Hồng Bào Quái Nhân

Chương 6 - Dưới Gốc Cây Nhà Sư Chiết Tự

trước
tiếp

Nhà sư vừa nói vừa lắc đầu quày quậy.

Nhà buôn lạnh lùng ngắm nghía nhà sư rồi nói:

– Được lắm! Vậy nhà sư thử đoán cho tại hạ một chữ!

Nhà sư liền dẫn y đến gốc cây, lấy trong tay áo ra một cái ống trúc. Nhà buôn thò tay vào ống lấy ra một cái thẻ cúi xuống nhìn thì là chữ đạo.

Nhà sư coi chữ rồi ngửa mặt lên trời la lên một tiếng úi chào.

Đoạn trỏ vào nhà buôn nói:

– Hỏng bét! Hỏng bét! Tính mạng của thí chủ nguy đến nơi rồi!

Nhà sư sửng sốt giục:

– Hòa thượng nói rõ thử nghe!

Nhà sư đáp:

– Chữ đạo gồm chữ tẩu là chạy đi, và chữ thủ là đầu, thí chủ chuyến này đi Trường An e rằng gặp nạn bay đầu!

Nhà buôn buông tiếng cười lạt, cặp mắt ngó Nhà sư chằm chặp.

Nhà sư không lý gì đến y nữa, cầm ống trúc cất vào ống tay áo.

Nhà buôn đột nhiên vung tay phóng chưởng đánh vào trước ngực Nhà sư nhanh như chớp.

Nhà sư nghiêng mình xoay tay nắm lấy cổ tay của nhà buôn. Hai người đồng thời bị chấn động và lùi lại ba bước.

Nhà buôn lộ vẻ kinh hãi trợn ngược hai mắt, hạ thấp giọng xuống hỏi:

– Hòa thượng! Hòa thượng là ai?

Nhà sư chắp tay đáp:

– Diêu Đại Thiên Vương! Bần tăng là Pháp Minh!

Nhà buôn nói:

– Quả nhiên là hòa thượng. Tại hạ đã được nghe chưởng lực của hòa thượng từ lâu. Bữa nay mới được gặp tại đây. Ha ha! Chùa Thiếu Lâm kể cả chưởng môn phương trượng với hòa thượng nữa là hai đệ nhất cao nhân!

Hòa thượng khẽ hỏi:

– Chúng ta đừng nói chuyện khách sáo giả dối nữa. Bần tăng hỏi thẳng vào vấn đề, các hạ đến Trường An làm chi?

Nhà buôn đáp:

– Bạn hữu võ lâm đều đến cả, chẳng lẽ tại hạ không đến được ư?

Nhà sư hỏi:

– Bách Độc Giáo của các hạ hoành hành trên chốn giang hồ đã lâu rồi, sao còn dùng thuốc độc?

Nhà buôn lùn mập đáp:

– Cái đó hòa thượng đến hỏi giáo chủ của tại hạ!

Nhà sư dặng hắng một tiếng rồi xẵng giọng:

– Diêu Ưng! Anh hùng thiên hạ đến Trường An khai hội, các hạ nên bỏ đi là hơn!

Diêu Ưng hỏi:

– Anh hùng thiên hạ ư? Hừ! Nhưng mấy vị anh hùng đó không coi Diêu mỗ vào đâu!

Nhà sư nói:

– Trong Bách Độc Giáo của quý vị từ bốn vị đại thiên vương đến năm vị hương chủ đều là hạng ma quỷ giết người không gớm tay. Chẳng phải bần tăng đem phép chiết tự để hăm các hạ. Nếu các hạ không quay trở lại mà cứ tiến vào thành Trường An thì sẽ bị nạn đầu một nơi thân một nẻo.

Diêu Ưng cười ha hả nói:

– Trong thành Trường An ai là kẻ đối thủ được với kẻ Vương mỗ, trừ phi hòa thượng cũng nhảy vào vòng chiến!

