Thiên Kiếm Tuyệt Đao

Chương 63 - Theo Chân Phản Nghiệt

trước
tiếp

Văn Quyên hỏi dồn :

– Vậy đại sư luyện được mấy tuyệt nghệ?

– Nhất Sĩ đánh cắp mười chín cuốn bí kíp võ công mà trong ấy lão nạp chỉ mới luyện được có ba.

– Là Chưởng môn, căn cốt y chắc phải tốt lắm, nếu y chịu khó khổ luyện võ công trong bí kíp ba năm liền chắc sẽ không khó đánh bại cửu trưởng lão.

Tứ Giới lẳng lặng thầm phục tài luận đoán của nàng.

Chưa đầy một ngày, đoàn người đã đến dưới chân núi Tung Sơn. Vào đêm, núi đồi sừng sững hoang lạnh. Bảy tên kiếm chủ đã đứng dưới chân núi chờ lệnh Văn Quyên.

Văn Quyên đảo mắt nhìn quanh quất thật nhanh, hạ lệnh cho thủ hạ chia nhau xông lên núi dò tìm tông tích Nhất Sĩ.

Thiếu Bạch lo ngại nói :

– Cả dãy núi Tung Sơn Thiếu Thất rộng có trăm dặm, hang hóc nhiều vô kể, nếu không có người thông thuộc địa lý hướng đạo, thì dù có biết rõ Nhất Sĩ ở trong núi cũng không mong tìm ra.

Văn Quyên thở dài :

– Địa thế này nếu không thuộc đường lối chắc chắn sẽ gây ra khó khăn không ít trong việc tìm kiếm người. Phần chúng ta lại không biết Nhất Sĩ đang ở đâu mà tìm.

Thiếu Bạch quay qua hỏi Tứ Giới đại sư :

– Đại sư, chắc người thông thuộc các đường lối trên núi Tung Sơn này chứ?

Tứ Giới đại sư gật đầu đáp :

– Bần tăng sống từ nhỏ trên dãy núi Tung Sơn này nên mọi đường đi lối lại, không chỗ nào mà không biết. Chỉ cần nói tên địa điểm là bần tăng sẽ đưa chư vị lại đúng ngay nơi đó, không một chút lầm lẫn.

Vạn Lương xen lời :

– Chỉ tiếc là bây giờ chúng ta lại không biết Nhất Sĩ hiện ở đâu mà tìm.

Văn Quyên nói :

– Theo ý của đại sư thì chúng ta nên tìm kiếm Nhất Sĩ ở nơi đâu?

Thiếu Bạch tiếp lời :

– Theo ý của vãn bối thì chắc Nhất Sĩ phải trốn lánh vào một nơi nào kín đáo để lẩn tránh tai mắt của ai bên. Đại sư có biết nơi nào trên dãy Tung Sơn này kín đáo, chẳng hạn như một cái hang động hay một cốc khẩu.

Tứ Giới đại sư nhíu mày suy nghĩ giây lát rồi mới trả lời Thiếu Bạch :

– Lão nạp đoán là Nhất Sĩ nếu có ẩn mình thì phải ở trong một cái hang động ở lưng chừng núi, vì nơi đó ít người lui tới, ngoài môn hạ Thiếu Lâm ra không ai biết được nơi đó. Nếu Nhất Sĩ còn ở Tung Sơn thì hắn nhất định phải ẩn ở đó. Để lão nạp dẫn đường cho chư vị.

Thiếu Bạch mừng rỡ nói :

– Vậy thì hay quá, nhờ đại sư dẫn lộ.

Tứ Giới đại sư băng mình đi trước dẫn đường. Thiếu Bạch và quần hùng nối tiếp nhau đi theo. Đi được một chốc thì bỗng Tứ Giới đại sư và Thiếu Bạch núp vào một bên đường. Tả Văn Quyên và quần hào cũng lục tục nép nhanh vào bụi rậm.

Từ đằng trước, một chiếc kiệu hoa do bốn tên đại hán khiêng kiệu, hai bên có hai ả thị tỳ. Đằng sau thì không có dưới mươi người nam nữ đi theo sau kiệu.

Chiếc kiệu đến gần Thiếu Bạch thì một giọng nói vang ra :

– Ai nấp đó, mau lộ diện ra đi.

Tả Thiếu Bạch thấy đối phương phát hiện ra mình nên rời chỗ nấp bước ra dõng dạc nói :

– Tại hạ Tả Thiếu Bạch.

– Mi là Tả Thiếu Bạch, Minh chủ Kim Đao mới nổi danh trên giang hồ?

– Phải, còn tôn giá là ai?

– Thánh cung Hoa tướng.

– Tôn tánh đại danh.

– Người trong Thánh cung không hề báo tên họ.

Dõi nhìn qua màn đêm, mỹ phụ tiếp :

– Còn mấy vị bằng hữu nữa, sao chưa hiện thân?

Bọn Tứ Giới và bốn thị tỳ của Văn Quyên đành lục tục đi ra.

Hoa tướng đảo mắt sắc lạnh nhìn đăm đăm Tứ Giới :

– Đại sư chắc phải là cao tăng Thiếu Lâm?

– A di đà Phật, không dám, lão nạp Tứ Giới.

– Đúng mà.

Đột ngột phất tay, bảo :

– Bát thường thì theo ta ứng địch, còn lại bao nhiêu đi tìm Nhất Sĩ, nếu gặp ngăn cản, cứ giết hết không chừa.

