Phế Đô

Chương 11 - Chương 11

trước
tiếp

Trang Chi Điệp nói câu ấy đương nhiên là nói một cách tuỳ tiện, nào ngờ con bò này lại nghe vào tai từng chữ. Người ta bảo chó hiểu tính người, mèo thông tính người, thật ra bò càng thông hiểu tính người.

Một năm trước, Trang Chi Điệp đi thực tế ở vùng ngoại ô, đã ở tại nhà chị Lưu, người đàn bà này lúc đầu trồng rau, rau trồng đã không tốt, khi bán lại không biết ranh ma trên đòn cân nên đương nhiên quang cảnh chẳng sáng sủa cho lắm.

Một hôm Trang Chi Điệp gợi ý: “Sữa cung ứng cho thành phố thường bị pha nước, dân chúng nhao nhao phản đối. Nhưng người dùng sữa nhiều, trại sữa lại muốn kiếm tiền, nước vẫn pha vào như cũ, nhưng người đặt mua sữa, vừa chửi bậy, cũng lại vừa đặt mua. Vậy thì sao không nuôi một con bò sữa, rồi dắt vào thành phố, vắt sữa đến đâu bán đến đó, cho dù giá cao một chút cũng được người ta hoan nghênh, thu nhập chắc hẳn hơn trồng rau. “

Chị Lưu nghe theo, do đó đã mua con bò này ở tận núi Chung Nam. Bò đã vào Tây Kinh theo đề nghị của Trang Chi Điệp. Mỗi lần uống sữa, Trang Chi Điệp lại chống tay ngửa cổ bú vú bò, nên bò đã xúc động đối với Trang Chi Điệp. Lần nào nhìn thấy Trang Chi Điệp, con bò cũng rống lên chào hỏi. Từ lúc nghe Trang Chi Điệp lại nói: “Bò chẳng khác nào một triết gia”, thì từ đó quả thật, nó đã có tư duy, đã nhìn nhận thành phố này bằng con mắt của một “Triết gia”. Chỉ có điều không biết nói tiếng người, cho nên con người đã không hiểu.

