Hắc Thánh Thần Tiêu

Chương 93: Ngàn dặm tìm nhau

trước
tiếp

Đặt một tay lên ngực, Cửu Độc Nương Tử thở dài, đôi mắt ướt át hướng sang Bạch Thiếu Huy, Phạm Thù, cất giọng ai oán :

– Các ngươi đi tìm Hương Hương, sao lại đến chốn này?

Nàng lập lại câu nói đó mấy lượt, trong giọng nói, có vẻ trách phiền mà cũng có phần lấy làm lạ.

Bạch Thiếu Huy vòng tay :

– Hương Hương bị vị Thiếu trang chủ ở đây cướp đi, bọn tại hạ theo dấu đến trang…

Cửu Độc Nương Tử không đợi chàng dứt câu, dậm chân nói :

– Thế ra các ngươi đã để sổng người trong địa thất rồi! Các ngươi làm cho ngu thơ khổ lắm đó!

Càn Khôn Thủ Dương Khai Thới nhìn sững Cửu Độc Nương Tử :

– Cô nương biết họ?

Cửu Độc Nương Tử bật cười khanh khách :

– Nào chỉ biết mà thôi à? Hai vị này là em kết nghĩa của tôi đó!

Nàng quay lại nhìn Bạch Thiếu Huy và Phạm Thù :

– Các ngươi đã có biết Tiểu Bạch giúp sức, tại sao lại lạc lõng đến chốn nầy? Vì lý do gì, lại bảo Thiếu trang chủ cướp người?

Nghe nàng nói, Bạch Thiếu Huy thầm nghĩ :

– “Mình có lầm chăng? Lầm thế nào được? Mình từ Đồng Châu, theo dõi mùi hương lạ do con Tiểu Bạch phát giác, đi thẳng đến đây, có lẽ nào lầm?”

Chàng đem sự tình từ lúc chia tay với nàng, thuật lại cho Cửu Độc Nương Tử nghe.

Cửu Độc Nương Tử thở dài :

– Lầm! Lầm rồi! Từ Đồng Châu, theo Thiếu trang chủ về đây, chính là ngu thơ, chứ chẳng còn nữ nhân nào khác!

Phạm Thù trố mắt :

– Kỳ quái thật! Suốt con đường, anh em tại hạ chỉ do con Tiểu Bạch dẫn dắt, nếu có lầm, thì chính con Tiểu Bạch lầm. Mà con Tiểu Bạch là con vật thông linh vô tưởng, làm thế nào lầm được? Nếu nó không hữu dụng, có bao giờ chủ nhân nó cho thơ thơ mượn?

Cửu Độc Nương Tử trầm ngâm một lúc :

– Theo ta nghĩ, rất có thể tên tặc tử cướp Hương Hương cũng từ Đồng Châu đi cùng một con đường với các ngươi, nhưng đến quán cơm bên đường, các ngươi bị lão già nào đó, lừa các ngươi, thành thử theo đúng con đường của tên tặc tử, các ngươi lại rẽ sang hướng này!

Phạm Thù nhớ ra, có một lúc Tiểu Bạch định rẽ vào con đường nhỏ, song chính hắn lại lôi nó trở lại con đường lớn, thành ra cả hai đi đến Dương gia trang.

Nếu có sự lầm lẫn, thì sự lầm lẫn bắt đầu từ đó.

Bạch Thiếu Huy lại hỏi :

– Còn thơ thơ? Tại sao thơ thơ cũng có mặt tại đây?

Cửu Độc Nương Tử đáp nhanh :

– Ngu thơ vâng lịnh Bang chủ tới đây. Trong khi hành sự quanh vùng Tử Đồng, ta cùng Bang chủ có bắt được một số người có lai lịch hết sức mờ ám, đáng lẽ ta và Bang chủ phải đưa họ về Bang hội tra hỏi cho rõ ràng, song Bang chủ có việc khẩn cấp, không thể quay trở lại Bang Hội được, nên sai ta áp giải bọn người đó đến đây, gởi tại Dương gia trang, chờ người xong việc trở về, sẽ định đoạt sau.

