Tử Quải Ô Cung

Chương 20 - Hồi 20

trước
tiếp

Hoa Sơn nằm ở phía Nam huyện Hoa Am, cùng với Thái Sơn ở Sơn Đông gọi là Đông Tây Lưỡng Nhạc, phía Tây có huyện Thiếu Hoa, nên còn có tên là Thái Hoa sơn.

Lúc này trời đang nóng rực, nhóm người Tử Mẫu Giản Mục Đoan Dương và Trí Viên đại sư đi dọc theo ranh giới tỉnh Sơn Tây, chuẩn bị băng qua Phong Lăng Độ đi về phía Bắc.

Lúc này trên đường Hoa Am có một đôi thanh niên nam nữ đang sóng vai nhau tiến bước, thanh niên anh tuấn phong nhã, mặc áo dài màu lam ngọc, thiếu nữ xinh đẹp đoan trang, đã thay một bộ y phục ngắn màu trắng sữa, họ chính là Ngô Sương và Thích Nam Giao, truyền nhân của Hoa Hạ song tuyệt.

Sau khi chia tay với nhóm người Mục Đoan Dương và Trí Viên đại sư, rời khỏi Sơn Dương phong, hai người một mạch phóng đi hơn sáu mươi dặm, mới chậm bước lại, tìm đường ra khỏi vùng núi.

Trên chặng đường ấy, Ngô Sương luôn đi đầu dẫn trước, Thích Nam Giao ngay từ lúc đầu đã có ý so tài với Ngô Sương, nhưng nàng thi triển toàn lực khinh công mà cũng chỉ giữ được khoảng cách lúc đầu.

Có mấy lần mắt thấy đã sắp đuổi kịp cũng chẳng thấy Ngô Sương gia tăng cước bộ, vậy mà vẫn kém chút ít, không sao vượt qua được.

Lúc này mặc dù đã thả chậm bước, tiểu cô nương vẫn không phục, trong bụng rất bực tức, đanh mặt không nói một lời.

Sau cùng, Ngô Sương lên tiếng trước.

– Sư muội, sau khi ra khỏi vùng núi này, sư muội định đi đâu?

Từ Mẫu Giản xẵng giọng :

– Chưa biết chừng, sư huynh thì sao?

– Phía trước chính là huyện Hoa Am, ngu huynh đi đến Hoa Sơn một chuyến.

Thích Nam Giao buột miệng :

– Nơi ấy chỉ có đá với đá, có gì vui chơi cơ chứ?

– Ngô huynh đâu phải đến đó chơi!

Thích Nam Giao không tiện hỏi chàng đến đó làm gì, đành ngậm miệng làm thinh.

Ngô Sương là người thật thà trung hậu, lại thấy vị tiểu sư muội này không phải người ngoài, bèn nói tiếp :

– Ngu huynh đến đó để bái kiến một vị tiền bối hiệp ẩn.

– Thiên Long Công Tôn Thụ phải không?

Ngô Sương kinh ngạc nhìn Thích Nam Giao, vị tiểu sư muội này thật biết nhiều hiểu rộng, gật đầu nói :

– Phải.

Thích Nam Giao hậm hực :

– Sao không nói thẳng ra là đến thăm Công Tôn lão tiền bối cho xong, lại cố ý làm ra vẻ thần bí, nói là đến thăm một vị tiền bối ẩn hiệp gì?

Ngô Sương sở dĩ nói vậy là do thói quen với người ngoài, chẳng ngờ nhất thời lỡ lời, bị Thích Nam Giao bắt bẻ thế này, bèn ngượng ngùng cười nói :

– Sư muội có quen với vị tiền bối ấy ư?

– Không!

– À!

Ngô Sương bất giác ngước mắt nhìn nàng.

Thích Nam Giao vẫn hai mắt nhìn thẳng ra trước, như không hề hay biết.

Ngô Sương thầm nhủ :

– Cô gái này là ngang ngược, nếu ứng đối không khéo, nàng ta đòi đi theo mình cùng lên Hoa Sơn, tuy lúc ra đi ân sư không nói rõ là chỉ được một mình đến đó, nhưng có phụ nữ đi cùng dẫu sao cũng bất tiện.

Nghĩ vậy bèn khéo léo nói :

– Sư muội định đi về hướng nào?

