Kim Kiếm Lệnh

Chương 65 - Tìm Ra Thân Thế, Thay Họ Đổi Tên

trước
tiếp

Giản chân nhân dùng vạt áo lau nhẹ đôi giòng lệ lăn trên da mặt nhăn nheo rồi nói tiếp :

– Khi cha đặt chân vào nhà thấy má con mặt mày xám nhạt ngã gục nằm sóng xoài trên mặt đất. Lòng cha đau như bị dùi đâm vào tim, vội vàng chạy đến bồng má con dậy thì thấy tay chân lạnh giá, tim đã ngừng đập, hơi thở đứt từ lâu rồi.

Bạch Phi Yến Đột nhiên khóc rống lên hỏi lớn :

– Má con chết vì thương tích gì, do ai hạ thủ?

Giản chân nhân từ từ nói tiếp :

– Lúc đó lòng cha đau đớn quá chẳng biết nói sao, liền bồng thi hài đặt yên trên giường. Khi ấy đứa con gái lớn cũng đâu mất tìm không thấy nữa, chỉ còn một mình đứa nhỏ là con, đang nằm ngon giấc trên nôi. Trong khi ấy cha chẳng còn tâm trí nào dò xét nữa chỉ lại xem thi thể của mẹ con. Mẹ con chết vì thủ pháp gì chưa rõ, mình mẩy tay chân đều nguyên vẹn không có một vết thương nào, duy ở tại mỏ ác có lờ mờ một vết bầm tựa hồ như một mu bàn tay in vào?

Bạch Phi Yến nghe tới đây không cầm lòng nổi khóc rống lên.

Giản chân nhân nói tiếp :

– Cha xét kỹ hành vi mình ngày thường trên giang hồ suốt mười năm qua chưa hề gây thù kết oán với bất cứ một ai cũng chưa bao giờ xích mích một ai, cho nên khó mà phân tách để tìm hiểu kẻ thù là ai.

Khi nghe Giản chân nhân thuật đến hình thái vết thương hình như dấu mu bàn tay in trên mỏ ác, toàn thân Nam Cung Uyển bỗng rung động từng hồi, nàng suy nghĩ :

– “Dấu mu bàn tay, có lẽ là Tử Dương chỉ chăng?”

Nàng đang phân vân suy niệm thì Giản chân nhân vừa nói tiếp :

– Sau khi xem xét vết thương, cha lục soát lại trong nhà, thấy cái lá Linh Chi tìm được trên bờ suối Uyên Ương độ nọ đã không cánh mà bay đâu mất. Cứ như tình hình này, cha đoán chắc kẻ thù vì dòm ngó lá linh chi, bị má con ra tay chống cự đến nỗi bỏ mạng dưới bàn tay âm độc của hắn.

Sau khi hạ sát má con rồi, đứa tặc nhân thấy đứa con gái lớn bập bẹ biết nói, mụ mẫm dễ yêu nên tiện tay hắn đem đi luôn.

Bạch Phi Yến nghiến răng ói :

– Tên ác tặc quả nhiên tàn bạo. Cái tội của hắn giết mẹ đoạt con, quả nhiên đáng phân thây thành muôn đoạn. Con quyết tìm ra hắn xé xác phơi xương mới hả dạ.

Giản chân nhân nhìn con gượng cười rồi nói :

– Trong khi đó cha đau lòng quá, muốn lê chân đi khắp bốn phương trời quyết truy tầm cho ra kẻ thủ phạm giết trả thù cho vợ và tìm lại đứa con thơ. Nhưng sau khi suy đi tính lại thấy có nhiều điều bất tiện nên cố lòng ẩn nhẫn cho đến ngày nay. Sau khi khâm liệm má con rồi, việc cấp bách nhất của cha là tìm một người vú sữa để nuôi con. Vì thể chất con qua yếu đuối. Cha vào núi Thanh Thành để tìm một số thuốc để bồi bổ chân nguyên cho con, nhờ đó mới khỏi bị chết yểu. Qua ngày hôm sau cha bế con hấp tấp hạ sơn tìm vào làng kiếm một người đàn bà nhà nông khỏe mạnh có sữa tốt tạm thời nuôi con… Thật không ngờ cuộc hành trình này lại là một cơ hội tình cờ cứu thoát cha khỏi một đại nạn.

