Trong vùng Thái Sơn, đỉnh Trượng Nhân phong vừa cao vừa hiểm trở.
Vì đỉnh núi mang tên đó, nên thiên hạ mới xưng cha vợ là Thái Sơn, mẹ vợ là Thái Thủy.
Núi đá cao, cây trên đỉnh núi cũng thuộc loại cổ thụ, thân to, tàng lớn. Nhiều tảng đá to phi thường, hình dáng kỳ quái.
Nơi đây, là một địa phương lý tưởng cho hào kiệt võ lâm dùng làm nơi ước đấu tranh hùng.
Thời gian vào lúc hoàng hôn. Thái dương đã khuất nơi phương trời tây, du khách bắt đầu xuống núi, còn lại một vài người tiếc nuối vẻ yên hà, dần dà chậm bước.
Nhưng du khách xuống, lại có ba người lên núi.
Họ lên dạo lưng chừng núi, từ trong hốc đá, hai đại hán chợt hiện ra, đầu chít khăn hồng đao giắt bên hông.
Cả hai chắn giữa đường, trầm giọng thốt :
– Đêm đã xuống rồi, ba vị hãy trở về, ngày khác sẽ đến du ngoạn.
Trong ba du khách, người đi đầu là một thanh niên, thanh niên này cười nhạt, đáp :
– Rừng núi vốn vô chủ, bọn tại hạ muốn lên đỉnh Trượng Nhân phong thưởng trăng, các vị hà tất chớ ngăn.
Một trong hai đại hán vừa cất tiếng trước đó, thoáng giật mình buông gọn :
– Trượng Nhân phong nào phải nơi du ngoạn.
Thanh niên cười nhẹ :
– Ai nói thế? Mặt trời vừa lên, Thái Sơn là cảnh lạ kỳ, vầng nguyệt ló rạng, là bầu trời tuyệt diệu. Lên Thái Sơn để xem thưởng thế giới, mọi vật trên đời đều cầm bằng hư vô, chỉ có nơi đây mới có thể thấy được cái sáng lạn huy hoàng của đôi vầng nhật nguyệt.
Đại hán chặn đường điểm một nụ cười, vòng tay nói :
– Thì ra ba vị là huynh đệ trong đồng minh.
Song phương dùng ám hiệu, đối đáp với nhau một lúc nữa, chắc ý rõ rồi, đại hán thốt :
– Cảm phiền ba vị chờ một lát, huynh đệ đi thông báo với Triệu thủ lãnh đến đây đón tiếp.
Một tên gọi đồng bọn :
– Mã Võ ở đây bồi tiếp chuyên sứ nhé!
Mã Võ vâng một tiếng.
Thanh niên cười thốt :
– Hai vị cho tại hạ lên núi cũng được rồi, cần chi phải làm kinh động mọi người.
Đoạn y hỏi :
– Bằng hữu trong hội từ các nơi đã đến đông đủ chưa?
Đại hán đáp :
– Khá đông, tuy chưa đủ. Hôm nay là ngày tuyển chọn tân Minh chủ, có ai bỏ lỡ một dịp may! Chắc chắn trước lúc trăng lên mọi người sẽ đến đủ.
Thanh niên tiếp :
– Nếu vậy, hai vị không nên rời khỏi nơi này, bởi còn phải đón tiếp nhiều người nữa. Hãy để bọn tại hạ tự tiện.
Hai đại hán trầm ngâm một lúc.
Rồi Mã Võ đáp :
– Từ đây lên đỉnh, tất cả có tám trạm, nếu chẳng có bọn tại hạ đưa đi, các vị sẽ gặp phiền phức, lôi thôi thành chậm trễ, mà biết đâu có kẻ nóng tính sanh sự, vô lễ với các vị. Các vị đã không muốn gây kinh động thì tốt hơn để cho bọn tại hạ dẫn đường.
Thanh niên nghiêng mình :
– Chỉ sợ nhọc đến các huynh đài thôi!
