Tố Thủ Kiếp

Chương 45 - Thần Quyền Kinh Ác Quỷ - Tố Thủ Khiếp Cao Tăng

trước
tiếp

Bách Đại đại sư than rằng:

– Tướng công liệu việc đúng lắm! Ta nhận thấy trong số ám khí tung ra đó, có đủ các loại mũi tiêu sắc, tên nỏ, đạn, phi đao, luôn cả đá, gạch ngói nữa. Đủ thứ!

Nói tới đây, Bách Đại mỉm cười rồi tiếp:

– Thủ đoạn phóng ám khí của họ tuy chẳng cao siêu lắm, nhưng đều là những tay từng lăn lộn giang hồ, nên cũng khá mạnh, và chuẩn xác hơn người thường. Giả như chỉ có vài chục ngọn ám khí thôi thì bọn người áo đen kia có thể đối phó lại dễ dàng. Nhưng số ám khí phóng ra quá nhiều, lại liên tiếp không ngớt. Ngoài ra đàn bà con nít trong làng còn hò hét trợ oai, có kẻ vác cả chậu vỡ, bát vỡ, thanh la, khua đập ầm ầm lên… Ái chà!

Nhâm Vô Tâm bật cười mà rằng:

– Thanh thế thực là kinh người!

Bách Đại cũng cười:

– Thanh thế ấy quả thực hãi người! Bần tăng tuy qua lại trên chốn giang hồ lâu rồi, vậy mà cũng chưa từng thấy như thế bao giờ… Bọn áo đen tuy là những tay “giết người không chớp mắt”, vậy mà trước tình thế ấy cũng hoảng vía, đâm ra luống cuống. Tên chúa trùm thấy vậy, tuy có gầm thét như sấm, nhưng cũng chẳng thể hạ lịnh giết hết đàn bà con nít đi.

Nhâm Vô Tâm vỗ tay cười ầm lên:

– Lý thú thực! Không ngờ bọn bảy mươi hai tay Địa Sát của Nam Cung thế gia mà cũng chịu bó tay trước tụi đàn bà con nít, đủ thấy lực lượng quần chúng thật kinh khủng.

Bách Đại đại sư nói:

– Bần tăng thấy vậy, vừa kinh ngạc vừa tức cười. Chợt nghe bên ngoài nhiều người giục giã bần tăng mau chạy đi. Họ nói: “Khỏi lo! Bọn áo đen chẳng dám giết hết cả làng này đâu! Hãy chạy đi cho mau!” Nghe nói vậy, bần tăng hết sức cảm kích, bèn thừa lúc rối loạn, phá vòng vây thoát ra ngoài! Ái chà! Nếu như ở thôn xóm khác thì làm gì mà có những người hào khí và đoàn kết đã cứu được bần tăng như ở thôn xóm đó… Nếu ở chỗ khác thì… khỏi phải nói, thì lúc này bần tăng còn đâu mà gặp được tướng công nữa!

Nhâm Vô Tâm nói:

– Ở hiền gặp lành! Câu nói ấy quả thực đúng!

Bách Đại thở phào một cái, nói tiếp:

– Ra khỏi vòng vây rồi, điều thứ nhất nghĩ tới là việc Nhâm tướng công sống chết ra sao. Khốn nỗi trên chốn giang hồ dù ai có phong thanh biết đến việc “Nam Cung thế gia” hoặc nghe ai hỏi đến “Nhâm Vô Tâm” thì họ cũng đều “kín miệng như bình đóng nút”. Dẫu có biết tin tức gì cũng chẳng ai dám nói ra.

Nghe nói vậy, Nhâm Vô Tâm không khỏi lo ngại. Không phải lo ngại vì lời đồn “Nhâm Vô Tâm sống hay chết”. Chàng lo phiền vì thấy rằng trên giang hồ, người ta tránh không muốn nói đến ba chữ “Nhâm Vô Tâm”! Như vậy đủ tỏ rằng trong một thời gian ngắn thôi mà thế lực của Nam Cung thế gia đã bành trướng khá lẹ trong làng võ lâm! Đủ thấy rằng bề ngoài tuy chưa phát động mà bề trong họ đã ngấm ngầm bố trí gấp, trong khi đó thì về phía mình chưa phát triển bố trí gì cả. Rõ ràng là mình bị lạc hậu xa quá.

Chợt lại nghe Bách Đại nói:

– Việc thứ nhì khẩn cấp là Huyền Chân đạo trưởng đã ước hẹn với bần tăng. Vậy mà tại sao vẫn chưa thấy tới? Đạo trưởng tuy là võ sĩ phái Huyền Môn, nhưng coi trọng lời nói, coi thường sống chết! Trừ phi có sự trở ngại lớn lao, quyết không bao giờ thất ước!

Ông chép miệng thở dài rồi tiếp:

– Bần tăng đi tìm kiếm đó đây, chẳng những không thấy tung tích, mà luôn cả tệ sư huynh cũng đột nhiên mất đứt liên lạc. Chao ôi! Chỉ tại bọn ta phân tán, ngày thường còn có ghi dấu hiệu ngầm để tiện liên lạc. Nhưng gần đây không tìm ra ám hiệu để lại, bần tăng đâm ra hoang mang. Nhất là một khi cáo biệt với Nhâm tướng công rồi thì âm tín bị cắt đứt. Chợt nhớ tới Nhâm tướng công từng nói về con đường tắt đi tới chỗ “Tử Cốc”, bần tăng vội vã mò tới. Có ngờ đâu là vì tánh lỗ mãng, làm kinh động bọn người quan hệ kia, khiến họ tẩu thoát mất dạng.

Ngày thường Bách Đại vốn là tay tính tình hào phóng. Vậy mà lúc này phải thốt lên lời than thở buồn nản, đủ biết là sự thế như thế nào! Còn Nhâm Vô Tâm thì cúi đầu, chau mày, không nói nửa lời. Bách Đại lại nói:

– Giờ đã gặp tướng công đây, vậy thì điều lo lắng lúc này là tung tích của Huyền Chân đạo trưởng với sư huynh của bần tăng. Họ tuy là những tay võ nghệ thượng đẳng trong võ lâm, nhưng về lịch duyệt giang hồ thì chưa có gì. Trong khi tới đâu cũng là cạm bẫy, lừa lọc, tránh sao khỏi…

Nhâm Vô Tâm nói:

– Tại hạ vừa nói rằng “Ở hiền gặp lành”. Bách Nhẫn đại sư với Huyền Chân đạo trưởng đều là người đức trọng, dù gặp việc dữ cũng hoá việc lành.

Bách Đại đại sư nói:

– Vô luận là thế nào, bần tăng đã gặp được Nhâm tướng công thì mọi việc đều do tướng công chủ định. Bần tăng tạm yên lòng!

Thấy đại sư hết sức tín nhiệm ở mình, Nhâm Vô Tâm cảm thấy trách nhiệm mình càng nặng, bất giác chép miệng lẩm bẩm nói một mình:

– Chỉ tại mình quá sơ ý, coi thường! Nếu như mình không bị thương thì có phải là… Ối chà!

Nói tới đây, hình ảnh Trần Phượng Trinh với bộ mặt xanh nhợt, thần thái mơ hồ với đôi mắt lạ lùng lại hiện ra trước mặt chàng. Kế đó đến hình ảnh Điền Tú Linh với cái nhìn tình tứ, với dáng điệu thanh tú đáng thương và nhất là bộ điệu đau khổ khi nàng bị ngăn giữ lại ở ngoài thạch thất, lần lượt diễn hiện ra.

Thấy chàng đột nhiên không nói, Bách Đại đại sư lại tiếp:

– Từ nay mọi hành động của bần tăng đều do Nhâm tướng công điều khiển.

Nhâm Vô Tâm trấn tĩnh lại, mỉm cười mà rằng:

– Đại sư quá khiêm tốn! Hai chữ “điều khiển” tại hạ không dám nghĩ tới!

Bách Đại lớn tiếng mà rằng:

– Điều khiển cũng được! Mà chẳng điều khiển thì cũng được! Việc đến thế này, ruột gan bần tăng rối loạn rồi. Nhâm tướng công bảo ta nhảy vào nước hay lăn vào lửa ta cũng làm.

Lúc thì xưng ta, lúc thì xưng là bần tăng, giọng nói vô cùng phẫn khích.

