La Đại Tân dạ một tiếng rồi nói:
– Xin nguyên soái yên tâm. Nơi đặt trọng pháo đã chuẩn bị cả rồi.
Y dứt lời liền rảo bước chạy ra phát lệnh. Các tướng lúc này đều phấn khởi tinh thần. Từ lúc khai chiến chỉ chịu đòn chứ không có sức phản kích khiến lòng người ai cũng thất vọng. Tin này truyền ra rất mau chóng. Chỉ trong khoảnh khắc tướng sĩ toàn thành đều biết hết. Ai nấy tinh thần hăng hái. Sĩ khí lên cao rất nhiều.
Viên Sùng Hoán quay lại nhìn tên quân sĩ họ Lam nói:
– Lam Tiên Phong! Việc này ngươi đứng đầu công.
Tên quân họ Lam cả kinh thi lễ đáp:
– Tiểu nhân không dám lãnh thụ ơn to này.
Viên Sùng Hoán cười khanh khách nói:
– Mười vạn hùng binh do ngươi cứu thoát thì chức Du kích tiên phong kể ra hãy còn chưa đủ.
Viên Sùng Hoán thưởng phạt nghiêm minh. Gã họ Lam trong khoảnh khắc từ một tên lính thăng lên chức Tiên phong du kích được các tướng tới tấp đưa lời chúc hạ. Ai cũng cho là xứng đáng, tuyệt không ganh tỵ hay bất mãn với gã.
Du Hữu Lượng nghĩ thầm:
– Các tướng dưới cờ Viên đại soái đồng tâm nhất trí. Thật là đại phước cho Quốc gia.
Viên Sùng Hoán xoa tay nói:
– Chúng ta hãy vào đây chờ đợi. Đại Tân đặt súng xong thì chắc trời đã sáng rồi.
Lão quay lại nhìn gã họ Lam nói:
– Lam Tiên Phong cũng vào đi.
Các tướng theo đại soái vào đại sảnh. Tâm tình mọi người lúc này không giống nhau. Tổ Đại Thọ hý hửng đụng đầu vào cửa trượt chân đi. May ngày thường mã bộ của y vững vàng nên đứng vững lại ngay. Chúng tướng không nhịn cười được.
Viên Sùng Hoán đưa mắt nhìn Du Hữu Lượng. Hai người đều lộ vẻ thân thiết.
Đêm dài đã hết. Phương đông vừa dạng hoa lê. Viên Sùng Hoán nhìn các tướng nói:
– Một đêm qua, chúng ta nếm đủ mùi bi hoan cam khổ, tưởng chừng trải qua mười năm.
Lão cười ha hả bảo Lam Tiên Phong:
– Quân Võ! Ngươi coi Hồng y đại pháo so với uy lực thổ pháo thứ nào mạnh hơn?
Lam Quân Võ cung kính đáp:
– Thứ súng này có thể phát xạ theo cách liên hoàn lại bắn rất xa. Chỉ vài phát là pháo trận của quân Thanh bị tan vỡ.
Viên Sùng Hoán nói:
– Khi phá hủy pháo trận của địch nhân rồi, đại quân của chúng ta rượt theo.
Bọn chúng không kịp phòng bị tất phải thua to.
Lam Quân Võ khép nép nói:
– Tiểu nhân có một lời, chẳng hiểu có thể nói ra được chăng?
Viên Sùng Hoán đáp:
– Quân Võ cứ nói đi.
Lam Quân Võ nói:
– Ngày trước tiểu nhân đã bôn tẩu nhiều nơi. Phía trước về mé tả thành Ninh Viễn là cửa núi Tiểu Tiêm. Địa thế hiểm trở vô cùng. Nếu có thể … bố trí mai phục ở đó thì địch quân bị chặn phía sau, lâm vào tình trạng như cá trong lưới.
Viên Sùng Hoán hơi kinh ngạc hỏi lại:
– Quân Võ nắm chắc Thanh binh sẽ rút lui đường đó ư?
