Hồng Bào Quái Nhân

Chương 12 - Người Đó Phải Chăng Là Du Hữu Lượng

trước
tiếp

Tô Bạch Phong chú ý nhìn Truy Phong Kiếm Khách bằng cặp mắt sáng như điện. Lúc này trong đại sảnh yên lặng như tờ, tưởng chừng mũi kim rớt cũng nghe tiếng, chỉ có thanh âm trầm trọng của Truy Phong Kiếm Khách thỉnh thoảng vang lên.

Nhan Bách Ba cũng hi vọng Truy Phong Kiếm Khách cho Tô Bạch Phong một bài học vì gã nhận định chàng là người cuồng vọng.

Truy Phong Kiếm Khách đếm từ một đến mười rồi, Tô Bạch Phong vẫn đứng trong đại sảnh không nhúc nhích. Hắn rung trường kiếm một cái, mũi kiếm rít lên vù vù, ánh ngân quang lấp loáng.

Mọi người thấy thế đều tâm phục khen thầm:

– Cao đồ phái Điểm Thương quả nhiên danh bất hư truyền.

Tô Bạch Phong trong lòng nóng nảy đi kiếm Đường Nụy Tử để giải độc, nhưng bị Truy Phong Kiếm Khách Triệu Nhuệ dồn vào thế bất đắc dĩ. Chàng bản tính ưa ngọt chứ không ưa xẵng. Người nào dùng lối cương ngạnh để đối với chàng thì dù đã gặp việc tầy đình chàng cũng gác lại để ăn thua với đối phương. Chàng cất tiếng khen:

– Chiêu thức đầy như sao mọc thật là tuyệt diệu!

Chàng nhún mình toan vọt lên, bỗng chàng đảo mắt nhìn vào đại sảnh, bất giác chấn động tâm thần la lên:

– Ủa! Đây kia … phải chăng là Ngọc sạn cửa Phật của chưởng giáo phái Côn Luân! Ồ! Cả Tử Hồng Bảo Kiếm cũng đem đến đây rồi!

Mọi người đưa mắt nhìn vào quả thấy trong góc đại sảnh có đặt một thanh kiếm và một cây sạn và không hiểu ai đem bỏ đó từ hồi nào?

Nhan Bách Ba ở phái Võ Đương khóc rống lên ngất xỉu ngã lăn ra. Truy Phong kiếm Triệu Nhuệ rối loạn tâm thần để rớt kiếm xuống đất đánh “Keng” một tiếng.

Trong lúc nhất thời mọi người kinh hãi đều thộn mặt ra.

Chưởng giáo phái Côn Luân ít khi bôn tẩu giang hồ lại gác kiếm đã lâu năm.

Cây Bích Ngọc Sạn nơi cửa Phật tuy long danh thiên hạ, nhưng ít ai được ngó thấy.

Còn thanh Tử Hồng Bảo Kiếm của Võ Đương chân nhân thì mọi người đều thấy qua rồi. Mũi kiếm lóe ra tia hang quang màu lợt, không thể sai được nữa.

Tô Bạch Phong chợt động tâm linh phóng tầm mắt nhìn ra ngoài cửa sảnh đường thì thấy bóng sau lưng một người đầu đội nho cân, mình mặc trường bào đang lướt đi mỗi lúc một xa. Bất giác chàng lẩm bẩm:

– Lại gã thiếu niên thâm trầm đó, hành động của gã thật là xuất quỷ nhập thần. Nhất định là gã rồi! Ở trong ngôi nhà hoang phế gã chịu đựng được Hồng Bào Quái Nhân đâm một kiếm đáng kể là gan liền, trên trời thật hiếm có.

Chàng nghĩ bụng:

– Nếu mình còn nấn ná ở đây tất còn bị rắc rối. Chi bằng hãy đi kiếm Đường Nụy Tử là việc khẩn yếu. Chàng liền nhân lúc náo loạn chuồn ra khỏi đại sảnh dông tuốt.

Lúc này trong nhà đại sảnh rất nhốn nháo. Ai cũng mồm năm miệng mười bàn tán xôn xao. Người nào cũng kinh tâm động phách tưởng chừng đại họa tới nơi. Khi họ phát giác Tô Bạch Phong đã mất biến liền phỏng đoán mỗi người một cách.

