Dù cho sông cạn đá mòn,
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ.
(Ca Dao VN)
*
**
Chàng lật đật đỡ người nàng, để nàng ngồi trên một tấm ghế dài. Vương Ngữ Yên hai tay run rẩy, cố gắng kéo hai tà áo lại che người, cúi đầu suy nghĩ, một lúc sau mới nói:
-Y không để lộ võ công gia số của mình ra, tôi… tôi thật không biết cách nào đánh bại y được.
Đoàn Dự hỏi:
-Y lợi hại lắm, có phải không?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Mới rồi y cùng anh động thủ, tổng cộng sử dụng đến mười bảy loại võ công khác biệt nhau.
Đoàn Dự ngạc nhiên hỏi lại:
-Cái gì? Chỉ trong bấy nhiêu mà đã sử dụng đến mười bảy loại võ công khác nhau hay sao?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Đúng thế. Y dùng đơn đao cuốn chung quanh anh, đông chém một đao đó là Hàng Ma đao pháp của phái Thiếu Lâm. Khi y bổ ở bên tây xuống một đao, đó là Sài Đao Thập Bát Lộ của ông già họ Lê ở Lê Sơn Động tỉnh Quảng Tây. Khi y vòng trở lại hớt một cái thì đã chuyển qua sử dụng Hồi Phong Phất Liễu Đao của nhà họ Sử đất Giang Nam. Kế đó y chém thêm mười một đao nữa, sử dụng mười một đao pháp khác nhau.
Sau cùng y đảo ngược sống đao, đập lên đầu vai anh một cái, đó là Từ Bi Đao do Tâm Quan hòa thượng của chùa Thiên Đồng ở Ninh Ba sáng tạo, chỉ chế ngự kẻ địch mà không giết. Y kề đao vào cổ anh, đó là chiêu số thuộc Kim Đao của Dương lão lệnh công bản triều khi ra trận bắt sống kẻ địch, là một trong Hậu Sơn Tam Tuyệt Chiêu, vốn dùng cán trường đao nhưng y đổi qua thành đơn đao. Sau cùng y giơ chân đá anh ngã lăn cù, lại là cách đá giật của người Tây Hạ.
Nàng từng chiêu nói ra chẳng khác gì của quí trong nhà, mỗi món lai lịch nguyên ủy đều rành rẽ, còn Đoàn Dự nghe mà chẳng thông chút nào, chỉ giương mắt nhìn, không biết phải làm sao. Vương Ngữ Yên nghiêng đầu suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
-Anh đánh không lại y đâu, nhận thua là hơn.
Đoàn Dự đáp:
-Thì tôi đã chịu thua rồi.
Chàng cao giọng nói vọng xuống:
-Này, ta không cách nào có thể thắng ngươi được, ngươi có chịu bỏ qua hay không?
Gã võ sĩ Tây Hạ cười khẩy:
-Ngươi muốn ta tha chết cho thì cũng chẳng khó, chỉ cần làm theo lời ta dặn thôi.
Đoàn Dự vội hỏi:
-Chuyện gì vậy?
Người kia đáp:
-Từ rày về sau, mỗi khi ngươi gặp ta, lập tức phải nằm mọp xuống, rập đầu lạy ta ba cái lớn tiếng nói: “Xin đại lão gia tha cho cái mạng chó này!”.
Đoàn Dự nghe nói thế nổi xung lên nói:
-Sĩ khả sát nhi bất khả nhục, nếu ngươi bảo ta khấu đầu van xin thì đừng hòng. Ngươi muốn giết thì cứ việc ra tay.
Người kia nói:
-Có thực ngươi không sợ chết hay chăng?
Đoàn Dự đáp:
-Chết thì ai chẳng sợ thế nhưng mỗi khi gặp ngươi lại quì xuống rập đầu thì còn ra trò trống gì nữa?
Gã kia cười khẩy nói:
-Gặp ta quì xuống khấu đầu thì có gì là ép uổng ngươi đâu. Nếu như một ngày nào đó ta lên làm Hoàng Đế Trung Nguyên thì liệu ngươi gặp ta ngươi có quì xuống khấu đầu hay không?
Vương Ngữ Yên nghe y nói “Nếu như một ngày nào đó ta lên làm Hoàng Đế Trung Nguyên”, trong bụng chột dạ nghĩ thầm: “Sao y lại dám nói như thế nhỉ?”. Đoàn Dự đáp:
-Gặp Hoàng Đế phải quì lạy thì lại là chuyện khác. Đó là hành lễ chứ đâu phải là van xin.
Gã võ sĩ Tây Hạ nói:
-Như thế có nghĩa là điều kiện của ta ngươi không chịu đáp ứng, phải không nào?
Đoàn Dự lắc đầu:
-Quả là không phải nhưng không thể nào tuân mệnh được, thôi đành phó mặc trong tay lão huynh.
Gã kia nói:
-Được, ngươi xuống đây để ta một đao giết ngươi.
Đoàn Dự liếc Vương Ngữ Yên, trong lòng hết sức chua xót nói:
-Nếu như ngươi quả muốn giết ta thì cũng đành lòng. Ta chỉ có một điều cầu xin.
Người kia hỏi:
-Điều gì?
Đoàn Dự đáp:
-Vị cô nương này thân trúng kỳ độc, chân tay uể oải không đi lại được, xin ngươi tìm cách đưa cô ta về nhà ở Mạn Đà Sơn Trang trong Thái Hồ.
Gã kia cười ha hả nói:
-Sao ta lại phải tìm cách đưa cô ta về? Chinh Đông Đại Tướng Quân nước Tây Hạ đã ra tướng lệnh, ai bắt được cô nương bác học đa tài này sẽ được thưởng một nghìn lạng hoàng kim, quan phong Vạn Hộ Hầu.
Đoàn Dự nói:
-Thế cũng được! Để ta viết một phong thư, sau khi ngươi đưa cô gái này về nhà rồi, ngươi sẽ mang lá thư này đến nước Đại Lý lấy năm nghìn lạng vàng, lại cũng được phong Vạn Hộ Hầu.
Người kia cưới sằng sặc nói:
-Ngươi tưởng ta là đứa trẻ lên ba hay sao? Ngươi là cái thá gì mà chỉ viết một lá thư mà ta được năm nghìn lượng vàng, quan phong Vạn Hộ Hầu?
Đoàn Dự nghĩ thầm chuyện này quả thực khó có ai tin, không biết làm cách nào, hai tay xoắn vào nhau lẩm bẩm:
-Cái… cái này… cái này… làm sao đây? Ta có chết cũng đành lòng, nếu để tiểu thư lưu lạc nơi đất lạ, rơi vào tay phỉ nhân thì có chết vạn lần cũng không chuộc được.
Vương Ngữ Yên nghe chàng nói thật chân thành, trong lòng không khỏi cảm động lớn tiếng nói với gã Tây Hạ:
-Này, nếu ngươi vô lễ với ta, biểu ca ta sẽ báo thù cho ta, sẽ làm cho nước Tây Hạ một phen long trời lở đất, đến con gà con chó cũng không tha.
Gã kia hỏi lại:
-Thế biểu ca ngươi là ai?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Biểu ca ta là Mộ Dung công tử, tên tuổi lừng lẫy trong võ lâm Trung Nguyên, ắt hẳn ngươi cũng đã nghe qua rồi. Môn “dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân” ngươi cũng biết, ngươi không nể nang ta thì y đối với ngươi còn gấp mười như thế.