Vốn ra Thích Nam Giao có đi nơi khác nhưng nghe Ngô Sương đã hai lần hỏi mình định đi về đâu, biết là chàng không muốn đi cùng, càng nghĩ càng tức, bèn quyết định phá bĩnh một phen, lạnh lùng nói :

– Hướng Thái Hoa!

Ngô Sương giật mình thầm kêu khổ, lặng thinh hồi lâu, Thích Nam Giao thấy vậy hết sức khoái trá cười thầm.

Ngô Sương suy nghĩ một hồi lâu vẫn thấy không ổn, bèn lẩm bẩm như nói một mình và cũng như nói với Thích Nam Giao :

– Nghe đâu vị Công Tôn tiền bối ấy đã ẩn tích nhiều năm, rất ít khi tiếp kiến người ngoài.

Thích Nam Giao cũng với giọng điệu như vậy đáp lại :

– Người này gặp được thì kia cũng gặp được, không gặp thì thảy đều không gặp.

Ngô Sương vội nói :

– Ngu huynh có mang theo tín vật của ân sư.

Thích Nam Giao nhướng mày :

– Kẻ khác mộ danh bái phỏng không được sao?

– Được, được… nhưng… nhưng…

– Nhưng sao?

Ngô Sương có vẻ khó xử :

– Nhưng như vậy có thích hợp chăng?

Thích Nam Giao bướng bỉnh :

– Có bằng hữu từ xa đến, có gì không thích hợp chứ?

Ngô Sương cười nhăn nhúm :

– Thôi cũng được!

Thế là hai người sau khi ra khỏi vùng núi, trước tiên đến Hoa Am tìm nơi tạm nghỉ.

Trong mấy ngày nghỉ lại ở Hoa Am, hai người đã nhân tiện du ngoạn các thắng cảnh quanh vùng và hỏi thăm dân cư về tình hình và địa thế Hoa Sơn, trước một ngày, hai người đã bàn định, sáng sớm hôm sau bèn lên đường đến Hoa Sơn.

Hoa Sơn khí thế hùng vĩ, cao ngất tận mây xanh.

Hai người đi đến đâu gặp ai cũng hỏi, suốt từ trưa đến chiều, cơ hồ tìm kiếm cùng khắp, chẳng những không tìm thấy Vạn Vân Phong Nham, thậm chí hỏi ai cũng đều lắc đầu không biết.

Mặt trời sắp lặn, ráng chiều rực rỡ phương tây, mặc dù lúc này ngày dài đêm ngắn, Ngô Sương và Thích Nam Giao ở trong vùng núi Hoa Sơn đã thấy tối om.

Lúc này hai người đang đứng dưới một ngọn cổ tùng bên một mỏm núi, bàn tính tìm chỗ nghỉ đêm và bằng cách nào tìm kiếm Vạn Vân Phong Nham.

Bỗng nghe một tiếng chim kêu lảnh lót. Ngô Sương liền động tâm, phụ nữ tính vốn yêu hoa thích chim, Thích Nam Giao cũng liền ngước lên nhìn, chỉ thấy một con chim đuôi dài màu xanh lục, to cỡ chim ưng, rất xinh đẹp khả ái, đang bay đến trên đầu hai người.

Ngô Sương người vừa tới đã giơ đoản cung lên, vù một tiếng, một viên đạn tròn đã bay vút lên không.

Ngô Sương vội nói :

– Đừng làm tổn thương đến chim!

Thích Nam Giao lừ mắt :

– Tiểu muội chỉ bắn nhẹ vào huyệt trường đình bên cánh trái của nó, sư huynh làm gì mà hốt hoảng lên vậy?

Ngô Sương đỏ mặt, lặng thinh không nói gì nữa.

Chỉ thấy chú chim xanh nghiêng mình sang bên, vừa vặn tránh khỏi đạn cung, sau đó bay lượn hai vòng ngay trên ngọn cổ tùng, đôi vuốt sắc co vào dưới bụng, hai mắt trừng trừng nhìn xuống, dáng vẻ hết sức uy mãnh.

Ngô Sương không tự chủ được đưa tay lên ngoắc, cất tiếng huýt dài, chim xanh liền nghiêng đầu nhìn chàng một hồi, sau đó từ từ bay lên cao.