Thấy vậy Nhâm Vô Tâm không dám khiêm nhượng nữa, bèn nghiêm nét mặt lại mà rằng:

– Đại sư nhận định đúng lắm! Việc đã gấp rút như bây giờ, quyết không chậm trễ được nữa. Trong đó có ba việc khẩn cấp như lửa cháy ngang mày rồi! Việc thứ nhất là trước hãy tìm kiếm cho được lệnh sư huynh cùng Huyền Chân đạo trưởng. Vì đã tới kỳ quyết chiến rồi, chúng ta không thể thiếu hai người ấy được!

Bách Đại gật đầu nói:

– Tướng công nói phải lắm! Chẳng những thế, nếu sư huynh của bần tăng có điều gì chẳng lành xảy tới thì bần tăng không muốn sống một mình để trở về Thiếu Lâm nữa!

Nhâm Vô Tâm thở dài, nói tiếp:

– Việc thứ hai là, khi trước hồi còn đi đó đi đây, tại hạ từng bố trí nhiều nơi bí mật. Đại để như ở trong hang bí mật nọ mà có những tay Thần Y bậc nhất trên đời này, đó chỉ là một trong nhiều hang bí mật khác mà thôi. Lâu lắm tại hạ chưa có dịp liên lạc với họ, vậy thì giờ đây cũng phải kịp tìm đến mới được.

Bách Đại đại sư nói:

– Phải đó! Việc đó không thể trễ được!

Nói tới đây, ông chợt nghĩ đến một việc, bèn hỏi:

– Nếu như họ nghe thấy tin tướng công đã chết rồi, thì họ sẽ ra sao?

Nhâm Vô Tâm rùng mình, la lên:

– Ái chà! Hỏng mất! Nếu họ tin rằng tại hạ đã chết rồi thì… thì sẽ sinh ra nhiều biến cố…!

Bách Đại đại sư lẩm nhẩm nói:

– Mình nghe tin Nhâm tướng công chết cũng đâm ra chán ngán, đã toan liều mạng đánh nhau với bọn Nam Cung thế gia. Nay bọn họ mà nghe tin chẳng lành, hẳn là họ cũng sẵn sàng thí mạng lắm!

Vội nghĩ sang việc khác, cất tiếng hỏi:

– Vậy thế còn việc thứ ba là việc gì?

Nhâm Vô Tâm buồn rầu nói:

– Tức là việc Điền Tú Linh cô nương. Nếu như chẳng may lọt vào tay Nam Cung thế gia thì khỏi phải nói, đại sư cũng rõ kết quả sẽ tàn khốc đến thế nào?

Bách Đại hỏi:

– Điền cô nương, phải chăng là… cùng đi với tướng công tới. Tại sao đến thất lạc được?

Nhâm Vô Tâm thở dài:

– Việc nàng lìa khỏi đây, tại hạ không sao… giữ được. Có điều rằng nếu như bị rơi vào tay Nam Cung thế gia thì chẳng những suốt đời tại hạ ân hận, mà nhiều bí mật của bọn ta sẽ bị Nam Cung thế gia biết rõ.

Bách Đại đại sư nói:

– Cả ba việc cùng khẩn cấp cả! Vậy thì chúng ta phải đi ngay! Còn đứng đây làm gì?

Nhâm Vô Tâm nói:

– Đại sư vừa mới bôn ba ngàn dặm. Vậy hãy nghỉ ngơi cho…

Bách Đại đại sư ngắt lời, nói luôn:

– Việc hệ trọng như vậy, dù có mỏi mệt đến chết cũng không dám trì trệ, khiến lỡ làng hết thảy!

Nhâm Vô Tâm mừng rỡ, nói:

– Có được tấm lòng sốt sắng như đại sư, thì lo gì việc lớn chẳng thành!

Dứt lời, chàng hăng hái đứng phắt lên, ngửa mặt nhìn trời, nghĩ ngợi giây phút rồi nói:

– Vậy thì trước hết chúng ta tìm đến vùng “Kim bồn cư”, một là có thể xem xét coi Huyền Chân đạo trưởng có để lại dấu hiệu gì chăng, hai là cũng nên biết tình hình dân cư ở đó yên nguy ra sao, sau vụ đại sư được giải vây thoát khỏi…

Chàng chụp lên đầu chiếc mũ nhỏ bằng da, thế là hai người tất tả xuống núi, mua thêm một bộ đồ mặc xấu xí.

Bữa ấy, mặt trời đã gác núi, bảng lảng hoàng hôn, chính là lúc kẻ lữ hành kết thúc một ngày hành trình, tìm vào nhà trọ. Nhưng hai người vì sốt ruột, bèn cứ gấp bước tiếp tục lên đường.

Cho tới lúc mờ sáng, hai người đã đi được hai trăm dặm. Nhâm Vô Tâm nói:

– Chúng ta không nên hao phí sức quá. Lỡ có việc gì xảy tới thì còn sức đâu đối phó. Vậy cũng phải kiếm nhà trọ, trước là ăn uống, sau là tắm rửa, nghỉ ngơi.

Bách Đại đại sư nói:

– Cần gì khách sạn. Gặp toà miếu hoang, nơi huyệt động nào đó, nghỉ ngơi cũng được!

Nhâm Vô Tâm mỉm cười mà rằng:

– Hang động hay toà miếu cổ, đều là chỗ mà Nam Cung thế gia rất chú ý. Cho nên tốt hơn hết là tìm nhà trọ. Nơi đó đông người ra vào, ít ai để ý đến mình.

Bách Đại đại sư than rằng:

– Bần tăng thực không nghĩ ra điều ấy!

Nhâm Vô Tâm nghiêm trọng nét mặt lại, nói:

– Chúng ta phải hết sức đề phòng. Nếu gặp kẻ khả nghi thì phải hạ thủ trước là hơn!

Bình nhật chàng nói năng ôn nhã, nét mặt lúc nào cũng đầy “xuân phong hoà khí”. Lần này chàng nói với giọng gay gắt quyết liệt, vì chàng biết rằng Bách Đại đại sư đầy lòng từ bi bác ái, tính lại hào phóng. Hai điểm ấy rất dễ bị bọn Nam Cung thế gia lợi dụng, nên phải dặn dò Bách Đại như vậy. Về phần Bách Đại thì từ lúc này một niềm vâng vâng dạ dạ theo ý chàng. Hai người sau đó liền tìm vào khách sạn tạm nghỉ.

Ngày thì nghỉ, đêm ra đi, hai bữa sau đã tới địa phận Kim bồn cư. Lúc đó mặt trời hầu như gác núi, nhà nào nhà nấy đều lo nấu ăn, khói từ mái nhà tuôn lên mù mịt.

Hai người nhận thấy một khu nọ, nhà cửa liền hàng như răng lược, lạ một điều là trên nóc mái không có khói tuôn lên, luôn cả tiếng gà kêu chó cắn cũng không!

Bách Đại đại sư nói:

– Coi tình hình kia, có vẻ như là…

Nhâm Vô Tâm nói:

– Chúng ta xét đoán vội vàng quá! Hãy vào tận nơi coi.

Hai người lúc đó đã thay mặc áo dài bằng vải thô, đầu đội nón, chụp xuống quá nửa mặt.

Bách Đại rảo bước đi lên trước. Vào tới bên trong thị trấn rồi thì bước chân ông ta bỗng chậm hẳn lại, có vẻ nặng nề khó nhọc, mặt tái xanh hẳn đi! Nguyên vì trước kia, nơi tiểu trấn này đông đúc náo nhiệt. Vậy mà lúc này thì vắng tanh, và đường lối dường như được chùi rửa nhẵn bóng lên.

Nhâm Vô Tâm cùng Bách Đại, đại để cũng nghĩ rằng: “Nơi đây vì sao mà quét rửa sạch sẽ thế này? Phải chăng là… họ lau rửa những… vết máu?”

Nhìn hai bên đường, nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm và trong mười nhà thì tới năm, sáu nhà, ngoài cửa có treo màn tang bằng sô gai! Tai nghe, ngoài tiếng gió thổi vào màn tang phần phật thì bốn bề yên lặng như tờ…

Chợt nghe thoảng có tiếng than khóc. Hai người vội tìm đến. Nhưng vừa tiến lên độ mười bước thì tiếng khóc đã im bặt. Bách Đại sốt ruột đưa tay định gõ cửa thì Nhâm Vô Tâm kịp ngăn lại mà rằng:

– Coi tình hình thế này thì đại sư vừa rồi đoán đúng. Ở đây có tai họa lớn. Nhưng việc xảy ra rồi, ta nên bàn kỹ đã. Bằng cách nào khiến cho kẻ còn sống đỡ phần đau xót, kẻ chết rồi được an ủi nhắm mắt. Nếu lúc này ta lỗ mãng, đã vô ích cho công việc và chỉ thêm phần đau xót cho người sống thôi.

