Võ Lâm U Linh Ký

Chương 9 - Thư Cung Thiên Võng Uy Như Hổ - Thạch Động Hiên Viên Đáo Tử Kỳ

trước
tiếp

Hoắc Bất Nghi đi rồi thì bọn Dao Quang cũng khởi hành, cố gắng đến Lạc Sơn thật sớm!

Cuộc chiến này có tính quyết định, nên Dao Quang đem theo tất cả những cao thủ hạng nhất của mình. Tính luôn Thần Bút Lực sĩ và bốn người của Xà bang thì đoàn nhân mã đông đến mười chín người.

Lần này chàng kiên quyết không cho Ngọc Thiền đi theo, lấy lý do là Ngọc Đường mới sinh nở cần người bầu bạn.

Sau bốn ngày bôn hành vội vã đoàn người ghé vào kiếm trang trong thành Nhạc Dương nghỉ ngơi. Mờ sáng, họ lên đường và có thêm Động Đình kiếm khách Nhạc Di Kinh đồng hành.

Do thời gian cấp bách nên hành trình cực kỳ vất vả, đi nhiều nghỉ ít. Gần giữa tháng tư, bọn Dao Quang mới đến được thành Lạc Sơn, ai nấy mệt phờ, râu rìa lởm chởm, sụt mấy cân thịt.

Hai mươi người phân tán nhỏ mà vào thành, tuy kẻ trước người sau nhưng đều ở chung một khách điếm. Vào thời nhà Đường, Lạc Sơn được gọi là Gia Chân, nên chàng lại lấy làm lạ khi thấy quán trọ này mang tên Gia Chân đệ nhất lữ điếm.

Lạc Sơn là địa phương trù phú, sầm uất nhất tỉnh Tứ Xuyên, chỉ thua có thủ phủ Thành đô. Thứ nhất là do vị trí ngã ba đông, thứ hai là vì Lạc Sơn có một thắng tích rất nổi tiếng. Đó chính là pho tượng Phật Di Lặc khổng lồ bằng đá, kích thước lớn nhất Trung hoa, và hơn cả những pho tượng của nước láng giềng A Phú Hản (Afghanistan).

Thạch Phật ở A Phú Hản là tượng đứng mà chỉ cao gần mười mấy trượng (năm mươi lăm mét), Trong khi Lạc Sơn Di Lạc Đại Phật là tượng ngồi mà lại cao đến hai mươi mốt trượng rưỡi (bảy mươi mốt mét).

Pho tượng vĩ đại này được tạc trên vách phía tây của núi Lãng Vân, thuộc dãy Lạc sơn, cách huyện thành Gia Chân một dặm. Năm đầu niên hiệu Khai Nguyên đời Đường Huyền Tông (bảy trăm mười ba), hòa thượng Hỏa Thông, người Quý Châu, đến ngã ba sông Lạc sơn du sơn, ngoạn thủy, ông chứng kiến những thảm họa thuyền đắm, người chết do nước chảy xiết, liền phát nguyện đem cả đời mình tạc pho tượng phật để trấn giữ vùng nước hiểm, và giúp thuyền bè đi lại dễ phát hiện ra phương hướng.

Công trình này quá sức đồ sộ, nên hòa thượng đã qua đời khi pho tượng còn dang dở. Nhưng Tiết độ sứ Xuyên Tây đã tiếp tục sự nghiệp, tổng cộng đã tốn hết chín mươi năm ròng rã và nhiều công sức, tiền bạc của phật tử Tứ Xuyên.

Để ghi nhớ công đức của hòa thượng Hải Thông, người ta đã tạc tượng ông mà thờ phụng. Ngày nay trên núi Lãng Vân vẫn còn Động Hải Sư, cũng là nơi hòa thượng ở năm xưa. Trong động có pho tượng đá cao hơn nửa trượng, ngồi xếp bằng, tay bưng hộp Nhãn Châu, nét mặt đầy vẻ kiêu ngạo và phẫn nộ! Tương truyền rằng, khi Hải Thông khởi công tạc tượng thì bị bọn quan lại địa phương đòi hối lộ. Ông bèn tự khoét một mắt đưa cho chúng chứ không khuất phục.

Muốn chiêm ngưỡng toàn bộ pho tượng phải đứng trên thuyền dưới sông. Còn muốn xuống từ đầu đến chân thì phải qua chín đoạn đường núi có bậc đá hẹp cheo leo hiểm trở.

Tác giả không đi sâu vào kích thước chi tiết, chỉ nói thêm rằng trên mỗi mu chân của Lãng Vân Đại Phật có đủ chỗ cho một trăm người đứng, hoặc đặt hai mươi cỗ kiệu.

Tóm lại, chính kiệt tác có một không hai này đã làm nổi danh vùng đất Lạc Sơn. Mỗi năm có hàng vạn phật tử bốn phương đến hành hương ở chùa Lãng Vân tự, và chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc.

Sau khi dông dài đôi nét về bối cảnh, chúng ta quay lại với Dao Quang. Chàng vừa tắm gội ăn uống xong thì Phân đà chủ Lạc Sơn là Lý Ngư Cái Lương Bất Phú đến tìm.

Nghe lão ăn mày tự giới thiệu, bọn Dao Quang đến mỉm cười vì mặt họ Lương đỏ hồng, miệng hô và hai túm râu mép kia quả giống dung nhan của một con cá chép!

Qủy Đao hỏi đùa :

– Chắc các hạ là người thông thạo thủy tính nên mới có mỹ danh ấy!

Lương Bất Phú cười hì hì :

– Ngược lại thì có! Lảo phu không hề biết bơi, thà nhảy vào lửa chứ chẳng bao giờ dám xuống nước.

Lão bỗng nghiêm giọng báo cáo :

– Bẩm công tử! Yến Sơn Thần Y đã đến đây hai ngày trước, vào cánh rừng già dưới chân ngọn núi cực Bắc của rặng Lạc Sơn, chưa thấy trở ra. Hai phái Nga Mỹ, Thanh Thành hiện đang mai phục gần đấy, chờ đợi công tử!

Dao Quang mừng rỡ :

– Hay lắm! Tại hạ sẽ đến đấy ngay, phiền túc hạ chỉ đường cho!

Thế là đoàn người lặng lẽ rời khách điếm, đi về hướng Bắc. Lý Ngư Cái cho một tên đệ tử ba túi dẫn đường, còn lão ở lại huyện thành giăng lưới chờ đợi Giáo chủ Quỷ giáo Sầm Thu Danh và Vạn Gia Táo Quân.

Quả nhiên sáng hôm sau, lực lượng Quỷ giáo xuất hiện. Họ Sầm mang theo bốn vị Hộ giáo Pháp sư và năm mươi cao thủ hạng nhất, dừng chân ở cửa Đông thành.