Ngay khi ấy, bỗng nghe từ trên mõm núi bên ngọn cổ tùng vang lên tiếng quát :

– Người nào dám cả gan làm hại Tích Thúy?

Tiếng quát như sấm động, vang vọng khắp núi rừng, hồi lâu chưa dứt.

Thích Nam Giao chẳng màng đến, Ngô Sương vội bước ra ngước lên nhìn, chỉ thấy một người đàn ông lực lưỡng, tuổi chưa đến bốn mươi, mày rậm mắt to, mặt vuông râu ngắn, da đen sạm và mặc y phục ngắn bằng bài thô đã bạc màu, ngực để trần đầy lông đen, ngạo nghễ đứng trên m tảng đá cách mặt đất chừng sáu bảy trượng.

Thật không ngờ, chú chim xanh vừa rồi đang đậu trên vai trái người ấy, thảnh thơi dùng mỏ rỉa lông, dưới ánh nắng soi rọi, toàn thân màu xanh lục càng thêm rực rỡ, khả ái.

Người ấy vừa thấy Ngô Sương liền cất tiếng hỏi :

– Chính tôn giá định làm hại linh điểu Tích Thúy của lão thần tiên phải không?

Ngô Sương thấy đối phương mặt đầy chính khí và chẳng rõ “Lão Thần Tiên” là ai, không dám sỗ sàng, vội ôm quyền thi lễ, nói :

– Tại hạ với tệ sư muội tìm người đến đây, đang nghỉ tạm dưới cây, bỗng thấy chim kia bay qua, bởi quá xinh đẹp dễ thương và tưởng là vô chủ nên mới định bắn hạ để nuôi, quả tình không có ý làm hại, và càng không biết chim này do đại thúc nuôi dưỡng, những mong đại thúc minh xét lượng thứ cho.

Người ấy thấy Ngô Sương tuy trẻ nhưng khiêm tốn lễ phép, vẻ mặt liền hòa dịu ngay.

Ngô Sương thấy vậy lại vội nói tiếp :

– Sư huynh muội tại hạ đến đây là để bái kiến một vị tiền bối hiệp ẩn hiệu xưng Thiên Long Công Tôn Thụ, bởi không quen đường nên tìm cả ngày cũng không gặp, hỏi thăm nhiều người đều lắc đầu không biết. Đại thúc ở lâu tại đây, quen đường thuộc lối, rất mong chỉ dẫn giùm cho.

– À, ra vậy! Lão hiệp khách ấy không cho hai vị biết là ẩn cư ơ nơi nào sao?

– Theo lời gia sư thì Công Tôn lão tiền bối ẩn cư tại Vạn Vân Phong Nham nhưng không ai biết Vạn Vân Phong Nham ở đâu cả.

– Chẳng hay lệnh sư là ai?

– Tại hạ Ngô Sương, gia sư là Tử Quải Càn Nguyên, ẩn tu tại Tề Vân bình, đông nhạc được đỉnh Thái Sơn.

Đoạn đưa tay chỉ Thích Nam Giao đang cúi đầu nghịch ngợm đoản cung dưới gốc cây, nói tiếp :

– Tệ sư muội là thiên kim của Ô Cung Can Thành sư thúc.

Thích Nam Giao vừa nghe Ngô Sương lại lôi kéo mình vào, hai tay vẫn nghịch ngợm đoản cung, nhưng vẻ mặt đanh lạnh đưa mắt lườm chàng.

Người ấy vừa nghe Ngô Sương giới thiệu xong, liền thành kính nói :

– Thì ra là truyền nhân Hoa Hạ song tuyệt, tại hạ thật thất kính!

Vừa nói vừa đưa hai tay lên, ôm quyền thi lễ.

Ngô Sương vội nói :

– Không dám!

Nhưng lòng hết sức kiêu hãnh và vui sướng về thịnh danh của ân sư.

Ngay khi ấy, chỉ nghe người ấy dương thanh nói :

– Vạn Vân Phong Nham ở trên một ngọn núi cao nhất về phía Đông, nhưng lão thần tiên đã đến Cửu Kỳ phong trên Lư Sơn viếng thăm Nhân Kính hòa thượng, chưa biết lúc nào mới về đến. Chủ nhân đã đi khỏi, xin thứ cho gia nô Quan Bảo không tiện giữ khách.

