Cơn Mưa Định Mệnh

Chương 15 - Chương 15

trước
tiếp

Ngày giỗ mẹ, từ sáng sớm các chị gái của Hạnh đã cùng chồng con tụ họp về đông đủ để làm cơm cúng mẹ. Nguyên một đêm trằn trọc vì mất ngủ, Hạnh mệt mỏi cố nằm lỳ bên cái Hoa thêm chút nữa vì buổi sáng trời vẫn còn rét lắm. Mọi người ai nấy bảo nhau bày biện rau củ, gà vịt ở dưới bếp vừa làm vừa trò chuyện sôi nổi. Nghe tin Hạnh về, chị Hằng – chị thứ 2 của Hạnh hỏi anh Toàn:

Cái Hạnh nó về bao giờ vậy anh?

Em nó vừa về sáng hôm qua, còn đang ngủ trong nhà với mấy đứa nhỏ

Anh Toàn đáp lời chị Hằng.

Nó biết về giỗ mẹ là tốt rồi… em tưởng nó không biết đường về nữa chứ?

Câu nói của chị Hằng chứa đựng sự tức giận cô em gái, bởi chị ấy không biết chuyện của Hạnh, không nghĩ cô em gái tha phương nơi đất khách là vì có nguyên nhân….

Thôi… Hôm nay giỗ mẹ, đừng nói mấy lời không hay, tí nữa còn có các chú các bác, anh em họ hàng đến chơi, nhớ là đừng có nói cái gì phật ý con bé đấy.

Mày quên mất rằng ngày giỗ của mẹ cũng là cái ngày mà cái Hạnh nó suýt bị….

Anh Toàn ngập ngừng, suýt nữa nói thành câu, ý anh là Hạnh suýt bị làm nhục bởi chính người cha ruột của mình. Chị Hằng nghe anh Toàn trách móc xong liền nhận ra bản thân có chút quá đáng nên vội nói:

Vângg. Em nhớ rồi!

Nói ra câu đó chị mới thấy mình hối hận, chị em gái với nhau nhưng quả thực tình cảm hời hợt quá, do Hạnh sinh sau đẻ muộn mà chị Hằng lại lập gia đình từ sớm, bởi vậy thời gian chị em ở bên nhau không nhiều… dẫn đến chuyện to chuyện nhỏ Hạnh chưa bao giờ mở lòng mà tâm sự với các anh chị của mình. Nghĩ đến cảnh Hạnh bị bố trêu ghẹo và làm nhục, chị Hằng rơm rớm nước mắt, thương cho cô em gái nhỏ dại, thương cho người mẹ xấu số, đồng thời nỗi căm hận dành cho người cha độc ác, mất hết nhân tính ấy vẫn không nguôi ngoai đi…

Hạnh nằm ở gian buồng ngay cạnh bếp, qua một bức vách, từng câu từng chữ anh chị nói chuyện với nhau cô đều nghe thấy cả. Tưởng rằng khóc hết một đêm thì cô sẽ không khóc được nữa, nào ngờ khi nghe những lời bênh vực của anh cả, Hạnh lại thấy mình tổn thương ghê gớm, từng hình ảnh trong cái đêm giá rét ấy lại hiện hữu trong đầu cô. Mẹ đau đớn vì bị bỏng, gương mặt bà cau có nhìn đáng thương làm sao, còn bố cô, ông uống rượu nhiều, ánh mắt dại đi vì rượu, kèm theo đó là những cử chỉ và hành vi bẩn thỉu ông dành cho con gái mình. Hạnh mím chặt môi, trong vô thức cô ôm chặt lấy ngực mình, cố ngăn cho tiếng nấc không phát ra cổ họng.

Từ ngày mẹ mất thì đêm qua là đêm đầu tiên Hạnh ngủ tại gian buồng này, bao nhiêu ký ức ùa về, nỗi đau mất mẹ, nỗi đau tâm hồn của một cô gái mới lớn, quá nhiều thứ đau thương khiến cho Hạnh không ngừng suy nghĩ. Cô đau khổ thật sự, biết là mọi chuyện đã qua nhưng khi về đây Hạnh lại không làm chủ được cảm xúc của mình…

***

Cơm nước xong xuôi, khách khứa ra về hết chỉ còn lại 5 anh em với nhau, anh Toàn đem chuyện của Hạnh ra để nói, đêm qua anh đã nghĩ rất nhiều về chuyện này, tuy vậy, việc anh đã quyết vẫn nên thông báo và bàn bạc với mọi người.