Lam Quân Võ đáp:
– Tiểu nhân từng nghe Hoàng Thái Cực chuyển vận quân đội rất giỏi. Cử động của y ra ngoài sự tính toán của mọi người. Lúc bại binh ai cũng tránh tử lộ, thì hắn quyết đi vào. Mặt khác hắn chắc tại đó không có trọng binh, có thể dùng làm căn cứ để chờ tiếp viện. Đại soái …
Gã nói tới đây chợt nghĩ thầm:
– Ta hoan hỷ buột miệng nói ra, nhưng như vậy thì ra cách dụng binh của mình còn cao minh hơn Viên đại soái.
Gã nói tới đó rồi dừng lại.
Viên Sùng Hoán không ngớt gật đầu. Bỗng lão đảo mắt nhìn quanh hỏi:
– Các vị nghĩ sao?
Chúng tướng đều khâm phục và coi anh chàng nhỏ tuổi bằng con mắt khác trước.
Viên Sùng Hoán thấy các tướng có vẻ khâm phục Lam Quân Võ cũng xoa tay ra chiều đắc ý, nhìn mọi người nói:
– Xem chừng cánh quân Ngải Văn Khôi không cần bao vây, cứ ngồi chờ địch nhân tự chui đầu vào lưới.
Đoạn lão hỏi Quân Võ:
– Quân Võ! Trước khi chưa đầu quân ở đây, ngươi là đương sai tại địa phương nào?
Lam Quân Võ đáp:
– Tiểu nhân phiêu lưu khắp chốn, có khi dính vào việc phi pháp nữa. Du công tử đây cũng biết.
Viên Sùng Hoán thở dài nói:
– Những nhân tài như thế này mà không được nhà nước sử dụng. Thật là đáng tiếc!
Lam Quân Võ lại nói:
– Tiểu nhân có tính thích bố trí cơ quan cùng coi địa hình địa lý. Tiểu nhân đã trắc nghiệm và vẽ những địa hình địa thế căn cứ của quân Thanh.
Viên Sùng Hoán hỏi:
– Địa thế Kiến Châu ra sao?
Lam Quân Võ đáp:
– Kiến Châu trước mặt có sông, sau lưng có núi dễ giữ mà khó đánh. Binh lực bên ta không nhiều gấp bội thì khó lòng đoạt được.
Viên Sùng Hoán gật đầu toan nói, bỗng nghe tiếng vó ngựa từ đằng xa đi tới.
Rồi thanh âm dõng dạc cất lên:
– Bẩm đại soái! Các đại pháo đã đặt yên vị rồi.
Viên Sùng Hoán từ từ đứng dậy mở rèm cửa sổ thấy trời đã bình minh. Tiếng súng bên địch thưa dần.
Lam Quân Võ nhìn Viên Sùng Hoán thi lễ rồi chắp tay xá chúng tướng, rảo bước đi ra.
Viên Sùng Hoán thấy các tướng đều hăm hở muốn đi liền nói:
– Quân Võ lên phát pháo. Chúng ta cùng lên mặt thành trợ oai.
Trong khoảng thời gian chừng uống cạn tuần trà, trời sáng rõ hơn. Đột nhiên một tiếng nổ kinh thiên động địa vang lên:
Viên Sùng Hoán lớn tiếng reo:
– Thành công rồi! Thành công rồi!
Lão rảo bước rời khỏi nhà đại sảnh, thống lãnh chúng tướng lên ngựa vừa ra tới cửa thành đã thấy trong thành lửa cháy rực trời. Chân thành cũng bị chấn động.
Những con chiến mã tuy đã trải qua rất nhiều trận mạc mà nghe tiếng súng cũng sợ hãi nghển cổ lên tung vó chạy đi.
Viên Sùng Hoán xuống ngựa lên thành. Du Hữu Lượng theo các tướng trèo lên mặt thành.
Lam Quân Võ chạy đi chạy lại tự mình phát pháo.
Lúc này quân Thanh công kích suốt đêm đều đã mỏi mệt. Uy lực của đoàn Hồng y đại pháo lợi hại kinh người. Ban đầu địch nhân thỉnh thoảng còn tiếng nổ phản kích, nhưng sau chịu bỏ.