Dứt lời đã tung mình phóng lên vách núi, thân pháp nhanh khôn tả, lát sau đã khuất dạng trong rừng.

Chú chim xanh đuôi dài khi người có tên Quan Bảo vừa tung mình lên vách núi, cũng cất lên một tiếng kêu vang, vỗ cánh bay lên không, khuất dạng trong mây mù.

Cùng lúc ấy, Ngô Sương cũng vận âm nói :

– Sư huynh muội Ngô Sương xin đa tạ đại thúc đã chỉ điểm!

Sau đó, Ngô Sương quay lại đã thấy Thích Nam Giao một tay cầm cung đứng ngay trước mặt, nhìn chàng mỉm cười nói :

– Chúng ta tín vật cũng chưa dùng đến, sư huynh lại gọi thúc xưng bá, cung kính kể lể gần nửa giờ để rồi sau cùng vẫn nhận lấy một câu thứ không giữ khách.

Ngô Sương không bận tâm đến những lời chế nhạo mỉa mai của Thích Nam Giao chỉ cười cười nói :

– Ít ra cũng có được một chút manh mối, không đến nỗi hoài công.

Lúc này mặt trời đã lặn, ráng chiều dần tan biến, gió núi hết sức trong mát, sương mù cũng dần giăng phủ.

Ngô Sương bởi từng theo ân sư ở trên đỉnh Thái Sơn mười mấy năm dài, nên rất quyến luyến đối với cảnh sắc thiên nhiên này, bèn hỏi Thích Nam Giao :

– Sư muội có hứng thú ở lại trên đây một đêm để ngắm cảnh không?

Thích Nam Giao mắt nhìn cổ tùng, nhẹ lắc đầu nói :

– Miếu hòa thượng, am ni cô và quán đạo sĩ đều không có cơ duyên với tiểu muội, chúng ta đi thôi!

Giọng nói nàng khá dịu dàng, đây là lần đầu tiên Ngô Sương mới được nghe kể từ khi quen biết nàng tại Sơn Dương phong đến nay.

Ngô Sương hết sức kinh ngạc, đưa mắt nhìn vị sư muội thay đổi bất thường này.

Ngay khi ấy, Thích Nam Giao bỗng quay lại, bốn mắt tiếp xúc nhau, Ngô Sương bất giác ngẩn người, tuy chỉ trong khoảnh khắc, nhưng ánh mắt dịu dàng nồng thắm kia, chàng chưa bao giờ trông thấy và cũng sẽ không bao giờ quên được.

Ngô Sương đang ngơ ngẩn, Thích Nam Giao đã tung mình lướt đi.

Thế là hai người một trước một sau theo đường bậc cấp phóng nhanh xuống núi.

Canh ba vừa qua, hai người đã đối diện nhau trong một khách điếm thành Hoa Am, thấp giọng chuyện trò, như hoàn toàn quên hết sự mệt nhọc suốt cả ngày.

Họ nói về những sự kiện đã xảy ra gần đây trong võ lâm, Thích Nam Giao sực nhớ đến chú chim xanh đuôi dài có tên Tích Thúy, nhận thấy thái độ của Ngô Sương lúc bấy giờ có vẻ khác thường, bèn lái câu chuyện sang chú chim xanh ấy.

Quả nhiên, Ngô Sương ra chiều thích thú nói :

– Chú chim xanh ấy kể ra rất là hữu duyên với ngu huynh, chính nó đã khiến cho ngu huynh với Phác nhi, ái đồ của Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm Ninh sư bá ở Tiềm Long cốc suýt nữa táng mạng, và cũng chính nhờ nó đưa đường dẫn lối, ngu huynh mới ngẫu nhiên gặp được Tiềm Long động, có được Bát Trảo Phi Hoàn cùng Tiềm Long châu, ba vật báu do Tiềm Long Tử, một vị quái kiệt võ lâm hồi hai trăm năm trước đã di tặng.

Sau đó, chàng kể lại mọi sự từ lúc đuổi theo Kim Đại Quang đến khi phát hiện báu vật trong Tiềm Long động, suốt nửa giờ mới xong.

Sau đó, chàng nói tiếp :

– Do đó, khi ngu huynh lại trông thấy chim xanh ấy trên Hoa Sơn, hết sức lấy làm lạ và cảm thấy quyến luyến vô cùng.