Mã Võ đáp lễ :
– Làm gì có chuyện đó! Bổn phận mà! Chúng ta không nên khách khí. Xin mời các vị đi.
Gã quay mình, đi trước, ba người theo sau.
Ba người đó, chính là Dận Trinh cải danh thành Doãn Chánh Thanh, Niên Canh Nghiêu tức Đào Canh Nghiêu và Mạnh Lệ Ty.
Khi hai đại hán hỏi chức vụ, cả ba xưng là người của Tổng hội và Mạnh Lệ Ty là Tứ Phương Tuần Du Hiệp, còn hai người kia được gán cho cái số mười một và mười bảy. Người trong Tổng hội, nếu không đảm trách chức vụ nhỏ, thì chỉ mang một con số để dễ nhìn nhận thôi.
Doãn Chánh Thanh điểm một nụ cười, thấp giọng hỏi :
– Nhị đệ! Nhiều kiểu cách quá, thật là rườm rà.
Niên Canh Nghiêu cũng cười, đáp :
– Phải như vậy mới được chứ, đại ca! Nhật Nguyệt Đồng Minh hội có rất nhiều hội viên, thuộc mười tám Phân hội rải rác khắp nơi. Mỗi Phân hội tự do hoạt động, điều hành sự vụ, ít liên lạc với nhau. Do đó, khi nào có việc tiếp xúc, song phương phải cật vấn hết sức kỹ lưỡng, đề phòng mật vụ trá hình, xâm nhập làm nội tuyến, do thám.
Doãn Chánh Thanh nói :
– Sao không thống nhất một kỷ cương, một qui chế.
Niên Canh Nghiêu lắc đầu :
– Khó lắm, người thì đông, lại có sinh hoạt riêng rẽ, trên tôn chỉ thì tuân phục nhau, trong điều hành thì khó hợp nhất. Vả lại, cứ để cho mỗi Phân hội tùy tiện kiểm soát hội viên của mình, như thế là hay hơn, bởi với số người ít, sự kiểm soát dù sao cũng được chặt chẽ. Ngoài ra, mỗi Phân hội có ảnh hưởng, có bí mật riêng tùy hoàn cảnh địa phương, bắt buộc phải có sự sinh hoạt bất tương đồng với các nơi khác. Do đó, sự thống nhất tuy có thuận lợi, nhưng không cần thiết cho lắm.
Doãn Chánh Thanh gật đầu, tán đồng quan điểm đó.
Họ cùng bàn luận với nhau, từ nay, Dận Trinh lấy tên là Doãn Chánh Thanh, đừng gọi lại tên cũ nữa.
Niên Canh Nghiêu thì đề nghị gọi y là Doãn tứ công tử, và lúc xưng hô, một đằng là tứ ca, một đằng là nhị đệ, tuy thứ tự không ổn lắm nhưng cần chi điều đó. Bất quá họ nói rằng, họ thuộc hai nhóm huynh đệ khác mà thôi.
Họ nghĩ, có ai tìm tòi hỏi han cặn kẽ như vậy đâu mà lo ngại.
Đoạn họ bàn luận đến việc đưa Doãn Chánh Thanh lên ngôi vị tân Minh chủ Phân hội Thái Sơn, rồi từ đó sẽ tiến dần lên ngôi vị Minh chủ võ lâm.
Lên tới ngôi vị cuối cùng đó, thì đại sự của vị Hoàng tử thứ tư nhà Thanh gần như cầm chắc tám, chín phần.
Về hai ngôi vị này, bên trong Nhật Nguyệt Đồng Minh hội, có Triệu Sĩ Hội chủ trì, bên ngoài giang hồ có Ngư Xức đại hiệp xử lý.
Doãn Chánh Thanh e sợ võ công y không cao lắm, khó đoạt chức tân Minh chủ Phân hội.
