Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 89 - Đêm (4)

trước
tiếp

Sự thật đã chứng minh, năng suất của đại sứ Nhật Bản còn nhanh hơn cả tàu tuần dương của bọn họ. Ngày thứ hai sau khi Tạ Trạch Ích rời đi, cô bắt đầu làm hướng dẫn mô tả bản vẽ “nồi hơi”, nhốt mình ở viện nghiên cứu suốt một đêm, đến ngày thứ ba thì bản vẽ nháp đã được hoàn thành sơ bộ. Lúc mọi người đang kiểm tra tính toán giá trị bức xạ và khối lượng tối thiểu thì đến ngày thứ năm, than chì tinh khiết cần có đã được vận chuyển đến Thượng Hải qua đường biển, đưa tới nhà máy hóa chất tạm thời ở phía bắc lãnh sự quán để xử lý gạch than chì. Rồi đến ngày tiếp theo, cadimi lỏng, que cadimi và máy tính toán lượng chiếu xạ cũng được một nhóm vệ binh Nhật Bản, đại diện chính phủ Nam Kinh bí mật đưa đến.

Cuối cùng “nồi hơi” được quyết định sẽ xây dựng ở giữa sân cỏ. Vào một tuần trước khi dựng nồi hơi, giữa sân nhanh chóng dựng lên lều thí nghiệm đơn sơ, còn sàn thí nghiệm được lắp ráp trong lều thí nghiệm.

Phòng thí nghiệm INFT vốn là trường Công giáo được giáo hội Anh chuẩn bị từ năm ngoái. Đến cuối năm 1928 khi trường học sắp xây xong thì đột nhiên lại nhận được tin dữ: bắt đầu từ năm 1929 trở đi, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng của tất cả các trường đại học không được là người phương Tây.

Trường vừa xây xong, cha xứ lại không tìm được người Trung Quốc đảm nhiệm chức hiệu trưởng. Cũng không thể chắp tay nhường tâm huyết chuẩn bị nhiều năm cho người khác được, đúng lúc này hội Hoàng gia cùng bộ trưởng bộ giáo dục thỏa thuận xây dựng viện nghiên cứu vật lý hóa học ở tô giới công cộng. Sau khi bàn bạc, bọn họ quyết định lấy danh nghĩa của giáo hội thiên chúa Anh nửa tặng nửa bán cho hội Hoàng gia. Về sau thì tòa nhà dạy học trở thành nhà nghiên cứu, còn sân cỏ trở thành nơi xây dựng lò phản ứng.

Việc chuyển từ trường Công giáo sang viện nghiên cứu diễn ra khá suôn sẻ, cũng vì thế nên việc mời một số giáo sư nổi tiếng thế giới đến tô giới không làm người khác quá chú ý. Có lẽ đất nước ông ta từng có tham vọng, nhưng ngại tô giới công cộng thuộc về “không gian quyền lợi cường quốc” nên cũng không dám trắng trợn lăm le như Nhật Bản.

Một thời gian dài trước khi người Nhật đến, tuy viện nghiên cứu “bị ngấp nghé” nhưng vẫn ở trong “vùng an toàn”, và cũng có một vị hội trưởng hội Hoàng gia đang tích cực đấu tranh dành nhiều lợi ích hơn cho viện nghiên cứu. Anh và Nam Kinh vẫn đang trong giai đoạn đàm phán lợi ích, nhưng giờ đột nhiên Nhật Bản chen một chân vào, chỉ trong chớp mắt mọi quan hệ lợi ích bỗng đạt được một cách suôn sẻ, không biết có được xem trong họa có phúc không.

Trừ bí mật đưa tài liệu cho viện nghiên cứu ra, đột nhiên bên ngoài nổi lên ầm ĩ chuyện Nhật Bản quyên góp cho ngành công nghiệp, thương nghiệp và giáo dục của Trung Quốc như thế nào Mọi tờ báo lớn nhỏ đều có tiêu đề như “Thiên hoàng Hirohito coi trọng nghiên cứu khoa học như thế nào”, “Nhật Bản và chính phủ Nam Kinh thương lượng, chuẩn bị bỏ vốn thành lập ủy ban tài nguyên Trung Quốc, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa ở Trung Quốc như thế nào” “Thiên hoàng đã cố gắng giúp đỡ người bạn cũ Đông Á như thế nào”, và cả những câu từ nịnh bợ Nhật như “Tình hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản”, “Trung Quốc và Nhật Bản sẽ bắt tay hợp tác”.

