Tích Nhân qua sông băng lau cỏ nhắm hướng bắc tìm ra đường lộ, đang vạch lau lách mà đi, tình cờ thấy một ổ chim có sáu bảy trứng, không biết ổ chim gì, trứng to như trứng gà. Từ chiều hôm đến sáng mệt nhoài và chưa ăn uống, Tích Nhân đập hút ba trứng rồi la thầm ra đường lúc này có phải để cho Phạm tiên sinh dễ dàng tìm thấy hay sao? Thế là Tích Nhân ngó quanh tìm một cây cao và đổi hướng đi đến đó. Đến gốc cây Tích Nhân đẩy rạp lau cỏ xuống làm chỗ nằm, tỏ vẻ khoái chí:
– Ta có thể ở đây tìm trứng, săn chim, bắt cá mà ăn. Trốn tránh vài ngày là thượng sách. Hơn nữa, mang theo trong người một quyển kiếm phổ là thêm nguy hiểm, chi bằng đọc cho thuộc, mai sau còn sống có gặp cô gái tên Lan kia truyền lại cho nàng cũng không có gì có lỗi.
Tích Nhân nằm xuống cỏ lấy quyển sách ra đọc và rất lý thú vì quyển sách mỏng, chữ viết nhỏ nhưng đồ hình thì rất rõ ràng, ngoài bảy mươi hai đường Vân long kiếm pháp, còn có càn long thần công.
Tích Nhân đọc qua quyển bí kíp thở dài:
– Không ngờ cô gái tên Lan kia lại có lai lịch lớn như vậy. Theo mẫu thân kể lại chùa Vân Long năm xưa là chùa trấn quốc của Đại Lý, sau khi Đoàn Trí Hưng đầu hàng nhà nguyên, con cháu chạy tứ tán, thì có lẽ cô gái là cháu chắc gì đó của hoàng gia họ Đoàn. Đáng tiếc, càn long thần công chí dương chí cương, nam nhân thuần dương cũng phải tốn năm sáu chục năm mới luyện thành, còn phụ nữ tập luyện chẳng tiến bộ đã đành mà sẽ mất hết nữ tính. Cô gái kia đúng là có báu vật mà chính mình không thể sử dụng được. Bây giờ ta không ngạc nhiên nữa và hiểu ra vì sao cô ta lại có ngôn ngữ và cử chỉ không được dịu dàng mà một người con gái xinh đẹp như cô ta phải có.
Tích Nhân đọc đi, đọc lại, khi thì nhắm mắt nằm im lặng. Chiều đến, vừa bẻ bức một đống cỏ lau, để ý đến đến những con chim le le, vịt nước bay đáp chung quanh, ăn sống ba quả trứng còn lại, rồi lấy sách gối đầu, lấy lau cỏ phủ lên người nằm lăn ra ngủ. Thật trớ trêu, Tích Nhân mới nhắm mắt một lúc trời đổ mưa phải choàng dậy, mưa mỗi lúc một lớn, Tích Nhân ướt hết mình mẩy nên lấy những đồng bạc giấy kẹp vào quyển sách dấu vào ngực và ngồi cúi đầu chịu trận. Những giọt mưa lạnh như cắt thấm ướt da thịt làm Tích Nhân run lên cầm cập và suy nghĩ ngày mai phải đi tìm chỗ trú ngụ, một căn nhà hoang, một căn miếu cũ để nằm qua đêm tốt hơn là ở dưới gốc cây.
Không đợi sáng, mưa còn rả rích, Tích Nhân cảm thấy quá lạnh. Hai hàm răng tự động đánh nhau cầm cập, tay chân tê cóng run rẩy nên quyết định đứng lên băng mưa mà đi, dù sao đi đứng sẽ bớt lạnh hơn ngồi một chỗ. Đêm tối như bưng, chung quanh lau sậy, cỏ dại cao ngập đầu, Tích Nhân như con thú hoang lạc, một tay chống gậy, một tay run rẩy vẹt lau cỏ lần bước! Đi một lúc đến được một nơi trống trải và thấy xa xa có ánh lửa, vui mừng nhắm hướng đi tới. Đường đi bấy giờ không còn lau sậy ngập đầu, nhưng cỏ cũng cao quá gối, có nơi cồn, có chỗ rạch, Tích Ngân vấp té không biết bao nhiêu lần, sức lực càng lúc càng thấy kiệt quệ, tay chân như không nhấc nổi, nhưng mỗi lần như vậy Tích Nhân lại cắn răng rán sức ngoi ngóp bò lên đi tiếp, mình mẩy đầu tóc lấm lem. Cuối cùng cũng lê lết đến được một túp lều tranh xiêu quẹo trên một cồn đất cao, trước cửa có người đã chất cây đốt lửa, lửa còn cháy âm ỉ và còn phảng phất mùi thịt nướng, nhưng chung quanh và trong lều không thấy có ai. Tích Nhân đẩy những khúc gỗ lại bên nhau cho ngọn lửa bốc lên để sưởi ấm. Qua ánh lửa, lại thấy dưới mặt đất vung vãi đó đây, chỗ này một cánh gà, chỗ kia một đùi chó dù đã có người ăn, gặm qua nhưng vẫn còn chút ít thịt. Quá đói, Tích Nhân gom góp những mẫu xương vứt đó đây lại chùi bụi đất lên áo rồi vừa ăn, vừa sưởi ấm, và bấy giờ tai Tích Nhân cũng nghe tiếng gà gáy sáng từ xa vẳng tới. Quá mệt mỏi, gặm hết những mẫu xương vụn, Tích Nhân dựa lưng vào vách và ngủ gục lúc nào không hay biết.
Tích Nhân phải nhảy nhỏm vùng dậy vì một ngọn roi quất sả lên người, vừa mở mắt một ngọn roi thứ hai đã bổ lên đầu. Tích Nhân lăn tròn tránh được ngọn roi thứ ba, nhìn lại người đánh mình là một ông già độ năm sáu mươi và nghe ông ta la hét:
– Thì ra ăn cắp gà chó trong xóm mấy bữa nay là ngươi! Con ai coi bộ áo quần lành lặn mà trộm đạo thế này, ta phải bắt ngươi về cho hàng xóm xét xử.
Biết mình bị nghi oan, nhưng nghĩ khó lòng biện bạch, Tích Nhân bốc cây gậy lên vùng chạy, vừa chạy vừa la:
– Cháu không phải là người trong xóm cụ. Một mình cháu làm sao bắt chó cho được? Cụ nghĩ lại có đúng không? Bắt chó đem ra đây làm thịt phải có một bọn ba bốn đứa mới có thể làm được!
Ông cụ rượt theo:
– Ta bắt tại trận ngươi còn chối! Xóm ta lâu nay bình yên đâu có trộm cắp gì, thế mà mấy hôm nay hết người này bị mất gà đến kẻ kia mất chó! Bắt được ngươi sẽ tìm ra đồng bọn của ngươi.
Tích Nhân nhắm con đường nhỏ, chạy thục mạng, vừa chạy vừa la, còn ông già cũng vừa đuổi theo vừa la hét.
Thấy khó chạy thoát với ông lão, Tích Nhân dừng chân đứng lại, cầm gậy thủ thế, làm bộ mặt cứng rắn:
– Tôi thấy ông hiểu lầm nên bỏ chạy chứ không phải sợ ông đâu. Có ngon thì xông tới nữa tôi sẽ cho biết tay!
Ông lão vốn là một người cùng khổ trong xóm phải ra chỗ hoang vu dựng lều phát đất làm rẫy, thấy Tích Nhân ốm tong và tưởng là kẻ trộm muốn bắt về xóm lập công, nhưng khi hắn quay lại quyết ăn thua đủ, và nhìn lại hắn dù thân hình ốm tong nhưng cao nghều, mặt mày bùn đất loang lỗ, cầm cây gậy đen thui, lão nghĩ mình nhào tới có đánh bắt được tên trộm trước mặt thì nó cũng đánh lại mình sưng đầu, sưng tay nên chùn lại:
– Hừ! Ngươi ăn trộm còn dám đánh lại ta?
Tích Nhân nghiêm giọng:
– Tôi không có ăn trộm. Ông đã vô cớ đánh tôi hai roi, tôi bỏ chạy ông còn đuổi theo, thì tôi phải tự vệ vậy! Chung quanh đây chẳng có ai, ông chẳng có ai giúp thì đừng nghĩ đến chuyện bắt tôi.
Tích Nhân bỗng tung mình lên cao, cây gậy tung ra mấy đòn vùn vụt, hạ chân xuống đất cười:
– Ông thấy võ nghệ tôi cũng đủ dùng để phòng thân đấy chứ!
Ông cụ, từ nhỏ đến lớn chăm chỉ trên những mảnh đất, sống với con trâu, cái cuốc , trời đông lạnh mà vẫn phải mặc áo cụt, quần đùi, thấy Tích Nhân có võ nghệ như vậy thì ngán sợ, quay lưng bỏ đi nói vói lại một câu cho đỡ tức:
– Có võ nghệ để đi bắt gà bắt chó à! Hừ! Nghĩ lại cũng chẳng phải gà chó gì của ta! Ngươi đi đi!