Người kia cười khẩy:
-Mộ Dung công tử nếu thấy được ngươi cùng tên mặt trắng này ôm ấp nhau như thế thì lẽ nào lại còn báo thù cho ngươi nữa?
Vương Ngữ Yên mặt đỏ bừng nói:
-Ngươi đừng nói mò, ta và vị Đoàn công tử này không hề… không hề có cái gì…
Nàng nghĩ mình không nên nói nhiều bèn đánh trống lảng hỏi lại:
-Này, quân gia tôn tính đại danh là chi? Liệu có dám cho ta biết được chăng?
Gã võ sĩ Tây Hạ đáp:
-Có gì mà không dám? Bản quan đi không đổi họ, ngồi chẳng đổi tên, chính là Lý Diên Tông nước Tây Hạ đây.
Vương Ngữ Yên nói:
-Ồ, ngươi họ Lý, đó là quốc tính nước Tây Hạ.
Người kia nói:
-Đâu phải chỉ quốc tính mà thôi? Tinh trung báo quốc, nuốt Liêu diệt Tống, tây trừ Thổ Phồn, nam lấy Đại Lý.
Đoàn Dự nói:
-Các hạ chí hướng quả là không nhỏ. Này Lý tướng quân, để ta nói cho mà nghe. Ngươi tinh thông tuyệt nghệ các phái, muốn luyện thành võ công đệ nhất thiên hạ cũng chẳng khó khăn gì. Thế nhưng muốn thôn tính cả thiên hạ thì không phải chỉ cần võ công số một là xong đâu.
Lý Diên Tông hừ một tiếng không trả lời. Vương Ngữ Yên nói:
-Nói đến võ công đứng đầu thiên hạ, chưa chắc ngươi đã làm được đâu.
Lý Diên Tông hỏi:
-Làm sao biết được?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Hiện nay trên đời, cứ như ta biết cũng đã có hai người võ công hơn nhà ngươi xa.
Lý Diên Tông tiến lên một bước, ngẩng đầu lên hỏi dồn:
-Hai người nào?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Người thứ nhất là tiền nhiệm Cái Bang Kiều bang chủ Kiều Phong.
Lý Diên Tông hừ một tiếng nói:
-Tên tuổi có lớn nhưng chắc gì danh với thực đã đi đôi. Thế còn người thứ hai?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Người thứ hai là biểu ca ta, Mộ Dung công tử Mộ Dung Phục đất Giang Nam.
Lý Diên Tông lắc đầu nói:
-Cái đó cũng chưa hẳn. Ngươi xếp hạng Kiều Phong lên trên Mộ Dung Phục là vì công đạo hay vì tư tình?
Vương Ngữ Yên hỏi:
-Thế nào là công đạo, thế nào là tư tình?
Lý Diên Tông đáp:
-Nếu là vì công đạo thì là vì Kiều Phong quả hơn hẳn Mộ Dung Phục, còn như vì tư tình, chính bởi vì Mộ Dung Phục là chỗ bà con với ngươi nên để người ngoài đứng trước.
Vương Ngữ Yên đáp:
-Công hay tư gì thì cũng thế thôi. Ta lúc nào chẳng mong biểu ca thắng được Kiều bang chủ nhưng hiện tại thì chưa.
Lý Diên Tông nói:
-Trước mắt thì vậy nhưng Kiều Phong có giỏi cũng chỉ giỏi một môn phái, còn biểu ca ngươi võ công thiên hạ cái gì cũng biết, tương lai tài nghệ tiến bộ thì sẽ trở thành thiên hạ đệ nhất.
Vương Ngữ Yên thở dài nói:
-Xem ra không được đâu. Nói đến tương lai, võ công đứng đầu thiên hạ phần lớn phải là vị Đoàn công tử này.
Lý Diên Tông ngửa mặt lên cười ha hả nói:
-Ngươi có nói đùa không đó? Gã đồ gàn này bất quá được ngươi chỉ điểm, học được một môn Lăng Ba Vi Bộ, không lẽ cái trò ôm đầu lủi như chuột, rụt đầu rụt cổ như con rùa kia lại dám xưng là võ công đứng đầu thiên hạ hay sao?
Vương Ngữ Yên đã toan cãi: “Công phu Lăng Ba Vi Bộ của anh ta đâu có phải do ta truyền thụ. Anh ta nội lực hùng hồn, căn cơ chắc chắn, không ai bì kịp”. Thế nhưng nàng lại nghĩ ngay: “Người này xem chừng bụng dạ hẹp hòi, nếu ta cứ tình thực nói ra, e rằng thể nào y cũng giết Đoàn công tử. Tốt hơn hết là ta khích y một tiếng”.
Nàng liền nói:
-Nếu như anh ta chịu nghe lời ta chỉ điểm, tập luyện võ công thì chỉ ba năm sau, thắng được Kiều bang chủ thì chưa chắc nhưng để thắng được các hạ thì dễ như trở bàn tay.
Lý Diên Tông nói:
-Hay lắm! Ta tin lời cô nương. Để khỏi lưu lại mầm họa sau này, chi bằng hôm nay một đao giết y là hơn. Đoàn công tử, ngươi xuống đây, ta muốn giết ngươi.
Đoàn Dự vội nói:
-Ta không xuống đâu. Ngươi… ngươi cũng không được lên.
Vương Ngữ Yên có ngờ đâu khéo quá hóa vụng, người này lại không để cho nàng khích bác nên đành cười nhạt nói:
-Thì ra ngươi chột dạ, sợ ba năm nữa anh ta thắng được ngươi.
Lý Diên Tông đáp:
-Ngươi định giở kế khích tướng để cho ta tha y chứ gì? Ha ha, Lý Diên Tông này là hạng người nào mà để bị vào tròng? Muốn ta tha mạng cho y cũng dễ, ta đã nói từ đầu, chỉ cần mỗi khi gặp ta thì phải rập đầu van xin, ta sẽ không giết y.
Vương Ngữ Yên quay sang nhìn Đoàn Dự, cái việc rập đầu xin tha kia anh chàng nhất định không chịu, thế nhưng sự thể ngày hôm nay chỉ đành tìm cái sống trong cái chết liền hạ giọng hỏi nhỏ:
-Đoàn công tử, kiếm khí trên ngón tay anh, lúc thì linh nghiệm, lúc thì không là vì duyên cớ nào?
Đoàn Dự đáp:
-Tôi cũng không biết nữa.
Vương Ngữ Yên nói:
-Tốt hơn hết là anh cố gắng làm sao dùng kiếm khí đâm vào cổ tay y, đoạt trường kiếm của y trước, sau đó ôm chặt lấy y, sử dụng Lục Dương Dung Tuyết Công tiêu trừ công lực.
Đoàn Dự ngạc nhiên:
-Cái gì mà lại Lục Dương Dung Tuyết Công?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Hôm trước ở Mạn Đà Sơn Trang, anh chế phục Nghiêm má má để cứu tôi đã chẳng sử dụng môn thần công đó của họ Đoàn Đại Lý đấy ư?
Đoàn Dự bấy giờ mới vỡ lẽ, hôm đó Vương Ngữ Yên tưởng Bắc Minh Thần Công của chàng là môn mà võ lâm ghét cay ghét đắng Hóa Công Đại Pháp, nhất thời chàng không thể giải thích nên bịa ra nói đó là môn gia truyền của nhà họ Đoàn nước Đại Lý, tên là Lục Dương Dung Tuyết Công. Chàng chỉ nói bừa nên cũng đã quên từ lâu thế nhưng Vương Ngữ Yên thì võ công môn phái nào trong thiên hạ cũng nhớ như in vào lòng, huống chi là môn kỳ công đó trong thiên hạ?