Hôm nay bán xong sữa lúc sáng sớm, chị Lưu đã dắt con bò nghỉ mát ở chân tường thành, chính là lúc Chu Mẫn thổi huyên trên tường thành, tiếng huyên trầm lắng vang vọng, u u như gió đêm rít trước cửa sổ, như ma khóc ở mộ cổ, người và bò nghe thấy đều có phần rờn rợn, song lại cứ thích nghe, mà tiếng huyên lại dừng, liền ngẩng lên nhìn người thổi huyên như tranh cắt giấy từ từ đi xa dần. Trong cảm giác có phần xúc động thở than, song không có ngôn từ miêu tả nổi, đã cúi đầu ngủ gật và thiếp đi. Con bò đã gặm no một bụng cỏ, cũng nằm xuống nhai lại, hễ nhai lại là bắt đầu suy nghĩ: Khi ta ở tận núi Chung Nam đã biết có lịch sử của con người, liền biết có lịch sử của con bò, hay nói một cách khác, thật ra con người biến hoá từ con bò, hay con bò biến hoá từ con người đấy nhỉ? Nhưng con người không nhận xét như thế, con người bảo họ biến hoá từ con khỉ. Con người tại sao biến hoá từ con khỉ kia chứ? Cái thằng cha mông đít đỏ lòm, dầy bì bì như mặt đấy, mà lại là tổ tông của con người ư? Để vĩnh viễn nô dịch chúng ta, lại muốn tâm chân lý đúng, con người đã hoàn toàn nói dối. Nếu vụ án oan này không thể làm sáng tỏ, thì chúng ta có thể nhận định thế này: tổ tiên của con người và con bò đều là con khỉ. Khỉ đã biến hoá thành hai loại, một loại biết nói và một loại không biết nói. Nói là biểu hiện của tư duy của con người, còn tư duy của con bò thì biến thành nhai lại. Như thế mà thôi! A ha! Trong đất trời mịt mù hỗn độn, con bò có cần thiết phải nhỏ lại như con bọ chó hầu như không tồn tại hay không? Không, bò là con vật bề thế, có thân hình cao to, có bốn chân mạnh khoẻ, có cặp sừng chiến đấu sắc nhọn bền chắc. Nhưng trong một thế giới mọi dã thú đều tấn công con người, thì chỉ có một mình bò đứng về phiá người, hợp tác với con người, chịu sự chỉ huy của con người. Điều đó hoàn toàn là dòng máu gần gũi tâm linh tương thông. Nhưng con người đã coi bò như gà như lợn, hoàn toàn phục vụ cho mình, gà và lợn, con người còn phải chăn nuôi mới được ăn trứng của chúng, được ăn thịt của chúng, còn bò thì phải cày bừa cho người, kéo cối xay cho người, thồ hàng cho người và phát triển tới mức vắt ra sữa bò! Người ơi người, sở dĩ chiến thắng bò, là con người có trái tim vong ơn bội nghĩa và đã chế tạo ra roi vọt. Con bò sữa này đã bất bình bởi nỗi oan nhục của chủng tộc mình, lỗ mũi bắt đầu hít thở phì phò phun ra hai luồng hơi mạnh, khiến bụi đất trước mặt tung lên hình thành hai hố nhỏ. Nhưng nó ngẩng đầu lên nhìn bầu trời trắng trong, cuối cùng đã ôn hoà trở lại, mà cười một cái thật dài, điệu cười dài của bò tức là phát ra một tiếng “Rống”. Nguyên nhân của điệu cười dài là: ” Trên thế giới này trong mọi động vật, ngoài loài bò ra, thì đều hung dữ. Im lặng chỉ có Thượng Đế và bò. Chính vì bị con người nô dịch, bò mới khác với dã thú khác mà theo con người bước vào xã hội văn minh. Tốt lắm, nền văn minh của xã hội, xét cho cùng sẽ làm khánh kiệt các cơ quan của con người, thông minh quá hoá lỡ trớn “Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần”. Sẽ đi đến tiêu diệt. Vậy thì thay thế con người, mà sẽ làm chúa tể xã hội này là ai nhỉ? Là bò, chỉ có thể là bò! Điều này đâu phải là lời bông đùa không có căn cứ. Trong lịch sử đời sống của con người, chẳng phải thường xảy ra chuyện đầy tớ trong nhà phản chủ đó sao? Huống hồ, chủng tộc của bò, trên thực tế, đã đi vào đội ngũ loài người đầu tiên. Bạn không thấy trong loài người, tại sao lại có nhiều người thích mặc áo khoác, ao bờ lu dông và giày làm bằng da bò đến thế. Những người mặc áo da, đi giày da đó, đều là đặc vụ của bò. Sau khi chúng lẫn lộn vào loài người tự nhiên lưu luyến chủng tộc của bò, hoặc nhắc nhở nhiệm vụ của mình, mới dùng những thứ của bò ngấm ngầm rêu rao và ám thị trên một bộ phận nào đó của cơ thể mà bản thân con bò này đã đương đương tự đắc. Quả tình là nhiệm vụ to lớn trời giao, lại là kẻ đầu tiên trần trùng trục đi vào thành thị phồn hoa nhất của con người với thân phận con bò, thử hỏi ở thành thị nào, có con bò nghênh ngang đàng hoàng trên phố lớn?

Bạn đang đọc truyện tại

Con bò này nghĩ đến đây, thì vô cùng cảm ơn Trang Chi Điệp. Do Trang Chi Điệp đề nghị, mà một người đàn bà đã mua nó từ vùng núi hoang hẻo lánh về, rồi lại dắt nó vào thành, vắt sữa đến đâu bán đến đấy, lại còn nói một câu “bò chẳng khác gì một triết gia”, một chữ ngàn vàng, ném đi kêu sang sảng, làm cho nó chợt tỉnh ngộ sứ mạng thiêng liêng của mình.