Nhưng Niên Canh Nghiêu trấn an y, cho rằng tài năng đó thừa đoạt quyền thủ lãnh một Phân hội, vả lại nếu có gì khó khăn thì hắn và Mạnh Lệ Ty sẽ tìm cách tiếp trợ.
Mạnh Lệ Ty tuy gá nghĩa với Doãn Chánh Thanh song vẫn còn e dè, sợ Doãn Chánh Thanh lợi dụng nàng dọn đường lên ngôi cửu ngũ, sau đó quật ngược lại Đồng Minh hội của nàng.
Doãn Chánh Thanh phát thệ dù y thật sự là người Mãn, nhưng đối với y, Mãn hay Hán cũng như nhau, y sẽ luôn tạo dựng hạnh phúc cho toàn dân, cho hai dân tộc và cam kết một sự công bằng xã hội thỏa đáng.
Dọc đường lên đỉnh núi có mấy trạm canh, y như Mã Võ cho biết, nhờ Mã Võ hướng dẫn nên họ không gặp sự ngăn trở nào.
Khi họ lên tới nơi thì đêm vừa xuống.
Tại lối ra vào hội trường, những ngọn đuốc to cháy sáng rực cả một phương trời.
Triệu Sĩ Hội được thông báo trước, ra tận cửa nghinh đón, đưa vào một quãng trong.
Nơi đó có ngót một trăm người, hoặc đứng, hoặc ngồi, gồm đủ các hạng sang giàu, nghèo hèn, già trẻ, nữ nam.
Triệu Sĩ Hội đưa cả ba người đến một cái đài khá cao, trên đài có một chiếc bàn và mấy chiếc ghế.
Kế đó, Triệu Sĩ Hội hướng về mọi người, giới thiệu :
– Đây là Yên Kinh tam hiệp, mấy hôm trước đã hiển lộng thần oai, gây chấn động cả đất Tế Nam, đầy lòng nghĩa khí, nghiêm trừ ác quan, giải cứu Triệu này thoát cơn tai ách. Tưởng các vị cũng đã có nghe biết chuyện đó.
Mọi người cùng vỗ tay hoan nghênh vang dội.
Triệu Sĩ Hội chờ mọi người lắng dịu tiếng reo hò, tiếp :
– Niên đại hiệp và Mạnh nữ hiệp là chuyên sứ của Tổng hội tại Thiên Sơn, còn Doãn tứ công tử là trượng phu của Mạnh nữ hiệp. Theo lý thì Mạnh nữ hiệp đưa chồng về Thiên Sơn gia nhập Tổng hội, nhưng Triệu này luyến tiếc bậc nhân tài, nên van cầu Doãn tứ công tử gia nhập Phân hội của chúng ta, bởi Doãn tứ công tử là người đồng hương với Triệu mỗ sanh trưởng tại đất Tế Nam.
Tiếng reo hò vang lên lần nữa.
Triệu Sĩ Hội tiếp :
– Cuộc họp mặt của chúng ta đêm nay, có mục đích là tuyển chọn vị tân Minh chủ cho bổn Phân hội chúng ta, đại biểu cho Phân hội trong kỳ tổng đại hội sắp tới. Triệu tôi nhận thấy Doãn tứ công tử là người xứng đáng, nên có ý suy cử tứ công tử vào vị trí đó. Thiết tưởng chư vị cũng không phản đối.
Tiếng reo hò tán đồng vang lên, trừ một người bất phục.
Người đó là một trang đại hán, vẹt đám đông, bước ra, cao giọng thốt :
– Triệu thủ lãnh! Nghe nói cuộc tuyển chọn hôm nay đặt căn bản trên võ công, ai có võ công cao thì được suy cử. Chẳng rõ ý gì, thủ lãnh lại đề cử một người một cách hấp tấp, tất trách thế?
Thủ lãnh, là người thay mặt về ngoại giao, còn điều hành nội vụ là việc của Minh chủ, cho nên Triệu Sĩ Hội đã là tay đầu não rồi, mà Phân hội vẫn phải suy cử một vị chỉ huy.