Đoàn Dự gật đầu nghĩ thầm ngoài cách đó ra không còn cách nào khác, thế nhưng pháp môn đó không chắc có dùng được không, xem ra hung đa cát thiểu, bèn sửa lại áo quần nói:
-Vương cô nương, tại hạ vô năng không đủ sức hộ tống cô nương trở về, quả thực hết sức hổ thẹn. Mai nầy cô nương vinh qui bảo phủ rồi, cùng lệnh biểu huynh thành thân, đừng quên nơi gốc cây hoa trà chính tay tại hạ trồng đổ vài chén rượu, coi như cho tôi uống chén hỉ tửu chung vui.
Vương Ngữ Yên nghe chàng chúc mình cùng biểu ca mai này thành hôn, trong lòng hoan hỉ nhưng thấy chàng phải đi ra để cho người ta chém giết như thế này, trong dạ cũng nao nao, buồn bã nói:
-Đoàn công tử, cái ơn cứu mạng của chàng, thiếp còn sống ngày nào quyết chẳng bao giờ dám quên.
Đoàn Dự bụng bảo dạ: “Nếu như tương lai mình ngồi trơ mắt ếch nhìn nàng và Mộ Dung Phục thành thân, lửa ghen đốt ruột đến phát điên cũng sống làm sao nổi, chi bằng hôm nay vì nàng mà bỏ mình thì còn mát ruột hơn”. Nghĩ thế chàng quay lại mỉm cười nhìn nàng, từng bước từng bước xuống thang.
Vương Ngữ Yên nhìn theo lưng chàng nghĩ thầm: “Anh chàng này kể cũng lạ, chết đến nơi vậy mà vẫn còn cười được”. Đoàn Dự xuống thang rồi, quay sang trừng mắt nhìn Lý Diên Tông nói:
-Lý tướng quân, nếu như ngươi không thể không giết ta thì ra tay đi.
Nói xong tiến lên một bước chính là theo Lăng Ba Vi Bộ. Lý Diên Tông vũ động đơn đao, soẹt soẹt soẹt chém liên tiếp ba nhát liền, sử dụng ba loại đao pháp khác nhau. Vương Ngữ Yên cũng không lấy làm lạ, nghĩ bụng trong các loại binh khí thì đao pháp có nhiều gia số nhất, nếu quả là kẻ học rộng biết nhiều sử dụng đến bảy tám chục thế cũng không đến nỗi phải sử dụng một chiêu của bất cứ môn phái nào lần thứ hai. Đoàn Dự bước theo Lăng Ba Vi Bộ rồi thật là huyễn ảo tinh kỳ, Lý Diên Tông muốn dùng đao thế bao vây chàng lại, mấy lần tưởng đã xong ngờ đâu không hiểu cách nào, đối phương đã như ma như quỉ chui lọt ra khỏi vòng.
Vương Ngữ Yên thấy lần này Đoàn Dự có thể dây dưa được lâu như thế cũng có chút hi vọng, chỉ mong chàng đột xuất kỳ binh, từ trong nguy hiểm chuyển bại thành thắng.
Đoàn Dự ngầm vận nội lực, muốn đem chân khí theo năm ngón tay bên phải bắn ra, thế nhưng chẳng hiểu vì sao lần nào cũng vừa đến cánh tay là chựng lại quay trở về. Cũng may là Lăng Ba Vi Bộ chàng đã rất nhuần nhuyễn, sử dụng trơn như nước chảy, Lý Diên Tông ra chiêu nhanh như thế vậy mà vẫn không sao chém trúng được vào người chàng.
Lý Diên Tông chính mắt trông thấy chàng dùng chỉ lực lạ lùng quái dị giết chết những cao thủ Tây Hạ, bây giờ lại thấy chàng đâm ngang chỉ dọc, không biết làm trò trống gì, có biết đâu nội lực chàng không phóng ra được, lại tưởng chàng trước khi sử dụng tà thuật phải vẽ bùa niệm chú gì đây, đến khi hoàn tất mới tung pháp môn ra, trong bụng không khỏi sợ hãi nghĩ thầm: “Gã này ngoài cước pháp kỳ quái, võ công thật là tầm thường nhưng tà thuật của y lợi hại mình phải làm sao giết y trước khi y sử dụng tà pháp mới xong. Thế nhưng đao của ta không chém trúng y được, biết làm sao đây?”.
Y chợt nghĩ ra một cách đột nhiên vòng tay lại đánh ra một chưởng trúng ngay chiếc guồng quay nước, vỡ một mảng gỗ lớn, nhặt ngay lên liệng ngay vào chân Đoàn Dự. Đoàn Dự đang đi nhanh như gió, phiến gỗ kia làm sao trúng nổi, thế nhưng Lý Diên Tông tay đấm chưởng phạt, bao nhiêu đồ đạc khí mãnh trong nhà, luôn cả thúng mủng giỏ tre đều tan nát, liên tiếp ném vào chân đối phương.
Trong nhà máy xay vốn dĩ nằm la liệt những xác chết, lại thêm bao nhiêu đồ đạc vỡ vụn, Đoàn Dự làm sao còn chỗ nào mà bước vào? Lăng Ba Vi Bộ của chàng toàn dựa vào tới lui phiêu dật chẳng khác gì gió lướt trên mặt hồ hoàn toàn không có gì ngăn trở, bây giờ mỗi bước đi ra đều có vật chặn chân lại, nếu không vấp ngã thì cũng dẵm phải thân người, làm sao còn thi triển yếu quyết “nhàn nhã tiêu sái tưởng như cỡi gió mà đi ” được nữa?
Chàng biết rằng mình chỉ chậm lại một chút thì sẽ bỏ mạng ngay nên không nhìn xuống đất, cứ theo phương vị cước pháp đã thuần thục mà đi, đến cả chân cao chân thấp, hay dưới chân có tiếng gì quái lạ, đầu ngón chân đá phải vật gì chàng cũng không coi vào đâu.
Vương Ngữ Yên thấy chàng không ổn kêu lên:
-Đoàn công tử mau mau đi ra ngoài cửa, chạy lấy một mình, nếu ở trong đây đấu với y e rằng khó bảo toàn tính mạng.
Đoàn Dự kêu lên:
-Họ Đoàn này đến chết thì phải đành chịu chứ nếu còn một hơi thở cũng nhất quyết bảo hộ cho cô nương được chu toàn.
Lý Diên Tông cười nhạt nói:
-Nhà ngươi võ công tuy chẳng ra gì nhưng được cái giống đa tình, đối với Vương cô nương quả là tình nghĩa thâm sâu yêu đương nồng thắm.
Đoàn Dự lắc đầu:
-Sai bét rồi, không phải vậy! Vương cô nương là hạng thần tiên còn Đoàn Dự này là kẻ phàm phu tục tử, làm sao lại có thể đàm tình thuyết ái được? Nàng coi trọng ta mới nhờ đưa đi kiếm biểu ca, ta phải làm sao báo đáp cái ơn tri ngộ đó.