Nhanh như chớp, tám bóng người liền lúc lướt ra đứng hai bên Hoa tướng, số còn lại tản mác lên núi.

Văn Quyên hừ nhạt, nhìn thoáng đối phương.

– Tám người này đủ sức bảo hộ ngươi?

– Cứ thử xem.

Thấy tình thế căng thẳng, Thiếu Bạch khẽ bảo chị :

– Tỷ tỷ, xin để trận đầu cho tiểu đệ.

– Đệ đệ hẵng đứng ngoài lược trận.

Lẳng lặng nàng soạt kiếm, đâm vèo tới.

Hoa thắng cười lạnh, sẽ khoát tay, chỉ thấy một thanh y nhân nhoáng lên ngăn chặn Văn Quyên. Thoáng thấy, Văn Quyên hơi thảng thốt, đảo kiếm biến chiêu liền. Kiếm thế đi nhanh như gió lốc, buộc thanh y nhân phải dạt một bước tránh, nhưng y quả nhiên bản lĩnh cao cường, chưởng phong vẫn ào ào tràn tới.

Chỉ một thoáng, chưởng kiếm vần vũ, hai bên đã giao thủ qua năm chiêu. Thình lình về mé trái trên con đường núi heo hút có tiếng quát vang, liền đó là những tiếng binh khí chạm nhau nghe chát chúa, Văn Quyên nói nhanh :

– Đệ đệ, mau bắt sống Thánh cung Hoa tướng, y thị là sát phụ cừu nhân của chúng ta, không thể để cho y thị thoát được.

Nghe nói, Thiếu Bạch tức thời bốc sôi máu nóng, kiếm nhoáng cùng lúc với tiếng thét vang, băng mình tới.

Chỉ nghe tiếng cười khảy khô rợn, hai thanh y nam mữ đã đồng loạt huy động binh khí xông ra ngăn đón.

Tên cao gầy bên trái chính là kẻ đứng đầu trong bát thường thị tây, vũ lộng ngọn Tam lăng lượng thiên xích loang loáng ánh lạnh bủa tới.

Thiếu Bạch càng bốc giận, quát lớn :

– Xem này!

Soạt liền hai kiếm nhanh không tưởng đâm vèo về cổ tay thanh y nhân.

Chỉ nghe choang một tiếng, thanh y nhân bên phải chưa kịp biến chiêu, cườm tay đã dại hẳn đi, rơi luôn binh khí.

Thanh y nhân bên trái biến chiêu thần tốc, nhưng vẫn không sao né thoát nhất kiếm Thiếu Bạch, có điều, ngọn Lượng thiên xích rơi chưa chấm đất, y đã tài tình vớt được, thuận thế xoáy luôn một đường lạnh.

Thiếu Bạch hoảng hốt, thụp mình lui nhanh một bước. Nhưng cùng lúc, ánh lạnh nhoáng ào, một ngọn binh khí Tam tiên lưỡng nhân kỳ hình đã chớp ngang mí mắt.

Diễn biến nhanh trong tích tắc, Vạn Lương đột ngột quát vang :

– Tiến lên!

Rồi lão băng mình tới.

Bọn Tứ Giới và bốn thị tỳ của Văn Quyên cũng nhoáng binh khí sáng ngời ùn ùn xông lên.

Thánh cung Hoa tướng dõi mắt theo thế kiếm vần vũ của Thiếu Bạch, thoáng bàng hoàng kinh sợ. Khi ấy, bọn thường thị Thánh cung dốc sức ngăn chống lớp lớp thế công giông bão của bọn Thiếu Bạch đã có nhiều nao núng thấy rõ. Văn Quyên bỗng trầm giọng :

– Đệ đệ bắt lấy Hoa tướng mau.

Thiếu Bạch nghe tiếng lập tức hét lạnh, soạt kiếm chém phăng cánh tay phải của một tên Thánh cung thường thị.

Hoa tướng biến sắc, kêu vội :

– Đồng, Thiết nhị nương lên giết ngay tên tiểu tử kia.

Hai phụ nhân phốp pháp khiên kiệu đồng loạt rút kiệu cống, gầm lên như bò rống, lao vụt về Thiếu Bạch.

Đoán biết hai phụ nhân này võ công còn cao hơn cả bọn thường thị, Thiếu Bạch lập tức xoáy lốc kiếm, dây lạnh hơi phong áp tới.

Kiếm thế trầm trầm loang loáng trùm kín lấy Đồng, Thiết nhị nương.

Chừng như cũng biết chiêu kiếm lợi hại, nhị nương vội vàng xê dịch tấm thân hộ pháp dạt tránh. Đồng nương mặt vành như nghệ đảo kiệu cống đón kiếm còn Thiết nương mặt đen như lọ cùng lúc quật mạnh một trượng vào hông đối phương.

Hai người một công một thủ, chiêu thức phối hợp hết sức chặt chẽ, tưởng chừng như phá giải ngay được chiêu kiếm Thiếu Bạch.

Tâm thần rúng động, Thiếu Bạch soạt liền hai kiếm dồn Thiết, Đồng nhị nương cuống cuồng nhảy lui.

Văn Quyên bỗng thét vang, trường kiếm xoáy lốc đâm thẳng vào ngực một tên thường thị, nhưng ngọn binh khí Tam tiên lượng nhẫn của tên kia cũng quật thương tay trái nàng.

