Hồng Bào Quái Nhân

Chương 53 - Người Áo Lam Bản Lãnh Ghê Hồn

trước
tiếp

Du Hữu Lượng đã thấu hiểu tâm sự thanh niên bay, tám phần lại muốn an ủi y mấy câu mà không biết nói sao.

Hà Kiêm bỗng nhìn Du Hữu Lượng thở dài hỏi:

– Chuyện vừa rồi huynh đài thấy rõ rồi chứ?

Du Hữu Lượng gật đầu giải thích:

– Tại hạ ngẫu nhiên qua đây, nghe tiếng đàn hấp dẫn mới lên lầu.

Hà Liêm “Ủa” một tiếng ngắt lời:

– Té ra là thế! Một bữa nửa năm trước đây, tại hạ cũng bị tiếng đàn lôi cuốn …

Du Hữu Lượng buột miệng nói:

– Nửa năm trước ư?

Hà Liêm đáp:

– Tại hạ để ý đến cô này đã nửa năm. Không hiểu tại sao đêm nào cô cũng lên lầu ngó xuống sông gảy đàn ca hát một lúc rồi lật đật bỏ đi.

Y ngừng lại một chút rồi tiếp:

– Tại hạ bị cái tính cao ngạo của cô này làm cho khiếp sợ. Tiếng ca cầm của cô thê lương làm xúc động lòng người, nên bất giác đối với cô …

Du Hữu Lượng ngắt lời:

– Theo nhận xét của tại hạ thì dường như cô có mối thương tâm.

Hà Liêm đáp:

– Tại hạ làm gì chẳng hiểu cô có hoài bão một mối thương tâm, nhưng thực tình mình không nhịn được rồi đêm nay đánh bạo đến đây, không ngờ chẳng lọt được vào mắt xanh của cô … hà hà!

Y nói đến câu sau cùng bật lên tiếng cười.

Du Hữu Lượng nghe rõ trong tiếng cười của Hà Liêm có ẩn dấu nỗi thất vọng.

Hà Liêm vừa cười vừa đi xuống lầu.

Du Hữu Lượng đảo mắt nhìn ra mặt sông thấy lác đác có đèn lửa, những thuyền nhẹ rẽ sóng chạy trên mặt nước. Chàng vuốt tà áo lại toan xuống lầu thì đột nhiên để mắt nhìn thấy cấy đàn trên án. Chàng tự hỏi:

– Cô kia vội đi bỏ quên cả đàn. Chẳng hiểu cô còn quay lại lấy nữa không?

Chàng không nhịn được ngó lại cây đàn. Chàng thấy trên đàn khắc những chữ nhỏ:

“Ướm hỏi Tiền lang có mạnh chăng? Dù chàng không sao chắc cũng gầy đi nhiều”.

Du Hữu Lượng động tâm vì hàng chữ này tỏ ra khắc cốt ghi tâm. Chàng tưởng chừng mình biến thành Tiền lang, nhưng chàng không dám nghĩ nhiều, trong lòng mang mối u sầu lật đật xuống lầu …

Vừng trăng lơ lửng trên không. Du Hữu Lượng trở về tiểu trấn. Miếu Thanh Không nguy nga đồ sộ hiện ra trước mặt.

Chàng chú ý ngọn tháp nhọn một cái rồi trở gót rẽ qua phía Bắc, miệng lẩm bẩm:

– Từ đây đến rừng trúc phía Bắc thị trấn, hành trình bất quá chưa cháy nén tàn hương đã tới, nhưng ta đi chuyến này chẳng hiểu còn trở về được không?

Lão tóc bạc cảnh cáo chàng không nên đi, chàng không khỏi đâm ra ngần ngại. Chàng trầm ngâm một lúc rồi tự mắng thầm:

– Đồ chó chết! Gặp việc gì cũng nghi ngại thì con làm người thế nào được?

Chàng lại cất bước tiếp tục thượng lộ, chỉ trong khoảnh khắc đã ra đến ngoài rừng trúc.

