Trước Tết âm lịch có hai đợt gió mùa Đông Bắc tăng cường về Hà Nội, nhiệt độ liên tục giảm sâu, không khí những ngày giáp Tết lạnh giá đến mức tôi ngồi trong phòng kín, mặc bốn lớp áo, đeo găng tay len, đeo hai lớp tất mà các ngón tay ngón chân vẫn tê buốt như thể đang bị nhúng vào chậu nước đá vậy.
Trời đã rét lại còn cộng thêm những cơn mưa phùn làm đất trời lúc nào cũng u tối và ảm đạm. Nhưng điều kinh khủng nhất đối với tôi lúc này không phải là trời đẹp hay trời xấu, rét đậm hay rét hại, mà là thứ thời tiết đáng ghét ấy làm những cuộc dạo chơi của tôi và Lan bị gián đoạn suốt hai tuần nay.
Cuối cùng, sau những ngày bế tắc, chúng tôi đành chuyển qua một sân chơi không bao giờ bị ảnh hưởng của thời tiết, tắc đường hay giới hạn thời gian – đó là mạng xã hội.
Cũng như mọi ngày, hôm nay sau khi ăn sáng xong chúng tôi liền ngồi ngay vào máy tính tán chuyện với nhau, Lan khoe với tôi rằng năm nay gia đình cô quyết định đi du lịch nước ngoài kết hợp ăn Tết cổ truyền luôn.
“Tớ chưa từng thấy gia đình nào ăn Tết như vậy cả!? Có vẻ hơi phi truyền thống!” Tôi nhận xét.
“Cậu không cập nhật tình hình xã hội gì cả!” Lan trả lời. “Bây giờ Tết âm lịch cả gia đình đóng cửa đi du lịch đang là mốt đấy cậu ạ! Đi thăm thú khắp nơi vừa vui vẻ mà mẹ con tớ cũng đỡ vất vả, mọi năm toàn phải tất bật dọn dẹp phục vụ ăn nhậu cho bố với các bác, mang tiếng là nghỉ lễ mà cuối cùng chẳng được nghỉ ngơi thật sự ngày nào.”
“Thế cậu đi lâu không? Hôm nào về?” Tôi hỏi.
“Cúng ông công ông táo xong thì nhà tớ đi. Đi từ 24, đến mùng 4 Tết mới về.” Lan đáp.
“Vậy à?” Tôi tiu nghỉu nói, cứ tưởng bở năm nay ăn Tết ở Hà Nội thì được gần Lan hơn.
“Còn cậu thì sao, hôm nào cậu về quê?” Lan hỏi lại tôi.
“Tết này tớ không về, tớ qua nhà bà chị ăn Tết, nhưng chắc cũng qua một hai ngày thôi. Cậu cũng thấy tớ với chị ấy xung khắc thế nào rồi đấy, bây giờ cứ nói được vài câu là cãi nhau.”
“Tớ hiểu, nhưng đến cuối cùng ruột thịt vẫn là ruột thịt, bỏ nhau đi đâu được. Tớ thấy chị ấy cũng lo lắng cho cậu, chỉ là cách thể hiện hơi gai góc tí thôi.”
“Ừ, thì cũng biết vậy.” Tôi ậm ừ cho qua. “Thế chiều nay mình gặp nhau café tí được không, trời lạnh cậu cứ ở nhà, tớ sẽ đến tìm cậu.”
“Tiếc quá.” Lan trả lời. “Tối nay đám bạn lại rủ tớ đi ăn lẩu mất rồi.”
“Vậy là phải sau Tết mình mới gặp nhau được rồi!”
“Ừ, mà tớ bảo này, hôm trước Trang vừa rủ tớ ra Tết tổ chức một chuyến đi du lịch bụi, có Trang với người yêu em ấy, tớ với cậu, ngoài ra có hai cô bạn của Trang nữa, cậu thấy sao?”
“Thật thế à?” Tôi mừng rỡ, cô em này thế mà được việc phết. “Nó định đi đâu hả cậu?”
“Về Hải Dương quê Trang và qua thăm Thái Bình quê cậu, đi ba ngày hai đêm. Cậu thấy ổn không?”
“Tớ nhất trí cả hai tay thôi, nhưng cậu đi chơi mấy ngày thế gia đình có cho phép không?”