Các em ạ, chuyện vợ chồng anh ly hôn, cá nhân anh cảm thấy rất hổ thẹn, không những làm cho mấy đứa phải suy nghĩ nhiều mà chuyện này suýt nữa làm ảnh hưởng đến cả mạng người nữa.

Anh cả nói giọng bùi ngùi.

Sao thế anh? Có chuyện gì mà liên quan đến cả mạng người vậy ạ?

Mấy chị nghe vậy nhao nhao hỏi lại.

Anh Toàn thở dài một tiếng rồi nheo nheo mắt, chậm rãi nói:

Theo lý mà nói, chuyện xấu xa như vậy không nên nhắc lại, vì nói đến chỉ làm cho anh và mọi người thêm ghét cái con đĩ kia thôi (chị dâu của Hạnh – vợ anh cả).

Nhưng mà, đến hôm qua anh mới biết nguồn cơn của sự việc, anh không ngờ trong lúc đi làm xa nhà, vợ anh nó đã cặp bồ với trai, cái Hạnh bắt gặp nên chúng đã định giết nó để che giấu sự việc…

Hoang đường…

Cái gì mà giết người để bịt miệng?

Có gan làm mà lại không có gan đối diện sao? Con điên này nữa?

Mọi người bàn tán xôn xao và ngỡ ngàng hơn cả khi biết chuyện Hạnh đã từng bị chị dâu đối xử tệ bạc như vậy.

Anh nói rồi, nhắc đến con đấy là y rằng mọi người sôi máu, như thêm dầu vào lửa, nhưng mà không nói thì thiệt thòi cho cái Hạnh quá!

Em không sao đâu anh ạ. Không phải là em vẫn đang sống tốt đây sao?

Hạnh… mày dở à? Tại sao con điên đấy nó ác với mày vậy mà mày để yên? Mày ngu thế?

Chị Mơ trách mắng em gái.

Em…

Anh nói là để mọi người thông cảm cho cái Hạnh, bởi vì nó suýt chết, giữa đường gặp người tốt cứu giúp, chạy chữa nên nó mới còn mạng sống để trở về đây. Thời gian qua nó vắng nhà cũng bởi vì thế, nó sợ anh chị nghèo khó không lo được số nợ nên cặm cụi ở lại làm việc cho người ta….

Bây giờ đã biết rõ sự việc thì đừng có nghi ngờ hay trách em nó nữa!

Kiện chết mẹ con đĩ đấy đi, cả thằng Thìn nữa, chẳng lẽ để cái bọn giết người ấy nhởn nhơ ngoài pháp luật à?

Thôi các chị ơi, không phải là em vẫn còn sống đây sao?

Hơn nữa, mấy tháng giời rồi, kiện phải có chứng cớ… đằng này…

Hạnh ngăn cản các chị không nên làm lớn chuyện, bởi cô sợ dính dáng đến pháp luật, hơn nữa tiền bạc không có, kiện cáo đau đầu lại mất thời gian… Vả lại, cô nghĩ đến mấy đứa cháu nhỏ, chị dâu có ác nhưng vẫn là mẹ đẻ của chúng nó, Hạnh không muốn tâm hồn thơ dại của các cháu bị vấy bẩn bởi những thứ không đáng. Người tốt sẽ gặp chuyện tốt, kẻ xấu chẳng bao giờ có được kết cục tốt đẹp…

Mày điên à? Mày chính là chứng cớ xác thực nhất còn gì nữa?

Nhưng em không muốn… các chị đừng ép em!

Ơ…

Thôi… thôi, đừng tranh luận nữa.

Anh cả nói to.

Anh họp bàn ở đây không phải là kiện cáo, thôi thì như ý cái Hạnh, anh không muốn làm to chuyện nên, anh cũng muốn giữ lại chút thể diện cho người đã từng đầu ấp tay gối với mình…

Gieo nhân nào thì gặp quả ấy!

Mấy đứa cứ yên tâm, ông trời công bằng lắm…

Nhưng mà..?

Không nhưng nhị gì hết.

Bây giờ thế này, về cái số nợ mà Hạnh đã chịu ân tình đối với người kia, anh nghĩ rồi, ngày mai anh cùng cái Hạnh sẽ đến đó một chuyến, đích thân gặp mặt, trả tiền rồi cảm ơn người ta…

Anh, không cần đâu anh ạ.