Du thị huynh đệ thấy trong đại sảnh đang hỗn loạn, nếu không lập lại trật tự thì cuộc đại hội Trường An phải nát bét.

Du lão đại liền hô lớn:

– Xin các vị hãy nghe tại hạ một lời.

Thanh âm hắn vang dội làm chấn động sảnh đường. Quần hùng đang chẳng có định kiến gì, bỗng thấy người đứng ra chủ trương lập tức yên lại, nhìn về phía Du thị huynh đệ.

Du lão đại trầm giọng nói tiếp:

– Ba vị tiền bối các phái Võ Đương, Côn Luân và Điểm Thương còn sống hay chết vẫn ở trong vòng bí ẩn chưa có gì rõ rệt. Vậy chúng ta không nên rối loạn tâm thần. Dù ba vị gặp điều bất hạnh, cạn hữu võ lâm Trung Nguyên chúng ta chẳng thể để bọn Bách Độc Giáo hoành hành. Mục đích cuộc đại hội Trường An của chúng ta là để thương nghị kế hoạch đối phó với Bách Độc Giáo. Nếu không trừ diệt được giáo phái này thì lê dân trong thiên hạ làm sao sống nổi?

Hắn chưa dứt lời, mọi người đều gật đầu đáp:

– Du đại ca nói phải lắm. Bách Độc Giáo tàn hại võ lâm. Nếu trừ được mối này là phúc cho toàn dân.

– Vậy xin Du đại ca lãnh đạo công cuộc này. Toàn thể anh em sẽ làm theo lời đại ca chỉ điểm.

Du lão đại ca chậm rãi nói:

– Việc này chúng ta phải thương nghị tìm kế vẹn toàn. Cuộc đại hội còn kéo dài năm ngày. Nếu chúng ta nghĩ kỹ, nhất định tìm ra cao kiến.

Hắn vừa nói vừa sai người đưa Nhan Bách Ba vào nội thất.

Truy Phong Kiếm Khách ở phái Điểm Thương cất giọng thê lương nói:

– Mười mấy năm trước gia sư gác kiếm ngồi tọa thiền, tham luyện đường lối thượng thừa nơi cửa Phật, chưa dời khỏi chùa Kim Quang trên núi Côn Luân, mà nay lại thấy khí giới của gia sư ở đây, tại hạ lòng nóng như lửa đỏ. Vậy xin cáo từ, mong Du huynh lượng thứ cho.

Du lão đại vội đáp:

– Triệu huynh hãy đi trước. Sau cuộc đại hội ở đây, bọn tại hạ lập tức lên đường lược trận giúp Triệu huynh.

Truy Phong kiếm khách nở một nụ cười thê lương ra đi. Ngay ngày đầu trong cuộc đại hội đã xẩy đại biến khiến cho trong lòng quần hùng đều cực kỳ trầm trọng.

Nhắc lại Du Hữu Lượng đem lén Bích Ngọc Sạn và Tử Hồng Bảo Kiếm đặt vào trong góc nhà đại sảnh rồi nhân lúc mọi người không để ý chuồn đi. Trong lòng bận rộn về một vấn đề, chàng vừa đi vừa nghĩ bất giác đã ra khỏi thành Trường An. Chàng đi bên khe nước trong vắt chàng chợt nhìn thấy bóng mình dưới nước. Trong lòng lại nổi lên nhiều nỗi bâng khuâng khôn tả.

Du Hữu Lượng đang ngẫm nghĩ bỗng nghe đánh “Bõm” một tiếng. Một viên đá rớt xuống nước phá tan hình bóng chàng. Chàng quay đầu nhìn lại thấy một thiếu nữ tóc dài. Cô lộ vẻ kinh hoàng hỏi:

– Té ra là các hạ. Tiểu muội liệng đá chơi, không có chủ ý đánh các hạ đâu.

Du Hữu Lượng cười mát hỏi:

– Thiệu nữ hiệp cô nương cũng lần ra đây, không sợ các vị sư ca đem lòng lo âu ư?

