Lôi Âm Ma Công

Chương 12 - Lâu Thuyền, Vân Tửu, Lạc Kiếm

trước
tiếp

Lâu thuyền “Nghề Thường vũ y khúc”.

Hoàng Giang vốn đã có phong cảnh nên thơ hữu tình, đi trên dòng Hoàng Giang chẳng khác nào đi trên dải Ngân Hà, nhất là vào những đêm trời trong, có trăng có sao, Hoàng Giang càng huyền ảo không một nơi nào có thể sánh bằng. Nhưng nếu Hoàng Giang không có lâu thuyền “Nghê Thường vũ y khúc” thì thiếu hẳn một nét chấm phá độc đáo trên bức tranh sơn thủy vốn đã được tạo hóa dày công kiến tạo.

Chẳng một ai biết chủ nhân “Lâu thuyền Nghê Thường vũ y khúc” là ai, nhưng chỉ một lần gặp chiếc lâu thuyền ấy thôi tất cũng có thể đoán được vị chủ nhân con thuyền này là bậc đại gia hào phú nhất đẳng trong thiên hạ. Nếu ai đã một lần gặp con thuyền đó sẽ hủy sinh ý niệm một lần được đặt chân lên thuyền, và ý niệm đó chỉ là ý niệm.

Còn đối với những văn nhân nho sĩ, thì lại càng ao ước được một lần đứng trên khoang thuyền rong ruổi theo dòng Hoàng Giang này sinh tứ thơ, và ý truyện.

Nhưng dễ có mấy ai được đặt chân lên chiếc thuyền thanh nhã đó lần nào, nên ý tưởng kia trở thành một cái gì thôi thúc trong lòng khách lãng tử thích ngắm non xanh thủy biếc. Thiên hạ cũng kháo nhau rằng, chủ nhân lâu thuyền “Nghê Thường vũ khúc” là một con người lập dị, thích sống cuộc sống cô tịch, chỉ tìm sự cô đơn trên chiếc thuyền thanh nhã đó. Chưa một ai được chủ nhân Lâu thuyền “Nghê Thường vũ y khúc” mời lên một lần, dù ngay cả những vị chức sắc đương triều, hay những bậc đại gia thế phiệt nhứt kinh thành Trường An.

Cái cá tính lập dị ấy khiến mọi người chú ý hơn khi một lần, chủ nhân Lâu thuyền Nghê Thường vũ y khúc lại cung nghinh mấy đứa trẻ ăn mày ở Trường An lên thuyền vui một đêm tết Trung ngươn, nổi đình nổi đám trước mắt các đại gia hào phú và các vị chức sắc như muốn trêu cợt bọn người đó. Chính cá tính lập dị đó, mà tự dưng chủ nhân Lâu thuyền “Nghê Thường vũ y khúc” có thêm ngoại danh “Cuồng Ngạo tử”.

Mặc cho ai nói gì cũng được, Lâu thuyền Nghê Thường vũ y khúc vẫn bồng bềnh trên dòng Hoàng Giang đúng vào đêm Trung ngươn để đón những đứa trẻ mạt hạng ở Trường An thành. Nó như một cây đinh dưới mắt các vị chức sắc, đại gia hào phú. Mặc cho những lời chế giễu, nhưng chủ nhân Lâu thuyền cũng chẳng màng tới, thậm chí cũng chưa một ai thấy mặt vị chủ nhân đó. Sự bí hiểm ấy càng khiến cho mọi người thêm tò tò về chiếc thuyền có một không hai trên dòng Hoàng Giang này.

Ngay cả những đứa trẻ mạt hạng của Trường An, sau khi lên thuyền vui đêm Trung ngươn trở xuống, bộ mặt rạng rỡ cùng những chiếc đèn lồng ngũ sắc, cũng chỉ lắc đầu khi có người hỏi về chủ nhân chiếc thuyền đó.

Chúng chỉ có mỗi một câu trả lời :

– Năm sau đến tết Trung ngươn lại được lên thuyền nữa. Trên thuyền vui lắm. Trên đời này không có nơi nao vui hơn.