Pháp Minh hòa thượng đáp:

– Ngày rằm tháng trước phương trượng chùa Thiếu Lâm đã bói một quẻ có ảnh hưởng đến những đại nhân vật trong võ lâm và biết trước bữa nay quần hùng sẽ xuất hiện tại thành Trường An. Các hạ hãy chờ coi!

Diêu Ưng ngửa mặt lên trời cười nói:

– Bọn tại hạ không thích nghe bất cứ là quẻ bói gì của phương trượng. Tại hạ chỉ hỏi hòa thượng một câu:

chuyến này tại hạ muốn vào anh hùng đại hội gây chuyện long trời lở đất, vậy hòa thượng có can thiệp hay không?

Pháp Minh hòa thượng cười khanh khách đáp:

– Dĩ nhiên bần tăng không can thiệp nhưng thiếu gì người can thiệp!

Diêu Ưng nói:

– Vậy lão phu đi thôi!

Pháp Minh nói:

– Khi nào Diêu thí chủ mất đầu, bần tăng sẽ đến niệm kinh!

Diêu Ưng không lý gì đến nhà sư nữa rảo bước đi vào. Pháp Minh hòa thượng lại ngồi xuống phiến đá nhắm mắt dưỡng thần.

Lúc này một chàng thiếu niên bước từ từ đi tới. Tuy chàng áo xiêm mộc mạc nhưng cử chỉ ung dung. Chàng chính là Du Hữu Lượng.

Du Hữu Lượng đi trên đường không để ý đến nhà sư ngồi chiết tự dưới gốc cây, vẫn cất bước đều đều.

Pháp Minh hòa thượng hé mắt nhìn chàng hé miệng lẩm bẩm:

– Quả là một trang thiếu niên anh tuấn.

Mục quang của nhà sư lướt qua người Du Hữu Lượng rồi dừng lại ở chiếc khăn đội trên đầu. Chiếc khăn này có đính một viên ngọc thạch nhỏ sắc trắng.

Pháp Minh hòa thượng đột nhiên biến sắc định thần nhìn lại, miệng lẩm bẩm:

– A di đà phật! Viên ngọc kiạ. hỡi ơi! Thật là đi rách đế dày tìm chẳng thấy, thấy ra chẳng mất chút công phu!

Nhà sư còn đang ngẫm nghĩ thì Du Hữu Lượng đã đi qua. Pháp Minh hòa thượng vội lên tiếng:

– Thí chủ! Thí chủ!

Du Hữu Lượng ngạc nhiên quay đầu lại nhìn quanh bốn phía không thấy ai khác thì biết người gọi mình là nhà sư bảo tướng trang nghiêm. Chàng liền tiến lại gần chắp tay hỏi:

– Phải chăng nhà sư kêu tại hạ?

Pháp Minh hòa thượng chắp tay đáp lễ hỏi:

– Xin hỏi đại danh thí chủ là gì?

Du Hữu Lượng sửng sốt đáp:

– Tại hạ là Du Hữu Lượng!

Pháp Minh hòa thượng trầm ngâm một lát rồi hỏi:

– Xuân quang hoa nhảy múa, biển lặng ánh trăng tà. Phải chăng Du thí chủ từ bãi sa mạc tới đây?

Du Hữu Lượng lộ vẻ bâng khuâng. Cặp mắt thiền sư mỗi lúc một sáng rực mà Du Hữu Lượng vẫn thản nhiên chắp tay đáp:

– Tại hạ đến đây khảo thí, đại sự. Pháp Minh hòa thượng thần sắc biến đổi nghĩ thầm trong bụng:

– Không hiểu gã thiếu niên này bình tĩnh thật sự hay giả vờ thản nhiên. Nếu quả gã bình tĩnh như vậy thì thật hiếm có.

Nét mặt nhà sư dần dần hòa hoãn lại rồi hỏi:

– Thí chủ có thân hữu nào ở đây không?

Du Hữu Lượng gật đầu hỏi lại:

– Đại sư có điều chi chỉ bảo?