Bạch Thiếu Huy chớp mắt :

– Thơ thơ nói số người nào? Có lẽ là những người bị nhốt trong hầm bên dưới hòn giả sơn?

Cửu Độc Nương Tử kêu lên :

– Ngươi biết?

Bạch Thiếu Huy tiếp nối :

– Trong số các người đó, có một vị, tại hạ nhận ra như Hoàng Phủ Kinh Đình, ngoại hiệu Thần Chưởng, Chưởng môn nhân Bát Quái môn. Ngoài ra còn có môn hạ phái Vũ Đương…

Cửu Độc Nương Tử chận lại :

– Đúng vậy! Hoàng Phủ Kinh Đình, là chỗ cựu giao của Bang chủ, trong bọn đó, chẳng những có môn hạ phái Vũ Đương, mà còn có hòa thượng Thiếu Lâm, và những đệ tử các môn phái khác!

Nàng dừng lại một chút rồi giải thích :

– Tất cả như mất hết thần trí, không còn giữ trọn vẹn bản tánh, chỉ cần điểm nhẹ vào huyệt đạo họ rồi bỏ họ vào một xó nào đó, chẳng sợ họ thoát chạy đi đâu cả. Bất ngờ, các ngươi lại mò vào tận nơi, phóng thích họ!

Nàng thở dài :

– Như thế này, ta còn làm sao phục lịnh Bang chủ! Các ngươi hại ta! Hại nặng!

Bạch Thiếu Huy nghe nàng bảo là những người đó đều mất cả bản tánh, mê mang thần trí, bất giác giật mình :

– Thơ thơ đừng buồn trách bọn tại hạ. Bọn tại hạ nào có biết những người đó liên quan đến thơ thơ đâu. Nếu sau này Bang chủ có trách cứ thơ thơ, bọn tại hạ xin đảm nhận tội tình, thay thế cho thơ thơ.

Chàng nghiêm giọng tiếp nối :

– Khi nào cứu được Hương Hương rồi, bọn tại hạ sẽ đích thân đến Bang hội bái kiến Bang chủ, trình bày sự việc tạ tội.

Cửu Độc Nương Tử liếc xéo chàng, điểm một nụ cười :

– Sự việc đã rồi, bổn phận ta là thơ thơ…

Nàng định tiếp: “Ta là thơ thơ, ta phải đảm nhận mọi tội lỗi, ta nỡ nào để các ngươi hứng chịu thay ta?” Nhưng nàng nhớ lại ý niệm trước đây, sẽ giới thiệu hai người vào Bang hội, nếu để cho hai người tự dẫn đến nơi tạ tội, thì nàng sẽ khỏi phải làm cái việc thuyết phục cả hai chịu đến gặp Bang chủ, nên thôi, bỏ qua đoạn cuối câu nói, đổi sang đề tài khác :

– Vậy càng hay! Chờ khi nào các ngươi cứu xong Hương Hương, ngu thơ sẽ chuẩn bị cho các ngươi đến gặp mặt Bang chủ.

Bạch Thiếu Huy hướng sang cha con Càn Khôn Thủ Dương Khai Thới, vòng tay tạ tội :

– Anh em tại hạ trong lúc lầm lẫn, xâm phạm quý trang vô lễ với tiền bối và công tử, thật hổ thẹn cho mình hành động hết sức hồ đồ, dám mong nhị vị thứ lỗi cho, và tiện đây xin cáo từ, ngày sau có dịp ngang qua đây sẽ vào bái kiến.

Dương Khai Thới bật cười ha hả :

– Lão đệ không phải bận tâm đến chuyện nhỏ mọn như thế làm gì. Phàm ở đời, có ai tránh khỏi một vài lần lầm lạc? Lão đệ là bậc thiếu niên anh hùng, lão phu hết sức khâm phục. Khi nào có dịp ngang qua đây, xin cứ vào trang, lão phu luôn mở rộng cửa đón tiếp.

Dừng lại một chút, lão nhìn hai người, gương mặt biểu lộ niềm chân thành, tiếp nối :

– Bây giờ, đã hiểu nhau rồi, hai lão đệ hãy ở lại đây đêm nay, cho lão phu được hân hạnh tiếp đãi bậc niên thiếu kỳ tài, cho trọn tình chủ khách. Sáng sớm mai lên đường cũng không muộn.

