Thanh Long Giáo Chủ

Chương 41 - Những Cái Bất Ngờ

trước
tiếp

Trường Xuân quán nằm dưới triền bắc Hổ Lâm Sơn, nơi đây là vùng hoang vắng nhất của sơn khu. Phàm du khách muốn tìm nơi tịch tịnh, thanh u để trút tình hoài trong mơ mộng thì đều chọn địa phương nầy.

Sau lưng là vách núi, tả hữu tiền, là rừng tùng, chen chúc giữa những hàng tùng là cỏ non, người ta đi trên cỏ, chứ không có lối đi, chỉ có mỗi một con đường ruột dê ngoằn ngoèo dẫn du khách từ ba bề sơn cước, từ con lộ cái vào đến đạo quán.

Đạo quán nhuộm phong sương qua nhiều năm tháng, trông cũ kỹ nhưng không đến nỗi điêu tàn, bởi có những đạo sĩ trụ trì, tuy họ không trùng tu canh tân nhưng họ cũng sửa chữa những phần hư hoại để duy trì một chốn ở ăn tu dưỡng.

Yến Thiên Y hỏi :

– Sao nơi đây có vẻ hoang vu thế, Thạch lão hữu?

Thạch Ngọc đáp :

– Quán tuy nổi tiếng về cách nấu chay, song dù sao thì cũng chẳng phải tửu lầu, do đó du khách không thường đến viếng, trừ một số hiếu kỳ nặng thị hiếu uống ăn, thỉnh thoảng viếng qua. Cho nên, tiền nhang khói không được dồi dào, các đạo sĩ dù muốn cải tạo cho có vẻ huy hoàng cũng bất lực.

Yến Thiên Y lắc đầu thốt :

– Một nơi quá nghèo nàn như vậy, làm sao có đủ thực phẩm, gia vị để cung cấp một bữa cơm chay hoàn hảo?

Thạch Ngọc đáp :

– Cái lý là thế, song yếu tố câu khách là những món ăn chay kỳ lạ, chứ chẳng phải mùi đạo quyến rũ con người, cho nên dù nghèo, các đạo sĩ cũng cố dự bị đầy đủ các vật dụng, để thỏa mãn nhu cầu của thiện tánh. Khôi Thủ đừng lo, thế nào rồi cũng sẽ hài lòng.

Yến Thiên Y tặc lưỡi :

– Cứ để cho họ tùy tiện nhé, lão hữu. Đừng đòi hỏi quá đáng mà thành ra mình làm khó người ta.

Đạo sĩ ra chào mời, cả hai bước vào.

Đạo sĩ đó, là Hóa Huyền đạo nhân, chừng như y có phận sự tiếp đón khách thập phương, nên xoắn xuýt quanh hai du khách.

Chẳng rõ tại sao, vào đây rồi, Thạch Ngọc lại khẩn trương hơn, mường tượng muốn đi ra ngay, mường tượng không chịu nổi cái nhìn đầy ý nghĩa của đạo sĩ.

Ý nghĩa gì?

Yến Thiên Y hỏi :

– Ngoài đạo trưởng ra, trong quán còn có ai khác nữa chăng?

Hóa Huyền cười khổ :

– Đạo quán nghèo như thế này, làm sao nuôi dưỡng nhiều người nổi? Ngoài bần đạo ra, chỉ còn hai tiểu đồ đệ nữa thôi.

Yến Thiên Y tặc lưỡi tỏ vẻ đồng tình.

Tiểu đạo sĩ mang trà ra.

Yến Thiên Y mãi hoài nghi, thầm nghĩ, quán nghèo xơ, nghèo xác, thì làm gì có lương thực dự bị mà đãi khách?

Chàng thở dài, lẩm bẩm :

– Một nơi nghèo hèn như thế này, mà lão hữu lại thường đến, rồi còn khoa trương có các món chay thích khẩu, thế thì lạ quá?