Súng nổ chừng nửa giờ. Quân sĩ ở dưới chân thành chuyển vận thuốc súng không ngớt.
Mặt trời từ từ tiến lên cao Đông, nội ở ngoài thành khói lửa mù mịt không trông rõ gì nữa.
Viên Sùng Hoán nhìn chúng tướng vẫy tay ra hiệu. Tổ Đại Thọ xuống thành trước tiên tập hợp bộ đội. Các tướng cùng tới tấp nhảy xuống chuẩn bị truy kích.
Súng nổ chừng nửa giờ nữa, Viên Sùng Hoán vẫy tay ra hiệu cho ngừng lại.
Cửa thành mở rộng. Tổ Đại Thọ cưỡi ngựa ra ngoài. Phía sau kỵ binh và bộ binh lớn tiếng reo hò ào ạt kéo đi.
Khói mù hồi lâu dần dần tan đi. Viên Sùng Hoán trông ra ngoài nội thấy cỏ cây xơ xác, cát đá bừa bãi. Khắp nơi thây chết ngổn ngang, cờ gẫy tán loạn.
Tiền quân thừa thắng rượt theo. Viên Sùng Hoán quay lại nhìn Du Hữu Lượng, vỗ vai chàng nói:
– Du huynh! Trận pháo kích này khiến cho địch quân tổn thất ít ra là phân nửa. Còn bọn chạy trốn cũng nản chí phấn đấu nữa. Ngoài quan ải có thể yên tĩnh được mấy năm.
Du Hữu Lượng thấy lão vui mừng, vẻ mặt không còn nghiêm trọng như trước và ra chiều thân thiết. Chàng nói:
– Chiến trận thắng hay bại chỉ trong nháy mắt là thay đổi cục diện. Bữa nay tiểu nhân được nhìn thấy thần oai của đại soái, trong lòng khâm phục vô cùng!
Viên Sùng Hoán nói:
– Du huynh mấy phen giúp ta, nên coi nhau như tình bằng hữu, hà tất phải theo khách sáo khiêm tốn làm chi?
Du Hữu Lượng vội đáp:
– Tiểu nhân không dám.
Viên Sùng Hoán cười ha hả nói:
– Người đọc sách không thoát khỏi hủ tục đã đành, sao hiệp sĩ còn giữ lối đó?
Ta mong rằng mình đối đãi với nhau bằng gan ruột còn tục lễ thì có làm gì?
Du Hữu Lượng nói bằng một giọng rất thành thật:
– Đại soái là một thần nhân, chẳng thể lấy thường tình mà bàn.
Chàng là người thâm trầm, nhưng khi nói lời thành thật khiến người ta phải cảm xúc.
Viên Sùng Hoán không khỏi động dung, cất giọng rất thân thiết:
– Lão phu già hơn huynh đệ mấy tuổi, nhưng việc nhận huynh đệ làm bạn hữu là quyết định rồi.
Du Hữu Lượng kính cẩn xá dài, không nói gì nữa.
Viên Sùng Hoán chạy đến bên Lam Quân Võ nói:
– Hồng y đại pháo tuy mạnh, nhưng nếu không có người điều khiển thì chỉ là một đống sắt vứt bỏ. Thế mới biết được việc hay không là ở người. Ha ha!
Lam Quân Võ trỏ tay vào tai. Viên Sùng Hoán sửng sốt, tỉnh ngộ la lên:
– Hai tai Quân Võ bị điếc rồi. Thực là đáng tiếc!
Lam Quân Võ lắc đầu đáp:
– Đại soái khỏi lo. Hai tai tiểu nhân bị chấn động mạnh. Lâu lắm là nửa tháng sẽ phục hồi như cũ.
Viên Sùng Hoán cả mừng, trong lòng không còn điều gì hối hận. Lão sai người dắt ngựa dẫn đội thân binh cùng Du Hữu Lượng ra ngoài.
