“Em giao con lại cho anh. Anh hứa sẽ có trách nhiệm với con. Sẽ chăm sóc con thật tốt”
Cuối cùng Trọng Nhân vẫn vào vấn đề chính. Liệu anh có biết rằng mình rất tàn nhẫn với một số người không?
“Không được”
Cô từ chối mà không cần suy nghĩ nhiều.
Anh bây giờ đã có người anh yêu bên cạnh. Sau này chắc chắn họ sẽ có những đứa con chung với nhau. Còn Nhã Huyên con gái cô phải chịu cảnh mẹ kế con chồng là điều không thể tránh khỏi.
Người Việt Nam mình có câu nói: Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng?
Nhưng nghĩ lại cũng không phải. Huỳnh Thư kia mới là vợ chính thức của anh. Còn cô chỉ là một nhân tình thời quá khứ. Hay nói cách khác, con gái cô là đứa con ngoài giá thú bị người đời khinh bỉ.
Vì vậy làm sao cô có thể giao con cho anh?
Con là của cô, không ai có thể mang đi cả. Cho dù đó là cha ruột của nó.
Anh nhận thấy rõ vẻ mất bình tĩnh qua hai từ không được của cô. Từ trước đến nay, chưa bao giờ anh đưa ra yêu cầu gì đó mà bị cô chối từ, chỉ duy nhất lần này.
Anh hiểu, người làm mẹ sao có thể đành lòng giao con mình cho người khác?
Nhưng trường hợp này rất đặc biệt. Con phải được sống ở môi trường tốt hơn. Phải được chăm sóc chu đáo và phải được chữa bệnh. Có một điều anh tin tưởng rằng Huỳnh Thư là một cô gái tốt, cô ấy có thể bỏ qua chuyện quá khứ mà toàn tâm toàn ý chăm sóc con anh.
“Nếu anh không còn chuyện gì nữa thì em về trước. Con em đang đợi em”
Cô cố ý nói rõ hai từ con em chỉ với một mục đích, mong anh gạt bỏ cái suy nghĩ sẽ mang con của cô đi.
Cô đứng dậy, rời khỏi đó.
Nhận thấy tâm tình đang kích động của cô. Anh chạy theo, dúi vào tay cô một cái card visit
“Đây là số của anh. Anh tin rằng vì con mà em sẽ có những quyết định đúng đắn nhất. Được rồi, không làm phiền em nữa. Ngày mai anh sẽ tới thăm con”
Nói rồi anh rời khỏi đó, cô cũng nhét vội cái card vào túi áo rồi về nhà với con.
“Nhã Huyên ơi, mẹ về rồi”
“Mẹ ạ” Nghe tiếng mẹ, con bé vui vẻ hơn trong thấy.
Vừa về đến nhà, cô thấy con gái đang rờ rẫm những chữ cái có trong quyển sách khắc chữ nổi. Đây là loại sách dành cho những người khiếm thị. Phần lớn thời gian cô đều phải đi làm nên mua một sách để con bé ở nhà một mình đỡ buồn. Nhã Huyên cũng rất thích quyển sách này. Có lẽ vì đã đến tuổi đi học nên con bé ham học hỏi. Hằng ngày đều mò mẫm quyển sách này, có chữ cái nào không biết liền đợi cô đi làm về sẽ hỏi.
Ở độ tuổi này, nếu con bé có một đôi mắt sáng. Chắc chắn rằng con bé đang đi học ở một ngôi trường mẫu giáo nào đó. Hết năm nay là có thể vào lớp một.
Cô tự hỏi: Có phải cô đã sai rồi không?
“Mẹ ơi, mẹ ơi” Tiếng con bé kích động “Đây là chữ gì ạ? Lạ quá”
Cô nhìn đến nơi con bé đang chỉ.
Cô ngồi xuống cạnh con, sau đó lấy tay của mình cầm tay con, sờ vào chữ cái kia. Cô nhẹ nhàng giải thích
“Đây là chữ W, con có thể đọc là “vê kép” hay “đúp liêu” đều được”