Bạch Thiếu Huy không tiện lưu lại, vì sự tình khẩn cấp nếu chậm trễ thì tên tặc tử sẽ có rộng thời gian cao bay xa chạy, chàng đành từ chối :

– Được lão tiền bối không bắt tội xâm phạm quý trang, kể ra cũng là cái may rất lớn cho anh em tại hạ rồi, dám đâu lại phiền nhiễu thêm nữa? Thịnh tình của lão tiền bối, anh em tại hạ xin bái lĩnh, và hẹn một ngày nào đó, sẽ trở lại hầu chuyện cùng lão tiền bối, cho thỏa lòng ngưỡng mộ bậc đại anh hùng, khét tiếng vung Xuyên Trung.

Cửu Độc Nương Tử mỉm cười chen lời :

– Hai người khẩn cấp về việc cứu người, không thể lưu lại đây được, xin Trang chủ hãy để cho họ đi, đừng buộc họ làm việc bất đắc dĩ!

Bạch Thiếu Huy quay qua Phạm Thù :

– Mình đi thôi!

Chàng vòng tay xá cha con trang chủ lượt nữa, đoạn cùng Phạm Thù phi thân vút đi, vượt khỏi đầu tường, biến mình trong đêm tối.

Về đến chỗ cũ, Tiểu Bạch kêu lên gấu gấu vẩy đuôi mừng rỡ.

Phạm Thù vỗ nhẹ vào đầu nó, an ủi mấy tiếng đoạn điểm một nụ cười, nhìn Bạch Thiếu Huy thốt :

– Đại ca có nhớ không? Chính con Tiểu Bạch đòi rẽ sang một con đường nhỏ, tại anh em ta kéo nó lại, thành ra có sự nhầm lẫn đáng tiếc như thế!

Bạch Thiếu Huy thở phào :

– May là chưa có việc gì xảy ra, nếu không thì chúng ta sẽ phải hối hận vô cùng!

Chàng tặc lưỡi tiếp nối :

– Tên tặc tử ghé quán lúc trưa, mình lại ghé vào lúc chiều, thời gian cách hơn nửa ngày, nếu đừng bị lão già chủ quán bịa chuyện lừa chúng ta, có thể là chúng ta đã theo kịp rồi.

Phạm Thù nhìn chàng :

– Giả sử chúng ta đi ngay từ lúc vào quán, thì có nhiều hy vọng theo kịp, nhưng hiện tại có lẽ đã quá trễ rồi, vả lại đuổi theo người lúc ban đêm, còn biết tìm đâu có dấu vết? Đã trễ rồi thì đành vậy, chúng ta hãy tìm chỗ nghỉ tạm qua đêm nay, sáng ra hẵng hay.

Phạm Thù dắt ngựa lại, hắn lại vỗ vào đầu con Tiểu Bạch bảo :

– Ngươi chạy trước đi, mình tìm nơi tạm nghỉ đêm nay.

Tiểu Bạch lập tức phóng chân chạy đi ngay.

Bạch Thiếu Huy và Phạm Thù so ngựa theo sau.

Vì là con đường cái, họ không phải cẩn thận cho lắm, cứ rong ngựa sải nhanh, đi đến độ nửa trống canh, họ đến địa phận huyện Nam Bộ.

Trước mặt họ, con sông Gia Lăng chắn ngang. Tiểu Bạch chạy đến bờ sông, đưa mũi ngửi, rồi cất tiếng kêu gâu gâu.

Con sông khá rộng, sóng vỗ trập trùng, không một bóng thuyền nào thấp thoáng, bờ sông vắng vẻ vô cùng.

Đến đó rồi, tự nhiên hai anh em phải xuống ngựa.

Phạm Thù cau mày :

– Đại ca! Có thể là tên tặc tử qua sông rồi! Chúng ta làm sao đây?

Bạch Thiếu Huy ngẩng mặt lên không, nhìn sao trời phỏng độ thời gian :

– Đêm đã quá khuya rồi, còn biết làm sao? Làm sao thì cũng phải đợi đến sáng ngày, mới có thuyền qua sông. Đành là chúng ta phải ngồi lại đây chờ sáng.