Để em tự làm rồi trả dần cũng được…

Hạnh thấy anh Toàn nhắc đến số tiền nên vội ngăn cản.

Em biết cái gì mà cần với không cần?

Mấy tháng trời vừa làm vừa tiết kiệm em dư được bao nhiêu? Em nghĩ anh không tính được à?

Như anh mày đây, dân lao động làm muốn gãy sườn mà ngày được mấy trăm bạc, em ở ngoài còn lo ăn uống, chỗ ngủ nghỉ, tính ra còn phải bớt mồm bớt miệng thì mới đủ trang trải…

Em định làm như thế đến bao giờ?

Em…

Anh Toàn nói đúng đấy, Hạnh! Em ở nhà đi, có gì các anh chị đóng góp chút ít trả nợ cho người ta. Đừng đi nữa…

Không cần đâu, anh có tiền đây rồi, vợ chồng anh ly dị nhau, căn nhà đó anh bán đi, tài sản chung nhưng do anh nuôi 3 đứa con nên mẹ nó chỉ lấy một phần.

Bây giờ bố con anh ở nhà của bố mẹ, nên việc của Hạnh anh sẽ đứng ra lo liệu…

Anh Toàn. Anh là con trưởng, con trai duy nhất của bố mẹ, nếu như anh không ly hôn thì căn nhà này sớm muộn cũng là của anh mà, chúng em không rạch ròi thế đâu anh ạ!.

Các em có gia đình riêng, còn chồng và nhà chồng nữa, nuôi con cái cũng vất vả. Anh biết mấy đứa có ý tốt nhưng thôi, anh đã quyết rồi, còn coi anh là anh cả thì nghe lời anh đi.

Vânggg….

****

Văn phòng của sếp tổng.

A lô, có việc gì mà gọi tôi đấy?

Dương nghe điện thoại trong tâm trạng không mấy vui vẻ.

Dạ, thưa anh, có cô Hạnh ở tổ vệ sinh và một người đàn ông lạ mặt muốn gặp anh ạ?

Có đồng ý cho họ lên đây không ạ?

Cô thư ký đáp lời, tính Dương hơi khó ưa nên cô ấy nhẹ nhàng hết sức có thể.

Nghe nhắc đến Hạnh, lại thêm cả một người đàn ông lạ, Dương chột dạ, lại chuyện gì nữa đây, tự nhiên lại lôi ở đâu ra người đàn ông lạ mặt vào đây?

Không gặp, bảo tôi không rảnh!

Dạ.

Cô thư ký cúp máy và báo xuống dưới, nghe tin Dương không gặp Hạnh có chút thất vọng, sợ anh Toàn nghĩ linh tinh nên Hạnh trấn an:

Anh ấy là tổng giám đốc của công ty nên công việc nhiều lắm anh ạ, có lẽ đang bận họp hay gặp đối tác gì đó nên mình ngồi đây chờ một lát đi!

Ừ, anh hiểu chứ?

Người ta là chủ cái công ty to đùng thế này, công việc đương nhiên là nhiều rồi, thời gian đâu mà tiếp mấy người như anh em mình?

Đúng là số mày tốt đấy, anh thấy mấy người giàu có ít ai mà tốt bụng đi giúp đỡ người khác thế này đâu…

Hạnh im lặng không nói gì, anh Toàn cũng thôi không nói thêm câu gì nữa rồi lặng lẽ quan sát không gian nơi đây, thỉnh thoảng lại buột miệng suýt xoa:

Công ty này to thế nhỉ?

Khiếp thật, sao mà lại có những người giàu có đến thế nữa?

Xây cái nhà lớn như vậy phải mất đến 4, 5 năm chẳng chơi…

Hạnh thì buồn buồn, cô đang nghĩ đến những ngày tháng sau này không còn cơ hội được gặp gỡ Dương nữa, một chút nhớ thương trong lòng đành giấu kín, duyên gặp gỡ đến đây là hết, cảm ơn ông trời vì đã cho Hạnh gặp được anh, ân nhân đã cứu giúp cô qua được những ngày tháng khó khăn ấy…

Hai anh em cứ ngồi dưới sảnh chờ đợi, Hạnh sốt ruột lắm, cứ chốc lát lại nhìn đồng hồ treo tường xem đã bao lâu rồi mà Dương vẫn chưa xong việc. Ngồi trong phòng riêng, Dương thực ra không có cuộc họp nào cũng chẳng gặp gỡ một ai, chỉ là đau đầu về một vài dự án lớn sắp tới khi công ty có nhu cầu mở rộng chi nhánh con ở một số tỉnh thành lân cận… Bởi vậy, anh suy nghĩ nhiều cũng thấy mệt mỏi.