Ông cụ bỏ đi, Tích Ngân nhìn quanh chẳng biết mình đang ở chỗ nào, không hiểu phải đi về đâu để ra đường lộ nên lại gọi ông lão lại:
– Lão trượng! Xin lão trượng đừng giận, cháu không phải là người ở gần đây để ăn trộm gà chó trong xóm lão trượng. Thấy lão trượng tức giận quá mới vô phép như vậy mà thôi. Cháu người Quốc Oai, đến Đông đô thăm viếng. Hôm qua đi chơi thuyền mê mãi, thuyền bị lật mới trôi dạt tới đây, khi băng qua rặng lau, thấy lều của lão trượng có ánh lửa nên mới tới trốn lạnh mà thôi. Nếu lão trượng giúp cháu, chỉ đường đi ra quan lộ, cháu sẽ đền ơn xứng đáng.
Ông lão quay lại:
– Ừ nhĩ! Nghe tiếng nói của cậu không phải là người vùng này. Có thể bọn bắt gà bắt chó là bọn du côn ở làng dưới không chừng! Xin lỗi đã đánh cậu mấy roi. Cậu muốn ra đường lộ, cứ lối mòn này, qua khỏi mấy cái gò đất, rẽ vào con đường chênh chếch về phía tây, qua cánh đồng sẽ tới xóm tôi. Xóm tôi cheo leo giữa ruộng và đầm lầy chỉ có ba chục nóc gia nên cũng không có đường sá gì nhiều. Từ xóm tôi theo con đường đê độ vài dặm, đến rừng tre, qua khỏi rừng tre là chợ và đường quan lộ. Từ đó cậu có thể hỏi thêm đường.
Tích Nhân cung tay:
– Cảm tạ lão trượng chỉ dẫn. Mùa đông giá rét lão trượng phải ra lều làm việc, áo cụt quần ngắn chắc lão trượng cũng không khá giả gì, cháu xin tặng lão trượng chút ít để tỏ lòng biết ơn.
Nói xong Tích Nhân cho tay vào túi lấy ra một đỉnh bạc đặt xuống đường, rồi cấm cổ chạy. Ông lão nhìn đỉnh bạc sáng lấp lánh nằm trên lối mòn, mồm há hốc không tin nổi mắt mình. Ông ta tiến lại cầm đỉnh bạc lên sững sờ và cảm động nhìn Tích Nhân đang chạy mỗi lúc mỗi lúc mỗi xa và khuất lấp sau các hàng cây, bụi cỏ.
Chạy được một lúc thấy bên đường có một hồ nước nhỏ, dù biết xuống nước cũng như mặc bộ áo ướt sẽ rất lạnh, nhưng bộ đồ đang mặc cũng chẳng phải khô khan gì mà bùn đất dính đầy, nên Tích Nhân dừng chân, để quyển sách da trong có tiền giấy trên bờ cỏ, cởi quần áo ra giặt và rửa sơ mình mẩy, mặt mũi.
Mặc lại bộ đồ ướt, cơn lạnh lại làm hai hàm răng đánh nhau cầm cập, Tích Nhân khum người theo con đường mòn giữa hai bờ cỏ dại cây thưa chạy khập khểnh về phía trước. Qua khỏi mấy cồn cây cao có cái ngã ba, nhưng vì cơn lạnh, vừa chạy vừa run không để ý nên vẫn theo con đường trước mặt.
Khi ra đồng trống thấy xóm làng nằm về chênh chếch về hướng tây, nhưng cũng thấy phía trước có mái nhà, hàng tre nên không đổi hướng dù thấy con đường bây giờ rất nhỏ, cây cỏ mọc cao tới đầu, lan ra gần che kín lối mòn. Vẫn vừa đi vừa chạy, khi một ngã quẹo của con đường che khuất bởi cỏ cao và một bụi cây, Tích Nhân suýt đụng một người. Đấy là một nữ nhân. Vừa chợt có người và cũng thấy cả đôi mông trắng tròn của nữ nhân sau bụi cây, Tích Nhân nhảy thối lui lại. Còn nữ nhân thì hấp tấp phủ váy đứng dậy, đỏ mặt la:
– Tiểu quỷ ngươi ở đâu tới vậy?
Tích Nhân lấy tay chỉ phía mình từ đó đi tới, ngỏ lời xin lỗi:
– Cây bụi che khuất không nhìn thấy, không nhìn thấy gì cả xin đại tỷ tha thứ cho.
Nữ nhân chợt cười:
– Ai mà biết ngươi thấy hay không thấy!
Tích Nhân nhắm mắt:
– Thật tình chẳng thấy gì cả.
Nữ nhân quát trong tiếng cười khúc khích:
– Thôi đi đi, chẳng lẽ đứng ì ra đấy?
Tích Nhân bịt mũi rón rén đi qua. Nữ nhân ngồi xuống đường trở lại và một giây sau đứng dậy đi theo, gọi Tích Nhân:
– Cậu kia! Ngươi là ai? Từ đâu tới đây vậy?
Tích Ngân dừng chân, quan sát nữ nhân, thấy đó là một cô gái hay thiếu phụ độ trên hai mươi tuổi, nước da trắng ngà, mắt phượng mày ngài, môi hồng răng trắng, Tích Nhân không ngờ nơi hoang dã lại có một người xinh đẹp như vậy.
– Dạ, em là Tích Nhân, bị đắm thuyền hôm qua, bò được lên bờ rồi theo đường này đến đây định hỏi thăm đường ra quan lộ.
– Ngươi lễ phép lắm đấy! Sông nước mùa này bị đắm thuyền mà còn sống là may mắn lắm! Người ngươi ướt hết thế kia không lạnh sao?
– Em đang lạnh muốn chết đây chứ, nhưng giữa chốn hoang vu đành phải rán chịu.
Cô gái tỏ lòng thương hại:
– Nếu vậy vào nhà ta hơ lửa cho khô áo quần rồi mới đi. Từ đây ra chợ tới mấy dặm, ngươi mặc áo quần ướt sẽ bị bệnh!
– Đại tỷ có lòng như vậy thì quý hóa quá.
Tích Nhân đợi, lách mình nhường đườngï cho cô gái đi trước rồi rảo bước theo sau.
Nhà cô gái nằm riêng biệt trong một khu vườn rộng, có hàng tre bao quanh và trong vườn trồng nhiều cây ăn trái, cách xóm nhà mấy chục nóc gia ở phía tây một cánh đồng cỏ ngập nước độ trên nửa dặm, Trước cửa là hàng dậu trúc cắt xén quá đầu. Cửa cổng là những thanh gỗ đóng lại với nhau. Giữa một nơi heo hút đồng lầy mông quạnh, một ngôi nhà như thế này cũng nói lên sự khá giả của chủ nhân. Cô gái đẩy cổng, hai con chó to lớn nằm trước sân thấy người lạ nhỏm lên sủa inh ỏi, cô ta phải la mắng mấy lần mới cụp đuôi lại nằm yên.
Ngôi nhà của cô gái có hai căn riêng biệt. Căn nhà lớn ba gian hai chái, vách đất, lợp ngói, tương đối rộng lớn, và có vẻ cổ kính, các cánh cửa lớn, cửa sổ đều bằng gỗ và khép kín. Căn nhà bên cạnh lợp tranh, cất tụt về phía sau và cách nhau một khoảnh sân rộng.
Cô gái mở cánh cửa giữa căn nhà lớn:
– Ngươi vào trong ván ngồi nghỉ. Ta xuống bếp thổi lửa lên cho.
Tích Nhân đã lạnh quá không khách sáo bước vào nhà trốn gió. Ngồi trên ván Tích Nhân nhìn quanh thấy trong nhà có hai bàn thờ, bàn thờ giữa nhà chiếm gần nửa căn, bàn thờ trên đầu bộ ván còn thắp hương, treo khăn tang, bên cạnh cắm một cây trường thương và trên vách tường treo một cây cung.
Một lúc cô gái từ nhà trong bước ra:
– Lửa đã cháy, ngươi theo ta xuống bếp mà sưởi ấm.
Gian nhà bếp của cô gái có lẽ chiếm hết một phần ba căn thứ hai nên khá rộng. Bên trong, ngoài giàn bếp được xây lên cao vừa người đứng, còn có bàn ghế, tủ chén..lửa trong bếp đang cháy và cô gái cũng bắt trên đó một nồi cháo, bảo:
– Ngươi đứng bên cạnh bếp hơ lửa, muốn thì cởi áo ra hong cho mau khô, vừa sưởi vừa canh chừng nồi cháo để ăn. Ta nghĩ ngươi rất đói.
– Đại tỷ tử tế quá.
– Giúp người, trời giúp lại mình. Gia gia và trượng phu của ta bao giờ cũng dạy thế.
– Đại huynh đi vắng?
Thiếu phụ thở dài:
– Kiệt huynh mất đã ba năm qua.
– Ồ! Xin lỗi đại tẩu.
– Sao lại xin lỗi ta?
– Nhắc lại chuyện buồn cho đại tẩu.