Chừng như đã nghĩ ra được điều gì, Phạm Thù bỗng kêu lên :

– A! Đại ca! Nếu tặc tử dùng đường thủy, chúng ta dù có Tiểu Bạch giúp sức cũng không thể đuổi theo hắn được.

Bạch Thiếu Huy lắc đầu :

– Không thể có việc đó đâu! Nếu hắn dùng đường thủy, tại Đồng Châu hắn cũng thuê thuyền, tội gì lại mua ngựa cho phí tiền?

Chàng giục :

– Đệ tìm chỗ nào khuất gió, tạm nghỉ qua đêm đi!

Cả hai dắt ngựa và Tiểu Bạch đến ven cây gần đó, tìm một chỗ rậm rạp, ngồi xuống.

Phạm Thù định nói chuyện cho qua thì giờ, song nhìn sang Bạch Thiếu Huy thấy chàng đã nhắm nghiền đôi mắt, hắn cũng dựa mình vào thân cây, nhắm mắt dưỡng thần, bất giác ngủ luôn.

Hắn không rõ ngủ được bao lâu, bỗng nghe tiếng Bạch Thiếu Huy gọi văng vẳng bên tai :

– Mau thức dậy! Đã có thuyền qua sông kìa!

Hắn mở mắt ra thấy trời sáng rõ, vội đứng dậy, cùng Thiếu Huy dắt ngựa và Tiểu Bạch ra bờ sông.

Lúc đó có một con thuyền, không lớn lắm, sắp sửa cập bến.

Cả hai gấp bước đến bến.

Chủ thuyền là một lão nhân trông thấy cả hai đến bến đò, vội điểm một nụ cười hỏi :

– Hai vị tướng công đến sớm thế? Ằt hẳn có việc gấp cần sang sông? Xin bước xuống thuyền!

Dắt ngựa dắt chó cả hai xuống thuyền xong, thuyền tách bến liền.

Tiểu Bạch xuống thuyền, không ngừng đưa mũi ngửi khắp nơi.

Phạm Thù thấy con vật không quên phần việc của nó, hắn thầm nghĩ :

– “Chừng như nó đã đánh hơi được rồi thì phải! Nếu vậy, tên tặc tử quả đã qua sông bằng chiếc đò này”.

Hắn định tỏ ý đó với Bạch Thiếu Huy, quay qua thấy chàng tựa vào mạn thuyền, nhìn ra phương trời xa xăm xuất thần. Hắn thừa hiểu, chàng đang nghĩ ngợi về một chuyện gì quan trọng, không tiện cắt đứt dòng tư tưởng của chàng, hắn quay lại lão chủ đò, gợi chuyện :

– À! Lão trượng! Tiểu sinh muốn hỏi lão trượng một việc chẳng hay lão trượng có vui lòng chỉ bảo tiểu sinh chăng?

Lão đò vừa đẩy mái chèo, vừa mỉm cười đáp :

– Được lắm chứ! Tướng công cứ hỏi, biết thì lão nói, không biết thì thôi, có gì đâu phải ngại?

Phạm Thù trầm ngâm một chút :

– Tiểu sinh hỏi về tin tức…

Lão đò vẫn giữ nụ cười :

– Suốt ngày, lão phu cứ qua lại hai bờ sông linh đinh trên dòng nước, còn biết tin tức gì?

Phạm Thù làm ra vẻ thản nhiên :

– Nếu là việc trên trời dưới đất, bốn biển năm hồ, thì tiểu sinh nào dám hỏi lão trượng? Tin tức đấy, thuộc về một người, người đó đã qua sông ngày hôm qua, cũng trên chiếc thuyền này!

Lão chủ thuyền thoáng giật mình, rồi lão cau mày, sau cùng lại cười nhẹ :

– Bến sông này, không thể sánh với Bồng An mà cũng không so với bến Nam Sung, hai nơi đó là chỗ giáp giới của những con đường cái, khách bộ hành qua lại dập dìu, còn đây là chỗ sơn cùng thủy tận, một nơi gần như vắng dấu phàm nhân, còn có ai sang sông mà tướng công hỏi? Thỉnh thoảng mới có một khách gọi đò, nhưng là địa phương, cho nên nghề sinh hoạt của lão phu không được phát lắm!