Du Hữu Lượng đi quanh một vòng trong rừng mà không thấy tông tích người nào. Trong lòng hồi hộp nghĩ thầm:

– Giờ ước hẹn đã qua mà sao y chưa đến?

Đột nhiên phía sau chàng có tiếng hắng dặng …

Du Hữu Lượng kinh hãi ngoảnh đầu nhìn lại thì người áo lam đã đứng sừng sững trước mặt.

Du Hữu Lượng bở vía, trống ngực đánh thình thình, nghĩ thầm:

– Người này đến đứng sau lưng mà mình không hề hay biết. Môn khinh công của hắn thật khó lòng mà tưởng tượng được.

Người áo lam dương mắt lên nhìn Du Hữu Lượng lẳng lặng không nói gì.

Du Hữu Lượng ớn da gà lên tiếng trước:

– Tại hạ tới đây phó ước …

Người áo lam khẽ nói:

– Du tiểu ca quả là người thủ tín.

Du Hữu Lượng sửng sốt hỏi:

– Sao các hạ biết tại hạ họ Du?

Người áo lam đáp:

– Cái đó … Du tiểu ca lừng danh khắp thiên hạ nên lão phu chỉ gặp một lần là biết ngay.

Du Hữu Lượng tự hỏi:

– Mình lừng danh thiên hạ từ hồi nào? Câu này ở đâu mà ra?

Người áo lam dường như tự biết mình vội vã nói lên lời lộ liễu qua. Lão bật tiếng cười khô khan rồi dừng lại. Du Hữu Lượng hỏi:

– Các hạ ước hẹn tại hạ tới đây là có việc gì?

Người áo lam đáp:

– Chẳng có chuyện gì hết. Chỉ vì đêm qua gặp nhau ở miếu Thanh Không, lão phu cảm thấy tiểu ca hợp tính nên mời tới đây để chúng ta cùng nói chuyện suốt đêm cho thỏa.

Du Hữu Lượng nói:

– Được các hạ có lòng đoái tưởng, tại hạ rất lấy làm hân hạnh.

Người áo lam đáp:

– Tiểu huynh đệ đừng quá khiêm nhường nữa. Theo chỗ lão phu biết thì tiểu huynh đệ đã xuống Trường An ứng thí, chắc là học vấn uyên bá …

Du Hữu Lượng thấy đối phương hiểu cả vụ này lại càng hồi hộp. Nhưng ngoài mặt chàng thản nhiên ngắt lời:

– Bàn về văn học, tại hạ rất tầm thường. Có đi khảo thí cũng trông vào khí vận may rủi mà thôi, chẳng bõ làm trò cười cho các hạ.

Người áo lam nói:

– Huynh đệ văn võ kiêm tri thật là hiếm có.

Du Hữu Lượng lại đưa lời khiêm tốn. Chàng nghĩ thầm:

– Chân tướng lão này thế nào chưa chịu nói rõ, cứ lòng vòng hoài. Ta thử lão xem saọ.?

Rồi chàng nói:

– Tại hạ muốn thỉnh giáo cao tính của các hạ liều có được chăng?

Người áo lam đáp:

– Đêm qua ở miếu Thanh Không bao nhiêu người và tiểu huynh đệ đã hỏi câu này rồi kia mà.

Du Hữu Lượng ra chiều sợ hãi hỏi:

– Tại hạ thật đáng chết, mới có một ngày mà đã quên hết cả.

Người áo lam nhìn chòng chọc vào Du Hữu Lượng nghĩ thầm:

– Lâu nay ta chưa gặp đối thủ nào lợi hai như gã này. Gã làm bộ sợ sệt có thể lừa gạt kẻ khác, nhưng đối với ta thì không được …

Lão ngần ngừ một chút rồi đáp:

– Lão phu họ Tả …

Du Hữu Lượng vỗ tay nói:

– Phải rồi! Tả lão tiên sinh! Tại hạ là kẻ kiện vong …

Người áo lam không nói gì. Du Hữu Lượng lại nói tiếp:

– Tại hạ nhớ tới chuyện đêm qua:

Tả lão tiên sinh bị hòa thượng chùa Thiếu Lâm truy vẫn tinh danh gay gắt quá. Lão tiên sinh đã khiến họ câm họng không hỏi được nữa. Thật là diệu ngữ tự trời ban cho …

Người áo lam nói:

– Trí nhớ của huynh đệ hay thế mà vừa rồi sao lại bảo là kiện vong?