Sầm giáo chủ cùng Vạn Gia Táo Quân tiến vào thành, đến Giang Phong phạn điếm dùng điểm tâm và chờ tin tức đám thủ hạ của Hoắc Bất Nghi.

Ăn xong mà vẫn chưa thấy ai ra mặt, Sầm Thu Danh cau mày :

– Bọn đệ tử của ngươi chết đâu cả rồi?

Táo Quân mỉm cười :

– Giáo chủ yên tâm, họ sắp đến rồi! Tại hạ làm ăn rất có uy tín, nếu không tìm được vị trí Vạn Thư cung sẽ giao mạng cho Giáo chủ định đoạt!

Sầm giáo chủ cười nhạt :

– Lúc ấy thì ngươi có muốn chết cũng chẳng xong!

Ánh mắt tàn độc của lão khiến Hoắc Bất Nghi rợn người, thầm lo lắng và chỉ thở phào nhẹ nhõm khi thấy Lý Ngư Cái bước vào.

Hôm Nay Lương Bất Phú lột xác ăn mày, mặc bộ võ phục xanh lành lặn, hông mang đao, đầu đội nón sùm sụp cho hợp với vai một tay trinh sát thần bí.

Lão bước thẳng đến ngồi xuống cạnh Vạn Gia Táo Quân, hạ giọng báo cáo :

– Bẩm Hoắc đại ca! Vạn Thư cung tọa lạc trong cánh rừng dưới chân đỉnh Khiêu Vân, tận cùng dãy Lạc Sơn. Giang Thượng Phong và hai mươi thủ hạ đã vào đấy từ hôm kia chưa thấy trở ra!

Hoắc Bất Nhi ra vẻ thủ lĩnh, lạnh lùng đáp :

– Ngươi mau hướng dẫn bọn ta đến đấy!

Ba khắc sau, lực lượng Quỷ giáo có mặt ở cánh rừng Khiêu Vân.

Rặng núi Lạc Sơn nằm dọc sông Mân Giang theo hướng Bắc Nam, gồm sáu đỉnh. Lãng Vân sơn, nơi có pho Di Lặc Đại Phật là đỉnh cực Nam, còn núi Khiêu Vân ở tận cùng phía Bắc. Giữa ngọn Khiêu Vân và ngọn Du Phong kế bên có một cánh rừng rậm đầy lam sơn chướng khí và độc vật. Do vậy, ba chục năm nay bọn tiều phu chẳng hề dám bén mảng đến mà chặt phá.

Sầm Thu Danh nhìn khu rừng rậm rạp, âm u với ánh mắt ngờ vực. Lão nhận ra có dấu vết của một con đường mòn cũ, nay đã phủ đầy bụi rậm và cây cối. Có thể xác định rằng con đường này ngày xưa thẳng và rộng đến hai trượng, đưa theo hàng cây Du cổ thụ hai bên: chúng cao lớn hơn hẳn những cây non thưa thớt ở giữa rừng.

Lý Ngư Cái hú nhẹ, và từ trong con đường mòn giả định này có một hán tử râu rậm chạy ra. Trang phục của gã giống hệt Trương Bất Phú : võ phục xanh, nón rộng vành che kín nửa mặt. Chỉ khác ở chỗ là tay gã cầm một cây côn gỗ đen bóng, dài hơn trường kiếm một gang tay.

Hán tử vòng tay kính cẩn :

– Bẩm Hoắc đại gia! Vạn Thư cung nằm cách đây bốn dặm, trong một thạch trận quái dị. Thuộc hạ có thể vào và xém chút nữa là bị vây hãm!

Sầm Thu Danh cướp lời Vạn Gia Táo Quân. Lão hỏi :

– Làm sao ngươi dám khẳng định nơi ấy là Vạn Thư cung?

– Bẩm Sầm giáo chủ! Nếu trèo lên ngọn cây cao ở ngoài có thể nhìn thấy một ngôi mộ bằng đá cao hai trượng, trên khắc chữ Thư, có lẽ đấy là cửa ngầm để đi xuống lòng đất! Bọn đệ tử Giáng Ma hội canh gác rất nghiêm mật!

Sầm giáo chủ gật gù :

– Tốt lắm! Chúng ta đi thôi không trận pháp kỳ môn nào ngăn cản được lão phu!

Mọi người xuống ngựa đi theo hán tử râu rậm. Trên đường mòn có dấu vết chặt phá bụi rậm mở lối của lực lượng nào đó đã vào trước.

Không hiểu tại sao Sầm Lão Quỷ lại hỏi Hoắc Bất Nghi :

– Gã áo xanh cầm côn kia lai lịch thế nào?

Vạn Gia Táo Quân vui vẻ đáp :

– Bẩm Giáo chủ! Gã kia tên gọi Tống Tất Hưng, thủ hạ đắc lực nhất của Nghi này! Còn lão mang đao danh tính là Lương Phủ, tuổi đã sáu mươi nên tính minh mẫn không bằng họ Tống!

Sầm Thu Danh gật gù không hỏi thêm. Đường đã được mở sẵn nên cước trình phe Quỷ giáo khá nhanh, chỉ gần khắc đã đến mục tiêu.

Trước mặt mọi người là một khu vực đầy những tảng đá hình thù kỳ dị, cao đột hơn trượng. Xen lẫn với đá là cây cối và bụi rậm. Tuy đã là giờ thìn mà trong thạch trận vẫn báng lãng làn sương mù trắng đục, trông rất đáng nghi.

Chu vi thạch trận rộng độ hai ba dặm, nằm giữa khoảng rừng thưa thớt, xong cây nào cũng to lớn, rậm rạp.

Sầm Thu Danh tung mình lên một cây cổ thụ cao nhất ở gần bìa khu loạn thạch. Lão leo đến tận ngọn, ngắm nhìn địa thế đềm tìm cách phá trận.

Quả nhiên, ở trung tâm thấp thoáng bóng dáng một ngôi mộ đá rất lớn, bia quay về hướng Nam, và trên thảm cỏ xanh rì chung quanh thạch mộ có bọn bạch y cầm thảy ba hoặc ống đồng qua lại. Như vậy, có thể là Chưởng môn Thảy Ba phái, Lân Hỏa hội cũng có mặt và đã theo Bách Biến Ma Quân vào thạch mộ.

Giờ thì Sầm Thu Danh đã hiểu vì sao Vệ Chuyển Luân dụ dỗ được nhiều bang hội theo mình. Vạn Thư cung là miếng mồi mà không có con cá nào chê cả!

Họ Sầm tin vào sức mạnh của Ma Quang bảo kính và lực lượng đông đảo của Quỷ giáo nên không hề e sợ, bình tâm nghiên cứu trận pháp.

Lão ước lượng khoảng cáo từ bia trận vào trung ương chỉ dài độ hai chục trượng, và đây chính là trận đồ Điên Đảo Ngũ Hành.