– Ngươi nói chuyện thật dễ thương. Ta tên Hà, ngươi cứ gọi ta là chị Hà. Cháo ta đã nêm trước rồi, có cá kho trên bàn ngươi tự nhiên, ta ra ngoài cho gà, cho heo ăn và làm vườn.
Tích Nhân thấy thiếu phụ bước đi gọn ghẽ, biết nàng ta có võ công.
Tích Nhân chờ cháo chín, lấy tô múc vừa thổi vừa ăn. Bụng được no người được sưởi cảm thấy khỏe hẳn ra. Ăn no, Tích Nhân không thấy thiếu phụ trở vào, cởi áo hơ, áo khô lấy choàng quanh người, hong quần, khi cả hai đều khô ráo, Tích Nhân đẩy cửa ra ngoài. Nghe tiếng động ở phía sau vườn, Tích Nhân bước ra thấy thiếu phụ tên Hà đang lom khom nhổ cỏ mấy luống rau. Xa trong vườn nhiều cây trái Tích Nhân thấy có một căn nhà nhỏ, cất theo kiểu nhà sàn, có lẽ là nhà kho hay lẫm lúa. Gần đó có một chuồng heo ba bốn con. Nghe bước chân hắn, thiếu phụ không ngưng tay làm việc mà hỏi:
– Cậu đã ăn cháo chưa? Muốn đi phải không?
Tích Nhân:
– Cảm ơn đại tẩu đã giúp đỡ, tiểu đệ xin cáo từ.
Thiếu phụ ngưng tay đứng lên:
– Cậu phải đi thì ta ra mở cổng cho. Cứ theo con đường trước cửa nhà đi qua khỏi xóm, rồi theo con đê mà đi sẽ đến chợ.
Tích Nhân:
– Xin được biết rõ phương danh của đại tẩu để ghi nhớ trong lòng.
– Ta tên Hà, Hoàng thu Hà, cố phu là Trần Kiệt, người giang hồ gọi là thiết thương Trần Kiệt.
– Nhờ Trần đại tẩu chiếu cố mà tiểu đệ mới không còn thấy lạnh như cắt da nữa.
Thiếu phụ quan sát Tích Nhân từ chân lên đầu:
– Ta thấy ngươi ốm tong teo, nước da xanh mét hình như là đói bệnh lâu ngày!
Tích Nhân thở dài:
– Tiểu đệ không dấu gì đại tẩu, cha mẹ tiểu đệ mất sớm, tiểu đệ sống rày đây mai đó, đói khát bất thường. Hôm qua ở cửa Đông thành bị người hà hiếp, đánh cắp một chiếc thuyền câu đào tẩu rồi sóng nước xô dạt đến đây.
– Thì ra vậy!
– Ngươi định đi đâu?
– Tiểu đệ định đi lên phủ Lạng Sơn tìm người thân.
Thiếu phụ lộ vẻ mừng:
– Ồ! Ta cũng vốn người phủ Lạng sơn, người thân ngươi là ai, ở nơi nào?
– Tiểu đệ chỉ nhớ mẫu thân dặn đi tìm người cậu là Chu Tích Cương, nhưng không biết ở đâu.
Thiếu phụ lẫm bẩm:
– Chu Tích Cương! Hình như ta có nghe qua cái tên này. Lạ nhỉ! Ta chẳng biết là ai, nhưng cái tên thật là quen.
Thiếu phụ bỗng đề nghị:
– Đường lên đất Lạng mùa này nguy hiểm khôn cùng. Hay là ngươi ở lại đây! Ta đang định hết mùa đông này trở về nhà thăm cha mẹ. Là góa phụ lại để một nam nhân trong nhà cũng có thể gây ra dị nghị, nhưng ngươi chỉ đáng em ta. Người trong thôn xóm quanh đây chân chất, hầu hết là người làm ruộng cho nhà ta, ai có hỏi ta bảo ngươi là em đến thăm thì chẳng ai để ý.
Thiếu phụ cười:
– Thật ra gia gia ta có tới mười hai người con gái, mà chẳng có người con trai nào.
Tích Nhân ngần ngừ:
– Tiểu đệ cảm thấy trong người còn quá yếu đuối, rất muốn có chỗ ở tạm một thời gian cho hoàn toàn bình phục, nhưng chỉ sợ bất tiện cho đại tẩu. Hình như trong nhà chỉ có một mình đại tẩu.
Thiếu phụ cười:
– Ngươi còn.. con nít mà biết e ngại như đã lớn! Trong nhà còn có vợ chồng lão Tam, nô bộc của cha chồng ta. Ta mới cho họ đi thăm con ở kinh thành khoảng mươi ngày nên mới vắng vẻ như vầy.
Thiếu phụ tiếp lời:
– Nếu ngươi thấy mình đã là thanh niên, ở chung với một góa phụ sẽ bị tai tiếng, thì ta chẳng dám giữ ngươi, còn nếu ngươi thấy mình còn trẻ, chỉ đáng em út ta thì cứ tự nhiên ở lại sang xuân ngươi có thể cùng đi với ta cho có bạn.
Thiếu phụ tiếp lời:
– Ta ở đây vò võ một mình. Có ngươi hàng ngày chuyện vãn cũng khuất lấp nỗi buồn của ta. Kiệt huynh mất ta như người xa lạ ở một nơi như thế này.
Lời nói chí tình làm Tích Nhân mềm lòng:
– Trần đại tẩu đã có lời như vậy, Tích Nhân đang lúc hoàn cảnh khó khăn xin làm phiền đại tẩu.
Thiếu phụ:
– Mười hai chị em chúng ta ai cũng muốn có một người em trai. Ta là người thứ tám, Vân Thao, em út của ta nay mười bốn. Ngươi ở lại làm nghĩa đệ của ta, ta sẽ đem ngươi về làm mai gã nó cho ngươi. Từ nay gọi ta là Hà tỷ tỷ, hay chị Hà cho quen miệng, còn ta gọi ngươi là Nhân đệ.
– Cảm ơn Hà tỷ.
– Cảm ơn cái gì? Cảm ơn vì ta định làm mai Vân Thao cho ngươi?
Tích Nhân cả thẹn:
– Cảm ơn vì lòng tốt của Hà tỷ tỷ..
– Nhân đệ ngoan ngoãn lắm. Để ta vào dọn phòng , nếu có mệt thì Nhân đệ nghỉ ngơi.
Tích Nhân vào nhà, nghe Thu Hà dọn dẹp trong căn phòng phía tây, hỏi:
– Tiểu đệ có thể phụ được gì không?
Thu Hà vui vẻ:
– Chẳng việc gì làm, cứ vài ngày lão Tam cũng vào lau quét nên bây giờ chỉ lau sơ lại bàn, tủ, thay chiếu và mang màn gối cho Nhân đệ là xong. Ta hy vọng Nhân đệ không cho căn phòng này chật hẹp.
Tích Nhân cười buồn:
– Đã mấy năm rồi tiểu đệ chẳng biết cái phòng và cái giường ra sao cả.
Thu Hà bước ra thân mật:
– Tội nghiệp không! Từ nay hy vọng hiền đệ không phải bị khó khổ nữa.
– Đa tạ tỷ tỷ.
Thu Hà sang phòng mình mang chiếu mới, màn gối sang sắp xếp cho ngay ngắn rồi ra bảo:
– Nhân đệ phải tự nhiên mới được. Ta xuất thân là con nhà võ và là người của núi rừng nên rất tự nhiên, không giả dối. Gia gia ta là Thần thương Hoàng Mật, Kiệt huynh là đệ tử của gia gia ta.
Tích Nhân cười:
– Tiểu đệ chỉ sợ có được người nghĩa tỷ rồi vòi vĩnh làm tỷ tỷ tức giận mà thôi.
– Nhất ngôn ký xuất! Hiền đệ nghỉ ngơi đi, ta đi nấu bữa cơm kỷ niệm ngày chị em ta quen biết nhau.
Thu Hà ra ngoài, Tích Nhân vào phòng nằm xuống giường, đắp chăn rồi thấy hai mí mắt cứng đơ, sụp xuống.
Tích Nhân đang đau xót tột cùng trong giấc mơ thường ngày của mình, hắn đang ú ớ, lăn lộn, kêu khóc và khi bị lay dậy, vừa choàng mở mắt, tung chăn ngồi lên, ôm chần lấy người đàn bà đang đứng bên cạnh giường. Kêu lớn:
– Mẫu thân! Mẫu thân đừng bỏ hài nhi.
Thu Hà đã chuẩn bị cơm trưa vào kêu, thấy Tích Nhân đang mơ ngủ lay hắn dậy, không ngờ bị hắn ôm lấy. Là một góa phụ trẻ, trong khi Tích Nhân thân thể đã cao lêu nghêu, nên bất chợt bị ôm và bị gục mặt lên người mình, làm nàng cảm thấy bủn rủn, tay chân như không còn sức, ngã ngồi xuống giường. Nàng tức giận tung chưởng lên đánh xuống đầu hắn, nhưng bàn tay dừng lại vì nghe hắn thổn thức trong tiếng kêu thương rất chân thành. Nàng để hắn ôm rồi từ tốn:
– Nhân đệ tỉnh đi, ta đây chứ chẳng phải mẫu thân của Nhân đệ.