Bạch Phi Yến vội hỏi :

– Còn chuyện gì xảy ra nữa hả cha?

Giản chân nhân tái mặt, không hiểu vì cảm động hay tức giận hằn học nói :

– Đứa ác tặc sợ sau này cha tìm ra manh mối phục thù nên cố tiêu diệt tận gốc rễ. Hắn lại tìm lên núi Thanh Thành không những đốt hết mấy căn nhà cha đang ở mà còn giết luôn những đạo sĩ chuyên lo việc nhang khói, mặc dù bọn chúng không biết chút võ công nào. Cuối cùng hắn đem cả cơ sở đạo quán do Sư tổ bao đời lưu lại phóng hỏa đốt sạch sành sanh. Khi cha trở về tới núi thì ngọn lửa vô tình đã xóa hết cả bao nhiêu vết tích, còn lưu lại hai đống gạch vụn. Cả thanh danh hàng mấy trăm năm của phái Thanh Thành xây dựng nên, được liệt vào hàng mười ba đại môn phái từ đó mất hẳn trên giang hồ.

Bạch Phi Yến vội hỏi :

– Thưa cha, tại sao cha lại để cho phái mình mai danh trong quên lãng mà không thể xây dựng lại được hay sao?

Giản chân nhân thở dài than rằng :

– Con ơi, cha đây phần buồn phiền việc vợ con mang hoạ, phần chán nản trò đời, chẳng còn thiết gì nữa bèn thay tên đổi họ lấy tên là Vấn Thiên, nghĩa là muốn hỏi trời xanh, tại sao lại gây lên những sự quá phũ phàng, bất công như vậy? Họ Giản nhà ta đã làm gì nên tội, đến nỗi phải gánh chụi một thảm họa như thế, không những vợ chết nhà tan con giá biệt tích thậm chí cả một giáo phái Thanh Thành do liệt tổ dày công lưu truyền đã 16 đời qua đến đời cha là hết! Thế rồi từ ngày ấy trở đi, cha đổi áo đạo tràng, một lòng một dạ nuôi hy vọng nuôi con phục thù. Cha đi kiếm mọi môn thuốc hay chỉ ra ra một thứ thuốc đẻ bồi dưỡng chân nguyên cho con hòng sau này có đủ sức học tập võ công. Nếu đời cha không trả được thù thì ít ra con cũng có thể tiếp tục ý nguyện ấy rửa hận cho gia đình và môn phái. Lần đó cha vừa hạ sơn thời may gặp được Tuyết Sơn thần ni, bà ta thương tình ban cho vài viên Tuyết Liên là đặc sản của Tuyết Sơn. Bên mình cha thời may còn sót lại mấy lá linh chi, như thế là món thuốc chính đã có, còn bao nhiêu vị khác tương đối dễ tìm hơn. Sau khi tìm được đủ số cha đem về núi luyện được một số “Linh Chi Hồi Xuân đan”. Thuốc này có khả năng trừ độc và bồi bổ chân khí giúp việc luyện công dễ dàng.

Nam Cung Uyển xen lời hỏi :

– Hồi nãy lão tiền bối có nói hai chị em lệnh ái, mỗi người đều mang một cái khóa vàng để dễ phân biệt, không rõ hai chiếc chìa khóa vàng ấy có những đặc điểm gì khác với các loại khóa thường, kính mong lão tiền bối giải thích thêm cho rõ.

