Hồng Tôn Dương lúc đó nhờ được có phi kiếm cắt đứt các giây trói ra rồi, chàng bèn thừa thế hăng hái, xông vào toan đuổi theo để đánh bọn thầy trò nhà Triệu Như Phong. Nhưng chàng chưa kịp động thủ thì bọn 2 người con trai và một người con gái kia đã xông vào tới nơi, ngăn cản chàng lại, không cho đuổi đánh đám kia.
Hồng Tôn Dương trông trong bọn 3 người đó, duy có một người quen mặt nhìn ra chính là Văn Tùng ở đất Nhã An. Chàng liền vui mừng hớn hớ, hỏi ngay lên rằng:
– Văn huynh ở đâu đến đây, mà lại cứu được tôi như thế.
Văn Tùng nghe hỏi, gạt đi mà rằng:
– Bây giờ không phải là lúc nói chuyện, vậy xin đại ca hãy quay về ngay chỗ trọ, rồi ta sẽ đàm đạo thì hơn.
Nói đoạn liền thôi thúc Hồng Tôn Dương quay ra, nhảy lên nóc nhà, rồi ba người cùng đều nhảy theo cả lên để trốn. Khi đã lên cả nóc nhà rồi, Tôn Dương bèn mời ba người kia cùng về cả nhà Bạch Thái Bình một thể. Ba người kia cũng vui lòng nhận lời đi ngay.
Được một lát, về tới nhà Bạch Thái Bình thì đã thấy Bạch Thái Bình cùng Tưởng Anh đương đứng ngoài cửa trông ngóng Tôn Dương. Hai người thấy Tôn Dương đã về thì đều vỗ tay vui mừng ầm ĩ, và kéo ngay vào để hỏi chuyện.
Hồng Tôn Dương trỏ vào bọn Văn Tùng mà bảo Thái Bình cùng Tưởng Anh rằng:
– Đây là ba vị ân nhân cứu mạng cho tôi đấy. Hôm nay nếu không có ba vị này, thì có lẽ Hoàng mà không còn cách gì mà trông thấy lại anh em được nữa.
Nói đoạn liền mời bọn Văn Tùng vào cả nhà trong, bảo Bạch Thái Bình sai người pha trà lên thết, rồi mới thuật chuyện từ lúc ra đi tới khi được cứu cho mọi người cùng nghe một lượt.
Bạch Thái Bình và Tưởng Anh nghe hiểu đầu đuôi, đều lấy làm mừng rỡ hú vía, bảo nhau cảm tạ bọn Văn Tùng vô hạn.
Đoạn rồi Hồng Tôn Dương lại hỏi lại bọn Văn Tùng rằng:
– Vậy chẳng hay vì cớ gì mà các ngài lại đến cứu tôi như thế, xin các ngài thuật cho tôi nghe, kẻo tôi áy náy trong lòng…
Văn Tùng bèn đem đầu đề câu chuyện thuật cho Hồng Tôn Dương cùng mọi người rõ:
– Nguyên hôm đó bọn Văn Tùng ở nhà, thấy tin báo là vợ chồng Tấn An cùng Châu Anh bị bắt ở hàng cơm Trường Long rồi sau vì vây đến việc Hồng Tôn Dương mà bị Tổng đốc Tứ Xuyên đem ra xử quyết. Văn Tùng bèn hoảng hốt, cùng hai vợ chồng Diêu Cương và Tấn Từ lên ngay Tứ Xuyên để lập mưu cứu gỡ. Khi lên tới Tứ Xuyên thì bỗng lại nghe tin ở trong dinh Tổng đốc đương náo động ầm ầm, không biết xảy có việc gì. Nhân thế ba người bèn kéo nhau đến ngay dinh quan Tổng đốc và gặp ngay lúc bọn kia đương sắp hành hình Hồng Tôn Dương. Văn Tùng trông thấy bèn phóng ngay phi kiếm ra giết tên đao phủ và cứu Hồng Tôn Dương thoát nạn.
Tôn Dương lúc đó nghe rõ đầu đuôi, mới bái tạ bọn Văn Tùng và bàn cách cùng nhau mưu toan việc lớn. Văn Tùng nhân hẹn với Hồng Tôn Dương xin đến hôm sau, đúng giữa buổi trưa sẽ cùng nhau hội họp tại núi Đầu Đà ngoài thành để cùng nhau bàn định.