Và lần đầu tiên có một ngoại lệ, ngoại lệ này nếu có nói ra chắc chắn thiên hạ không bao giờ tin. Lần đầu tiên Lâu thuyền Nghê Thường vũ y khúc tiếp một nhân vật ngoài giang hồ, mà nhân vật đó là một sát thủ đã từng vấy máu bằng thanh Huyết kiếm.

Người đó chẳng ai khác chính là Tử Kiếm Thường Nhẫn.

Tử Kiếm Thường Nhẫn ngồi trên khoang thuyền, đưa mắt nhìn dòng Hoàng Giang.

Từ lúc y được hắc y nhân che mặt cứu đưa về chiếc Lâu thuyền này vẫn chưa được diện ngỏ với ân nhân lần nào.

Y như một thượng khách đặc biệt, được các nàng mỹ nữ phục dịch chu đáo từ cái ăn đến cái mặc, nên càng muốn gặp chủ nhân Lâu thuyền. Một ngày, hai ngày, ba ngày, Tử Kiếm càng thất vọng hơn khi chẳng hề thấy mặt người vận hắc y đó.

Trăng đã lên tới đầu đỉnh núi. Thường Nhẫn thở dài một tiếng. Y quyết định, nếu đêm nay không gặp chủ nhân chiếc thuyền này, nhứt định y sẽ ly khai. Thường Nhẫn đã vận lại trang phục cũ của mình và y chỉ chờ con trăng kia lên tới đỉnh núi, là sẽ ra đi.

Thường Nhẫn bâng khuâng nhìn dòng nước soi bóng trăng lấp lánh như một cái đĩa tròn phát quang. Y thở dài một tiếng.

Vừa lúc đó hai nàng mỹ nữ bước ra. Họ gập mình thủ lễ với Thường Nhẫn. Sau khi thủ lễ, một nàng cất tiếng oanh nói :

– Chủ nhân chúng tôi thỉnh đại kiếm khách thưởng thức hảo tửu và điệu múa Nghê Thường vũ y khúc có một không hai trong thiên hạ.

Thường Nhẫn lắc đầu :

– Ba ngày qua Thường mỗ mong ngóng được gặp mặt ân nhân, nhưng ân nhân không bao giờ xuất đầu lộ diện. Thường mỗ quyết định ly khai khỏi con thuyền này.

Không dám làm phiền thêm các vị nữa.

– Chủ nhân tiện nữ biết kiếm khách sẽ rời thuyền đêm nay nên muốn tiễn kiếm khách bằng hảo tửu và vũ khúc này.

Thường Nhẫn suy nghĩ rồi hỏi :

– Sao ân nhân không cho tại hạ gặp mặt chứ?

– Kiếm khách sẽ được gặp mặt chủ nhân của tiện nữ.

– Nếu là ý muốn của ân nhân, Thường mỗ đành phải phục tùng.

Hai nàng mỹ nữ mỉm cười, lui trở vào trong khoang. Liền ngay đó hai nàng khác xuất hiện, trên tay họ là hai chiếc mâm vàng, trên có hai bầu rượu bằng ngọc, và hai cái chúng ngọc lưu ly.

Nhìn thấy bộ tửu ẩm đó thôi, Thường Nhẫn có thể khẳng định chủ nhân Lâu thuyền “Nghê Thường vũ y khúc” giàu có cỡ nào rồi. Xét ra y là bậc đại gia nhứt đẳng trong giang hồ.

Hai nàng bưng mâm rượu đặt xuống trước mặt Thường Nhẫn rồi đứng hầu hai bên gã.

Thường Nhẫn quay qua nói với họ :

– Tại hạ tự rót rượu được, không dám làm phiền nhị vị cô nương.

Một nàng mỉm cười nói :

– Kiếm khách đừng khác sáo. Để kiếm khách có được chung rượu ngon và thưởng thức hết cái hay cái đẹp của Nghê Thường vũ y khúc chỉ có Cúc Cúc, và Sư Sư mới làm được thôi.

Thường Nhẫn cau mày :

– Tại hạ có thể rót rượu được.

Cúc Cúc lắc đầu.

Sư Sư cầm bầu rượu, nói :

– Rượu trong bầu này không giống với thứ rượu ngoài giang hồ. Nó có tên là “Vân tửu”

– Lần đầu tiên tại hạ được nghe đến thứ rượu này.