“Ôi trời, tớ lớn rồi mà. Mà có Trang bảo lãnh nữa nên bố mẹ tớ cũng yên tâm, bố mẹ tớ cũng quý em ấy. Tớ cũng muốn nhân dịp này tìm hiểu nhiều hơn về quê hương của cậu.”
Nghe Lan nói thế tôi cao hứng định giới thiệu văn vẻ đôi điều về Thái Bình quê mình, nhưng tôi chưa gõ xong thì Lan nói bạn cô đang gọi dưới cổng và xin phép tạm dừng ở đây.
Trước khi thoát tài khoản cô nói sẽ liên lạc với Trang để ấn định ngày đi và báo lại tôi sau.
Tôi làm thêm vài việc lặt vặt khác trên mạng rồi đứng dậy vươn vai và đi vào trong bếp pha cho mình một cốc café hòa tan.
Lúc tôi quay lại một cậu khách hỏi quán đang bật nhạc gì nghe hay thế, tôi giới thiệu đây là bài hát Tombe La Neige do thần tượng Ngọc Lan của tôi thể hiện. Thần tượng của tôi là người thể hiện phiên bản tiếng Việt của ca khúc này thành công nhất cho đến nay, giọng của cô ngọt ngào, sang trọng nhưng luôn phảng phất một nỗi buồn man mác, trong không khí mưa phùn gió bấc thế này mà nghe cô hát tình ca thì thấm lắm.
“Tombe la neige/ Tu ne viendras pas ce soir/ Tombe la neige/ Et mon cœur s’habille de noir…”
Vừa ngồi nhâm nhi thưởng thức ly café nóng tôi vừa hồi tưởng lại những lời Lan nói ban nãy: “Tớ cũng muốn nhân dịp này được biết nhiều hơn về quê hương của cậu”.
Quê hương, quê hương à, tôi thầm nghĩ, đã hai năm nay tôi không về thăm quê rồi, nếu lần này không phải Lan rủ về thì chắc tôi cũng không về đâu, tôi không muốn, đúng hơn là tôi không dám về đó một mình.
Tôi còn nhớ đợt ấy, sau một tuần lễ lo liệu đám tang cho mẹ xong, cơ quan gọi điện giục lên gấp nên bà chị tôi thu xếp lên Hà Nội trước, để lại một mình tôi ở trong căn nhà đã quen thuộc hai mươi năm nay nhưng bỗng chốc trở nên quá xa lạ.
Mấy ngày tiếp theo tôi không thể ngủ ngon được một hôm nào cả. Trong những đêm đen ngủ một mình trong căn nhà ấy, nỗi trống trải, cô quạnh và buồn tủi dày vò tôi đến cùng cực, tuy cả người mệt rã rời vì cả tuần chạy ngược chạy xuôi lo việc tang ma nhưng tôi không thể nào ngủ được, cứ đặt lưng xuống giường là hai mắt tôi mở thao láo và đầu óc căng ra như sắp nổ tung vậy, một loại cực hình rất lạ cứ tra tấn tôi như thế suốt cả đêm, có chăng là lúc rạng sáng mệt quá thì ngủ thiếp đi được một hai tiếng gì đấy.
Sau hai đêm trằn trọc không yên, sang ngày thứ ba, thấy không thể chịu đựng được hơn nữa, tôi thức dậy từ sớm tinh mơ, quét qua nhà cửa, bọc vải một số đồ đạc cho đỡ bụi, cho hết tư trang vào túi xách và lặng lẽ khóa cửa bỏ đi.
Kể từ ngày ấy tôi đã trở thành một kẻ lang thang trong chính tâm hồn mình.
Thực ra, tôi hiểu rất rõ vấn đề của mình. Tôi đang trốn tránh không dám đối mặt với cái chết, tôi không muốn tin vào những nỗi đau vô cùng vô tận ấy, tôi tự tạo ra một thứ cảm giác ảo tưởng mơ hồ cho mình, đó là mẹ tôi vẫn còn sống, bà chưa mất, bà không hề mất, tôi chưa gặp được bà chẳng qua là vì tôi bận đi xa học tập công tác chưa về được đó thôi.
Không phải bà đã mất, không, không, không thể như vậy được, không có sự thật nào như vậy cả, chắc chắn không phải là như vậy.
Cú sốc mất mẹ đã biến tôi trở thành một kẻ bị bệnh tật về thần kinh như thế đấy.