Hồng Tôn Dương cũng xin y ước. Đoạn rồi ba người kia liền đương đêm quay về chỗ trọ.
Ngày hôm sau, vào khoảng gần trưa, Hồng Tôn Dương bèn từ giã Bạch Thái Bình cùng Tưởng Anh, rồi một mình ăn mặc giả dạng nhà quê, gánh một gánh gạo đi lẻn ra thành, tìm đến chân núi Đầu Đà để họp. Khi tới nơi, đã thấy Văn Tùng cùng Diêu Cương và Tấn Từ đều đương đợi chờ ở đó. Bốn người trông thấy nhau đều hoan hỉ chào hỏi, rồi đem hết tâm sự thổ lộ với nhau.
Trò chuyện hồi lâu, Tấn Từ nhân nới với mọi người rằng:
– Công việc cần cấp của bọn ta hiện nay là nhất diện phải tìm mưu lập kế trừ hết những tay tướng giỏi của đám Mãn Thanh và nhất diện phải triệu tập nhiều bọn hào kiệt anh hùng mà lập nơi căn bản, rồi sau ta sẽ thứ tự thi hành thì mới mong có ngày chóng thành công được. Nếu bằng không thế mà ta cứ lang thang nay đây mai đó, thì chẳng qua chỉ thêm gây mối ngờ vực, mà rút cục chưa chắc làm nổi việc chi… Vậy thiết tưởng ta nên nhất tâm như thế thì hơn.
Hồng Tôn Dương nghe nói khen cho là phải, nhân bảo Tấn Từ rằng:
– Trong đám bày tôi nhà Minh, duy có một anh Tháp Nhi Tề Khoa là tôi chú ý. Hắn ta là một người tài ba dũng lược, sức địch muôn người mà lại sở trường về nghề kiếm thuật. Vả hiện nay hắn ta giữ chức Cửu môn đề đốc, uy thế lừng lẫy, không mấy người bằng, bao nhiêu quyền bính binh lương đều ở trong tay hắn ta tất cả. Tôi đã bao phen lập tâm định trị hắn ta, song trong chốn hoàng thành canh phòng nghiêm mật, e khi làm không xong công việc thì lại nguy thiệt đến thân. Bởi thế nên vẫn do dự chưa sao làm xong được.
Tấn Từ nghe nói, cười nhạt mà rằng:
– Trừ một anh ấy thì có lấy gì làm khó? Đại ca cứ để tôi sẽ trị nó cho xem.
Văn Tùng vội gạt đi rằng:
– Chết nỗi! Chỗ đó không phải là chơi, nếu mình không cẩn thận thì tính mạng nguy ngay lập tức. Không phải như mọi người khác mà nói chuyện coi thường thế được.
Tấn Từ lại mủm mỉm cười mà không nói gì. Đoạn rồi Văn Tùng cùng Tấn Từ và Diêu Cương mời Hồng Tôn Dương về hàng cơm Vạn Tân lâu ở Nhã An để cùng nhau tụ họp. Khi về tới nhà Tấn Từ bèn bàn với Diêu Tú và Châu Linh xin phép Văn Tùng đi vào kinh sư để giết Tháp Nhi Tề Khoa. Văn Tùng cố ý giữ lại không cho đi.
Bất chợt cách một đêm hôm ấy, khi sáng sớm trở dậy thì bỗng không thấy tung tích ba người đâu nữa. Văn Tùng lấy làm nghi ngờ, vội sang lục xem ở chốn phòng riêng của ba người thì thấy có một phong thư, nói là ba người đều tình nguyện đi vào kinh sư hành thích Tháp Nhi Tề Khoa để chẹn vây cánh Mãn Thanh mà bênh vực cho nòi giống Hán.
Văn Tùng xem xong, giật mình kinh sợ, vội vàng bảo ngay cho Hồng Tôn Dương biết. Tôn Dương nghe nói cũng sợ hãi hoảng hồn vội bàn với Văn Tùng phải vào kinh ngay để giữ ba người kia lại. Văn Tùng lấy làm phải, bèn lập tức thu thập hành lý cùng nhau theo lối Hồ Nam qua đất Hà Nam, Hà Bắc để tới kinh sư.