Hăng máu nàng nhảy vụt luôn về phía Hoa tướng.

Hoa tướng cười dài :

– Tiện tỳ, muốn chết!

Thị búng vút một chỉ.

Chỉ lực thoạt trông nhẹ nhành nhưng kỳ ảo lạ thường, Văn Quyên không sao nhận được phương vị của ngón chỉ, chỉ còn cách liều mạng phát lại một kiếm vũ bão.

Hoa tướng hét lạnh :

– Tiện tỳ hung hãn thật.

Thân thủ nhoáng lên, búng liền chỉ nữa vút về tay phải đối phương.

Thiếu Bạch đang quyết chiến ác liệt với Thiết, Đồng nhị nương, nhác thấy chị luống cuống dưới chỉ lực tàn độc của Hoa tướng, bất giác lòng nóng như lửa đốt. nhưng phải nỗi đối phương cứ quấn chặt lấy chàng bằng những chiêu thức kỳ bí dị thường, không sao tính việc thoắt cứu được.

Bọn Tứ Giới bấy giờ đang khổ chiến với sáu tên thường thị, bản lãnh của đối phương ngang tay với Vạn Lương nhưng vượt xa Hoàng Vĩnh, Cao Quang, lại bởi Tứ Giới cũng không ham chiến, chưa chịu dốc hết toàn lực, thành thử, cuộc chiến chỉ ở cái thế quân bình ngang ngửa.

Hốt nghe Hoa tướng cười nhạt, ngọn chỉ phong rít lạnh, lọt vào tai người nghe rờn rợn, hãi hùng.

Văn Quyên thọ thương tay trái máu tuôn xối xả, nhất thời không kịp né, đành nghiến răng lãnh trọn một chỉ vào vai.

Hoa tướng hét lạnh, xông tới tung luôn một chưởng.

Chịu một chỉ, Văn Quyên lập tức cảm thấy ruột gan quặn xé, nửa bên người buốt giá hẳn đi, nhưng vì trải qua bao phen lăn lộn, xông pha mạo hiểm, tạo cho con người nàng một bản lãnh cứng cỏi khác thường, chẳng màng sống chết, dốc hết toàn lực trong chiêu kiếm quỷ sầu.

Hoa tướng chột dạ, lạng vội sang bên công về mặt phải.

Vừa lúc, Thiếu Bạch quát vang, nghiến răng xoáy liền hai chiêu kiếm, mũi kiếm chạm phải ngọn Kiệu cống, âm run thánh thót vang trong gió lộng.

Ra là binh khí của nhị nương sử dụng, ngọn Kiệu cống sự thực là hai món binh khí dị hình đúc chế, cứng rắn chẳng kém gì thanh bảo kiếm chém sắt ngọt trơn của Thiếu Bạch.

Thấy không thoát nổi vòng vây của đối phương, Thiếu Bạch giận sôi quát lạnh :

– Vạn hộ pháp, đao!

Vạn Lương bàng hoàng, vút cao quá trượng, soạt đao ném vù lại.

Chỉ nghe Thiếu Bạch rú dài, không ai kịp thấy chàng tra kiếm vào vỏ, đỡ đao, xuất thủ thế nào, ba động tác trong khoảnh khắc, lóe lạnh vùng đao sáng chóe, vang liền trong đêm vắng hai tiếng rú thảm. Hai chóp não tóe trắng khoảng không, loang loang màu máu thắm, hai cái thây tức thời ngã rũ.

Liền đó là tiếng keng khô khốc, hai cây Kiệu cống kềnh càng đồng loạt vụt rơi, khối thép chạm vào mô đá tóe lửa, ngân vang ròn rã.

Toàn trường nhất thời im rợn, những cái bóng đen đứng sững, mấy chục con mắt chớp sáng dán chặt vào ngọn cổ đao lấp loáng ánh lạnh, còn rỉ giọt máu tươi từ mũi đao.

Như một bóng ma, Thiếu Bạch lặng lẽ vút đến trước mặt Hoa tướng, hai người đứng cách nhau mấy thước, Thiếu Bạch ngời sát khí, dựng ngọn cổ đao chĩa thẳng mũi về đối phương. Hoa tướng mặt mày tái ngắt, run run giơ song chưởng chờ đợi.

Bốn con mắt nhìn nhau không chớp, bầu không khí ngột ngạt tưng tức khiến người hiện diện đều nín thở lắng xem.

Bỗng nhiên mắt đổ hung quang, Thiếu Bạch lại sẽ rung tay, ánh lạnh một lần nữa loáng nhanh.

Bắt gặp ánh mắt đối phương, Hoa tướng lập tức di động phương vị, đồng thời vận hết sức quật liền song chưởng.Văn Quyên như sực tỉnh gọi to :

– Đệ đệ nhẹ tay!

Bá đao xuất thủ mau lẹ là thế mà Thiếu Bạch vừa nghe tiếng chị, ngọn cổ đao đã sát ngang cổ đối phương rồi, tuy không hiểu dụng ý chị, nhưng vẫn còn một lòng kính nể, tức thời thâu chiêu đao lùi nhanh lại.

Kịp thấy Văn Quyên phất tay, một lằn sáng lóe lên, mũi Cừu hận chi kiếm đã cắm phập vào Ưng Song huyệt của Hoa tướng.