Giản chân nhân nhìn nàng nói :

– Nội tử bình sinh chỉ thích một thứ hoa mai, bần đạo vì thấy má nó thích loại hoa này cho nên khi đặt làm hai chiếc chìa khoa vàng có tìm thợ khéo chạm khắc một cụm hoa mai hai cành tượng trưng cho hai chị em ruột. Trên mỗi chiếc khóa lại khắc thêm hai chữ Sao, Kỳ để đặt tên hai con. Ngay chính giữa lòng chiếc khóa mỗi bên có khắc một chữ theo lối triện cổ tự để dễ phân biệt. Sau những biến cố đau buồn, đã xảy ra, bần đạo muốn kỷ niệm nội tử đã qua đời mới đem con cho đổi lấy họ mẹ, lót chữ Phi theo tên bần đạo cùng chữ Yến hợp thành tên.

Nhìn Bạch Phi Yến ông khẽ bảo :

– Phi Yến, con hãy đem chiếc khóa vàng của con cho Uyển cô nương xem thử.

Nam Cung Uyển không chờ Giản chân nhân nói xong, nước mắt đã chảy ràn rụa, vội vàng tháo chiếc khóa vàng đang mang trên cổ xuống, bước ra khỏi giường lăn xả lại quỳ xuống trước mặt Giản chân nhân khóc lớn nói :

– Phụ thân, đứa con gái bất hiếu là Dao nhi, mất tích từ mười mấy năm nay bây giờ mới được gặp mặt cha già. Tội nghiệp thân con, đã mười tám năm nay không biết qua thân thế lai lịch của mình và cũng không ngờ rằng mẫu thân đã bị người ta giết hại.

Bạch Phi Yến sửng sốt trước sự thay đổi bất ngờ và qua đột ngột, nhất thời bàng hoàng cả người, chưa biết nói năng ra sao. Nàng vội cầm chiếc chìa khóa nơi cổ đem so với chiếc chìa khóa của Nam Cung Uyển vừa gỡ ra. Rõ ràng từ hình dáng, kích tấc, bao nhiêu hoa lá, nét chạm trổ y nhau như khuôn đúc. Chính giữa chiếc chìa khóa của Nam Cung Uyển có khắc một chữ “Dao” và trên cái khóa của mình có một chữ “Kỳ”. Cả hai chữ đều được viết theo lối chữ triện vô cùng sắc sảo.

Nàng vừa mừng vừa sợ, lòng vừa chua xót ngỡ ngàng, hai hàng lệ tuôn trào ướt má, sụt sùi nói :

– Phụ thân, té ra Uyển thư thư là chị ruột của con rồi!

Giản chân nhân nước mắt chan hoà, ông đưa tay vuốt ve mái tóc Nam Cung Uyển, trong lòng bồi hồi xuc động nói :

– Con ơi, khốn khổ cho con gái tôi, thấm thoắt mười mấy năm trời lưu lạc xa cha xa em, ngày nay đã khôn lớn rồi mới lại được gặp nhau. Cha rất mừng vì được trông thấy mặt con. Như vậy một phần hoài vọng của cha đã đạt được rồi! Vậy con hãy đứng dậy mau lai đây đẻ cho cha nhìn tận mắt.

Bạch Phi Yến vội vàng chạy lại đưa tay dìu Nam Cung Uyển đứng dậy, mừng cuống quýt nói :

– Uyển thư thư! chi em chúng ta là chị em ruột thịt mà có ngờ đâu!

Nam Cung Uyển ôm chầm lấy nàng tha thiết gọi :

– Muội muội…

Cả hai cảm động quá, ôm nhau khóc mùi mẫn.

Tống Thu Vân, Tu Ngọc Nhàn đứng ngoài chứng kiến sự trùng phùng của cha con, chị em họ trong lòng không khỏi cảm xúc bồi hồi, cả hai cũng đều rơi lệ.

Bạch Phi Yến gạt nước mắt vừa mếu vừa cười nói :

– Phụ thân thời may hôm nay cha kể lại câu chuyện ngày xưa, nếu không thì làm sao Uyển thư thư được biết để cha con chị em được nhìn nhau như thế này.