Đằng này bọn Tấn Từ hôm ấy ra đi, thoạt trước cũng đã định theo lối Hồ Nam thẳng tiến. Nhưng sau vì sợ có người đuổi theo ngăn cản, nên lại đổi đường đi quay về nẻo Thiểm Tây để qua Sơn Tây, Hà Bắc rồi mới vào tới kinh sư.
Một hôm, ba người đi đến giữa nơi giáp giới Sơn Tây và Thiểm Tây thì trời vừa tối. Vừa hay lúc đó thấy ở bên cạnh đường đi có một ngôi chùa to lớn, ba người bèn bảo nhau kéo đến để xem. Khi tới nơi, thấy trên mái cổng ngói có dựng một bức hoành vôi trắng trong viết ba chữ “Từ Vân am” rất lớn.
Châu Linh trông thấy, nhân bảo Tấn Từ cùng Diêu Tú rằng:
– Ngôi chùa này, nhìn quang cảnh bề ngoài, có lẽ là bọn sư ni cư trú. Vậy chúng ta vào đây hỏi trọ chắc họ là sẽ hoan nghinh.
Tấn Từ gật đầu khen phải, bèn giơ tay gõ cửa để xem.
Tiếng gõ của vừa dứt thì quả thấy có một người tiểu nữ ở trong lật đật chạy ra.
Người tiểu nữ mở cửa ra, trông thấy ba người, thì bỗng ra vẻ cau có bất bình mà rằng:
– Các người có lễ bái gì thì để đến mai, chứ bây giờ tối tăm còn ai nhận lễ !
Nói đoạn liền khép ập cửa lại, không cho vào nữa.
Tấn Từ thấy vậy ra ý tức giận nói to lên rằng:
– Chúng tôi là khách lỡ độ đường, muốn vào đây trọ nhờ nhà chùa một tối, chứ có phải là lễ bái đâu.
Người tiểu nữ đứng trong lên giọng gắt trả lời rằng:
– Các người muốn trọ thì xin đi tìm hàng cơm, chùa tôi không chứa khách trọ bao giờ, xin các người đừng trách tiểu tôi.
Châu Linh thấy vậy, trong bụng hơi nghi, bèn kéo hai người đi ra chỗ xa, khẽ bàn thầm rằng:
– Tôi coi vẻ ngôi chùa này, không được chính đại quang minh thì phải. Họ sợ chúng ta vào đấy, tất là lộ chuyện bí mật gì đây cho nên họ mới cự tuyệt chúng ta như thế.
Diêu Tú gật đầu mà rằng:
– Câu đó rất có lí. Chúng ta thử nấp quanh đây để xem, có ai ra vào khác ý gì chăng, bấy giờ rồi ta sẽ liệu.
Tấn Từ cùng Châu Linh đều lấy làm phải bèn chia nhau nấp, ba người làm ba ngả, rình xem sự thể ra sao? Rình một hồi lâu chợt thấy phía trong có hai người tiểu nữ khe khẽ mở cửa đi ra.
Khi bước ra cửa cổng, hai người đều đứng dừng lại, nhìn quanh bốn bên một lúc, rồi thì thầm bàn tán với nhau:
– Quái lạ! Bây giờ đáng lẽ lão ta đã đến đấy rồi thì phải, hay là lại có việc gì cản trở hay sao?
– Mấy hôm nay lão ta không đến, hôm nay đến đây, tất thế nào sư phụ ta cũng trách móc lôi thôi, chớ không không được.
– Cũng may lúc nãy có ba đứa nào đến đây, mình đuổi ngay đi được không thì nó lại làm cho bại lộ mất cả việc mình….
Nói tới đó, hai người tiểu nữ quay trở vào khép cổng lại. Thì vừa hay khi đó ở phía ngoài có một người vào trạc ngoài 30 tuổi, mình cưỡi con ngựa, có một đứa gia nhân lực lưỡng theo hầu, cùng đi tới đó. Khi tới cổng chùa, người ngồi trên mình ngựa kia bước xuống, trao ngựa cho tên gia nhân đứng giữ rồi một mình vào gõ cổng chùa.
Tiếng gõ cổng vừa dứt thì thấy ở trong có tiếng người hỏi lên rằng:
– Có phải Trư đại gia đấy không? Sao hôm nay đến muộn thế!
Nói đoạn thì thấy người đàn ông ứng lên rằng:
– Phải, chính tôi đây. Hôm nay tôi đến sớm thế này còn kêu là muộn nữa sao? Mau mau mở cửa cho tôi.