Ngọn Kim kiếm ngập chừng mấy tấc, thương thế chưa đến nỗi chí mạng, nhưng cũng vừa đủ để Hoa tướng rũ liệt tứ chi.

Văn Quyên quét nhìn mấy tên thường thị bảo :

– Đệ đệ giết cho hết bọn còn lại rồi hẵng tính.

Đối phương nghe nói, lấm lét nhìn nhau, rồi cùng cắm đầu bỏ chạy.

Văn Quyên bốc giận, nhoáng lạnh một ngọn Cừu hận chi kiếm, một tên thường thị chậm chân bị ngay mũi kiếm cắm suốt từ lưng ra ngực, chỉ kịp rú lăn ra chết.

Thoáng mắt, năm tên thường thị đã tản mác mất biến trong màn đêm dầy đặc, Thiếu Bạch ái ngại nhìn chị :

– Tiểu đệ chậm tay để họ có dịp thoát chết.

– Hôm nay nhân từ, ngày sau gặp lại, sẽ vất vả với năm tên địch nữa.

Thiếu Bạch đỏ mặt nín thinh.

Văn Quyên thong thả đến trước mặt Hoa tướng, thò tay chụp lấy cổ áo. Hoa tướng cuống quýt, run run nắm lấy tay nàng. Văn Quyên giận dữ :

– Muốn chết à?

– Giết ta cứ giết, nhưng nếu làm nhục, người trong Thánh cung sẽ không tha ngươi.

– Ta sắp làm cỏ Thánh cung, thì một mạng có gì đáng kể.

Gạt phăng tay Hoa tướng, kéo toang cổ áo nhìn vào chiếc cổ trắng ngần của đối phương đăm đăm.

Hoa tướng cười nhạt :

– Ngươi tưởng bổn tòa dịch dung chăng? Hừ.

Thiếu Bạch chạy lại hỏi chị :

– Tỷ tỷ, người này có thay đổi diện mục?

– Không, có điều, chúng ta nhất định đã có gặp y thị, chỉ vì lâu quá không còn nhớ được.

Ngọn Kim kiếm lung linh trên ưng song huyệt của Hoa tướng bây giờ đã nhuốm máu tươi, toàn thân công lực của y thị mất hết, mặt xanh như tàu lá, mồ hôi nhỏ giọt thảm hại, nhưng vẫn còn chịu đựng cầu mong một nẻo sống.

Văn Quyên lạnh lùng thò hai ngón tay lay lay mũi kiếm.

Ưng Song huyệt ở trên vú trái chừng một tấc sáu phân, còn gọi Thượng huyết hải, thuộc về mạch gan, mũi kiếm cắm vào huyệt đạo sâu có hai tấc, giờ lại bị Văn Quyên khua động, đau quá Hoa tướng chỉ kịp rú thảm ngất lịm. Thiếu Bạch chạnh lòng, ấp úng :

– Tỷ tỷ…

Văn Quyên tức nhiên ngắt ngang :

– Rõ thật uổng một thân võ công, đối với kẻ đại thù ngươi lại từ bi quá thế. Hừ! Mai sau chết đi, còn mặt mũi nào gặp lại gia gia?

Thiếu Bạch toát mồ hôi nín lặng. Văn Quyên lại vỗ vào người đối phương. Hoa tướng giật mình choàng tỉnh. Văn Quyên hỏi lạnh :

– Họ gì?

Hoa tướng hổn hển nói qua hơi thở :

– Sao không giết bổn tòa cho rồi?

– Mấy trăm mạng Bạch Hạc bảo bị thảm tử, thì giết ngươi là lẽ tất nhiên.

Hoa tướng ngẩn người, bỗng phá cười khanh khách.

Tiếng cười ngân dài trong đêm lạnh, rung rung bất tuyệt.

Bọn Tứ Giới đưa mắt nhìn nhau sởn óc. Hốt nghe Hoa tướng cười nhạt :

– Ngươi cứ hỏi, biết gì bổn tòa sẽ đáp cả.

Văn Quyên bỗng xẵng giọng lập lại :

– Tên gì?

– Đặng Tố Quỳnh.

– Đúng là ngươi mà.

Quay sang em, nàng giải thích :

– Người này là đồng môn sư muội của mẫu thân, hơn mười năm trước đã có ghé chơi vào Bạch Hạc bảo chúng ta, khi ấy, đệ đệ còn bé lắm.

Thiếu Bạch cau mày, rồi sực nhớ ngày còn nhỏ có một hôm được chị dắt ra cổng trang dạo chơi, bỗng có một thiếu phụ đến thăm mẫu thân bảo là sư muội, nhưng việc về sau thế nào, chàng không nhớ nữa.

Lại nghe Văn Quyên hỏi tiếp :

– Thánh Cung Thần Quân gây rối giang hồ thật sự là ai?

– Nhiều lắm, các ngươi chưa nghe được một tên nào à?

Văn Quyên nổi nóng, thò tay chực búng vào mũi kiếm, Tố Quỳnh hoảng hốt, giật giọng :

– Ngừng tay, hẵng để yên, bổn tòa sẽ nói hết.

– Thánh cung có cả thảy mấy nhân vật thủ não?

– Kể có ba người.

– Những ai?

– Người thứ nhất toàn thân tê bại, hom hem như nắm xương dưới mộ, sức trói gà không chặt.