Nghỉ một chút, chàng lại hỏi:

– Sau khi đại sư đi khỏi đây, làng xóm này hẳn là nhiều kẻ bị giết. Ấy mà…

Chàng bỗng ngừng lại, tai chợt nghe thấy gì lạ, vội nắm tay Bách Đại giật mạnh một cái. Hai người cùng nhảy phóc lên đỉnh nóc, nép mình sau mái. Thấy Bách Đại còn ngơ ngẩn, Nhâm Vô Tâm sẽ nói:

– Đại sư lưu ý nghe trên con đường chúng ta đi tới đây có gì lạ!

Bách Đại đại sư nín thở, lắng tai… Một lúc sau nhận ra tiếng vó ngựa phi, lại một lát rõ ràng là đoàn người ngựa đi vào trong xóm. Chỉ loáng cái, có tiếng người hò hét, lẫn tiếng vó ngựa và tiếng chân đi rậm rịch. Bách Đại đại sư nghĩ thầm:

– Có lẽ là bọn lữ khách, con buôn gì đó. Có gì mà Nhâm Vô Tâm phải quá cẩn thận đến thế!

Vừa nghĩ đến đây, nhìn ra đoàn người đã tiến đến đầu xóm. Họ nhìn trước sau một chút đoạn nối đuôi nhau kéo vào bên trong.

Bách Đại giật mình, nhận ra đi đầu là bốn người cao lớn, ăn vận đồ đen, vai lồng đòn gánh. Cứ hai người gánh một chiếc rương coi có vẻ nặng trĩu lưng xuống. Theo sau là bốn người to lớn cũng vận đồ đen, khiêng một chiếc kiệu. Nóc kiệu màu lục, rèm buông chung quanh, không rõ nhân vật nào ngồi bên trong.

Sau kiệu là bốn đại hán đi bộ, cũng ăn vận đồ đen, lưng đeo dao dài. Ngoài ra còn hai người ăn vận đen, có vải che mặt, dáng cao mà gầy, mỗi người cưỡi một con ngựa sắc đen nhánh, đi kèm hai bên kiệu.

Gần lúc hoàng hôn, mà một tiểu trấn lặng lẽ giữa những màn tang buông rủ, đột nhiên có một toán người ngựa như thế tiến vào, thực khiến ai gan dạ mấy cũng phải kinh hoàng, ớn cả xương sống!

oOo

Bọn người ngựa tiến vào đến giữa đường lớn thì dừng lại. Bốn đại hán lập tức đặt hai chiếc rương xuống. Người cưỡi ngựa phía bên trái vụt nhảy xuống đất, thân pháp lẹ làng không thể tả được.

Hắn tới trước chiếc kiệu, sẽ sẽ nói mấy câu. Người trong kiệu hình như cũng dặn bảo điều gì đó!

Đại hán quay đi, tiến lên mấy bước rồi cất tiếng:

– Xin kính chào các vị phụ lão huynh đệ trong thị trấn này! “Võ Lâm Đệ Nhất Gia” Nam Cung thế gia tới thăm quý vị!

Tiếng nói của đại hán rõ ràng, tuy không nói to mà vang vang tuôn đi, khắp xóm xa gần đều có thể nghe rõ hết.

Nhâm Vô Tâm có một đặc khiếu là bất luận tiếng ai nói, hễ nghe qua một lần đều có thể nhớ mãi. Chàng nhận ngay ra tiếng nói ấy là Hoàng Phủ Thiếu Hồng.

Hai bên đường đều cửa đóng then gài lặng ngắt như tờ. Bách Đại đại sư thấy vậy, nghĩ thầm:

– Phải chăng mọi người trong xóm đều đi hết cả rồi?

Đại hán áo đen, đứng yên lặng ôm tay quyền đưa lên ngang cằm. Đợi một lúc lâu, không thấy có gì lạ, hắn lại cất giọng trịnh trọng nhắc lại câu hắn vừa nói, khác nào như một du khách tới thăm hỏi một người bạn vậy.

Lần này hắn vừa dứt tiếng, thì đột nhiên từ khoảng cuối con đường lớn có tiếng cánh cửa mở ra, rồi từ trong khuôn cửa sổ có tiếng hỏi:

– Võ Lâm Đệ Nhất Gia! Hừ! Các người lại… Các ngươi lại tới đây làm gì… nữa?

Tiếng nói như nghẹn tắt, đầy bi phẫn, uất hận!

Nhâm Vô Tâm và Bách Đại đại sư nghĩ thầm rằng:

– Nam Cung thế gia đã tạo nên thảm trạng như vầy rồi, nay còn trở lại làm gì? Phải chăng định giết cho hết mọi người ở đây đi?

Chợt lại nghe Hoàng Phủ Thiếu Hồng nói:

– Vừa rồi trong tệ phái có vài kẻ vô lại, đã gây nên tai họa cho quý thị trấn đây! Bản phái Nam Cung phu nhân hay tin đó, lấy làm ân hận, vội gấp đường tới đây, trước là tạ lỗi cũng quý vị, sau gọi là có chút lễ vật kính dâng quý vị, tạm để tỏ lòng kính ý của toàn thể mấy trăm đệ tử chúng tôi đối với quý thị trấn.

Giọng hắn nói hết sức khẩn thiết ân cần! Bách Đại nghe vậy cười nhạt nghĩ rằng:

– Rõ thật là giọng ác miêu khóc chuột già! Với hai chiếc rương kia, thử hỏi bồi thường được chăng?

Vừa nghĩ tới đây, thì Hoàng Phủ Thiếu Hồng đã mở chiếc rương phía tay trái ra. Bên trong toàn là bạc nén dùng lụa trắng gói từng đĩnh lại. Hắn giơ tay vẫy một cái. Bốn đại hán khác chạy tới, mỗi người mỗi tay cầm ước mười phong bạc nén, tiến đến trước cửa những nhà có treo màn tang, quăng một gói bạc xuống trước thềm kêu “choang… choang choang”. Rõ ràng là mỗi phong bạc ấy khá nặng. Hoàng Phủ Thiếu Hồng lại cất tiếng vang vang lên:

– Chúng tôi không dám làm kinh động quý vị. Trước thềm đã đặt số tiền bồi thường, chỉ xin quý vị bớt nỗi đau xót lúc này, để còn lo chôn cất tang chay cho kẻ chết!

Hắn chưa dứt lời thì đầu đường cuối đường, đâu đâu cũng nghe tiếng cửa mở, rồi hàng trên mười cái bóng người thảy đều ăn bận sô gai chạy ra. Họ đầy vẻ bi phẫn, mắt ngầu tia máu, trợn mắt nghiến răng, nhìn Hoàng Phủ Thiếu Hồng.

Hoàng Phủ Thiếu Hồng ôm tay quyền, vừa toan cất tiếng nói, thì một người trong bọn kia bỗng cúi xuống, lượm một gói bạc, lớn tiếng quát rằng:

– Ai thèm khát tiền bạc hôi tanh vấy máu của tụi bay!

Dứt lời, người ấy tận lực ném đi mạnh như tia lửa xẹt “choảng” một tiếng. Gói bạc nặng từ cách xe ngoài hai trượng rớt thẳng dưới chân Hoàng Phủ Thiếu Hồng.

Liền đó, một trận mưa “bạc đĩnh” ném đi, giữa những tiếng chửi rủa la ó của dân chúng.

Chỉ thấy Hoàng Phủ Thiếu Hồng y nhiên không tỏ vẻ tức giận. Hắn chỉ mỉm cười rằng:

– Quý vị, việc gì mà giận dữ vậy!

Hắn cúi xuống lượm gói bạc đầu tiên rớt ở dưới chân. Kế đó đặt gói bạc lên lòng bàn tay rồi tay kia thoăn thoắt đón bắt lấy những gói bạc ném tới, gói nọ gói kia chồng chất lên nhau, loáng cái đã thành chồng cao như hình ngọn tháp.

Chợt có tiếng quát giật lên:

– Còn đây nữa!

Hoàng Phủ Thiếu Hồng hơi chìm bàn tay xuống một cái. Một gói bạc thét gió bay tới, vừa vặn nằm thon lỏn trên đỉnh ngọn tháp trong tay hắn. Ngọn tháp đứng ngay ngắn trong lòng bàn tay, không chút rung động, đủ thấy là công phu chưởng lực họ Hoàng thực là cao siêu, mạnh vô cùng. Hắn cất tiếng cười mà rằng:

– Chúng tôi đã thành tâm đem lễ tới đây! Lẽ nào lại thu về!