Sầm Thu Danh tuy là người dân tộc Bô Lãng nhưng thông minh tuyệt thế, văn võ toàn tài, giỏi nghề binh thư trận pháp. Chỉ sau hơn khắc thời gian, lão đã tìm ra phương thức vào trận.

Họ Sầm đắc ý trở xuống đất, chỉ dẫn cho bốn Hộ giáo Pháp sư và các giáo chúng.

Chờ Sầm Thu Danh nói xong, Vạn Gia Táo Quân cười bảo :

– Tại hạ đã hoàn thành nhiệm vụ, mong Giáo chủ giao ngân phiếu!

Sầm Thu Danh lạnh lùng đáp :

– Trước khi xác định rõ ngôi mộ kia là Vạn Thư cung thì ngươi đừng hòng lấy vàng. Hãy ở ngoài này chờ kết quả!

Vạn Gia Táo Quân nhếch mép cười mỉa :

– Tôn giá không tin tưởng vào chiêu bài của Vạn Gia Táo Quân thì tại hạ sẽ đi theo, để lỡ tôn giá chết trong trận thì lục xác mà lấy tiền công!

Họ Sầm mỉm cười đanh ác :

– Được! Nếu có gan thì ngươi cứ việc theo lão phu!

Hoắc Bất Nghi gật đầu, quay sang bảo hai thủ hạ áo xanh :

– Tống Tất Hưng theo ta còn Lương Phú trở về thành! Nếu chiều tối không thấy bọn ta trở về thì mang đuốc và lương thực đến đây!

Lý Ngư Cái vâng dạ, quay gót đi ngay.

Giáo chủ Quỷ giáo rút cương tiên cầm sẵn, tiến vào thạch trận. Đoạn người nối đuôi lão thành một hàng dài.

Họ Sầm không đi thẳng mà đi quanh co ngang dọc hàng trăm lần mới đến được khu thạch mộ. Lão nhảy sổ vào bạch ở phía trước cửa mộ, chỉ một roi đã quét bay ba cây thảy ba, và chọc thủng ngực hai tên xấu số.

Nối chân Sầm Thu Danh là bốn vị Hộ giáo Pháp sư mặt vằn vện. Tuổi của họ đều đã quá thất thập, công lực thâm hậu nên đường roi rất mãnh liệt.

Phe Giáng Ma hội cũng ném được vài viên Lân Hỏa đạn, nhưng không cứu vãn được tình hình vì giáo chúng Quỷ giáo đã tràn ngập. Tiếng rên la thảm khốc vang dậy núi rừng. Song chỉ chưa đầy nửa khắc đã tắt lịm vì chẳng còn tên bạch y nào sống sót. Phe Quỷ giáo đã sử dụng đến độc phấn nên kết liễu trận chiến rất nhanh chóng!

Vạn Giai Táo Quân và gã Tống Tất Hưng không tham chiến, đứng ngoài quan sát, Hoắc Bất Nghi rùng mình trước cảnh chém giết dã man và nét mặt tàn nhẫn, đầy vẻ khoái trá của Sầm giáo chủ, liền thở dài nói nhỏ :

– Xem ra lão quỷ họ Sầm này cón khát máu hơn cả Bách Biến Ma Quân!

Tống Tất Hưng lặng lẽ gật đầu tán thành. Lúc này, Sầm giáo chủ đang chăm chú xem tấm bia đá cửa mộ. Trên ấy chỉ có một chữ Thư viết theo lối đại triện, nét lớn bằng cổ tay.

Sầm giáo chủ vận công đầy thử, dù đã dùng toàn lực mà cánh cửa vẫn không hề nhúc nhích. Lão trầm ngâm một lúc rồi dùng hai ngón tay trỏ vào giữa vạch theo những nét chữ Thư, theo đúng thứ tự như đang tập viết. Kỳ diệu thay, có tiếng lách cách nho nhỏ vang lên, và họ Sầm dễ dàng xô tấm bia đá cao hơn đầu người, rộng một sải tay kia hé ra.

Lão mở toang cửa, thận trọng bước vào, xem xét cơ quan ổ khóa. Khi biết chắc rằng có thể tự mở từ bên trong, lão phân phối ba vị Hộ giáo Pháp sư và hai chục giáo chúng đi theo mình. Số dư sẽ ở lại cùng lão Đại Pháp sư để canh giữ cửa mộ.

Sầm Thu Danh nghiêm giọng bảo Vạn Gia Táo Quân :

– Hoắc Bất Nghi! Ngươi mà bước gần đến cánh cửa đá thì sẽ bị chết ngay!

Họ Hoắc mỉm cười :

– Nếu tại hạ không lấy số thù lao ngàn lượng vàng thì Giáo chủ có cho vào theo không?

Sầm Thu Danh tự lự đáp :

– Lão phu đồng ý! Nhưng nếu ngươi ăn cắp dù chỉ một trang giấy trắng trong Vạn Thư cung thì đừng hòng toàn mạng!

Hắc Bất Nghi vui vẻ nói :

– Giáo chủ yên tâm! Nghi này chỉ vào cho thỏa tính hiếu kỳ chứ chẳng phải vì lòng tham? Với bản lãnh của Giáo chủ thì muốn giết tại hạ lúc nào chẳng được!

Họ Sầm gật đầu dặn :

– Nhưng chỉ một mình ngươi vào thôi, gã Tống Tất Hưng phải ở ngoài!

Bất Nghi cố giấu nỗi thất vọng, chấp nhận điều kiện ấy.

Đoàn người vào mộ rồi, Sầm Thu Danh đóng chặt cửa đá, và lão đại pháp sư ngồi ngay đấy mà trấn giữ.

Ba mươi gã đệ tử Quỷ giáo còn lại đã dọn dẹp xong chiến trường quây quần thanh toán số thực phẩm, rượu ngon của đối phương. Họ nói cười râm ran, mặt đầy vẻ chân chất, hiền lành, không hề ngờ rằng Giáo chủ của mình phải lao vào một cuộc chiến khốc liệt.

Gã áo xanh Tống Tất Hưng không hiểu sao lại thở dài, chậm rãi đi vòng quanh ngôi mộ cổ. Vị trí trung ương của trận đồ này là một khoảng đất tròn đường kình độ tám trượng, được lót đá bằng phẳng. Nhưng ở bìa sân sau mộ có một cây đại thụ thân đầy gai lớn, to cỡ bốn người ôm, chia nhánh ở độ cao hai trượng và có khá nhiều dây leo quấn quanh cành.

Họ Tống không biết tên của loại cây kỳ lạ này, tò mò đứng ngắm nghía. Gã phát hiện hai con sóc lông xám từ trên ngọn cây đuổi nhau, xuống đến chạng ba thì biến mất, chờ mãi cũng chẳng thấy xuất hiện.

