Thái A Kiếm

Chương 13 - Lưỡng Tiểu Ngụ Cô Phong, Nhị Nữ Quần Cát Lầu

trước
tiếp

Tiêu Dao Khách ở trên không bỗng uyển chuyển thân mình, múa song chưởng thình lình đánh thẳng xuống. Sức mạnh và hơi lạnh như một khoảnh núi băng ở trên không đè xuống, chỉ nghe hai tiếng thét rất thảm khốc là Thẩm Hổ và Liễu Hướng Khuê đã bị Hàn Cương chưởng lực của Tiêu Dao Khách đánh văn ra ngoài xa ba trượng, miệng hộc máu tươi chảy ra như suối, co duỗi vài cái rồi cùng tắt thở.

Thẫm Long thấy em mình bị đánh chết, tức giận đến hai mắt nảy lửa, bèn la lớn một tiếng rồi xông tới tấn công Tiêu Dao Khách. Tiếng rú của Thẫm Long quá lớn, vang động cả núi rừng khiến những tảng tuyết từ đỉnh núi đổ xuống kêu ầm ầm, tảng này lôi cuốn tảng kia, ngọn này ảnh hưởng đến ngọn kia, dãy núi dài mấy chục dặm đều có tuyết đổ, không khác nào cảnh tượng trời long đất lỡ.

Tiêu Dao Khách vội ra tay tấn công luôn hai thế, cướp được hai bánh xe của Thẫm Long thì bỗng thấy dưới chân rung động, liền vội nhún mình nhảy lên cao, nhắm tháp Thiên Cô Phong mà nhảy tới.

Tiêu Dao Khách vừa hạ chân xuống mặt đất, thấy mặt đất bỗng nứt ra, chân y liền sụp xuống, dù y có là võ lâm cao thủ gặp trường hợp này cũng phải mất hồn vía.

Tuy nhiên, thần trí vẫn bình tĩnh, chân trái y vội dẫm lên đùi phải, mượn sức dậm mạnh một cái, thân hình vọt lên cao bốn năm trượng.

Tay phải đang cầm song luân y vội chém vào vách núi một cái, tay trái nắm được một rễ cây thông bèn nhún mình lên ôm chặt lấy gốc cây.

Y nhắm nghiền hai mắt, chỉ nghe tiếng núi lỡ kêu ầm ầm, tựa như muôn ngựa đua chạy, và có những làn sóng lan cuộn kéo tới. trên đỉnh đầu lại có tuyết băng như đá vụn rơi thẳng xuống như mưa. Tiêu Dao Khách cảm thấy thân mình rung động rất mạnh, y đành phó thác mạng cho trời.

Hãy nói về Phàm Nhi và Lạc Dương trên cao nhìn xuống, thấy Tiêu Dao Khách đấu với Xà Sơn Tứ Xác thích thú vô cùng. Khi thấy Thẫm Long đau lòng vì em chết một cách thảm thương nên mới nổi giận la lớn làm cho tuyết đỗ ầm ầm, chúng thấy chỗ núi mà chúng đang đứng hình như lung lay sập đổ, thân mình chúng tựa như muốn bay.

Phàm Nhi la lớn:

– Nằm sấp xuống! Y vừa quát vừa kéo Lạc Dương nằm sấp xuống, nhưng tuyết bụi bay tung, thân mình chúng như một chiếc thuyền lơ lững trên biển cả, và tròng trành như đang cỡi sóng.

Chúng cảm thấy đầu óc choáng váng không sao chịu nỗi nên chết giấc luôn lúc nào không biết.

Qua một lúc khá lâu, Lạc Dương và Phàm Nhi từ từ tỉnh lại thấy bốn bề yên lặng như tờ, tuyết đã ngưng. Chúng liền đứng dậy nhìn những dãy núi ở chung quanh đều thay hình đổi dạng. Bốn bề trông như một bãi tuyết thành thang hằng nghìn dặm.

Gió vẫn thổi lộng, gió lạnh đến buốt xương. Lạc Dương không chịu nỗi, liền nói:

– Lạnh quá! Phàm Nhi thấy môi y đã tái thâm, liền bảo: rét.

– Chúng ta hãy trở vào trong động, lấy hai củ hoàng tinh ăn cho đỡ đói đỡ Lạc Dương gật đầu rồi cả hai bò vào trong động lấy hai củ hoàng tinh để ăn, nhờ vậy đỡ đói nhiều. Hai đứa trẻ hoài nghi Tiêu Dao Khách đã bị chôn vùi dưới băng tuyết.

Sau đó chúng nhận thấy không thể nào ở trong hang động này, nhưng bên ngoài động là những sườn núi cao chót vót, biết làm sao mà thoát ra được? Chúng bước ra ngoài cửa động xem xét, Phàm Nhi nhận thấy nếu từ trên cao mà nhảy xuống thì thế nào cũng tan xương nát thịt.

Trong lúc hai đứa nhỏ đang nóng lòng hãi sợ thì đột nhiên nghe phía sau có tiếng cười, hoảng hồn quay lại thì thấy Tiêu Dao Khách đang đứng nhìn chúng.

Hai đứa định thần nhìn kỹ thấy Tiêu Dao Khách mặc quần áo vàng, râu ngắn lơ thơ, tay cầm đôi Nhật Nguyệt Song Luân của Thẫm Long.

Lạc Dương sắc mặt bình tĩnh lạ thường còn Phàm Nhi lấy làm ngạc nhiên vô cùng, mồm há hốc đứng ngẫn người ra nhìn, vì y không biết Tiêu Dao Khách từ đâu tới.

Tiêu Dao Khách thấy vẻ mặt của Phàm Nhi biết ngay y đang nghĩ gì, liền vừa cười vừa nói:

– Có phải cháu kinh ngạc vì không biết lão phu từ đâu tới phải không? Con đường bí mật đó, trừ lão sư không có người thứ hai biết. Dầu các cháu ở đây một năm đi nữa, cũng chưa chắc tìm được con đường đó.

Hai đứa bé lẵng lặng, không nói gì cả. Thấy hai đứa nhỏ không thèm để ý tới mình. Tiêu Dao Khách có vẻ tức giận nhưng lại đổi nét mặt được ngay và tiếp:

– Lão đã cứu hai cháu trong tay của ba tên đạo sĩ phái Võ Đang, chẳng lẽ các cháu không nói đến một câu cảm ơn hay sao? Lạc Dương là người rất trung hậu, nghe Tiêu Dao Khách nói như vậy.