Thiếu nữ đó chính là Hoa Sơn nữ hiệp Thiệu Quyên. Cô bĩu môi ra vẻ không cần đáp:

– Các vị sư huynh quản đốc thế nào được tiểu muội? Tiểu muội không quấy rầy họ là khá rồi.

Du Hữu Lượng lại cười hỏi:

– Phải chăng cô nương kiếm tại hạ để quấy rầy?

Thiệu Quyên dương to cặp mắt lên hỏi lại:

– Ô hay! Sao các hạ lại nói vậy?

Du Hữu Lượng nói:

– Hiên giờ Bách Độc Giáo đồ rải rác khắp bốn mặt Trường An, cô nương đã hai lần phá hoại đại sự của họ mà không sợ họ báo thù ư? Cô nương đi loạn khắp nơi mà không phải là kiếm bọn họ để quấy rầy ư?

Thiệu Quyên nghe chàng nói có lý. Tuy cô không chịu thua, nhưng trong lúc nhất thời chưa tìm được lý do để biện bạch, tiện tay cô lại liệng một viên đá xuống nước cho nước nổi lên những vòng tròn. Rồi cô nói lảng:

– Thật khéo quá! Lại gặp được các hạ. Các hạ làm gì mà một mình lén lút dời khỏi đại hội. Tiểu muội coi chừng các hạ muốn đi …

Tuy cô ráng giả vờ gặp chàng một cách ngẫu nhiên, nhưng giọng nói lại lộ hình tích. Hiển nhiên cô thừa nhận đã theo hút chàng.

Du Hữu Lượng thấy cô xinh đẹp, tạm gác những điều lo nghĩ trong lòng.

Chàng động tâm đon đả đáp:

– Tại hạ biết Thiệu nữ hiệp sẽ ra đây, nên đến trước kính cẩn chờ đợi.

Nguyên chàng định chọc giận thiệu Quyên, nhưng thấy cô mặt đỏ như ráng chiều từ từ cúi đầu xuống, chàng chẳng khỏi ngấm ngầm kinh hãi không dám nhìn cô nữa.

Hồi lâu Thiệu Quyên lại lên tiếng:

– Ô hay! Tiểu muội chỉ muốn hỏi sao các hạ lại hành động như vậy? Vừa rồi các hạ đem Bích Ngọc Sạn của phái Côn Luân và Tử Hồng kiếm của phái Võ Đương để vào trong sảnh đường. Các hạ tưởng tiểu muội không nhìn thấy chăng?

Du Hữu Lượng tắc họng. Sau một lúc chàng mới đáp:

– Tâm tư của cô nương thật là vi diệu. Tại hạ làm việc gì cũng khó lòng che được pháp nhãn của cô.

Thiệu nữ hiệp bĩu môi nói:

– Các hạ đừng tâng bốc tiểu muội nữa. Các hạ hành động xuất quỷ nhập thần, chẳng ai khám phá ra được mưu đồ chuyện gì. Này! Có phải các hạ thích là người ngơ ngẩn hay trong lòng rất nhiều tâm sự?

Du Hữu Lượng ngẩng đầu lên thấy cặp mắt xinh đẹp của cô đang nhìn chàng.

Trong khóe mắt lại lộ ra rất quan thiết và kỳ vọng ở nơi chàng. Chàng là người rất mau hiểu tâm tư kẻ khác, bỗng trong lòng đau nhói lên cơ hồ không tự chủ được.

Thiệu Quyên lại cất giọng ôn nhu nói:

– Các hạ cứ yên lòng. Tiểu muội nhất quyết không tiết lộ một chút gì về các hạ với bất cứ ai.

Du Hữu Lượng thở dài đáp:

– Trên cõi đời này. Hỡi ôi! Chỉ có ở trước mặt cô nương là tại hạ không cần cảnh giới.

Thiệu Quyên trong lòng khoan khoái cúi đầu xuống.

Du Hữu Lượng lại nói:

– Trên đời chỉ có một mình cô nương biết tại hạ hiểu võ nghệ. Tại hạ có bản lãnh mà không dám thi triển, có hi vọng mà không dám mừng vui. Thiệu cô nương!