Du Hữu Lượng nghẹn họng, biết là mình hý lộng thái quá, vội nói mấy câu nữa để đánh chỗ trống lấp.

Người áo lam đi vào vẫn đề hỏi:

– Tiểu huynh đệ xem nhiều hiểu rộng, chẳng biết có hiểu thứ văn tự này không?

Du Hữu Lượng hỏi:

– Thứ văn tự nào?

Người áo lam rào trước:

– Lão phu không biết rõ nhưng thứ chữ này xiêu vẹo chắc là Phạn văn Du Hữu Lượng suýt bật tiếng la hoảng, nhưng chàng ráng nhẫn nhịn được. Vẻ mặt vẫn như thường chàng hỏi lại:

– Phải chẳng các hạ muốn nói về Phạn văn bên Tây Vực?

Người áo lam gật đầu đáp:

– Nghe nói người ở Tây phương tới đây chắc là thông hiểu Phạn văn.

Du Hữu Lượng kinh hãi nghĩ thầm:

– Lão này đã biết họ ta, lại biết ta từ Tây Vực tới đây, chắc lão hiểu rõ gốc ngọn ta rồi …

Chàng liền nói:

– Tại hạ chỉ biết đôi chút mà thôi.

Người áo lam vỗ tay nói:

– Hay quá! Quả nhiên lão phu đoán không sai.

Du Hữu Lượng làm bộ kinh ngạc hỏi:

– Tả lão tiên sinh cao thâm như vậy, chẳng lẽ còn muốn học Phạn văn?

Lão chưa trả lới, chàng lại gục gặc cái đầu nói tiếp:

– Khó lắm! Khó lắm! Sức tiếp thu của lão nhân gia tương đối yếu kém mà muốn học Phạn văn phải mất mười năm mới thành …

Người áo lam trầm giọng hỏi:

– Ai bảo lão phu muốn học Phạn văn?

Du Hữu Lượng đáp:

– Vậy ý kiến của lão tiên sinh là …

Người áo lam ngần ngừ một lát rồi đáp:

– Lão phu … có một bộ kinh sách bằng Phạn văn, muốn phiền tiểu huynh đệ phiên dịch dùm cho …

Du Hữu Lượng chấn động tâm thần hỏi:

– Kinh sách ư? Tại hạ không hiểu những kinh sách trong thiên hạ có những bộ gì viết bằng Phạn văn.

Người áo lam nghĩ thầm:

– Ngươi đừng hòng ta nói hở cho biết.

Lão liền đáp:

– Đó là … đó là một bộ …

Du Hữu Lượng láo liêng cặp mắt hỏi:

– Kinh Đại Thừa, Kinh Tiểu Thừa? Hay là Kinh Bát Nhã … ?

Người áo lam ngắt lời:

– Đúng đúng! Đúng là Kinh Bát Nhã. Trên đầu cuốn kinh này có chỉ dẫn những việc liên quan đến tham thiền.

Du Hữu Lượng nói:

– Vậy ra tiên sinh đã khu trừ hết tâm trí, quyết ý hướng về Phật pháp, thật là đáng mừng! Dĩ nhiên tại hạ vui lòng hoàn thành việc đó.

Người áo lam đáp:

– Hay lắm! Hay lắm!

Du Hữu Lượng nói:

– Tại hạ kính cẩn có một lời chúc mừng trước Tả tiên sinh chọ thành Phật Pháp, nhưng …

Người áo lam trở giọng hỏi:

– Sao? Phải chăng tiểu huynh đệ muốn dở quẻ?

Du Hữu Lượng lộ vẻ cổ quái hỏi vặn:

– Tại hạ vui lòng phiên dịch. Nhưng lão tiên sinh đã không hiểu Phạn văn thì sao lại biết trong kinh sách đó chỉ dẫn những điều liên quan đến việc tham thiền?