Ho nấc mấy tiếng, giọng mệt nhọc tiếp :

– Vị Thánh Cung Thần Quân thứ hai là một ma tinh, tính tình cuồng ngạo, giết người không gớm tay.

Thấy đối phương trầm ngâm mãi không nói, Hoa tướng lấy làm lạ :

– Còn người nữa, sao ngươi không hỏi?

– Cứ nói đi!

– Vị Thần quân thứ ba, ha ha! Là một nữ nhân đạo mạo đoan trang nhưng dâm dật khôn tả. Đấy là kẻ có liên quan tới hai vị…

Văn Quyên bỗng giận dữ, tát bốp một cái thật mạnh vào má Hoa tướng khiến thị trào máu miệng.

Bọn Tứ Giới bấy giờ đứng ngây như tượng ở một bên, trước cử chỉ tàn bạo của Văn Quyên, không ai dám nói ra, nhưng đều cảm thấy một cái gì nặng nề, ngột ngạt đè thắt ruột.

Liền đó, chỉ thấy Văn Quyên cúi mình nhặt lấy một cái răng trắng nhởn, xem kỹ rồi bỏ vào bình ngọc cao độ một tấc, xong cất kín vào túi.

Thì ra, cái răng giả ấy bên trong có chứa một chất kịch độc, Đặng Tố Quỳnh nói chưa dứt đã định cắn vỡ ra ý muốn tự vẫn, chẳng dè Văn Quyên tinh mắt thấy kịp.

Thình lình một thất kiếm thủ từ đâu hơ hải chạy về báo vội :

– Khải bẩm cô nương, có một đám địch chắn giữ trước cửa một thạch động sau núi, bọn thuộc hạ không sao xông vào nổi, đành về thỉnh thị.

Văn Quyên cau mày, bỗng nhanh như điện điểm vào huyệt Tố Quỳnh, gọi to :

– Tử Vân, Hàn Ngọc!

Hai lục y thiếu nữ xông ra, nghiêng mình :

– Có tỳ nữ.

– Trông cho kỹ người này, nếu có bề gì, các ngươi tội chết.

Tử Vân, Hàn Ngọc cúi đầu vâng dạ. Văn Quyên đi lại bảo thất kiếm thủ :

– Đi!

Tên thất kiếm thủ vâng lệnh, quay người đi trước, quần hào nhanh nhẹn theo sát.

Thoáng chốc, đi vòng qua Diện bích am không xa, bên tai đã nghe chát chúa tiếng người hò hét vang rền.

Vừa qua một vách núi, hốt lại có tiếng thiếu nữ hét lanh lảnh :

– Mau gọi Thần quân ra đây, không thì sẽ giết hết không chừa.

Liền đó, tiếng rú thảm của nam nhân khuấy tan màn đêm.

Cao Quang nói :

– Giống giọng của Trương cô nương quá!

Văn Quyên hỏi vội :

– Ai là Trương cô nương?

– Trương Ngọc Giao, một vị nữ anh hùng trong Kim Đao môn chúng tôi.

Đám người phóng nhanh như giông gió, phút chốc đã vòng ra đến sau núi.

Chỉ thấy ở lưng chừng núi đột xuất một huyệt cao độ tám chín thước. Dưới ánh trăng ảm đạm, một thiếu nữ tóc tai rối bù ngồi xếp bằng trước cửa động, kiếm chưởng vần vũ một mình cự với đám đông. Sáu kiếm thủ thuộc hạ của Văn Quyên đang hò hét, đốc thúc thủ hạ xông vào.

Thiếu Bạch thấy thế bảo to :

– Tỷ tỷ, người mình cả, hãy hạ lệnh ngừng tay mau.

Văn Quyên nhìn quanh quất, quát lớn :

– Lui lại hết!

Sáu kiếm thủ thấy Văn Quyên tới, đều dạt nhanh về sau chừa ra một khoảng trống.

Thiếu nữ một mình cự địch chính là Ngọc Giao, nhác thấy bóng Thiếu Bạch, vội vòng tay hỏi :

– Minh chủ vẫn mạnh?

Thiếu Bạch mỉm cười, chỉ Văn Quyên nói :

– Vị này là chị ruột của tại hạ, Tả Văn Quyên.

Nhìn vào động thấy Nhàn Vân, bèn giới thiệu hai bên.

Nhàn Vân đại sư hỏi Thiếu Bạch :

– Sao Minh chủ lại tới đây?

– Gia tỷ đoán chắc tên Nhất Sĩ chưa rời khỏi Tung Sơn, mới kéo nhau truy tầm y. Thế nhị vị cô nương đâu rồi?

– Đều ở cả trong động.

Lời vừa dứt, Tuyết Quân đã vịn vai em từ trong động đi ra. Châu Chính tả thủ giơ cao bó đuốc, tay phải vác cây bát báo thiền trượng đi trước dẫn đường.

Ra ngoài, Tuyết Quân nghiêng mình :

– Tham kiến Minh chủ.

Thiếu Bạch vội vàng đáp lễ. Châu Chính vòng tay nói :

– Nhờ hồng phúc của Minh chủ, thuộc hạ may được Phạm cô nương chữa lành hẳn rồi.

Không đợi Thiếu Bạch giới thiệu, Văn Quyên đã mỉm cười nói :

– Tả Văn Quyên xin ra mắt nhị vị cô nương.