Pháp Minh hòa thượng đáp:

– Bần tăng hành nghiệp gần đây, hàng ngày có đến ngàn người tự tin nhận xét không sai lầm. Bần tăng liếc nhìn thí chủ là một nhân vật phi thường, cuộc thành tựu sau này rất to lớn, nên nhịn không được mới lên tiếng hô hoán.

Du Hữu Lượng ủa một tiếng rồi nghiêng mình nói:

– Đại sư quá khen rồi!

Tâm niệm thiền sư vẫn chưa ổn định hỏi lại:

– Không hiểu Du thí chủ tạm trú nơi đâu? Bần tăng tuy mới gặp thí chủ lần đầu mà cảm thấy như có tình cố cựu. Nếu thí chủ vui lòng cho hay thì lúc bần tăng nhàn rỗi sẽ ghé thăm để nghe lời cao luận.

Du Hữu Lượng trong lòng xoay chuyển ý nghĩ mà vẻ mặt vẫn không hề thay đổi, chàng trầm ngâm một lát rồi nói:

– Tại hạ trọ ở phía tây thành trong một khách sạn nhỏ!

Pháp Minh hòa thượng gật đầu không nói gì nữa. Lúc này hai người đối diện.

Viên ngọc thạch coi rõ mồn một không thể lầm được.

Du Hữu Lượng chắp tay nói:

– Tại hạ xin vào thành trước!

Pháp Minh thiền sư chắp tay đáp lễ nói:

– Bần tăng chúc thí chủ bảng hổ đề danh!

Du Hữu Lượng đi xa rồi, Pháp Minh thiền sư vẫn còn ngẫm nghĩ mông lung.

Sau nhà sư quyết định chủ ý, từ từ ngồi xuống.

Lúc này người đi trên đường phố nhộn nhịp không ngớt. Sau khoảng thời gian chừng ăn xong một bữa cơm, bỗng có một người đứng tuổi từ phía đối diện đi tới.

Người này mặc quần áo vải xanh, khí thế uy mãnh. Y đến giữa đường liếc mắt nhìn quanh một lượt rồi từ từ đi về phía bên này đi qua chỗ nhà sư chiết tự.

Pháp Minh thiền sư liếc mắt nhìn thấy y thì cặp lông mày nhíu lại, hiển nhiên có tâm sự lo âu, liền cầm quản bút gõ khẽ vào ống bút hỏi:

– Thí chủ có điều chi khó giải quyết?

Người đứng tuổi dừng chân nhìn Pháp Minh thiền sư ngần ngừ đáp:

– Đại sư …

Pháp Minh thiền sư mỉm cười nói ngay:

– Bần tăng là Pháp Minh có thông hiểu sơ qua về toán số!

Người đứng tuổi dường như cảm thấy thích thú liền tiến lại bên bàn nhìn Pháp Minh thiền sư cười nói:

– Khí độ của đại sư siêu phàm thoát tục. Chắc là một cao nhân ngoài đời!

Pháp Minh thiền sư chắp tay hỏi:

– Bần tăng không dám. Thí chủ muốn hỏi về việc gì?

Người đứng tuổi trầm ngâm một lát rồi hỏi:

– Tại hạ muốn thám thính tin tức của một người.

Pháp Minh thiền sư chấn động tâm thần nói:

– Vậy thí chủ hỏi đi!

Người đứng tuổi thủng thỉnh đáp:

– Thật là câu chuyện mờ mịt. Người mà tại hạ muốn nghe tin đó không hiểu tên họ là gì mà chỉ biết hình dáng!

Pháp Minh thiền sư ồ một tiếng, thì người đứng tuổi lắc đầu nói tiếp:

– Tại hạ thật là hoang đường, không dám làm phiền đại sư nữa.

Pháp Minh thiền sư mỉm cười nói:

– Thí chủ cứ hỏi đi đừng ngại chi hết.

Người đứng tuổi nói:

– Tại hạ tuy không biết họ tên người đó mà lại cần hiểu y hạ lạc nơi đâu. Bây giờ đành thế này vậy, tại hạ kiếm một chữ, nhờ đại sư chiết tự để xem nên đi về phương nào mà tìm kiếm.