Tích Nhân vẫn nghẹn ngào, Thu Hà thở dài:
– Nhân đệ nhớ mẹ thì cứ khóc đi, khóc đi sẽ vơi hết nỗi khổ trong lòng. Tỷ tỷ..
Trong giấc mơ nhớ mẹ, nửa tỉnh, nửa mê Tích Nhân đã ôm Thu Hà, tưởng như ôm ghì lại hình ảnh mẹ, nhưng tiếng nói của nàng cũng liền đưa hắn trở lại thực tại, và hiểu ra mình đã có cử chỉ đáng trách, vội vàng lau nước mắt đứng lên, dụi mắt, khom người tạ lỗi:
– Tỷ tỷ tha lỗi cho tiểu đệ..
Thu Hà đứng lên:
– Đi! Đi ăn cơm đi..Hiền đệ chỉ nhớ mẹ mà! Có gì đâu!
Tích Nhân đi theo Thu Hà, chợt thấy có chút ngượng ngùng vì cử chỉ của mình, còn Thu Hà có lẽ vì cũng trải qua giây phút một góa phụ bất ngờ bị đánh thức những cảm giác sâu xa, nên cũng thẹn thầm, vì thế Tích Nhân im lặng đi theo, còn nàng thì vội vàng đi trước.
Xuống bếp, Tích Nhân thấy bàn ăn có gà nướng, cơm trắng, cá kho.. Năm bảy món. Nhìn bàn ăn Tích Nhân đã nuốt nước miếng, nhưng Thu Hà bấy giờ tỏ ra không vồn vã mà đứng quay mặt vào bếp. Tích Nhân cảm thấy mình có tội nhưng chẳng biết phải làm sao. Căn nhà bếp chợt có chút nặng nề và mất tự nhiên.
Giây phút nặng nề trôi, Tích Nhân lấy hết can đảm cúi đầu:
– Tỷ tỷ.. Xin tỷ tỷ tha lỗi cho tiểu đệ.
Thu Hà đứng yên, hắn lên tiếng van xin lần nữa, bấy giờ Thu Hà mới quay lại cười. Qua ánh lửa, Tích Nhân thấy nàng đẹp tuyệt vời.
Thu Hà bắt gặp ánh mắt của hắn, buột miệng:
– Ngươi!
Tích Nhân cũng bất thần buột miệng:
– Tỷ tỷ đẹp quá!
Thấy hắn khen mình một cách chân thật, trong lòng khoan khoái, Thu Hà cười như hoa nở, bước lại lấy tay bẹo má:
– Còn nhớ mẹ khóc lên khóc xuống, mà cũng biết đẹp, xấu.. Này ngồi xuống ăn cơm.
Nàng kéo ghế cho hắn, Tích Nhân lại cung tay:
– Xin mời tỷ tỷ.
Thu Hà ngồi xuống ghế phá lên cười:
– Ngươi ngộ thật! Có lúc như thằng bé lên năm sáu còn khóc nhè, có lúc như ông đồ Nho.
Tích Nhân ngồi xuống ghế buồn bã:
– Tiểu đệ nay đã mười lăm, chỉ vì không còn cha mẹ, lưu lạc đó đây nên chưa được nên người.
Thu Hà ngưng cười, gắp thức ăn cho hắn:
– Hiền đệ xem thử thức ăn ta làm có ngon không?
Tích Nhân:
– Xin mời tỷ tỷ.
Thu Hà rót rượu:
– Gia đình ta trong bữa ăn đều có uống chút rượu thành quen, nhỏ lớn đều uống rượu. Nhân đệ uống rượu được không?
– Tiểu đệ chưa bao giờ uống.
Nàng rót cho Tích Nhân một chút, khuyến khích:
– Rượu ngô của gia đình họ Hoàng ta đặc chế không tệ lắm. Nhân đệ nếu muốn có thể thử một chút.
Tích Nhân đưa chén rượu lên môi, chưa uống đã sặc. Nhưng rồi bậm môi uống liền một hơi.
Thu Hà mỉm cười:
– Nhân đệ cũng can đảm đấy! Trời lạnh uống được chút rượu cũng rất tốt cho sức khỏe.
Tích Nhân nghe tai và người nóng bừng, bậm gan cầm đũa, ăn được chén cơm, cảm thấy dễ chịu hơn.
Thấy Thu Hà ăn thịt, uống liền hai chén rượu, Tích Nhân hỏi:
– Tỷ tỷ thích uống rượu lắm phải không?
– Uống một hai chén trước khi ăn cơm đã là tập tục của nhà ta, nhưng uống để say sưa thì ta chưa bao giờ.
– Tỷ tỷ biết võ công?
– Ta đã giới thiệu với hiền đệ, gia gia ta có tiếng là Thần thương, dạy thương pháp, quyền pháp cho nhiều học trò. Có người gọi gia gia ta là trại Nhạc Phi vì cho rằng thương pháp của ông không thua thương pháp của Nhạc Phi đời Tống. Dù con gái nhưng ta cũng phải biết chút đỉnh công phu của phụ thân mình chứ! Ngươi không ngoan ngoản ta sẽ lấy thương mà đánh!
Tích Nhân:
– Phụ thân và mẫu thân của tiểu đệ đều biết võ nghệ, nhưng từ bé cho đến khi gia đình bị kẻ thù làm hại, gia gia và mẫu thân tiểu đệ chỉ bắt tiểu đệ học văn. Ông bảo phải biết đạo làm người trước rồi mới học võ sau, có võ mà không có chữ nghĩa thánh hiền, trí tuệ thì chỉ làm một võ phu lỗ mãng. Võ mà không có văn thì không bao giờ đạt được tinh túy của võ học. Vì quan điểm của phụ thân mà bây giờ tiểu đệ chỉ biết vài chiêu phòng thân.
– Ta nghĩ thân phụ hiền đệ nói đúng. Không được học chữ như ta, nếu có một kỳ thư bí kíp gì trước mắt cũng chẳng biết đâu nghiên cứu. Từ nhỏ đến lớn ta sống trong đầy đủ, nhưng ta vẫn thấy thiếu cái gì đó và có lẽ đấy là chữ nghĩa. Văn tự ta chỉ biết đọc và viết tên của mình. Ồ! Hay là ta dạy Nhân đệ thương pháp nhà ta, còn Nhân đệ thì dạy lại ta chữ nghĩa. Hai ta học lẫn nhau.
Tích Nhân vui thích:
– Nếu vậy thì hay biết mấy! Chúng ta cứ như vậy, vài năm sau sau chúng ta sẽ là một cặp.. văn võ song toàn.
Thu Hà đỏ mặt:
– Cái gì chúng ta là một cặp..
Tích Nhân cả thẹn lấp bấp:
– Một cặp chị em, tỷ đệ..
Thu Hà liếc mắt:
– Nhân đệ chắc vì có học chữ nên miệng lưỡi hơi… lém lĩnh!
Tích Nhân tưởng Thu Hà chê trách, bối rối cúi đầu xuống bàn.
Thu Hà:
– Ta chỉ đùa một chút mà Nhân đệ giận hay sao?
Tích Nhân lấp bấp:
– Tiểu đệ nào dám giận tỷ tỷ..
Thu Hà lại hỏi:
– Nhân đệ thấy ta có phần giống bá mẫu hay sao mà lúc nãy tưởng ta là người?
Tích Nhân trầm ngâm:
– Lúc ấy tiểu đệ ở trong cơn mơ rồi hoảng hốt mà thôi. Tỷ tỷ không có chút gì giống mẫu thân tiểu đệ dù cả hai đều đẹp. Tỷ tỷ đầy nét vui tươi, tràn đầy sức sống, thì mẫu thân tiểu đệ lúc nào đôi mắt cũng có chút u buồn lo lắng. Mẫu thân thể mãnh mai, răng đen hạt huyền, đầu chít khăn the, thích mặc áo lụa trắng, ít nói, nghiêm nghị với mọi người, nhưng với tiểu đệ thì hết lòng chiều chuộng. Lúc bé học viết, bà luôn đặt tiểu đệ trong lòng nắm tay chỉ dạy, lúc nào cũng âu yếm cưng yêu, khi nào tiểu đệ buồn bực chuyện gì, thì bà ôm vào lòng vuốt ve an ủi. Bà chiều chuộng tiểu đệ đến nhiều lúc gia gia tiểu đệ cũng tỏ ra khó chịu vì thế mà khi tỷ tỷ nắm tay tiểu đệ lay dậy, thì tưởng tỷ tỷ là mẫu thân.
Thu Hà:
– Ta chưa được làm mẹ, nhưng chắc người mẹ nào khi có con cũng thương con như vậy.
Và tiếp lời:
– Nhân đệ có thể kể cho ta nghe hoàn cảnh của mình?
Tích Nhân trầm ngâm, Thu Hà:
– Nếu Nhân đệ thấy có điều gì khó nói, thì tỷ tỷ cũng không tò mò nữa.
Tích Nhân thở dài:
– Chẳng có điều gì mà tiểu đệ không muốn nói với tỷ tỷ. Mới gặp nhưng tiểu đệ thấy như rất thân quen và tỷ tỷ là người đáng cho tiểu đệ tin cậy. Chỉ có điều trước khi mẫu thân mất căn dặn tiểu đệ không được tiết lộ mình là con ai nếu chưa học thành một thân võ công tuyệt thế.
