Hàn Nha Kiếp

Chương 5 - Thả Thính Phong Ngâm

trước
tiếp

Triệu Phù Phong rời Hàng Châu vào ngày hè chói chang, lúc đến Trường An đã là mùa đông. Y cho rằng mình sẽ đến một đại đô thị, nhưng chỉ thấy một tòa tiểu thành khiến người ta hoài niệm và tưởng nhớ.

Những năm cuối triều Đường, lúc Chu Ôn cưỡng bách Chiêu Tông dời đô thì Trường An đã biến thành tòa thành đổ nát, quan viên và sĩ dân bị ép di dời, cung thất và nhà dân đều bị phá hủy. Sau đó Hàn Kiến trùng tu Trường An, dần dần tu sửa hoàng thành trung ương, bỏ qua sáu mươi bảy dặm thành quách vòng ngoài và nơi cư ngụ của hoàng đế. Tòa thành nhỏ hẹp được duy trì đến thời Minh Thanh. Triệu Phù Phong nghĩ:

“Khó trách lúc ta bảo hận sinh ra không phải người thời Đường, nhất định phải chiêm ngưỡng tòa đại thành trì này, Khoái Tuyết đã nói ta sẽ thất vọng. Nàng dù chỉ nhìn thiên hạ qua sách vở, lại hiểu biết hơn cả người thường.”

Bất luận thế nào, thành Trường An có lịch sử xa xưa đã trở thành trạm dừng thứ nhất trên con đường đi về phía tây của Triệu Phù Phong. Y hướng về phủ Tây Lương, vào thời Đường là thủ đô của nước Tây Hạ, ‘viễn thượng bạch vân đích Hoàng Hà, vạn nhận sơn trung đích cô thành’, vẫn đẹp đẽ tráng lệ như thi nhân từng ca vịnh. Y băng qua thảm cỏ xanh thẫm tươi tốt chen kín phong cảnh, tịch mịch mà trống trải.

Khi mặt trời mọc, Triệu Phù Phong không cầm lòng được, quay đầu nhìn, nhưng cảnh tượng Giang Nam đã thành cảnh mộng, chỉ còn dung mạo nàng phảng phất trong làn gió xuân, rõ mồn một nhưng tay không chạm tới.

Tuyến đường hành tẩu của Triệu Phù Phong cũng tương tự đường đi tây thiên thỉnh kinh của hòa thượng, nhưng so với hòa thượng, y còn phải đi xa hơn. Xuyên qua Y Ngô và Cao Xương, men Thiên Sơn Nam Lộc mà đi, bão cát sa mạc cắt nát da thịt chàng thiếu niên miền nam, cũng suýt chút nữa đoạt tính mệnh y. Lúc thoi thóp nằm giữa sa mạc, Triệu Phù Phong nhìn thấy thiếu nữ tựa băng tuyết, tựa như tiên nhân trong động Đôn Hoàng đang khỏa thân nhảy múa. Y biết chỉ là ảo ảnh, lại càng nhớ đến cơ thể mềm mại cùng đôi môi trong ngần nọ.

Triệu Phù Phong được đội lạc đà đi ngang cứu tỉnh, sau đó y băng qua Thông Lĩnh (cao nguyên Pamir), vào đến Trung Á. Khe núi hiểm trở, gió lớn tuyết lạnh, y vẫn đạp bằng dưới chân. Sức lực quả thật khiến người ta kinh sợ, nội công Thần Đao Môn y tu tập giúp y mỗi lần đều vượt qua cực hạn.

Triệu Phù Phong tiếp tục tiến về phía tây không chút do dự, hơn nữa, bản thân rất tin cuối cùng sẽ đến Phất Lâm Quốc được ghi chép trong thư tịch cổ, một đất nước nằm ở duyên hải biển tây rộng lớn. Chuyến đi dài ngày buồn chán, y dần dần quên mất cách nói chuyện, trở thành một nam tử trầm mặc nghiêm túc. Chỉ có trong giấc mộng giữa đêm, nghe được nàng dùng âm điệu cố quốc gọi tên mình, y mới có thể mỉm cười như chàng thiếu niên ngày trước.

Khi xuyên qua lưu vực sông Để Cách Lí Tư(1) và Ấu Phát Lạp Để(2), Triệu Phù Phong bắt đầu lạc mất phương hướng, theo đoàn hành hương đến thánh thành Da Lộ Tát Lãnh(3). Nơi đó cách Địa Trung Hải rất gần, y bèn lưu lại.