Lý Diên Tông nói:
-Ồ, nàng ta đi theo ngươi chẳng qua là để kiếm biểu ca nàng Mộ Dung công tử chứ trong lòng nàng chẳng coi ngươi vào đâu. Nhà ngươi si tâm vọng tưởng như thế có khác gì con cóc muốn ăn thịt ngỗng trời đâu? Ha ha! Ha ha! Cười đến chết được!
Đoàn Dự toàn nhiên không nổi giận, nghiêm mặt nói:
-Ngươi bảo ta là con cóc còn Vương cô nương là thiên nga so sánh thế thật đúng lắm. Có điều ta tuy là con cóc nhưng không phải như những con cóc khác, chỉ mong được nhìn thấy con thiên nga một vài lần cũng thỏa lòng rồi chứ không dám mơ tưởng gì hơn nữa.
Lý Diên Tông nghe chàng nói “ta tuy là con cóc nhưng không phải như những con cóc khác”, thật không sao nhịn nổi cười phá lên. Cũng lạ là y cười to như thế nhưng các bắp thịt trên mặt vẫn trơ trơ không cử động chút nào. Đoàn Dự đã từng thấy thái tử Diên Khánh đến nói năng cũng không mấp máy môi, Lý Diên Tông tuy mặt mày quái đản chàng cũng không ngạc nhiên gì lắm, bèn nói:
-Nói đến mặt mày trơ trơ như đá thì ngươi so với thái tử Diên Khánh còn kém xa, ngươi có xin làm học trò y cũng chưa đáng.
Lý Diên Tông hỏi:
-Thái tử Diên Khánh là ai vậy?
Đoàn Dự đáp:
-Y là cao thủ nước Đại Lý, võ công ngươi chưa bằng được y đâu.
Thực ra võ công người khác cao thấp thế nào chàng làm gì phân biệt được, nghĩ mình chẳng bao lâu nữa sẽ chết dưới tay y nên nói vài câu chê trách bâng quơ cho y tức giận thì cũng tốt. Lý Diên Tông hừ một tiếng nói:
-Võ công ta cao thấp cỡ nào, tên tiểu tử như ngươi làm gì mà biết được?
Y miệng nói nhưng đơn đao trong tay múa lên càng lúc càng thêm gấp gáp. Vương Ngữ Yên thấy Đoàn Dự nghiêng nghiêng ngả ngả, chân thấp chân cao, tình thế cực kỳ nguy ngập kêu lên:
-Đoàn công tử mau ra ngoài cửa đi, muốn cầm chân y thì ở bên ngoài cũng vậy thôi.
Đoàn Dự đáp:
-Cô không cử động được, một mình ở lại nơi đây, tôi không an lòng. Trong này xác chết nhiều quá, thân đàn bà con gái như cô ắt sẽ sợ hãi, để tôi ở đây bầu bạn với cô thì hơn.
Vương Ngữ Yên thở hắt ra nghĩ thầm: “Cái anh chàng ngốc ơi là ngốc, lo cả đến việc ta sợ hay không sợ, lại chẳng lo chính mình chớp mắt đã bỏ mạng rồi”.
Khi đó bước chân Đoàn Dự đụng đâu vấp đó, mấy lần bị lưỡi đao của kẻ địch chém vụt qua đỉnh đầu chỉ cách khoảng chừng một sợi tóc. Chàng sợ đến run lẩy bẩy không ngừng suy nghĩ: “Y mà chém đứt nửa đầu mình thì thật chẳng sung sướng gì. Đại trượng phu khi co khi duỗi, thôi vì Vương cô nương chi bằng mình quì xuống khấu đầu van xin tha mạng cho xong!”. Trong bụng chàng tuy nghĩ thế nhưng không sao nói ra lời được.
Lý Diên Tông cười nhạt:
-Ta xem chừng ngươi sợ lắm rồi, đang định cụp đuôi bỏ chạy chứ gì.
Đoàn Dự đáp:
-Sống chết là chuyện lớn, có ai không sợ? Một khi chết đi mọi việc coi như xong. Ta cũng nghĩ đến việc bỏ chạy nhưng lại không chạy được.
Lý Diên Tông nói:
-Sao thế?
Đoàn Dự nói:
-Có nhiều lời cũng vô ích. Ta đếm từ một tới mười, nếu như ngươi giết ta không được thì đừng có chèo kéo ta thêm nữa. Ngươi không giết nổi ta mà ta cũng không giết được ngươi, hai đứa mình cứ cái trò “Ông Nỉnh ông Ninh, ông Nảng ông Nang…” này mãi có khỏi khiến Vương cô nương đứng xem chán chết đi được hay không?
Chàng không đợi Lý Diên Tông đồng ý hay không há mồm đếm lớn:
-Một, hai, ba…
Lý Diên Tông nói:
-Ngươi giở trò ngốc gì thế?
Đoàn Dự vẫn đếm tiếp:
-Bốn, năm, sáu…
Lý Diên Tông cười nói:
-Sao trên đời này lại có đứa rỗi hơi như ngươi, quả thực hết sức nhục cho cái tiếng con nhà “võ”.
Vù vù vù y chém luôn ba đao, Đoàn Dự cước bộ càng nhanh hơn, miệng đếm lại càng nhanh hơn nữa:
-Bảy, tám, chín, mười, mười một, mười hai, mười ba… A ha, ta đếm tới mười ba rồi mà ngươi vẫn chưa giết được ta, sao còn chưa nhận thua. Ta xem bụng ngươi cũng đói rồi, mồm khô lưỡi đắng, thôi vào thành Vô Tích đến Tùng Hạc Lâu uống vài chén, ăn dăm món sơn trân hải vị, có phải sảng khoái hơn không?
Chàng thấy đối phương chưa chịu ngừng tay nên định dụ y đi uống rượu. Lý Diên Tông nghĩ thầm: “Trong đời ta gặp không biết bao nhiêu đại địch, thật chưa từng người nào giống như gã này. Y nếu nói rằng tinh thì cũng không phải, mà bảo vụng thì cũng không đúng, võ công cao chẳng ra cao, thấp chẳng ra thấp, quả thực trên đời ít gặp. Cứ dây dưa giằng dai với y thế này thực không biết rồi sẽ ra sao? Chỉ sợ mình sơ sẩy một tí bị trúng phải tà thuật của y, hóa ra bỏ mạng nơi đây. Chi bằng ta phải tính mưu trước”.
Y biết Đoàn Dự cực kỳ quan tâm đến Vương Ngữ Yên, đột nhiên ngửng đầu nhìn lên trên gác quát lớn:
-Hay lắm! Hay lắm! Chúng bay mau mau chém chết con bé đó đi, rồi xuống giúp ta.
Đoàn Dự kinh hoảng, lại tưởng có địch nhân thật đã trèo lên gác toan gia hại Vương Ngữ Yên, vội ngửng đầu lên, bước chân chậm đi một chút, Lý Diên Tông đưa chân đá quét ngang chàng liền ngã lăn ra, chân trái y liền chận lên ngực, cương đao kề ngay vào cổ chàng. Đoàn Dự vung tay toan điểm ra, Lý Diên Tông chân hơi nhấn mạnh xuống, lưỡi đao đâm vào cổ chàng mấy phân quát lên:
-Ngươi mà cử động, ta sẽ cắt đầu ngươi ngay.
Lúc này Đoàn Dự thấy trên gác không có người nào nên cũng an tâm cười nói:
-Thì ra ngươi đánh lừa ta, Vương cô nương không có gì nguy hiểm cả.