Lão đò dừng lại một chút, dáng mơ màng :

– Chẳng hạn, như hôm qua, lão phu chỉ làm được ba chuyến, nếu đúng là người trong ba chuyến đó, lão phu có thể nhớ.

Lão không chờ Phạm Thù hỏi, cứ tiếp tục thốt :

– Sáng sớm, có một toán độ năm sáu người gì đó, họ có vẻ như những tay săn bắn, mang theo độ mươi con chó, đến trưa, có mấy lão già, rồi chiều lại, có một nam một nữ, nhưng hai người chỉ có một ngựa.

Lão nhìn Phạm Thù, hỏi :

– Trong ba toán người đó, tướng công có nhận ra có thể có người mình muốn hỏi chăng?

Phạm Thù trầm ngâm một chút :

– Chỉ có mấy toán người đó thôi sao?

Lão lại suy nghĩ một chút :

– Còn. Lão phu quên! Đến tối, có bảy tám người tìm lão phu tại nhà, lúc đó, lão phu đang ngủ. Họ đánh thức lão phu dậy, bảo lão phu đưa họ sang sông dù đêm đã xuống từ lâu. Vì chuyến đưa đó, lão phu quá nhọc, ngủ đến sáng ra mới đến bến đò, chứ thường thường lão phu có mặt tại chỗ khi vừa tàn canh năm.

Bạch Thiếu Huy nghe lão thuật dông dài, thầm nghĩ :

– “Lão nói toán người thứ nhất, có một đàn chó, hay là toán người ấy của Hạo Thiên Cẩu Thạch Trung Long? Còn toán kế đó, có một nam một nữ, một ngựa, biết đâu lại không phải là tên tặc tử và Hương Hương? Và toán cuối cùng, cần phải qua sông gấp trong đêm, rất có thể là bọn mà mình đã giải thoát tại Dương gia trang…”

Tuy nhiên, chàng không mở miệng hỏi một tiếng gì.

Lão đò lại tiếp :

– Tướng công muốn biết về người quá giang ngày hôm qua, chẳng hay trong số hành khách đó, có người nào đáp đúng ý muốn của tương công chăng?

Phạm Thù đắn đo một chút :

– Lão trượng nói vào buổi chiều, có một nam một nữ dắt một ngựa qua sông, có phải nam vận chiếc áo lụa màu xanh, tay cầm chiếc quạt, tuổi độ hai mươi bốn hai mươi lăm, người đó…

Lão không chờ hắn dứt câu, vội gật đầu :

– Phải! Phải! Vị tướng công đó có dáng dấp anh tuấn khôi ngô, phong độ hết sức hào hiệp, vung tay không cần đếm tiền. Giá đò qua sông một, vị tướng công đó dám cho trăm, cho ngàn, cho mà vui, bởi người nói rằng, lão phu già cả, làm cái nghề mệt nhọc, phải giúp đỡ hơn là đền công.

Lão cười tươi, như còn khoái trá được một cái lợi vô tưởng :

– Suốt cuộc đời đưa rước khách sang sông, đó là lần đầu tiên lão mới gặp một người thơm tho như thế! Phải chi mỗi ngày lão mỗi gặp được một vị khách như vậy, hiện tại, lão xây nhà ngang nhà dọc, sống cuộc đời sung túc, bỏ hẳn cái nghề vỗ mái chèo đổi lấy áo cơm…

Phạm Thù thầm nghĩ :

– “Lão gặp kẻ cướp, lão có biết gì đâu! Tưởng đâu là người hào hiệp!”

Hắn hỏi :

– Còn vị cô nương theo cạnh tướng công đó. Chừng như nàng có bệnh? Nàng không cử động được?

Lão đò giật mình :

– Tướng công nói sao? Bệnh? Chắc tướng công lầm! Cô nương đó là sư muội của vị tướng công kia, hai người đứng trước mũi thuyền, trông mây, ngắm nước, cười cười nói nói, làm gì có bệnh?