Tống Thu Vân mỉm cười nói :

– Lão tiền bối mắt sáng như điện nhận xét tinh vi như thần, thế nào cũng thể hiện trước rồi và cố tình thuật lại câu chuyện. Nếu không phải thế tại sao không nói sớm hay chờ dịp khác, lại đem thuật lại vào ngay lúc này?

Giản chân nhân gật đầu nói :

– Tống cô nương thông minh lắm, nhận xét chăng sai chút nào. Bần đạo vừa nhìn qua thấy chị em nó quá giống nhau, lúc đầu cũng chưa dám xác định quả quyết được. Nhưng sau nhìn thấy có một mụn ruồi son nơi lòng bàn tay phải của Uyển nhi nên mới dám quả quyết nó chính là đứa con gái lớn bị kẻ thù bắt cóc mang đi thuở mười mấy năm về trước.

Nam Cung Uyển gạt lệ nói :

– Con vừa nghe phụ thân thuật lại nhận thấy có dấu bầm như mu bàn tay trên mỏ ác của má thì trong lòng đã hồ nghi là Tử Dương thủ rồi. Theo thủ pháp “Tử Dương thủ” của Thiên Sơn tổ sư thì chỉ dùng mu bàn tay nhất định. Lối này không bao giờ có thể lẫn lộn với những võ công nào khác. Sau này nghe thuật lại các lá Linh Chi bị mất trộm. Con sực nhớ lại Bách Doanh đan của Nam Cung lão tặc chế luyện mười sáu năm về trước. Hắn từng nói với con rằng ngày xưa chưa chế được linh dược này vì thiếu hai món thuốc chính là Tuyết Sâm và Cửu Diệp Linh Chi. Sau này hắn tình cờ đến núi Thanh Thành tìm ra được một số lá Linh Chi. Rồi dùng Trường Bạch nhân sâm thay thế cho Tuyết Sâm chế luyện thành Bách Doanh đan. Đòng thời nghe phụ thân kể về hai chiếc chìa khóa vàng con mới nhớ đến cái khóa của mình đang đeo, chừng ấy mới hiểu ra rằng suốt mười bảy năm qua mình đã nhận kẻ đại thù làm cha.

Nói đến đây nàng nghiến răng nghiến lợi rít lên :

– Lão ác tặc chẳng những dùng Tử Dương thủ giết má con mà còn dùng Tử Dương thủ hạ sát chàng nữa…

Tiếng “chàng” vừa thốt ra khỏi miệng, nàng đã xuc động khóc lên như mưa như gió.

Tiếng “chàng” cũng là mũi dùi vô hình đã xuyên vào tim của ba nàng kia.

Tống Thu Vân, Tu Ngọc Nhàn, Bạch Phi Yến ba người như một, mặt hoa tái xanh đồng thanh hỏi gấp :

– Uyển thư thư! Chị nói Vệ ca ca đã chết về tay lão tặc phải không? Lão tặc đó là ai vậy?

Nam Cung Uyển vừa khóc vừa gật đầu đáp :

– Vệ ca ca đã chết dưới tay Tử Dương thủ của lão tặc Nam Cung Hột. Tôi lầm tưởng nó là cha đẻ mình nên buộc lòng giấu nhẹm việc này, âm thầm chuẩn bị để hoàn thành tâm nguyện của chàng lúc sanh tiền. Sau khi làm xong sứ mệnh sứ mệnh tôi sẽ lấy cái chết đền đáp quyết về gặp nhau trong lòng đất.

Bạch Phi Yến nói :

– Uyển thư thư, chúng ta phải đi tìm cho ra lão tặc để báo thù cho má và Vệ ca ca. Chị nghĩ sao?

Tống Thu Vân và Tu Ngọc Nhàn cũng tán thành, cùng nói :

– Phải đấy, Uyển thư thư, hai chúng tôi cùng đi với nhé.

Nam Cung Uyển gạt lệ nói :

– Từ nay tôi không phải Nam Cung Uyển nữa mà là Giản Dao. Xin các chị em đừng gọi tên là Uyển thư thư nữa.