Quả thật chúng đã quên mất công ơn đó mà chưa cảm tạ ông già nọ. Y đang định lên tiếng thì Phàm Nhi đã nói trước:

– Đáng lý ra chúng cháu phải cám ơn cụ mới phải, nhưng cụ không đưa chúng cháu về Hoàng Bích Sơn Trang hiển nhiên cụ có dụng tâm gì đây? Tiêu Dao Khách tỏ vẻ không vui nói:

– Thằng nhỏ ăn nói vô lễ thật. Lão đây với Cung Thiên Đơn xưa nay vẫn có chút việc bất hoà, nhưng lão cũng có thể đưa các cháu trao trả cho Cung Thiên Đơn được. Song vì thấy tư chất của hai cháu đặc biệt hơn người, nên lão mới đem hai cháu đến đây định truyền dạy võ công và lão cũng không muốn lôi thôi với Cung Thiên Đơn nữa.

Phàm Nhi bĩu môi đáp:

– Ai thèm làm đồ đệ cụ, cụ hãy xếp ý nghĩ đó lại đi.

Tiêu Dao Khách trợn trừng một mắt tức giận vô cùng, lớn tiếng quát:

– Sao? Mi bảo ta không đáng làm sư phụ của mi sao? Phàm Nhi không hề lộ vẻ sợ hãi chút nào, liền tười cười đáp:

– Mỗi người có một chí hướng, không ai có thể cưỡng bách được. Tiêu Dao Khách nghe nói, đột nhiên cả cười một hồi rồi tiếp:

– Được được, lão không cưỡng bách các cháu, nếu cách cháu có cách gì xuống được khoảng núi chơ vơ này, thì tha hồ các cháu đi. Vả lại lão còn phải đi đến núi Võ Đang nên tạm thời rời khỏi nơi đây.

Tiêu Dao Khách lại cười nhạt một tiếng và nói thêm:

– Động này cách Hoàng Bích Sơn Trang hơn nghìn dặm, các cháu có rời khỏi động này cũng không sao về tới sơn trang được.

Đoạn y lướt qua cạnh hai đứa nhỏ phi thân xuống dưới cô phong. Hai đứa nhỏ đưa mắt nhìn theo, thấy Tiêu Dao Khách như một con chim bay lượn xuống đất, chỉ trong nháy mắt lão đã mất dạng. Phàm Nhi liền kéo Lạc Dương đi vào phía sau động tìm kiếm hàng nữa ngày, cũng không sao gặp được lối lên của Tiêu Dao Khách. Chúng lo âu vô cùng, nhưng không nghĩ ra được cách thoát thân.

Thời giờ thấm thoát như tHồi đưa, thoáng cái đã qua bảy ngày. Cung Thiên Đơn phái rất nhiều người đi tìm hai đứa nhỏ, nhưng không sao tìm được và cũng chưa thấy Vân Nhạc tới. Ai nấy đều lo âu vô cùng.

Sau cùng Tiếu Thiên chịu đựng không nổi nữa, nên nói với Thiên Đơn:

– Tam đệ nhờ Tiếu thiên đem Lạc Dương tới đây, bây giờ Lạc Dương mất tích, tam đệ tới đây, Lôi mỗ còn mặt mũi nào nhìn chú ấy? Chi bằng để Lôi mỗ đi Võ Đang bắt lão đạo sỉ Lam Tinh phải trả lại hai đứa nhỏ cho chúng ta.

Cung Thiên Đơn chưa kịp trả lời thì Phó Lục Quan xen vào:

– Lôi lão sư đi một mình lên núi Võ Đang thế cô thì sao địch nổi chúng. Lão muốn dắt cháu Uyển Nhi cùng đi với. Xong việc lão còn phải ghé Tung Sơn một phen để thăm cháu Thanh, rồi quay trở lại đây sau.

Lúc đầu lão sơn chủ không nghe, sau thấy Tiếu Thiên với Lục Quan khăn khăn đi, đành phải nhận lời. Thế rồi Tiếu Thiên cùng ông cháu Lúc Quan xuống núi Trường Bạch.

Cố Yến Văn trong lòng hoài nghi phen này Vân Nhạc đi Vũ Linh Sơn nếu không gặp phải cường địch là vướng chân thì thế nào cũng bị Uyển Lan giữ lại. Hay Yến Sơn Thần Ni nhất định không chịu hòa giải. Nhưng nàng lại đoán Vân Nhạc bị Uyển Lan níu chặt lại thì đúng hơn, nên nàng cũng kiếm cớ xuống núi đi tìm hai đứa bé, nhưng thực ra nàng đi Vũ Linh Sơn để tìm Vân Nhạc.

Mấy người đó đi rồi, ngày hôm sau Vân Nhạc tới Hoàng Bích Sơn Trang.

Chàng nghe nói mấy nàng trước sau rời khỏi đây trong lòng áy náy.

Chàng đối với Cố Yến Văn có cảm tình hơn các nàng kia nhiều nên chàng biết thế nào nàng cũng đi Vũ Linh Sơn kiếm chàng. Ở lại sơn trang một ngày chàng liền xuống núi đi Vũ Linh Sơn Chỉ Chỉ Am.

Nhưng trong am không có một bóng người nào cả, chàng rầu rĩ vô cùng, đứng dưới cây thông cổ trước am, lẵng lặng đau lòng, đoạn chàng quay vào trong am, viết mấy chữ để lại cho Uyển Lan, rồi đi ngay. Dọc đường chàng còn ra tay làm việc nghĩa, nên mới chậm trễ ngày giờ, không ngờ vì đó mà gây nên mối hận. Vân Nhạc thở dài một tiếng, sực nghĩ đến sự an nguy của Lạc Dương và Phàm Nhi liền nói thầm:

– “Ta không đi miền nam, thuận đường tới Thương Châu và Giang Đô, thì thế nào cũng gặp Liên Châu và Nguyệt Nga. Rồi ta lại lên Võ Đang gặp Tiếu Thiên và Phó Uyển. Từ nay đến mồng một tháng tám còn lâu, ta còn kịp trở về núi Bảo Hoa để tế mộ cha.” Ngày mồng hai tháng hai là ngày rước rồng, đô thị Thương Châu náo nhiệt vô cùng. Lúc đó những tuyết tích tụ ở hai bên đường chưa tan hết, tiết trời còn giá lạnh, nhưng người đi lại như nêm, tiếng đốt pháo vang trời.

Vân nhạc cũng chen vai thích cánh trong đám đông mà đi, sau chàng rời khỏi đám đông đó rẽ vào một cái hẻm bên phải. Tới trước cửa một nhà nọ, chàng ngừng chân gõ mấy cái. Nơi đây là vườn sau của Khang Cửu. Lát sau có người ra tiếp, với giọng khàn khàn:

– Ai đó? Vân Nhạc khẽ trả lời:

– Có phải Nghiêm Tam Gia đó không? Cánh cửa hé mở, một ông cụ râu tóc bạc phơ ló đầu ra, thấy Vân Nhạc vừa kinh hãi vừa mừng rỡ và nói:

– Cô gia đã tới (chồng cô nương) thì việc này khỏi lo ngại nữa.