Tuy phản ứng nhanh và phản ứng chậm hỗ trợ cho nhau, số liệu của phản ứng chậm sau này cũng có thể được áp dụng vào phản ứng nhanh, song chỉ trong vòng một ngày, tất cả mọi người không thể không sửa đổi hướng nghiên cứu, có không ít người vẫn rất căm phẫn vì chuyện này. Nhất là sau khi tổng hội thương mại Thượng Hải và đội vệ binh Nhật Bản đích thân đưa các tài liệu đến, rồi mấy tờ báo nịnh bợ Nhật Bản trong hai ngày qua, có không ít nhà nghiên cứu ngày trước không hiểu rõ về Trung Quốc lắm cũng nhiều ít biết được bản chất “dân tộc yếu đuối” này, khiến cô không ít lần bị nhìn với ánh mắt lạnh lùng thù địch.

Không biết có phải người cố ý thổi phồng sức mạnh của Nhật Bản không. Dưới sự khuếch đại đấy, rất nhiều tờ báo trong và ngoài nước liên tục hoài nghi về độ tin cậy của nghiên cứu của “Khám phá neutron” về khả năng nghiên cứu khoa học của người Trung và đất nước này. Một vài tờ báo tiếng Anh nổi tiếng không hẹn mà cùng dự đoán giải thưởng Nobel Vật lý năm nay sẽ rơi vào tay nhà vật lý người Pháp với phát hiện về lý thuyết sóng điện tử.

Advertisement / Quảng cáo(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Bohr tạm thời không giải thích gì thêm với các thành viên. Trên thực tế, chính ông cũng bận đến mức sứt đầu bể trán. Ông không phải là người chuyển kiếp, không thể như Lâm Trí chỉ trong vòng mấy ngày có thể nhanh chóng hiểu hết và cũng tiếp nhận một lượng lớn tin tức, rồi còn có thể truyền đạt tất cả lượng thông tin đó đến các thành viên. Lúc ông đang vật lộn để hiểu được nó, hầu hết các thành viên cũng chỉ theo bản năng nhận lệnh tính toán, làm hết phần này sang phần khác, không có nhiều thời gian để suy nghĩ.

Còn có một nguyên nhân khác nữa: dù ông có nhận được điện báo bảo mật cấp cao mới, nhưng ngày nào còn ở trong tầm mắt của người Nhật thì ngày đó ông không thể phát tán tin tức có lợi cho cô, còn cô thì vẫn bị các thành viên hiểu lầm.

Duy nhất một việc khiến cô vui vẻ đó là, gần như đã có nguồn thông tin được xác nhận, Từ Thiếu Khiêm sẽ giành Huy chương vàng Elizabeth năm nay với luận văn “Sự tồn tại của sao đặc”. Trong thời đại mà thiên văn học không đủ điều kiện nhận giải thưởng Nobel, thì Huy chương vàng Elizabeth chính là vinh dự lớn nhất của một nhà thiên văn học có thể có được trong đời. Nó không chỉ mang lại danh tiếng lớn cho mọi dự án tiếp theo của người đó, mà còn gián tiếp thừa nhận độ tin cậy của bài viết “Sự tồn tại của nơtron” trước đó.

Đây là lần đầu tiên từ sau khi rời khỏi đôi cánh của Từ Thiếu Khiêm, cô cảm nhận được rất rõ sự miệt thị và xem thường giữa nhà khoa học nam và nữ trong thời đại nam quyền này. Dù năng lực của cô có sức thuyết phục đến đâu thì cũng vô dụng, vì cô vẫn không thể làm chủ được trong phạm vi nhỏ. Còn nếu có người ra mặt vì cô, ví dụ như Oppenheimer hay Bohr thì lại bị người ngoài chỉ trỏ đối xử có thành kiến.