Pháp Minh thiền sư gật đầu.

Người đứng tuổi liền rút một cái thẻ trong ống trúc lật lên coi thì trên thẻ có viết chữ cổ.

Pháp Minh thiền sư hỏi:

– Chữ cổ này có nhiều cách giải thích, thí chủ cho biết con người mà thí chủ muốn tìm kiếm hình dạng thế nào?

Người đứng tuổi đáp:

– Y là một thiếu niên trạc hai mươi tuổi!

Pháp Minh thiền sư trầm ngâm một lát, người đứng tuổi lại nói tiếp:

– Thiếu niên này tại hạ mới nhìn thấy một lượt mà nhớ được ngay. Y mày thanh mắt sáng. Bao nhiêu vẻ anh tuấn lộ ra cặp mắt.

Pháp Minh thiền sư ngấm ngầm kinh hãi cầm quản bút khẽ gõ rồi đáp:

– Người mà thí chủ muốn kiếm là một thiến niên, chữ thiếu là ít. Vậy chữ cổ phải chiết tự bằng cách rút bớt những phần trong chữ đó đi. Chữ cổ bớt cả trên lẫn dưới thì còn lại chữ mục. Người mà thí chủ muốn tìm kiếm là một thiếu niên. Chữ thiếu hợp lại chữ mục thì thành chữ Tĩnh. Trên chữ cổ là chữ tây, vậy thiếu niên đó đi về phía Tây tỉnh, thí chủ cứ nhằm hướng đó mà tìm kiếm.

Người đứng tuổi thấy Pháp Minh thiền sư giải thích như vậy không khỏi sửng sốt. Mắt y chiếu ra những tia sáng nhìn chằm chằm vào Pháp Minh thiền sư nhưng nhà sư thần sắc vẫn thản nhiên.

Người đứng tuổi trầm ngâm một chút rồi chắp tay nói:

– Phép chiết tự của nhà sư rất cao minh. Tại hạ khâm phục vô cùng!

Pháp Minh thiền sư chắp tay lại hỏi:

– Không dám! Quý tính đại danh thí chủ là gì?

Người đứng tuổi thu mục quang về ngần ngừ một lát rồi đáp:

– Tại hạ họ Tô tên gọi Bạch Phong!

Pháp Minh thiền sư nhẩm lại mấy lần rồi không hỏi gì nữa, song trên mặt thoáng lộ vẻ ngạc nhiên.

Tô Bạch Phong ngẫm nghĩ một lúc rồi vái chào nhà sư, từ từ cất bước đi về phía tây.

Pháp Minh thiền sư nhắm mắt ngẫm nghĩ, sắc mặt biến đổi. Sau một lúc bỗng nghe tiếng vó ngựa dồn dập, nhà sư dương mắt nhìn lên thì thấy bốn người kỵ mã lao tới rất nhanh. Kỵ mã toàn là những đại hán cường kiện. Bầy ngựa lướt qua làm cho cát bụi tung bay và rung động cả ống trúc cắm thẻ.

Nhắc lại Tô Bạch Phong từ giã Pháp Minh thiền sư rồi, trong lòng xiết nỗi hoài nghi mà không đoán ra được lai lịch nhà sư. Hắn cũng biết thanh danh của mình chưa có gì nổi tiếng giang hồ và chắc nhà sư cũng chưa biết mình.

Tô Bạch Phong còn đang ngẫm nghĩ, bỗng nghe sau lưng có tiếng vó ngựa lộp cộp, liền tránh sang bên đường. Bốn người kỵ sĩ lướt qua cát bụi tung bay. Hắn vung tay phủi phủi rồi không để gì đến nữa.

Tô Bạch Phong đi trong khoảng thời gian chừng uống cạn tuần trà thì thấy mé tả có một tòa tửu lâu lớn. Lá cờ chiêu bài treo trước cửa sổ tung bay phấp phới.

Mùi rượu thơm phức bốc lên từng hồi. Hắn nghĩ bụng:

– Bây giờ mình đi không có mục đích gì, chi bằng hãy ghé vào tửu lầu ăn uống một chút!