Ngẫm nghĩ một hồi, lại nói :

– Nhưng ngu huynh không ngờ chim xanh ấy lại do Công Tôn lão tiền bối nuôi dưỡng, kỳ nhân kỳ điểu, vị Quan đại thúc kia gọi là linh điểu quả thật không sai. Ngu huynh tuy phụng mệnh ân sư đến bái yết, nhưng không biết chút gì về cuộc đời của vị tiền bối ấy. Sư muội đã lâu theo Thích sư phụ bôn tẩu giang hồ, hẳn là biết nhiều hiểu rộng, có thể kể cho ngu huynh nghe ít nhiều chăng?

Thích Nam Giao vốn nghĩ Ngô Sương là người thật thà chất phác, nào ngờ nói đến chỗ đắc ý lại thao thao bất tuyệt thế này.

Đang nghe say mê, bỗng nghe Ngô Sương khen ngợi và hỏi mình, liền đưa mắt nhìn chàng, trên mặt hiện lên một nụ cười chẳng dễ nhận thấy, lát sau mới nói :

– Sư huynh chớ quá đề cao tiểu muội, chả lẽ sư huynh theo Mễ bá phụ khổ luyện mười mấy năm trời mà lại hiểu biết nông cạn vậy sao?

Ngô Sương đỏ mặt, hồi lâu không sao trả lời được.

Thích Nam Giao thấy vậy, lòng hết sức khoái trá, bèn nhoẻn cười nói :

– Về Công Tôn Thụ lão tiền bối, tiểu muội cũng chỉ biết đại khái thôi. Ông ấy tuổi đã gần trăm, công lực thâm hậu khôn lường, không ai biết xuất thân và sư thừa, nhiều năm cư trú trên Hoa Sơn, không màng đến thế sự, chưa từng nghe ông ấy động thủ với ai. Bởi ông ấy võ công thâm hậu và đức cao vọng trọng, dân cư trong vùng và những người từng thọ ân đều gọi ông ấy là lão thần tiên. Quan đại thúc mà chúng ta đã gặp chẳng phải cũng gọi ông ấy là lão thần tiên đó sao?

Còn nhớ có lần gia phụ đã kể một câu chuyện về ông ấy.

Công Tôn Thụ là con một nhà phú hào, lúc còn rất trẻ đã thành danh trên giang hồ. Một hôm có một vị hòa thượng hóa duyên, tay phải bợ một chiếc khánh to, tay trái cầm một cây dùi thép, đứng ngay trước cửa trang viện gõ liên hồi.

Chiếc khánh to trọng lượng không dưới ngàn cân, nhưng bợ trên tay hòa thượng trông nhẹ như bằng dấy, mỗi tiếng gõ âm vang xa hơn mười trượng, tuy âm thanh du dương thánh thót, nhưng gõ liền hồi thế này, chẳng những khiến cả trang viện chịu không nổi, ngay cả dân cư trong vòng mười dặm cũng phải điêu đứng.

Người nhà Công Tôn Thụ biết hòa thượng này rất ghê gớm, vội dâng tặng vàng bạc và thức ăn, nhưng hòa thượng thảy đều từ chối.

Mọi người thắc mắc hỏi hòa thượng muốn hóa gì, hòa thượng bèn chỉ đích danh đòi gặp Công Tôn Thụ.

Công Tôn Thụ lúc bấy giờ hãy còn tuổi trẻ khí thịnh, vừa nghe người nhà báo lại, liền bực tức đi ra ngay.

Thấy hòa thượng ấy tuổi trạc tam tuần, tuy gầy nhưng tinh thần sung mãn, đang tay bợ khánh vàng đó đứng ngay trước cửa.

Công Tôn Thụ đang lúc tức giận, vừa gặp hòa thượng liền hỏi ngay :

– Hòa thượng! Phật môn mộ hóa là nhằm kết thiện duyên khắp mọi nơi, hòa thượng có duyên không kết mà lại ở đây quấy nhiễu, vậy có phải là phép tắc của Phật môn hay không?