Họ Tống tự nhủ chẳng lẽ cây này rỗng ruột?

Gã tung mình, điểm mũi giầy vào những nhánh gai nhọn hoắt, lên đến chạng ba. Quả nhiên dưới chân họ Tống là một lỗ sâu hun hút rộng độ gần sải tay, có ba, bốn sợi dây leo lớn buông thõng. Tất Hưng biết hai con sóc kia đã leo dây mà đi xuống dưới. Gã móc ra một đỉnh bạc, thả xuống, dựa vào thời gian phát ra tiếng động mà xác định được rằng quãng đường đi khá dài, hơn hẳn chiều cao của chạng ba.

Ánh mắt họ Tống sáng lên những tia hy vọng. Gã giật thử mấy sợi dây leo, cảm thấy chắc chắn liền tuột xuống.

Đến độ sâu năm trượng sáu trượng chân họ Tống chạm phải một tảng đá bằng phẳng. Gã thở phào, buông dây leo, bật hỏa tập quan sát, tìm thấy một đường hầm trở về hướng Bắc.

Đoán rằng đây là lối vào thứ hai của Vạn Thư cung, Tất Hưng mừng rỡ tiến lên. Mật đạo này hẹp và thấp, chỉ vừa một người qua lọt, bốc mùi ẩm thấp, hôi tanh, chắc chắn có rắn rít. Nhưng gã họ Tống vẫn liều lĩnh lướt đi rất nhanh, dọc đường dù bị độc vật cắn cũng chẳng hề chùn bước, dường như cơ thể gã không sợ độc?

Đường hầm khá dài nhưng ngày càng rộng rãi, được hơn trăm trượng thì đến một hang đá sáng sủa, rộng rãi. Họ Tống biết mình đang ở trong lòng núi Khiêu vân, chứ chẳng phải tầng ngầm của Vạn Thư cung.

Tống Tất Hưng đảo mắt nhìn quanh hang đá vôi đầy thạch nhũ, xác định nó có dạng tròn, đường kính tám chín trượng, trần cao sáu trượng, được đục bảy ống thông sáng theo phương vị Thất Tinh Bắc Đẩu.

Họ Tống nhét hỏa tập vào thắt lưng, rảo bước khắp nơi. Khi đến phần vách hướng đông, gã nhận ra dấu vết của một cánh cửa đá bằng phẳng hình chữ nhật, phía trên khung cửa khắc lõm ba chữ “Nhất Thư cung”.

Tất Hưng mỉm cười tự chế nhạo vì tìm Vạn Thư cung mà chỉ Nhất Thư cung. Gã đẩy cửa, thấy cửa đá mở ra nhẹ nhàng, chẳng hề có khóa, yên tâm bước vào vì bên trong Nhất Thư cung rất sáng.

Gọi là cung cho vui chứ thực ra đấy chỉ là một hang đá nhỏ, trần cao vút nhưng nền vuông vức mỗi bề hai trượng. Mặc cho Thiên Võng thư sinh phật ý, chúng ta sẽ xem nó như một căn phòng đá. Và trong căn thạch thất này chẳng có gì ngoài một chiếc bàn nhỏ và tảng đá dài, đen như mực. Tuy không trải chiếu nhưng dựa vào chiếc gối mây thì Tống Tất Hưng cũng biết đấy là giường ngủ. Cạnh gối là một chiếc hộp đồng vuông vức, chạm trổ tinh xảo. Tất nhiên là cả phòng và vật dụng đầy bụi bặm.

Tất Hưng hăm hở bước đến ngồi lên giường định lấy hộp đồng. Y phục của gã giờ rất dơ bẩn nên chẳng cần phủi bụi làm gì. Khi mông chạm vào mặt phẳng của thạch sàng, Tất Hưng giật bắn mình vì nó lạnh giá như băng tuyết. Gã đứng dậy lắm bẩm :

– Chẳng lẽ đây là Tảng Địa Mẫu Băng Thạch thứ hai?

Họ Tống đưa tay sờ lại lần nữa gật gù tự xác nhận ý kiến của mình. Gã vươn người lấy hộp đồng, mở ra xem. Bên trong chỉ vỏn vẹn có một quyển sách dầy độ hay trăm tờ, bìa ghi bốn chữ Thiên Võng Võ Kinh.

Trang đầu là bức họa vẽ một chàng thư sinh chắp tay sau lưng ngửa cổ ngắm trăng. Dưới bức họa thư danh Thiên Võng thư sinh Thành Tu ý. Nhưng hình vẽ sao lại đủ cả hai chân chứ không cụt như võ lâm từng biết? Còn mé trái trang giấy là hai câu thơ viết theo lối chữ thảo, đường nét uyển chuyển nhưng đầy khí phách.

Kiếm kiếm tảo Lư sơn vụ

Chương trục Thiếu Thất vân.

Tất Hưng mỉm cười lẩm bẩm :

– Thì ra Thiên Võng thư sinh khổ công rèn luyện hai chục năm, quyết chí so tài với bổn phái và chùa Thiếu Lâm.

Chắc nãy giờ độc giả đã đoán ra Tống Tất Hưng là Hiên Viên Dao Quang cải dạng. Vậy thì chúng ta sẽ trả lại thân phận thực cho gã công tử đất Giang Tây.

Dao Quang lật tiếp, xem khẩu quyết và đồ hình của các môn nội công, kiếm pháp, chưởng pháp, chỉ pháp và khinh công.

Trong phần kiếm pháp, chiêu đầu tiên có tên là “Vụ Tiên Vân Tân”, được chú thích là dùng để giải phá chiêu “Vu Sơn Dụ Ẩn” của Lư Sơn Tiên Ông.

Dao Quang toát mồ hôi trước trí tuệ siêu phàm của Thiên Võng thư sinh. Lão chỉ chứng kiến có một lần duy nhất mà tìm ra được chỗ nhược của chiêu tuyệt kiếm Lư Sơn. Vị trí ấy nằm tương ứng với đầu gối bên trái.

Phần chỉ pháp thì đúng là Vô Tướng thần chỉ, nhưng mỗi lần xạ ra đến bốn đạo chỉ phong, hơn hẳn khả năng của Minh chủ võ lâm Đàm Thương Túy. Còn khinh công rất quái dị, vì Thiên Võng thư sinh cụt cả hai chân, lão có gắn chân giả thì bàn chân cũng chẳng cử động được như người thường. Và có thể vì cụt chân nên pho chưởng pháp Thiên Võng của họ Thành rất ảo diệu, thần kỳ. Dao Quang đánh giá được nhưng không chú ý lắm vì chàng chỉ yêu kiếm thuật mà thôi.

Dao Quang xem xong, nhét quyển chân kinh vào ngực áo, thử xô chiếc giường đá để tìm một vật. Đó chính là di thể của Thiên Võng thư sinh.