Lúc này trong tửu lầu đã đông người, tiếng nói xôn xao phức tạp.

Tô Bạch Phong kiếm một chỗ góc phòng từ từ tiến vào ngồi. Hắn đảo mắt nhìn thì thấy bốn người kỹ mã vừa rồi đã ngồi quanh một chiếc bàn tròn đang ghé vào nhau thì thầm nói chuyện và giơ tay chỉ trỏ.

Tô Bạch Phong nhìn về phía tay họ trỏ thì thấy một văn sĩ thanh niên ngồi một mình bên bàn.

Bất giác hắn đưa mắt nhìn văn sĩ hai lần. Văn sĩ dường như cũng chú ý đến hắn thỉnh thoảng lại mỉm cười.

Tô Bạch Phong trong lòng đang tư lự nên không để ý đến văn sĩ này mấy.

Hắn kêu tửu bảo lấy cho hồ rượu thủng thẳng rót uống và ăn mấy món đồ nhắm.

Sau một lúc cửa lầu kẹt mở, một nhà sư đi lên. Chính là Pháp Minh thiền sư.

Pháp Minh thiền sư vừa ngó thấy Tô Bạch Phong liền mỉm cười gật đầu chào.

Trên tửu lầu có đến phân nửa người biết nhà sư, họ chú ý đến Pháp Minh thành ra nói chuyện bớt ồn ào.

Pháp Minh bảo tiểu nhị lấy cho một phần cơm chay rồi lại ngồi xuống.

Lúc này văn sĩ kia đột nhiên đứng dậy. Cả tòa tửu lầu yên tĩnh.

Tô Bạch Phong ngấm ngầm kinh hãi vì nhận thấy văn sĩ kia lai lịch không phải tầm thường nên hắn vừa đứng lên đã làm kinh động mọi người.

Văn sĩ từ từ tiến lại. Bàn Pháp Minh thiền sư ở ngay trước mặt bàn Tô Bạch Phong thiên về mé hữu. Văn sĩ đến trước mặt nhà sư chắp tay thi lễ nói:

– Xin chào đại sư!

Pháp Minh thiền sư vẫn ngồi yên, chắp tay mỉm cười đáp:

– Tôn thí chủ vẫn bình yên chứ?

Văn sĩ hỏi:

– Đại sư không ở chùa hưởng cuộc thanh tu mà lại tới Trường An làm chi?

Pháp Minh thiền sư không trả lời cười mát nói:

– Tôn thí chủ dạo này khí sắc hồng hào, nét mặt vui tươi, chắc hẳn đã làm quân sư cho Bách Độc Giáo mọi sự được thanh tông. Vậy mà vẫn nhận ra được bần tăng, bần tăng xin đa tạ!

Nhà sư nói mấy câu này tuy không lớn tiếng, nhưng những người ở tửu lầu đều nghe rõ. Chỉ trong nháy mắt những tiếng thì thào bàn luận nổi lên không ngớt.

Văn sĩ hắng dặng một tiếng rồi đáp:

– Đại sư dạy quá lời!

Hắn chắp tay hạ thấp giọng xuống nói tiếp:

– Pháp Minh! Thành Trường An không có việc gì đến lão, vậy lão biết điều thì đi cho lẹ!

Hắn nói rồi lảng đi chỗ khác.

Pháp Minh thiền sư nhắp một hớp trà rồi cười cười nói nói một mình:

– Bản hòa thượng tính tình cổ quái, họ đã nói vậy thì bần tăng lại không sao đi được!

Văn sĩ kia nghe tiếng quay lại ngó hòa thượng bằng cặp mắt giận dữ, nhưng nhà sư lờ đi như không nhìn thấy, cứ cúi đầu xuống ăn cơm chay.

Lúc này cả tòa tửu lâu lại thì thầm bàn tán. Họ giơ tay chỉ trỏ văn sĩ và mỗi người lại nói một câu.

– Y … là quân sư gia của Bách Độc Giáo!

– Có phải là Tôn Công Phi không?