Cuộc đời như vậy cô nương cho là đáng vui hay đáng buồn?

Đó là những lời phế phủ của chàng. Chàng thấy tiểu cô nương này tính tình chất phác, không có ý nghĩ cong queo liền cảm thấy nỗi u uất trong lòng khoan khoái, nhưng nghĩ lại chàng lây làm kỳ tự hỏi:

– Tại sao ta lại không giữ được thái độ kín đáo với cô này?

Thiệu Quyên chú ý nghe lời Du Hữu Lượng thấy chàng thiếu niên thâm trầm này nói với mình những điều tha thiết thì trong lòng vừa vui mừng vừa cảm động đến nỗi vành mắt đỏ hoe.

Thiệu Quyên hạ thấp giọng xuống nói:

– Du … Du đại ca! Tiểu muội biết trong lòng đại ca rất đau khổ, nhưng lo nghĩ nhiều thì tổn hại tinh thần. Đại ca nên làm chuyện vui vẻ để giải lòng sầu muộn như tiểu muội …

Cô nói tới đây chợt nghĩ ra những lời đối với một chàng thiếu niên cao thâm khôn lường như thế là quá non nớt, quá nông cạn, bèn dừng lại không nói nữa.

Rồi cô thấy Du Hữu Lượng lẩm nhẩm gật đầu ra vẻ thành thục thì trong lòng lại hớn hở nghĩ thầm:

– Ta ở trước mặt y khác nào một con nhỏ chưa hiểu việc đời, nên nói ít đi là hơn. Ta coi y như một vị đại ca từ lâu rồi.

Cô dương mắt đăm đăm nhìn Du Hữu Lượng. Chàng xúc động một lúc trở lại vẻ mặt bình thản, trong lòng rất áy náy về thái độ thất thường của mình vừa rồi!

Chàng nhìn Thiệu Quyên cười nói:

– Người bạn của tại hạ là Nhan Bách Ba ở phái Võ Đương rất quan tâm đến cô nương. Vừa rồi y cũng ở trong nhà đại sảnh, chắc cô nhìn thấy rồi?

Thiệu Quyên gật đầu đáp:

– Ngày thường y rất tự nhiên, thế mà bây giờ lại rất xúc động vừa ngó thấy thanh Tử Hồng Bảo Kiếm của phái Võ Đương y đã ngã lăn ra chết giấc.

Du Hữu Lượng trong lòng kinh hãi. Hồi lâu không nói câu gì.

Thiệu Quyên lại nói:

– Gã đó tuy kiêu ngạo, nhưng hết lòng luyến ái sư phụ thực cũng đáng thương!

Du Hữu Lượng lẩm bẩm một mình:

– Đây là … đây là … sự khởi thủy cho mọi việc.

Thiệu Quyên lấy làm kỳ hỏi:

– Du đại ca nói gì vậy?

Du Hữu Lượng nở nụ cười bí mật không đáp. Ngày thường thì Thiệu Quyên quyết hỏi cho ra chứ không chịu bỏ, nhưng hiện giờ cô cảm thấy mình không nên giống tính con nít, hỏi đông hỏi tây, nên cô im miệng.

Du Hữu lượng nói:

– Trời sắp tối rồi. Cô nương nên về thành cho sớm đi.

Thiệu Quyên hỏi:

– Còn đại ca đi đâu?

Du Hữu Lượng đáp:

– Tại hạ còn có việc riêng phải đến tòa tiểu trấn ở phía trước.

Thiệu Quyên ngẩn người rồi hỏi:

– Tiểu muội cũng biết mình không nên tò mò đến công việc của đại ca, nhưng … nhưng … xin đại ca cho tiểu muội hay công việc của đại ca có nguy hiểm gì không?

Du Hữu Lượng mỉm cười đáp:

– Tuyệt không có gì nguy hiểm hết.

Ngoài miệng chàng nói hời hợt như vậy mà thực ra trong lòng cực kỳ cảm động, vì vị tiểu cô nương trước mắt là người duy nhất trên thế gian quan tâm đến sự sống chết của chàng.