Vân Nhạc vội hỏi tại sao.

Nghiêm Phúc là đầy tớ hai đời của Khang Cửu, nghe chàng hỏi kinh hãi vô cùng và nghi ngờ, nhìn một hồi mới nói:

– Lôi lão hiệp chưa nói cho cô gia hay sao? Thế rồi Nghiêm Phúc kể cho chàng hay hồi đầu năm, vào mùng mấy tết, Sách Mạnh Ban Cương đến đây cho hay Bán Bán Tú tái xuất, và còn kể cho chàng hay Hồng Kỳ Bang vẫn đến quấy nhiễu luôn.

Vân Nhạc vội hỏi:

– Nếu vậy Triệu lão gia với tiểu thơ chưa về đây sao? Nghiêm Phúc lắc đầu hoài nghi. Đang lúc ấy Vân Nhạc đột nhiên nghe gần đó có tiếng cười quái dị, vội quay lại phía đó xem, thì thấy một ông già vạm vỡ, mặc quần áo lông dê, tóc đỏ hồng,mặt gầy gò đứng cách đó chừng mười trượng đứng nhìn chàng cười nhạt. Vân Nhạc cũng cười nhạt một tiếng rồi nhanh như chớp giở khinh công ra chạy đến trước mặt ông già ấy. Ông già nọ không ngờ thân pháp của chàng lanh lẹ như vậy, bèn vội lùi về phía sau một bước tỏ vẻ kinh hãi. Vân Nhạc mặt lạnh như tiền, lẳng lặng không nói năng gì cả, chỉ lầm lì nhìn mặt ông già kia. Ông già quái dị cũng lầm lì và nói:

– Tiêu Khách của Triệu phủ (con rể quý), quả thật võ nghệ kinh người. Vân Nhạc trầm giọng hỏi:

– Ngươi là ai? Ông già quái dị trợn trừng hai mắt, đột nhiên buông tiếng cười nghe rất rùng rợn. Lúc sau y ngưng cười và nói:

– Lão sư là Âm Sơn Xích Phát Cự Linh, phong thanh ngươi thị võ hà hiếp người, miệt thị các giang hồ đồng đạo, nên hôm nay lão phu muốn so tài một phen.

Vân Nhạc nghe nói xếch ngược đôi lông mày, lớn tiếng cả cười và đáp:

– Ta tưởng là ai! Thì ra ngươi chỉ là một tên vô danh tiểu tốt, so tài với mi chỉ làm bẩn tay ta thôi. Bán Bán Tú đâu hãy ra gặp ta ngay.

Xích Phát Cự Linh trợn trừng hai mắt quát lớn:

– Tên tiểu tử miệng còn hôi sữa, không ngờ mi lại ngông cuồng đến thế. Muốn gặp giáo chủ của ta không phải chuyện khó. Trước hết hãy qua ải của lão phu đã.

Vân Nhạc cười nhạt một tiếng rồi đáp:

– Giáo chủ mi bị bọn Hồng Kỳ Bang xúi giục tác quái tác ác, nên ta mới bảo giáo chủ các ngươi đến đây gặp ta khuyên y cải tà quy chánh, chớ mi vẫn chưa xứng đáng đấu với ta đâu.

Xích Phát Cự Linh cả giận, mặt mũi trông rất dễ sợ quát lớn: Tiểu bối vô lễ, mi hãy cho lão phu biết coi võ nghệ lợi hại thế nào. Đoạn y múa song chưởng nhằm hai bên hông của Vân Nhạc xuyên tới nhanh như điện chớp, kín như lưới mạng nhện, khiến đối phương không sao thoát khỏi chưởng phong của y. Thế võ ấy là Địa Võng Dũng Đằng (dưới đất vọt lên cao) là một thế võ tuyệt học trong Tinh Túc Ma Kinh khác hẵn các võ học thường. Y đánh từ dưới lên, nên đối phương ít khi ngờ được. Xích Phát Cự Linh cũng nghe võ học của Vân Nhạc tuyệt luân nên vừa ra tay y đã xử dụng ngay thế võ rất ác độc.

Ngờ đâu Vân Nhạc chỉ dùng tay phải khua một cái, Xích Phát Cự Linh đã cảm thấy chưởng lực của y bị hóa giải một cách vô hình. Đồng thời, hai mắt y hoa lên, thân hình của Vân Nhạc đã biến mất.

Xích Phát Cự Linh ngẫn người, rồi nhanh nhẹn quay mình về phía sau một cái cũng không thấy Vân Nhạc đâu cả, chỉ thấy Nghiêm Phúc đứng tựa cửa, mặt lộ vẽ kinh hãi và mừng rỡ.

Y biết ngay Vân Nhạc còn ở phía sau y, nên y rùn mình hãi sợ, vừa múa chưởng tấn công luôn. Ngờ đâu y đã đánh vào khoản trống. Y tức giận vô cùng, tựa như con hổ điên quay tích mấy vòng, không khác gì theo gió bắt bóng Ngờ đâu y quay nhanh như vậy mà chỉ thấy sau lưng có gió lạnh, chớ không sao thấy hình bóng của địch, nên y càng kinh hãi biến sắc.

Đột nhiên, một tiếng cười nhạt rất khẽ nổi lên bên tai y. Xích Phát Cự Linh hãi sợ đến nỗi mất hết hồn vía, hai chân nhún mạnh một cái nhảy lên cao,rồi y ném luôn một nắm tên nhỏ có màu sáng xanh lập lòe, đồng thời thân mình của y cũng nhanh như chớp phi lên một nóc nhà gần đó.

Ngờ đâu Xích Phát Cự Linh hai chân chưa tới mái nhà thì Vân Nhạc đã nhanh nhẹn hạ xuống trước mặt y rồi. Chàng vừa cười vừa nói:

– Lão quỷ, ta không thèm giết ngươi làm gì, ngươi mau đi bảo cho lão Bán Bán Tú rút về Âm Sơn ngay đi mới mong giữ được toàn mạng.

Nói xong chàng nhảy sang bên tránh đường cho y đi.

Lúc này Xích Phát Cự Linh không còn dám kêu ngạo như trước nữa, chỉ cười khỉnh một tiếng, rồi nhanh như chớp đi liền.

Vân Nhạc nhảy xuống trước mặt Nghiêm Phúc. Đột nhiên trong cửa có một đạo sĩ râu xồm lẻn ra mỉm cười, vái chào chàng và nói:

– Nghe Lôi huynh Tiếu Thiên nói Tạ thiếu hiệp là rồng trong đám người, công lực tuyệt thế, hôm nay bần đạo mới được mục kích, quả không sai chút nào.

Vân Nhạc thấy đạo sĩ đó lạ mặt, ngẫn người nhìn một hồi.