Ôi! Ta là triết gia, ta là triết gia thật sao? Ta phải quan sát thật cẩn thận thành phố của những con người này, suy nghĩ về đời sống của con người trong thành phố này, làm một tiên tri giác bò vĩ đại trong thế kỷ quá độ.

Hoàng hôn ngày mười chín tháng sáu, Trang Chi Điệp mua giấy tiền đem về Song Nhân Phủ. Ngưu Nguyệt Thanh đã gọi một thợ bạc trên phố về nhà đang nung chảy hai cái trâm gia truyền, đúc thành một cái nhẫn đeo tay tại cửa. Trang Chi Điệp lại gần xem, người thợ bạc sắc mặt trắng ngần, mắt nhỏ môi mỏng, vừa tự khoe tay nghề gia truyền, vừa đạp vào túi gió, tay cầm mỏ hàn, đầu mỏ hơ nóng chảy một cái trâm trên miếng gỗ, cái trâm lập tức nóng chảy mềm ra thành giọt. Trang Chi Điệp chưa nhìn thấy cảnh này bao giờ, cứ tưởng Ngưu Nguyệt Thanh định làm vòng đeo tai, liền bảo:

– Em phá trâm đi, nếu mẹ mắc bệnh sợ hãi, đòi luộc trâm bạc thành nước uống, thì em cứ luôn luôn phải tháo ở tai xuống hay sao?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

– Em không đeo khuyên đâu, Uông Hy Miên đeo ba cái nhẫn trên tay, anh thì một chiếc cũng không có. Đi ra ngoài người ta cười chê anh ki bo, cũng chửi luôn em làm vợ không biết lo cho chồng.

Trang Chi Điệp nghe vậy càu nhàu một câu:

– Cứ dày vò vớ vẩn.

Rồi đi vào trong nhà nói chuyện với mẹ.

Làm xong chiếc nhẫn, Ngưu Nguyệt Thanh hớn hở đi vào, bảo Trang Chi Điệp đeo vào thử xem, nhưng ông chồng còn đang bận in đồng nhân dân tệ vào giấy tiền, từng xấp trải trên nền nhà, đồng tiền cứ xấp ngửa úp lên, lấy tay vỗ mạnh. Ngưu Nguyệt Thanh cười Trang Chi Điệp cẩn thận quá, giấy tiền là một hình thức gửi gắm nhớ thương, làm gì phải tốn công phí sức! Bà mẹ đưa tay véo vào mồm con gái, vẫn yêu cầu con rể nhất định ấn chặt giấy xuống đất, nếu không người chết đem tiền này qua sông, tiền giấy sẽ biến thành tiền sắt. Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

– Cho dù biến thành tiền sắt đúc, thì đối với những đồng tiền bạc, tiền đồng ngày xưa mà nói, bây giờ dùng tiền giấy in lại, tiền giấy biến thành tiền sắt hay quá!

Bà mẹ lại mắng con gái, tự tay chia số tiền giấy đã in thành sáu phần, phần nào cũng bảo con rể viết họ tên người chết. Đương nhiên phần tiền của ông bố vợ nhiều hơn, rồi lần lượt đến bố mẹ, cậu, chị của mẹ vợ, có cả mẹ nuôi của Ngưu Nguyệt Thanh, làm cho Ngưu Nguyệt Thanh lại cười mẹ phải gánh vác nặng nề, phải quan tâm chăm nom nhiều người như vậy, một mặt xỏ chiếc nhẫn vào ngón tay Trang Chi Điệp. Chiếc nhẫn to sù, ngồi trên ghế xa lông, Trang Chi Điệp làm ra vẻ hào phóng bắc chân chữ ngũ rung đùi, ngón tay gõ lên tay vịn ghế cạch cạch, bảo áo sơ mi đang mặc lỗi thời rồi, phải thay cái khác. Ngưu Nguyệt Thanh nói:

– Em đã mua cho anh một cái từ lâu lắm, áo cổ khoá màu đỏ, cứ ý anh không mặc. Đơn vị em có ông Hoàng, sáu mươi hai tuổi, mặc loại áo ấy vào, trẻ ra đến mười tuổi.