– Đúng là Tôn Công Phi trước kia thanh danh chấn động miền Giang Nam!

– Ngoại hiệu y là Bạch Vũ Linh khi ở trên núi Tử Kim, cười một tiếng mà khiến cho năm địch nhân phải rút lui.

Văn sĩ cứ lờ đi như không nghe tiếng. Trên môi hắn vẫn giữ một nụ cười lạt, lẳng lặng nhìn mọi người trên tửu lâu.

Lúc này cầu thang lầu có tiếng bước chân nhộn nhịp, chủ tiệm đon đả mời chào nói:

– Mời hai vị khách quan ngồi đây!

Hai người đi lên, người đi trước là một nhà buôn thấp lùn mà béo tròn. Phía sau hắn là một chàng thiếu niên phong nhã.

Mọi người chú ý nhìn vào nhà buôn lùn mập rồi kinh hãi thất sắc, ai cũng lẩm bẩm:

– Diêu Ưng đã tới rồi!

Chỉ có Pháp Minh thiền sư là hoàn toàn để ý vào người thiếu niên.

Chàng thiếu niên kia đảo mắt nhìn quanh để tìm chỗ ngồi cho vừa ý, rồi tiếng lại bên nhà sư. Mọi người chỉ để hết tâm trí vào Diêu Ưng mà không hề ngó tới thiếu niên.

Thiếu niên nhìn nhà sư thi lễ hỏi:

– Tại hạ ngồi đây được chăng?

Pháp Minh thiền sư đáp:

– Mời Du thí chủ tùy tiện, hà tất phải đa lễ!

Du Hữu Lượng chắp tay ngồi xuống. Chàng bảo tiểu nhị lấy hai món rồi ăn cơm ngay.

Diêu Ưng tiến vào góc lầu ngồi đối diện với văn sĩ. Văn sĩ cười nói:

– Diêu thiên vương cước trình lẹ thiệt, chắc đã đến trước tiểu đệ cả nửa ngày!

Diêu Ưng đáp:

– Tôn huynh có điều chưa rõ. Lúc đi qua Kỳ Yên Sơn, tiểu đệ đã tìm được đường tắt nên đến sớm hơn một chút!

Đột nhiên văn sĩ kéo Diêu Ưng ghé tai thì thầm, rồi thấy Diêu Ưng mặt giận hầm hầm vung tay đập xuống bàn đánh chát một tiếng.

Chiếc bàn bát tiên dầy ba tấc bị bổ sạt một góc trầy như lưỡi dao chém. Lạ hơn nữa là phát chưởng của hắn không đụng gì đến bát đũa ở trên bàn.

Đa số thực khách trong tửu lầu là hào kiệt võ lâm, mọi người coi phát chưởng của Diêu Ưng đều ngẩn mặt ra mà không ai lên tiếng nhưng trong lòng vừa kinh hãi vừa thán phục nghĩ thầm:

– Thiết Chưởng của Diêu Ưng quả nhiên danh bất hư truyền!

Diêu Ưng dùng chưởng chém sạt góc bàn rồi lớn tiếng quát:

– Thái Bình đạo trưởng hắn là cái thá gì? Hắn điên thì lão phu còn điên hơn.

Trong vòng ba tháng mà lão phu không tìm thấy hắn thì không phải là Diêu Ưng!

Mọi người nghe hắn quát liền yên tĩnh lại, và chấn động tâm thần tự hỏi:

– Không hiểu vì lẽ gì mà Diêu Ưng lại muốn kiếm Thái Bình đạo trưởng để quyết sống mái?

Thái Bình đạo trưởng là nhân vật nổi tiếng từ bi trong võ lâm lai võ công cao thâm khôn lường. Diêu Ưng sở dĩ căm hờn đạo trưởng vì hương chủ áo xám của Bách Độc Giáo đã bị uổng mạng về tay y.

Pháp Minh thiền sư nghe Diêu Ưng nói câu này thì buông tiếng cười lạt. Diêu Ưng nghe thấy lập tức quay lại trợn mắt nhìn nhà sư rồi cất tiếng the thé hỏi:

– Hòa thượng! Lão cười gì vậy?