Nghiêm Phúc vội lên tiếng:

– Vị này là quan chủ của Toàn chân quan ở Âm Sơn Sách Mạnh Ban Chương Tang Lộc đấy.

Vân Nhạc chấp tay chào và nói:

– Thế ra là Tang lão sư đó ư? Thật hân hạnh vô cùng.

Tang Lộc tỏ vẽ rất khâm phục, ngắm nhìn Vân Nhạc vừa cười vừa nói:

– Thiếu hiệp không những võ công cái thế mà mưu trí lại hơn người, theo sự nhận xét của bần đạo thì lần này Xích Phát Cự Linh đã hoảng sợ đến mất hết hồn vía cũng nên.

Vân Nhạc mặt đỏ bừng, chàng biết Tang Lộc đã thấy rõ mưu kế của mình. Thì ra, từ khi sư phụ căn dặn không được độc ác nữa, chàng không dám giở những thủ đoạn tàn sát như trước, ngay như ở Linh Vũ Sơn đấu với Lương Khấu Kỳ, vì đối thủ dùng Phong Vân Bát Trảo, bắt buộc chàng phải giở môn võ học kỳ tuyệt là Hiên Viên Bát Giải, nhưng chỉ xử dụng tới mức thắng thì ngừng lại.

Và vừa rồi, đấu với Xích Phát Cự Linh chàng cũng chỉ giở bí quyết chữ xá trong Di Lạc Thần Công để làm cho sức lực của địch tản mác vô hình thôi.

Rồi chàng lại lợi dụng môn khinh công kỳ ảo là Huyền Thiên Thất Tinh Bộ để làm cho Xích Phát Cự Linh quay luôn mấy vòng. Đó là kế công tâm, chờ tới khi đối thủ kinh hoảng mất hồn vía, chàng lẵng lặng hạ chân xuống phía sau địch.

Nếu không làm thế thì Xích Phát Cự Linh đã kinh hoảng bỏ chạy từ lâu. Người trong cuộc thì mê, những kẻ đứng ngoài bao giờ cũng thanh tĩnh hơn, nên động tĩnh của hai bên đều lọt vào mắt của Tang Lộc và Nghiêm Phúc.

Vân Nhạc gượng cười đáp:

– Tại hạ giở quỷ kế đó, may mắn lại có công hiệu, nhưng cái trò sơ cấp đó làm nhơ mắt của lão sư, mong lão sư đừng cười! Tang Lộc cả cười:

– Thiếu hiệp trí dũng song toàn, lừng danh nhất thời, bần đạo kính ngưỡng còn chưa kịp, đâu dám chê cười. Bần đạo có việc định nhờ thiếu hiệp nhưng nơi đây tiết trời giá lạnh, không nên đứng lâu, vậy xin thiếu hiệp vào bên trong chuyện trò thì hơn.

Nghiêm Phúc quay mình đi trước, Vân Nhạc và Tang Lộc sát cánh theo sau. Cảnh trong vườn xơ xác, Vân Nhạc chợt thấy lầu cát Ngô Ân, sực nghĩ tới Phượng đi lầu không rầu rĩ vô cùng. Tang Lộc thấy chàng lẵng lặng đi ngạc nhiên vô cùng, nhưng không tiện lên tiếng hỏi.

Mọi người vào tới khách sảnh, các võ sư và người nhà của Triệu phủ lục đục bước ra tiếp kiến.

Vân Nhạc an ủi và hỏi han từ người một. Bọn võ sư đó cho chàng biết Hồng Kỳ Bang và Triệu Chu đã rời khỏi nơi đây, nên từ đó đến nay chúng không hề tới xâm phạm phủ đường, chỉ cho người bên ngoài giám thị, chớ không có hành động phi pháp nữa.

Nghiêm Phúc xen lời nói:

– Chỉ mới ngày hôm qua có ba tên phỉ đồ xông vào trong phủ dò hỏi tung tích của Tang chân nhân, chắc chúng đã phát hiện hành tung của chân nhân rồi. Sau Lưu võ sư nói vài câu chúng bèn rút lui.

Vân Nhạc gật đầu xua tay bảo các người rút lui. Trong khách sảnh chỉ còn lại chàng và Tang Lộc, với vẻ mặt lo âu Tang Lộc liền nói:

– Ngày nọ ở đây bần đạo bị Xích Phát Cự Linh dùng Ma Tiền đả thương, may được Triệu đại hiệp cứu chữa cho. Rồi rời khỏi nơi này bần đạo định truyền thiếp cho giang hồ chuẩn bị đề phòng Bán Bán Tú tái xuất, nhưng bần đạo chưa đi được trăm dặm liền thấy có năm đại đệ tử của Bán Bán Tú theo sau cùng với Xích Phát Cự Linh định giết bần đạo. Mấy lần bần đạo lâm nguy may nhờ có hai tay hậu bối của phái Nga Mi là Đông Phương Ngọc Côn và Khương Tôn Diệu trợ giúp, mới thoát nạn.

Vân Nhạc đột nhiên lộ vẻ tươi cười và hỏi:

– Chẳng hay hai vị thiếu hiệp đó hiện giờ ở đâu? Tang Lộc vẻ lo buồn đáp:

– Hiện giờ hai vị ấy đang lâm nguy, canh ba đêm nay sẽ đấu với môn hạ của Bán Bán Tú và Hồng Kỳ Bang trên Dã Ấp Than, cách Thương Châu chừng bốn mươi dặm.

Vân Nhạc kinh ngạc hỏi tiếp:

– Sao hai người lại kết thù kết oán với Hồng Kỳ Bang? Tang Lộc liền cười đáp:

– Bần đạo cũng không được rõ lắm chỉ nghe nói một thiếu nữ họ La và một thiếu nữ họ Giang bị Hồng Kỳ Bang giỡ thủ đoạn hạ lưu bắt cóc đi, hai người can thiệp nên sanh thù gây oán.

Vân Nhạc hai mắt bỗng sáng quắt vội hỏi:

– Thiếu nữ họ Giang có phải Giang Giao Hồng không? Tang Lộc vỗ đùi một cái đáp:

– Đúng đấy! Lúc ấy vì bần đạo đứng hơi xa, không nghe rõ lắm, bây giờ mới nghĩ ra. Hai vị ấy là La Tương Mai và Giang Giao Hồng.