Thạch Ngọc đáp :

– Lão phu đến, là vì ngẫu nhiên nghe người ta đề cập đến, với những lời tán thưởng nhiệt liệt, động tính hiếu kỳ, rồi từ hiếu kỳ thành quen, bây giờ hễ có dịp xuất ngoại là y như phải tạt qua Trường Xuân quán một lần.

Yến Thiên Y hỏi :

– Đến để thưởng thức món chay, hay có ý gì khác nữa?

Thạch Ngọc thoáng biến sắc mặt.

Càng khẩn trương hơn, lão ấp úng :

– Ý tứ của Khôi Thủ…

Yến Thiên Y cười nhẹ, chận lời :

– Con người, có tịch thì hay nhúc nhích, giả như trong tâm tư, lão hữu có ý niềm gì, cứ nói ra cho tại hạ biết, không nên giấu diếm. Chúng ta là bằng hữu với nhau mà, việc của lão hữu là việc của tại hạ, mình chung lo với nhau, có thế mới vui vẻ chứ! Theo tại hạ tưởng, địa phương này không chỉ vì có những món ăn chay thích khẩu mà lão hữu trở lại đây, chẳng hạn một sự vật gì. Lão hữu cần nhìn lại để khơi động một hoài niệm, để hồi ức một dĩ vãng. Đúng vậy không nào?

Thạch Ngọc thở phào.

Cái điều lão lo sợ, không hình thành qua câu nói của Yến Thiên Y, như vậy là Yến Thiên Y không hề có ý ngoại…

Tuy nhiên, lão còn bối rối, giọng nói mất vẻ tự nhiên khi hỏi lại chàng :

– Nếu lão phu không nói, Khôi Thủ có phiền trách chăng?

Yến Thiên Y lắc đầu :

– Làm gì mà tại hạ phải phiền trách lão hữu? Ai ai cũng có niềm tâm sự bí mật, ai ai cũng có quyền giữ kín tâm sự bí mật của mình. Tại hạ bình sanh không cưỡng bách ai giải bày tâm sự, huống chi lão hữu là chỗ chí thân?

Thạch Ngọc chợt thở dài :

– Khôi Thủ là con người tốt nhất, lão phu may mắn được gặp trong đời…

Yến Thiên Y gắt :

– Lão hữu lại khách sáo nữa rồi đấy!

Như đắn đo cực độ, như có sự xung đột của những niềm tương phản đang giằng co trong tâm tư, lâu lắm Thạch Ngọc mới thốt :

– Khôi Thủ… lão phu muốn tố cáo với Khôi Thủ…

Yến Thiên Y khoát tay :

– Nếu thấy bất tiện thì thôi, lão hữu, tại hạ không thích gây khó khăn cho bất cứ ai.

Vừa lúc đó, một tiểu đạo sĩ bước vào thốt :

– Gia sư kính thỉnh hai vị sang phòng bên dùng bữa.

Thạch Ngọc lại biến sắc.

Lão nhìn tiểu đạo sĩ, tiểu đạo sĩ nhìn lão, cả hai cùng thoáng nhìn nhau, ánh mắt của đạo sĩ ngời niềm tàn khốc.

Thạch Ngọc rúng người, cố trấn định tâm thần, nắm tay Yến Thiên Y cùng đi qua phòng bên cạnh.

Đúng như lão khoa trương, một bữa cơm chay thịnh soạn được an bày.

Có cả rượu ngon, loại Trúc Diệp Thanh.

Hóa Huyền trực sẵn ân cần mời mọc.

Yến Thiên Y vừa ăn, vừa uống, vừa luôn miệng tán thưởng, chàng tán thưởng thật tình, bởi chàng công nhận ở đây quả nấu món chay cực khéo.

Hóa Huyền cười nói vui vẻ, ánh mắt sáng rực niềm đắc ý, đưa tay chỉ từng món, cầu kỳ giải thích cách nấu và lối đặt tên, tuy là món ăn chay, nhưng tên thì nghe sặc mùi mặn.

Thạch Ngọc ăn rất ít, còn rượu lão không hề uống một hớp nào.