Điều làm cô khổ sở nhất đó là mỗi khi các thành viên nhắc đến “Trung Quốc”, trên mặt Oppenheimer ngày càng không che giấu sự thất vọng và xem thường về quốc gia này. Mỗi lần thấy anh, dù không nói nhưng cô vẫn có thể cảm nhận được trên mặt anh viết rõ: nỗ lực chúng ta bỏ ra sẽ không được báo đáp. Sau sáu tuần, dù Nhật Bản có rút lui hay không, thì ngày nào còn có chính phủ của cô thì nghiên cứu của chúng ta mãi mãi là thứ nằm trong túi người khác.

Cuối cùng mâu thuẫn cũng bùng nổ.

Một ngày nào đó khi cô đang nằm chợp mắt trên sàn thí nghiệm, Bohr ở dưới gọi một tiếng làm cô giật mình choàng tỉnh, thấy ông nghiêm mặt đứng bên dưới, ngoắc tay với cô: “Lại đây, Oppenheimer và tôi muốn nói chuyện với em một lúc.”

Cô mơ màng đi theo. Hai người băng qua sân cỏ, quay về tòa nhà thí nghiệm, vừa lên tầng hai thì cửa phòng giám sát mở ra, có người dè dặt vẫy tay ra hiệu hai người nhanh chóng đi vào.

Bohr và cô một trước một sau đi vào phòng giám sát, cửa lập tức khép lại. Có hai thiết bị giám sát đối lập nhau ở trong phòng. Lúc này đang là lúc giao ban thay ca, nên trong phòng ngoài mấy người phụ nữ da trắng ra thì chỉ có Fermi và Oppenheimer bên cửa sổ.

Thậm chí cô còn chưa kịp chào hỏi câu với Fermi đã lâu không gặp, vừa thấy hai người đi vào, Oppenheimer đang dựa vào cửa sổ không vui nheo mắt lại, hỏi thẳng: “Vậy có nghĩa phản ứng chậm có thể chữa cháy được nhất thời. Nhưng sau đó thì sao? Phía Nhật đến chuyến này đã khiến chúng ta bại lộ, sau này thí nghiệm sẽ làm thế nào đây?”

Cô nhìn Bohr rồi trả lời: “Tất cả mọi người ‘giải tán’, trở về nơi cần về.” Cô cố ý nhấn mạnh vào hai chữ “giải tán”, để mọi người biết “giải tán” này không phải là giải tán theo nghĩa đen.

Oppenheimer bật cười ha hả, sau đó lại hỏi: “Giải tán đi đâu? Ai ủng hộ?” Nói đoạn, anh ta cũng chẳng thèm nhìn Sở Vọng, lôi ra mấy tờ báo gần đây, trực tiếp vặn hỏi Bohr và Fermi: “Đi theo Trung Quốc thân Nhật, nghiên cứu của chúng ta mãi là thứ đồ của người khác, chẳng lẽ không đúng? Trung Quốc không có điều kiện để thực hiện nghiên cứu này. Dù là tương lai, nhân lực hay trình độ an toàn. Rõ ràng có nhiều quốc gia có điều kiện nghiên cứu tốt hơn, vì sao cứ phải đến ở cái mảnh đất không có hy vọng này làm gì!”

Mỗi một câu nói của anh ta đủ đâm thẳng vào tim cô. Nhưng bây giờ, cô không thể nói với anh ta là: dù thành quả nghiên cứu lọt vào tay Nhật Bản thì cũng có cơ hội khiến bên đó thiệt nhiều hơn được.

Cô không thể nói trước với anh ta là chín năm sau Nhật Bản sẽ xâm lược Trung Quốc, đương nhiên càng không thể nói cho anh ta biết tính toán ‘độc ác’ liên quan đến rò rỉ hạt nhân.

Nhưng lúc này, Bohr lại nói: “Vậy cậu cho rằng ở đâu thích hợp hơn?”

“Canada, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, hoặc là Đức hay Cộng hòa Séc … Có nước giàu có, có nước rộng lớn, có nước đã khám phá đủ uranium và có quân bị đầy đủ. Trên thế giới này có rất nhiều nơi, mà mỗi một nơi đều có điều kiện tốt hơn nhiều so với Trung Quốc!”