Người áo lam cứng lưỡi mắng thầm:

– Thằng lỏi này quả nhiên cơ trí hơn người.

Lão không biết nói thế nào đành đáp:

– Lão phu đoán vậy mà thôi …

Du Hữu Lượng hỏi:

– Tả lão tiên sinh có đem theo cuốn sách đó trong mình không?

Người áo lam toan trả lời thì đột nhiên có tiếng gió từ mé tả thổi đến. Lão không quay đầu lại quát hỏi ngay:

– Ông bạn nào đã tới đó?

Ngoài rừng trúc một luồng âm thanh trong trẻo cất lên:

– Trong rừng có ai không? Tại hạ đi đường qua đây …

Người áo lam đáp:

– Ông bạn theo đường quanh mà đi?

Thanh âm kia lại hỏi:

– Rừng trúc là nẻo đường tại hạ phải đi qua. Đất này vô chủ chẳng lẽ tại hạ không đi được ư?

Người áo lam dặng hắng một tiếng chưa kịp trả lời, đã nghe tiếng bước chân dẫm lá sột soạt. Một người đi tới trước mặt.

Du Hữu Lượng thấy người mới đến háy còn nhỏ tuổi, hiển nhiên là thiếu niên họ Tiền chàng đã gặp lúc ban ngàỵ. Chàng muốn chạy lại đón tiếp, thì thấy gã thiếu niên họ Tiền dương mắt lên nhìn người áo lam ra chiều sửng sốt.

Người áo lam thấy gã thiếu niên họ Tiền xuất hiện đột ngột cũng run lên. Du Hữu Lượng thấy rõ thái độ hai người ngấm ngầm thấy làm kì. Người thiếu niên họ Tiền lên tiếng trước:

– Thảo nào tại hạ ở ngoài rừng trúc nghe thanh âm rất quen thuộc, té ra các hạ ở đây.

Người áo lam cười khành khạch mấy tiếng. Thiếu niên họ Tiền lại hỏi:

– Sao các hạ không nói gì? Tại hạ là Tiền Kế Nguyên, chẳng lẽ các hạ còn chưa nhận ra?

Người áo lam lại hỏi lại:

– Ngươi tới đây làm chi?

Tiền Kế Nguyên đáp:

– Tại hạ đi ngang qua đây nhưng đã gặp các hạ …

Gã dừng một chút rồi lớn tiếng quát:

– Họ Du kia!

Du Hữu Lượng ngạc nhiên bước lên một bước hỏi:

– Phải chăng huynh đài kêu tại hạ?

Tiền Kế Nguyên lườm chàng một cái rồi lạnh lùng đáp:

– Ai hô hoán ông bạn làm chi?

Du Hữu Lượng lại càng kinh ngạc tự hỏi:

– Tiền Kế Nguyên không gọi mình chẳng lẽ còn người thứ hai nào họ Du?

Bỗng thấy Tiền Kế Nguyên nhìn người áo lam hỏi:

– Họ Du kia! Lão ra khỏi Lạc Anh Tháp từ hồi nào?

Người áo lam nghe nói giật mình. Du Hữu Lượng cũng cực kì kinh hãi, miệng lẩm bẩm:

– Lạc Anh Tháp ư? … Lạc Anh Tháp ư? …

Người áo lam trầm giọng hỏi lại:

– Sao ngươi lại hỏi ta câu này?

Tiền Kế Nguyên đáp:

– Các hạ tưởng đeo mặt nạ và thay đổi y phục là tại hạ không nhân ra được ư? Tấm áo đại hồng …

Người áo lam ngắt lời:

– Tiểu bằng hữu kia nhận lầm người rồi.

Tiền Kế Nguyên dặng hắng một tiếng rồi quay sang nhìn Du Hữu Lượng nói:

– Còn ông bạn này nữa? Sáng nay chúng ta đã gặp nhau. Tiền mỗ không ngờ các vị cùng một phe đảng. Hừ! Một đồng một cốt …

Du Hữu Lượng được nghe nói câu này đến lần thứ hai. Trong lúc nhất thời, chàng tức trào máu lớn tiếng quát:

– Câm miệng đi!