Nói tới đó thì thấy ở trong tiếng cười khúc khích nổi lên, rồi cánh cửa mở tung ngay ra.
Người đàn ông lại quay lại dặn tên người nhà rằng:
– Ngươi đứng đấy coi ngựa và trông cổng đó. Hễ có ai vào thì phải giật chuông báo hiệu cho mau, đúng như mọi hôm mới được.
Nói xong liền quay ngoắt đi vào, rồi hai cánh cổng chùa lại khép chặt ngay lại.
Đằng này Tấn Từ đợi cho bọn kia đi vào xong rồi, trong bụng biết rõ là bọn họ có việc tư tình với nhau, bèn lẳng lặng lừa ra để xem tên người nhà hành động ra sao. Bấy giờ tên người nhà kia buộc con ngựa vào một bên cổng, rồi ngồi thụp xuống ở ngưỡng cổng để coi.
Tấn Từ liền chạy xổ lại lừa miếng bất thần, nắm chặt lấy tay tên kia, giơ thanh đao loang loáng lên mặt, mà đe nẹt rằng:
– Muốn sống câm mồm hễ kêu là ông chém chết.
Nói tới đó liền quay ra khẽ lên hiệu gọi Châu Linh và Diêu Tú cùng đến.
Tên người nhà kia thầy ba người đều cầm đao sáng loáng ở tay, ra vẻ dữ tợn, thì run sợ hết hồn vội nói lên rằng:
– Lạy các quan, con là đầy tớ người ta, con đi hầu hạ đói rách, có việc gì các quan dạy bảo, con xin vâng theo. Các quan đừng giết con mà tội nghiệp…
Tấn Từ lại trỏ vào mặt tên người nhà mà rằng:
– Ta không giết ngươi làm gì, nhưng cái người cưỡi ngựa lúc nãy là ai? Ngươi phải nói thực cho ta biết đã…
Tên người nhà run sợ mà rằng:
– Thưa ngài, hắn là chủ nhân của tôi, tên là Trư Lương, ở Trư gia trại cách đây chừng mấy dặm đường…
– Thế thầy trò nhà anh đến đây làm gì?
Tên người nhà nghe câu hỏi ấy thì có vẻ e ấp không sao trả lời ngay được. Tấn Từ bèn giơ thanh gươm ướm vào cổ tên kia mà hỏi dồn lên rằng:
– Thế nào nói mau, không thì ta cắt cổ đi bây giờ…
Tên người nhà run lên cầm cập mà rằng:
– Ngài tha cho con, con xin nói. Nguyên nhà sư ở Từ Vân am đây tên là Diệu Đạo xưa nay vẫn có tình riêng với chủ nhân tôi bởi thế nên chủ nhân tôi mới thường đến đây đi lại. Hôm nay chủ tôi đến đây cũng là việc ấy mà thôi.
Tấn Từ nghe tới đó, liền quay bảo Châu Linh cùng Diêu Tú rằng:
– Tôi khéo đoán lắm, chắc là họ có việc gì tư tình, không thì có can chi mà họ đuổi mình như thế!
Diêu Tú cũng gật đầu đáp rằng:
– Cái đó đã hẳn đi rồi, nhưng bây giờ có lẽ ta chịu để mặc nó hay sao?
Tấn Từ lắc đầu đáp:
– Mặc họ thế nào được! Để tôi khắc có cách xử trí rồi tôi sẽ nói cho nghe.
Nói đoạn liền rút lấy cái giây tam cố thắt ở lưng ra, trói chặt tên người nhà kia lại, giơ tay điểm cho một huyệt, mê man bất tỉnh rồi đặt vào cho một nằm một chỗ. Đoạn rồi chàng ta quay lại khẽ nói thầm với Châu Linh và Diêu Tú mấy câu.