Mùa hè đầu tiên của thế kỉ mười ba rất nóng và khô hạn. Triệu Phù Phong đơn độc ghé qua giáo đường Da Lộ Tát Lãnh, đến tận hôm ấy, cả vị trí của Phất Lâm Quốc y cũng vô phương xác định, tâm tình phiền muộn. Từ “Tùy thư”, “Đường thư” đến “tân tu bản thảo”, “Dậu Dương tạp trở”, đối với ghi chép về Phất Lâm trong chính sử hay bút ký y đều thuộc như lòng bàn tay, cũng chẳng sợ bất kì gian nan hiểm trở nào, nhưng y không ngờ ngôn ngữ của mình đã thành một trở ngại. Phất Lâm, Phất Lâm … mỗi lần hỏi người ta, đối phương đều phản ứng bằng một bộ mặt ngờ nghệch.

Thanh âm nhiệt náo cắt đứt mạch suy tư của y, ngước mắt trông lên, ra là một võ sĩ Thổ Nhĩ Kì có thân hình vĩ đại đang nắm tóc một thiếu niên, không ngừng đập đầu hắn vào tảng đá ven đường. Đám võ sĩ đứng vây quanh xem trò, cười cợt ầm ầm. Thiếu niên khá kiên nhẫn, bất chấp mặt mũi đầy máu, không rên lấy nửa tiếng.

Lần thứ nhất quân thập tự đông chinh lập vương quốc Da Lộ Tát Lãnh đã thất bại, lần thứ hai thì rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kì, những giáo đồ Hồi giáo cuồng nhiệt này đối xử rất tàn khốc với người phương tây thuộc Kito đến triều bái, cho là để đáp lại trận đại đồ sát “huyết ứ cập mã tất”(4) của thập tự quân năm xưa. Triệu Phù Phong tất nhiên không rõ nội tình này, chỉ là hiệp khí không vì thời gian lưu lạc mà giảm đi.

Vô thanh vô tức, Triệu Phù Phong rút cương đao khỏi vỏ, kề cổ võ sĩ nọ:

“Thả đứa trẻ đó ra!”

Tiếng Đột Quyết(5) của y bập bẹ nhưng ngữ khí quả quyết.

Một gã võ sĩ Thổ Nhì Kì giận dữ rống lên, rút loan đao bổ về phía y. Triệu Phù Phong không hề động thân, đao xuất kích với góc độ và lực đạo không thể tưởng tượng nổi, như cầu vồng mới lộ, như điện chớp trong đêm, nháy mắt đã chặt đứt vũ khí của đối thủ, chấn liệt hổ khẩu, đao trở lại cần cổ võ sĩ nọ. Một chiêu quỷ mị đó khiến võ sĩ ngây người như gỗ trừng mắt với nam tử đáng sợ này, tóc y đen nhánh, màu da sạm nâu, mớ râu rậm càng làm đôi mắt đen sáng quắc.

Đám võ sĩ nhìn nhau hội ý, đột nhiên bạt đao, mau lẹ phi thường, phân ra tấn công hai mắt, trước ngực, sau lưng và hạ bàn Triệu Phù Phong. Người Thổ Nhĩ Kỳ là một chi của tây Đột Quyết, cực kì hung hãn, đao pháp không có chút hoa mĩ, đều là sát chiêu được tôi rèn từ chiến trận. Trước mắt thấy Triệu Phù Phong khó lòng tránh được, thân thể như cá vẫy nước, nhất thời nghe đinh đinh mấy tiếng rất lớn, bốn thanh đao chém vào nhau đến tóe hoa lửa. Một gã võ sĩ thu thế không kịp, chém bị thương bả vai đồng bọn.

Triệu Phù Phong chán ghét chúng xuất thủ không lượng tình, trong khoảnh khắc trở tay phát đao, đao phong lẫm liệt, y phục đám võ sĩ rách bươm, những mảnh vụn tung bay như hồ điệp lượn đầy không trung, trông rất đẹp mắt. Nếu không phải Triệu Phù phong thủ hạ lưu tình, mấy gã này sớm đã da thịt bất toàn. Đám võ sĩ quay mặt nhìn nhau, bị công phu thần diệu làm chấn động mất hồn, bỗng có một kẻ bất chấp đang lỏa thể, xoay người chạy mất, những gã khác cũng tức khắc chạy theo. Võ sĩ mập kêu thảm một tiếng, ném thiếu niên kia rồi đào tẩu luôn.

Triệu Phù Phong đã lâu không dùng đến chiêu này, nhất thời nhớ năm đó nàng ngồi sau rèm nhẹ nhàng lên tiếng:

“Tại sao gọi là ‘bất giáo hoa sấu’?”