Nghe đến tên Giang Giao Hồng, Vân Nhạc hồi tưởng lại lúc gặp gỡ nàng ở Thạch Gia Trang, thấy mặt nàng hồng hào, đôi lông mày cau lại, khiến ai thấy cũng phải yêu, nhưng nàng mới đi học võ được nữa năm, sau lại vào giang hồ ngay làm gì? Tang Lộc không biết Vân Nhạc nghĩ ngợi gì, nhưng y cũng đoán thể nào chàng với Giao Hồng cũng có liên can mật thiết, vì y thấy thần sắc khác thường liền hỏi tiếp:

– Chính với tà không thể đứng chung nhau…

Hồng Kỳ Bang và Thanh Phong liên hiệp với nhau làm những việc phi pháp, huống hồ Bán Bán Tú lại tái xuất, nên môn hạ của các chính phái muốn phòng bị không để chúng làm bậy mới ra tay tru diệt chúng trước. Chỉ tiếc rằng vết thương ở cánh tay bần đạo lúc này chưa khỏi, sau lại bị môn hạ của Âm Sơn đánh một chưởng, cho nên mới phải đến đây trốn tránh và dưỡng thương. Bây giở đã được lành mạnh, bần đạo định đi Dã Ấp Than trợ giúp mấy thiếu hiệp đó. Nghe nói thiếu hiệp với anh em Đông Phương thiếu hiệp giao tình rất thân, vậy mong thiếu hiệp ra tay giúp họ phen này.

Vân Nhạc gật đầu và đáp:

– Theo đạo nghĩa thì tất nhiên tôi không thể từ chối, nhưng hai cô nương nọ không biết bị giam giữ ở đâu? Tang Lộc đáp:

– Ở trong một trang viện gần Dã Ấp Than, chẳng hay thiếu hiệp có thể đi cùng bần đạo không? Hay sẽ tới sau? Vân Nhạc ngẫm nghĩ rồi trả lời:

– Tại hạ cần phải xếp đặt một vài việc nữa. Tang lão cứ việc đi trước, canh ba đêm mai tại hạ thể nào cũng tới kịp.

Tang Lộc gật đầu và tiếp:

– Như vậy bần đạo đi trước một bước.

Nói xong lão đạo sĩ chắp tay chào rồi quay mình xuyên qua cửa sổ đi liền.

Vân Nhạc liền nghĩ:

– “Giang Giao Hồng vẫn yêu ta, khổ nỗi một việc chưa xong việc khác đã tới, ta biết làm sao đối phó với bấy nhiêu nàng? Nghị tới đó chàng cảm thấy nản chí vô cùng. lúc này chàng chỉ muốn vai mọc hai cánh để bay về Bảo Hoa Sơn, bên cạnh mộ cha.

Tiếp theo đó, chàng thở dài một tiếng từ từ đi ra đại sảnh. dặn bảo một tên võ sĩ vài câu rồi đi liền.

Dã Ấp Than là một nơi ngã ba sông và cũng là một bãi sậy rộng bao la. Những con vịt trời ẩn núp trong cỏ lau, đua nhau kêu rú. Hàng năm cứ đến mùa thu đầu mùa đông là có hàng nghìn hàng vạn con vịt trời bay lượn trên Dã Ấp Than, trông thật ngoạn mục. Cách nơi đó không xa có một trang viện lớn, chủ nhân là Bát Bộ Cản Thiền Hoàng Phủ Tung vốn là một lục lâm quái kiệt đã ẩn cư lâu năm nơi đây. Võ công của y rất cao siêu, nhất là khinh công không ai có thể hơn được.

Sau y đột nhiên ẩn cư, vì lâu ngày không xuất hiện giang hồ nên cái tên Hoàng Phủ Tung bị lu mờ dần.

Trang viện đó xây trên một cái đồi cao giữa sông, bốn mặt đều là nước, những cỏ lau xung quanh quá cao, che lấp cả trang viện, nên rất ít người biết, và cũng không ai biết Hoàng Phủ Tung ẩn cư nơi đó. Trong một cái lầu nhỏ ở về phía nam trang viện có hai thiếu nữ đẹp tuyệt, tay chân bị trói chặt vẻ mặt rầu rĩ.

Hai thiếu nữ đó mặt không sửa soạn, đầu tóc rũ rượi, nhưng vẫn không mất vẻ đẹp lộng lẫy.

Giang Giao Hồng ai oán thở dài một tiếng, liếc nhìn thiếu nữ mặc áo vàng màu thúy lục ngồi cạnh nàng và nói:

– Chị Mai, nếu Đông Phương sư huynh không biết chị em mình bị giam giữ ở đây, thể nào chúng ta cũng bị chúng lăng nhục, chi bằng chết đi còn hơn.

La Tương Mai cười nhạt một tiếng rồi nói:

– Chết có phải dễ đâu. Hằng ngày, chúng chỉ cởi trói cho chị em mình để ăn uống và thay quần áo một lát thôi. Chúng cũng sợ chị em mình chạy thoát, nên trước khi cỡi dây ra chúng điểm ba yếu huyệt chúng ta trước để chúng ta không sao chạy thoát được. Nhưng Hồng mụội đừng lo, thế nào chị cũng tìm cách để trốn thoát.

Giao Hồng thở dài một tiếng, u oán tiếp lời: Có lẽ không ăn thua gì đâu! Nghe mụ già đó nói, chỉ chờ tên ma đầu dâm ma Bán Bán Tú tới, chúng ta sẽ bị ô nhục ngay.

Tương Mai cũng nản theo, thở dài một tiếng và đáp:

– Bây giờ chỉ còn biết phó thác cho trời! Chị đã dồn hết nội lực vào cánh tay phải, quý hồ có một giây phút may mắn là chị đột nhiên giở Thái Hư Chưởng lực ra thì dù lão tặc công lực cao siêu tới đâu cũng không thể nào tránh né nổi.

Giao Hồng gượng cười, không nói gì nữa, hai mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, trong lòng bối rối vô cùng. Đang lúc hai nàng ruột đau như cắt thì đột nhiên nghe ngoài cửa có tiếng mở khóa, tiếp theo đó cánh cửa mở toang ra. Một bà cụ mặt cú vọt, tóc hoa râm, tay cầm đèn lồng, mang một hộp cơm bước vào. Lão phụ đó đặt đèn lồng lên trên bàn, hai mắt lóng lánh, vẻ mặt nữa cười nữa giận, rồi nói với hai nàng:

– Bán Bán Tú lão tiền bối đã tới, có lẽ ngày mai là ngày đại hỷ của hai cô nương, nên chúng tôi phải sửa soạn sẵn một chút rựơu lạt để mừng.

Hai nàng rùng mình kinh hãi, nhất là Tương Mai trong lòng chua xót hơn. Nàng liền vận chân khí vào tay phải, chờ lão phụ nọ cởi giây trói ra là thừa cơ tấn công ngay. Lão phụ mặt cú vọt vẫn theo thường lệ, ra tay điểm huyệt tê hai nàng trước rồi mới cởi dây sau.