Chàng dồn hết công lực đẩy được tảng đá lạnh toát lệch đi. Nhưng phía dưới không có cửa ngầm nào cả. Dao Quang phủi tay suy nghĩ :

– “Có lẽ Thiên Võng thư sinh vẫn còn sống! Tính ra lão ta mới hơn bảy mươi mà thôi!”

Bỗng chàng biến sắc vì nghe sàn đá dưới chân chấn động, rung chuyển vì những đợt sóng địa chấn, Dao Quang quay người lao vút ra ngoài, vừa kịp chứng kiến vách đá ở cửa đường hầm thông với kho thạch mộ bị hụt xuống, phát ra tiếng động kinh hồn, cát bụi bay mù mịt.

Dao Quang chết điếng người, thụt lùi vào trong thạch thất vì thạch nhũ ở trần hang lớn liên tiếp rơi xuống. Chàng tưởng rắng trần thạch động sẽ đổ sụp, nhưng may thay cơn động đất đã qua đi.

Cát bụi lắng xuống, Dao Quang phi thân về phía cửa thông lộ, ngao ngán nhận ra nó đã bị bít chặt bởi một tảng đá khổng lồ nặng ước vào vạn cân.

Chàng cố trấn tĩnh đi rảo một vòng tìm lối thoát. Tiếc thay, vách hang toàn bằng đá chứ không không có đất mềm. Dao Quang tự an ủi khi thấy trong động có khá nhiều rắn. Chúng cảm nhận được trước trận động đất nên bò vào đây ẩn náu. Có vài chục con bị đá đè chết và số còn lại cũng sẽ chết vì chui vào bụng Dao Quang.

Quả thực là chàng đang đói vì đã quá trưa. Dao Quang bới đá, nhặt vài xác rắn, tìm vũng nước đọng trên sàn hang rửa sạch. Chàng chặt đầu chúng bằng thanh kiếm nằm trong cây côn gỗ rỗng ruột.

Lúc đi ngang thạch trận, Dao Quang ở vị trí sau cùng, đã lén dùng mộc côn thọc những lỗ sâu để đánh dấu đường đi. Thủ hạ của chàng và hai phái Nga Mi, Thanh Thành sẽ theo đấy mà vào khu thạch mộ.

Nhớ đến họ, Dao Quang phấn khởi, ngửa cổ hướng về bảy lỗ thông gió trên trần mà hú vang.

Cát bụi rơi xuống lả tả do bị chấn động bởi âm thanh, nhưng không có hy vọng đến được tai quần hùng vì âm lượng phát ra quá nhỏ và không thuận gió. Giả như có ai nghe thấy cũng khó mà xác định được nơi xuất phát.

Dao Quang cũng hiểu điều ấy nên thôi không gọi nữa, vào thạch thất bẻ chân bàn gỗ nhóm lửa mà nướng rắn.

* * * * *

Trong lúc Dao Quang nhăn nhó vì món rắn không có muối để chấm, tác giả mời chư vị trở lại với cuộc xâm nhập Vạn Thư cung của Quỷ giáo.

Sau khi khóa chặt cửa thạch mộ, Giáo chủ Quỷ giáo Sầm Thu Danh tay roi, tay đuốc đi tiên phong lướt xuống những bậc thang bằng đá. Tổng cộng có chín mươi chín bậc, và sau đó là đoạn đường ngang bằng phẳng, rộng đủ cho ba người đi song song.

Trần mặt lộ là hàng ngàn phiến đá mỏng được chống đỡ bằng hàng cột gỗ nằm dọc vách. Con đường này có một chỗ ngoặt ngang dẫn về hướng Tây, tức hướng bờ sông Mân Giang.

Trên đường hoàn toàn không có cơ quan, ám khí gì cả nên bước chân mỗi người một lúc thêm nhanh. Mật lộ chỉ dài gần hai mươi trượng, tận cùng bằng cửa gỗ sơn son. Trên đầu cửa đắp nối ba chữ Vạn Thư cung thép vàng chói lọi.

Sầm Thu Danh ra hiệu cho đoàn người dừng lại, một mình tiến lên vận công bảo vệ châu thân rồi vươn thẳng cây cương tiên đầy cửa. Lão đề phòng vô ích vì hai cánh cửa mở toang mà chẳng có cạm bẫy gì cả.

Họ Sầm thận trọng bước vào, nhận ra căn phòng này vuông vức mỗi bề trượng rưỡi, vách nhẵn phẳng, ghép bằng những phiến đá vuông rộng độ gang tay.

Trên bức vách trước mặt họ Sầm có khắc lõm ba chữ đại tự “Khách phòng”, và phía dưới là bốn hàng chữ nhỏ hơn ghi tên bốn pho bí kíp, Vô Tướng thần chỉ bí phổ, Lưu Tinh kiếm phổ, Hấp Nguyên mật lục, Phúc Khí độc công tâm pháp.

Vậy là cách nay nhiều năm Bách Biến Ma Quân Vệ Chuyển Luân đã từng đến đây và lấy được đến bốn quyển Võ kinh trong phòng này. Do thu hoạch quá lớn nên lão hài lòng bỏ đi, không tiến sâu hơn nữa. Giờ vì e sợ Ma Quang bảo kính nên mới quay lại.

Họ Vệ mang theo ít nhất là ba người nữa. Và chắc đã tìm ra được đường vào bên trong nên không có mặt ở nơi này.

Sầm Thu Danh cơ trí tuyệt luân, nhãn quang sắc bén, mau chóng nhận ra bốn chữ đầu tiên của các pho bí kíp không có bụi như những chữ còn lại. Lão hân hoan chìa ngón trỏ, vận công đồ theo nét chữ. Bốn viên đá lần lượt thụt sâu vào và vọng ra tiếng cơ quan chuyển động. Lão hoan hỉ xuống tấn, đưa tay xô mạnh.

Bức vách đá vẫn trơ trơ khiến lão gian hùng thẹn đỏ mặt. Vạn Gia Táo Quân lên tiếng :

– Có lẽ đây là loại cửa trượt! Giáo chủ thử đẩy sang hai hướng tả hữu xem sao!

Nghe hợp lý, họ Sầm làm theo lời Hoắc Bất Nghi. Quả nhiên bức vách bị tách làm đôi, chui sâu dần vào hai bên. Không gian bên trong vô cùng tăm tối khiến lòng người ái ngại. Ba vị Hộ giáo Pháp sư vội trợ lực với Giáo chủ để mở cho hết khẩu độ của khung cửa.

Kẻ gian hùng thường đa nghi và cẩn trọng nên Sầm Thu Danh đã ra lệnh cho thủ hạ dùng đục sắt chèn vào khe cửa, đề phòng ai đó phát động cơ quan đóng lại. Quỷ giáo đã mang theo đầy đủ dụng cụ của nghề đá. Vì Vân Nam có rất nhiều mỏ đá hoa cương, cẩm thạch. Sản phẩm đá của Vân Nam nổi tiếng khắp Trung Hoa từ hàng ngàn năm trước, lẫy lừng nhất là đá của vùng Đại Lý.