Tiền Kế Nguyên lạnh lùng hỏi:

– Sao? Ông bạn không phục chăng?

Du Hữu Lượng đáp:

– Ngươi chỉ nhắm mắt nói mò.

Tiền Kế Nguyên hỏi:

– Nhắm mắt nói mò không phải chuyện xấu, chỉ cần đừng có lòng dạ đen tối …

Du Hữu Lượng ngắt lời:

– Ông bạn còn bạ đâu nói đây thì tại hạ đành phải …

Tiền Kế Nguyên hỏi:

– Thì các hạ đành phải làm sao?

Du Hữu Lượng đáp:

– Thì tại hạ đành phải cho ông bạn một bài học.

Tiền Kế Nguyên lạnh lùng nói:

– Càng hay! Ông bạn hãy thử đi!

Du Hữu Lượng từ từ giơ tay lên toan đánh xuống thì bên kia người áo lam đột nhiên vung chưởng đánh tới Tiền Kế Nguyên, trong bóng tối chỉ nghe một tiếng vù vang lên. Tiền Kế Nguyên đột nhiên lún người xuống, hạ thấp tay xoay lại chụp ngược lên.

Du Hữu Lượng sửng sốt. Chàng không ngờ người áo lam ra tay đánh lên gã thiếu niên họ Tiền một cách đột ngột.

Người áo lam thu chưởng về. Thân hình lão như quỷ mị xoay đến phía sau Tiền Kế Nguyên nhằm điểm vào lưng gã.

Tiền Kế Nguyên bị tập kích ở phía sau liền khoa chân phải bước lùi lại, ngửa mình lên. Đồng thời gã mượn sức xoay chân phải cho người quay thành một vòng rồi phóng chưởng đánh vào đại huyệt đánh vào trước ngực đối phương.

Gã ra chiêu này bức bách người áo lam phải thu chưởng về để tự cứu.

Du Hữu Lượng đứng bên quan sát không khỏi tự khen thầm. Tiền Kế Nguyên dùng chân xoay mình chưa lấy gì làm lạ. Hay ở chỗ gã phóng chưởng vừa đúng lúc khiến người áo lam đánh lén vô hiệu.

Tiền Kế Nguyên cười lạt hỏi:

– Về trò đánh lén Tiền mỗ đã gặp nhiều lần rồi. Lão còn tái diễn há chẳng uổng công ư?

Người áo lam nói:

– Cái đó chưa chắc!

Dứt lời lão nhảy xổ lại. Vừa nghe tiếng áo lạch phạch, người láo đã tới đứng trước mặt Tiền Kế Nguyên cách không đầy năm thước. Khinh công của lão đến người đứng bên là Du Hữu Lượng cũng không nhìn rõ.

Người áo lam tới gần xoay hai bàn tay đánh tới.

Chiêu thức này nhanh như điện chớp khiến người ta không thể đón đỡ kịp.

Trong lúc cấp bách, Tiền Kế Nguyên vội nhảy lùi ra xa mấy trượng.

Người áo lam vọt mình theo. Phát chưởng của lão thủy chung chỉ cách ngực đối phương chừng ba tấc.

Tiền Kế Nguyên quát lên một tiếng, thân hình biến hóa trong giây phút đến mười năm thức mà vẫn không thoát khỏi phát chưởng của đối phương.

Du Hữu Lượng khiếp sợ toát mồ hôi lạnh, nghĩ thầm:

– Vừa rồi Tiền Kế Nguyên động thủ, mình đã tưởng võ công gã trên đời hiếm có. Không ngờ bản lãnh người áo lam lại càng cao thâm khôn lường. Nếu người áo lam định sát nhân để bịt miệng thì gã thiếu niên họ Tiền kia khó mà thoát được.

Chàng còn đang ngẫm nghĩ thì tình thế trong trường lại biến đổi. Tiền Kế Nguyên thấy khinh công của đối phương thật là đáng sợ, cách né tránh đã thành vô dụng. Giữa lúc nguy hiểm tối hậu, gã không còn thì giờ để suy nghĩ, bỗng gầm lên một tiếng thật to, phóng song chưởng đánh thẳng ra.