Trang Chi Điệp lại nói:

– Vậy thì cái quần này không tương xứng. Hiện giờ trên đường phố có mốt quần “Ông chủ” kiểu Hồng kông, anh phải có một cái. Có quần “Ông chủ” rồi thì giày cũng phải thay, lại còn thắt lưng, lại còn tất…

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

– Được rồi, được rồi, thay đến cuối cùng thì anh phải đi thẩm mỹ viện thay da mặt, chưa biết chừng lại còn thay cả em nữa chứ gì?

Trang Chi Điệp nói:

– Năm ngoái em dùng một cái trâm, gắn một cái răng. Từ đó miệng vàng lời ngọc, ở trong nhà bảo sao là thế. Bây giờ em bảo anh đeo nhẫn vào, vậy thì đành phải thay thôi.

Cười xong, tháo nhẫn để lên bàn, càu nhàu Ngưu Nguyệt Thanh đi theo thói hủ tục lạc hậu, định chưng diện cho chồng thành hình tượng gì!

Ngưu Nguyệt Thanh không vui vẻ, nói:

– Nói như vậy thì em chuốc vạ vào thân à?

– Em có vẻ chưng diện cho anh, anh không nghe theo thì từ nay giở đi cũng đừng can thiệp vào mái tóc em chải thế nào, quần áo em mặc ra sao nữa nhé?

Bà già thấy hai con lại cà khịa nhau, không nói xen vào, song đột nhiên kêu khổ, bà bảo tiền cho ông đều là loại giấy một trăm đồng, không có tiền lẻ ở dưới âm phủ có mua gì không tiện đâu. Trang Chi Điệp đi lấy một xấp giấy nháp, lần lượt in ra những tờ mười đồng, năm đồng, và một đồng. Cả nhà cùng đi ra đầu ngõ đốt giấy vàng bên cạnh đường rải nhựa.

Bên ngoài đã tối hẳn, trên đường cái xe ít người thưa, trên cột đèn đường ngoài một trăm mét, bóng điện lờ mờ nửa sáng nửa tối, giấy cháy bùng lên một cái thì bóng của ba người in lên tường hai bên đường chợt to nhỏ, nhảy nhót như ma, bụi giấy bay lên bay xuống tơi tới. Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh mới đầu không cảm thấy gì, quỳ tại chỗ, chê lửa nóng rát, lùi lại phiá sau. Bà già bắt đầu lầm rầm đọc tên người chết, gọi họ về nhận tiền, căn dặn giữ tiền tử tế, không nên tiêu vung vãi, cũng không phải quá ư chắt bóp, nếu tiêu hết tiền thì đến báo cho bà. Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh cảm thấy có tà khí, một luồng gió nhỏ quay cuồng cạnh đống lửa một lát, liền lập tức lấy giấy đè chặt. Lúc này trên trời phiá tây chợt đỏ rực, ba người đều ngẩng đầu lên nhìn. Bà già liền bảo:

– Bọn ma đói đang đánh nhau ở đó. Không biết ma đói nhà ai? Mẹ kiếp, con cháu nhà các ngươi không cho tiền các ngươi, lại đến cướp tiền của ông già nhà này phải không?

Ngưu Nguyệt Thanh rùng mình nói:

– Mẹ nói vớ vẩn gì thế? Ở đó có lẽ là một nhà máy đang lắp ráp gì đó, dùng hàn điện ấy mà. Làm gì có chuyện ma giành nhau hay không giành nhau cơ chứ!