Sầm Thu Danh và thủ hạ giơ cao đuốc tiến lên, ánh đuốc sáng rực nhưng không đủ soi rõ không gian rộng rãi nơi này, chỉ thấy hai bên có những hàng trụ đá vôi được chạm trổ thành hình rồng, phượng, quả có nét giống một cung điện.

Có người còn thận trọng hơn Giáo chủ Quỷ giáo, đó là Vạn Gia Táo Quân. Họ Hoắc không vào mà đứng nép vào sau phần cánh cửa đá còn nhô ra.

Lão đã hành động rất khôn ngoan vì một hàng rào gồm những chấn song sắt kiên cố đã đột ngột rơi xuống, bít chặt lối ra. Và không gian trong Vạn Thư cung bất thần sáng lên.

Cửa ngầm trên trần thạch cung mở tung một ổ lớn hơn mảnh chiếu khiến ánh dương quang chính ngọ ập vào chói lọi.

Lực lượng Quỷ giáo kinh hoàng, theo bản năng lùi lại lay động hàng rào sắt. Nhưng mỗi thanh thép đều lớn hơn ngón chân cái, lọt sâu vào lỗ trên nền đá, muốn phá hủy cũng phải tốn nhiều thời gian.

Và bên trong vọng ra tràng cười ngạo nghễ :

– Lúc nãy các ngươi hăm hở tìm cách vào cho được, sao giờ lại muốn ra?

Từ vùng âm u do ánh nắng không chiếu đến, một lão nhân râu ba chòm, mũi đen, áo thư sinh vàng nhạt, tay cầm trường kiếm, chậm rãi bước ra, đứng đối diện với Sầm giáo chủ, cách một khoảng hơn trượng.

Người này có gương mặt đoan chính, trắng trẻo, miệng cười tươi nhưng ánh mắt đầy tà khí. Sầm Thu Danh thấy đối phương còn đủ hai chân nên ngỡ ngàng hỏi :

– Tôn giả là ai?

Hoàng y lão nhân mỉm cười đáp :

– Lão phu là Thiên Võng thư sinh Thành Tu ý. Còn các hạ chắc là Giáo chủ Quỷ giáo Sầm Thu Danh?

Họ Sầm gật đầu nhưng vẫn còn nghi hoặc :

– Phải chăng tôn giá mang chân gỗ?

Thành Tu Ý lắc đầu, đắc ý đáp :

– Các hạ ở Vân Nam chắc phải biết loài tái sinh Vô Giáp Hắc Xà. Hai năm trước, lão phu may mắn tìm được một con nên đã chặt chân người khác nối vào cho mình.

Sầm Thu Danh thấy Thiên Võng thư sinh chỉ có một mình nên không hề e sợ. Lão thản nhiên dò hỏi :

– Thế bọn Vệ Chuyển Luân đâu rồi?

Thiên Võng thư sinh cười đáp :

– Bách Biến Ma Quân lòng tham không đáy, lần nay đem theo ba cao thủ võ lâm vào Vạn Thư cung để gom sạch tuyệt học võ lâm. Nhưng họ xui xẻo vì gặp được lão phu bắt sống, nhốt ở hậu cung.

Sầm Thu Danh chột dạ vì biết rõ bản lĩnh của Ma quân và ba người kia. Thành Tu Ý bắt sống được họ thì võ nghệ của lão đã đến mức vô thượng. Nhưng khẩu thuyết vô bằng, họ Sầm chẳng thể bị dọa khiếp bởi một câu nói, lão cười nhạt :

– Lão phu đã lỡ đến đây, chẳng thể về tay không được! Mong tôn giá giao lão họ Vệ ra đây, còn bí kíp thì lão phu chẳng để tâm đến?

Thiên Võng thư sinh cười khanh khách, quắc mắt nói :

– Ngươi tưởng có thể nhờ Ma Quang bảo kính mà xưng vô địch được sao? Lão phu chỉ cần vài chiêu cũng đủ bắt ngươi phải quy phục, và trở thành tên đầy tớ trung thành.

Họ Sầm gian hoạt có thừa, bất ngờ tấn công trước để đoạt tiên cơ. Mảnh Ma Quang bảo kính trong tay tả lão chớp lên, xạ thẳng vào mặt đối phương, và sau đó là một chiêu roi mãnh liệt như sắm sét.

Song khủng khiếp thay, Thiên Võng thư sinh biến mất tựa bóng ma, tránh được cả hai đòn của họ Sầm, và từ một vị trí nào đó xông vào phản kích.

Sầm Thu Danh giận dữ múa tít cương tiên chống đỡ những nhát kiếm thần tốc, độc ác và liên tiếp xạ nhiều đạp Ma Quang. Tiếc rằng, Thành Tu Ý thi thố một bộ pháp vô cùng quái dị thân hình nghiêng ngả, tay khập khiễng nhưng tốc độ nhanh đến mức khó tin. Dường như mỗi thước đất dưới chân lão chỉ còn một tấc!

Sầm Thu Danh kiến văn uyên bác, nhớ chuyện cũ kể rằng đạo sĩ Tả Từ là người thọt chân, lão hiểu ngay đối thủ của mình sử dụng tuyệt học “Xúc Địa Thành Thốn”!

Công lực của Thiên Võng thư sinh còn kém Giáo chủ Quỷ giáo một bậc, nhưng khinh công và kiếm pháp thì bội phần hơn hẳn. Thành Tu Ý ra vào lưới roi dễ dàng như đi chợ, sau năm mươi chiêu đã gây ra mười hai vết thương nhẹ trên người người họ Sầm. Lão vừa đấu vừa mỉm cười giễu cợt khiến Sầm Thu Danh tức đến điên người.

Nỗi tuyệt vọng dần dần lớn lên, họ Sầm có cảm giác mình dang chiến đấu vô ích với một bóng ma. Lão không sao đánh trúng được kẻ thù. Trong khi mũi kiếm kia như có mắt, luôn chọc vào những chỗ sơ hở của lưới roi.

Sầm Thu Danh phẫn uất nhét bảo kính vào thắt lưng, tả thủ tung độc phấn mịt mù. Khổ thay, Thiên Võng thư sinh lại chẳng sợ độc, tiếp tục vạch thêm ba đường trên ngực họ Sầm.

Biết thế đã cùng, Sầm Thu Danh muối mặt quát vang :

– Xông lên!

Nhưng ba vị Hộ giáo Pháp sư chưa kịp tham chiến thì Thiên Võng thư sinh đã lao thẳng vào lưới roi. Chỉ sai vài tiếng tinh tang, mũi kiếm của họ Thành đã đâm trúng huyệt Dương Khuê trên cổ tay phải họ Sầm.