Hai người nghe nói đều tỏ ý hớn hở vui mừng, đồng thanh nói lên rằng:
– Nếu vậy chúng ta phải làm ngay đi mới được…
Tấn Từ gật gật vui mừng, rồi cùng nhau cạy cửa cổng lén lén đi vào. Khi vào tới trong chùa bốn bề im phắc, không có bóng người. Ba người kéo nhau lên chốn phật đường thì thấy đèn nến vẫn còn sáng choang mà người thì không có một ai ở đó. Ba người bèn đến trước chỗ pho tượng thổ thần cùng lạy 4 lạy lầm rầm khấn nhỏ vài câu. Đoạn rồi Châu Linh trèo lên lột lấy mũ áo pho tượng thổ thần mặc vào mình, để pho tượng giấu vào một chỗ, rồi tự mình ngồi lên cái ngai của pho tượng vẫn ngồi. Đoạn rồi Diêu Tú cũng lột lấy một bộ mũ áo của tượng hộ pháp mặc vào cho mình và xõa tóc cầm kiếm, đứng nghiêm chỉnh vào một bên trước mặt Châu Linh.
Khi sửa soạn xong rồi. Tấn Từ bèn len lén cầm thanh kiếm quay ra, rón rén đi đến các nơi để lùng bọn kia. Chàng lùng mãi tới một nếp nhà kia, thấy trong một gian phòng có ánh đèn chiếu qua khe cửa. Tấn Từ lần đến tận nơi, lắng nghe thì thấy ở trong quả có tiếng người rì rầm nói chuyện. tìm chỗ khe cửa nhìn vào, thì thấy trong đó có năm sáu người, đương ngồi vây vào một cái bàn chè chén trò chuyện với nhau. Nhìn kỹ trong bọn đó, thì có người đàn ông, chính là Trư Lương, một người sư nữ đứng tuổi đoán chắc là Diệu Đạo, mọi người ở đó đương cùng nhau nâng chén khuyên mời, còn bốn người tiểu gái thì đứng cả xung quanh xúm vào mời chào rót rượu tình ý rất chiều thân mật.
Tấn Từ lắng tai nghe một lúc, chợt thấy người sư nữ ngà ngà giọng say, bảo Trư Lương rằng:
– Anh thực là một người bạc! Thầy trò tôi đãi anh như thế mà mấy hôm nay, tịnh không thấy anh ló mặt đến đây.
Trư Lương cũng giở cái giọng hơi lè nhè mà rằng:
– Tôi mấy hôm nay bận quá bởi thế nên hôm nay tôi phải sang sớm ngay đây, làm gì mà còn trách móc.
Diệu Đạo cười nhạt mà rằng:
– Anh bận gì tôi lại không biết hay sao! Ngày hôm kia đây, anh bắt được con bé nhà họ Dương nào đó, có phải bận về việc ấy hay không?
Trư Lương cười khì khì mà rằng:
– Sao mà ranh mãnh thế? Cái gì cũng là biết ngay. Nhưng nào có ăn thua gì đâu mà nói!
Diệu Đạo trỏ vào mặt Trư Lương mà rằng:
– Thôi anh đừng giấu tôi nữa. Anh bắt cóc người ta đến nhà mà lại bảo là không ăn thua thì ai nghe được!
Trư Lương thở dài mà rằng:
– Ấy thế! Nói thì không ai tin, nhưng có tới đó mới biết sự thực là không ăn thua. Con bé nhà ấy nó ương ngạnh quá ! Dỗ dành đe dọa hết cách mà nó vẫn trơ trơ một mực, không sao làm gì nổi nó, thế có tức bực hay không? Hiện bây giờ vẫn giữ nó ở nhà đó nhưng chẳng qua cũng là vô ích mà thôi! Sao bằng ta lại với ta đây, là hơn hết cả…
Nói rồi liền bá cổ Diệu Đạo hôn lấy hôn để không thôi.
Tấn Từ nghe rõ câu chuyện lại trông thấy quang cảnh như vậy thì trong bụng tức giận vô cùng, bèn đứng ngoài thở dài một tiếng rồi ghé miệng vào chỗ khe cửa dùng sức thổi mạnh vào trong một cái; làm cho đèn nến ở trong đều bị lờ mờ lay ngọn, như là sắp tắt tới nơi. Mấy thầy trò nhà sư ở trong nghe tiếng thở dài rồi lại thấy ngọn đèn lay động thì ai nấy đều sợ xanh xám cả mặt, không dám nói một câu nào nữa.
Trư Lương làm bộ mạnh bạo, đứng phắt dậy, quát to lên rằng:
– Ma quỷ nào ở đâu, dám hiện đến đất nhà Phật này hay sao?