Hòa thượng chẳng chút tức giận, mắt rực tinh quang, nhìn Công Tôn Thụ từ đầu đến chân một lượt, sau đó mới bình thản nói :

– Vô duyên xa tận ngàn dặm, hữu duyên ở ngay trước mắt, người mà bần tăng muốn kết duyên chính là Công Tôn thiếu chi chủ của qúy trang, chẳng hay y có nhà không vậy?

Công Tôn Thụ khoát tay :

– Không!

Chiếc khánh to trên tay hòa thượng liền theo cái khoát tay của Công Tôn Thụ vang lên, rắc một tiếng, nứt làm đôi rất ngay ngắn, đều đặn, rối thì bịch bịch hai tiếng rơi xuống đất, lún sâu đến hơn nửa thước.

Hòa thượng sửng sốt nhìn Công Tôn Thụ, lại nhìn hai mảnh khánh nứt lún sâu dưới đất, không nói một lời quay người bỏ đi.

Mười năm sau, cũng cùng ngày ấy, Công Tôn Thụ đang đứng trước cửa ngắm cảnh, hòa thượng lại hăm hở đi đến.

Lúc này Công Tôn Thụ sau mười năm rèn luyện, đã từ tốn hơn trước nhiều.

Bời mình là chủ nhân, nên bèn ôm quyền thi lễ trước và nói :

– Xin chào đại sư!

Hòa thượng cũng chắp tay trước ngực đáp lễ :

– Nhờ Phật tổ từ bi, xin cháo thí chủ!

Hai người hệt như bạn cũ gặp lại nhau, vừa chuyện trò vừa đi vào trang viện.

Đến trước cửa trang viện, hai bên có hai con sư tử đá, hòa thượng thoáng kinh ngạc nói :

– Ồ! Đây là loại đá xanh trên Hoài Ngọc sơn danh tiếng khắp thiên hạ, thật là qúy báu, bần tăng đến đây lần trước dường như chưa thấy hai con sư tử đá này.

Đoạn đi đến bên con sư tử bên phải, đưa tay sờ nhẹ mấy cái, miệng không ngớt khen sư tử đá này cứng rắn, bóng loáng và những ưu điểm khác.

Công Tôn Thụ đang đứng bên trái hòa thượng, bèn cũng đi đến con sư tử đá bên trái, quay sang hòa thượng nói :

– Đại sư xem con này so với con kia thế nào?

Đoạn cũng đưa tay sờ nhẹ lên mình con sư tử đá ấy.

Hòa thượng nghe hỏi, liền đến cùng Công Tôn Thụ sờ một hồi, đoạn cất tiếng khen :

– Hai con đều chung một tảng đá mà ra, phẩm chất tốt như nhau.

Công Tôn Thụ mỉm cười :

– Hai con đều được tuyển chọn từ loại đá trên Hoài Ngọc sơn, nhưng rất tiếc do thợ bất cẩn, một con trong số tuy trông hùng vĩ, nhưng thật ra chỉ cần một cơn gió thổi qua là vỡ vụn ngay.

– Thí chủ nhãn lực khá lắm!

Đoạn hai người cất bước đi vào, vừa qua khỏi cửa, ngay lúc ấy một cơn gió mạnh thổi đến.

Hai người cùng ngoảnh lại nhìn, cơn gió vừa qua, con sư tử đá bên phải liền biến thành bột vụn, theo gió bay đi, còn con bên trái nguyên vẹn như trước, chẳng chút suy suyển, hòa thượng bất giác biến sắc mặt.

Hai người đi vào khách sảnh, nô bộc dâng trà xong, hai người lại trò chuyện một hồi.

Sau đó, Công Tôn Thụ phái người đặt hai chiếc thạch đôn vuông bốn thước và dày hai thước trong một gian phòng trống, cách nhau hai trượng, mỗi người ngồi xếp bằng trên một chiếc thạch đôn bắt đầu hành công.

Bốn mươi chín ngày qua đi, hai người đều không ăn uống, chiếc thạch đôn Công Tôn Thụ ngồi trên đã lún xuống ngang bằng mặt đất, thạch đôn hòa thượng ngồi trên hãy còn cách mặt đất chừng nửa tấc.

Hòa thượng hé mắt nói :

– Thí chủ đã thắng rồi!

Công Tôn Thụ mỉm cười.

– Hãy tạm gác qua việc ấy, chúng ta ăn chút gì trước đã.