Thu Hà:
– Đã có lời dặn của bá mẫu, Nhân đệ không nên làm trái.
Cơm nước xong, Tích Nhân phụ với Thu Hà dọn dẹp, sau đó nàng lấy thước ra đo khuôn khổ người hắn:
– Nhân đệ có một bộ đồ không có gì thay đổi, để ta may thêm cho Nhân đệ.
– Phiền tỷ tỷ quá!
Thu Hà nghiêm nghị:
– Đã coi ta là tỷ tỷ, thì đừng khách sáo nữa.
Tích Nhân không dám nói thêm lời nào, để nàng đo người, nhưng nhắc nhở:
– Tiểu đệ bị đói lâu ngày nên thân thể chỉ có da bọc xương, nếu được ăn no thì..
– Có mập cũng mười hôm, nửa tháng. Tuy nhiên, Nhân đệ không phải lo, ta cắt rộng một chút. Hôm nào Nhân đệ hoàn toàn mập mạnh, chúng ta ra chợ, ta sẽ mua sắm cho Nhân đệ.
Tích Nhân lấy mấy viên ngọc, các thỏi vàng bạc và số tiền giấy trong áo đưa cho Thu Hà:
– Số tiền này mẫu thân tiểu đệ để lại cho đệ phòng thân, nay được tỷ tỷ cho ăn cho mặc, xin tỷ tỷ giữ lấy giùm cho tiểu đệ.
Thu Hà nhìn số vàng bạc châu ngọc:
– Ồ! Không ngờ Nhân đệ giàu như thế này! Đã mang cả một khối tài sản trong người sao lại đói khát?
Tích Nhân thuật lại những cảnh mình đi đổi bạc lấy tiền chẳng những bị mất bạc mà còn bị đánh đập như thế nào, sau đó hàng ngày phải ăn xin, ngủ gốc đa, hoàn cảnh suýt bị chết đói chết lạnh, được Phạm tiên sinh giúp đỡ và gia đình thím Năm bị giết, rồi sợ mang họa cướp thuyền câu đi trốn cho nàng nghe.
Câu chuyện hắn khá dài nên cả hai đã ngồi xuống thềm hiên, Thu Hà nghe câu chuyện đời hắn, thương hại đến giọng nói trở nên nghèn nghẹn:
– Tội nghiệp cho hiền đệ!
Nàng đặt tay lên vai hắn:
– Ta cũng không hiểu sao khi gặp Nhân đệ đã thấy rất mến. Còn Nhân đệ cũng chẳng biết nhiều gì về ta lại tin tưởng đem hết vàng bạc giao cho ta. Có lẽ hai chị em chúng ta có duyên từ kiếp trước. Từ nay, ta coi Nhân đệ là người thân nhất trên đời của mình. Ta hy vọng Nhân đệ cũng vậy.
Tích Nhân chợt rơi nước mắt:
– Người thân nhất trên đời của tiểu đệ bây giờ là tỷ tỷ.
Thu Hà:
– Hiền đệ ngoan! Ta giữ dùm số vàng bạc và châu ngọc này cho Nhân đệ, khi nào Nhân đệ ra đi ta sẽ giao lại.
Tích Nhân:
– Tiểu đệ hy vọng từ nay tỷ đệ chúng ta đi đâu cũng có nhau.
Nghe hắn nói Thu Hà lòng rúng động, buông rơi bàn tay mình trên vai hắn xuống, nàng ngước nhìn lên đám mây đang bay trên trời, dấu tiếng thở dài, rồi đứng lên:
– Nhân đệ về phòng nghỉ, hay ra ngoài vườn chơi, tỷ tỷ đi may áo cho hiền đệ.
Thu Hà bước vội về phòng nàng. Tích Nhân ngồi buồn một mình trong giây lát rồi về phòng, lấy quyển bí kíp Vân Long phái ra đọc thêm cho thuộc.
Mấy ngày ở với Thu Hà, chữ nghĩa, hình ảnh quyển bí cấp nằm hết trong đầu Tích Nhân. Vì nghĩ nó là vật sở hữu của cô cháu thím Năm, biến phải tùng quyền, chỉ lấy theo để kẻ gian khỏi đắc chí, mai sau ghi chép trả lại cho chủ như đã hứa, nên Tích Nhân không chia xẻ với Thu Hà, sau khi ghi nhớ hết, đem ra gò xé đốt.
Được ăn no mặc ấm, ban ngày luyện tập thương pháp vài giờ được giãn gân, giãn cốt. Thân thể Tích Nhân như thay đổi hàng ngày, nhiều bữa Thu Hà nhìn hắn đăm đăm buột miệng:
– Nhân đệ lớn lên sẽ là một mỹ mạo nam tử.
Mỗi đêm, sau khi chỉ Thu Hà đọc và viết chữ, Tích Nhân, đã học thuộc hai quyển bí kíp võ công, nhưng khi về phòng lại không ngồi tĩnh tọa tập luyện nội công theo tâm pháp tối thượng mà vẫn tập mười mấy thế động tác điều kinh ích khí mà thôi. Khi học võ của Thu Hà, Tích Nhân thấy thương pháp chú trọng nhiều về chiêu thức vũ bão và sức mạnh ngoại công, không phải là võ công thượng thừa cho nên không mấy hứng thú, tập luyện lơ là và nếu bị Thu Hà quở trách, hay có ý không vui vì sự lơ đễnh của mình thì Tích Nhân mới cố gắng sử dụng ngọn trường thương đúng theo ý của nàng và được ngay, làm Thu Hà rất vui thích.
Trong những ngày sống vui vẻ ấy, một hôm Tích Nhân được Thu Hà kể cho biết phụ thân Trần Kiệt, chồng nàng, là Trần Pha, lúc còn trai trẻ làm nghề đi buôn. Đem vải vóc. Đồ sứ lên miền ngược bán, mua lông thú và thịt rừng khô đem về miền xuôi, quen thân với gia gia nàng. Lúc đã có tiền, Trần Pha mua ruộng đất mộ dân canh tác, đất cát chung quanh nhà hiện nay là của ông ta. Trần Pha lấy vợ, người vợ lớn sinh một trai là Trần Tấn. Khi Trần Tấn lên mười, Trần Pha tìm danh sư là thần quyền Nguyễn Sư Đề chỉ dạy. Vợ mất, Trần Pha tục huyền, người vợ kế sinh Trần Kiệt, lên mười tuổi Trần Kiệt cũng tỏ ra thích võ nghệ nên Trần Pha đem lên Hoàng gia trang ở chân núi Nhị Thanh bái phụ thân nàng làm sư phụ. Khi Trần Kiệt lên hai mươi lăm và nàng lên mười sáu, phụ thân nàng đã chọn nàng để gã cho Trần Kiệt. Ngày cưới chờ mãi không thấy cha mẹ Trần Kiệt lên tới, sợ lỡ giờ lành, phụ thân nàng đã cho cử hành hôn lễ. Họ tận hưởng được tình duyên chỉ được ba ngày, thì tin dữ bay đến. Cha mẹ Trần Kiệt trên đường đem sính lễ dự lễ cưới của con bị bọn cướp núi Cấm Sơn giết chết. Nghe tin đau xót Trần Kiệt đành phải gạt nước mắt, từ giã nàng, theo chân người nô bộc Trần Tam trở về tìm xác cha mẹ.
Trước khi cha mẹ Trần Kiệt bị cướp giết, người anh cả là Trần Tấn cũng đã bị Quý Ly cho người sát hại vì trung thành với danh tướng Nguyễn Đa Phương, con trai của Nguyễn Sư Đề.
Sau khi an táng song thân, Trần Kiệt tìm bọn cướp trả thù, thiết thương Trần Kiệt đã nổi tiếng giang hồ vì đã làm cho bọn cướp khiêng oai khiếp vía. Trong khi tìm đánh bọn cướp trả thù, Trần Kiệt đã gởi thư xin nàng chấp nhận cho hai vợ chồng không gặp nhau trong ba năm. Biết mình không phải Liễu Hạ Huệ thì phải tránh, gặp người vợ mới cưới xinh đẹp như nàng, anh ta khó có thể giữ được lễ đạo làm con lúc còn tang cha mẹ. Nàng không muốn chấp nhận đề nghị của Trần Kiệt đi nữa thì cũng không biết đâu mà tìm. Vì đã mang phận con dâu, nàng cũng để tang cha mẹ chồng, và khi tang cha mẹ chồng chưa mãn, thì nàng đã phải nhận tin đau đớn: Thiết thương Trần Kiệt đã bị giết ở Lạng Giang. Hung thủ không rõ là ai. Và, ba năm qua nàng đã phải từ vùng rừng núi xa xôi, về chỗ đồng cỏ lầy lội này để tang và hương khói cho gia đình chồng.
Khi kể những gì đã trải qua trong cuộc đời, Thu Hà não nuột:
– Hồng Nhan bạc mệnh! Tỷ tỷ rất thương yêu Trần đại ca và Trần đại ca cũng vậy, nhưng chỉ vài ngày thật sự vợ chồng bên nhau, thì Trần đại ca đã ra người thiên cổ.