Viên quân thấy đại soái thân tự đốc chiến đều phấn khởi tinh thần. Viên Sùng Hoán đưa mắt nhìn chiến trường thấy quân mình đại thắng trong lòng rất hân hoan.
Du Hữu Lượng nhớ tới thanh Thượng Phương bảo kiếm còn ở trong tay mình liền hai tay đưa lên trả lại.
Viên Sùng Hoán cười nói:
– Hoàng thượng ban cho thanh Thượng Phương bảo kiếm nguyên là để chém kẻ bất trung bất nghĩa, không ngờ suýt nữa lại tự giết ái tướng của mình. Việc đời như ảo mộng khó mà liệu trước được. Du lão đệ! Trong lúc binh mã còn đang rối loạn, chốn quân trung rất cần người như lão đệ. Vậy lão đệ ở lại với ta được chăng?
Du Hữu Lượng đáp:
– Tiểu nhân trong mình còn nhiều ân oán, chưa biết ngày nào mới thanh toán xong. Thực tình không thể ở bên đại soái được.
Viên Sùng Hoán cũng không miễn cưỡng, lại giật cương cho ngựa tiến về phía trước.
Hai người đi thị sát mấy chục dặm thì ngày đã đúng ngọ. Dọc đường Thanh binh bị tử thương cực kỳ thê thảm, xem chừng đã tan vỡ không còn hàng ngũ gì nữa.
Viên Sùng Hoán thấy quân đuổi về phía tây biết là Hoàng Thái Cực rút về núi Tiểu Tiêm. Chỉ chiều hôm nay là trận đại chiến này có thể kết thúc, liền cùng Du Hữu Lượng và toán thân binh quay ngựa về thành.
Lúc này trong thành đã yên tĩnh, chỉ còn lại một ít quân canh giữ.
Viên Sùng Hoán đi trên đường thấy trăm họ thắp hương đón tiếp. Trăm họ thấy mặt đại soái, lớn tiếng hoan hô vang dội cả góc trời. Nhưng mắt ai cũng đều đẫm lệ. Thật là vui mừng đến sa nước mắt, dường như hoan hô chưa tỏ hết ý sùng kính.
Hai người về đến đại viện, Du Hữu Lượng nghĩ lại những chuyện đã trải qua mới trong một ngày mà có thể quyết định được vận mệnh cho bản triều, chàng không khỏi bâng khuâng trong dạ.
Kể từ lúc Lam Quân Võ điều khiển đội Hồng y đại pháo cho đến lúc Tổ Đại Thọ cùng chúng tướng truy kích trở về vừa mất một ngày.
Viên Sùng Hoán cùng Du Hữu Lượng ngồi trong soái phủ chờ đợi giai âm.
Lúc trăng lên giữa trời, Tổ Đại Thọ dẫn tiền bộ tiên phong cùng chúng tướng trở về.
Tổ Đại Thọ vừa trông thấy Viên Sùng Hoán đã lên tiếng:
– Bẩm đại soái! Quân Thanh nay đã dẹp yên, tàn binh không còn được trăm tên chạy về phía Kiến Châu. Tiểu tướng nhìn thấy cỗ Hoàng cẩm chiến xa của Hoàng Thái Cực đã bị Hồng y cự pháo phá vỡ tan nát. Hoàng Thái Cực chẳng chết cũng bị thương rồi.
Viên Sùng Hoán đảo mắt nhìn các tướng chợt thấy Ngải Văn Khôi đồn trú ở núi Tiểu Tiêm trở về liền hỏi:
– Văn Khôi! Mùi vị trận này thế nào?
Ngải Văn Khôi là một viên dũng tướng nổi danh trong Viên quân, nguyên là một tay chuyên nghề tấn công. Hắn nở mặt nở mày đáp:
– Nguyên soái quả là thần cơ diệu toán. Gần mười vạn tên quân bên địch chạy lên núi Tiểu Tiêm, tự gieo mình vào miệng cọp. Đoàn quân tinh nhuệ của ta chờ đợi ở đó đánh một trận thế như chẻ tre nên chóng bình định. Tiểu tướng theo hàng ngũ mấy chục năm nay mới nhận thấy lần này là đáng kể nhất.