Bà mẹ vẫn ngẩng lên nhìn bầu trời đêm, mồm cứ lẩm bà lẩm bẩm. Sau đó thở dài một hơi, bảo ông già nhà mình rút cuộc vẫn nhanh tay nhanh chân hơn, nhất quyết không để bị cướp mất tiền, bèn hỏi:

– Nguyệt Thanh ơi, trong nhà số mười bên kia phố có phải có đàn bà bụng chửa không?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

– Ngôi nhà đó toàn là khách bán than ở Thương Châu đến ở, những người này đến thành phố, buôn bán phát tài, đã đưa cả gia đình đến ở, đúng là có một người đàn bà bụng chửa rất to.

Trang Chi Điệp nói:

– Bọn người đón vợ đến ở, không người nào không chửa đẻ, đều là đứa thứ hai, thứ ba ngoài kế hoạch. Cuộc sống càng nghèo, càng đẻ khoẻ, con càng đông, cuộc càng nghèo, không hiểu họ nghĩ thế nào!

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

– Trưa hôm kia em vào bệnh vỉện, gặp người đàn bà ở số 10 tại phòng khám, chị ta đi kiểm tra xem có bị lệch thai hay không. Bác sĩ bảo chị ta cởi dải rút, đặt ống nghe vào bụng, eo ơi, da bụng sao dơ bẩn, đen sì sì, bác sĩ phải lấy viên bông cồn để lau từng vết trắng, bảo: “Đi khám thai thì chị cũng nên rửa da bụng đi chứ!”, người đàn bà ấy ngượng chín mặt, im lặng một lúc rồi bảo: “Chồng tôi là đứa buôn bán than mà!”

Nói xong thì cười, Trang Chi Điệp cũng cười. Bà mẹ liền bảo:

– Một con ma đã đi đầu thai, thì đứa trẻ sẽ phải ra đời.

Câu nói chưa dứt thì quả nhiên nghe xa xa có tiếng trẻ con khóc, sau đó nghe thấy có người chạy vù vù trên đường cái, tiếp theo là tiếng vỗ ầm ầm vào cánh cửa một gia đình, gọi to:

– Căn Thắng ơi, Căn Thắng ơi! Vợ tôi đẻ rồi! Mau mau dậy giúp mình, ra phố Đông Dương mua ba cái bánh nướng không nhân, một lon rượu nếp. Cô ấy kêu đói, mẹ kiếp, bảo một con bò cũng chén hết!

Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh đưa mắt nhìn nhau, nghi ngờ sao mẹ lại nói đúng thế, đưa mắt nhìn vào bầu trời đêm, càng thấy sờ sợ. Đốt bừa cho xong giấy tiền, đứng dậy định ra về, nhưng ở đàng sau một gốc ngô đồng bên kia ngõ có một người hiện ra, đứng đó gọi:

– Chị Thanh ơi, chị Thanh!

Bà già hỏi:

– Ai đấy?

– Em đây – người đó đáp.