Chàng lại thở dài nói:
-Tiếc thay! Tiếc thay!
Lý Diên Tông hỏi lại:
-Tiếc cái gì?
Đoàn Dự đáp:
-Ngươi võ công thật giỏi, đúng ra có thể coi là một bậc anh hùng hảo hán, Đoàn Dự này có chết dưới tay ngươi thì cũng đáng đời. Ngờ đâu ngươi lại không dùng võ công để thắng ta mà lại giở trò gian trá, học thói hèn hạ tiểu nhân, Đoàn Dự chết thế có phải oan không?”.
Lý Diên Tông nói:
-Ta xưa nay đâu có để cho người ta nói khích, ngươi chết oan trong lòng không phục thì xuống mà kiện với Diêm Vương!
Vương Ngữ Yên kêu lên:
-Lý tướng quân! Khoan đã.
Lý Diên Tông hỏi:
-Cái gì?
Vương Ngữ Yên nói:
-Nếu ngươi giết anh ta, trừ khi giết luôn ta thì không nói, nếu không thể nào cũng có ngày ta sẽ giết ngươi báo thù cho Đoàn công tử.
Lý Diên Tông ngạc nhiên hỏi:
-Ngươi chẳng bảo là sẽ nhờ biểu ca ngươi đi kiếm ta hay sao?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Biểu ca ta võ công chưa chắc đã giỏi hơn ngươi, nhưng ta cũng có cách giết ngươi được.
Lý Diên Tông cười khinh khỉnh nói:
-Sao ngươi biết?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Võ công ngươi tuy biết rộng thật nhưng cũng chưa bằng nửa ta. Lúc đầu ta thấy đao pháp ngươi phức tạp quả có bội phục thật, nhưng coi độ năm chục chiêu rồi thấy chẳng qua cũng chỉ đến đó, bảo là “Kiềm lô kỹ cùng” thì có hơi khắc bạc nhưng nói trắng ra hiểu biết của ngươi còn kém xa ta.
Lý Diên Tông nói:
-Đao pháp ta sử dụng cho tới lúc này chưa có chiêu nào cùng ở một môn phái, làm sao ngươi biết được là ta hiểu biết kém ngươi xa? Ta còn biết bao nhiêu võ công chưa hiển lộ làm sao ngươi biết?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Mới rồi sau khi ngươi sử dụng chiêu Đại Mạc Phi Sa của phái Ngọc Thụ ở Thanh Hải, Đoàn công tử rảo bước tránh qua, ngươi nếu như sử dụng chiêu thứ mười bảy của Vũ Y Đao phái Thái Ất, rồi sử thế Thanh Phong Từ Lai của phái Linh Phi thì đã đánh ngã được Đoàn công tử rồi chứ việc gì phải sử dụng Hác gia đao pháp hoa hòe hoa sói của đất Sơn Tây? Cũng việc gì phải hành gian sử trá, đánh lừa để cho Đoàn công tử phân tâm mà thủ thắng? Ta xem ra những danh môn đao pháp của Đạo gia ngươi hoàn toàn không biết tí gì.
Lý Diên Tông buột miệng hỏi:
-Danh môn đao pháp của Đạo gia ư?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Đúng thế! Ta đoán ngươi vẫn tưởng đạo gia chỉ tinh thông một môn kiếm pháp, có biết đâu đao pháp của danh môn cương trung hữu nhu là một công phu đáng kể.
Lý Diên Tông cười khẩy:
-Ngươi nói có vẻ tự phụ quá. Nếu quả như thế ngươi đối với gã họ Đoàn này thật là thâm tình đấy nhỉ?
Vương Ngữ Yên hơi đỏ mặt nói:
-Cái gì mà bảo là thâm tình? Ta đối với anh ấy làm gì có cái gì gọi là “tình” đâu, chẳng qua anh ấy vì ta mà bỏ mạng cho nên ta quyết tâm báo thù.
Lý Diên Tông hỏi lại:
-Ngươi nói vậy sau này không hối hận chứ?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Dĩ nhiên là không hối hận.
Lý Diên Tông cười nhạt mấy tiếng, lấy trong túi ra một chiếc bình sứ vứt vào trước mặt Đoàn Dự, soạt một tiếng tra đao vào vỏ, thân hình vụt một cái đã ra tới ngoài cửa. Chỉ nghe tiếng ngựa hí rồi có tiếng vó ngựa cồm cộp, người cưỡi chạy đi mỗi lúc một xa.
Đoàn Dự đứng lên, xoa xoa vết đao hằn trên cổ thấy ngâm ngẩm đau tưởng như mình đang ở trong mộng. Vương Ngữ Yên cũng không sao ngờ được chuyện xảy ra, hai người kẻ ở trên gác, người dưới chân thang nhìn nhau ngơ ngẩn, vừa sung sướng lại vừa kinh ngạc. Một hồi lâu sau Đoàn Dự mới nói:
-Y đi rồi!
Vương Ngữ Yên cũng nhắc lại:
-Y đi rồi!
Đoàn Dự cười:
-Hay thật, hay thật! Y không giết tôi. Vương cô nương, kiến thức võ học của cô hơn y nhiều, y sợ cô đó.
Vương Ngữ Yên đáp:
-Chưa hẳn vậy đâu, y giết anh rồi chỉ một đao là giết luôn tôi, có phải rảnh tay không?
Đoàn Dự gãi đầu:
-Cô nói thế cũng đúng. Thế nhưng… thế nhưng… ồ, y thấy cô đẹp chẳng khác gì tiên trên trời, làm sao dám giết cô?
Vương Ngữ Yên hai má đỏ ửng nghĩ thầm: “Chỉ có thứ đồ gàn như anh mới coi tôi là thần tiên, còn thứ võ quan Tây Hạ lòng lang dạ thú như y thì có coi tôi vào đâu”. Thế nhưng nàng đâu dám nói ra câu đó. Đoàn Dự thấy nàng ra vẻ bẽn lẽn không hiểu vì sao nên nói:
-Tôi đã định dù phải bỏ mạng cũng nhất định bảo vệ cho cô nương được chu toàn, may sao cô nương cũng bình yên mà chính tôi cũng không chết, quả mình thật hên vô kể.
Chàng tiến lên một bước, nghe keng một tiếng, một chiếc bình sứ rơi luôn xuống đất chính là chiếc bình Lý Diên Tông vứt lại trên người chàng. Chàng nhặt lên coi thấy trên bình viết tám chữ: “Bi Tô Thanh Phong, ngửi vào là khỏi”. Đoàn Dự trầm ngâm hỏi:
-Cái gì mà Bi Tô Thanh Phong? Ồ, chắc đây là thuốc giải.
Chàng mở nắp bình ra, một làn hơi thối tha cực kỳ khó ngửi xông ngay vào mũi. Chàng hoa mắt choáng váng, vội vàng đóng nắp bình lại kêu lên:
-Láo toét, láo toét! Thối ơi là thối, thật có khác gì ” bào ngư chi tứ ” đâu.
Vương Ngữ Yên nói:
-Anh cứ đem lên đây tôi ngửi thử, có khi dĩ độc công độc lại hiệu quả không chừng.
Đoàn Dự đáp:
-Vâng!
Chàng liền cầm cái bình lên chỗ Vương Ngữ Yên nói:
-Cái thứ này thối không chịu được, cô có thực sự muốn thử hay không?