Tất nhiên là bàn tay này bị tê liệt, khiến cây roi thép rơi xuống đất. Đồng thời tả thủ thư sinh xạ liền bốn đạo chỉ phong, khóa cứng các huyệt Khí Bộ, Nhũ Căn, Lương Môn, Thái Ất, thuộc Kinh Túc Dương Minh Vị, mé phải thân trước Sầm Thu Danh. Cuối cùng Thành Tu Ý đặt mũi kiếm vào cổ họng kẻ chiến bại, khiến đệ tử Quỷ giáo sợ hãi đứng khựng lại, quì cả xuống mà van lạy.

Sầm Thu Danh nhục nhã và cay đắng, trợn mắt nhìn kẻ thù. Song lão bỗng choáng váng vì ánh mắt sáng ngời, từ mi của thư sinh, tâm trí dần dần mê muội đi.

Họ Sầm bị xâm chiếm bởi cảm giác sợ hãi vô bờ bến đối với Thành Tu Ý, và ngoan ngoãn gật đầu khi nghe ông ta hỏi :

– Kể từ nay ngươi sẽ tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của ta chưa?

Thiên Võng thư sinh lại nhét vào miệng Giáo chủ Quỷ giáo một viên thuốc nhỏ màu hồng, ông hài lòng thu kiếm về và quát khẽ :

– Quỳ xuống!

Lạ thay một bậc anh hùng cái thế, nuôi chí đế vương như Sầm Thu Danh lại dễ dàng lạy lục Thiên Võng thư sinh như lạy cha mẹ vậy!

Thành Tu Ý nghiêm giọng :

– Ngươi hãy gọi ta là chủ nhân và xưng hô nô tài! Giờ hãy kéo quân về núi Đông Bạch chờ chỉ thị, và phải xem Bách Biến Ma Quân như bằng hữu. Lão ta cũng đã trở thành thủ hạ của ta. Tất cả đứng lên đi.

Sầm Thu Danh và phe Quỷ giáo bình thân, và Vạn Gia Táo Quân nhân cơ hội này lướt như bay ra ngoài. Lão là người duy nhất biết âm mưu kinh thiên động địa của Thiên Võng thư sinh. Lão phải sống để thông tri cho võ lâm đồng đạo và Dao Quang.

Đến cửa mộ, Hoắc Bất Nghi mở khóa, cố sức xô phiến đá nặng nề. May mà đại pháp sư Diêu Phương ở ngoài trợ lực mới ra được.

Vạn Gia Táo Quân hớt hải nói bằng tiếng Tứ Xuyên lẫn Thổ ngữ Bô Lăng :

– Sầm giáo chủ đã bị Thiên Võng thư sinh khuất phục, dùng Nhiếp Hồn ma pháp biến thành kẻ tôi đòi! Đại pháp sư muốn cứu lấy cơ đồ Quỷ giáo thì mau rời khỏi nơi này, về núi Đông Trạch, đưa bộ tộc Bô Lăng trở lại Bảo Sơn ngay!

Nói xong, Hoắc Bất Nghi nhìn quanh, chẳng thấy Dao Quang, liền lên tiếng gọi. Không có hồi âm, lão tất tả chạy khỏi thạch trận, theo con đường mà Dao Quang đã đánh dấu.

Lực lượng Hiên Viên gia trang và hai phái Nga Mi, Thanh Thành đã chờ sẵn bên ngoài đợi lệnh vào. Thấy sắc mặt tái mét của Vạn Gia Táo Quân, Thần Bút Lực Sĩ hỏi ngay :

– Dao Quang đâu mà ngươi lại chạy như ma đuổi vậy?

Họ Hoắc ngỡ ngàng :

– Công tử không ra đây sao?

Hạ lão lắc đầu :

– Làm gì có!

Hoắc Bất Nghi gãi đầu :

– Cục diện đã thay đổi! Chúng ta phải rút cả vào chỗ kín đáo để chờ công tử! Sau đó tại hạ sẽ kể ngọn ngành!

Cả bọn kéo nhau đi sâu vào cánh rừng mé hữu, lòng rất thắc mắc. Đang đi, họ bỗng nghe mặt đất dưới chân rung chuyển nhè nhẹ, dừng lại nhìn nhau.

Đạo Hạnh chân nhân đưa tay trấn an :

– Chư vị yên tâm! Vùng này thường có những trận địa chấn nhỏ, chưa hề gây ra tai họa gì, nếu không thì pho Tượng Phật Di Lặc ở Lãng Vân sơn đâu còn đến ngày nay!

Chưởng môn Phái Thanh Thành là người học rộng, uyên thâm nghề địa chất, nên đủ uy tín để mọi người tin tưởng.

Đủ đến chỗ ẩn thân, đoàn người ngồi xuống mặt cỏ, nghe Vạn Gia Táo Quân thuật lại diễn biến trong Vạn Thư cung. Nghe xong ai nấy đều tái mặt trước bản lãnh thông thiên triệt địa cũng như dã tâm của Thiên Võng thư sinh!

Thuần Chân Thượng Nhân lần đầu tiên tỏ vẻ bi ai :

– Hai đại ma đầu kia quy phục dưới chân Thiên Võng thư sinh thì lực lượng hùng mạnh gấp đôi, và kế tọa sơn quan hổ đấu của chúng ta đã vô dụng! Vọ công của ba người ấy lợi hại như vậy thì lão nạp và các phái chỉ còn cách liều thân tử chiến mà thôi!

Chân Như Tử, sư thúc của Chưởng môn phái Thanh Thành phì cười :

– Đạo đời có lúc sáng, lúc mờ, vận nước lúc suy lúc thịnh, hà tất hòa thượng ngươi phải lo lắng như vậy?

Thuần Chân Thượng Nhân ngượng ngùng đáp :

– Tiểu tăng cũng biết nhưng bất nhẫn trước cảnh máu xương chồng chất! Tự cổ chí kim mỗi lần kẻ gian hùng xuất hiện là máu lại chảy thành sông!

Người cảnh giới khu thạch trận là Tà Kiếm Hắc Thái. Gã chạy vào báo cáo :

– Bẩm chư vị! Hai phe Giáng Ma hội và Quỷ giáo đã lần lượt rời thạch trận. Cùng đi với Bách Biến Ma Quân là một lão nhân áo vàng lạ mặt!

Vạn Gia Táo Quân hồ hởi nói :

– Nếu Thiên Võng thư sinh cũng đã rời nơi này thì chúng ta kéo nhau vào thăm Vạn Thư cung và tìm kiếm Hiên Viên công tử!

Đề nghị hấp dẫn này được mọi người tán hưởng nhiệt liệt. Ai cũng muốn một lần được vào nơi thần bí nhất võ lâm.