Viên Sùng Hoán nói:
– Hoàng Thái Cực may mắn trốn về được Kiến Châu nhưng muốn khôi phục lại binh đội như trước, ít ra là mất năm năm. Nếu triều đình quyết tâm trừ diệt thì đây là một thời cơ thuận tiện nhất.
Nguyên Hoàng Thái Cực phen này dốc toàn lực đông chinh, đã yên trí lấy được Ninh Viễn ngay, nên tụ tập rất đông quân mã, tưởng chỉ cử động một phen là hạ được thành. Không ngờ Viên Sùng Hoán mua được mấy chục cỗ Hồng y đại pháo. Pháo đội của hắn bị tan vỡ còn chưa đáng kể. Quân bộ chiến và quân Khinh kỵ chưa tiếp xúc địch nhân đã bị tổn thương quá nửa. Sau lại bị Viên quân đuổi theo đưa vào miệng cọp ở núi Tiểu Tiêm. Thế là toàn quân bị tiêu diệt. Lúc xuất chinh hắn đem đi mấy chục vạn hùng binh mà lúc trốn về Kiến Châu chẳng còn gì.
Mặt hắn không còn hạt máu. Chí phấn đấu cũng tiêu tan. Người hắn lại bị trọng thương rồi chết ở Kiến Châu.
Trận đánh ở Ninh Viễn này đã khiến cho nhà Đại Minh giữ vững được giang sơn mười mấy năm.
Viên Sùng Hoán mở yến tiệc khao thưởng ba quân.
Tổ Đại Thọ uống cạn bát rượu lớn rồi đứng dậy nói:
– Bẩm nguyên soái! Chúng ta thắng trận này không mong Hoàng thượng ban thưởng mà chỉ cầu Hoàng thượng thanh trừ những kẻ tiểu nhân kề cận mình rồng.
Viên Sùng Hoán cũng uống một hớp lớn rồi đáp:
– Hay cho một viên tướng không cầu ban thưởng! Đại Thọ. Chuyến vừa rồi tướng quân về xin cầu viện chắc là phải chịu lắm nỗi nhục nhằn. Lại đây bản soái mừng tướng quân một chung.
Tổ Đại Thọ đảo mắt nói:
– Bẩm đại soái! Chúng ta ở vào tình thế trong ngoài kiềm chế lẫn nhau thì tiền phương còn đánh giặc làm sao được! Xin đại soái làm tấu chương cho phi kỵ chạy tám trăm dặm cung thỉnh đức Hoàng thượng hạ sát chú cháu họ Mao để quân dân được hả dạ.
Viên Sùng Hoán vỗ tay nói:
– Đại Thọ say rồi!
Tổ Đại Thọ lớn tiếng:
– Tiểu tướng uống ngàn chung cũng không say. Nhưng bá quan văn võ trong triều đều say hết, một mình đại soái tỉnh táo. Đại soái! Đại soái! Đại soái bảo Đại Thọ này đọc sách học lễ mà làm sao trong sử bao nhiêu trung thần đều đi đến kết quả thê thảm? Người ta chỉ muốn để tiếng khen cho hậu thế thôi ư? Đại soái!
Chẳng lẽ chúng ta không tự biến cải được vận mệnh cho mình?
Y càng nói càng hăng. Cử tọa không khỏi động dung.
Viên Sùng Hoán hô:
– Đại Tân! Đỡ y vào nghỉ đi.
La Đại Tân tiến lại toan dắt đi, Tổ Đại Thọ vẫn cãi là mình tỉnh táo. Đột nhiên y không chống được nữa nằm phục xuống bàn. La Đại Tân đỡ y vào nội thất trong soái phủ. Lát sau có tiếng khóc lóc uất ức vọng ra.
Nguyên Tổ Đại Thọ vâng lệnh trở về Bắc Kinh xin mua Hồng y đại pháo, phải chịu bao nhiêu nhục nhằn, nhưng y nhớ lời Viên đại soái ở tiền phương dặn dò, lại quan tâm đến sự tồn vong của ba quân mà phải vuốt giận. Có lúc chịu không nổi, y phải dùng mũi trủy thủ đâm vào tay cho đau mới bình tĩnh lại được.