Gã bắt buộc phải ra chiêu này để hai bên cùng chết nên đã dùng mười thành công lực.

Bỗng nghe chưởng phong bốn mặt rít lên veo véo cực kỳ kinh hãi.

Tình thế đã rõ rệt. Phát chưởng của người áo lam có thể hạ sát Tiền Kế Nguyên nhưng chính lão gặp sức phản kích của đối phương cũng bị trọng thương.

Trong chớp mắt này, chưởng thức của người áo lam đột nhiên chùn lại.

Binh một tiếng vang lên. Hai chưởng đụng nhau. Tiền Kế Nguyên lộn người đi vọt chênh chếch ra một bên.

Người áo lam công lực ghê gớm! Tiền Kế Nguyên người đang lơ lửng trên không, lão nhả chưởng lực ra nhằm chụp vào đại huyệt của đối phương. Tiền Kế Nguyên lại điểm chân ở không gian chuyển mình đi mấy thước.

Người áo lam bật tiếng cười âm trầm đẩy mạnh chưởng lực. Đột nhiên nghe đánh “véo” một tiếng. Luồng nội lực của người áo lam có thể đập vỡ tan bia đá bỗng giảm đi phân nửa. Tiền Kế Nguyên đang chơi vơi trên không, vẫn bị chưởng phong quét tới. Gã cố gắng vọt mình ra ngoài rừng trúc chạy đi. Người áo lam toan rượt theo, sực nhớ ra điều gì bỗng xoay mình lại.

Dưới ánh trăng, Du Hữu Lượng hai tay chắp để sau lưng vẫn còn đứng đó, sắc mặt thản nhiên như không.

Người áo lam đảo mắt nhìn chàng nghĩ thầm:

– Vừa rồi hiển nhiên có kẻ chọc gậy bánh xe, không thì gã họ Tiền chẳng thể nào thoát được. Kẻ phá đám đó ngoài thằng lỏi này chẳng còn người nào khác nữa. Đáng giận cho gã vẫn giữ bộ mặt điềm nhiên …

Du Hữu Lượng thấy người áo lam đã sinh lòng ngờ vực, chàng vẫn giữ bộ mặt bình tĩnh thủng thẳng bước tới nói:

– Tại hạ may được coi một trận đại chiến trăm năm hiếm có.

Người áo lam dắng hặng một tiếng rồi nói:

– Ta e rằng kẻ đứng bàng quang cũng ngứa nghề đã ra tay …

Du Hữu Lượng làm như chẳng hiểu ý hắn, lần đánh trống lảng:

– Sao lão tiên sinh lại muốn đưa thiếu niên họ Tiền vào đất chết?

Người áo lam đáp:

– Ông bạn khéo nặng lời. Lão phu bất quá nhân lúc cao hứng, bồi tiếp gã mấy chiêu mà thôi.

Du Hữu Lượng nghĩ thầm:

– Hiển nhiên lão này muốn giết Tiền Kế Nguyên để bịt miệng mà bây giờ lão chỉ nói hời hợt mấy câu, đủ biết tâm của lão rất tàn độc. Không hiểu lão có liên quan gì đến gã kia?

Chàng liền nói:

– Vậy ra tại hạ không hiểu mỹ ý của lão tiên sinh. Tại hạ thấy gã động thủ thì toàn thi triển những chiêu liều mạng.

Người áo lam chỉ dắng hặng một tiếng chứ không nói gì.

Du Hữu Lượng lại hỏi:

– Tả lão tiên sinh! Lão tiên sinh phải chăng đúng là họ Tả?

Người áo lam trầm giọng hỏi lại:

– Dĩ nhiên lão phu họ Tả. Tiểu bằng hữu hỏi câu này là có ý gì?

Du Hữu Lượng hững hờ đáp:

– Vừa rồi tại hạ thấy Tiền Kế Nguyên kêu một điều họ Du hai điều họ Du, khiến cho tại hạ đâm ra hồ đồ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.