Đoạn bèn bảo gia nhân mang đến hai chiếc bánh bột mì sống, dày chừng nửa tấc, mỗi người đặt trên đan điền, ngưng tụ tam muội chân hỏa để nướng chín bánh.

Chừng hai tuần trà sau, chiếc bành của Công Tôn Thụ đã được nướng chín, xé lấy nửa miếng ném cho đối phương và nói :

– Đại sư hãy nếm thử xem đã chín chưa?

Hòa thượng đón lấy xem, sau đó lại xem chiếc bánh của mình, mới chỉ chín được chín phần.

Ăn xong, Công Tôn Thụ lại quay sang gia nhân nói :

– Mang trà đến đây!

Gia nhân liền mang đến hai thùng nước lạnh.

Công Tôn Thụ không khiêm nhường, nâng thùng nước lên uống một hơi cạn sạch.

Hòa thượng không động đậy đến thùng nước, chỉ gượng cười nói :

– Không cần đâu, thí chủ quả danh bất hư truyền, Cung Nam Tăng An đã được chỉ điểm nhiều, thật vô vàn cảm kích.

Dứt lời liền đứng lên cáo từ.

Ngô Sương nghe xong, thành tâm kính phục nói :

– Sư muội hiểu biết nhiều thật, chẳng hay cái khoát tay làm nứt đôi chiếc khánh, đó là môn võ công gì vậy?

– Nghe gia phụ nói, đó là Trảm Kim chỉ đã thất truyền từ lâu!

Ngưng chốc lát, Thích Nam giao lại nói tiếp :

– Lúc gia phụ thành danh thì Công Tôn Thụ tuổi đã ngoài năm mươi, bấy giờ ông ấy đã quy ẩn trên Hoa Sơn, lui ra khỏi chốn giang hồ. Lúc gia phụ còn trẻ cũng rất là hiếu thắng, nghe đâu ông đã từng bảy lần lên Hoa Sơn tìm Công Tôn Thụ tỉ đấu, lần nào gặp nhau Công Tôn Thụ đều tìm cách lui nhượng, không thì lánh mặt không gặp.

Gia phụ vốn định tâm gây sự, nên lần cuối cùng ông đã nhất quyết động thủ, Công Tôn Thụ vẫn một mực nhường nhịn. Gia phụ trong cơn thịnh nộ, bèn bất chấp phải trái, vung tay chộp vào ngực Công Tôn Thụ.

Ngờ đâu Công Tôn Thụ không hoàn thủ, bị gia phụ chộp trúng ngực. Gia phụ hết sức sửng sốt, với danh vọng của ông, sao có thể đánh một người không hoàn thủ được chứ?

Nhưng sau đó lại nghĩ, lão già này thật tự đại quá mức, hẳn là khinh mình không xứng đáng để động thủ đây mà.

Đoạn liền nộ khí xung thiên, rụt mạnh tay về, nhưng cố sức nhấc hai cái, Công Tôn Thụ thân trên chỉ chao hai lượt, thân dưới không hề động đậy.

Theo lẽ người nào dù luyện thành thần công kim cang bất hoại, thân mình không suy suyển thì y phục cũng phải rách nát, theo lời gia phụ, năm ngón tay của ông như chộp vào sắt thép.

Gia phụ nhấc hai lần không được, tay trái liền vung cung bổ xuống vai Công Tôn Thụ.

Thích Nam Giao vừa nói vừa đặt tay xuống đoản cung nói :

– Chính chiếc cung này đây!

Nào ngờ Công Tôn Thụ vẫn điềm nhiên để cho đoản cung bổ trúng vai, sau đó ông ho một hồi, đoạn nói :

– Người đã già, thật vô dụng rồi!

Nhưng theo lời gia phụ, khi đoản cung trúng vào vai Công Tôn Thụ, ông cảm thấy mềm nhũn như trúng vào bông gòn.

Kể từ đó, gia phụ mới bội phục Công Tôn Thụ quả là có chân tài thực học.

Sau cùng, Thích Nam Giao khẽ nói :

– Chuyện ấy người ngoài rất ít ai biết!

Sau chuyến đi lên Hoa Sơn, Thích Nam Giao như có thiện cảm nhiều hơn đối với Ngô Sương, chuyện trò mãi đến khi gà gáy mới về phòng an nghỉ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.