Vương Ngữ Yên gật đầu, Đoàn Dự cầm nắp bình nhưng chưa mở vội. Trong một giây phút ngắn ngủi, trong đầu chàng qua lại bao nhiêu ý niệm: “Nếu như thuốc giải này quả là hiệu nghiệm, giải được chất độc trong người nàng thì nàng đâu cần ta giúp đỡ nữa. Tài nghệ nàng gấp trăm lần ta, có cần gì ta đi cùng? Dẫu cho nàng vẫn để cho ta theo không cự tuyệt, lúc gặp ý trung nhân Mộ Dung Phục rồi, chẳng lẽ mình đứng trơ mắt nhìn hai người quấn quít với nhau hay sao? Nghe lỏm hai người nói chuyện yêu đương ư? Đoàn Dự này liệu có giữ bình tĩnh thản nhiên, không nổi cơn tam bành được chăng? Hay là mình rồi cũng mặt mày cau có, buông lời gắt gỏng?”
Vương Ngữ Yên thấy chàng ngẩn ngơ không nói gì cười hỏi:
-Anh nghĩ gì thế? Cứ đưa cho tôi ngửi, tôi không sợ thối đâu.
Đoàn Dự vội đáp:
-Vâng! Vâng!
Chàng mở nắp bình, đưa vào cạnh mũi nàng. Vương Ngữ Yên hít một hơi mạnh, kinh hoảng kêu lên:
-Ôi chao! Quả là thối thật.
Đoàn Dự nói:
-Đúng đó! Tôi đã bảo không dùng được mà.
Chàng đang định bỏ lại chiếc bình vào trong túi, Vương Ngữ Yên bỗng nói:
-Để tôi ngửi thêm lần nữa xem sao.
Đoàn Dự lại đưa chiếc bình vào cho nàng, chính chàng cũng không biết trong bụng mình muốn thuốc giải này có linh nghiệm hay không. Vương Ngữ Yên cau mày đưa tay bịt mũi nói:
-Tôi thà tay chân không cử động được, còn hơn ngửi cái thứ thối đến chết… A! tay… tay tôi cử động được rồi.
Thì ra nàng không để ý đưa tay lên bịt mũi chứ trước đây lấy tay kéo hai vạt áo cũng mất không biết bao nhiêu là hơi sức, bao nhiêu là khó khăn.
Nàng mừng rỡ, cầm chiếc bình trong tay Đoàn Dự, ra sức hít mạnh, biết rằng mùi hôi này cực kỳ hiệu nghiệm nên không còn sợ hãi gì nữa, cố hít thêm mấy lần, chân tay vốn mềm nhũn đã dần dần có sức, quay sang nói với Đoàn Dự:
-Xin anh đi xuống dưới nhà một chút, tôi muốn thay áo.
Đoàn Dự vội đáp:
-Vâng! Vâng!
Chàng hấp tấp xuống thang, nhìn thấy xác chết la liệt khắp nơi, ngoại trừ đôi trai gái nhà quê, tất cả đều do mình hạ thủ, trong lòng cực kỳ bàng hoàng, thấy một tên võ sĩ Tây Hạ mắt vẫn mở trừng trừng, quả đúng là chết không nhắm mắt. Chàng vái một cái thật sâu nói:
-Nếu như ta không giết lão huynh thì lão huynh cũng giết ta, cái xác nằm đây không phải là lão huynh mà là Đoàn Dự. Tại hạ thật cực chẳng đã mới phải làm nhưng trong lòng quả là đau xót, mai sau về đến Đại Lý rồi thể nào cũng mời các cao tăng, tụng kinh siêu độ cho các vị nhân huynh.
Chàng quay sang nhìn xác đôi thanh niên nam nữ, lại quay sang nhìn xác những võ sĩ Tây Hạ nói:
-Người các ngươi định giết là ta, còn người các ngươi muốn bắt là Vương cô nương, cớ sao lại giết hại người vô tội?
Vương Ngữ Yên thay áo xong rồi, cầm chiếc áo ướt đi xuống thang nhưng chân tay vẫn còn uể oải, thấy Đoàn Dự đứng nhìn những xác người nói lảm nhảm cười hỏi:
-Anh nói gì đó?
Đoàn Dự đáp:
-Tôi thấy mình giết bấy nhiêu người trong lòng quả là ái ngại.
Vương Ngữ Yên trầm ngâm nói:
-Đoàn công tử, anh thử nghĩ xem vì lẽ gì gã võ sĩ Tây Hạ họ Lý kia lại cho tôi thuốc giải?
Đoàn Dự ấp úng:
-Cái đó… cái đó… tôi cũng chẳng biết nữa… à… tôi biết rồi. Chắc là y… y…
Chàng liên tiếp mấy chữ “y” mà không dám tiếp: “Y có bụng ái mộ cô rồi!”. Chàng nghĩ bụng một tên võ sĩ Tây Hạ dã man, thô lỗ như thế mà lại bảo là ái mộ nàng thì quả là xúc phạm người đẹp quá hay sao? Nàng xinh đẹp tuyệt trần, cái bụng yêu vẻ đẹp ai mà chẳng có, thế nhưng nếu như ai ai cũng đều say mê nàng cả thì tấm lòng điên đảo của Đoàn Dự này có khác gì đâu? Đoàn Dự với tất cả đàn ông con trai trong thiên hạ cá mè một lứa hay sao? Ôi, cam tâm chịu chết vì nàng thì có gì là không phải? Huống chi ta đã được chết vì nàng đâu? Đoàn Dự nghĩ đến đây bèn nói:
-Tôi… tôi cũng không biết nữa.
Vương Ngữ Yên nói:
-Không chừng lại có thêm một bầy võ sĩ Tây Hạ khác đến, chúng mình nên tức tốc ra đi là hơn. Anh bảo mình đi đâu bây giờ?
Nàng trong bụng dĩ nhiên muốn đi tìm biểu ca, nhưng nghĩ nếu nói trắng ra như thế thì không được ý tứ. Đoàn Dự biết rõ bụng nàng bèn hỏi lại:
-Thế cô muốn đi đâu?
Chàng mở miệng hỏi mà trong lòng xót xa, chỉ đợi nàng trả lời: “Tôi muốn đi tìm biểu ca” là sẽ mặt dày mày dạn nói: “Để tôi đưa cô đi”. Vương Ngữ Yên bẽn lẽn xoay xoay chiếc bình trong tay, ấp úng:
-Cái đó… cái đó…
Một lát sau mới tiếp:
-Các vị anh hùng hảo hán của Cái Bang đều bị trúng độc Bi Tô Thanh Phong, nếu biểu ca tôi có ở đó thể nào cũng lấy giải dược cho họ ngửi. Huống chí A Châu, A Bích e rằng cũng rơi vào tay địch…
Đoàn Dự nhảy nhổm lên kêu lớn:
-Đúng đó! A Châu, A Bích hai vị cô nương bị nạn, chúng mình phải tức tốc tìm cách cứu họ ra ngay.
Vương Ngữ Yên nghĩ thầm: “Việc này quả là nguy hiểm, chỉ bằng tài nghệ hai đứa mình sao dám cứu người trong tay bọn võ sĩ Tây Hạ được? Thế nhưng A Châu, A Bích là hai sứ tì tâm phúc của biểu ca, ta biết họ rơi vào tay địch làm sao lại bỏ đi không đến cứu? Thôi đành là đến đâu hay đó”.
Nàng bèn nói:
-Được rồi! Thế thì mình đi.