Thiệu Quyên lại nói:

– Tiểu muội tuy biết bản lãnh mình kém cỏi, nhưng cũng có thể giúp đỡ đại ca được phần nào. Có đúng thế không?

Du Hữu Lượng nghiêm nghị đáp:

– Đúng lắm! Đúng lắm!

Thiệu Quyên lại hỏi:

– Tiểu muội phải cái tật thấy ai mặt ủ mày châu là chán ngấy. Đại ca có muốn cho tiểu muội chán ngán chăng?

Du Hữu Lượng mỉm cười đáp:

– Còn chuyện gì nữa không?

Thiệu Quyên nguýt chàng đáp:

– Dĩ nhiên là còn. Đại ca kêu bằng Thiệu nữ hiệp với Thiệu cô nương mà không thấy chán ư? Đại ca … đại ca … Vậy đại ca … cũng theo như bọn sư huynh kêu tiểu muội bằng tiểu Thiệu cũng được, Thiệu Quyên cũng được hay hơn nữa tiểu Quyên … à quên! Tiểu Quyên thì không được, vì sư muội hồi sinh tiền đã kêu tiểu muội như vậy.

Du Hữu Lượng đáp:

– Cô em muốn sao cũng được. Nhưng nên về mau đi đừng để người ta trông đợi.

Thiệu Quyên lộ vẻ thẹn thùng mà không dấu nổi cao hứng trong lòng. Cô hí hửng về thành.

Thiệu Quyên theo bọn sư huynh đến Trường An, ban đầu cô thấy Nhan Bách Ba đã là người đẹp như ngọc, trong lòng ngấm ngầm thương mến, nên cứ tìm gã để trêu chọc, mong gã chú ý đến mình. Thực ra trong lòng cô cũng chưa có tình ý gì với gã. Lần trước Du Hữu Lượng ra tay cứu cô, thái độ của chàng rất hấp dẫn.

Chàng là đối tượng con người đáng yêu mến trong lòng cô. Cô thấy chàng thường lộ vẻ buồn rầu lo lắng cũng có ý tội nghiệp cho chàng mà dường như trong lòng đã nẩy ra mối quan tâm tha thiết. Cô không để ý đến Nhan Bách Ba ở phía Võ Đương nầy nữa.

Du Hữu Lượng thủng thỉnh cất bước đi vào rừng. Bóng chiều mỗi lúc một tối thêm. ánh sáng chỉ còn lọt qua những khúc cây cong xuyên vào trong rừng một cách yếu ớt.

Bỗng chàng ngó thấy ở phía xa xa có chấm đèn sáng lửa.

Lòng chàng vừa hoang mang vừa buồn phiền lại thêm vào chút ít bi thương.

Thậm chí chàng không hiểu mình đang nghĩ gì và tưởng chừng đứng trước một thế giới mênh mang đen tối.

Làn gió nhẹ lướt qua những ngọn cây rừng. Đột nhiên làn gió đưa lại tiếng người nghe văng vẳng.

Du Hữu Lượng chấn động tâm thần tự hỏi:

– Chẳng lẽ bây giờ trong rừng hãy còn có người đi?

Chàng chú ý lắng tai thì thấy thanh âm từ từ lướt qua, bất giác miệng lẩm bẩm:

– Tiếng người này từ mé hữu vọng tới thì phải.

Chàng rón rén đi thêm một đoạn. Tiếng người bây giờ đã nghe rõ hơn. Chàng đừng bước lắng tai, một người đang nói:

– …Lão tiền bối giàu lòng nghĩa khí như vậy lại có ý giữ thể diện cho bọn tại hạ khiến bọn tại hạ cảm kích vô cùng …

Tiếp theo thanh âm của một lão già cất lên:

– Không dám! Không dám! Lão phu sống đã bấy nhiêu tuổi. Về chuyện khác thì chẳng biết mấy, nhưng điểm này lại hiểu rõ lắm. Nếu trên đời không có một chút ý nghĩa thì con người đến phải tiêu diệt. Lão đệ bảo có đúng không?

