị giết. Cảnh Bỉnh Văn đành dẫn tàn quân khoảng 10 vạn người rút về Chân Định cố thủ.
Ở triều đình Kim Lăng, Hoàng Tử Trừng kiến nghị cách chức Cảnh Bỉnh Văn, phái Lý Cảnh Long tiếp nhậm, tăng binh thêm 50 vạn. Lý Cảnh Long tướng chẳng biết binh, ít mưu mà kiêu căng, ngoài mặt lạnh lùng nhưng trong lòng nhút nhát, nên bị Tề Thái phản đối cho cầm quân. Kiến Văn đế không nghe, phái Cảnh Long tiếp nhậm, rồi bại trận càng thảm liệt hơn, tổn thất càng nặng nề hơn. Giữa lúc đó, Yên vương Lệ đột tập Đại Ninh, bắt giữ Ninh vương Quyền, thu lấy binh mã tinh nhuệ của Ninh vương phủ, quân thế càng thêm hùng mạnh.
Sau đó, Yên quân thừa thế đánh tràn xuống phía nam, đại bại 60 vạn đại quân của Lý Cảnh Long, rồi kéo quân đến mạn Hoàng Hà. Yên quân liên tiếp đại thắng, Chu Lệ đắc ý vô cùng, phái sứ giả sang sông chiêu dụ Tổng đốc Sơn Đông quy hàng. Tổng đốc Sơn Đông Lương Khang Ninh thấy vẻ hống hách của sứ giả, tức giận đuổi về, rồi dẫn quân bản bộ chuyển đến Lâm Tri. Lương Tổng đốc đến Hồng Vũ đế Chu Nguyên Chương còn không nể, cùng hai trấn Hà Nam, Thiểm Tây kết minh kháng cự triều đình, nói gì Yên vương Chu Lệ lúc này chỉ là một đạo phản quân.
Triều đình Kim Lăng nghe tin Lý Cảnh Long đại bại, liền phái Thịnh Dung làm chủ tướng, Thiết Huyền làm phó tướng, suất viện quân đến Tế Nam lập phòng tuyến chống quân Yên. Chu Lệ suất lĩnh đại quân kéo đến bao vây Tế Nam, đánh mãi không được, rồi bị Thịnh Dung thiết kế, tại Đông Xương đại phá quân Yên. Yên quân thảm bại, lớp chết lớp hàng, tổn thất gần hết. Đại tướng Trương Ngọc tử trận. Chu Lệ được thị vệ bảo hộ, dẫn vài trăm tàn quân chạy về phương bắc. Thiết Huyền quyết tâm trừ cho được Chu Lệ, nên phái cao thủ Cẩm Y Vệ đuổi sát theo sau truy sát.
Chu Lệ chạy đến bên bờ Hoàng Hà, thấy phía trước sông rộng sóng to, không có thuyền vượt sông, bên mình chỉ còn lại vài chục thị vệ, phía sau lại có Cẩm Y Vệ truy sát, nên ngửa mặt nhìn trời, thở dài than :
– Thượng thiên muốn tuyệt ta hay sao ?
Thứ tử Cao Tuất nói :
– Phụ vương, chúng ta men theo bờ sông chạy về phía tây thôi. Dương Tổng đốc vốn không phục triều đình, chúng ta có thể nhờ cậy được.
Chu Lệ giờ đây không còn vẻ kiêu ngạo như trước kia nữa, thấy ngựa đã uống nước xong, sức lực hồi phục được phần nào, phía sau địch nhân lại đuổi gần đến nơi, liền gật đầu nói :
– Được rồi. Đi nhanh thôi.
Viên tùy tướng là Vương Tôn nói :
– Đại vương. Xin để thuộc hạ ở lại ngăn chặn truy binh, làm chậm bước tiến của bọn chúng.
Chu Lệ cầm tay Vương Tôn, ứa lệ nói :
– Bản vương mà thành đại nghiệp, quyết không quên ơn tướng quân.
Thế rồi bọn Chu Lệ vội vàng giục ngựa chạy về phía tây lánh nạn. Vương Tôn cùng hai mươi thị vệ ở lại ngăn chặn truy binh. Khi bọn Cẩm Y Vệ đuổi đến nơi, họ Vương cùng bọn thị vệ Yên vương phủ liều mạng đánh giết, khiến cho chúng Cẩm Y Vệ phải mất gần nửa giờ mới giải quyết xong bọn họ. Yên vương Chu Lệ là đầu lĩnh Yên quân, bắt được là công lao rất lớn, nên chúng Cẩm Y Vệ đương nhiên không chịu bỏ qua, vội đuổi riết theo sau. Cả bọn đều lần lượt chạy về phía tây.