Đi lại gần ánh lửa, Trang Chi Điệp đã nhận ra bà Vương trong ngõ Hữu Thủ liền lhắng một tiếng đi về nhà. Thì ra bà Vương ngày xưa là gái điếm của phường Tụ Xuân, lúc hai mươi lăm tuổi, gặp một tay thư ký riêng của Hồ Tông Nam thu nhận, mới yên phận vợ chồng, đã từng đẻ được một con trai. Đứa con lớn thành chàng trai cao ngang bức tường, thì đi xe máy đâm vào cột điện chết. Vài năm sau, người thư ký riêng kia cũng qua đời, bà Vương sống riêng một mình, nhếch nhác vô cùng. Hai năm trước thấy nhà mình rộng đã mở nhà coi trẻ tư nhân. Bởi quen bà mẹ Thanh đã lâu lắm, nhà cũng gần, thường hay qua lại thăm hỏi trò chuyện. Trang Chi Điệp thấy bà ta ăn nói không đứng đắn, liếc ngang liếc ngửa, hành vi lại rình rình mò mò, liền không thích bà ta đến nhà, đã từng bảo, bà ta coi trẻ sẽ làm hư các cháu, làm cho mẹ vợ không vui. Ngưu Nguyệt Thanh cũng từng trách chồng thành kiến với người ta. Đương nhiên khi Trang Chi Điệp ở nhà, bà Vương ít đến, bà chỉ sang luôn khi Trang Chi Điệp vắng nhà. Sáu tháng trước, bà Vương và bà già ngồi nói chuyện phiếm có nhắc đến Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh lớn tuổi rồi sao không đẻ đứa con mà nuôi. Nghe hỏi vậy bà già đau lòng, bà bảo, năm thứ hai sau khi cưới, thì con gái bà có thai, nhưng lại bảo đẻ sớm quá, đã đi nạo thai. Sau đó lại có chửa, lại bảo sự nghiệp công danh thành đạt rồi hãy đẻ, đem phá thai. Bây giờ cái gì cũng đã có, muốn có con thì không sao chửa được. Bà Vương bảo, bà có một phương thuốc bí mật, không những chửa được mà còn chắc đẻ con trai. Bà già mừng lắm bảo với Ngưu Nguyệt Thanh, Ngưu Nguyệt Thanh nước mắt ròng ròng nói với mẹ, chị đâu không muốn có con, nhưng không biết thế nào không có chửa. Mây năm nay Trang Chi Điệp không hiểu sao càng ngày càng bất lực, nói ra cũng lạ, khi không đụng đến, thì nói thánh nói tướng, khi đụng đến thì cứ mềm nhũn, đà đi khám nhiều thầy thuốc nhưng không hiệu quả, đã chuẩn bị sống suốt đời không bao giờ có con. Bà mẹ buồn rầu mấy ngày liền, mới nghĩ ra được một kế, bảo người chị kết nghĩa ở ngoại ô phiá Bắc đẻ thay, rồi bế đến nuôi. Như vậy xét cho cùng là họ hàng thân thích, dù sao cũng tốt hơn đi nhận con người ngoài về nuôi. May sao người chị này đã có chửa, bà vội tìm đến nói rõ tâm tư, người chị nọ thích quá, đồng ý luôn, nhưng bà già lại đò phải dẻ con trai mới bế về nuôi, buộc người chị họ phải đi bệnh viện kiểm tra bằng siêu âm B. Khi kiểm tra, xác định là con gái, đành phải nạo đi.

Bà già liền dẫn người chị đó đến gặp bà Vương. Bà Vương liền hướng dẫn: sau ba ngày có kinh nguyệt, thì phải gấp gáp giao hợp để thụ thai, sau đó bắt đầu uống thuốc của bà Vương. Mỗi ngày uống một thìa nhỏ vào buổi sáng và tối, không được chê đắng, uống xong, cửa mình có chảy một ít máu cũng đừng sợ hãi. Liền giao cho chị ta một lọ thuốc màu đen, đặc như tương. Bà già đương nhiên cám ơn hết lời, định trả tiền ngay. Bà Vương bảo đi đâu mà vội, đẻ con trai rồi trả cũng không muộn. Chỉ có điều bà Vương bảo thang thuốc này có một vị đáng giá nhất là trầm hương, phải nhập khẩu trầm hương , thang thuốc này người khác mua về pha chế, đầu tiên sẽ đáp ứng nhu cầu cấp bách cho chị Thanh. Nhưng phải mua được trầm hương để người ta pha thuốc. Thế là Ngưu Nguyệt Thanh tất bật khắp nơi tìm mua trầm hương. Trang Chi Điệp biết chuyện rất buồn, do đó đã hục hặc mấy câu

Hôm nay, thấy Trang Chi Điệp đã đi khỏi, bà Vương hớn hở vểnh đầu ngoáy tai bảo:

– Chị Thanh này, chị nghe thấy tiếng trẻ con ở nhà số 10 khóc rồi chứ? Vợ anh chàng bán than đã đẻ ba con vịt trời. Uống thuốc của tôi vào một cái là đẻ con trai luôn, mấy hôm nay tôi ngồi ở nhà anh ta, chỉ có chờ chị ta đẻ, anh chồng bảo: “Bà Vương ơi, nếu đẻ con gái thì bà khó đi khỏi đây đấy!”, tôi bảo: “Nếu không phải con trai, tôi trả anh tiền thuốc! Nếu đẻ con trai, thì đây là đứa hai mươi hai, uống thuô c của tôi đẻ ra”. Thế nào nhỉ? Quả nhiên là một thằng cu!

Ngưu Nguyệt Thanh cũng vui lây, bảo:

– Bà Vương ơi, tôi tin, tôi đã mua được trầm hương.

Bà Vương nói:

– Thế à? Đẻ ra thằng cu đừng có mà quên tôi đấy nhé!

Ngưu Nguyệt Thanh bảo bà Vương sang nhà ăn cơm y trà. Bà Vương bảo để hôm khác nhé.

Ngưu Nguyệt Thanh quên hết sợ hãi, một mình đi qua ngõ tối om om, về nhà lấy trầm hương. Trang Chi Điệp hỏi:

– Bà Vương lại nói chuyện đẻ con phải không?

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

– Cái liều thuốc bí mật linh thật. Đứa con của người buôn than là nhờ uống liều thuốc bí mật của bà ấy.

Trang Chi Điệp thấy vợ lấy trầm hương, hỏi mua bao nhiêu tiền. Ngưu Nguyệt Thanh bảo năm trăm đồng. Trang Chi Điệp bực quá vươn cổ lên đi xuống bếp ăn cháo, ăn xong một bát, liền chui vào trong màn đi ngủ.

Ngưu Nguyệt Thanh và mẹ trở về vui vẻ lắm. Ăn cơm xong liền đem chậu nước vào buồng rửa chân, vừa rửa vừa kể cho Trang Chi Điệp nghe bài thuốc bí mật của bà Vương là do người thư ký của Hồ Tông Nam truyền cho bà. Khi còn sống, người thư ký ấy không hề hé răng nói một chữ, sắp gục xuống rồi, thương bà Vương nửa đời về cuối không có nơi nương tựa, đã cho bà liều thuốc gia truyền để kiếm ăn.

Trang Chi Điệp không nói gì, Ngưu Nguyệt Thanh rửa xong, xịt nước hoa lên người, thay chậu nước sạch bảo chồng cũng rửa chân. Trang Chi Điệp bảo mình không khoái, Ngưu Nguyệt Thanh mở màn, cởi quần áo của chồng, bảo:

– Anh không khoái, nhưng em khoái! Bà Vương lại cho ít thuốc. Mình cũng uống thử xem, nếu em có chửa thật thì khỏi phải nhận con nuôi của chị họ. Nếu mình vẫn không được, thì chị họ đẻ ra, bí mật đưa cho mình, một là mình có người nối dõi, cũng đào tạo thành một nhà văn, hai là thằng bé lớn khôn, đã gắn bó càng thêm gắn bó, không thay lòng đổi dạ phản bội chúng mình.

Trang Chi Điệp nói:

– Anh không muốn gặp hai vợ chồng chị kết nghĩa của em, lần nào đến cũng khóc lóc kêu nghèo, hết đòi cái này lại xin cái kia. Bọn họ tích cực có chửa như thế, chửa rồi lại nạo, nạo xong lại chửa. Anh đã thừa hiểu, hoàn toàn là có mưu mô bòn rút số tài sản này của chúng ta.