Bohr nhìn anh ta chằm chặp, hỏi: “Vậy cậu nói cho tôi biết, đưa nghiên cứu này đến những quốc gia mà cậu nói là có điều kiện đó, đến khi thành công, cậu có cách gì đảm bảo bọn họ sẽ không sử dụng nó không?”

Oppenheimer im lặng.

“Có thể cậu sẽ thổi phồng đức tính tốt của vài quốc gia. Nhưng có lẽ cậu đã quên, với những kẻ cầm quyền thì trong mắt bọn họ chỉ có mở rộng lãnh thổ và lợi ích quốc gia. Năm 1731, người Anh đã đối xử trước Anh-điêng ngoan cố chống cự thế nào, đã làm gì để dù không chiến mà vẫn thắng? Lúc xảy ra chiến tranh thế giới, Đức đã phái điệp viên rải khuẩn bệnh than đến quân Đồng minh thế nào? Cậu có dám đảm bảo trong điều kiện có quân bị mạnh mẽ, sau khi có được ‘nó’, những kẻ cầm quyền sẽ không vì ham muốn cá nhân mà đưa ra quyết sách trái với tiến bộ nhân loại không? Cậu có hiểu ý tôi không? Sử dụng ‘nó’ tuyệt đối không phải là mục đích dự tính ban đầu của chúng ta khi tiến hành nghiên cứu.”

Anh ta lắc đầu, “Nếu bí mật về ‘nó’ không bị tiết lộ, thì Nam Kinh sẽ không ý thức được tính thiệt hơn trong đó, như vậy chúng ta cũng không thể chắc chắn cuối cùng Nam Kinh sẽ đứng trên lập trường của ai. Đến lúc đó, bọn họ sẽ lấy danh nghĩa gì để ‘đuổi việc’ chúng ta, và đuổi đi đâu?”

Thấy Oppenheimer vẫn chưa hiểu, Fermi cười trấn an, nói: “Rutherford đã đến Giang Tây, lấy danh nghĩa Giang Tây mời Pháp liên hệ với học viện Vật lý và Hóa học, mời nhóm địa chất ưu tú nhất của học viện và cả Cambridge đến. Nhóm đầu tiên đã cập bờ từ biển Đông, nhóm thứ hai cũng sắp đến rồi.” Sau đó lại vỗ vai anh ta, “Chờ thêm chút nữa đi.”

Anh ta buông tay: “Vậy chúng ta đành đi một bước nhìn một bước, nếu thực sự không được thì sẽ bị đuổi việc?”

Cô nhếch môi, thốt ra câu an ủi rất không thích hợp: “Oppenheimer à, sẽ không đâu.”

Anh ta nhướn mày, chất vấn: “Sao cô biết sẽ không?”

Cô chớp mắt: “Tin tôi đi, chắc chắn sẽ không. Lò phản ứng chậm có cám dỗ rất lớn với Nhật Bản. Chỉ cần bọn họ muốn thành quả của lò phản ứng chậm, thì chúng ta chắc chắn sẽ có điều kiện tiến hành nghiên cứu tiếp.”

Cô vừa dứt lời, đến cả Fermi cũng không hiểu: “Vì sao cô lại tự tin người Nhật sẽ giữ cam kết như vậy?”

Advertisement / Quảng cáo(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Fermi tưởng cô tin rằng Nhật Bản sẽ làm theo “quyền lợi đường sắt Mãn Châu, rút khỏi Thượng Hải và không bao giờ khai chiến”, sau một thoáng im lặng, anh ta dùng ánh mắt hỏi Bohr, sau khi được cho phép thì Fermi dịch đến gần, “Linzy, tôi bị Bohr đưa đến phòng giám sát đã lâu, lấy được vài tài liệu có liên quan đến người Nhật. Tôi nghĩ, có lẽ cô cũng hiểu quốc gia cô yếu đuối thế nào và người Nhật ác độc ra sao, cô chớ nên lạc quan quá.”

Fermi nháy mắt với một cô gái người Pháp đang đeo tai nghe. Một lúc sau, một chồng hồ sơ tình báo đã được mã hóa được đặt lên bàn trước mặt cô. Từng tập hồ sơ da bò chồng lên nhau, dày chừng một bàn tay.