– Lần đầu tiên kiếm khách nghe đến “Vân tửu” cũng đúng thôi, bởi “Vân tửu” chỉ có trên Lâu thuyền “Nghê Thường vũ y khúc”, “Vân tửu” được chưng cất theo phương pháp chưng cất của dân Thiệu Hưng, xuất xứ của Hảo tửu Trung Nguyên nhứt tửu Thiếu Nữ Nhi Hồng, nhưng Vân tửu lại có cái đặc dị khác.

– Đặc dị chỗ nào?

– Nước cất rượu “Vân tửu” không phải như nước bình thường mà chủ nhân của tiện nữ phải lặn lội lên tận Tây Tạng chọn đỉnh núi cao nhất để hứng mây lấy nước cất rượu, nên nó mới có tên là “Vân tửu”.

– Thường mỗ không ngờ chủ nhân của nhị vị cô nương lại bận bịu với bầu rượu như vậy.

– Tửu đạo cũng là một nghệ thuật. Vân Tửu của Lâu thuyền Nghê Thường vũ y khúc không bao giờ đãi người bình thường. Người duy nhất được chủ nhân tiện nữ mời uống “Vân tửu” là kiếm khách.

– Tại hạ được may mắn như vậy sao?

– Chủ nhân của Sư Sư rất mến tài nghệ của kiếm khách.

– Thường mỗ chắc không đáng được chủ nhân của nhị vị cô nương trọng thị như vậy.

Cúc Cúc lắc đầu :

– Kiếm khách đừng khách sáo. Nếu như kiếm khách không xứng đáng thì chủ nhân của tôi đã không để ngài đặt chân lên Lâu thuyền “Nghê Thường vũ y khúc” rồi, dù cho kiếm khách có là đại quan nhứt phẩm triều đình, hay là thiên hạ vô địch kiếm hoặc là ấn chủ võ lâm cũng vậy thôi.

– Thường mỗ chỉ là một tay kiếm sát thủ trong thiên hạ mà thôi, chắc chủ nhân của nhị vị cô nương có sự hiểu lầm.

– Chủ nhân của tiện nữ không bao giờ nhìn lầm người. Chỉ có người nhìn lầm chủ nhân của tiện nữ.

– Hành tung của ân nhân khiến tại hạ thắc mắc vô cùng.

– Kiếm khách đừng thắc mắc. Chủ nhân của tiện nữ bình thường như những người khác mà thôi.

Sư sư cầm bầu rượu ngọc :

– Sư Sư nói tiếp về “Vân tửu” nhé. Do Vân tửu được cất bằng thứ nước hứng trên mây, nên khi cất thành Vân tửu, rượu trong và rất nhẹ, có thể ví như mây. Do đó “Vân tửu” mới được đựng trong bầu ngọc lưu ly không cho bốc hơi, khi rót rượu ra chén, nếu không có “Hàn Băng công” hỗ trợ, thì chẳng còn giọt “Vân tửu” nào trong chén cả.

Thường Nhẫn cau mày :

– Nói vậy cô nương đây có Hàn Băng công. Môn công phu đã nổi tiếng trước đây?

– Không dấu gì kiếm khách, tôi may mắn đã luyện được thành Hàn Băng công.

– Hàn Băng công là một công phu đặc dị, ai luyện thành có thể xưng hùng xưng bá võ lâm, thế mà cô nương lại…

Sư Sư mỉm cười nói :

– Ý kiếm khách nói Sư Sư đã luyện thành Hàn Băng công sao không ra ngoài thi thố với thiên hạ mà lại chịu làm thân phận nô tỳ trên chiếc Lâu thuyền Nghê Thường vũ y khúc phải không?

Sư Sư nói đúng ý niệm của Thường Nhẫn. Y đành gật đầu luôn :

– Quả thật Thường mỗ có ý niệm đó.

Sư Sư mỉm cười vận công vào hai cánh tay trắng nỏn, rồi từ từ rót rượu ra chén. Rượu vừa rót ra khỏi chiếc bầu ngọc bốc khói như mây rồi nhanh chóng tụ thành nước đóng băng trong chén ngọc.