Bạch Thiếu Huy và Phạm Thù ngây người, không biết phải nghĩ làm sao nữa!

Nếu đúng vị tướng công đó là tên tặc tử, thì chẳng bao giờ Hương Hương cười nói vui vẻ được. Nữ nhân đã cười nói vui vẻ được, hẳn không phải là Hương Hương, và người kia cũng không phải là tên tặc tử.

Nhưng giả sử, vị tướng công đó đúng là tặc tử, và vị cô nương kia đúng là Hương Hương, mà Hương Hương lại vui cười được với hắn, thì sao?

Cả hai không hiểu nổi!

Có một điều, Bạch Thiếu Huy nhận ra, là lão đò có vẻ thành thật hơn lão chủ quán.

Theo lão đò tả hình dạng, thì vị tướng công đó đúng là tên tặc tử rồi. Nhưng nếu nữ nhân theo cùng hắn, cười nói vui thích như tương đắc lắm, nhất định là nữ nhân đó không thể là Hương Hương vậy?

Thế thì nữ nhân đó là ai? Còn Hương Hương nàng ở đâu?

Phạm Thù vội hỏi :

– Lão trượng có nghe một mùi hương kỳ lạ xông lên từ người của nữ nhân đó chăng?

Lão đò gật đầu :

– Có! Vị cô nương đó, đứng tại mũi thuyền, gió lại lộng ngược, thổi từ mũi đến lái, lão phu giữ tay lái thuyền, nghe rõ một mùi hương kỳ lạ. Ngửi phải mùi hương đó, lão phu cảm thấy mình suýt hôn mê!

Lão mỉm cười tiếp nối :

– Bọn tìm cơm áo qua mái chèo đẩy nước như bọn lão phu, còn biết mùi vị gì ngoài cái mùi tanh tanh của đồng tiền, ngoài cái cảm giác lành lạnh của đồng tiền? Cho nên bảo lão phu phân tích mùi hương đó, lão phu xin chịu ngay!

Lão lại cười, cười mấy tiếng rồi lại tiếp :

– Nhờ vị tướng công đó, cho lão phu ngửi một loại phấn gì đó, lão phu hết hôn mê liền!

Phạm Thù quay đầu lại nhìn Bạch Thiếu Huy, buột miệng :

– Có lẽ đó, đại ca!

Bạch Thiếu Huy chú ý đến lão đò nhiều hơn là những gì lão nói, chàng muốn tìm hiểu trong cái nghe, chàng nhận ra lão đò vừa nói vừa cười, như ra vẻ khôi hài, như có ý khiêu gợi hiếu kỳ của đối thoại.

Thái độ đó, chẳng bao giờ có nơi những người thuật một chuyện không liên quan đến mình.

Thì tại sao lão đò lại thích thú kể rõ những chi tiết đó? Phàm chủ đò, mỗi ngày mỗi có khách sang sông, còn thì giờ đâu để ý đến tất cả những người lão đưa rước, mà thêm thắt như thế?

Chàng đã nghi ngờ lão từ đầu câu chuyện.

Chàng thầm nghĩ :

– “Hương Hương có thể nào quên được mối thù của mẹ nàng? Tại sao nàng có thể cười cợt được với kẻ thù? Nàng bị hắn cho ngửi phải mê dược chăng? Nàng bị hắn dụ hoặc chăng? Vả lại, đã chắc gì nam và nữ đó đúng là tên tặc tử giả mạo Văn Hương giáo chủ và Hương Hương?”

Bình thường, chàng rất linh mẫn, ứng biến rất hợp lúc, hợp việc, nhưng hiện tại, chàng đành chịu không thể tìm thấy một điểm sáng nào.

Chàng trầm lặng, suy tư mãi về tình hình.

Phạm Thù không tịnh như chàng, hắn luôn luôn động, và động là phải hỏi, hắn cất tiếng :

– Lão trượng có nghe họ nói gì với nhau chăng?