Pháp Minh thiền sư không ngoảnh đầu lại chỉ cười lạt nói:

– Bần tăng cười thí chủ tự phụ quá chừng!

Diêu Ưng xẵng giọng hỏi:

– Hòa thượng thử nói rõ hơn được không?

Pháp Minh đáp:

– Diêu thí chủ tuy công lực thâm hậu, nhưng bần tăng nhận thấy thí chủ không chống nổi đường kiếm của Thái Bình đạo trưởng.

Mọi người nghe Pháp Minh nói câu này đều lo thay cho nhà sư đến toát mồ hôi lạnh ngắt. Họ có biết đâu nhà sư chiết tự này là một tay đệ nhất cao thủ phái Thiếu Lâm hiện nay.

Diêu Ưng đứng phắt dậy rảo bước tiến lại còn cách nhà sư chừng năm bước thì dừng chân. Hắn giơ tay lên nói:

– Hòa thượng! Lão gia cảnh cáo hòa thượng đừng dính vào việc người ta và nên mau mau rời khỏi thành Trường An! Bây giờ.. Đột nhiên hắn dừng lại, Pháp Minh hỏi ngay:

– Bây giờ thì làm sao?

Diêu Ưng dằn từng tiếng:

– Bây giờ thì lão gia … ra lệnh cho nhà sư phải cút ngay!

Pháp Minh dương cặp lông mày tựa hồ như muốn đứng dậy, nhưng lại ngồi yên, đặt đũa xuống, ngẩng mặt lên hỏi lại:

– Nếu bần tăng không đi thì sao?

Diêu Ưng từ từ giơ tay lên nói:

– Hòa thượng không đi thì Diêu mỗ phải động thủ!

Pháp Minh cười ha hả nói:

– Nếu vậy thì bần tăng e rằng Diêu đại thiên vương không còn cơ hội nào để gặp Thái Bình đạo trưởng nữa.

Diêu Ưng không ngờ câu nói ghê gớm này lại phát ra từ miệng của một người đã xuất gia.

Hắn không biết trả lời thế nào, toan phóng chưởng đánh ra. Song chỉ mới lạng người đi nửa bước thì đột nhiên một lão già lối tuổi chặn lại. Mọi người nhìn ra thì lão chính là chủ quán.

Chủ quán tươi cười lớn tiếng:

– Khách quan có chuyện gì thì nên lấy lời lẽ mà đối xử, hà tất phải động thủ.

Diêu Ưng đưa mắt ngó chủ tiệm, không tiện động thủ. Xong trong lòng hắn lửa giận không nơi phát tiết, đột nhiên hắn giơ tay lên liệng đôi đũa ra. Kình phong rít lên veo véo vọt về phía nhà sư.

Ngờ đâu Pháp Minh thiền sư tựa hồ chẳng để ý gì, cũng không quay đầu lại, bỗng vươn tay chụp lấy đôi đũa trên bàn liệng lại.

Tiếp theo hai tiếng rắc rắc vang lên.

Bốn chiếc đũa đụng nhau rớt xuống đất.

Thủ pháp của nhà sư khiến cho mọi người kinh hãi ngẩn mặt ra, trong võ lâm có công phu nhắm mắt đấu chưởng đã là kỳ lạ. Đằng này Pháp Minh không quay đầu lại mà liệng đũa ra gạt trúng được đũa của đối phương mới thật là hiếm có.

Chủ tiệm lờ đi như không hề trông thấy gì, miệng vẫn cười tươi, chắp tay xá quanh một vòng rồi lớn tiếng nói:

– Bữa nay trong tệ điếm đông đảo cao nhân. Các vị khách quan lại ra chiều hào hứng, tiểu lão rất lấy làm cảm tạ. Hiện trong tệ điếm cất được một vò rượu ngon vậy để mở niêm mời liệt vị nếm thử vài chung.

Rồi lão thét gia nhân:

– Tiểu nhị! Mau lấy rượu ra đây!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.