Bản đầu tiên được viết bằng tiếng Anh: “Lữ Thuận rơi vào tay giặc”.

“Trong chiến tranh Thanh-Nhật năm 1894–1895, đại triều đại nhà Thanh thảm bại, một Nhật Bản nhỏ bé đã toàn thắng. Vào ngày 21 tháng 11, Nhật Bản đã chiếm được Lữ Thuận và và tàn sát cả quận. Sau khi xâm chiếm được quận, tổng chỉ huy đã ra lệnh: “Giết sạch.” Tướng Yamaji Motoharu nói rõ: “Giết người, thăng chức. Càng giết được nhiều thì càng được thăng chức.” Chỉ trong bốn ngày ba đêm, cả một quận cảng với hơn 15.000 người nay chỉ còn lại 36 người may mắn sống sót… Quân Nhật ép người dân phải nhảy xuống ao hồ, chém đầu, chặt eo, đâm ngực, mổ bụng… Mười lính Nhật bắt được rất nhiều người tị nạn, buộc bím tóc đuôi sam lại với nhau, “lăng trì” từng người một, chặt ngón tay, cánh tay, chân, cắt tai, móc mắt, chặt đầu…”

“Điều hài hước nhất là: Lữ Thuận là căn cứ của Hải quân Bắc Dương, là “cảng quân sự đầu tiên ở Viễn Đông”, có đến 78 khẩu đại pháo và 15.000 quân đồn trú. Lữ Thuận tuyên bố “có thể cố thủ trong ba năm” lại không thể chống cự nổi một ngày. Quân đội Nhật Bản vừa lên đường từ Đại Liên, đạo đài Cung Chiếu Dư nhận được thông tin đã lập tức đem theo gia quyến ngồi thuyền bỏ trốn. Ba tướng Hoàng, Triệu, Vệ thấy đại sự không ổn, cũng lần lượt chạy khỏi Lữ Thuận. Quân đồn trú bị bỏ lại, ngoài hơn 2.000 người tử thương ra, những người khác cũng đã “biến mất”. Bán đảo Lữ Thuận với hơn hai mươi pháo đài, quân đội Nhật chỉ mất một ngày với 280 người thiệt mạng đã thâu tóm được quận. Năm 1907, vì để chiếm lĩnh Nga mà quân Nhật đã trú quân tại Lữ Thuận, nhưng cuộc chiến lại kéo dài nửa năm và chết 60.000 người.”

Một bức ảnh chụp một người phụ nữ bị hãm hiếp rồi giết chết, chặt ngang người cùng với tấm ảnh về đống thi thể chất cao như núi xổ ra, khiến trán cô rỉ mồ hôi hột. Thế hệ sau chủ yếu biết đến Cuộc thảm sát Nam Kinh nhiều hơn, nhưng không biết trong chiến tranh Thanh-Nhật còn có sự kiện đại tàn sát Lữ Thuận bi thảm hơn thế nhiều. Tự tay chôn vùi vong hồn bách tính, ngoài quân Nhật mất trí hung hãn ra thì còn có cả quan viên Mãn Thanh mục nát.

Điều càng khiến người ta đau lòng hơn cả là những dòng bình luận cuối cùng trong tập hồ sơ: “Nhật Bản toàn thắng trong Chiến tranh Thanh-Nhật, thắng chiến tranh và cũng thắng đượcdư luận. Cộng đồng quốc tế đã ca ngợi Nhật Bản, gọi Chiến tranh Thanh-Nhật là ‘sự kiện mang tính cột mốc để Nhật Bản trở thành một quốc gia văn minh trưởng thành’.”(1)

Cô tiếp tục lật xem, một bản báo cáo tiếng Anh trong một tờ báo Anh Quốc đã viết: “Sau khi Hải quân Bắc Dương bị tiêu diệt, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản đã chủ động chăm sóc y tế cho những người bị thương, cũng thả tất cả các tù binh, còn cho phép chính quyền nhà Thanh chở linh cữu của tư lệnh Hải quân Bắc Dương là Đinh Nhữ Xương đi.”