Vừa nói hắn quay người đi một vòng. Chỉ thấy hai tay hắn vung lên sáng loáng. Một trận mưa lóa mắt, hai chục gói bạc đã tung ném đi, tiếng rớt “loảng xoảng”, tất cả lại y nguyên được ném trả về đúng chỗ cũ trên mỗi thềm nhà. Sức ném đã đành là mạnh, sức mắt chuẩn xác, tài ném trúng như vậy, quả là kinh nhân. Đến Nhâm Vô Tâm cùng Bách Đại cũng phải thán phục là tuyệt kỹ.

Chợt lại nghe tiếng hắn cười và nói:

– Ngoài số bạc ấy ra, bản môn chủ nhân còn có một vật này nữa! Xin kính tặng quý vị!

Giơ tay ngoắt một cái, miệng hắn ra lệnh:

– Khiêng chiếc rương kia lại đây!

Một tiếng “dạ” rân lên. Lập tức hai đại hán khác khiêng chiếc rương phía tay mặt tới, mở nắp ra. Một mùi nồng nặc, và khí nóng xông lên như than tro. Mọi người còn đương kinh ngạc chưa rõ là cái gì ở bên trong, thì Hoàng Phủ Thiếu Hồng đã quát lên:

– Trút cả ra! Còn đợi làm gì!

Hai đại hán kia “dạ” một tiếng, cúi xuống ôm lấy phía đáy rương, dốc ngược lên một cái. Hàng chục trái tròn tròn lớn bằng trái dưa hấu, lăn lông lốc trên mặt đất rồi ngừng lại.

Mọi người định thần nhìn lại.

Ai cũng giơ tay ôm ngực, lè lưỡi xanh mặt lên. Hơn mười cái đầu lâu, ngoại trừ da mặt đỏ hầm như rạm đen lại, thì hai mắt lồi ra như hai con ốc nhồi, tỏ ra rằng trước khi chết họ bị phẫn hận, tức tối đến cực điểm, nên nét mặt mới hiện ra khủng khiếp như thế.

Hoàng Phủ Thiếu Hồng cất giọng bình thường, thong thả nói:

– Các vị có nhận ra những đầu lâu này là ai đó chăng?

Nhiều người tuy đã từng lăn lộn giang hồ, nhưng trong lúc lòng đương kinh ngạc chưa kịp nhận ra ai, thì Hoàng Phủ Thiếu Hồng đã cúi xuống, lượm một chiếc đầu lâu, nâng cao quá đầu, xoay một vòng tròn, lớn tiếng hỏi:

– Các vị nhận ra ai đây?

Một người trong xóm, đứng gần đó nhất, la lên:

– Phải… Phải chăng là con trai của Điền Thất ca?

Hoàng Phủ Thiếu Hồng mỉm cười gật đầu:

– Đúng rồi! Đầu lâu của Điền Uy đây!

Hắn vừa nói vừa cười, tới đây bỗng giật giọng nói to lên:

– Nhưng vì hắn bất hiếu với cha mẹ, lại gây chuyện thị phi, làm hại bà con xóm làng. Hắn là kẻ bại hoại trong bản môn! Nam Cung phu nhân dù có khoan hồng đại lượng, thương hắn như con đẻ, như đồ đệ, nhưng quyết không để cho tên ác ôn ấy làm hại mọi người tàn sát làng xóm. Vì vậy phải chém cổ hắn đi và tạ tội với quý vị.

Thực là lời tuyên truyền đầy nhân nghĩa đạo đức. Ai mà chẳng phải tin.

Bách Đại cùng Nhâm Vô Tâm đưa mắt cho nhau. Cả hai cùng nhận thấy rằng sở dĩ Nam Cung thế gia phen này phải làm như vậy là để gột rửa cái tiếng ác, xấu từng đồn đại trên chốn giang hồ. Và để thu hút lòng người, gây lại lòng tin phục trong làng võ lâm. Nguyên xóm này, phần đông là những tay hào sĩ giang hồ trở về quy ẩn. Tiếng tăm họ không lẫy lừng lắm, nhưng họ thuộc đủ các môn phái, thì tin tức từ nơi đây lan truyền đi sẽ rất lẹ và sẽ được thiên hạ tin tưởng rằng Nam Cung thế gia từ nay biết cải hoá, và kỷ luật nghiêm ngặt là thế đó!

Bách Đại đại sư tức quá, nghiến răng lại, lẩm nhẩm:

– Mụ Nam Cung phu nhân này tàn ác và thâm độc còn hơn rắn! Mụ khéo xua đẩy thủ hạ phạm vào tội lỗi, rồi giết đi để mụ lấy tiếng tốt cho đồng đảng của mụ. Đáng thương cho bọn thủ hạ kia, bị mụ dùng làm vật hy sinh khi cần đến. Mà như tình hình đây, mấy ai biết được đó là mưu mẹo gian xảo của mụ.

Thực vậy! Coi lại mặt mũi những kẻ vừa rồi hăm hở từ trong nhà bước ra, nhưng vẻ hầm giận lúc nãy, vụt biến đi hết. Trái lại, có kẻ ra vẻ cảm động trước cử chỉ của bọn Nam Cung thế gia lúc này.

Chợt nơi rèm che bên kiệu hơi vén lên. Một bàn tay trắng muốt như bạch ngọc thò ra, năm đầu ngón tay búp măng sẽ vẫy!

Hoàng Phủ Thiếu Hồng vội chạy tới bên kiệu, khép nép sẽ nói mấy lời, bàn tay trắng nõn kia từ từ rụt lại rèm buông kín lại. Hoàng Phủ Thiếu Hồng thở phào một cái như trút được gánh nặng, từ từ quay về chỗ cũ!

Nhâm Vô Tâm kinh ngạc, nghĩ thầm:

– Người ngồi trong kiệu là ai? Phải chăng là Trần Phượng Trinh. Chức vị hẳn là cao hơn Hoàng Phủ Thiếu Hồng?

Chợt thấy Bách Đại đại sư như có ý nhảy vọt xuống. Nhâm Vô Tâm giật mình vội nắm giữ lại. Bách Đại với vẻ tức giận, dùng lối “Truyền âm nhập mật” nói vào lỗ tai chàng rằng:

– Những người kia bị Nam Cung thế gia tuyên truyền lừa bịp bị rơi vào cạm bẫy của chúng. Chúng ta lẽ nào ngồi yên. Phải vạch mặt chỉ tên, đả phá những âm mưu của chúng mới được.

Nhâm Vô Tâm cũng dùng “truyền âm nhập mật” trả lời:

– Đợi tụi chúng đi khỏi rồi, ta sẽ xuống đả phá âm mưu của chúng cũng chưa phải là muộn!

Bách Đại cau mày hỏi:

– Nếu như chúng cứ ở lỳ lại đây thì sao?

Nhâm Vô Tâm nói:

– Xong việc là chúng đi, chớ ở lại để làm gì?

Chợt thấy một mụ già tóc đốm bạc tất tả chạy tới, đến giữa đường cái thì ngã nằm lăn ra.

Kế đó lại vùng dậy chạy lên vài bước vồ lấy cái đầu lâu của Điền Uy rồi chu chéo lên khóc:

– Con ơi! Uy ơi! Cha mày đã chết bỏ ta! Mày lại chết đi! Cả hai cùng bỏ ta! Thân già này biết nương tựa vào ai?

Hoàng Phủ Thiếu Hồng cúi xuống nói:

– Lão phu nhân ơi! Hà tất gì phải…!

Mụ già điên lên, vừa chửi vừa khóc:

– Bây giết cha nó rồi chưa đủ sao? Lại còn đang tâm giết luôn nó! Nó… nó chẳng phải là do tụi bay dạy dỗ huấn luyện như thế đó sao?

Vừa khóc, đột nhiên mụ đưa đầu chúc thẳng vào bụng Hoàng Phủ Thiếu Hồng. Hắn sẽ lách mình tránh khỏi. Mụ bị té nhào xuống đất, tay ôm lấy đầu lâu Điền Uy, khóc rống lên:

– Uy nhi a! Con vốn là đứa tốt! Chỉ vì bọn ác ôn này nó huấn luyện làm cho con biến thành ra đứa xấu!

Mụ khóc thê thảm, mọi người đều động lòng muốn sa nước mắt. Hoàng Phủ Thiếu Hồng tái mặt đi, lẩm bẩm nói một mình:

– Con mụ này! Phản tuyên truyền! Làm hỏng cả việc lớn của bọn ta!