Trong lúc mụ ta giơ hai ngón tay ra điểm vào hông Tương Mai, bỗng Giao Hồng gọi:

– Lão tiền bối…

Lão phụ liền ngưng tay, quay lại nhìn Giao Hồng và hỏi:

– Cô nương muốn hỏi gì thế? Giao Hồng với giọng run run nói:

– Chúng tôi bị giam giữ ba ngày, chân tay tê tái, không còn chút hơi sức nào cả, mong tiền tối dừng điểm huyệt vội, để chúng tôi được dễ chịu đôi chút.

Mụ già mặt cú vọ nghe giọng nói của Giao Hồng có vẻ khác thường liền sinh nghi, hai mắt ngắm nhìn hai nàng một hồi, rồi đột nhiên thất thanh cả cười và nói:

– Hai cô nương đừng có nghĩ vơ nghĩ vẫn. Lão bà đây có phải là người dễ bị mắc lừa đâu.

Nói xong, mụ nọ liền giơ hai ngón tay ra điểm huyệt. Tương Mai bỗng nghe bên ngoài lầu có tiếng chân nhảy xuống rất nhẹ. Mụ già mặt cú vọ biến sắc, vội rụt tay lại, nhanh nhẹn nhảy ra bên ngoài, lớn tiếng quát hỏi:

– Ai đó? Nhưng mụ ta ra tới ngoài cửa, chỉ thấy bốn bề tối đen như mực, gió lạnh phủ mặt không thấy hình bóng người nào cả. Lão phụ ngạc nhiên vô cùng liền nghĩ thầm:

– “Rọ ràng ta nghe có tiếng chân người nhảy xuống, mà sao không thấy gì cả, chẳng lẽ lão bà trúng phải kế Điệu Hổ Ly Sơn chăng:” Mụ ta bèn quay vào trong phòng, thấy hai nàng vẫn ngồi yên trên ghế, tay chân vẫn còn bị trói, liền tươi cười tự nói:

– “Dưới lầu bố trí bao nhiêu tay cao thủ như vậy, người ngoài dù có cánh cũng khó lọt vào. Sao ta lẫm cẫm đến thế” Nghĩ đoạn mụ ta nói với hai nàng nọ:

– Chắc hai cô đã đói lắm, để lão bà cởi trói cho.

Nói xong mụ liền điểm huyệt hai nàng.

Hai nàng vừa nghe tiếng chân người nhảy xuống và thấy mụ già nọ chạy ra trong lòng cả mừng. Mụ ta quay trở vào, cả hai đều mất hết hy vọng và trong thoáng cái đã thấy tay chân giá lạnh.

Bên ngoài lại có tiếng chân nhảy xuống rất khẽ, hai ngón tay của lão phụ chỉ còn cách dưới hông của Tương Mai có hai tất, vội rút lại, bà ta định thần lắng nghe.

Tiếp theo đó, có tiếng lăng long lóc rơi xuống dưới lầu. Sau cùng lại nghe một tiếng “bùng” và dưới lầu đã có tiếng quát nói:

– Chà, con mèo lớn quá.

Mụ già mặt cú vọ vừa lắc đầu vừa cười, rồi mới giơ tay ra điểm huyệt hai thiêu nữ, cởi trói cho hai nàng và bảo ăn uống.

Hai nàng rầu rĩ vô cùng, dù là những thức ăn ngon thật, nhưng làm sao nuốt trôi nên cứ cầm đũa mà không và được miếng nào. Mụ già cười quái dị mấy tiếng, lườm hai nàng một cái định lên tiếng nói, bỗng nghe ngoài cửa có tiếng gọi:

– Long đại tẩu, trại chủ cho gọi đại tẩu đấy. Mụ già bỗng biến sắc quát hỏi:

– Người nào vừa truyền lời đấy? Mụ ta vừa hỏi vừa xuyên qua cửa sổ nhảy ra ngoài. Bỗng có tiếng trả lời:

– Tôi, Bành Nhị Hổ đây.

Tiếng nói từ xa vọng tới, khi đến chữ Hổ thì chỉ cách có hai mươi trượng thôi.

Tương Mai liền nói với Giao Hồng:

– Đó là kế Điệu Hổ Ly Sơn, người nào đó tới đây chắc thế nào cũng thấy sự canh gác nghiêm mật, vả lại thấy máy móc ở nơi này cũng nguy hiểm nên mới dùng kế đó. Nhưng không biết đó là Đông Phương sư huynh hay Khương sư huynh nhỉ? Giao Hồng nghe Tương Mai nói tới Đông Phương sư huynh thì vẻ mặt tươi cười, hai má đỏ bừng, nàng buồn cười nghĩ thầm:

– “Không ngờ chữ tình lại lợi hại đến thế! Thân mình đang ở chốn nguy hiểm mà còn si tình như vậy!” Nghĩ đoạn nàng liếc nhìn Tương Mai khẽ cười một tiếng, Tương Mai là người rất thông minh, làm sao nàng không hiểu rõ ý nghĩa của tiếng cười ấy, nên nàng lườm Giao Hồng một cái rồi quay mặt ra ngoài cửa sổ.

Bỗng có một luồng gió mạnh thổi vào, hai nàng thấy mắt hoa lên và trước mặt đã có một đạo sĩ rất xấu xí đứng sừng sững. Hai nàng sợ hãi vô cùng, vì từ khi bị nhốt trên lầu cát này đến giờ, hai nàng chưa từng thấy một người đàn ông nào đột nhập nên tưởng lầm đạo sĩ đó là Bán Bán Tú.

Hai nàng dư biết hễ Bán Bán Tú tới nơi, thì trinh tiết mình sẽ bị tên ác ma đó hủy hoại.

Đạo nhân thấy sắc mặt của hai nàng, liền mỉm cười và khẽ nói:

– Hai cô nương chớ lo sợ, bần đạo là Bát Chưởng Tang Lộc mạo hiểm đột nhập vào đây để chuyển lời Tạ thiếu hiệp cho Giang cô nương hay rằng thiếu hiệp sẽ tới cứu.

Giang Hồng nghe tên Vân Nhạc vừa mừng rỡ vừa kinh hãi, định lên tiếng thì Tang Lộc khẽ xua tay và bảo:

– Bần đạo ở Dã Ấp Than đã gặp Đông Phương thiếu hiệp và Khương thiếu hiệp. Hiện giờ hai vị ấy đang bị người ta cản trở, bần đạo phải dùng kế Kim Thiền Thoát Xác mới vào đây được. Nhưng cách điểm huyệt của mụ già nọ kỳ dị lắm, bần đạo không sao giải được. Nếu bần đạo miễn cưỡng giải huyệt cho hai vị thế nào cũng bị thương tổn. Đang lúc vô kế khả thi, bần đạo mới dùng mẹo dụ Long Bà Tử ra bên ngoài, để khuyên hai cô nương cứ giả bộ ăn uống như thường để mụ già đó khỏi nghi ngờ, đợi chờ giây lát Tạ thiếu hiệp tới rồi sẽ định đoạt sau.