Cô gái người Pháp lại đưa đến một bức điện báo kèm bản dịch.

Phần phiên dịch trên giấy có viết:

—— “Bệ hạ” hạ lệnh chuẩn bị thành lập một “đơn vị phòng chống dịch bệnh và xử lý nước”, tìm kiếm cơ hội tiến hành nghiên cứu gỗ thô.

“Đây là điện báo tối qua lấy được. Cô đọc hiểu được không?”

Tim đập thình thịch, cô khó thở gật đầu.

“Bệ hạ” Thiên hoàng Hirohito là một nhà sinh vật học “vĩ đại”, người đã từng ví lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn mênh mông là vùng thử nghiệm của mình. Đơn vị phòng chống dịch bệnh và xử lý nước là tiền thân của đơn vị “731” khét tiếng đời sau*, và “gỗ thô” chính là ám chỉ người Trung Quốc. Có đôi lúc, bọn họ cũng gọi người Trung Quốc là “vượn Trung Quốc”.

(*Đơn vị 731 là một đơn vị nghiên cứu và phát triển vũ khí hóa-sinh của Quân đội Hoàng gia Nhật Bản, đơn vị này đã tiến hành nhiều thí nghiệm nguy hiểm trên cơ thể người trong chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai (1937-1945) và chiến tranh thế giới thứ hai. Nó được coi là một trong những tội ác chiến tranh khét tiếng nhất của người Nhật.)

Fermi thấp giọng nói: “Đã hiểu chưa? Nhật Bản đã quen với việc thao túng dư luận, diễn lên vở kịch ‘nền văn minh’ cho người phương Tây xem, che giấu chân tướng về vụ tàn sát ở Lữ Thuận. Có phải rất giống vụ gần đây không? Quyên góp cho Trung Quốc xây dựng ngành công nghiệp, công thương nghiệp, hứa sẽ rút khỏi Thượng Hải và từ bỏ kiểm soát đường sắt Mãn Châu, nhưng sau lưng lại có tính toán khác. Có trời mới biết sau khi có được kết quả của lò phản ứng chậm, bọn họ lại sẽ tạo ra dư luận, lật lọng trở mặt như thế nào?”

Trong chớp mắt, đột nhiên cô xuất hiện ảo giác. Trong một tích tắc, dường như có vô số đầu kim đâm về phía cô, dung dịch trong ống tiêm viết: giang mai, bệnh than, dịch hạch*… Toàn thân cô ngứa ngáy, mồ hôi đầm đìa.

(*Tác giả đang ám chỉ đến cuộc chiến tranh sinh học của Nhật Bản. Theo Wikipedia, “hàng chục ngàn, và có lẽ có tới 400.000 người Trung Quốc đã chết vì bệnh dịch hạch, bệnh tả, bệnh than và các bệnh khác” do chiến tranh sinh học.)

Cô đọc tiếp —— bức thứ hai là “Formosa Đài Loan”: mở hồ sơ ra, đập vào mắt chính là những cỗ thi thể ngổn ngang cùng đầu người lăn lóc. Dưới hình viết: “Năm 1895, nghĩa quân Đài Loan đấu tranh chống Nhật Bản chiếm đóng đã bị tàn sát. Cuộc kháng chiến của người Đài Loan chưa bao giờ chấm dứt…”

Bức thứ ba là “vụ tàn sát ở Tế Nam”…

Oppenheimer và cô gái nước Pháp vô cùng căm phẫn trước sự ác độc của người Nhật.

Xem từng tấm hình một, cô chỉ cảm thấy môi lưỡi khô khốc. Mồ hôi ướt đẫm vầng trán, cô ngẩng đầu lên, mở miệng muốn nói chuyện nhưng lại không thốt ra được câu từ.

Fermi vỗ vai cô, khép hồ sơ lại để cô không bị kích thích thêm.