Xa cách chín năm, thiếu nữ có giọng nói đẹp nọ như thế nào rồi? Nghĩ đến đó, y không khỏi sầu muộn. Đam mê thời tuổi trẻ, giờ khắc này đã bị thời gian xâm thực, không gian cách trở bào mòn ít nhiều, chỉ còn lại khối quyết tâm. Ngũ nhạc trái lại vì nhẹ mà trọng, một lời đã hứa, y chưa từng một lần hối hận.

Thiếu niên từ mặt đất bò dậy, không để ý máu vẫn đang chảy, nhiệt tình nói gì đó với Triệu Phù Phong. Triệu Phù Phong khổ sở thở dài, biết đây là một loại ngôn ngữ nghe chẳng thể hiểu. Y trỏ vết thương trên trán thiếu niên, ngăn không cho thiếu niên nói nữa. Thiếu niên hiểu ý gật đầu, lấy trong hộp nhỏ đeo bên người ra một bình thuốc và một cuộn băng, thành thục băng vết thương.

Triệu Phù Phong thấy hắn quấn băng quanh đầu thành một cái nón giáp, chỉ chừa lại đôi mắt xanh đưa qua đưa lại, không khỏi phì cười, thử hỏi thăm:

“Ngươi biết Phất Lâm Quốc không?”

Y dùng Phạn ngữ nói một lần, lại dùng tiếng Đột Quyết nói lần nữa. Thiếu niên ngẩn ngơ, không có phản ứng. Triệu Phù Phong nhụt chí:

“Khoái Tuyết ơi Khoái Tuyết, ta quả thực sắp hóa điên rồi, thật sự hoài nghi Phất Lâm bất quá là quốc gia hư vô.”

Lời này y nói bằng tiếng Hán, thứ ngôn ngữ có bốn thanh biến hóa, ưu mỹ như ca hát.

Thiếu niên nhìn chằm chằm Triệu Phù Phong, bất chợt vẻ mặt mừng rỡ, thốt lên “Tắc Lợi Tư”. Triệu Phù Phong không biết đó là cách người Hi Lạp gọi người Trung Quốc, ý nghĩ là quốc gia tơ lụa, nhưng biểu tình của thiếu niên đã cổ vũ y. Một người nói tiếng Hán, một người nói tiếng Hi Lạp, qua một phen ông nói gà bà nói vịt(6), thiếu niên lưu ý đến từ “Phất Lâm” thường xuất hiện, suy nghĩ tỉ mỉ rồi, hắn giơ hộp thuốc lên, quả quyết chỉ vào huy hiệu trang sức bằng men đẹp mắt bên trên hộp.

Giống như người Hi Lạp dùng tơ trù để gọi Trung Quốc, người Trung Quốc dùng “pháp lang”(7) để chỉ triều đại của khu vực Basileia, Đường Tống gọi là Phất Lâm, Minh Thanh gọi là Pháp Lang. Triệu Phù Phong tiếp cận được quốc gia mà trong mộng y cũng tìm kiếm, nhưng y không tin tưởng, nghi ngờ đón nhận hộp thuốc, thấy bức vẽ trên men đó ngay ngắn, vẽ cảnh thánh Phan Thác Lý Mông(8) đang hành y. Triệu Phù Phong lập tức liên tưởng đến thánh dược giải độc “để dã già”. Thế là hai người trong tình huống ngôn ngữ hoàn toàn không thông, nhờ dùng dấu hiệu để hiểu nhau. Triệu Phù Phong quyết định theo thiếu niên hiểu biết chút ít y thuật này, cho đến khi có thể dùng ngôn ngữ của hắn để biểu đạt ý nguyện bản thân. Dù sao hắn là người đầu tiên có phản ứng với Phất Lâm và “để dã già”. Thiếu niên cũng vô cùng vui vẻ làm bạn đồng hành với người “Tắc Lợi Tư” có sức mạnh như thần này, dẫu gì y đã cứu hắn.

Thiếu niên vỗ ngực, lập lại nhiều lần:

“Liệt Áo.”

Triệu phù Phong cũng chỉ vào mình nói:

“Triệu Phù Phong.”

Nhưng bị Liệt Áo phát âm thành “Chúc Hồ Hồ.”