Chỉ khi nào lão đạo sĩ đưa mắt sang, như trách cứ, như nhắc nhở, thì Thạch Ngọc mới uể oải cầm đũa, gắp một miếng bỏ vào miệng, nhai nuốt lơ là, ăn lấy lệ cho vui lòng Hóa Huyền, cho Yến Thiên Y vui luôn.

Yến Thiên Y hứa hẹn, nếu có dịp, sẽ trở lại đạo quán này, quấy nhiễu thêm một vài phen nữa.

Hóa Huyền tỏ vẻ hoan nghinh, khách đến lúc nào là lão mở cửa đón tiếp lúc ấy.

Nhưng, lạ thay, càng phút, Thạch Ngọc càng trầm gương mặt, ăn ít đã đành, cả đến nói năng góp chuyện, lão cũng quên luôn.

Lão ngồi đó, mường tượng một hình đá người ta đặt lên ghế làm vì, ngồi đó mà tâm hồn lão như phiêu phưởng tận đâu đâu.

Thần sắc luôn luôn biến đổi, vầng tráng lấm tấm mồ hôi lạnh, mỗi lần cầm đũa gắp thức ăn, là tay run run, hầu như không đủ sức kềm vững. Thạch Ngọc có vẻ khiếp hãi như con cừu non bị đặt trước con hổ.

Sự biến đổi đó thường xuyên quá, cuối cùng Yến Thiên Y phải phát hiện.

Chàng cau mày hỏi :

– Thạch lão hữu làm sao thế? Khí sắc không hân hoan, thường thái thiếu vắng, tay lại run, mồi hôi lại rịn, hay là trong mình không được khỏe? Tại sao không uống hớp rượu nào? Rượu giúp con người lấy lại bình thường nhanh chóng. Lão hữu, hãy uống vài hớp, uống đi, uống cho nhiệt độ tăng, cho máu sôi động lên, lão hữu sẽ cảm thấy khoan khoái!

Thạch Ngọc nhìn chén rượu nơi tay Yến Thiên Y.

Yến Thiên Y đã uống khá nhiều rượu rồi. Thêm chén đó cũng chẳng sao!

Nhìn chén rượu của người bằng hữu, chẳng rõ vì lẽ gì, Thạch Ngọc lại rùng mình.

Hóa Huyền cười lớn giục :

– Cạn chén đó đi, Yến thí chủ! Tiểu đồ sẽ rót thêm cho thí chủ một chén đầy khác.

Yến Thiên Y cạn chén ngay.

Chén vừa cạn thì lại đầy, đầy để rồi cạn, chén cạn có người rót đầy.

Chàng làm luôn mấy chén nữa.

Bên cạnh có lão hữu, trước mặt có rượu ngon, thức ăn thích khẩu, thì tại sao chàng không tận hưởng khoái lạc chứ?

Cứ mỗi lần chàng nâng chén, thì Thạch Ngọc cắn môi, chàng uống xong thì môi Thạch Ngọc rướm máu.

Yến Thiên Y cầm đũa, gắp thức ăn.

Bất ngờ, đũa chưa đến đĩa, tay chàng như mất hết khí lực, không kềm vững, đũa liền rơi xuống mặt bàn.

Thoạt đầu, chàng cho rằng mình sơ ý, nên hạ tay nhặt đũa lên, tay hạ xuống, chẳng những không nhặt được đũa, mà chàng cũng không đưa lên cao trở lại nổi.

Rồi tay đó buông xuôi, rồi trọn cánh tay như tê dại.

Ngực bắt đầu nặng, hơi thở khó khăn, máu chảy ngược chiều trong huyết quản.

Đầu cháng váng, mắt hoa lên.

Rượu nhiều chăng? Không, nào phải chàng mới uống rượu lần đầu đâu? Hiện tượng đó chẳng phải do uống quá nhiều rược mà có.

Rượu có chất độc!

Vận dụng định lực, Yến Thiên Y từ từ ngẩng đầu lên, ánh mắt Hóa Huyền đạo nhân, tiểu đạo sĩ và Thạch Ngọc cùng nhìn chàng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.