Nhưng trong Vạn Thư cung không hề có một quyền bí kíp nào, và Dao Quang cũng biệt tăm.

Quần hào bắt đầu lo lắng, hơn trăm người chia nhau lục soát khắp nơi. Song tiếc rằng, chẳng ai nghĩ đến truyện trèo lên cây cổ thụ đầy gai hay sườn núi Khiêu Vân cả.

Lực lượng Cái bang Lạc Sơn cũng được điều động, họ lục soát khắp vùng suốt nửa tháng trời mới bỏ cuộc Bọn Thần Bút Lực Sĩ lùi thủi trở về Giang Tây, lòng nghi hoặc không nguôi vì sự mất tích bất ngờ của Dao Quang.

* * * * *

Hai tháng sau, cả võ lâm đều biết tin Lư Sơn Kỳ Hiệp thất tung, và Hiên Viên gia trang treo giải thưởng ngàn lượng vàng ròng cho bất cứ ai tìm thấy Dao Quang, dù sống hay đã chết.

Và quả thực là chàng trai anh hùng đất Giang Tây đang sắp chết. Dao Quang đã ăn hết con độc xà cuối cùng, đang cầm hơi bằng cách dùng Hắc Thiết Yến ném rơi những tai nấm mọc trên nóc động. Trần hang đá vôi ẩm ướt nên nấm phát triển được.

Loài nấm lạ này lớn bằng bàn tay, có màu vàng nhạt, vị đăng đắng. Dao Quang ăn vào nghe khí lực sung mãn, lòng càng thêm chua xót. Dù chàng có thêm vài chục năm công lực cũng chẳng thể phá nổi vách đá dầy hàng trượng để thoát thân, trước khi chết vì đói.

Chàng đã ra sức đào bới khắp nơi, gãy cả trường kiếm mà vẫn không tìm được chỗ đất mềm. Còn những lỗ trên trần hang thì chỉ lớn hơn miệng tô canh một chút, dẫu có bò đến nơi cũng vô ích.

Trong hoàn cảnh tuyệt vọng này Dao Quang nhung nhớ da diết những người thân, tha thiết được sống để cùng họ đoàn viên. Niềm thương nhớ biến thành nỗi thống khổ, khiến chàng suy sụp hẳn. Do vậy, Dao Quang cố quên thực tại bằng cách luyện công phu trong Thiên Võng Võ Kinh.

Hai môn khiến chàng quan tâm nhất chính là kiếm pháp và khinh công. Dao Quang có thiên bẩm võ học cực cao nên dễ dàng tiếp thu bất cứ tuyệt học nào. Chàng lại bị thôi thúc bởi ý định so sánh sở học của Thiên Võng thư sinh với võ công Lư Sơn phái nên tìm hiểu rất kỹ.

Dao Quang đã tìm ra lai lịch thật của pho khinh công, nhờ những tư thế ngả nghiêng kỳ ảo. Té ra Thành Tu Ý ăn cắp tuyệt học “Xúc Địa Thành Thốn” của Tả Từ đại tiên!

Còn Thiên Võng kiếm pháp thì chính là Lưu Tinh kiếm pháp được nâng cao, chỉ lợi hại khi phối hợp với những bước chân ma quái của bộ pháp Xúc Địa. Giờ đây chàng đã nắm vững sở trường của Thiên Võng thư sinh thì lão không mong gì chiếm nổi ưu thế như đã tự khoe khoang. Nhưng hỡi ơi, Dao Quang nào có cơ hội để gặp lão ta.

Giữa tháng sáu, Dao Quang nhịn đói đã ba ngày đêm chỉ uống nước cầm hơi. Chàng biết mình sắp chết nên đến vũng nước lớn trên sân động tắm gội lần cuối cùng. Cả tháng nay mưa hạ rơi nhiều nên lượng nước trong hang khá dồi dào.

Trong lúc kỳ cọ, Dao Quang vô tình làm đứt dây tơ của mảnh U Linh Tuần Sát lệnh phù. Chàng vội nhặt lên nối lại, rửa thật sạch rồi đeo vào cổ. Chàng tôn kính ân sư nên không bao giờ làm trái lời ông. Và trong phút giây này, lời dặn dò kỳ lạ của tiên ông bỗng hiện ra rất rõ nét. Sau đó là những đoạn văn thần bí, hoang đường trong quyển U Linh Quỷ Tạng.

Dao Quang tần ngần suy nghĩ :

– “Nay ta sắp chết cứ thử một lần xem sao! Ân sư đã di ngôn tất phải có hiệu dụng!”

Lòng đã quyết, chàng thanh thản tắm gội kỹ càng, mặc lại y phục, trèo lên giường đá nằm ôn lại văn tự trong phu U Linh Quỷ Tạng.

Trong suốt tháng trời, ăn nắm lạ, cơ thể Dao Quang nóng bức nên thường tĩnh tọa, hoặc ngủ trên tảng băng thạch mà không thấy rét. Và chàng hiểu rằng cơ thể mình sẽ không thối rữa nhờ cái lạnh băng giá của bảo vật này.

Dao Quang rút kim bạc cắm sâu vào tử huyệt Đản Trung, giao điểm của đường dọc xương ức và đường nối hai núm vú. Đây là huyệt mộ của tâm bão, huyệt hội chỉ khí, huyệt hội với các kinh Tiểu Trường, Tam Tiêu, Tỳ và Thận. Trong môn châm cứu, người ta tuyệt đối không dám đụng đến huyệt Đản Trung.

Dao Quang rùng mình vài cái rồi ngất lịm, chỉ nửa khắc sau là tuyệt khí. Và hồn phách chàng lìa khỏi xác, ngơ ngác nhìn chính mình cứng đơ, ngực áo phanh rộng, lấp lánh ánh xanh của thẻ ngọc U Linh Tuần Sát lệnh phù.

Chàng cúi xuống nhìn ngực mình thì thấy cũng có một mảnh y như vậy. Dao Quang ra đứng ngay tia nắng từ nóc động rọi xuống để thử xem hồn ma có sợ ánh dương quang hay không? Lạ thay, ánh nắng xuyên qua người chàng, chẳng hề gây khó chịu và cũng không có bóng.

Dao Quang mừng rỡ, hiểu rằng phép xuất hồn trong U Linh Quỷ Tạng quả là linh điệu phi thường. Chàng sẽ quay lại Long Hổ sơn, báo tin cho người thân đến đây phá núi mang xác về, sau đó nhạc phụ chàng là Thiên Sư giáo chủ sẽ lập đạo đàn sẽ triệu hồn chàng nhập lại xác kia.

Giờ đây, Dao Quang chỉ là một ảo ảnh nhẹ bỗng như sương khói. Chàng chỉ nhún chân một cái đã bay vút lên trần động, xuyên qua lỗ thông sáng mà ra ngoài.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.