Nói đoạn liền chạy ra mở cánh cửa để nhìn ra ngoài. Bất chợt mới nhìn ra thì bị Tấn Từ ném một nắm tro vào mặt, tối tăm mặt mũi, ngã lùi ngay lại mấy bước. Đoạn Tấn Từ thổi luôn cái nữa rất mạnh, tựa như một trận âm phong đưa tới, làm cho đèn nến trong phòng bị tắt mất cả. Mấy thầy trò nhà sư thấy vậy đều hoảng hốt sợ hãi, kêu khóc ầm lên.
Trư Lương thấy bọn họ sợ khóc, vội vàng xoa dụi hai mắt cho tỉnh, rồi nói lên rằng:
– Các ngươi làm gì mà nhát thế! Đi thắp đèn lên đây, tôi khắc có cách…
Diệu Đạo vẫn còn run sợ, song cũng cố gượng tinh thần quay vào đánh lửa thắp đèn nến. Trư Lương bèn cởi cái áo dài ra, xắn tay áo trong lên, rồi nói to lên rằng:
– Nào các ngươi theo tôi đi ra, ma quỷ nào để tôi bắt cổ nó cho.
Tấn Từ thấy vậy liền nhảy tót lên nóc nhà, lần theo để xem bọn họ làm chi.
Trư Lương cầm nến ra ngoài, soi quanh một tí, không thấy có gì lại kéo nhau vào phòng. Chàng nhân ra vẻ đắc ý, cười bảo bọn kia rằng:
– Các người xem, ma quỷ nào thấy tôi là cũng phải tránh đi lập tức!
Hắn vừa nói dứt lời thì Tấn Từ ở ngoài nghe thấy. Tấn Từ lại đứng ngoài cửa sổ nói vọng vào rằng:
– Anh chàng Trư Lương, ai cho phép anh đến quậy hôi ở đất nhà Phật đây! Ta là Dạ Du Thần, ta vâng lệnh đức Thổ thần đến bắt các ngươi đem ra đó để xử. Các ngươi phải mau mau đến ngay trước điện Thổ thần, không thì hối sao kịp.
Năm thầy trò Diệu Đạo nghe nói, đều hoảng hồn kinh sợ xúm vào đứng quây cả xung quanh Trư Lương.
Trư Lương thấy vậy, lại làm bộ già dặn, bảo bọn Diệu Đạo rằng:
– Lại đám ma quỉ nào, chứ đức Thổ thần khi nào về đây mà sợ? Chúng ta cứ lên ngay điện Thổ Thần xem sao cái đã…
Nói đoạn liền dắt cả năm người cùng đi lên chỗ bàn thờ Thổ thần. Thoạt khi lên gần tới nơi, trông thấy bên cạnh chỗ thờ Thổ thần có một người xõa tóc cầm kiếm đứng đó, thì trong bụng đã lấy làm ngờ ngờ hơi sợ…
Khi gần tới nơi, lại chợt thấy vị Thổ thần mở miệng cười nhạt mà nói lên rằng:
– Các ngươi là bọn sư nam sư nữ gây ra biết bao tội nghiệp ở đời. Nay đến trước mặt ta đây, các ngươi còn không biết đem lòng sám hối hay sao?
Năm thầy trò Diệu Đạo nghe thấy vậy, đều sợ hãi run lên cầm cập kéo đến lạy rạp cả trước mặt điện thờ Thổ thần, cúi rạp đầu xuống đất, xuýt xoa kêu khấn:
– Xin tha tội lỗi cho.
Trư Lương lúc đó cũng hoảng động tâm hồn, rồi cũng run run sợ sợ đến quì ở trước bàn thờ, cúi gầm mặt xuống, không dám ngước mắt trông lên.
Kế đó liền thấy vị Thổ thần ung dung phán lên rằng:
– Bọn thầy trò Diệu Đạo kia, các ngươi đã gửi mình vào chốn cửa không, lẽ ra nên giữ nết sửa mình, làm theo đạo nghĩa là phải. Nay không ngờ các ngươi quên cả qui giới nhà chùa, làm nên những việc dâm ô vô đạo, để đức Quan âm biết tới, ngài đem lòng giận dữ vô cùng. Vậy ta vâng lệnh xuống đây, tất phải cho các ngươi biết phép từ nay mới được. Nào Hộ pháp ta đâu mau mau phải ra phụng pháp…
Diêu Tú đứng ngay bên cạnh, dạ lên một tiếng mà rằng:
– Tiểu thần phụng mạng.