Giản chân nhân nói :

– Dao nhi, việc này vốn là mối thù rêng của gia đình nhà mình, hiện nay cha có một người bạn già, chụi sự ủy thác của Thanh Huy đạo nhân phái Côn Luân, cho biết trung tuần tháng ba tới, tất cả các phái chính và tà cùng tới Ngũ Lão phong thuộc dãy Lư Sơn họp đại hội, cha có nhận lời đến tiếp tay vì cuộc đại hội này là đấu trường giưa hai bên tà và chính, và cũng sẽ quyết định sự mất còn của mười ba đại môn phái võ lâm. Cha đã nhận lời đến dự, vì vậy nên món nợ máu của gia đình mình hãy tạm gác lại một thời gian, chờ xong đại hội rồi sẽ hay.

Cả bốn nàng đều gật đầu khen phải.

Giản chân nhân hỏi thêm còn Vệ ca ca và Vi ca ca là người nào?

Giản Dao thẹn thùng và ngậm ngùi thuật lại đầu đuôi câu chuyện từ ngày mình gặp được Vệ Thiên Tường cho đến khi chàng bị hạ sát dưới tay Nam Cung lão tặc.

Giản chân nhân cất giọng rầu rầu nói :

– Không ngờ Vệ đại hiệp một đời trượng nghĩa, sau bị bọn ác tặc vây đánh không rõ hạ lạc phương nào. Người chỉ con chút huyết mạch nối dòng lại cũng bỏ thây vì ác tặc! Hỡi đấng cao xanh mờ mịt chín tầng cao, sao không phân thiên ác, nỡ lòng quá khắc khe cùng người có lòng tín nghĩa.

Ông ngừng một lúc rồi nói lời :

– Từ đây đến kỳ đại hội Lư Sơn chỉ còn ba tháng nữa. Nhất là vì cuộc gặp gỡ này có tầm quan trọng đặc biệt, sẽ quyết định sự tồn vong của võ lâm, đối phương cố tình lôi kéo rất nhiều tay lợi hại ẩn sĩ kỳ tài, mối hiểm họa này không phải là nhỏ, chưa kể rất đông môn hạ của các lão ma đầu, người nào cũng có sở trường riêng và tâm địa hiểm độc, cần phải đề phòng cho lắm. Nơi đây là giang sơn riêng, hậu sơn của Thanh Thành vắng vẻ ít người qua lại. Chị em các cháu cũng nhân cơ hội này ôn luyện lại võ công cho thuần thục, chuân bị thêm khả năng ứng phó với quân thù.

Bạch Phi Yến nghe nói vui mừng quá, vỗ tay tán thành ngay.

– Phải lắm, vậy kể từ hôm nay chị em mình bắt đầu luyện tập ngay đi là vừa.

Tống Thu Vân, Tu Ngọc Nhàn cũng hoan nghênh đề nghị đó.

Thế là bốn cô nương lưu lại sau núi Thanh Thành cùng nhau sớm tối trao đổi kinh nghiệm và võ công.

Ngày tháng thoi đưa, không bao lâu đã tới trung tuần tháng hai, cách đại hội Ngũ Lão phong ở Lư Sơn không đầy một tháng. Giản chân nhân thu xếp qua loa, đem bốn nàng đi khỏi Thanh Thành.

Trước khi khởi hành Giản Dao dùng thuốc dịch dung hoàn hóa trang làm Vi Hành Thiên như trước.

Vì hội nghị này quan trọng, hầu hết các nhân vật của mười ba đại môn phái đều đến tham dự. Nga Mi Linh Phi, Cùng Lai Quái Tẩu Bàng Đại Thiên chắc cũng sẽ có mặt. Các người dự định chừng ấy sẽ mang câu chuyện Nga Mi Linh Phi rắp tâm dòm ngó Thái Thanh tâm pháp lôi kéo đòng lão vây đánh Võ lâm Minh chủ Vệ đại hiệp xưa kia, ra phanh phui trước mặt quần hào mười ba đại môn phái.

Xem tiếp hồi 66 Cùng đến Lư Sơn dự hội


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.