Cúc Cúc bưng chén rượu đó dâng đến tay Tử Kiếm Thường Nhẫn :

– Thỉnh kiếm khách!

Thường Nhẫn đón chén rượu, trong lúc đó Sư Sư phân giải :

– Sư Sư đã nói rồi. Được đặt chân lên Lâu thuyền Nghê Thường vũ y khúc là một ân huệ lớn. Nếu người muốn đặt chân lên đấy mà không có sự ngưỡng mộ của chủ nhân tiểu nữ thì có là ấn chủ võ lâm cũng không được. Vậy tiện nữ Sư Sư đã ở trên Lâu thuyền này thì còn cần gì thi thố với thiên hạ chứ. Ra ngoài giang hồ, tất có chút danh vọng vì đó, nhưng chưa chắc đã được bước lên Lâu thuyền này đâu.

– Nghe cô nương nói, Thường mỗ càng khám phục chủ nhân chiếc thuyền trang nhã này.

– Kiếm khách quá khen!

Thường Nhẫn vừa nói vừa đón chén rượu của Cúc Cúc. Y tưởng tượng chiếc chén kia chắc chắn phải lạnh như băng hàn sau khi Sư Sư dụng Hàn Băng công để rót “Vân tửu”, nhưng tay vừa chạm vào chiếc chén ngọc, Thường Nhẫn lại càng ngạc nhiên hơn.

Cái chén không lạnh mà lại âm ấm. Y nhìn Cúc Cúc, cất tiếng hỏi :

– Đáng lẽ ra cái chén ngọc này phải lạnh sau khi Sư Sư cô nương thi thố Hàn Băng công, sao bây giờ nó lại ấm?

– Kiếm khách thắc mắc cũng đúng thôi. Nếu như tôi không dùng hỏa công để làm tan số rượu đã đóng băng thì kiếm khách đâu thể thưởng thức hảo tửu được.

Thường Nhẫn trố mắt nhìn nàng :

– Cô nương luyện được Hỏa công? Nhị vị cô nương đều là những hảo thủ trong giang hồ.

Cúc Cúc lắc đầu :

– Kiếm khách quá khen, chẳng qua chúng tôi luyện công cốt cũng chỉ muốn hầu rượu cho chủ nhân.

– Hầu rượu mà luyện thành Hàn công và Hỏa công, không biết võ công chủ nhân nhị vị cô nương còn đến bậc nào nữa.

Sư Sư lắc đầu :

– Kiếm khách đừng hiểu lầm. Võ công của chủ nhân rất xoàng xĩnh, ngoài mỗi tuyệt chiêu đối ẩm thì chẳng ai bằng.

– Chuyện này tại hạ có nằm mơ cũng không nghĩ tới được.

Cúc Cúc hối Thường Nhẫn :

– Mời kiếm khách thưởng thức hảo tửu, kẻo để lâu phải phiền đến Sư Sư tỷ tỷ.

Thường Nhẫn gật đầu. Y nâng chén ngọc nhấp số rượu trong chén. Y ngạc nhiên vô cùng khi “Vân tửu” vừa trôi qua miệng đã biến thành khí tửu lan tỏa nhanh trong cơ thể.

Mùi rượu thơm nồng xộc cả qua cánh mũi của Thường Nhẫn để phả ra ngoài, khiến y phải ngây ngất.

Thường Nhẫn buột miệng nói :

– Hảo tửu… Hảo tửu…

Thần trí của y lâng lâng, ngất ngưỡng. Thường Nhẫn nhìn bầu rượu ngọc :

– Vân tửu đúng là hảo tửu có một không hai trong giang hồ.

Sư Sư mỉm cười :

– Kiếm khách quá khen.

– Tại hạ không bao giờ ngoa ngôn. Với “Vân tửu” một người có tửu lượng Túy Tiên cũng không thể uống hết bầu rượu này.

Cúc Cúc nói :

– Túy Tiên Thượng Quan Nhượng cũng chỉ uống được một chén “Vân tửu” đã lăn quay.

Đúng như Cúc Cúc nói, Thường Nhẫn cũng vậy, mặc dù thường ngày y dùng rượu để giải khuây trong sự tịch mịch cô đơn.