Tích Nhân an ủi:
– Tỷ tỷ hết lòng với Trần đại ca, linh hồn anh hẳn cũng rất an ủi. Đã mãn tang, tỷ tỷ nên lo nghĩ đến những ngày tháng còn lại của mình.
Thu Hà thở dài:
– Ở đây ta buồn thật, ba năm qua ta chưa được một lần cỡi ngựa đi săn, nhảy múa ca hát bên ngọn lửa hồng, nhưng cũng an ủi nghĩ rằng có Kiệt huynh bên ta. Ta định mùa xuân này trở về Nhị Thanh vài tháng rồi trở lại đây sống cho hết cuộc đời bên bàn thờ Kiệt huynh.
Tích Nhân nắm tay nàng cản ngăn một cách cương quyết:
– Không! Tỷ tỷ không thể làm vậy! Tỷ tỷ còn trẻ, chưa có con với Trần đại ca. Tỷ tỷ không thể chôn vùi cuộc đời ở một nơi mình không thích. Tiểu đệ.. Tiểu đệ không thể để tỷ tỷ sống trong sự buồn rầu như thế này!
Tích Nhân trở nên tha thiết:
– Tiểu đệ sẽ không rời xa tỷ tỷ! Lớn lên tiểu đệ sẽ săn sóc cho tỷ tỷ!
Sự thiết tha và cương của hắn làm Thu Hà rùng mình, nhưng nàng cười:
– Lúc hiền đệ lớn lên ta đã thành bà già mất rồi.
– Không! Tỷ tỷ không già, mà có sao đi nữa thì tiểu đệ cũng vẫn thương yêu tỷ tỷ.
Thu Hà bẹo má hắn:
– Ông mãnh này! Con nít mà đã bạo gan bạo miệng!
Bị mắng cưng là con nít, nhưng Tích Nhân phật lòng, lớn tiếng:
– Tiểu đệ đã mười lăm tuổi!
Thu Hà cười ngặt nghẽo:
– Ừ! Hiền đệ đã là trang tu mi nam tử rồi đấy, một nam tử hán mười bốn, mười lăm tuổi!
Bị cười nhạo, Tích Nhân đỏ mặt, chạy về phòng, buổi chiều không chịu dậy ăn cơm, Thu Hà phải vào phòng năn nỉ:
– Nhân đệ tha lỗi cho tỷ tỷ. Ra ăn cơm, tỷ tỷ chờ hiền đệ đã đói lắm rồi.
Xây mặt vô vách, Tích Nhân dấm dẳn:
– Tiểu đệ không đói.
Thu Hà ngồi xuống giường, vuốt vai hắn:
– Nhân đệ giận tức bụng nên không đói! Hết giận sẽ đói ngay. Nào! Đừng giận tỷ tỷ nữa!
Tích Nhân xoay lại nắm chặt tay Thu Hà, thiết tha:
– Tỷ tỷ hứa đừng gọi tiểu đệ là con nít nữa và hứa từ nay để tiểu đệ suốt đời được sống bên tỷ tỷ!
Ánh mắt van lơn, chân thành và tha thiết của hắn làm Thu Hà rúng động, nàng sững sờ nhìn hắn, rồi ánh mắt của nàng trở nên thẫn thờ và nàng chợt gục lên người hắn khóc:
– Ta không biết! Ta không hiểu ta như thế nào nữa! Tại sao Nhân đệ đến đây và ta lại để Nhân đệ ở đây! Ta.. ta..
Thu Hà gục mặt lên người, ôm lấy mình, Tích Nhân nghe cả toàn thân rung động trong một cảm giác mới lạ chưa từng có, và như một người lớn, hắn ôm chặt lấy nàng:
– Tại vì tỷ tỷ và tiểu đệ mới thật sự có duyên nợ với nhau.
Hắn biết nói, hắn biết tận hưởng cái cảm giác mới lạ đang ôm một nữ nhân, một người mà hắn thấy không ai đẹp bằng, nụ cười ánh mắt của nàng làm hắn thẩn thờ, vắng nàng giây phú hắn thấy bồn chồn, nhưng hắn chẳng biết làm gì khác ngoài ôm thật chặt. Nằm trong cánh tay hắn một lúc, bị hắn ôm muốn nghẹt thở, Thu Hà cắn mạnh vào má hắn, chống tay ngồi lên, thẹn thùng:
– Oan gia! Chịu đi ăn cơm chưa?
Tích Nhân sờ má, luyến tiếc:
– Tiểu đệ muốn được ôm tỷ tỷ một lúc nữa..
Thu Hà đỏ mặt đứng dậy bỏ đi, Tích Nhân lẽo đẽo theo sau. Trong bữa cơm cả hai đều ngượng ngập, nhưng bốn mắt khi nhìn nhau lại chứa chan một tình cảm khác lạ, và buổi tối khi dạy Thu Hà viết chữ, lúc Tích Nhân nắm tay bàn tay trắng trẻo để giúp cho nét bút của nàng, bàn tay của hắn trở nên run run và Thu Hà cũng cảm thấy như điện giật, nhưng rồi hai bàn tay của họ lại nắm chặt nhau và hai thân hình cũng kéo lại bên nhau. Tuy nhiên, hai con chó ngoài sân bỗng sủa ran, và Thu Hà đẩy hắn ra:
– Để ta xem vì sao hai con đại hoàng và hắc hoàng bỗng dưng lại sủa như vậy?
Thu Hà mở cửa ra ngoài, Tích Nhân cảm thấy hụt hẫng, thẫn thờ tiếc nuối giây phút vừa qua.
Đang thẫn thờ tiếc nuối, nghe hai con chó, sau lời la mắng của Thu Hà lại sủa dữ dội hơn, rồi Thu Hà đi nhanh vào:
– Có người đến đây! Không hiểu họ là ai?
Thu Hà bước vào phòng hấp tấp dặn hắn:
– Nhân đệ vào phòng trốn xuống gầm giường, có gì đừng ra ngoài nguy hiểm. Chúng có tới sáu bảy người và đều là kẻ có võ công, Nhân đệ ra ngoài ta không thể chiếu cố nổi.
Thu Hà từ phòng mình trở ra rút cây thiết thương bên cạnh bàn thờ Trần Kiệt, thì cánh cửa lớn bị đá tung ra. Tích Nhân được Thu Hà căn dặn, nhưng hắn đâu có thể trốn như nàng bảo, về phòng cũng vội cầm cây đằng tiên, bước ra.
Trước cửa dưới ánh sáng bốn cây đuốc do bốn tay đại hán lực lưỡng cầm dơ cao, là ba người trung niên mang kiếm, người đứng giữa thấp lùn, mặt choắt, râu lơ thơ thấy Thu Hà cầm thiết thương chuẩn bị ứng chiến, bên cạnh nàng là Tích Nhân, dù mặt còn con nít nhưng cũng cao lớn, liền cả cười:
– Hà! Hà! Nghe nói bát tiểu thơ dung nhan tuyệt thế cũng rất phong hoa nay gặp mới biết. Hà! Trong lúc đến nhà chồng cũ thu huê lợi cũng đã đem trai tơ về nhà!
Tích Nhân tức giận quát:
– Lão là ai dám hỗn láo với tỷ tỷ ta!
Lão lùn lại cười:
– Ta chưa từng nghe lão Hoàng Mật có con trai bao giờ! Tỷ tỷ đệ đệ của các ngươi là thứ gì đây?
Thu Hà lên tiếng:
– Xin cho biết các hạ là ai? Thù oán gì với ta?
Lão lùn hừ lớn:
– Trần Kiệt đã giết hại nhiều anh em của ta, nó đã bị ta giết, nhưng ngươi cũng không thể sống.
Lão lại thở dài:
– Đêm nay thế nào ngươi cũng phải chết nên ta cũng cho biết tại sao ta tới đây để ngươi chết khỏi làm con ma hồ đồ. Mấy năm nay ta cũng nể lão Hoàng Mật vàbiết ngươi cũng không tha thiết gì việc trả thù cho Trần Kiệt nên để ngươi sống yên ổn. Tuy nhiên, vợ chồng lão Tam đã lặn lội đi tìm ta, nhờ ta giết ngươi. Lão Tam biết ngươi cũng chẳng chung tình gì với chủ nhân của lão, nhưng mỗi năm ngươi thu tất cả huê lợi và cũng chẳng có ân huệ gì đặc biệt cho lão. Ngươi chết, nhà Trần Kiệt không còn ai là con cháu thừa hưởng, Trần Tam thoát cái nợ đời là ngươi và có thể chiếm hết ruộng đất, rồi mỗi năm đóng góp cho ta, nên ta đành phải mắc tội với lão Hoàng Mật.
Thu Hà nhìn lão lùn, mặt chợt biến sắc:
– Lão là Thiên thủ kiếm Đinh Hưng! Các ngươi là Thiên thủ tam kiếm.
Lão lùn ngửa cổ cười đắc ý:
– Con bé nhà ngươi nhãn quan cũng khá lắm! Đã biết chúng ta là ai, thì cũng nên tự xử để ta khỏi phải ra tay!