Đoàn Dự chỉ các xác chết ngổn ngang trên mặt đất nói:
-Mình nên đem bọn họ chôn cất cho tử tế, xem xét tên tuổi thế nào, mỗi người làm một cái bia mộ để sau này gia đình người ta tìm đến đem cốt về nước còn biết ai với ai.
Vương Ngữ Yên cười khúc khích nói:
-Hay lắm, anh ở lại đây lo liệu tang ma cho họ. Tẫn liệm cho kỹ càng, báo tang, sắp xếp điếu văn, câu đối, cúng kiến đọc kinh, rồi làm cho đủ bảy bảy bốn mươi chín ngày, sau đó đi thông báo cho gia đình thân thuộc đến cải táng.
Đoàn Dự nghe giọng nàng có vẻ diễu cợt, chàng chính mình nghĩ lại xem cũng không xong gượng cười nói:
-Thế theo ý cô nương thì mình phải làm thế nào?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Cho một mồi lửa đốt cháy rụi là xong, có phải hay hơn không?
Đoàn Dự nói:
-Cái đó, ôi, liệu có quá ư giản dị chăng?
Chàng trầm ngâm một lát thấy không có cách nào hơn chỉ còn nước đi tìm đồ đánh lửa, đốt đống rơm rạ sẵn trong nhà máy xay. Hai người đi ra đến ngoài chẳng mấy chốc đã thấy lửa bùng lên, lem lém cháy.
Đoàn Dự cung kính quì xuống rập đầu khấn:
-Sắc thân vô thường không thể giữ được mãi mãi. Các vị nhân huynh hôm nay chết dưới tay tại hạ, âu cũng là nghiệp báo kiếp trước, mong rằng hồn về cực lạc vĩnh viễn thoát được cái kiếp luân hồi. Xin đừng trách ta!
Chàng lầm rầm xuýt xoa thêm một hồi nữa mới chịu đứng lên. Bên ngoài nhà máy xay lúa có mươi con ngựa buộc dưới gốc cây, chính là của bọn võ sĩ Tây Hạ cưỡi đến, Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên mỗi người cưỡi một con theo đại lộ mà chạy. Nghe văng vẳng có tiếng thanh la beng beng, tiếng người lao xao chính là nông dân bốn bề chung quanh chạy đến chữa lửa.
Đoàn Dự nói:
-Một cái nhà máy xay lúa to lớn thế vì tôi mà cháy tiêu, trong lòng tôi quả là áy náy không sao chịu nổi.
Vương Ngữ Yên đáp:
-Sao anh nói những lời mềm yếu như đàn bà vậy? Mẫu thân tôi tuy là bậc nữ lưu nhưng hành sự việc gì rõ ràng đâu ra đấy, nói làm là làm, anh là nam tử hán đại trượng phu nhưng cái gì cũng dùng dằng đủ thứ qui củ.
Đoàn Dự nghĩ thầm: “Mẹ cô động một tí là giết người, lấy thịt bón hoa, so sánh với tôi làm sao được?”. Chàng bèn nói:
-Tôi lần đầu giết nhiều người như thế, lại nổi lửa đốt nhà không khỏi bồn chồn hoảng hốt.
Vương Ngữ Yên gật đầu:
-Ừ, bây giờ thì thế chứ dần dà quen đi không còn thấy gớm tay nữa.
Đoàn Dự kinh hoảng, xua tay liên tiếp nói:
-Không thể nào được, không thể nào được! Nhất chi vị thậm, kỳ khả tái hồ? Việc sát nhân phóng hỏa không thể nào làm lần thứ hai được.
Vương Ngữ Yên đang cưỡi ngựa chạy song song với Đoàn Dự quay đầu qua nhìn chàng thấy thật kỳ lạ nói:
-Trên chốn giang hồ việc giết người đốt nhà có ngày nào không có? Đoàn công tử, từ nay trở đi anh định rửa tay không nhúng tay vào chuyện giang hồ nữa chăng?
Đoàn Dự đáp:
-Bá phụ và gia gia tôi muốn dạy tôi học võ tôi nhất quyết không học, vậy mà chuyện đến nơi rồi cũng bắt buộc phải làm. Ôi! Tôi thật chẳng biết phải làm sao cho phải?
Vương Ngữ Yên mỉm cười nói:
-Thế chí hướng của anh chắc là đi học làm quan mai này trở thành Học Sĩ, Tể Tướng hay chăng?
Đoàn Dự đáp:
-Cũng không hẳn thế, làm quan cũng chẳng có gì thú vị.
Vương Ngữ Yên nói:
-Thế thì anh muốn làm gì? Không lẽ anh cũng giống như biểu ca tôi lúc nào cũng chỉ mơ làm hoàng đế?
Đoàn Dự ngạc nhiên hỏi lại:
-Mộ Dung công tử muốn làm vua ư?
Vương Ngữ Yên mặt đỏ lên vì vô ý để lộ bí mật của biểu ca. Từ khi trải qua việc nơi máy xay lúa, hai người tử lý đào sinh, cùng chung hoạn nạn, thấy tính tình chàng bình dị dễ thân cận, trước mặt chàng nói chuyện gì cũng được thế nhưng đại chí của Mộ Dung Phục nhất tâm nhất ý khôi phục nước Yên cũng không nên tiết lộ ra. Nàng bèn nói:
-Đó là tôi buột miệng nói ra, anh đừng nói với ai nhé, nhất là trước mặt biểu ca tôi thì lại càng phải tránh nếu không anh ấy sẽ giận tôi đến chết được.
Đoàn Dự trong lòng chua xót nghĩ thầm: “Cô việc gì phải hốt hoảng thế, nếu biểu ca cô trách cứ thì cứ mặc hắn ta đã sao nào!”. Tuy thế miệng chàng vẫn đáp lời:
-Được rồi! Tôi chẳng lý gì đến chuyện của biểu ca cô nữa đâu. Y làm hoàng đế cũng vậy mà làm ăn mày tôi cũng mặc kệ.
Vương Ngữ Yên mặt lại đỏ lên, nghe chàng có vẻ không vui nhỏ nhẹ nói:
-Đoàn công tử, anh giận tôi đấy ư?
Đoàn Dự từ khi biết nàng tới giờ thấy trong lòng nàng chỉ nghĩ đến ông anh họ, miệng nói ra cũng chỉ toàn về y, lúc nào cũng là Mộ Dung công tử, bây giờ mới là lần đầu ôn tồn nhỏ nhẹ nói tới mình không khỏi vui như mở cờ trong bụng tưởng chừng từ trên yên ngựa rơi lọt xuống đất vội vàng ngồi lại cho vững cười nói:
-Không đâu! Không đâu! Tôi có gì mà giận? Vương cô nương, tôi xin mãn kiếp mãn đời sẽ không bao giờ giận cô cả.
Vương Ngữ Yên bao nhiêu tình ý đều dành cho biểu ca, Đoàn Dự tuy xả thân cứu mình không kể sống chết nàng cũng chỉ cảm kích ân đức, bội phục tấm lòng hào hiệp của chàng, lúc này nghe Đoàn Dự nói “tôi mãn kiếp mãn đời sẽ không bao giờ giận cô cả”, tuy thật là thành khẩn nhưng cũng tưởng như thề nguyền bấy giờ mới chợt tỉnh: “Anh ta… anh ta… định tỏ tình với mình hay chăng?”. Nàng mặt đỏ bừng thẹn thùng, chậm rãi cúi đầu xuống nhỏ nhẹ nói:
-Anh không giận tôi, thế thì hay lắm!