Sư Sư cầm bầu rượu ngọc, thỏ thẻ nói :

– Thỉnh kiếm khách thưởng thức điệu múa Nghê Thường vũ y khúc do tỷ tỷ Trân Trân biểu diễn.

Cúc Cúc hướng về khoang thuyền :

– Mời tỷ tỷ!

Cửa khoang mở ra, Trân Trân xuất hiện, nàng chính là người đầu tiên đến gặp Thường Nhẫn, lần này Trân Trân xuất hiện với bộ trang y dính ngọc dạ minh châu, lấp lánh trông như Hằng Nga giáng thế, Dương quí phi sống lại, xinh đẹp tuyệt trần.

Trân Trân vốn đã có nhan sắc, lại được thêm bộ y trang lộng lẫy trông nàng quá đẹp. Đẹp đến độ Thường Nhẫn phải đưa tay dụi mắt.

Ngay cả Thường Nhẫn cũng phải nghĩ thầm :

– “Mình đang nằm mơ chăng?”

Từ trong khoang thuyền tiếng nhạc trổi lên. Tiếng nhạc nghe réo rắt với những cung âm trầm bổng khiến người nghe phải liên tưởng đến một cõi tiên bồng trên thượng giới.

Trân Trân bắt đầu múa theo khúc nhạc trầm bổng kia. Động tác của nàng uyển chuyển nhẹ nhàng, và di chuyển chỉ trên mười đầu ngón chân, trông tợ như lướt trên sàn thuyền.

Thường Nhẫn chú nhãn vào từng động tác của Trân Trân, mắt y không chớp tưởng như muốn thâu tóm tất cả những gì mình đang thấy vào hai con ngươi sáng quắc.

Tiếng nhạc réo rắt trỗi lên dồn dập, và Trân Trân theo tiếng nhạc dồn dã kia, điểm mũi hài xoay tròn vun vút, tạo thành đóa hoa huyền ảo, phát dạ quang lấp lánh do những hạt dạ minh châu kết thành.

Tiếng nhạc đột ngột ngừng hẳn, trước mắt Tử Kiếm Thường Nhẫn, Trân Trân đúng là một nàng tiên với đôi thu nhãn long lanh trong vắt trong tư thế quì, tợ như một pho tượng mỹ nhân sống động.

Tử Kiếm Thường Nhẫn vốn bình thời rất lảnh đạm, nhưng bây giờ phải buột miệng thốt :

– Tuyệt quá… Hay quá… Dù cho có đổi chức ấn chủ võ lâm với chiếc Lâu thuyền “Nghê Thường vũ y khúc” tại hạ cũng không đổi.

Trân Trân xá Tử Kiếm Thường Nhẫn rồi lui gót vào trong khoang thuyền.

Sư Sư lại rót rượu “Vân tửu” ra chén. Cúc Cúc dâng rượu cho Thường Nhẫn :

– Chén rượu này chủ nhân của tôi tiễn kiếm khách.

Tử Kiếm cầm chén rượu uống cạn, rồi hỏi Cúc Cúc :

– Tại hạ xin được một lần gặp ân nhân chủ Lâu thuyền “Nghê Thường vũ y khúc”.

– Tất nhiên kiếm khách sẽ được gặp, nhưng trước khi hội kiến với chủ nhân, chủ nhân muốn nhờ kiếm khách xem qua thứ này.

Thường Nhẫn gật đầu :

– Xin cô nương cho tại hạ xem.

Cúc Cúc vỗ tay. Một tên tiểu đồng trong khoang thuyền bước ra, trên tay gã là chiếc mâm, trên cái mâm đó có một mảnh lụa trắng.

Tiểu đồng bưng mâm có mảnh lụa xuống trước mặt Thường Nhẫn.

Sư Sư, Cúc Cúc cùng gã tiểu đồng lùi lại hai bộ.

Thường Nhẫn mở miếng lụa trắng ra xem. Trên mảnh lụa có hàng chữ triện, nét chữ mảnh khảnh, sắc nét như rồng bay phượng múa.

“Nhan Tử viết :

Con chim lúc cùng tới mổ, giống thú lúc cùng thì quèo, người lúc cùng thì phản. Từ xưa tới nay chưa có ai làm điều ác mà không bị nguy bao giờ”.