Thu Hà biết mình không phải là đối thủ của Thiên thủ tam kiếm, liền bất ngờ đá vào cánh cửa rồi kéo tay Tích Nhân chạy vào phòng mình, nàng rút một gói vải nhỏ dưới gối rồi kéo Tích Nhân chạy ra nhà sau vừa hối thúc:
– Nhân đệ băng qua vườn vạch tre chạy trước đi, không đi nhanh sẽ chết uổng mạng.
Tích Nhân lắc đầu, cương quyết:
– Sống cùng sống, chết cùng chết. Tiểu đệ nhất quyết không rời xa tỷ tỷ.
Trong giây phút nguy hiểm, lời nói của Tích Nhân làm Thu Hà cảm động nắm chặt tay hắn. Bọn Đinh Hưng cả cười:
– Trước khi chết bát tiểu thư lại có được thêm một tiểu tử chung tình.
Thu Hà và Tích Nhân ra tới sân thì vách nhà bị người xô ngã xuống và ba anh em Đinh Hưng đã chia nhau ba góc bao vây họ. Bốn gã cầm đuốc cũng nhanh nhẹn chạy ra. Thấy không còn đường chạy, Thu Hà chưa biết phải làm sao, thì Tích Nhân gỡ tay nàng, quơ cây gậy bước lên, cả cười:
– Ba lão họ Đinh kia! Các ngươi tưởng với ba mươi sáu thế thiên thủ kiếm của các ngươi, muốn giết ai thì giết được hay sao?
Bốn tên cầm đuốc khi băng vô nhà đã châm lửa đốt nhà. Lửa trong nhà, bốn bó đuốc làm cho cả sân sau sáng như ban ngày, nghe Tích Nhân cười nói, lão Đinh Hưng mới thật sự chú ý đến hắn rồi đôi mắt bị thu hút vào cây gậy mây đen thui, ngắn ngủn trong tay hắn. Cây gậy mây làm mắt lão như bị thôi miên, tiếng nói chợt trở nên e dè:
– Ngươi là ai? Tại sao lại..
Tích Nhân:
– Ta hiện là chủ nhân của cây hắc đằng tiên này! Trước đây các ngươi đã được sư phụ ta tha chết một lần, hứa ăn năn hối cải. Thế nhưng hôm nay lại đốt nhà giết người là cớ làm sao?
Lão nhị của Thiên thủ tam kiếm là Đinh Khai âm trầm:
– Dù mi là chủ nhân hắc đằng tiên đi nữa, nhưng chỉ là một cậu bé miệng còn hôi sữa thì đã làm gì được ai!
Trong ánh sáng nhà cháy và đuốc soi, Tích Nhân bước tới lão Đinh Khai, bước chân rất nhẹ nhàng, thân pháp cũng không phải nhanh như sao sa chớp giật, nhưng lão Đinh Khai bị hắn đánh ngay vào má một tát tai, rồi trở về chỗ cũ mà lão không thể tránh né.
Đánh Đinh Khai xong, Tích Nhân nghiêm giọng:
– Hắc đằng tiên trong tay ai người ấy là chưởng môn Đằng tiên phái. Ta cũng như sư phụ ta, không bao giờ muốn giết người. Các ngươi đi đi, từ nay ăn năn hối cải hay là buộc ta phải ra tay phế bỏ võ công. Hai đường tùy các ngươi quyết định. Vừa rồi nếu ta không tát vào mặt ngươi mà nhả kình lực lên huyệt bách hội ngươi có thể tránh được không?
Thân thủ thần kỳ của hắn làm cho bọn Đinh Hưng hoảng sợ. Đinh Hưng cũng thấy hắn còn trẻ nghĩ công lực không bao nhiêu, nhưng mắt thấy thân thủ kỳ dị, sợ nếu mạo hiểm mà Tích Nhân là người có công lực thật sự thì mình bị phế bỏ võ công, sống không bằng chết, mạo hiểm như vậy cũng chẳng lợi gì, nên nhân hắn nói, bèn cung tay:
– Đã từng được Đằng tiên lão nhân gia tha mạng, không biết tiểu hiệp là ai, nhưng có hắc đằng tiên trong tay, thì thiên thủ tam kiếm này chẳng dám không tuân.
Đinh Hưng khoát tay, phi thân qua nóc nhà đang bắt đầu bốc lửa. Hai anh em lão cũng phi thân theo anh, còn bốn tên tráng hán cầm đuốc vội băng vườn chạy đi.
Có lẽ là một góa phụ còn quá trẻ, lúc gặp gỡ Tích Nhân, Thu Hà đã phải trải qua giây phút thật ngượng ngập. Nàng đã cầm giữa hắn ở lại, và sau đó những cử chỉ vô tình của hắn, thân mật giữa nàng và hắn đã đánh thức làn da thớ thịt của nàng, làm nàng trải qua những giây phút thẩn thờ. Sống trong thời đại người con gái mười hai mười ba có thể bị gã lấy chồng rồi về nhà phải bế chồng đi chơi cũng làm Thu Hà thấy giữa hắn và nàng cũng chẳng có gì ngăn cách vì tuổi tác và nhất là nàng biết, dù Tích Nhân còn bé nhưng chỉ trong vài năm nữa, hắn sẽ là một thanh niên mà cả bản, cả châu của nàng chẳng ai có thể có dung mạo bì sánh kịp nên khi nhìn thấy sự chí tình của hắn, tha thiết của hắn nàng đã rung động thật sự, đã ngã vào vòng tay của hắn và thầm xây lâu đài hạnh phúc cho ngày mai, trong vài năm tới.
Thiên thủ tam kiếm lừng danh giang hồ, ngay phụ thân nàng là Thần thương Hoàng Mật cũng chưa dám đối đầu, thế mà người yêu bé nhỏ, nàng yên trí chẳng biết võ công lại có thể tát vào mặt dễ dàng như tát đứa trẻ, mắng cho ít câu thì mất hồn chạy đi ngay, như vậy võ công của Tích Nhân trên đời này có ai bằng? Nghĩ như vậy, Thu Hà tưởng như cao xanh đã thương nghĩ đến mình, đem người cao thủ tuyệt thế này đến cho mình. Tuy nhiên, nghĩ lại nàng liền trở nên tức giận và thẳng tay tát Tích Nhân:
– Ngươi là tên dối gạt!
Cái tát với tất cả sự tức giận của nàng làm Tích Nhân liễn xiển, hắn gượng đứng lại được, thấy Thu Hà phóng đi liền chạy theo.
Từ ngôi nhà đơn độc như cù lao của Thu Hà đến xóm chỉ có một con đường duy nhất, vừa nhỏ hẹp, vừa hang ổ, Thu Hà võ công không cao, nhưng là người có tập luyện võ công, nên nàng chạy như bay, còn Tích Nhân thì thật sự chỉ tập cái vỏ bề ngoài vài chiêu tuyệt thế để phòng thân lúc nguy cấp, nên trong đêm tối, hắn té lên, té xuống không biết mấy lần và khi hắn bị té nhào xuống đám ruộng sâu, ướt hết mình mẩy, trèo được lên bờ thì không còn thấy Thu Hà đâu nữa.
Biết không còn đuổi kịp nàng, Tích Nhân ngồi bệt xuống bên đường, nghĩ đến ân tình của Thu Hà trong những ngày qua, hắn càng lúc càng thấy đau khổ, nghẹn ngào:
– Hà tỷ tỷ sao nàng lại bỏ đi! Gặp được tỷ tỷ tiểu đệ thấy mình vô cùng may nắm, những mong được từ nay sống mãi cùng tỷ tỷ, bầu bạn mãi mãi bên nhau. Thế nhưng.. Tỷ tỷ bỏ đi, tiểu đệ không màng trở lại cảnh đời côi cút, nhưng rồi từ nay, nỗi nhớ nhung đối với tỷ tỷ làm sao nguôi được!
Khi bọn tam kiếm đến đốt nhà Thu Hà đêm cũng đã khuya, nhưng trên xóm vẫn còn vài người lớn tuổi nhìn thấy ngọn lửa, họ hô hoán, kêu gọi trai tráng thức dậy mang thùng gàu đi chữa cháy. Thu Hà chạy lên phía xóm, người trong xóm rủ nhau đi chữa lửa chạy xuống nhà nàng và khi đôi mắt cũng nhạt nhòa dòng lệ tủi tức của Thu Hà nhìn thấy phía trước có người, tưởng bọn tam kiếm liền quay ngược lại. Trở lại con đường cũ thấy Tích Nhân ngồi than thở, thốt ra bao lời thương nhớ đối với mình, Thu Hà mủi lòng bật khóc thành tiếng, nhào tới ôm hắn:
– Nhân đệ!
Thu Hà khóc vì cảm động, thì Tích Nhân mừng vui ôm chặt lấy nàng:
– Tỷ tỷ đã trở lại! Tỷ tỷ không bỏ tiểu đệ nữa. Tỷ tỷ hãy hứa từ nay đừng xa tiểu đệ nữa.
Thu Hà siết chặt hắn:
– Vâng! Từ nay chúng ta không bao giờ xa nhau, rời nhau nửa bước. Chết sống có nhau.