Triệu Phù Phong cùng Liệt Áo đi men theo ngạn bắc Địa Trung Hải, đến A Lặc Pha(9) rồi chuyển hướng tây, lại đến cổ thành Dĩ Phất Sở ven bờ biển Ái Cầm(10). Họ men theo mảnh đất màu mỡ vùng Tiểu Á ven biển mà đi, bên phải là bình nguyên phì nhiêu và sơn cốc, bên trái là biển Ái Cầm, sóng nước thâm trầm, hải âu lượn lờ, cá kiếm bạc nhảy sóng lớn. Triệu Phù Phong sống tại đảo Nam Hải ở Trung Quốc từ nhỏ đến lớn, phong cảnh tương đồng khiến tâm tình y dần khoang khoái. Y học được rất nhiều câu tiếng Hi Lạp, cuối cùng đã hiểu rõ, cái gọi là Phất Lâm, đích thị ám chỉ thứ đồ dùng phát ra ánh sáng lộng lẫy như cầu vồng. Hai tháng sau, y và Liệt Áo băng qua biển Mã Nghĩ Mã Lạp(11), tới thủ đô Constantinople của đế quốc Basileia.

Constantinople tọa vị ngay Balkan Peninsula, ba mặt hướng biển, mặt thứ tư có tường thành lục địa cao lớn, là thành trì kiên cố nhất trong lịch sử. Nó và vùng Tiểu Á Tế Á (Anatolia) cách nhau eo biển Bosphorus, có thể nói là eo biển chính qua lại giữa Âu Á, điểm giao nhau của thương lộ đông tây, trình độ phồn hoa của nó càng siêu việt hơn Triệu Phù Phong tưởng tượng gấp ngàn lần.

Triệu Phù Phong và Liệt Áo lên ngựa, xuyên qua xưởng thuyền nhiệt nháo, tiến vào trung tâm của đông chánh giáo(12). Những tiếc nuối lúc ngang qua Trường An đều được đền bù khi đến Constantinople. Dương quang xán lạn, giáo đường tráng lệ, cung điện và quảng trường tựa như kỳ tích tạo tác từ đồng và đá cẩm thạch, khiến Triệu Phù Phong mê mẩn hoa mắt, tim đập nhanh. Y tự trào nghĩ:

“Dù là lần đầu gặp Khoái Tuyết, cũng khiến ta thế này là cùng.”

Đường cái nhộn nhịp, tràn ngập phố phường là các sắc dân, chủng tộc, các thứ ngôn ngữ. Ven đường có những cột trụ thậm chí cao hơn mười mét, đỉnh trụ là những thánh nhân khổ tu, bộc lộ sự từng trải nắng gió mưa bão, giống như đang ban phát sự sống cho con người. Triệu Phù Phong lần đầu tiên gặp khổ hành giả trên đỉnh trụ, lấy làm kì thú. Liệt Áo liền dừng lại, dùng tiếng Hi Lạp giảng giải cho y, nhưng y cả thảy chỉ ghi nhớ được cách phát âm.

Hai người băng qua đường cái, rẻ vào hẻm ngang ngõ dọc khúc khuỷu, đến tu đạo viện“Phan Thác Khắc Lạp Đặc” nằm ở tây bắc thành. Y liệu của đế quốc do giáo hội phụ trách. Giáo hội xây dựng y viện rải khắp các nơi, nhưng y viện Phan Thác Khắc Lạp Đặc là hoàn thiện nhất đế quốc. Triệu Phù Phong đứng dưới tấm thảm len treo tường, nhìn các gian phòng bệnh với các y sinh bận rộn, hai mắt sáng rực.

Một phụ nhân mập đến mất cả eo nhìn thấy Liệt Áo, từ hành lang phóng ra với tốc độ kinh ngạc, thân hình to lớn dừng lại ngay trước mũi Liệt Áo, hai tay múa may kịch liệt, giận dữ la hét gì đó, rồi lại kéo Liệt Áo vào lòng, thân thiết vô cùng.

Kẻ trốn nhà Liệt Áo hối hận rướn đầu ra từ lòng phụ nhân, hướng Triệu Phù Phong nói:

“Mẫu thân tôi.”

Rồi hắn quay sang nói một hồi với bà ấy. Phụ nhân lập tức buông Liệt Áo ra, trang trọng hành lễ với Triệu Phù Phong, nói:

“Cảm tạ ngài, người Tắc Lợi Tư. Ngài đã cứu con ta, ta không biết làm sao báo đáp ngài, nhưng nhất định sẽ giúp ngài tìm …”, bà nhìn sang Liệt Áo dò hỏi, “Người Tắc Lợi Tư muốn tìm gì vậy?”

Liệt Áo nhún vai:

“Con cũng không rõ lắm. Hồ hồ không biết nói tiếng của ta, con đang dạy y. Mẫu thân, mẹ có thể giữ y lại không?”

Phụ nhân cười nói:

“Tất nhiên có thể.”