Bohr trấn an: “Hôm nay cho em xem những thứ này chỉ là muốn để em chuẩn bị tâm lý: quả thật Trung Quốc không có đủ điều kiện tiến hành thí nghiệm ‘nó’. Nếu lò phản ứng chậm hoàn thành, Nhật Bản sẽ không giữ lời, mà Nam Kinh vẫn về phe Nhật, cũng vì thế nên chúng ta sẽ phải chuyển đến quốc gia khác thích hợp hơn, ví dụ như Mỹ… Hoặc là thí nghiệm sẽ chấm dứt trong thất bại, nhiều năm sau tụ tập tiến hành lại, tôi cũng không cảm thấy kỳ lạ. Cũng nhắc em nên cảnh giác với lần này, đừng có lạc quan quá.”

Cô mỉm cười với Bohr, bày tỏ mình không sao.

Sự biến thái của người Nhật và sự thù hận giữa Trung Quốc và Nhật Bản không phải mới có từ sau sự kiện Phụng Thiên và năm 1937*. Người Nhật Bản vốn luôn xem thường người Trung và cũng đã ấp ủ âm mưu từ lâu, lịch sử xâm lăng 80 năm* đến tận 1945 mới kết thúc, tuyệt không phải chỉ một vụ “thảm sát Nam Kinh” hay “tám năm kháng chiến”*** là có thể giải thích được rõ ràng

Advertisement / Quảng cáo(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(*Sự kiện Phụng Thiên hay còn gọi là sự kiện Mãn Châu là một sự kiện do quân đội Nhật Bản sắp đặt để lấy cớ xâm lược đông bắc Trung Quốc năm 1931.)

(**80 năm là tính từ lần đầu tiên xảy ra chiến tranh Thanh-Nhật lần 1 là năm 1894 cho đến khi kết thúc chiến tranh lần 2 là năm 1945.

(**Thảm sát Nam Kinh cũng thường được gọi là vụ “Cưỡng hiếp Nam Kinh”, là một tội ác chiến tranh do quân đội Nhật Bản tiến hành bên trong và xung quanh Nam Kinh, Trung Quốc sau khi thành phố này rơi vào tay Quân đội Thiên hoàng Nhật Bản ngày 13 tháng 12 năm 1937. Tám năm kháng chiến là chỉ cuộc chiến Trung-Nhật lần thứ 2.

Đây là lý do tại sao tuy 1932 và 1937 chưa đến, phía Đông Bắc vẫn chưa kéo còi báo động, Nam Kinh vẫn chưa bị tàn sát… khi cô đưa ra quyết định về lò phản ứng chậm vài ngày trước đó, đồng thời trong lòng cũng cảm thấy bí bách nghẹt thở và cũng dự đoán được về trận động đất khí tượng học sẽ xảy ra, thì cô chẳng hề có chút gì gọi là tội lỗi.

Nói cô hẹp hòi cũng được, biến thái cũng được.

Khoa học vô tội, nhưng xâm lăng lại có tội. Ác giả ác báo, nợ máu ắt trả bằng máu.

Cô chưa bao giờ lạc quan.

__

(1) Thông tin thêm từ Wikipedia, người phương Tây đã nhận xét cuộc chiến Thanh-Nhật như sau:

Chiến thắng của Nhật Bản trong chiến tranh là kết quả của hai thập kỷ nỗ lực công nghiệp hóa và hiện đại hóa trước đó. Chiến tranh thể hiện sự vượt trội của chiến thuật và huấn luyện của người Nhật nhờ áp dụng kiểu quân sự Tây phương. Lục quân và Hải quân Đế quốc Nhật Bản có thể giáng cho quân Thanh hàng loạt thất bại qua tầm nhìn xa, tính nhẫn nại, chiến lược và sức mạnh tổ chức. Uy thế của nước Nhật tăng lên trong mắt quốc tế. Chiến thắng này đánh dấu việc Nhật Bản vươn lên thành một thế lực trong khu vực (nếu không phải là một cường quốc) theo nghĩa tương đương với phương Tây và là thế lực thống trị ở Á Đông.

– Trích “Thế cân bằng quyền lực mới đã ra đời. Vị thế thống trị trong khu vực dài hàng thiên niên kỷ đột ngột kết thúc. Nhật Bản trở thành cường quốc số một châu Á, vị thế sẽ duy trì trong suốt thế kỷ 20”. Paine, The Sino-Japanese War of 1894-1895: Perception, Power, and Primacy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.