Du Hữu Lượng nghe rõ tưởng chừng trong lòng bị đánh một đòn nặng. Trong cuộc đối thoại của hai người này thì người nói sau là người lạ còn thanh âm người nói trước chàng nghe rất quen tai. Chàng được trời ban cho bản tính nhớ giai, nghe thanh âm ai một lần rồi không quên nữa. Chàng lẩm bẩm:

Du lão nhị! Người này đúng là Du lão nhị. Không hiểu … hắn lại xuất hiện nơi đây vào lúc nào?

Chàng nghĩ tới Du lão nhị, bất giác trống ngực đánh thình thình liền chú ý hơn.

Lại nghe Du lão nhị nói:

– Lời nghị luận của lão tiền bối thật cao minh. Bây giờ bọn tại hạ mời lão tiền bối qua bên kia nói chuyện. Bất luận về vấn đề gì cũng có thể thương lượng được …

Lão già đáp:

– Muốn nói chuyện cũng chẳng ngại gì. Tình thực lão phu đã nắm vững hiện giờ các vị chưa dám giở trò với lão phu …

Thanh âm Du lão nhị lại cất lên:

– Sao lão tiên sinh lại nói vậy? Bọn tại hạ chỉ có ý thương lượng với lão tiên sinh.

Câu nói của gã tuyệt không có chút gì là hậu ý khác thường.

Du Hữu Lượng ngấm ngầm lấy làm kỳ tự hỏi:

– Du lão nhị mời lão này phải chăng muốn lợi dụng lão việc gì trong Trường An đại hội? Nhưng không đúng. Nghê giọng lưỡi hai người không phải như vậy mới thật là kỳ?

Lại nghe lão già nói:

– Ông bạn muốn nói sao cũng được. Lão phu sẽ đến với các vị một chuyến.

Bây giờ lão phu hãy xin cáo biệt.

Du lão nhị đáp:

– Hay lắm! Bọn tại hạ ngụ ở trong An Cư khách sạn tại thị trấn bên kia. Xin mời lão tiên sinh canh ba đêm nay tới đó.

Lão già nói:

– Ông bạn cứ về đi. Lão phu đã hứa lời là thế nào cũng đến.

Tiếp theo những tiếng bước chân vang lên. Du lão nhị còn nói theo:

– Vậy bọn tại hạ xin chờ lão tiên sinh.

Du Hữu Lượng nghe Du lão nhị nói câu sau cùng “Vậy bọn tại hạ xin chờ lão tiên sinh”, bất giác toàn thân run lên. Chàng ngửng mặt trông chiều trời tối đến.

Trong đầu óc chàng vẫn quanh quẩn với câu “Bọn tại hạ xin chờ lão tiên sinh”.

Chàng lẩm bẩm:

Đêm hôm ấy, một đêm tối đến thê thảm … con người đầy mình những máu kia chỉ vào mũi ta nói giỡn:

“Vậy bọn tại hạ sẽ chờ lão tiên sinh”. Chẳng lẽ … chẳng lẽ người đó là Du lão nhị? Mấy tiếng này ta nghe rất quen tai.

Toàn thân run bần bật, chàng thay đổi ý nghĩ:

– Không phải rồi! Du thị huynh đệ là những nhân vật chính phái nổi danh trong võ lâm thì sao là y được? Không … không có lý …

Nhưng ý nghĩ này lập tức bị một ý nghĩ khác phủ quyết, chàng lại lẩm bẩm:

– Nhất định là đúng rồi vì thanh âm này ta không thể quên được. Đến chết cũng không quên. Nhất là hắn …

Chàng chạy quanh quẩn trông rừng cây một hồi nhưng chỉ thấy một vùng tối đen mờ mịt. Lão già kia và Du lão nhị đã đi xa rồi.

Du Hữu Lượng ra khỏi khu rừng. Lòng chàng vẫn bị ám ảnh vì câu nói kia.

Rồi chàng tự hỏi:

– Ta đã nghe qua thanh âm Du lão nhị mà sao đêm nay mới nhận ra? Cái đó phải chăng vì họ Du nhân lúc đêm tối mới thốt ra giọng nói này? Thật là trong cõi mênh mang vẫn có trời làm chúa tể … ta nhất định phải phanh phui vụ này …

Du Hữu Lượng lật đật bước đi. Đầu óc chàng nghĩ vơ nghĩ vẩn, bất giác đã tới tòa tiểu thị trấn. Chàng lầm lủi vừa đi vừa ngẩng đầu nhìn lên chợt thấy một tòa khách sạn. Trên cửa đề bốn chữ lớn:

An Cư Khách Sạn.