Đoàn Dự trong lòng sung sướng, không biết phải nói gì đây, một hồi sau mới nói:
-Tôi thật chẳng mong ước gì hơn, chỉ cầu được mãi mãi như thế này là thỏa lòng thỏa dạ.
Chàng nói đến “mãi mãi như thế này” có nghĩa là cùng nàng hai người cưỡi ngựa chạy song song. Vương Ngữ Yên không thích chàng đề cập đến chuyện này nữa, khuôn mặt đang vui vẻ bỗng sầm xuống, nghiêm nghị nói:
-Đoàn công tử, đại đức cứu mạng hôm nay, tiện thiếp vĩnh viễn chẳng dám quên. Thế nhưng lòng tôi… lòng tôi sớm thuộc về người khác rồi, chỉ mong công tử nói năng giữ ý để sau này còn có cơ gặp lại.
Mấy câu nói đó thật chẳng khác gì một gậy nện mạnh vào ngực khiến cho Đoàn Dự mắt nổ đom đóm, tưởng như muốn ngất xỉu đến nơi. Lời nàng quả thật rõ ràng: “Lòng tôi đã thuộc Mộ Dung công tử rồi, từ nay trở đi, anh không được mở lời tán tỉnh gì nữa, nếu không tôi sẽ không gặp anh nữa đâu. Anh đừng tưởng vì có ơn với tôi mà tơ tưởng hão huyền”.
Không có những lời đó Đoàn Dự cũng đã biết tâm sự nàng rồi, thế nhưng nay chính miệng nàng nói ra, lọt vào tai quả thật đau lòng không sao kể xiết. Chàng len lén liếc xem vẻ mặt Vương Ngữ Yên, thấy nàng đầy vẻ đoan trang, không khác thạch tượng trong động ở Đại Lý chút nào, chàng linh cảm được đại họa sắp giáng xuống đầu mình nên bụng bảo dạ: “Đoàn Dự ơi là Đoàn Dự, ngươi gặp cô nương này nhưng trong lòng nàng đã sớm thuộc về người khác, kiếp này ngươi sẽ phải chịu biết bao dày vò cay đắng, khổ không đâu kể xiết”.
Hai người lặng lẽ chạy song song, không ai nói thêm câu nào nữa.
Vương Ngữ Yên nghĩ thầm: “Chắc là anh chàng ta bực bội lắm, chi bằng mình cứ giả vờ như không biết là hơn. Nếu lần này mình xin lỗi, về sau thể nào cũng lại mở lời ong bướm, ví như vào tai biểu ca thì anh ta sẽ khó chịu”. Còn Đoàn Dự thì bụng bảo dạ: “Nếu như ta còn nói thêm câu nào thổ lộ tâm sự nữa có khác gì kẻ khinh bạc vô lại, bất kính với nàng hay sao? Từ giờ trở đi, Đoàn Dự này dù có chết cũng không buông lời sàm sỡ nữa”.
Vương Ngữ Yên lại nghĩ bụng: “Anh ta chẳng nói lời nào cứ phóng ngựa mà chạy, chắc là đã biết đường đi cứu A Châu, A Bích rồi”. Đoàn Dự lại cũng nghĩ như thế: “Nàng ta chẳng nói lời nào cứ phóng ngựa mà chạy, chắc là đã biết đường đi cứu A Châu, A Bích rồi”.
Chạy chừng một bữa ăn đến một ngã ba, hai người không hẹn mà cùng hỏi nhau:
-Đi qua trái hay qua phải?
Hai người đưa mắt dò hỏi lại cùng hỏi tiếp:
-Không biết đường sao? Tôi lại tưởng đằng ấy biết.
Câu nói ra rồi, cả hai cùng thấy thật thú vị bật cười, bao nhiêu không khí nặng nề tự nhiêu tiêu tán cả. Thế nhưng cả hai đều không hiểu gì chuyện trên chốn giang hồ, bàn tán một lúc cũng không biết phải đi hướng nào để cứu người. Sau cùng Đoàn Dự nói:
-Bọn chúng bắt được một số đông bang chúng Cái Bang, dù chém giết hay giam giữ thì cũng có dấu vết, chúng mình quay về khu rừng hạnh xem xét rồi tính sau.
Vương Ngữ Yên hỏi:
-Quay lại khu rừng hạnh ư? Nếu như bọn võ sĩ Tây Hạ còn ở đâu đó thì có khác gì mình chui đầu vào rọ?
Đoàn Dự đáp:
-Tôi nghĩ sau cơn mưa to như thế chắc bọn chúng bỏ đi rồi. Thôi cô ở bên ngoài đợi, tôi len lén vào trong coi thử, nếu địch nhân còn trong đó thì mình lập tức bỏ chạy ngay.
Hai người rắp tâm rằng Đoàn Dự sẽ thi triển Lăng Ba Vi Bộ chạy tới cho A Châu, A Bích ngửi chiếc bình đựng xú dược kia, giải độc xong rồi sẽ tìm cách cứu họ. Sau khi nhận định phương hướng kỹ càng, hai người liền giục ngựa chạy tới, chẳng mấy chốc đã đến bên ngoài bìa rừng. Cả hai xuống ngựa, buộc vào một cây hạnh, Đoàn Dự cầm chiếc bình rón rén đi vào trong rừng.
Trong rừng đầy bùn đất, trên ngọn cỏ còn sũng nước. Đoàn Dự đưa mắt nhìn quanh bốn bề, không thấy một bóng người, kêu lên:
-Vương cô nương, ở đây không có ai cả.
Vương Ngữ Yên chạy vào rừng nói:
-Bọn chúng quả nhiên đi mất rồi. Thôi mình vào thành Vô Tích thám thính xem sao.
Đoàn Dự đáp:
-Phải lắm!
Chàng nghĩ đến việc lại được cùng nàng cưỡi ngựa song song đi thêm một quãng nữa, tong lòng cực kỳ hoan hỉ, vẻ mặt không dấu được nỗi vui mừng. Vương Ngữ Yên lạ lùng hỏi:
-Tôi nói sai chăng?
Đoàn Dự vội đáp:
-Đâu có. Chúng mình về thành Vô Tích đi thôi.
Vương Ngữ Yên nói:
-Thế thì có gì đáng cười đâu?
Đoàn Dự quay đầu sang hướng khác, không dám nhìn thẳng vào mặt nàng mỉm cười nói:
-Tôi thỉnh thoảng hay cười ngây ngô, cô đừng để ý làm gì.
Vương Ngữ Yên nghe thế thật tức cười khúc khích bật lên mấy tiếng, Đoàn Dự cũng không nhịn được nữa, cười ha hả.
4 phiêu hành tự tại, hữu như ngự phong
5 tài nghệ của con lừa ở đất Kiềm chỉ tới bấy nhiêu: đoản văn của Liễu Tông Nguyên kể chuyện con hổ lần đầu trông thấy con lừa sợ lắm nhưng dần dà chỉ thấy con lừa biết mỗi một cách đá hậu nên nhảy vào ăn thịt, ý chỉ tài nghệ quanh đi quẩn lại chỉ có thế mà thôi
6 tiệm bán cá khô (Luận Ngữ) Chúng tôi để nguyên văn cho hợp với giọng một anh đồ gàn hay nói chữ.
7 Một lần đã quá, lẽ đâu còn tái phạm (Tả Truyện)