Triệu Phù Phong không hiểu họ nói gì, nhìn thấy mẫu tử trùng phùng, khóe môi cũng nở nụ cười. Y là cô nhi không cha không mẹ, do sư phụ nuôi lớn. Mái nhà Nam Hải ấm áp ban cho Triệu Phù Phong tấm lòng phóng khoáng. Y chưa từng phiền não vì thân thế của mình, nhưng giờ khắc này, không khỏi có chút hâm mộ.

Triệu Phù Phong ở lại nhà của Liệt Áo. Trải qua mấy ngày nhàn rỗi, y bắt đầu thấy bất an. Từ trước đến nay, Triệu Phù Phong đều dựa vào bản lĩnh của mình để kiếm cơm. Y từng làm bảo tiêu, chăn ngựa, thậm chí lao động, nhưng chưa từng dùng võ công tước đoạt bất cứ gì, không hưởng lợi lộc từ công lao của người khác, càng không nghĩ đến những điều đó. Mẫu thân của Liệt Áo, Đề Áo Đa Đặc là đầu bếp của tu đạo viện, chuyên nấu nướng cho bệnh nhân. Triệu Phù Phong ngày ngày giúp bà đun nước thái rau. Nương tựa y viện, y cảm giác ở rất gần “để dã già”, trong lòng có chút thoải mái.

Cuối cùng đến một ngày, Triệu Phù Phong dùng tiếng Hi Lạp nói với Liệt Áo và Đề Áo Đa Đặc:

“Tôi muốn tìm một loại giải dược có tên gọi là ‘để dã già’”, nhớ lại miêu tả tính trạng trong cổ tịch, cực lực dùng ngôn ngữ chuẩn xác biểu đạt, “màu đen đỏ, hình dạng giống viên thuốc để lâu ngày. Phải rồi, phối liệu là dùng gan heo.”

Ánh mặt trời xuyên qua cửa sổ nhà bếp, chiếu rọi gương mặt trầm ổn của y, không khí quyện hương hoa quả đã chín.

Đề Áo Đa Đặc buồn rầu khoanh tay:

“Ồ, Thượng đế, tôi đã ở Phan Thác Khắc Lạp Đặc ba mươi năm, chưa từng nghe qua loại thuốc này.”

Liệt Áo nói:

“Hi Lí Tì lão sư là người có học vấn nhất, con đi thỉnh giáo thầy.”

Rồi hắn nhanh chóng rời khỏi bếp. Triệu Phù Phong đuổi theo gọi:

“Tôi đi cùng cậu cùng.”

Đã đợi lâu như vậy, y cảm giác bản thân một khắc cũng không đợi nỗi.

Hi Lí Tì phụ trách truyền thụ y lý cho nhân viên tân tiến của y viện, là người được tôn trọng nhất Phan Thác Khắc Lạp Đặc. Tâm tình hai người khẩn trương, đến ngoài cửa phòng giáo sĩ, cước bộ chậm lại. Mái tóc Hi Lí Tì màu xám bạc, đầu đội mũ da dê, hỏi:

“Có chuyện gì?”

Liệt Áo reo lên:

“Lão sư, để dã già là gì vậy?”

Hi Lí Tì ngẩng đầu, bối rối hỏi:

“Để dã già là bí dược hoàng thất, từ đâu mấy người nghe được?”

Triệu Phù Phong cảm giác như nghe được tiếng ca mỹ diệu vang vọng, thế giới chung quanh đột nhiên bừng sáng. Y hít một hơi thật sâu, từ từ trả lời:

“Hơn năm trăm năm trước, nơi đây từng có một vị sứ thần đi qua Tắc Lợi Tư, mang ‘để dã già’ tặng cho hoàng đế của chúng tôi, sự kiện này được ghi lại trong sách sử. Vị hôn thê của tôi trúng một loại độc kì quái, chỉ có để dã già giải được, cho nên …”

Hi Lí Tì ngắt lời Triệu Phù Phong.

“Cho nên cậu vì nàng ấy, không quản ngàn vạn dặm cầu dược sao?”, lão nhân tiếc nuối lắc đầu, “Đáng tiếc ta giúp không được, người Tắc Lợi Tư à. Để dã già cất giấu tại giáo đường thánh Sofia, trừ trưởng giám mục tại giáo trường Constantinople, không ai được lấy.”

Giáo đường Thánh Sofia là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của đế quốc Basileia, kì tích kiến trúc đẹp nhất lịch sử. Triệu Phù Phong đứng trong ngôi đình trung tâm quảng trường, ngước nhìn tượng Thánh Sofia to lớn trên mái vòm, xa xa là trời nước xanh ngắt, nhất thời cảm xúc phức tạp. Mái vòm này phủ trùm giấc mộng lớn nhất đời y.