Mụ già bỗng lăn đi hai vòng tới sát bên Hoàng Phủ Thiếu Hồng, đột nhiên ôm chặt lấy chân hắn, ghé miệng vào ngoạm chặt lấy.

Mụ tuy có tuổi nhưng răng còn tốt lắm, vả lại đương lúc căm hờn như điên, mụ nghiến hàm răng liều mạng cắn cho đã giận, răng mụ ngập hẳn vào trong thịt.

Hoàng Phủ Thiếu Hồng bị miếng cắn bất ngờ, máu ra lênh láng. Hắn quát lên một tiếng “cút đi”, đồng thời co chân tống mạnh một cái.

Mụ chịu sao nổi cái sức tống hàng ngàn cân đó. Miệng thét lên một tiếng, người bật ngửa ra, rớt xuống năm bên cạnh chiếc đầu lâu của Điền Uy.

Taymụ cố quờ quạng, ôm lấy chiếc đầu lâu của con mụ, mắt trợn lên nấc luôn một hồi, thế là tắt thở!

Sự tình biến đổi đột ngột, không ai cứu cấp kịp. Lập tức tiếng chửi rủa nổi lên từ khắp ngả. Hoàng Phủ Thiếu Hồng lớn tiếng giải thích:

– Xin quý vị chớ chửi rủa chúng tôi! Chẳng qua là mụ ấy cố ý, cố tình tự sát. Chúng tôi làm sao được!

Mọi người càng la mắng ầm lên:

– Câm mồm! Quân tàn bạo!

Hoàng Phủ Thiếu Hồng giang cả hai tay ra phân bua:

– Quý vị coi đó. Nam Cung thế gia tự động chém đầu cả người nhà đi, để rửa hờn cho quý vị!

Mọi người cùng la ó:

– Câm mồm đi! Chẳng qua là để che mắt thiên hạ, tỏ ra rằng đó là bọn hạ cấp làm bậy! Kỳ thực bọn hạ cấp toàn là làm theo lệnh của tụi thượng cấp chúng bay. Việc vở lỡ ra, không thể bưng bít được, và để gây lại niềm tin tưởng với mọi người, chúng bay đem đổ tội cả lên đầu hạ cấp, bắt chúng làm vật hy sinh. Quân khốn kiếp! Nếu quả thực mày có nhân nghĩa, thì sao còn giết luôn cả Điền đại tẩu!

Một đại hán áo đen từ nãy giờ vẫn ngồi yên trên mình ngựa, mắt thô lố nhìn mọi người không chớp, tới bây giờ mới cất giọng lạnh lùng mà rằng:

– Không cần nói lắm mà! Tụi họ đã chẳng biết phải quấy, thì thôi, ta sẽ có cách khác!

Tiếng hắn nói như tiếng ma trong nhà mồ phát ra. Mọi người cảm thấy lạnh gáy. Đột nhiên, họ đều im bặt, không dám la ó nữa! Bách Đại và Nhâm Vô Tâm giật mình và nghĩ:

– Phải chăng cách khác đây là ý nói dùng võ… lực!

Chợt người áo đen cỡi ngựa lại lạnh lùng nói tiếp:

– Trong thôn này còn lại năm mươi chín người kể cả người lớn, con nít. Vậy thì làm luôn cả một mẻ cho… quang sạch đi…!

Hắn nói một giọng tự nhiên, coi sáu chục mạng như không đáng một cắc vậy!

Nguyên trước, thôn này có trên ba trăm người. Sau cuộc biến loạn tàn sát vừa rồi, quá nửa bỏ đi, thêm vào đó gần trăm người chết. Giờ đây còn vài chục mạng. Thấy rằng bọn Nam Cung thế gia biết đích xác số người còn lại là năm mươi chín thôi, như vậy rõ ràng là chúng có ý định giết sạch cả đi, cho nên mọi người đều sợ hãi run bắn cả lên.

Bách Đại nghiến răng sẽ nói:

– Không thể nhẫn nại hơn nữa! Nếu chúng ra tàn sát thì bần tăng phải liều mạng!

Nhâm Vô Tâm chép miệng nói:

– Thì cũng không còn cách nào hơn được!

Chỉ thấy người áo đen từ trên lưng ngựa nhảy phắt xuống. Nhâm Vô Tâm cùng Bách Đại nín thở, chuẩn bị ra tay, mắt dõi theo mọi động tác của người áo đen.

Hắn quét ngang mắt một cái, hai tay giang ra, chân bước đều một, hai, ba bước!

“Binh” một tiếng rung chuyển cả đất, đôi cánh cửa của ngôi nhà nọ đương đóng kín, bị tung lên bắn ra tận giữa đường, rớt xuống “ầm ầm”. Hai con ngựa đứng đó hý lên một tiếng, phóng vó chạy mất. Hoàng Phủ Thiếu Hồng với người áo đen cùng giật mình tái mặt!

Có tiếng to lớn từ trong ngôi nhà nói ra:

– Nam Cung thế gia toàn là hạng lưu manh hiểm độc! Ai còn lạ gì tụi bay! Hết cứng rắn thì đến mềm, mềm không xong thì lại tàn sát! Phải biết rằng tụi ta chờ đợi bay ở đây từ lâu rồi!

Hoàng Phủ Thiếu Hồng quát hỏi:

– Ai trong đó?

Tiếng quát lên oang oang, rõ là những cao thủ võ lâm:

– Toàn là những tay chuyên môn đối đầu với Nam Cung thế gia!

Sự kiện biến chuyển đột ngột, Nhâm Vô Tâm sẽ nói:

– Đại sư à! Chúng ta hãy coi xem. Chưa nên ra tay vội!

Giữa lúc ấy, từ trong cửa, nối đuôi nhau trên mười người vọt ra ngoài, người nào người nấy tay lăm lăm cầm đao, bước đi uỳnh uỵch. Họ đều mặc áo dài trắng toát, mặt bịt khăn trắng chỉ lộ ra đôi mắt.

Hoàng Phủ Thiếu Hồng bỗng ngửa mặt, cười ngất mà rằng:

– Tưởng là ai! Té ra vẫn là tụi ngươi!

Người áo đen cười nhạt:

– Đáng tức cười! Toàn là đồ xuẩn ngốc, giết mười năm cũng không hết được! Nhâm Vô Tâm thì xương thịt đã nát rời, trong khi tụi bay vẫn còn cố hy sinh vì hắn! Trên đời lắm kẻ ngu, nhưng chưa thấy ai ngu đến tột bậc như tụi bay!

Người đứng đầu trong bọn áo trắng có vẻ cố nhịn, mặt lạnh ngắt từ từ nói:

– Chúng ta vì làng võ lâm mà trừ diệt bọn tàn ác bại hoại như bọn ngươi đây! Nhâm tướng công dù chết rồi, nhưng chúng ta cứ nối chí người!

Bách Đại nghĩ thầm rằng:

– Phải chăng những tráng sĩ áo trắng kia là những anh hùng do Nhâm tướng công ngấm ngầm triệu tập? Chính họ tự nhận là nối chí Nhâm tướng công kia mà?

Trái lại, lúc đó Nhâm Vô Tâm thì ngẩn người ra. Chàng dùng lối truyền âm nói với Bách Đại:

– Lạ thật! Chính mình chưa nhận ra bọn áo trắng kia là ai. Vậy mà Hoàng Phủ Thiếu Hồng đã nói trắng ra là bọn mình? Vả lại nếu là người của mình thì đời nào lại để họ ăn vận đồng phục trắng, để dễ bị lộ tẩy ra sao?

Chàng chép miệng nói tiếp:

– Nếu tại hạ xét và đoán đúng thì hành động của bọn áo trắng hẳn là có âm mưu gì ở trong? Biết đâu! Biết đâu! Ái chà! Chẳng phải là một lối đặt bẫy gì đó của Nam Cung thế gia?

Hai người áo đen hình như có ý khiêu khích cho người áo trắng nổi giận lên để họ thừa dịp ra tay. Nhưng người áo trắng vẫn bình tĩnh, và nói:

– Việc đến thế này, nhiều lời cũng vô ích! Phải dùng võ lực mới được! Nhưng một chọi một, hay là quần đấu? Xin cho biết ý kiến!

Bách Đại chửi thầm:

– Đồ ngu ở đâu! Lại còn giở lề thói với quy tắc giang hồ ra với chúng!

Nhâm Vô Tâm lại truyền âm nói vào tai Bách Đại:

– Có vẻ đây cũng lại là trò đóng kịch chắc! Đơn đấu với quần đấu cái gì? Sao không lăn bừa vào đánh thí mạng, mà còn đặt điều kiện.