Nhưng rồi, nghe bước chân đến gần nàng kéo hắn lên:
– Chạy! Chạy mau lên bọn chúng tới rồi kìa.
Trước nhà nàng có hai con đường, một con đường lớn lên xóm, ra chợ, một con đường đến những cái gò cao phía bờ sông. Con đường này rất nhỏ, nên tới đây thì Thu Hà đẩy hắn lên trước. Tích Nhân lại sợ nàng ở lại nên không chạy.
Thu Hà thúc hối:
– Chạy nhanh lên!
Sự dằn co ở ngã ba này cho Tích Nhân cơ hội, nhìn thấy số người từ phía xóm chạy tới, có đèn đuốc và rất đông. Hắn nắm tay Thu Hà chỉ:
– Không phải bọn tam kiếm đâu, dân làng đấy!
Thu Hà thấy dân làng, đưa tay lên ngực:
– Tỷ tỷ chẳng còn hồn phách gì, thấy người đã sợ.
Người dân trong xóm chạy tới không ai bảo ai, thi nhau múc nước dập lửa. Mùa đông khí trời lạnh lẽo, hay mưa gió, mọi thứ đều ẩm ướt nên ngọn lửa không lan nhanh. Tuy nhiên thôn dân chạy tới cũng chỉ có thể giữ được căn nhà tranh cho Thu Hà, còn căn nhà ngói to rộng thì đã bị thiêu sập cả. Ngọn lửa đã hoàn toàn bị dập tắc, thôn dân kéo tới Thu Hà, một ông lão lên tiếng:
– Xin lỗi phu nhân chúng tôi đến hơi trễ thành ra căn từ đường..
Thu Hà nhanh nhẩu:
– Quý bác đã không nề nguy hiểm đến cứu, còn giữ được căn nhà dưới là may mắn lắm rồi.
Một người lên tiếng:
– Tại sao nhà cháy vậy? Thưa phu nhân.
Thu Hà thở dài:
– Bọn cướp muốn đến giết ta đã đốt.
Nghe nói đến cướp, đám người nông dân tỏ ra sợ hãi. Thu Hà trấn an:
– Phu quân ta đã đánh giết bọn cướp của giết người từ kinh thành cho tới biên giới, hôm nay bọn chúng tìm đến ta trả thù, nhưng chúng chẳng làm gì được ta, đã bị đuổi chạy thì chẳng dám đến nữa đâu.
Một cụ già:
– Nghe nói phu nhân xuất thân từ gia đình võ nghệ tuyệt luân. Có phu nhân ở đây chúng tôi cũng được che chở.
Thu Hà cười:
– Võ nghệ ta chẳng che chở được ai đâu, nhưng quý hương thân không phải lo. Bọn cướp này không phải tầm thường, chúng sẽ không làm hại những người tay lấm chân bùn, chỉ mong ăn được no, mặc được ấm như quý bà con đâu. Chúng tới chỉ vì ta, nay mai ta rời khỏi chỗ này, thì chúng chẳng bao giờ để ý nơi này nữa.
– Phu nhân đi đâu? Nghe nói phu nhân sẽ suốt đời thủ tiết và định ở đây suốt đời kia mà!
– Trước kia khác, nay khác. Bọn cướp không để yên cho ta, thì ta phải về Khâu Ôn để nương tựa với gia đình. Nhà ta đông người ai cũng có võ nghệ có thể che chở cho ta một thời gian.
Thôn dân nghe nàng nói chí lý, không hỏi thêm nữa.
Bọn thiên thủ tam kiếm vì đinh ninh nàng thế nào cũng bị giết nên đã cho biết vợ chồng lão nô bộc Trần Tam đã năn nỉ chúng ra tay, hòng chiếm hết tài sản, nên lúc này Thu Hà liền nảy ra ý nghĩ và nói với thôn dân:
– Bắt đầu ngày mai quý vị ở nhà vài ngày, không ai được đi vào đầm hay xuống ruộng. Ai ở xa thì người nhà mau đi kêu về. Trong vài bữa nữa ta phải đi về Khâu Ôn. Trước khi đi, ta muốn giảm tiền thuê tất cả đất đai của gia đình ta lại cho các ngươi. Tất cả những bằng khoán thuê canh ta sẽ thu lại, rồi chiếu theo đó ta sẽ viết giấy tờ theo điều kiện mới. Ta và phu quân ta không con không cái nên ta nghĩ cần để cho các ngươi được no đủ hơn, tích đức về sau.
Nghe Thu Hà tuyên bố, thôn dân không tin ở tai mình, họ há hốc mồm kinh ngạc.
Thu Hà phân công:
– Bác Tấn, bác Cựu, bác Hoài..những bác lớn tuổi hiểu rõ tình trạng tốt xấu của ruộng đất họ Trần xóm Đầm này, bắt đầu ngày mai giúp ta ý kiến trong việc phân phối lại ruộng đất. Bây giờ về xóm, các bác phân công cho người sáng mai ra chợ mua giấy, bút, thức ăn, rượu ngon về cho ta.
Nàng lấy trong người ra vài tờ bạc giấy con rồng đưa cho một cụ già:
– Bác Năm Tấn giữ giùm việc phân công này cho ta.
Ông già tên Tấn run run:
– Nếu phu nhân đã quyết định ban ơn trời biển cho mọi người, thì chút nhỏ mọn này phu nhân đâu cần phải..
Thu Hà nhét tiền vào tay bác Tấn, nói:
– Ta quyết định chỉ ở lại đây trong ba ngày. Ba ngày này mọi người sẽ bận rộn và vui chơi. Ngày mai những vị trai tráng đến đây chặt tre, cắt lá che một cái rạp lớn. Mấy con heo trong chuồng, tất cả gà vịt sẽ được xẻ thịt. Kho lúa, nếp xay giã cho mọi người cùng ăn và chia nhau đem về nhà. Trong khi đó chúng ta cùng tính toán chia ruộng đất cho được công bằng, rồi mời xã quan đến đây thị chứng.
Đám nông dân nghe nàng nói chẳng dám phát biểu lời nào.
Thu Hà lại nói:
– Con đại hoàng và đại hắc rất trung thành với ta bị bọn cướp giết chết. Ta muốn nhờ vài người trong các ngươi đem ra ngoài vườn chôn cất dùm rồi giải tán, ngày mai chia nhau làm việc.
Hai trong số nông dân còn trẻ đưa mắt cho nhau rồi nhanh nhẹn kéo hai con chó ra sau vườn. Một cụ lão giọng cảm xúc:
– Ơn đức của phu nhân thật là trời bể. Nhà bị cháy, không biết đêm nay phu nhân có mềm chiếu gì không để chúng tôi lo liệu.
Thu Hà:
– Căn nhà dưới chưa cháy, vợ chồng lão Tam không có ở đây, và lão cũng chẳng bao giờ trở lại nữa nên ta có thể dùng tạm trong thời gian mấy ngày còn lại, quý vị không phải lo cho ta.
Thu Hà kéo tay Tích Nhân đứng ra:
– Trước khi mọi người về xóm, ta muốn giới thiệu đến quý vị người hiền đệ của ta. Nhờ Tích Nhân hiền đệ tiếp tay mà đêm nay chị em ta mới đuổi được bọn cướp. Ngày mai hiền đệ của ta sẽ lo viết tất cả giấy tờ thay đổi điều kiện thuê canh cho các ngươi.
Tích Nhân vòng tay:
– Xin kính chào chư vị.
Thấy Tích Nhân lúc này mập mạp ra, thân hình trở bên cao lớn nhưng khuôn mặt vẫn còn non choẹt nên không ai có ý nghĩ nghi ngờ gì, đều tin tưởng là em của Thu Hà, và cùng cung kính:
– Xin chào công tử.
Thu Hà:
– Đã khuya lắm rồi, bà con để lại ta một hai cây đèn rồi về nhà ngơi nghỉ.
Khi mọi người đã đi hết, Thu Hà âu yếm xoa má Tích Nhân hỏi:
– Ta đánh Nhân đệ có đau không? Nãy giờ mặc áo quần ướt hẳn lạnh lắm! Chúng ta vô nhà.
Căn nhà tranh của nàng, một khúc là nhà bếp, một khúc là nơi ngủ của vợ chồng lão nô Trần Tam và nhà kho mềm chiếu, áo quần. Thu Hà lấy mền chiếu vào phòng lão Trần Tam thay đổi. Trong phòng có một bộ ván nhưng chỉ một miếng quá nhỏ còn cái giường thì khá rộng. Miếng ván không có chiếu trải vừa, Thu Hà chỉ thay mền chiếu trên chiếc giường. Nàng đưa cho Tích Nhân một bộ đồ:
– Đây là đồ cũ của ta, Nhân đệ thay tạm, mặc áo quần ướt sẽ bệnh.
Nàng ôm mền chiếu của vợ chồng Trần Tam ra ngoài, Tích Nhân thay đồ. Khi Thu Hà trở lại, nàng nhìn hắn cười:
– Trông Nhân đệ mặc váy cũng giống như một cô gái đẹp.
Tích Nhân cả thẹn:
– T