Trưởng giám mục thực hiện xong Thánh lễ, lúc bước ra trước viện Thánh Sofia, bị Triệu Phù Phong cản đường. Trưởng giám mục dò xét trang phục khác lạ của y, hơi nhướng mày, ngạc nhiên hỏi:

“Một vọng đạo giả chăng?”

Triệu Phù Phong không biết đó là xưng vị tin tưởng hay không đáng tin, đáp:

“Tôi muốn cầu xin ngài một vật.”

Chúng giáo sĩ bên cạnh nhướng mày. Trưởng giám mục do dự nhìn sâu vào nhãn tình sáng như hắc diệu thạch của Triệu Phù Phong:

“Nói sao, ngươi muốn vật gì?”

“Để dã già.”

Trưởng giám mục phẩy tay bỏ đi, cho rằng chỉ là một gã điên không biết nặng nhẹ. Nhưng từ đó về sau, mỗi lần làm Thánh lễ xong ở giáo đường Thánh Sofia, lão đều gặp nam tử phương đông này đứng ở gốc cột cẩm thạch lớn, trầm mặc nhìn mình, mưa gió không đổi, khiến lão khó làm ngơ trước sự tồn tại của y.

“Ngươi, qua đây.”, trưởng giám mục ngoắc ngón tay, đối với một Triệu Phù Phong trong nháy mắt đã lộ ra vẻ mặt hoan hỉ, lão phiền não thốt, “Không nên cầu lấy những thứ không tương xứng với bản thân, sẽ đem lại hậu hoạn cho ngươi.”

Triệu Phù Phong quả quyết đáp:

“Thuốc dùng để cứu người, tôi từ Nam Hải chạy đến Tây hải, xuyên qua cả dải lục địa, chỉ vì một người bị bệnh tật đau đớn giam hãm, không phải vì bản thân.”

Lời đáp chấn động trưởng giám mục, nhìn Triệu Phù Phong hồi lâu mới hỏi:

“Ngươi đến từ đâu?”

“Tắc Lợi Tư.”

“Ôi chao!”, trưởng giám mục xoay người, “Tắc Lợi Tư nhân, theo ta.”

Triệu Phù Phong lần đầu tiên tiến vào giáo đường Thánh Sofia. Đường kính ba mươi ba mét, trung ương đỉnh vòm cao hơn đầu người sáu mươi mét, kỹ thuật tạo cung vòm phảng phất như trôi nổi tại không trung, tạo nên một không gian sâu xa vĩ đại. Ánh mặt trời từ bốn mươi hai cửa sổ cung vòm trên đỉnh rọi xuống, hòa cùng họa tượng khảm từ thủy tinh và cẩm thạch tỏa sáng huy hoàng, biến ảo giữa xanh biếc và hồng phấn, giữa ban ngày mà bóng đổ kéo dài vô tận, tựa hồ không có điểm cuối. Người đứng bên trong nhỏ bé như hạt bụi giữa không trung, mỗi bước đi dường như đến gần với Thượng đế hơn.

Trưởng giám mục nhìn ra được sự rung động của Triệu Phù Phong, thân thiện mỉm cười:

“Người Tắc Lợi Tư, ngươi tin Ngài không?”

Lão biết đông chánh giáo từng truyền đến Tắc Lợi Tư, vì thế hỏi thử.

“Tin?”, Triệu Phù Phong chưa từng nghiên cứu đến vấn đề này, bèn suy nghĩ, bản tính du hiệp có trong huyết quản dâng trào trở lại.

Y nắm chặt thanh đao chưa từng rời thân, hồi đáp:

“Tôi là tôi, chưa từng cúng bái, chưa từng vái lạy nhân thần nào trước đây.”

Nam tử vừa đen vừa gầy gò này nhất thời khí thế hiên ngang.

Trưởng giám mục chấp chưởng giáo hội đông phương ở Constantinople với giáo hoàng La Mã ở giáo hội tây phương đều như nhau, không một ai có thể ở trước mặt họ, tại giáo đường Thánh Sofia mà nói ra những lời bất kính thần thánh như vậy. Trưởng giám mục giận dữ trong lòng, nhìn Triệu Phù Phong, ra vẻ không có gì nói:

“Thu lại sự cuồng vọng của ngươi đi, hãy đến trước đàn thuyết giảng cúi đầu. Tin thờ Người, vật ngươi mong cầu, trừ những gì quá đáng, còn lại đều có thể.”

Bàn tay cầm đao của Triệu Phù Phong toát mồ hôi, y trầm mặc hồi lâu, nghẹn giọng thốt:

“Không, tôi không thể.”