Chợt nghe người áo đen nói:

– Đã vậy, hai người chúng tôi xin lĩnh giáo bằng hữu.

Người áo trắng vén tay áo lên, cùng với một người đứng bên cùng tiến ra. Hoàng Phủ Thiếu Hồng cười mà rằng:

– Hai vị có thể nhường hai chúng tôi ra trước ba đòn chăng?

Bọn áo đen bên Nam Cung thế gia cười ồ cả lên. Bỗng lại nghe người áo trắng nói:

– Ba đòn thì không được! Chúng ta có thể nhường một đòn thôi!

Hoàng Phủ Thiếu Hồng ngửa mặt cười sằng sặc, nói:

– Anh em coi! Người ấy mà dám nhường ta một đòn! Gan thật!

Bọn Nam Cung thế gia lại cười ầm lên. Chiếc kiệu yên lặng, như không có người, chẳng nghe có động tĩnh gì hết! Vụt cái Hoàng Phủ Thiếu Hồng tiến lên, tay trái mở, tay mặt nắm, tận lực đánh ra, trong khi người áo đen cũng vừa tiến vào. Tuy là tiến đến sau, mà người này lại hoá ra là ra tay trước cả Hoàng Phủ Thiếu Hồng. Đòn tuy trông tầm thường mà chí mạng.

Chỉ thấy cả hai người áo trắng cùng gò người một cái, thụt lùi đến ba thước, tránh đòn một cách thần diệu vô cùng. Người áo đen quát lên:

– A! Không ngờ hai thằng ngốc này mà cũng khá quá!

Cùng với tiếng quát ấy, cả hai người áo đen cùng nhào tới, bốn tay quyền, chưởng cùng ra, ăn nhịp nhau, một người đánh vào phía bên trái, một người đánh phía bên phải. Nhưng hai người áo trăng cũng phối hợp ra đòn rất thần kỳ. Người áo trắng bên tay mặt dùng tay trái đánh chéo đi, năm đầu ngón tay mặt nửa co nửa duỗi, tống ra phía ngoài, còn người áo trắng bên tay trái, thì tay mặt đánh chéo ra, tay trái tống ra phía trước. Hai người này ra đòn tuy có khác nhau một chút, nhưng chẳng những đã hoá giải đòn đối phương mà còn hoàn đòn lại, thực là đủ cả công lẫn thủ.

Bách Đại và Nhâm Vô Tâm cùng giật mình, vì nhận ngay ra đó là đòn của phái Thiếu Lâm! Cả Hoàng Phủ Thiếu Hồng với người áo đen cùng giật mình là lên:

– A! Té ra bằng hữu là môn hạ Thiếu Lâm!

Đó chính là đòn thứ sáu “Xuất trảo lượng si” trong mười hai lối sát thủ của Thiếu Lâm thần quyền, là quyền pháp “Bí truyền trấn sơn” mà ngoài vị Trưởng Lão giữ chùa ra, không ai được học. Vậy mà người áo trắng kia, biết dùng lối quyền ấy, vả nếu không tinh luyện vài chục năm thì không đem dùng nổi. Tới đây thì sự ức đoán của Nhâm Vô Tâm rằng họ bày kịch đóng trò có vẻ không đúng rồi!

Bốn người đấu nhau tới vài chục hiệp. Hai người áo trắng thì thủ thế vững vàng, kín đáo, bổ khuyết cho thế công có vẻ hơi yếu. So sánh ra võ nghệ họ cũng chẳng kém gì Bách Nhẫn đại sư! Hoàng Phủ Thiếu Hồng cùng người áo đen, tuy đòn ra hung mãnh, kỳ quái, nhưng vẫn không chiếm nổi thượng phong.

Nhâm Vô Tâm nghĩ mãi không đoán ra được là ai, bèn hỏi:

– Đại sư à! Hai người kia có phải là đệ tử Thiếu Lâm không? Ngoài đại sư cùng Bách Nhẫn, Bách Tường đại sư ra, thì Thiếu Lâm còn ai có được những ngọn đòn cao siêu bậc ấy!

Bách Đại đại sư thấy hai người áo trắng ra đòn như vậy, cũng giật mình, sẽ nói:

– Chẳng những hai người đúng là đệ tử Thiếu Lâm, trong số áo trắng ít ra còn có ba người nữa cũng là đồng đạo của bần tăng. Tổng số có đủ năm vị là Hộ Pháp của Đạt Ma Đường. Cho nên vừa rồi, trước khi giao thủ dù với bọn ác ma, mà năm vị ấy cũng giữ đúng quy luật giang hồ. Năm vị Hộ Pháp đều có mặt tại đây thì bần tăng tạm yên tâm. Hãy coi xem sự kiện biến chuyển ra sao, chưa cần ra mặt vội.

Trong một lúc, bốn người đã ác đấu qua mấy trăm hiệp, nhưng vẫn chưa phân thắng bại. Hai người áo đen dù đòn ra bí hiểm, nhiều ngón kinh nghiệm, nhưng bên áo trắng lại trầm ổn kín đáo, vô luận là đối phương tấn công mạnh như sấm, lẹ như chớp, mà đòn Thiếu Lâm chính tông chỉ nhẹ nhàng phát ra, lập tức hoá giải đi hết. Nhiều lúc Nhâm Vô Tâm thấy bên áo trắng hình như bỏ qua những cơ hội có thể thừa cơ lấn đánh bên áo đen, dù thấy họ thận trọng, không mạo hiểm.

Bách Đại đại sư mỉm cười, nói:

– Bần tăng nhận ra, hai người áo trắng kia tức là hai sư huynh Bách Phù và Bách Huề. Nếu là sư huynh Bách Duy và Bách Hộ thì hai người áo đen kia khó mà đối phó lại được lâu như thế. A… ha! Tướng công coi kia, hai người áo đen có vẻ muốn chuồn và được thua đã rõ rồi đó…!

Nhâm Vô Tâm mỉm cười:

– Thoạt tiên, tại hạ ngờ rằng trong chiếc kiệu có thể là vị phu nhân nào đó của Nam Cung thế gia, và họ đều là tay võ nghệ cao cường. Nay xét ra, trong đó, có thể là một người con gái nào mà chẳng biết võ nghệ gì hết, vì nếu biết võ nghệ thì thể nào mà chẳng vén rèm lên để ngó coi trận đánh vô cùng hào hứng giữa những tay cao cường như cỡ này!

Chàng còn đương nói, bỗng thấy Hoàng Phủ Thiếu Hồng chợt tuôn ra ba đòn rất gấp, vụt cái hắn nhảy bắn trở lại sau đến tám thước, thò tay qua rèm kiệu, vẫy một cái. Hình như trong khi nhảy lùi lại thì trong tay hắn từ trong bọc lấy ra một vật gì luồn qua bức rèm. Không ai nhận ra kịp là vật gì cả! Duy chỉ nghe hắn sẽ quát lên rằng:

– Vô vật, vô ngã…

Tiếp theo, hắn còn nói gì nữa, nhưng tiếng nói rất nhỏ, người ngoài không nghe rõ. Chỉ thấy liền đó hắn nhảy phắt qua một bên hình như nhường lối cho người trong kiệu.

Nhâm Vô Tâm chợt nghĩ đến một sự kiện. Chàng giật mình, nói:

– Nguy to rồi!

Chàng vừa dứt tiếng thì tấm rèm kiệu đã vén lên, một cái thân hình nhỏ bé, mặt xanh xao trắng nhợt, đầu trùm khăn xanh, mình choàng áo lông đen, từ trong chiếc kiệu bay vọt ra ngoài đến hơn một trượng. Trong khi đó người áo đen và Hoàng Phủ Thiếu Hồng đều nhảy lánh hẳn ra phía bên xa nữa.

Nhâm Vô Tâm cùng Bách Đại đồng thốt lên:

– Tố Thủ Lan Cô! Lan Cô bàn tay trắng nuột!

Sắc da trắng xanh với đôi mắt mơ màng lạnh buốt như ngưng đọng hơi sương, bóng dáng yêu kiều, Lan Cô quả nhiên là đẹp, tuyệt đẹp đến cái độ ghê rợn cả người ta lên. Đã vậy mà thân hình nàng lẹ như khói, vèo một cái đã bay tới trước mặt hai người áo trắng tức là Bách Phù, Bách Huề đem theo một làn gió thơm mê hồn phách. Bách Phù, Bách Huề cùng cảm thấy một cái gì ghê rợn. Cả hai cùng quát to một tiếng, và mỗi người cùng phát ra một chưởng với sức mạnh kinh khủng, sập đá, gẫy cành, uy lực bạt sơn đảo hải dồn dập vào Lan Cô.