Nói rồi, Tang Lộc mặt hơi biến sắc, nhanh nhẹn xuyên qua cửa sổ lẻn chạy luôn. Hai nàng cũng vừa thấy có người tới, vội cầm bát đũa lên ăn uống như thường.

Chỉ thoáng cái từ bên ngoài đã có hai người lẵng lặng bước vào, một người là một ông già râu đen mặt gầy gò thân hình rất cao, còn người kia là cụ già mặt cú vọ, nhưng lúc này trên lưng mụ ta đã có đeo một thanh trường kiếm.

Lão Phụ thấy hai nàng chịu ăn uống, trong phòng không thấy có gì khác lạ thì ngạc nhiên vô cùng, nhìn ông già râu đen nói:

– Việc này lạ thật! Vừa rồi Bành Nhị Hổ bảo trang chủ có việc muốn kiếm tôi, tới khi tôi phi thân xuống dưới lầu thì không thấy Nhị Hổ đâu cả, và trang chủ cũng bảo không có cho người gọi tôi bao giờ. thế nào cũng có bí ẩn gì đây? Ông già râu đen sầm nét mặt lại, cười nhạt đáp:

– Đây rõ là kế Điệu Hổ Ly Sơn. Trong khi bà xuống lầu thì người nọ đã lên tới trên này, y thấy không giải nỗi yếu huyệt của hai nàng liền rút lui ngay. Nếu bà không tin, lão phu hỏi thử hai nàng kia sẽ biết.

Ông già râu đen không thấy nhún vai gì cả mà đã nhanh nhẹn tới trước mặt hai nàng. Hai cô nương cứ cúi đầu và cơm, làm như không nghe và không thấy gì cả. Nhưng sự thật trong lòng hai nàng rất hoảng sợ.

Hoàng Phủ Tung nhếch mép cười và hỏi:

– Vừa rồi hai vị cô nương có thấy người nào vào trong lầu này không? Y vừa dứt lời thì từ ngoài cửa sổ đã có mấy viên màu xanh nhanh như điện chớp nhằm Hoàng Phủ Tung bay tới. Lão phụ mặt cú vọ vội la lớn:

– Trang chủ cẩn thận.

Hoàng Phủ Tung vội tránh sang trái năm thước, mười mấy viên ám khí xanh đó bắn cả vào vách, lửa xanh tung tóe ra tứ phía. Hoàng Phủ Tung cùng lão phụ xuyên qua cửa sổ phi ra, chỉ thấy một bóng đen ở trên cao nhảy xuống, Hoàng Phủ Tung cười nhạt và nói:

– Long đại tẩu, hãy ở lại nơi này để lão đi bắt kẻ địch cho! Y chưa kịp bước chân đi đã nghe bên dưới có tiếng kêu la thảm khốc. Y biết ngay thủ hạ của y đang bị kẻ địch hại. Y tức giận vô cùng, vội móc trong túi ra một vật ném xuống, liền thấy ánh sáng đỏ tỏa ra, bên dưới tỏ rạng như ban ngày.

Hoàng Phủ Tung lớn tiếng gọi:

– Chớ có buông cho kẻ địch chạy thoát.

Đoạn y tung mình nhảy lên tựa như chim đại bàng giương cánh theo gió lượn xuống. Thấy hồng quang xuất hiện, một số hảo thủ trong trang viện vội vàng tiến về phía trước.Hoàng Phủ Tung giở khinh công Bát Bộ Càn Thiên, thân mình như điện chớp, không bao lâu đã vượt qua các hão thủ trong trang.

Trong bóng tối, Hoàng Phủ Tung chỉ thấy một bóng người nhảy một cái đã ra xa mười trượng, rồi rẽ sang đông tránh sang tây mà bôn tẩu.

Y lớn tiếng cười nhạt và gọi:

– Bạn kia hà tất phải nhỏ mọn như vậy. Hoàng Phủ Tung xưa nay vẫn hiếu khách, sao bạn qua cửa lại không vào chơi? Nếu bạn không ngừng bước thì Hoàng Phủ Tung đây bắt buộc phải giữ bạn lại.

Nói xong, chỉ thấy y nhún nhảy mấy cái đã tới chỗ cách người nọ có mấy trượng thôi. Đột nhiên nghe người ở trước mặt quát lớn:

– Hoàng Phủ Tung sao ngươi cứ cưỡng ép người ta vậy? Ta không thèm gặp mặt mi thì mi sẽ làm gì nào? Nói xong người đó ha hả cả cười. Rồi chỉ nghe kêu soẹt một tiếng, người nọ đã nhảy lên một cây cổ thụ cao chót vót.

Lúc người nọ vừa cười vừa tung mình nhảy lên, thì lão trang chủ đã nhanh nhẹn tới nơi rồi, y vội giơ tay ra định chộp cánh tay của người nọ, ngờ đâu người nọ tung mình lên cao nữa. Hoàng Phủ Tung bắt hụt, tức giận vô cùng, cũng tung mình lên theo, nhưng chân của y chưa đụng tới cành cây, thì bỗng thấy một sức mạnh tuyệt luân từ đỉnh đầu đè thẳng xuống, y hoảng kinh nhưng thân mình đang lơ lững trên không y không sao lấy sức được mà chống đỡ đối phương, bèn giở thân pháp Thiên Cân Trụy ra, nhanh nhẹn hạ ngay xuống mặt đất.

Đồng thời, một cành cây khô như bóng theo hình rớt nhằm đỉnh đầu y. Y vội múa song chưởng gạt mạnh một cái, mới hay đó là cành cây rụng, y tức giận tới đỏ bừng mặt.

Người trên cây lớn tiếng cười một cách ngông cuồng và nói:

– Hoàng Phủ Tung ngươi chớ nóng lòng muốn gặp ta vội, chỉ trong chớp mắt thì tới canh ba rồi, chừng ấy tại Dã Ấp Than này sẽ có một trận chiến, chẳng lẽ bạn quên ước hội chí tử của chúng ta rồi sao? Tới lúc ấy, thể nào bạn cũng gặp ta. Nhưng có lẽ chưa tới sáng mai, trang viện này đã thành bình địa rồi. Lúc bấy giờ, bạn muốn gương nanh múa vuốt cũng chưa muộn mà.

Người đó nói xong đã mất dạng. Trên ngọn cây không còn tiếng động gì nữa. Hoàng Phủ Tung biết người đó đã đi xa, dù có đuổi cũng không kịp. Khi ấy các hảo thủ trong trang cũng lục đục tới nơi. Hoàng Phũ Tung quay mặt lại quát lớn:

– Ai nấy trở về chòi canh của mình mà canh gác, phải cẫn thận mới được. Lúc canh ba, lão phu đi Dã Ấp Than, tới lúc ấy lại càng phải đề phòng cẩn mật hơn, vì sẽ có người đến phá trang viện đấy.