Dùng tự do của một du hiệp đổi lấy để dã già, thật hổ thẹn. Dù là vì tình yêu hay lời hứa, y cũng không thể bán đứng bản thân.

Trưởng giám mục giương mắt nhìn Triệu Phù Phong rảo bước rời khỏi, thâm tâm thất vọng vô cùng. Người Tắc Lợi Tư cố chấp này khiến trưởng giám mục liên tưởng đến loài ưng cô độc trên cao nguyên Anatolia.

Công Nguyên năm 1203, tại Trung Quốc là thời Nam Tống, Gia Thái tam niên. Giáo hoàng La Mã và Tổng đốc Venice phát động thập tự quân đông chinh lần thứ tư, không mở cuộc giao tranh với giáo đồ Hồi giáo ở Jerusalem, mà là công phá vào Constantinople, hoàng thái tử A Liệt Khắc Tái thân tây Âu được đội vương miện hoàng đế. Người dân Basileia phẫn nộ vì giáo hội tây phương bành trướng, tháng một năm kế tiếp, A Liệt Khắc Tái bị treo cổ, thập tự quân bị vây bên ngoài thành Constantinople.

Tháng tư, Tổng đốc Venice phát động tấn công Constantinople lần thứ hai. Triệu Phù Phong đứng trên lầu cao của tu đạo viện Phan Thác Khắc Lạp Đặc, trông thấy vịnh Kim Giác(13) xảy ra trận chiến kịch liệt. Sườn núi bốn mặt hướng biển phản xạ kim sắc dương quang, quyện cùng binh khí lấp lánh như ánh tuyết trông thật đẹp mắt. Thập tự quân kéo thang và buộc cầu tại đỉnh cột buồm, công kích tường thành lục địa và cửa cảng. Triệu Phù Phong thở dài, có chút tâm thái chán nản của ngoại nhân.

Liệt Áo hồng hộc trèo lên lầu.

“Hồ Hồ!”, mặt thiếu niên đỏ bừng, giận dữ huơ nắm tay, “Bọn thập tự quân đáng chết công phá Constantinople, lũ cường đạo cái gì cũng cướp, ngay cả giáo đường và mộ phần cũng không bỏ qua.”

Quân đội tín đồ Cơ đốc chiến đầu vì Thánh địa không tới được Thánh địa, muốn quét sạch thành thị Cơ đốc giáo vĩ đại, quả là sự mỉa mai lớn nhất.

“Giáo đường?”, mái vòm Thánh Sofia mỹ lệ hiện lên trước mặt Triệu Phù Phong. Y vội vàng trèo khỏi tháp, băng mình chạy đi, bỏ mặc Liệt Áo đang hô hoán phía sau. Hai năm nay, mỗi ngày y đều muốn chạy đến chỗ Thánh Sofia, rất muốn nói với trưởng giám mục rằng:

“Chúng ta trao đổi đi, ta tin đức Ngài của ông, giao để dã già cho ta.”

Trên đường rất loạn, nơi đâu cũng thấy chiến sĩ thập tự quân ôm kim ngân châu báu, dụng cụ quý giá và tơ trù da thuộc. Triệu Phù Phong càng nóng lòng, triển khai khinh công, tựa cơn gió lướt qua con đường dài.

Trên bậc thềm giáo đường Thánh Sofia, trưởng giám mục đứng chấp tay, âm trầm nhìn phán xét kị sĩ thập tự quân dưới thềm. Trong đám kị sĩ, có một gã chính là giáo sĩ được sùng kính, người bảo hộ giáo hội. Bọn họ không muốn mạo phạm trưởng giám mục, nhưng kho báu trong giáo đường Thánh Sofia thật sự mê hoặc người. Nghe choang một tiếng, một gã kị sĩ hết kiên nhẫn, đã rút trường kiếm, bước lên bậc thềm, muốn bức lui trưởng giám mục.

Kị sĩ không thể tiến thêm bước nào. Triệu Phù Phong như đại điểu lướt qua đỉnh đầu gã, hữu thủ vung đao xuất kích, xuyên thủng ba lớp giáp trước ngực hắn, xé toạc lớp áo rộng cuối cùng, tả thủ đoạt trường kiếm ném xuống mặt đất. Kị sĩ cảm giác được mũi đao lạnh toát dán vào da thịt, không dám tiếp tục bước tới. Thần lực kinh người ảnh hưởng đến những kẻ còn lại, Triệu Phù Phong đã tính toán chuẩn xác, ngay cả kị sĩ kinh qua huấn luyện tàn khốc cũng phải run bắn.