Chỉ thấy cái thân hình bé nhỏ ấy quay sang bên một vòng, chưởng phong của hai người tự nhiên tiêu biến đi đâu hết. Bách Phù, Bách Huề dù là trấn tĩnh đến đâu thấy thân pháp của nàng hết sức kỳ lạ, thảy đều giật mình, vội co tay lại định tống ra một chưởng thứ nhì nữa.

Chợt đâu, bóng tay áo lông đen phất lên, một bàn tay trắng muốt như ngọc, lạnh như băng sương từ trong ống tay áo rộng của Lan Cô thò ra, một làn gió thơm theo tay nàng thoát đi. Tất cả bấy nhiêu động tác hiện ra như cái chớp nhoáng.

Nhâm Vô Tâm và Bách Đại cùng một lúc vung cánh tay ra và quát lớn:

– Hai sư huynh mau rút xa ra! Chớ dùng sức với nàng!

Nhưng đã hơi muộn. Bách Phù, Bách Huề vừa thoáng nhận ra tay nàng vung lên thì thân hình nàng đã như ma hiện giữa khoảng hai người rồi. Thực là kỳ tuyệt! Bọn Hoàng Phủ Thiếu Hồng từng đánh tới trên trăm hiệp mà không tài nào đòn vào sát được, trong khi Lan Cô với bàn tay trắng “tố thủ” chỉ một hiệp đã phá vỡ được quyền phong và thế thủ của đối phương!

Bách Phù, Bách Huề bị hãm ở cái thế muốn rút lui mà không kịp, đành phải tận dụng quyền và chưởng gấp rút đánh ra như mưa, như gió. Lạ một điều là, chưởng với quyền của hai vị cao tăng bậc nhất này, rõ ràng phát ra đã chạm tới áo nàng rồi, nhưng đột nhiên cả hai đều cảm thấy là tay mình như đấm vào mây, vào khói, như đụng chạm vào một cái bóng ma, tức là đấm không khí vậy thôi! Liền đó, bất thần Bách Phù thét lên một tiếng nhảy lùi về sau đến năm bộ, đồng thời Bách Huề tung mình bắn đi xa hơn một trượng, thân mình loạng choạng, lập tức té rụi xuống.

Bọn hơn chục người áo trắng cùng la rú cả lên. Trong bọn có vài ba người vừa nhún chân định nhảy ra thì loáng một cái như chớp, một bóng người áo tro đã hiện ra trước mắt. Bọn người áo trắng nhận ra là ai, đều reo lên:

– Bách Đại sư huynh!

Bách Đại vội nói giọng nghiêm trang:

– Các sư huynh đệ! Mau rút lui!

Tiếng Nhâm Vô Tâm ở phía sau truyền tới:

– Hãy nâng người bị thương lên, và chuẩn bị tuỳ thời rút lui.

Bách Đại cúi xuống, giơ tay vén mảnh vải che mặt hai người lên. Bộ mặt Bách Phù đại sư tuy rằng trắng bệch ra, nhưng chỉ là kinh hãi thôi, chưa bị thương. Còn Bách Huề đại sư thì máu ở mép trào ra, hơi thở khò khè, rất yếu. Nhận ra Bách Đại rồi, Bách Huề mỉm cười vừa sẽ thốt ra được một tiếng “Bách…” thế là đã ngất lịm đi!

Bách Duy đại sư đứng đầu trong năm vị Hộ Pháp Thiếu Lâm, lập tức lấy thuốc trị nội thương tra vào miệng Bách Huề, sau đó đưa mắt nhìn ra, thấy một thiếu niên thư sinh đương ngưng thần đứng chăm chăm trước mặt Lan Cô. Bách Duy cau mày hỏi:

– Để một mình vị thí chủ kia đối phó với con ma nữ ấy ư? Chỉ e…!

Bách Đại vội ngắt lời:

– Nếu người ấy mà không chống đối nổi, thì… bọn anh em ta dù có phụ lực vào cũng chẳng làm gì! Người ấy là… Nhâm Vô Tâm đó.

Bọn Thiếu Lâm cao tăng giật mình, đều chắp tay, nói:

– A di đà Phật! Chúng tôi giờ mới biết mặt. Nhâm tướng công té ra vẫn còn sống. Ngã Phật từ bi, che chở, đạo phái võ lâm sẽ thoát khỏi được mạt kiếp.

Về phía đệ tử Nam Cung thế gia, nghe nói thư sinh đó là Nhâm Vô Tâm, thì cũng đều kinh hãi! Họ chưa hề biết mặt chàng bao giờ, và chỉ nghe nói chàng đã chết rồi. Có người cho rằng có lẽ thư sinh đứng đó là giả mạo Nhâm Vô Tâm chăng? Nhưng ý đó chỉ thoáng loé lên rồi tắt liền, vì họ cũng nghĩ rằng nếu không phải là Nhâm Vô Tâm thì trong làng võ lâm có lẽ chẳng ai có gan dạ và tài năng dám… chống đối lại với Lan Cô!

Riêng Hoàng Phủ Thiếu Hồng và người áo đen thì biết chắc là Nhâm Vô Tâm chưa chết. Hoàng Phủ Thiếu Hồng cười nhạt và quát lên:

– Nhâm Vô Tâm à! Bỗng dưng mi lại tìm đường tới cửa tử!

Người áo đen cũng ré lên cười mà rằng:

– Ngươi chịu đựng nổi ba hiệp với Lan Cô, thì kể ngươi là tay cao cường! Ngươi là kẻ từng cưỡng gian nhiều phụ nữ. Trên giang hồ, nhiều người muốn lột da ăn thịt ngươi cho đã giận. Ngươi còn đợi gì một không tự tử đi. Vác mặt ra đầy làm gì cho bẩn mắt mọi người!

Thực ra thì hai người này cùng e ngại Lan Cô khó lòng thắng nổi Nhâm Vô Tâm. Sở dĩ họ cố ý mắng chửi cốt cho chàng phân tâm, nổi giận lên, để Lan Cô thừa cơ dễ hạ thủ. Bách Đại tức quá quát lên một tiếng toan nhảy ra, nhưng bị Bách Duy giữ lại mà rằng:

– Đang lúc Nhâm tướng công ngưng thần, xin chớ làm rối trí của tướng công!

Chỉ thấy đôi mắt chàng như điện, chăm chăm bắn mục quang vào mắt Lan Cô.Tay mặt chàng đưa ngang ngực, ngửa lòng bàn tay lên thành dương thủ, tay trái úp lòng bàn tay xuống thành âm thủ ngang nơi bụng, chân trái hơi gập lại giữ trọng tâm, đầu chân phải hơi mớm đất. Áo chàng gió phật phật bay nhưng người không nhúc nhích, hệt như pho tượng đá với cái tư thế muốn bay đi vậy. Mọi người thấy vậy đều tâm phục là một thế ổn định cả công lẫn thủ. Bách Duy đại sư thì nghĩ thầm rằng: “Giả như cả năm vị Hộ Pháp hợp lực lại cũng không phá nổi thế ấy của chàng. Trái lại, kẻ nào xông vào trước là kẻ ấy bị hạ ngay!”

Mọi người ngó sang phía Lan Cô. Hai tay nàng thu kín trong ống tay áo rộng. Đôi mắt mơ màng, bỗng quắc hẳn lên. Nguyên lai, tâm thần nàng như bị mê đi, bị một sức gì chi phối, nhưng riêng về công phu võ nghệ thì nàng chẳng hôn mê gì hết. Trái lại, ở nàng có một uy lực thần bí đặc biệt võ nghệ!

Hình như Lan Cô chưa tìm được cơ hội. Nàng như chờ đợi hễ chàng lãng trí đi, hơi phân tâm một chút là ra tay sấm sét.

Bọn Hoàng Phủ Thiếu Hồng đều lấy làm kinh ngạc, không hiểu vì sao khác với thường lệ, lần này Lan Cô chậm chạp không ra tay ngay.

Hai bên giữ nhau như vậy khá lâu. Mọi người có mặt đều nín thở chờ đợi. Coi bộ dạng Nhâm Vô Tâm hệt như pho tượng đá. Mọi người có cảm tưởng rằng chàng có thế đứng như vậy hàng tháng trời cũng không chuyển động. Ngay đến Bách Duy, một cao tăng từng tập lối “quay mặt nhìn vách” theo phương pháp Đạt Ma, vậy mà cũng tự nhận rằng không tài nào trấn tĩnh được đến thế.