Ly cà phê trên bàn làm việc đã cạn,, Dương gọi thư ký đổi cho anh ly khác ấm và nóng hơn, trời đang rét nhâm nhi một ly nóng hổi thì còn gì bằng. Anh vươn vai mấy cái, xoay ghế nhìn ra ngoài kia, đường phố vẫn ồn ào và tấp nập như vốn có, đầu óc trống rỗng, Dương chợt nhớ ra lúc sáng cô thư ký nói có Hạnh ở tổ vệ sinh muốn gặp. Chết thật, đầu óc gì mà nhanh quên thế? Nghĩ vậy Dương cho gọi Hạnh lên.

Cho cô Hạnh lên gặp tôi!

Dương nói với thư ký riêng của mình.

Dạ, sếp!

Một lát sau, Hạnh cùng anh Toàn đi từ dưới sảnh lên phòng của sếp tổng. Lần đầu tiên đến nơi hào nhoáng và sang trọng thế này, anh Toàn cứ khép nép, đeo cái túi vào người thật chặt, ánh mắt e dè đi bên cạnh em gái. Cô thư ký thấy thế cũng tò mò nhưng sếp cho gọi thì đó là việc của sếp thôi. Cánh cửa phòng mở ra, Hạnh bước vào trong, hôm nay cô không mặc đồng phục của tổ vệ sinh mà mặc bộ quần áo giản dị thường ngày, Dương nhìn thấy có chút ngạc nhiên. Ngay sau đó lại nhìn thấy người đàn ông dáng vẻ lam lũ đi bên cạnh, quần áo giản dị giống như Hạnh, anh ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang diễn ra.

Em chào anh ạ!

Hạnh lễ phép chào sếp.

Dạ, chào anh!

Anh Toàn thấy em gái chào cũng ngại ngùng lên tiếng, nhìn cậu thanh niên ở trước mặt trẻ trung và phong độ quá, ở độ tuổi này mà làm cấp bậc cao vậy chắc hẳn bản lĩnh không tồi. Anh Toàn thầm đánh giá.

Không dám, anh là…

Dương dùng ánh mắt đầy nghi hoặc ấy để đáp lại lời anh Toàn, trong đầu anh xuất hiện những suy đoán khác nhau về mối quan hệ của Hạnh và người đàn ông bên cạnh. Lẽ nào… đây là chồng của Hạnh sao? Không thể nào, cô ấy nhìn còn trẻ như vậy, còn người bên cạnh… khác biệt về tuổi tác rất lớn, sao có thể được chứ? Rốt cục là thế nào đây? Hạnh ở đây hoàn toàn không có người thân, hôm nay lại dẫn đến một người lạ mặt thế này….

Trước sự dò xét của Dương, anh Toàn lặng im quan sát tình hình rồi nói:

Tôi là anh trai của Hạnh!

Không hiểu sao giây phút ấy Dương thấy lồng ngực mình nhẹ bâng, những băn khoăn và giả thiết khi nãy cũng tự nhiên biến mất.

À, chào anh…

Hôm nay anh đến đây là vì?…

Dương nói và hướng ánh mắt về phía Hạnh, anh muốn biết vì sao hôm nay anh trai cô lại xuất hiện ở đây? Lẽ nào trước nay Hạnh nói dối anh sao? Cô nói không có người thân ở chốn này…

Anh Toàn nhanh miệng nói:

Tôi đến đây là vì chuyện của cái Hạnh!

Hôm qua là ngày giỗ của mẹ tôi, nếu con bé không chịu về nhà… có lẽ tôi không bao giờ biết chuyện anh là ân nhân cứu giúp nó…

Dương hiểu ra vấn đề, thì ra là anh em cô ấy muốn đến để cảm ơn anh.

Thấy người gặp nạn, ra tay cứu giúp là chuyện nên làm thôi anh ạ.

Anh đích thân đến đây thế này làm em thấy việc đó trở nên nhỏ bé quá…

Không! Sao lại nói là nhỏ được?

Tôi rất biết ơn anh, nếu không có anh.. em gái tôi làm sao có thể bình yên như ngày hôm nay được?