Tuyết Quân vội hỏi :

– Ra là tỷ tỷ đấy à? Đáng mừng, đáng mừng!

– Cách biệt lâu năm mà hiền tỷ muội vẫn phong thái như xưa mới là việc đáng mừng.

Tứ Giới bỗng xen lời :

– Phạm cô nương, ngọn trượng trong tay Châu thí chủ sao trông giống vật nghiệt chướng Nhất Sĩ thường dùng quá.

– Chính thế.

Rồi lão quay sang nhìn Châu Chính. Hiểu ý, Châu Chính chạy đến trước mặt Tứ Giới :

– Đây là vật của Nhất Sĩ, xin hoàn lại cho đại sư.

Thấy Châu Chính trong tay cầm một tăng bào, Thiếu Bạch lấy làm lạ hỏi :

– Tăng bào của ai thế?

– Tăng bào và thiền trượng đều bị vất bỏ lại trong động, tiện tay tại hạ cầm theo để tra xét sau.

Nghe nói, mọi người xôn xao bàn tán, cuối cùng đều cho rằng Nhất Sĩ đã có vào động, cải trang tiện bề tẩu thoát, nhưng muốn cho chắc lại lục tục kéo nhau vào động xem lại. Tuyết Nghi bỗng bấm tay chị. Không biết kể những gì chỉ thấy Tuyết Quân hỏi Hàng Ngọc :

– Vị cô nương này trong tay ôm người nào thế?

Văn Quyên đáp ngay :

– Đây là thị tỳ Hàn Ngọc của ngu tỷ, người trên tay là một vị Thần quân họ Đặng tên Tố Quỳnh.

– Người đã chết sao không vất tử thi đi?

Văn Quyên kinh ngạc nhìn lại thì thấy Tố Quỳnh hai mắt nhắm nghiền, mặt mày tái ngắt, bất động, hình như đã tuyệt khí từ lâu. Tức giận, nàng toan vung chưởng hạ sát hai ả thị tỳ Tử Vân và Hàn Ngọc, nhưng Tuyết Quân đã kịp thời ngăn cản nói :

– Theo xá muội cho biết, Đặng Tố Quỳnh bị vết thương phát tác chết chứ không phải lỗi của họ.

Mỉm cười, nàng bảo luôn :

– Ngay chính chúng tôi đứng gần mà cũng không phát giác kịp, chẳng nên trách cứ họ. Thôi, người chết còn giữ xác làm gì, đem vùi vào một chỗ nào cho xong đi.

Hàn Ngọc nhanh nhẹn y lời.

Hốt thấy Tứ Giới tay cầm bó đuốc tất tả từ trong động tối chạy vụt ra. Thiếu Bạch giật hỏi :

– Đại sư có thấy khả nghi?

– Trong xó có một thiếu niên tăng nhân nằm chết thẳng cẳng, pháp hiệu Linh Không, là đệ tử yêu quý nhất của nghiệt chướng Nhất Sĩ.

– Có thấy thương tích trên người y?

– Linh Không bị nội gia chưởng lực đánh chết, rõ không phải võ công của Thiếu Lâm.

– Xem thế, lúc Nhất Sĩ cải trang ở trong động đúng là đã gặp địch nhân. Chỉ sợ mấy cuốn bí kíp lọt vào tay Thần quân thì nguy.

Văn Quyên lạnh lùng đỡ lời :

– Chuyện bí kíp là chuyện riêng tư hãy gạt sang bên, vấn đề hiện tại cần phải biết Thánh cung, sào huyệt của Thần quân nằm ở đâu?

Tuyết Quân mỉm cười quay về phía Châu Chính :

– Cái đó phải nhờ cậy Châu huynh.

Châu Chính khiêm tốn đáp :

– Tại hạ tuy có đi qua Thánh cung, nhưng vì lúc ấy thần trí mê loạn nên nay quên hết, không còn nhớ được chi tiết.

– Tôi có cách, Nhiếp Hồn thuật có thể giúp cho Châu huynh nhớ, vì thuật này đưa con người vào cõi mộng, bắt gặp lại những hình ảnh tưởng như đã bị lãng quên trong tiềm thức. Có điều, tôi còn non tay sợ làm tổn hại đến Châu huynh.

– Ân đức cứu mạng của cô nương như biển cả, dù có phải hy sinh, tại hạ cũng không dám oán, xin cô nương cứ sai bảo.

– Thế thì Châu huynh hẵng ngồi xếp bằng tròn, còn những người khác xin ra ngoài cho.

Châu Chính y lời ngồi xuống, bọn Thiếu Bạch lảng ra xa.

Tuyết Quân, Tuyết Nghi ngồi đối diện với Châu Chính, bắt đầu Nhiếp hồn đại pháp. Hai bên nói chuyện với nhau rất tự nhiên, nhưng mãi rồi Châu Chính cũng cảm thấy mệt mỏi, thiếp dần vào cõi mộng trước ánh mắt dịu hiền của Tuyết Nghi và giọng nói êm ái, trong thanh như giòng suối của Tuyết Quân.

Thấy vậy, Tuyết Quân hỏi ngay :

– Châu huynh, Thánh cung ở đâu?

Nói liền mấy tiếng vẫn thấy Châu Chính chỉ mấp máy môi rồi im bặt. Nghĩ ngợi giây lâu, nàng lại lấy ra hai mũi kim châm đâm vào hai bên Thái Dương huyệt của y.