Nói xong y liền chạy thẳng về phía giữa trang.

Nhắc lại lão phụ mặt cú vọ chờ Hoàng Phủ Tung đi xa rồi bèn quay mình định trở lên lầu, bỗng nghe sau lưng có người rờ một cái, kinh hãi quay lại thì thấy một thiếu niên mặt lầm lỳ đang đứng sừng sững ra đấy.

Mụ già đó lùi lại hai bước và nghĩ thầm:

– “Tại sao tối hôm nay hai mắt của ta lại kém đến thế? Mọi khi hoa rơi lá rụng ở ngoài mười trượng ta cũng còn nghe thấy mà sao thiếu niên này tới nơi mà ta không hay biết gì cả? Vậy chẳng lẽ người này lại có khinh công tuyệt đỉnh xuất thần nhập quỷ chăng?” Đoạn mụ ta lấy cái móc dài ra nhằm các yếu huyệt trên người thiếu niên mà đánh tới.

Chỉ thấy thiếu niên nọ khẽ cười một tiếng, tránh luôn những thế công của mụ, rồi thuận thế luồn luôn vào phía cửa. Mụ già mặt cú vọ quát lớn một tiếng, đuổi theo liền.

Tương Mai và Giao Hồng bỗng thấy một thiếu niên mặc áo đen lẽn vào nhanh như chớp. Dưới ánh đèn, hai nàng thấy bộ mặt của thiếu niên đó âm thầm lầm lì một cách đáng sợ.

Nhưng Giao Hồng trông thân mình và thái độ của thiếu niên rất quen mắt, không khác gì Vân Nhạc mà nàng từng mơ tưởng bấy lâu. Nhưng bộ mặt của người đó quái dị, nàng mới kinh hãi và ngạc nhiên.

Mụ già mặt cú vọ quát tháo và múa móc xông đến đâm thẳng vào lưng thiếu niên. Thế công của mụ lợi hại vô cùng, hai nàng đoán chắc thiếu niên đó không sao thoát khỏi song câu của mụ kia. Ngờ đâu thiếu niên nọ chỉ giơ tay phải lên, búng mạnh vào làn ánh sáng song câu của đối thủ một cái, thì trường câu đã bị đánh bật ra, cả mụ già cũng bị đẩy lui về phía sau, loạng choạng mấy bước mới đứng yên được. Mụ già mặt cú vọ thấy thế võ của thiếu niên quái dị kinh hãi vô cùng, đồng thời mụ cảm thấy cổ tay tê tái như mất hết sức lực. Mụ liền trợn mắt lên, nhìn đối phương mà không sao đoán ra được lai lịch của người đó.

Thiếu niên nọ lại cười nhạt một tiếng rồi nói:

– Môn song câu của mi chỉ có thế thôi sao, nếu thiếu gia muốn lấy tánh mạng của mi thì đã ra tay rồi, khi nào còn để cho mi sống mà đứng đó. Mụ có mau giải huyệt cho hai cô nương kia không? Giao Hồng đã nhận ra tiếng nói của Tôn Nhạc, mà mấy ngày trước đây nàng mới biết là Tôn Nhạc chính là Vân Nhạc. Nàng hớn hở tươi cười.

Nàng không hiểu tại sao Vân Nhạc lại bắt lão phụ kia giải huyệt cho hai nàng, vì nàng biết với công lưc của Vân Nhạc, chàng đủ tư cách giải huyệt cho hai nàng. Nhưng nàng có biết đâu, sở dĩ Vân Nhạc không ra tay giải huyệt cho hai nàng là vì thâm ý bên trong.

Từ khi thấy mấy người vợ chưa cưới ghen tuông và làm cho chàng phải phật ý, chàng đã chán nản không muốn dính líu đến tình nghiệp nữa. Nếu chàng ra tay giải huyệt cho hai người, thế nào cũng đụng chạm đến da thịt, mà một khi hai nàng nhất định đổ diệt cho chàng đã đụng chạm đến thân thể thanh bạch và bắt chàng cưới làm vợ, có phải chàng gánh thêm sự phiền não không? Giang Giao Hồng không rõ ý của Vân Nhạc, vội gọi:

– Vân đại ca, anh hãy diệt trừ mụ già ấy đã, rồi hãy giải huyệt cho chúng em, khỏi mất thời giờ.

Vân Nhạc nghe Giao Hồng nói giọng thân mật như vậy, càng hoang mang thêm, không biết xử trí ra sao. Mụ già mặt cú vọ cười nhạt một tiếng rồi nói:

– Tiểu tử xấu xí kia, ở đâu dám làm bộ làm tịch trước mặt lão bà vậy? Ngươi dùng võ nghệ chân thật mà thắng nổi trường câu trong tay lão bà thì lão bà này bằng lòng giải huyệt cho hai nàng kia ngay. Bằng không, ngươi có cứu khỏi hai nàng ra khỏi đây cũng vô ích, vì không giải huyệt cho hai nàng thì hai nàng chỉ là hai phế nhân mà thôi.

Vân Nhạc nghe giọng của mụ đã biết đối phương nói mạnh miệng mà trong lòng đã khiếp sợ rồi. Nhưng mụ còn ỷ ở môn điểm huyệt độc đáo để uy hiếp.

Chàng bèn lớn tiếng cười và đáp:

– Mi nói thiếu gia xấu xí, vậy bộ mặt của ngươi đã hơn ta là bao? Nghe giọng nói của mi, ta chắc mi bảo thủ pháp của ta vừa rồi phá tan câu pháp của mi bên trong thể nào cũng có chút tà dị phải không? Bây giờ thiếu gia cho mi tấn công lại, thiếu gia hẹn chỉ trong ba hiệp sẽ làm cho trường câu trong tay mi rơi xuống đất để mi biết phục ta mới được.

Lão phụ mặt cú vọ không chờ Vân Nhạc nói dứt lời đã rú lên một tiếng cầu cứu, nhưng mụ vừa hả miệng thì má bên phải bị đánh một bạt tay nháng lửa, mắt nổ đom đóm, má sưng vù.

Vân Nhạc cười nhạt tiếp:

– Mi đừng hòng lên tiếng cầu cứu, bất cứ ai lúc này cũng không thể cứu nỗi mi đâu. Mi muốn thua một cách tâm phục khẩu phục thì mau giở câu ra tấn công đi. bằng không thì mi giải huyệt cho hai cô nương kia, như vậy ta sẽ tha chết cho.

Lời nói của chàng câu nào cũng như chém đinh chặt sắt, mụ già nọ phân vân vô cùng, bèn lùi lại hai bước, giở trường câu ra định tùy cơ mà tấn công lén.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.