Lão đò lắc đầu :

– Lão phu nghe không được rõ lắm, đại khái họ bảo với nhau, qua sông rồi, con đường đi, thế nào cũng chậm trễ hành trình. Họ còn do dự giữa hai con đường, một về Bình Xương, một rẽ qua Tuy Định…

Lão đò thốt đến đó, nhìn cả hai thoáng, đoạn hỏi :

– Nhị vị tướng công có quen biết với vị tướng công đó?

Phạm Thù gật đầu :

– Bọn vãn bối đều là bằng hữu với nhau, hiện tại hai anh em vãn bối định sang thăm vị tướng công đó. Đáng lẽ phải cùng đi với nhau một lượt, song vì người em gái của y sanh bệnh bất ngờ, y phải về trước, anh em tại hạ theo sau.

Rồi hắn cũng nhìn lão đò một thoáng, hỏi lại :

– Chẳng hay con đường nào dẫn đến Tuy Định?

Lão đò há miệng bày hai hàm răng vàng khè, cười toe toét :

– Về Tuy Định phải rẽ sang Đông, còn vị tướng công đó khi lên bờ rồi, chừng như ngược về Bắc, mà con đường đó lại đưa đến Bình Xương…

Lão chỉ tay về phía lão vừa nói, cho hai người được hiểu hơn.

Chèo đò, lão phải dùng hai tay, lúc đó, lão chỉ một tay còn một tay cầm chèo, thành thử tay lái không kềm vững, mũi thuyền đảo qua một bên.

Vốn đứng tại mũi thuyền, trên gió, bấy giờ thuyền đảo mũi hướng về phía khác, Bạch Thiếu Huy và Phạm Thù nghiễm nhiên đổi thành dưới gió.

Lão đò cười khanh khách, tiếp nối :

– Hai vị muốn tìm vị tướng công đó, lão phu xin dẫn lộ!

Buông xong tiếng cuối lão vung nhẹ bàn tay, từ bàn tay bay ra một đợt khói vàng, khói theo chiều gió cuốn tới Bạch Thiếu Huy và Phạm Thù.

Tuy tuổi giang hồ chưa được bao nhiêu, song Bạch Thiếu Huy là con người thông minh xuất chúng, dấn thân trên mọi nẻo đường đời, chàng thu thập một số kinh nghiệm đáng giá, có nhãn lực nhìn người, nhìn việc, con thuyền đảo là chàng nghĩ ngay đến chỗ dụng ý của lão chèo đò.

Chàng nghĩ, một con người chuyên nghề đưa rước khách sang sông suốt mấy mươi năm dài, có thể nào non tay chèo đến độ thuyền đảo dễ dàng như thế? Người quen chèo thuyền, dù chỉ có một tay, vẫn giữ vững con thuyền như thường.

Thế tại sao, lão còn một tay cầm chèo mà con thuyền lại đảo? Nếu lão không cố ý, thì làm gì con thuyền quay mũi, rất có thể lão nạy mái chèo, đổi hướng con thuyền, trên gió trở thành dưới gió để dễ bề giở thủ đoạn, chứ quyết nhiên lão không sơ xuất được.

Do đó, khi thuyền vừa đảo, chàng đã nghi ngờ rồi, nghi là có đề phòng. Rồi nghe khẩu khí của lão sẽ đưa cả hai đến gặp tên tặc tử, chàng càng chú ý hơn.

Kịp đến lúc thấy lão vung tay, đợt khói vàng vừa bay ra, chàng cấp tốc tung một chưởng, ngược về phía lão lái đò.

Kình đạo vừa xuất phát, chàng nhảy vọt lên không gọi gấp Phạm Thù :

– Hiền đệ mau chế ngự lão! Lão là đồng đảng của tên tặc tử đó!

Dù xuất chưởng cấp bách, kình đạo vẫn mạnh như thường, kình đạo cuốn tới, quét đợt khói vàng, tản mác ra hai bên, bay tuốt mất.

Phạm Thù sôi giận, khẽ nhún đôi chân, từ mũi thuyền vọt ngang qua mui, đến lái quát lớn :

– Lão tặc! Đừng tưởng bở, toan vuốt râu hùm!

Thân hình chưa tới nơi, một đạo chỉ phong đã bắn xuống.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.