Chợt thấy Hoàng Phủ Thiếu Hồng với người áo đen cũng cúi lượm gói bạc nén. Thình lình cả hai cùng tận lực ném ra. Hai gói bạc nén thét gió đánh thẳng vào lưng bên trái Nhâm Vô Tâm. Họ thừa biết là không đả thương nổi chàng, nhưng ném như vậy ít ra cũng khiến chàng phải lo tránh, và đó là một lối tạo cơ hội buộc chàng phân tâm để Lan Cô có thừ cơ hạ thủ.

Bọn Bách Duy thất kinh, dù la lên cũng chẳng kịp. Hai gói bạc ném xé gió vèo tới mạnh như sấm sét. Nhâm Vô Tâm vẫn đứng yên không động. Còn cách người chàng một gang tay, đột nhiên hai gói bạc như bị một sức phản đàn đánh bật trở lại “binh binh” hai tiếng chát chúa, một bức tường cách xa chàng hai trượng, bị đánh vỡ ra một mảng lớn.

Hai gói bạc vốn đã nặng, bị sức mạnh như thần của bọn Hoàng Phủ Thiếu Hồng ném đi, bỗng nhiên bị dội trở lại, thành ra một sức chuyển động quăng đi quật lại kinh hồn, đủ thấy phản trấn lực của Nhâm Vô Tâm là mạnh tuyệt luân. Thần tình một điều là chàng vẫn y nhiên không nhúc nhích, trong khi bọn Thiếu Hồng tái mét mặt lại.

Chợt đâu theo chiều gió phảng phất có tiếng nhạc lạ lùng, văng vẳng thê lương, khiến người nghe muốn đứt ruột.

Lan Cô rùng mình lên, thân hình hơi khom xuống, vụt cái lui tuốt về phía sau. Mọi người chỉ thấy như một cái bóng khoa múa lên trước mắt, thân hình nhỏ bé của nàng như biến đi đâu mất, duy nhận ra bức rèm lung lay, chiếc kiệu còn đó.

Chợt nghe tiếng người áo đen quát lớn:

– Nhâm Vô Tâm! Bữa nay tạm tha chết cho ngươi! Rồi sẽ biết…!

Dứt lời Hoàng Phủ Thiếu Hồng giơ tay vẫy một cái. Hai người ghé vai khiêng kiệu chạy bay, cả bọn đi về phía có tiếng nhạc véo von. Bách Đại ngẩn người ra, hỏi Nhâm Vô Tâm:

– Có đuổi bắt không?

Cùng với hai tiếng “… bắt không”, chỉ thấy Nhâm Vô Tâm lảo đảo người, “huỵch” một tiếng, chàng té xiêu xuống, mặt trắng bệch, mồ hôi đổ giọt đầm đìa. Mọi người kinh hãi! Lúc đó mới hiểu rằng vừa rồi chàng đứng ổn tĩnh như Thái Sơn, kỳ thực là đã dùng kiệt lực rồi, nếu như Lan Cô chậm lại một phút thì thực nguy hại.

Chàng ngồi phệt xuống, không dám động cựa, lập tức điều hoà hơi thở, vận hành huyệt mạch. Mọi người chia nhau trấn giữ các mặt đề phòng bọn Nam Cung thế gia trở lại chăng? Một lúc sau, mặt chàng dần dần hồng nhuận lên, mở mắt thở phào một cái.

Bách Duy chắp tay niệm Phật hiệu rồi nói:

– Nếu không được đàn việc ngăn chận tụi chúng lại thì bọn tôi nguy mất. Ổn tĩnh như Thái Sơn, một thế thủ ấy quả nhiên diệu tuyệt kim cổ. Có vậy con nữ ma đầu mới bỏ chạy!

Nhâm Vô Tâm cười một cách đau khổ:

– Chẳng giấu chi các vị đại sư! Vừa rồi là một thế “Trời Đất cùng ra tro”. Thực chẳng dám chắc là Lan Cô lại có ý e sợ. Nguyên đó là thế thủ vững chắc vô cùng. Nhưng gặp tay cao thủ như Lan Cô, thì nàng vẫn có thể phá được. Có điều rằng nếu nàng quyết phá thì cả đôi bên cùng phải chết, cho nên mới gọi là “Trời Đất cùng ra tro”. Ngọn đòn này là của “Tử Cốc Nhị Kỳ” truyền thụ cho tại hạ. Bữa đó người dặn rằng cứ yên trí dùng thử, không sợ, vì Lan Cô mà gặp đòn này, nàng quyết không dám liều mạng… đâu!

Bách Đại ngạc nhiên hỏi:

– Coi vậy một ngọn đòn ấy, ngoài tính cách thủ thế tuyệt vời kín đáo ra, phải chăng còn có ma lực gì thần kỳ khác?

Nhâm Vô Tâm nói:

– Đòn ấy, đối với bọn ta thì chẳng có ma lực thần bí gì hết, nhưng đối với Lan Cô thì nó có một sự kích thích tuyệt lớn, hoặc là làm xúc động đến mối đau thương thầm kín trong tâm lý, hoặc khêu gợi một hồi ức bí ẩn gì trong lòng nàng. Tâm trí nàng tuy đã bị người ta khống chế hoàn toàn rồi, nhưng tâm linh nàng một khi tiếp xúc với đòn ấy là bị khích động hoá ra ngần ngừ nghi ngại. Đủ thấy đòn ấy ảnh hưởng rất lớn về tiềm linh ý thức của nàng. Về điểm này, tại hạ có thể đoán chắc là… Vừa rồi, mặt nhìn mặt, tại hạ nhận thấy linh quang nơi mắt nàng loáng lên một cái hình như cố nhớ lại một sự kiện gì. Nhưng vì tâm trí nàng bị chi phối mê hoặc quá nặng nên linh quang đó chỉ loé lên một cái rồi tắt ngay. Nếu tại hạ xét đoán không lầm thì có một lần nào đó, nàng từng bị trọng thương bởi ngọn đòn ấy. Mà kẻ dùng ngọn đòn ấy đánh nàng, nhất định là có mối quan hệ rất lớn với nàng…

Chàng chép miệng, nói tiếp:

– Vừa rồi, trong tay Hoàng Phủ Thiếu Hồng hẳn là có cầm một vật gì có một ma lực thần bí có thể sai khiến Lan Cô. Trước khi nàng ra khỏi chiếc kiệu thì tay nàng thò ra ngoài bức rèm sẽ múa lên một cái. Lúc đó chúng ta nghĩ lầm cứ tưởng là nàng ra hiệu gọi Thiếu Hồng, thành thử tại hạ không đoán ra được là Lan Cô ngồi ở trong kiệu. Do đó, đủ thấy là nàng ngồi lâu trong kiệu, sốt ruột có ý ra tay ngay, nhưng Thiếu Hồng thấy rằng thời cơ chưa tới nên chạy tới đưa ra một vật gì đó đủ để chế ngự ngăn giữ nàng lại… Chao ôi! Việc đời nhiều cái ly kỳ. Cứ bề mặt nhận xét thì sai lầm hết!

Bách Duy đại sư chợt hỏi:

– Trong tay Hoàng Phủ Thiếu Hồng có giữ một vật gì đó, hẳn là có liên quan mật thiết với ngọn đòn “Trời Đất cùng ra tro”?

Nhâm Vô Tâm gật đầu trả lời:

– Chính thế! Đại sư nhận xét thực là tinh tế! Nếu tại hạ biết được ngọn đòn “Trời Đất cùng ra tro” là của ai sáng chế ra, và trong tay Hoàng Phủ Thiếu Hồng cầm là vật gì, nguyên là của ai, thì có thể có cách khôi phục thần trí Lan Cô trở lại sáng suốt. Rồi tự nàng sẽ nói ra những điều cực kỳ bí ẩn liên quan đến gia đình “Nam Cung thế gia”!

Bách Đại cau mày nghĩ ngợi. Một lúc sau lắc đầu mà rằng:

– Bần đạo lịch duyệt giang hồ trên bốn chục năm, chưa từng nghe nói có một ngọn đòn thần kỳ tinh mật và bí diệu như ngọn “Thiên Địa câu phần” ấy! Nếu như xưa kia, có ai từng sử dụng qua một lần rồi thì trên giang hồ đã đồn đại lên và không thể mai một đến nỗi ngày nay chẳng còn ai nhắc tới?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.