Thổ thần lại phán luôn:
– Phiền Hộ pháp hãy dùng hình nhẹ ra oai cho họ một phen để họ biết đường trừng giới. Nếu không, sau đây sẽ giở trọng hình . . .
Diêu Tú lại dạ luôn tiếng nữa, rồi nhảy tót một cái từ trên bàn thờ nhảy xuống, bảo bọn kia rằng:
– Bản pháp vâng theo pháp chỉ thi hành, vậy từ nay các ngươi phải biết sửa đổi tính nết ngay đi mới được…
Nói đoạn liền giơ đầu mũi kiếm, sấn đến, lần lượt đưa vào mặt năm thầy trò Diệu Đạo, vạch cho mỗi người hai nhát chữ thập trên mặt, máu chảy đầm đìa cả ra.
Năm thầy trò Diệu Đạo bị đau đớn đều khóc xướt mướt, lạy như tế sao, kêu xin từ nay sám hối. Trư Lương thấy vậy cũng sợ tái xanh mặt lại, lo khi sẽ đến lượt mình.
Quả nhiên vừa khi vạch xong mặt năm người kia thì thấy vị Thổ thần ở trên lại phán lên rằng:
– Tên Tru Lương kia ? Nhà ngươi dám đến làm càn ở nơi đất Phật, lẽ ra là phải giết ngươi. Duy, bản thần lấy sự từ bi làm gốc, vậy hãy tạm tha cho ngươi cái chết và hãy cắt cái tai ngươi để làm trừng giới, cho ngươi sửa đổi sau này. Hộ pháp mau mau thi hành lập tức.
Trư Lương nghe vậy, chưa kịp kêu nói câu gì thì Diêu Tú đã dạ lên một tiếng, sấn đến sẻo luôn một bên tai của Trư Lương đến xoẹt một cái, đau ngất người đi. Lúc đó Tấn Từ đứng ở ngoài thấy công việc đã xong, liền vận động tinh thần, dùng hơi nội công thổi mạnh vào phật đường một cái, làm cho các ngọn đèn thờ đều tắt cả đi. Châu Linh cùng Diêu Tú, thừa lúc đó, liền trút bỏ mũ áo thờ vắt trả lại đó, rồi nhảy ra nhủ Tấn Từ cùng đi ra cửa.
Khi ra tới cửa, Tấn Từ nhân bàn với hai người rằng:
– Lúc nãy tôi nghe chúng nói, còn con bé nhà họ Dương nào, bị bắt đến nhà Trư Lương, vậy nhân tiện ngay đây, chúng ta nên làm phúc cứu cho nó thoát, kẻo sau này không hay với tên Trư Lương.
Diêu Tú cùng Châu Linh đều lấy làm phải, bèn cùng nhau quay ra ngoài cổng. Bấy giờ tên người nhà Trư Lương đương nằm một xó ngoài cổng, Tấn Từ bèn dùng phép cứu huyệt, cứu cho tỉnh lại, rồi bắt đưa về Trư gia.
Trong khi đi đường, Tấn Từ hỏi tên người nhà Trư Lương rằng:
– Chủ nhân nhà ngươi có bắt người con gái họ Dương nào, nhốt ở trong nhà, ngươi có biết không?
Tên gia đinh biết thế không chối được, bèn thú thực, khai ngay là có. Tấn Từ nhân hỏi:
– Vậy người con gái ấy quê quán ở đâu, vì cớ sao mà chủ ngươi bắt được ngươi phải nói rõ ta nghe.
Tên người nhà run sợ mà đáp rằng:
– Người con gái đó, nguyên là con bác Dương Xuân, nhà ở cách trại tôi chừng vài ba dặm. Cô ta năm nay 17, người bố mất rồi duy còn hai mẹ con ở với nhau. Cô ta người đẹp mà học hành khá, ông chủ tôi có lòng yêu mến, đã mấy lần sang dạm hỏi mà không thuận lấy. Vì thế, nhân một hôm kia, cô ta đi qua mạn nhà tôi, ông chủ tôi liền sai người bắt và nhốt ở một nơi, định dỗ dành để làm lẽ, nhưng cô ta vẫn một mực không nghe.
Cô ta tên là Dương Tuệ Châu hiện nay vẫn còn giam ở trong trại nhà tôi đó.