Thật lạ lùng, Châu Chính đang ngủ say hốt mở bừng mắt nhìn đăm đăm Tuyết Quân ngây dại. Chỉ nghe Tuyết Quân trầm giọng :

– Đi Thánh cung đi, Châu huynh đi trước dẫn đường, chúng tôi theo sau.

Châu Chính thẫn thờ nhìn về hướng Đông nam chập lâu, bỗng cắm đầu đi thẳng.

Sợ gặp cường địch bất lợi, Tuyết Quân cho chị em Thiếu Bạch đuổi theo trước, còn mình và bọn Vạn Lương xuống núi đánh xe nối gót, đi sau cùng là bọn thủ hạ Văn Quyên.

Châu Chính đờ đẫn như kẻ mất hồn, băng băng đi về phía trước. Đến xế trưa, ngang qua một thị trấn, đói quá y đi vào một phạn điếm đông khách bên đường, kéo ghế ngồi xuống. Bọn Thiếu Bạch vội chạy vào theo. Thấy cơm nước dọn đến, Châu Chính lẳng lặng đánh một bữa thật no nê, rồi hấp tấp bỏ đi.

Suốt lộ trình, đói ăn, mệt lăn ra ngủ, đoạn y tiếp tục đi như giông gió, không buồn để ý tới đại đội nhân mã lũ lượt theo sau.

Hôm ấy, đoàn người đến Hoài Nam thì bỗng gặp bọn Tứ Ý, Tứ Luật suất lãnh hơn hai mươi đệ tử Thiếu Lâm đang đuổi theo một tên địch. Hai bên bàn bạc, cuối cùng quyết định Tứ Ý tiếp tục truy địch, Tứ Luật về phi báo với Tứ Không, còn Tứ Giới vẫn theo quần hùng tới Thánh cung rồi chia tay nhau lên đường.

Tảng sáng hôm sau, lại gặp một bọn cướp bịt mặt xông ra ngăn chận, quần hào tràn lên giết giặc, trong khi Châu Chính vẫn lướt đi như bay.

Trận này, đệ tử Thiếu Lâm chết cũng bộn, dọc đường đâu đâu cũng thấy xác người ngổn ngang, ai nấy đều cảm khái không thôi.

Vượt qua Trường giang, tiếp tục đi về miền Nam, sợ Châu Chính quá mệt nên Tuyết Quân phải cho y uống một viên Bổ nguyên ích khí.

Mấy ngày sau, đoàn người theo Châu Chính đã tiến vào địa phận Quát Thương sơn. Khi ấy, ai cũng biết Thánh cung ở trong địa phận Quát Thương sơn, nhưng rặng núi này về phía tây là huyện Lệ Thủy với những cánh đồng bát ngát chạy suốt đến huyện Ôn Lãnh, núi non trùng điệp ngút ngàn. Chả thế, ngày trước Văn Quyên cũng có lặn lội đến tận đây, nhưng vẫn phải bó tay, không tìm được dấu vết Thánh cung.

Vào núi, hai chị em Tuyết Quân xuống xe đi bộ, chỉ khổ cho đạo sĩ Nhàn Vân phải dùng tay thay chân lết theo mọi người.

Mãi tới chiều tối, quần hào theo Châu Chính mới vào đến trong núi.

Tuyết Quân cất tiếng căn dặn :

– Chư vị dè dặt, chỗ này đã gần sào huyệt địch nhân, phải cẩn thận.

Lời chưa dứt, hốt từ một ngọn cây cao vút có tiếng rú dài, cùng lúc bốn bóng người phóng ào xuống ngay đỉnh đầu Châu Chính đi dẫn lộ.

Thiếu Bạch giựt mình, rồi như một mũi tên vút mình đi tới.

Vừa lúc vang lạnh tiếng quát, Tứ Giới đã thi triển ngay khinh công tuyệt thế Tu nhĩ giới tử của Phật môn, thân hình nhoáng bốc qua đầu Châu Chính, ngọn trượng xoáy liền một chiêu sấm sét. Trong tiếng rú thảm, một hắc y lão giả rơi phịch xuống đất, óc não phọt tóe ra.

Đồng thời, Thiếu Bạch cũng nhoáng đao chém xả một hắc y nhân nữa làm hai đoạn.

Thoảng trong mùi máu tanh hôi, còn lại hai tên nữa cũng vừa hạ xuống, một cầm Cử si đao, một xoay Thần thiết giản, nhất loạt nhoáng ập về Châu Chính. Nhác thấy, Thiếu Bạch và Tứ Giới cùng băng tới đón đỡ. Loáng cái ánh lạnh giăng mắc, hai bên đã giao chiến mấy chiêu. Châu Chính nhìn qua trận đấu, lại lẳng lặng bỏ đi.

Tuyết Quân bỗng bảo nhanh :

– Vạn, Hoàng, Cao tam vị hộ pháp mau theo sát Châu Chính phòng địch nhân công tập.

Ba người dạ ran, chạy vụt lên.

Tích tắc, hốt nghe Vạn Lương hét vang, liền đó là những tiếng thép khua rợn, Văn Quyên lật đật chạy vòng ra phía trước.

Thiếu Bạch, Tứ Giới nóng lòng, đồng loạt xoay nhanh binh khí hạ sát luôn hai đối thủ.