À… xin lỗi, mời anh ngồi!

Dương lúng túng đứng dậy mời anh Toàn và Hạnh ngồi xuống salon nói chuyện. Thư ký mang lên hai ly cà phê nóng hổi để trước mặt bàn, cô ta tranh thủ nghe ngóng xem hai người này gặp sếp là có việc gì, xin xỏ hay nhờ vả giúp đỡ để còn đi tám chuyện linh tinh. Nhưng khi có thêm người khác, cả ba người lặng im không nói gì, đến khi thư ký đi khỏi, Anh Toàn mới từ từ lấy từ trong túi đeo trước ngực ra một cái phong bì rất dày rồi đặt trước mặt Dương:

Số tiền này mong anh nhận cho, tôi biết nó không là gì so với lòng tốt của anh… Cảm ơn anh đã cứu giúp em tôi!

Dương ngỡ ngàng, anh không ngờ anh trai của Hạnh đến đây là vì trả tiền cho anh, mà số tiền đó thực lòng mà nói anh không có ý muốn đòi lại, chỉ là… khi tiếp xúc với Hạnh một thời gian, không đơn thuần là anh muốn giúp đỡ cô ấy… mà bởi, ở bên Hạnh, Dương thấy bản thân khá thoải mái, thỉnh thoảng nghĩ đến cô ấy cũng làm anh bồi hồi. Không biêt nên quy chụp thứ cảm xúc ấy là gì, nhưng Dương nghĩ, anh thấy thích cô gái này…

Anh… anhh cất tiền đi, tôi thực sự không cần đến nó!

Như vậy sao được? Tiền anh bỏ ra để chi trả cho con bé Hạnh khi nằm viện…

Anh đã giúp rồi, tiền còn không chịu nhận nữa thì tôi áy náy lắm!

Có đáng là bao đâu anh!

Mong anh nhận cho, nếu không tôi sẽ không thoải mái được, và nhân đây cũng xin phép anh cho cái Hạnh được nghỉ việc. Để con bé sống một mình ở ngoài thời gian qua thực sự là lỗi của tôi, là anh trai mà không lo được cho em gái của mình, tôi thấy buồn lắm…

Anh Toàn nói bằng giọng điệu chân thành….

Em tính nghỉ việc về quê sao?

Dương quay sang nói với Hạnh.

Vânggg… Em tính nghỉ việc rồi theo anh trai về nhà anh ạ!

Em nghĩ kỹ chưa?

Dương nhìn Hạnh, ánh mắt ánh ẩn chưa sự tiếc nuối khi cô nói muốn rời khỏi đây, tiếc là thời gian qua không gặp gỡ và trò chuyện nhiều với cô, một cô gái xa lạ…

Em nghĩ kỹ rồi!

Ok. Tôi đồng ý cho em nghỉ việc,

Nhưng…

Nhưng sao vậy anh?

Hai người đem số tiền này về đi, tôi thực sự không cần đến nó!

Dương lúc trước có nói muốn đòi số tiền đó mục đích là để giữ chân Hạnh, vì khi ấy anh không muốn cô nghĩ quẩn, và… không muốn cô rời đi nên mới nói thế. Dù không muốn Hạnh rời khỏi nơi này vĩnh viễn nhưng nhìn thái độ chân thành của anh trai cô, Dương không miễn cưỡng được. Quan sát cả hai, Dương đoán hai người là những người lao động nghèo khổ, trang phục bình dị thế kia… Dương thực không nỡ cầm những đồng tiền ấy, nó xứng đáng thuộc về anh, nhưng anh muốn dùng số tiền ấy để giúp cho anh em Hạnh có cuộc sống tốt hơn.

Nếu em muốn nghỉ việc và rời khỏi đây thì cất số tiền này đi, coi như tôi đã nhận.

Bằng không, đừng hòng nghỉ việc!

Làm vậy sao được hả anh?

Anh Toàn thắc mắc.

Cái gì mà không được chứ?

Tôi nói giúp là giúp, nhân lúc tính tôi còn dễ chịu thì hai người hãy cất tiền và rời khỏi đây, kẻo tôi đổi ý!

Nghe sự đe dọa ấy, Hạnh kéo anh trai đứng dậy và cảm ơn Dương, hai anh em dắt nhau đi khỏi, Dương thấy hụt hẫng giống như mình vừa để tuột mất một cái gì đó vậy….


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.