Dưới hàng chữ viết câu nói của Nhan Tử là khẩu quyết luyện một chiêu kiếm có tên là “Lạc An phổ kiếm”.

Thường Nhẫn cầm miếng lụa hai tay run run. Y không bấn loạn tâm định sao được, bởi chiêu kiếm trong mảnh lụa trắng này vô cùng huyền diệu. Có thể nói, bất cứ một người luyện kiếm nào khi thấy khẩu quyết “Lạc An phổ kiếm” chẳng khác nào gặp đặng kỳ duyên mà bản thân không bao giờ ngờ được.

Tử Kiếm Thường Nhẫn vốn là kiếm thủ đã từng luyện độc kiếm tử chiêu để đối mặt quyết đấu với Tiểu Quân, thế mà khi đọc khẩu quyết “Lạc An phổ kiếm” cũng bị cuốn vào chiêu kiếm đặc dị đó.

Thường Nhẫn thở dài một tiếng, ngước lên nhìn Sư Sư :

– Cô nương, hôm nay tại hạ mới được chủ nhân của các vị mở mắt. Trong giang hồ núi cao vẫn có núi cao hơn. Thường mỗ tự nhận là một kiếm thủ, và đã từng lấy mạng bao nhiêu kiếm thủ, nhưng so với chủ nhân Lâu thuyền chỉ là con đom đóm so với vầng dương quang.

Sư Sư từ tốn đáp lời Thường Nhẫn :

– Kiếm khách quá đề cao chủ nhân của tiểu nữ mà thôi. Chủ nhân của tiểu nữ chẳng đáng được nhận những lời khen như kiếm khách nói đâu. Nếu kiếm khách thấy “Lạc An phổ kiếm” có chỗ dụng được, chủ nhân tôi xin tặng cho người.

Thường Nhẫn lắc đầu :

– Quả thật tại hạ rất…

Cúc Cúc khoát tay :

– Kiếm khách đừng khách sáo, hãy giữ lấy “Lạc An phổ kiếm” mà sử dụng. Chủ nhân của tôi không màng đến nó đâu. Kiếm khách được chủ nhân của chúng tôi trọng như vậy vì chủ nhân của chúng tôi đã thấy ngạo khí kiêu dũng của kiếm khách khi giao đấu với Giang Nam thập tướng. Nếu trong trận đấu đó, kiếm khách chịu nhọc công rút thanh kiếm ra khỏi vỏ thì Giang Nam thập tướng đã bị xóa tên trong giang hồ rồi.

– Tại hạ không ngờ chủ nhân Lâu thuyền “Nghê Thường vũ y khúc” lại có thể thấy được điều đó. Vốn tại hạ đã luyện mỗi một thức chiêu độc kiếm để lấy mạng Tiểu Quân. Chiêu kiếm đó tại hạ đã giữ sát khí đến tầng sau cùng, nên không thể làm mất sát kiếm trước khi đối mặt với Xảo Quỷ Tiểu Quân.

– Kiếm khách có hận thù với Xảo Quỷ Tiểu Quân. Cái hận đó phải cao như núi, sâu như vực nên mới chủ tâm luyện một chiêu kiếm chỉ đối phó với Tiểu Quân mà thôi.

Thường Nhẫn lắc đầu, thở ra :

– Tại hạ chẳng có hận thù gì với Tiểu Quân cả, mà chỉ làm theo sứ mạng của mình.

Sư Sư nheo mày :

– Sứ mạng..

– Cô nương sẽ hỏi ai đã giao sứ mạng giết Tiểu Quân cho tại hạ?

Thường Nhẫn lắc đầu :

– Tại hạ không thể nói được.

Y gấp mảnh lụa đặt trả lại chiếc mâm, hướng mắt về phía khoang thuyền, từ tốn nói :

– Tại hạ không được may mắn diện ngộ với ân nhân, nhưng sẽ không bao giờ quên những ngày được lưu lại trên Lâu thuyền, hẹn có ngày sẽ báo đáp.

Thường Nhẫn toan quay bước đi đến be thuyền. Cúc Cúc đã lạng người chặn trước mặt Thường Nhẫn :

– Kiếm khách! Chủ nhân của chúng tôi có nhã ý gởi cho kiếm khách khẩu quyết “Lạc An phổ kiếm”, mong kiếm khách vị tình tri kỷ mà nhận lấy.