Khi ấy, phía trước mặt rền vang tiếng thép, trận chiến diễn ra quyết liệt dị thường. Mấy tên hắc y nhân xông ra toan hạ Châu Chính thì vừa gặp bọn Vạn Lương lướt tới, đao kiếm nhất tề loang lạnh quấn chặt lấy nhau ngang ngửa.

Trong khoảnh khắc hãi hùng, một tiếng rú dài đột ngột dấy dội vút thảm, một bóng đen nhoáng vèo tới sát bóng kẻ lạ.

Chỉ nghe bình một tiếng, kình phong dấy lạnh xao xác lá rừng. Liền là tiếng hự nghẹn, một hắc y lão già râu đen tua tủa bắn bật vào khoảng không, rơi sóng sượt có một trượng xa, và bên cạnh Châu Chính chợt xuất hiện một lão già cao gầy cầm ngọn Điếu can.

Thiếu Bạch chạy lại gần, nhận ra Tiền Bình, vội vàng thi lễ :

– Cảm tạ lão tiền bối tương trợ.

Ngư Tiên cười ha hả :

– Việc chung của võ lâm, lão đánh cá có lý đâu làm ngơ.

Nghe tiếng, Tuyết Quân chạy lên, hỏi :

– Lão tiền bối đến hồi nào thế?

– Lão ngư cũng vừa đến cùng với chư vị.

Ngọc Giao cũng tíu tít hỏi :

– Lão tiền bối đi một mình hay có cả đồng bạn?

– Lão ngư phu xưa giờ có bạn với ai đâu mà hỏi.

Phá cười, nhoáng vút đi mất dạng.

Khi ấy, Châu Chính đã đến bên một ngọn nhai, sợ sệt dán mắt nhìn xuống bên dưới tối đen. Tuyết Quân xem thấy tình hình, quay bảo mọi người ngồi nghỉ, chờ sáng sẽ tính. Hoàng Vĩnh, Cao Quang lấy lương khô chia đều cho quần hùng. Ăn uống xong, ai nấy đều ngồi vận công điều tức, sửa soạn cho cuộc chiến sắp tới.

Một đêm đi qua vội vã, trời vừa hừng sáng, Châu Chính bỗng bỏ chạy sồng sộc xuống dưới.

Liền đó một bóng người nhoáng lên, Tứ Giới đã như cụm mây là là hạ dần xuống dưới ngọn nhai. Thiếu Bạch lo ngại, sẽ hỏi Tuyết Quân :

– Đồi núi cheo leo, chắc cô nương không tiện xuống?

– Minh chủ cứ đi trước giúp họ, ngu tỷ muội có cách.

Thiếu Bạch đành nối gót Tứ Giới. Đến nơi, đã thấy Châu Chính đang vung chưởng ầm ập đánh vào một vách núi trơn bóng như mỡ, phát ra những tiếng chát chúa, vang dội khắp tuyệt cốc thâm u, vách đá cao ngót hai trượng bỗng nhiên di động dần về một bên để lộ một cửa động to lớn. Vừa lúc, Châu Chính chợt kêu lớn, bọt trắng cả miệng, bần bật run lên.

Tứ Giới hoảng sợ, dõi mắt thật nhanh, nhưng tứ bề lặng lẽ không một bóng địch, Thiếu Bạch cũng soạt kiếm lăm lăm bảo vệ Châu Chính, còn Vạn Lương chạy lại xem xét. Hốt vẳng có tiếng Tuyết Quân bảo :

– Vạn hộ pháp khoan động thủ.

Vạn Lương chực điểm huyệt y, nghe nói rụt vội tay về.

Thình lình một tiếng rú dài xé tan tĩnh mịch từ ngoài hai dặm về hướng Tây bắc vọng lại. Tứ Giới giật mình nói nhanh :

– Tứ Không sư huynh lão nạp tới rồi.

Liền vận khí Đan điền, rú đáp lại.

Tiếng rú xé không gian, rung rền trong núi thẳm, lại nghe có tiếng rú ban đầu vẳng lên. Thoáng mắt, quần hùng đã xuống tới, Tuyết Quân nhanh nhẹn chạy lại thò ngọc thủ điểm liền ba yếu huyệt của Châu Chính, rút lấy hai mũi kim châm trên thái dương huyệt ra. Châu Chính nhăn mặt rên rỉ, rồi mấp máy môi thở phào. Biết là y nhọc mệt quá độ mới sanh chứng, Tứ Giới lấy ngay một viên Liệu thương bồi nguyên cho y uống.

Đúng lúc, trên sườn núi phía Tây bỗng xuất hiện mấy tăng lữ vận khôi bào, Tứ Không chống thiền trượng, trông xuống dưới nhai, gọi lớn :

– Tả đại hiệp và Tứ Giới sư đệ đấy à?

Thiếu Bạch ngẩng mặt, đáp :

– Chính bọn tại hạ.

Xem rõ tình hình rồi, Tứ Không mới dẫn bọn Tứ Luật chạy bay xuống. Chào hỏi xong, Tứ Không lo lắng, hỏi ngay :

– Tả đại hiệp có tìm thấy Thánh cung?

Chỉ vào động huyệt trước mặt, Thiếu Bạch nói :

– Chúng tôi vừa tìm ra tòa động này, còn chưa vào trong xem.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.