Triệu Sĩ Hội mỉm cười, nói :
– Phải, điều kiện tuyển chọn là võ công, ai có võ công cao là được suy cử. Sở dĩ có điều kiện đó là trong bốn tháng nữa đây, các đại môn phái và các đại danh gia trong võ lâm sẽ cử hành đại hội bên bờ hồ Côn Minh, tại Vân Nam để tuyển chọn một vị Minh chủ võ lâm. Tổng hội sẽ cử người đến tranh đoạt, các Phân hội cũng phải cử đại biểu đến tham dự.
Đại hán hét :
– Doãn tứ công tử là người đứng đầu trong Yên Kinh tam hiệp danh tiếng lẫy lừng, nếu xét về thanh danh thì đáng được suy cử làm Minh chủ của bổn Phân hội. Nhưng vị Minh chủ sắp được chúng ta tuyển chọn đây phải là tay võ công phi phàm, chẳng những trên bậc chúng ta mà còn phải lỗi lạc hơn đời mới được.
Triệu Sĩ Hội hỏi :
– Huynh đệ định đặt thành vấn đề về võ công của Doãn tứ công tử?
Niêm Canh Nghiêu cười nhe :
– Cái đó phải vậy rồi, Triệu thủ lãnh ạ. Tuy tại hạ biết rõ kiếm thuật chân truyền của Doãn tứ công tử như thế nào nhưng người chưa biết công tử thì làm sao hiểu được tài năng ra sao? Tại đây, cao thủ rất nhiều, biết đâu chẳng có người cao minh hơn Doãn tứ công tử? Chẳng nhẽ Triệu thủ lĩnh đề nghị rồi cuộc tuyển chọn thành quyết định luôn? Làm như thế thì những người có võ công tuyệt thế làm sao có thể xuất đầu lộ diện? Ai học võ lại chẳng muốn có cơ hội thành danh? Cho nên, tại hạ nghĩ đừng vì lẽ này lẽ nọ mà tước đoạt đi hy vọng của bất kỳ ai.
Đại hán cười ha hả, thốt :
– Niên huynh nói có lý quá! Tam vị chỉ đánh giết một số quan binh, bắt buộc số còn lại phải chạy trốn. Tam vị chỉ dọa khiếp một tên Tổng đốc bất tài vô tướng, cái đó rất tầm thường, phàm chúng ta ai cũng làm nổi, chẳng qua, người ở xa, kẻ ở gần, kẻ xa không can thiệp kịp thời tiếp cứu Triệu thủ lãnh, ngược lại người ở gần được may mắn xuất lực rồi nổi danh. Cơ hội đó vuột đi, cơ hội thứ hai này sẽ không dễ dàng gì có được.
Doãn Chánh Thanh cười nhẹ :
– Quý tính cao danh huynh đệ là chi?
Đại hán cao ngạo, đáp :
– Tại hạ là Lỗ Trực, làm nghề không vốn tại Mông Sơn.
Triệu Sĩ Hội giải thích :
– Cửu hùng họ Lỗ tại đất Sơn Đông này, những hào kiệt vang danh như sấm, Lỗ Trực huynh là huynh trưởng của cửu hùng, tại Mông Sơn thuộc hạ của Lỗ huynh đông đến trăm, chuyên cướp giàu, giúp nghèo, tiếng tốt được truyền bá khắp nơi. Chi phí trong bổn hội phần lớn do các huynh đệ họ Lỗ cung cấp đó.
Doãn Chánh Thanh vòng tay :
– Tại hạ thất lễ quá! Chẳng hay các vị lịnh đệ có đến đây đông đủ chăng?
Lỗ Trực nghênh mặt đáp :
– Một huynh trưởng, năm tiểu đệ, gặp những dịp như thế này, bọn tại hạ nhất định không để ai phỗng tay trên. Huynh đệ chỉ lưu lại nhà ba tiểu muội, bảo vệ cơ nghiệp.