Đến khi y mua được đại pháo đem đi thì cánh tay đầy những vết sẹo khiến người không nỡ nhìn vào. Nay y mới có cơ hội thốt ra những nỗi uất hận trong lòng.
Viên Sùng Hoán hiểu rõ tâm ý viên ái tướng này, nghĩ thầm trong bụng:
– Chú cháu họ Mao, nhất là thái độ của Mao Văn Long lại càng khả ố. Sớm muộn gì ta cũng phải làm cho ra lẽ. Thanh Thượng Phương bảo kiếm này chuyên để chém kẻ bất trung, bất nghĩa.
Lão đã ngấm ngầm quyết định một đại sự cuối cùng về hồi Minh mạt, đưa đến kết quả hai bên cùng chết. Nhưng đó là việc về sau.
Viên Sùng Hoán không muốn trong cuộc đại hỷ phải buồn phiền, lão lại nâng chung uống rượu vui vẻ. Lam Quân Võ và Du Hữu Lượng thành ra đối tượng để chúng tướng thi đua uống rượu. Cả hai người tửu lượng đều khá lắm. Mỗi người uống cạn đến mấy chục chung.
Đến canh tư các tướng đều say khướt ra về.
Viên Sùng Hoán dắt Du Hữu Lượng vào nội thất nghỉ ngơi.
Du Hữu Lượng nằm trên giường thấy hơi rượu trồi lên, nhưng chàng nội công tinh thâm, vận khí làm tiêu tan men rượu.
Chàng quay lại nhìn Viên đại soái danh vang lừng thiên hạ thì thấy hơi thở lão đã đều đặn. Sau khi vận công, tinh thần lão trở lại như trước.
Lúc này trống cầm canh đã điểm canh tư. Du Hữu Lượng trong ruột rối như mớ bòng bong. Tai chàng văng vẳng tiếng ngựa thét gió vọng đi mỗi lúc một xa, càng tăng thêm nỗi thê lương.
Chàng nghĩ thầm trong bụng:
– Giả tỷ ngày trước ta không khuyên Quân Võ đi đầu quân thì tấm thân bách chiến của Viên đại soái ngày nay phải thân bại danh liệt. Thế mới biết mọi việc đều có tiền định không thể miễn cưỡng được.
Chàng nhớ tới Nhan Bách Ba, con người tuấn tú, rồi liên tưởng đến Thiệu nữ hiệp phái Hoa Sơn tính tình khả ái. Người cô cũng hao hao giống như đại muội của chàng. Có điều lúc này đại muội của chàng không hiểu sống chết thế nào. Bình sinh chàng đã yêu những người không ở gần bên cạnh, bất giác chàng sinh lòng chán nản.
Sau chàng lại nghĩ tới mình đang mang mối huyết cừu, muốn tự mình xử lý mà công việc hãy còn mênh mang bát ngát, gánh nặng vô cùng, bất giác lòng chàng run lên.
Du Hữu Lượng đang nghĩ vơ nghĩ vẩn, bất giác trời đã tờ mờ sáng, chàng mới ngủ đi.
Khi chàng tỉnh giấc thì mặt trời đã lên cao ba ngũ. Chàng rửa mặt xong từ biệt Viên đại soái.
Viên đại soái biết lưu chàng không được, lại bày tiệc tiễn hành. Các tướng cũng đến bồi tiệc.
Sau ba tuần rượu Du Hữu Lượng lại ngỏ lời cáo biệt.
Viên đại soái thân hành tiễn đưa ra mười dặm rồi lấy trong tay áo ra một đạo công văn đưa cho chàng. Đây là mệnh lệnh của đại soái truyền cho quân đội ở dọc đường phải tìm phương tiện cho Du Hữu Lượng.
Du Hữu Lượng nghĩ thầm:
– Chuyến này ta ra đi tìm vào những đường tắt, hẻo lánh, không cần dùng đến văn kiện thông hành.