Thường Nhẫn lưỡng lự.

Sư Sư bước đến bên gã :

– Khẩu quyết “Lạc An phổ kiếm” nếu một người như kiếm khách, thông tư tuệ mẫn thì luyện không quá hai mươi bốn canh giờ. Kiếm khách luyện xong “Lạc An phổ kiếm” nhất định chủ nhân của tôi sẽ diện ngộ người.

– Chủ nhân của nhị vị cô nương muốn như vậy, Thường mỗ đành tuân phục thôi.

Cúc Cúc cười mỉm :

– Nếu kiếm khách đã nhận thì cứ ở đây luyện kiếm.

Thường Nhẫn lắc đầu :

– Tại hạ không muốn làm phiền chủ nhân của nhị vị cô nương thêm nữa.

Y cầm mảnh lụa gấp lại nhét vào thắt lưng, rồi ôm quyền xá Cúc Cúc và Sư Sư :

– Hẹn ngày tái ngộ!

Sư Sư xá Thường Nhẫn :

– Kiếm khách bảo trọng!

Cúc Cúc cũng xá gã :

– Sau hai mươi bốn canh giờ, nếu kiếm khách luyện thành Lạc an phổ kiếm hãy đến lầu “Bách tửu”, nhất định chủ nhân của chúng tôi sẽ đến diện ngộ với người.

– Tại hạ ghi nhớ.

Cúc Cúc và Sư Sư dẫn Thường Nhẫn ra be thuyền, chỉ chiếc xuồng nhỏ cột sát bên :

– Chủ nhân chúng tôi biết đêm nay kiếm khách thế nào cũng rời khỏi Lâu thuyền, nên chuẩn bị sẵn cho người chiếc xuồng nan này.

– Một lần nữa tại hạ đa tạ chủ nhân Lâu thuyền và tấm lòng quảng đại của nhị vị cô nương.

Y nói xong phi thân xuống chiếc thuyền nan, cùng lúc đó Sư Sư đã cởi dây thừng, để con thuyền nhỏ tách ra khỏi chiếc lâu thuyền “Nghê Thường vũ y khúc”.

Khi Thường Nhẫn ly khai khỏi lâu thuyền “Nghê Thường vũ y khúc” thì Mỹ Hằng từ trong khoang thuyền ôm đàn bước ra.

Mỹ Hằng tủm tỉm cười :

– Nhị vị tỷ tỷ hành sự rất cao minh…

Sư Sư bước đến bên Mỹ Hằng :

– Mỹ Hằng, Tử Kiếm Thường Nhẫn luyện kiếm chỉ vì muốn lấy mạng Tiểu Quân, sao Mỹ Hằng lại còn đưa thêm cho y “Lạc An phổ kiếm”. Làm như vậy chẳng khác nào chắp cánh cho hổ, Tiểu Quân làm sao đối kháng lại gã chứ?

Mỹ Hằng chắp tay sau lưng, bước ra be thuyền nhìn dòng Hoàng Giang.

– Trước đây muội cũng có ý nghĩa như nhị vị tỷ tỷ, nhưng sau mới nghiệm ra.

Nàng quay lại nhìn Sư Sư và Cúc Cúc :

– Trong giang hồ còn ai thông minh hơn Xảo Quỷ Tiểu Quân. Qua việc này muội mới phát hiện Tiểu Quân là kẻ thông minh nhất thiên hạ.

Cúc Cúc nheo mày nhìn Mỹ Hằng :

– Cúc Cúc không hiểu ý của muội!

Mỹ Hằng cười mỉm rồi nói :

– Nhị vị tỷ tỷ tin đi. Bây giờ Tiểu Quân đến lầu “Bách tửu” uống trăm cân lượng say khướt nhưng Tử Kiếm Thường Nhẫn vẫn không làm gì được Tiểu Quân.

Sư Sư hỏi :

– Muội có thể giải thích rõ được không?

– Muội chỉ kết lại một câu, Tiểu Quân là xảo quỷ thông minh nhất trong thiên hạ tất có cách trị độc kiếm sát chiêu của Thường Nhẫn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.