Triệu Phù Phong thu mũi đao buông thỏng, giản dị thốt:

“Đi đi.”

Kị sĩ uất nhục trừng trừng nhìn gã hán tử gầy gò râu ria, nhưng vô lực phản kích, đành lui sang bên.

Vó ngựa lộc cộc, hai bóng ngựa từ trung tâm quảng trường điên cuồng phóng lại. Kị sĩ trên ngựa chong ngọn trường mâu dài ba mét, dùng khí thế như sấm sét tấn công Triệu Phù Phong. Loại trường mâu này vào cuối thế kỉ mười một mới du nhập vào chiến trường châu Âu, cần phải kinh qua những trận chiến đẫm máu mới có thể sử dụng thành thạo. Bằng vào lực đâm do ngựa xông tới, một khi trúng địch nhân, cường độ đó cơ thể huyết nhục không cách nào chịu đựng được.

Triệu Phù Phong không lui không tránh, thân thể hơi chùn, quát lớn một tiếng, chộp lấy hai thanh trường mâu. Mượn lực đang tới, thân người y xoay chuyển, hai cánh tay như đôi cánh ưng giang rộng, mang theo hai gã kị sĩ không chịu buông tay kia rời khỏi lưng ngựa. Chỉ nghe răng rắc hai tiếng, trường mâu gãy đôi, kị sĩ bị ném xuống mặt đất. Trong đó, một gã bị chiến mã của đồng bọn dẫm trúng, xương vai trái vỡ vụn, lập tức hôn mê.

Những kẻ đứng xem hoảng sợ thất sắc. Trưởng giám mục từ đầu vẫn không lên tiếng, đột nhiên thốt:

“Người Tắc Lợi Tư, ngươi qua đây.”

Triệu Phù Phong bước lên bậc thềm, không đợi trưởng giám mục mở miệng, đã nói trước:

“Tôi không phải chiến đấu vì thần của ngài, mà vì để dã già trong kho tàng Thánh Sofia. Tôi không muốn cướp đoạt, cũng không để kẻ khác cướp đoạt.”

Trưởng giám mục không hiểu nổi nguyên tắc của Triệu Phù Phong, nhưng trong lòng lão, người Tắc Lợi Tư không tin thần nhân này thực sự còn hơn đám tín đồ Cơ đốc tham lam dưới kia gấp trăm lần. Lão gật gù:

“Người Tắc Lợi Tư, ta đồng ý tặng ngươi để dã già, không kèm điều kiện nào khác.”

Triệu Phù Phong nghe tận đáy lòng dậy sóng, nhưng không thể biểu đạt thành lời, chỉ đành gật đầu. Nguyện vọng nhiều năm đột nhiên thành hiện thực, y không dám tin đây là thật. Trưởng giám mục dẫn Triệu Phù Phong xuyên qua giáo đường Thánh Sofia, lấy một bình nhỏ từ căn hầm bí mật dưới đạo đàn đưa cho y.

Đám kị sĩ thập tự quân theo sát ngay phía sau, bắt đầu vơ vét giáo đường, người đến càng lúc càng đông. Tay trái Triệu Phù Phong giữ bình thuốc, tay phải bạt đao. Trưởng giám mục uể oải huơ hai tay nói:

“Ngươi là võ sĩ kiệt xuất nhất ta từng gặp, nhưng ngươi không thể chống đối cả một đội quân, cũng không thể cứu vãn một tòa thành trì. Bất tất để ý bọn họ, đi đi, trở về Tắc Lợi Tư đi!”

Triệu Phù Phong băng qua máu và lửa, trong lòng không rõ là vui hay buồn, thành thị vĩ đại này đã thành toàn cho y. Sáu mươi năm sau, hoàng đế Basileia quang phục Constantinople, kết thúc sự thống trị của người Latin, những thành thị bị tàn phá, phong quang từ đó về sau không còn nữa rồi.

(1): Sông Tigris ở Iraq

(2): Sông Euphrates

(3): Jerusalem

(4): máu đổ dâng cao đến gối ngựa.

(5): Turkic: Cái này là người dịch mắc cười nên muốn bày tỏ thôi, 4 thanh sao hay bằng tiếng Việt 6 thanh.

(6): kê (gà) đồng áp (vịt) giảng,

(7): men, ceremic

(8): con trai thần Hermes

(9): Aleppo, thành phố lớn nhất Syria

(10): thành Ephesis ven bờ biển Aegean

(11): Biển Marmara của Thổ Nhĩ Kì

(12): Eastern Orthodox

(13): Zolotory Rog hay Vịnh Golden Horn


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.