Du Hữu Lượng vội tiến lại đập cửa. Tiểu nhị thấy nửa đêm còn có khách đến mướn phòng. Gã dậy dụi mắt mở cửa đưa khách vào phòng, nét mặt lộ vẻ khó chịu. Gã bưng hồ trà đến cho chàng rồi len lén bỏ đi.

Du Hữu Lượng kéo lại khăn giải giường cho ngay ngắn thì trống đã điểm canh hai. Chàng chú ý lắng nghe chẳng thấy thanh âm chi hết.

Sau một lúc chàng nghe phòng bên có tiếng mở cửa rồi tiếng người đi vào.

Chàng gián tai vào vách ván nghe lén thấy tiếng Du lão nhị cất lên:

– …Lão tiền bối quả là thủ tín …

Lão già hỏi:

– Bây giờ lão phu đã tới. Các hạ muốn hỏi gì thì nói lẹ đi.

Tiếp theo Du lão nhị hạ thấp nói chuyện.

Du Hữu Lượng vận hết thính lực mà không nghe rõ. Sau một lúc lão già lại lên tiếng:

– Như thế sao được? Như thế sao được? …

Du lão nhị thở phào một cái bảo lão:

– Lão tiền bối! Nói khẽ chứ …

Rồi lại không nghe rõ nữa.

Hồi lâu Du Hữu Lượng chỉ thấy tiếng hai người xì xầm, nhưng hoàn toàn không hiểu họ nói gì. Chàng đành bỏ mặc không nghe nữa, ngồi xuống suy nghĩ.

Đột nhiên chàng phát giác ra điều khác lạ. Nguyên lúc trước chàng vẫn nghe thanh âm hai người mà bây giờ chỉ còn có một.

Chàng lại kề tai vào vách ván lắng nghe một lúc, sau cả thanh âm một người cũng im bặt.

Du Hữu Lượng không nhẫn nại được nữa, chàng rón rén mở cửa ra ngoài bước đi trước cửa phòng bên cạnh nghe ngóng mà chẳng thấy động tĩnh gì.

Du Hữu Lượng khẽ đụng vào cửa một cái rồi vội vàng lùi lại. Nhưng trong phòng vẫn im phăng phắc.

Trong lòng vụt nẩy ra một ý nghĩ, chàng đẩy mạnh cửa phòng mở ra. Trong lòng chỉ còn lão già nằm chết ở dưới đất, chẳng thấy bóng Du lão nhị đâu nữa.

Du Hữu Lượng tiến vào sờ huyệt mạch môn lão thấy trái tim không đập nữa.

Lửa giận bốc lên chàng đi quanh hai vòng trong phòng rồi ngó lại thi thể lão già, miệng lẩm bẩm:

– Du Hữu Lượng hỡi! Sự tình đã xẩy ra thế này, e rằng ngươi khó lòng giấu giếm được bản lãnh nữa …

Chàng nhìn lại mồm miệng lão già mà phát khiếp. Đột nhiên tròng mắt lão đưa đi đưa lại. Lão giơ tay run run lên trỏ về phía cửa sổ. Miệng lão ú ớ hai tiếng.

Bất thình lình lão khẽ rú lên một tiếng rồi nghẹo đầu ra mà chết.

Du Hữu Lượng vội nhảy vọt ra ngoài cửa sổ. Chàng nhìn thấp thoáng thấy bóng người chuồn vào rừng, liền tung mình rượt theo …

Bỗng phía sau có tiếng người quát lớn:

– Tên tặc tử kia! Ngươi định chạy đi đâu?

Du Hữu Lượng thấy sau lưng có tiếng gió rít lên. Mặt chàng đã trông rõ bóng người chuồn vào rừng, nhưng sau lưng lại có sức mạnh ngàn cân xô tới. Chàng chẳng thể rượt theo được nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.