Tấn Từ cười nhạt mà rằng:
– Nếu vậy ngươi phải lập tức đưa ta về chỗ giam đó, không thì ta sẽ tử tội ngươi ngay.
Tên người nhà vâng dạ luôn mồm, tình nguyện xin đưa đến nơi đến chốn. Được một lát, đến Trư gia trại, tên người nhà dẫn ba người tới một gian buồng kín kia trỏ bảo ba người rằng:
– Đây chính là chỗ giam Dương Tuệ Châu đây, các ngài cứ vào ngay trong thì thấy…
Tấn Từ nghe nói, liền điểm cho tên người nhà một huyệt, ngã vật ngay ra một chỗ, rồi rủ hai người cùng cậy cửa vào trong phòng đó, khi vào tới nơi thấy có một người con gái đương ngồi xụt xùi đốt ngọn đèn con, chân tay đều trói xích tất cả.
Châu Linh trông thấy chạy đến nói vội lên tiếng:
– Cô có phải là cô Tuệ Châu, người nhà họ Dương đấy không?
– Vâng chính tôi là Dương Tuệ Châu đây, chẳng hay các ngài có việc gì mà lại hỏi tôi như vậy?
Tấn Từ nghe nói liền bẻ giây xích tháo chân tay cho Tuệ Châu và bảo rằng:
– Bây giờ không phải là lúc nói chuyện, nhà cô ở đâu, cô chỉ đường cho chúng tôi đưa về đó, rồi khắc sẽ biết.
Tuệ Châu vui mừng cảm tạ, vội vàng quay ra dẫn đường đưa ba người đi. Đi được một lúc lâu, đến một cái nhà cổ kia. Tuệ Châu dẫn ba người vào, gõ cửa mấy tiếng thì có một bà già ở trong chạy ra mở cửa.
Vừa khi cánh cửa mở ra, thì Tuệ Châu cất tiếng khóc òa lên mà rằng:
– Mẹ ơi con đã về đây, ba người này là ân nhân đã cứu con ra đây…
Bà già nghe nói, cũng khóc òa lên, ôm lấy Tuệ Châu một lúc rồi mời bọn Tấn Từ vào chơi trong nhà.
Khi vào tới trong nhà mẹ con Tuệ Châu mời bọn Tấn Từ ngồi lên sập, rồi hai người lạy sụp xuống đất, xướt mướt khóc lóc mà rằng:
– Trăm lạy ba ngài, nếu không có ba ngài, thì mẹ con tôi .. bao giờ còn được trông thấy mặt nhau.
Bọn Tấn Từ nghe nói vội vàng đứng dậy, chạy ra nâng mẹ con Tuệ Châu dậy, lấy lời an ủi mà rằng:
– Làm chi một việc con con mà cụ phải xử nặng lòng như vậy! Chúng tôi cũng là bạn gái với nhau, vả chăng giữa đường thấy sự bất bình, dẫu sao chúng tôi cũng không thể chợp mắt bỏ qua đi được. Nói đoạn liền dắt mẹ con Tuệ Châu cùng ngồi lên sập nói chuyện. Bà mẹ Tuệ Châu vội sai Tuệ Châu đi đem nước pha lên mời ba người cùng uống. Nước nôi một lúc, rồi ba người mới đem chuyện đến chùa Từ Vân thuật cho mẹ con Tuệ Châu nghe.
Mẹ con Tuệ Châu nghe rõ đầu đuôi hiểu biết ba người đều là những tay hiệp nữ, trong lòng càng cảm phục vô cùng, bèn cố lưu lại đó yên nghỉ một đêm, rồi sáng hôm sau làm cơm thết đãi rất là thành kính. Khi cơm nước xong rồi, bọn Tấn Từ liền cảm tạ mẹ con Tuệ Châu, và bỏ mấy lạng bạc tặng lại Tuệ Châu tử tế, rồi mới từ tạ ra đi. Mẹ con Tuệ Châu cố chối từ không nhận, song bị bọn này ép nài hết sức, bất đắc đĩ đành phải nhận lấy cho xong.
Đoạn rồi ba người bọn Tấn Từ bèn bái biệt mẹ con Tuệ Châu, cùng nhau lại gấp lên đường.
Đã lòng vì nghĩa xưa nay,
Dẫu rằng khăn yếm râu mày khác chi.
Thế gian nhắn bọn tu mi.
Anh hùng trong đám nữ nhi còn nhiều.