Nhưng chàng thấy đại soái ân cần cũng trân trọng đón lấy công văn rồi cùng các tướng bái biệt.
Chàng thấy các tướng đều lộ vẻ ân cần, tỏ lòng lưu luyến, chàng không dám chần chờ vội vẫy tay chào mọi người rồi giục ngựa ra đi.
Tổ Đại Thọ nhất định đòi tiễn đưa chàng thêm mười dặm. Hai người giao kết mối tình rất tha thiết rồi mới chia tay.
Du Hữu Lượng đi mấy bước quay đầu nhìn lại thấp thoáng còn thấy bóng sau lưng của Tổ Đại Thọ. Chàng không khỏi bâng khuâng cơ hồ không tự chủ được.
Chàng lẩm bẩm:
– Du Hữu Lượng hỡi Du Hữu Lượng! Ngươi thật quá đa tình. Tính cách thâm trầm của ngươi té ra không chịu nổi một đòn. Ngươi cũng là một nhân vật như các hảo nam nhi kia.
Chàng ngơ ngẩn xuất thần một lúc rồi chợt nhớ tới các tướng dưới trướng Viên đại soái đều là những nhân vật trung dũng chính trực. Như vậy bước tiền trình của Quốc gia hãy còn nhiều triển vọng, bất giác chàng phấn khởi tinh thần.
Mặt trời đã xế về tây. Du Hữu Lượng giật cương lẩm bẩm:
– Ta phải đi thôi, nếu còn chần chờ thì không hạ quyết tâm được.
Chàng cho ngựa chạy nhanh, chẳng bao lâu đã vượt qua mấy trái núi. Giang sơn bên ngoài quan ải bao la bát ngát hiện ra trước mắt.
Du Hữu Lượng lại đi một lúc nữa rồi nghĩ thầm trong bụng:
– Đại muội đã nói ý trung nhân của y nhà ở chân núi Trường Bạch. Ta đi chuyến này sẽ đến núi Trường Bạch, không chừng gặp được nhiều cơ hội.
Chàng chợt động tâm cơ tự nhủ:
– Trên Thiên Trì ở đỉnh núi Trường Bạch có giống linh man (cá sộp). Chẳng hiểu có chữa được chứng bệnh hay quên cho đại muội chăng?
Chàng không nghĩ gì nữa đi thẳng đến núi Trường Bạch. Vì muốn tìm cô em gái nên không xông pha vào những đường hẻo lánh trong dã, cứ theo đường quan đạo mà tiến. Hàng ngày chàng đi qua những thành lớn trấn nhỏ mà chưa tìm ra được tông tích gì hết. Đại khái hiệu lực bức công văn của Viên đại soái rất lớn.
Những tướng quân thủ thành đối với chàng rất ân cần. Họ hỏi chàng muốn kiếm người thế nào, hình dạng ra sao, để làm văn thư truyền đi các nơi tìm giúp.
Du Hữu Lượng đi theo đường đại lộ, chỗ ăn ngủ đều được chiếu cố một cách rất ân cần, dung quang chàng cũng tươi lên không phải phong trần như trước.
Một hôm chàng đi gần tới chân núi Trường Bạch, hỏi thăm người tiều phu về đường lên Thiên Trì. Chàng thấy đường núi gập ghềnh hiểm trở, đi ngựa không tiện liền tặng ngựa cho người tiều phu, đổi lấy mấy ngày lương khô để một mình lên núi.
Người tiều phu được ngựa cảm ơn chàng khôn xiết.
Khinh công chàng rất cao minh nên đi trên đường núi cũng mau lẹ.
Hôm ấy vào lúc xế chiều, chàng đã vào sâu núi Trường Bạch, liền tìm một nơi sơn động để nghỉ ngơi. Trước động chàng đốt một đống lửa. Ban đêm chỉ nghe tiếng thông reo như sóng cồn cùng tiếng cọp gầm vượn hót. Thỉnh thoảng có con dã thú thấy ánh lửa chạy ra. Còn trên núi tuyệt không một bóng người.