Ngay tức khắc Trang Chi Điệp bị Ngưu Nguyệt Thanh dựng dậy, lấy nước lau rửa nửa người phiá dưới, rồi cả hai chui vào màn, tắt điện.

Trang Chi Điệp biết mình sức dai yếu, cứ nắn bóp vuốt ve vợ mãi.

**** (tác giả cắt đi một trăm mười một chữ)

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

– Chưa biết chừng mình thành cũng nên. Anh kể nữa đi, kể nhiều chuyện người thật việc thật vào.

Trang Chi Điệp nói:

– Đào đâu ra nhiều chuyện người thật việc thật mà kể cho em cơ chứ? Thành thì thành, không thành thì thôi. Những nhân vật lớn đều là trước không có cố nhân, sau không có người nối dõi thôi em ạ?

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

– Anh là danh nhân, nhưng trong thành Tây Kinh, tiếng tăm của Uông Hy Miên còn lớn hơn anh, làm thế nào mà người ta có được những ba đứa con trai thế nhỉ? Nghe đâu còn có một cậu con riêng đã năm tuổi.

Trang Chi Điệp nói:

– Nếu em không gây rắc rối, chưa biết chừng anh cũng sẽ có con riêng.

Ngưu Nguyệt Thanh im lặng. Tự dưng Trang Chi Điệp cuống cuồng lật người đòi chơi. Ngưu Nguyệt Thanh chỉ còn biết kêu ư ử.

– Đi đâu mà vội nào, đi đâu mà vội nào?

Trang Chi Điệp đã lập tức xỉu đi, không động đậy được nữa, khiến Ngưu Nguyệt Thanh bực tức đến mức hất luôn chồng xuống, mắng xơi xới:

– Chỉ được cái tưng tưng bật bông, ba hoa tán dóc, chưa chi đã mềm rũ rù rù ra, lại còn muốn có con riêng!

Trang Chi Điệp đã hoàn toàn mất sức chiến đấu. Ngưu Nguyệt Thanh thì đang cơn hăng, cứ bắt chồng dùng tay thoả mãn cho mình. Được một lúc hai người nằm quay lưng vào nhau, suốt đêm chẳng ai nói với ai một lời.

Sáng hôm sau, Ngưu Nguyệt Thanh quệt nước mắt đòi chồng cùng đi với mình đến nhà chị kết nghĩa đưa thuốc. Trang Chi Điệp không đi. Ngưu Nguyệt Thanh giận dỗi hừ một tiếng , buồn rười rượi đi một mình. Trang Chi Điệp ngồi ở nhà một lúc, cũng thấy ngao ngán liền đi đến nhà máy thuốc bảo vệ thực vật “101” ở ngoại thành lấy tài liệu về viết bài ký về giám đốc Hoàng. Cuộc đi thăm lấy tài liệu rất đơn giản, nghe giám đốc Hoàng tự giới thiệu, rồi đi xem cơ sở gia công đóng gói đơn giản, chi một buổi tối Trang Chi Điệp viết xong bài báo. Khi đi nộp bản thảo cho toà soạn, thì trong lòng lại bồi hồi rung động, định nhân thể đến thăm Đường Uyển Nhi.

Đã đi đến chỗ ngã tư trước am ni cô, Trang Chi Điệp chợt thấy có phần hồi hộp căng thẳng. Anh không biết Chu Mẫn có ở nhà hay không, cho dù không ở nhà, thì Đường Uyển Nhi sẽ thế nào với mình đây. Buổi trao đổi kinh nghiệm vừa rồi với Nguyễn Tri Phi, khiến anh ra sức cổ vũ lòng dũng cảm. Nhưng hiện thực đối xử với Cảnh Tuyết Ấm năm nào làm anh khiếp sợ. Huống hồ, nghĩ đến những biểu hiện bất lực trước Ngưu Nguyệt Thanh, anh cảm thấy buồn rầu, bản thân càng ngày càng không giống một người đàn ông nữa, song lại thấy hễ nghĩ đến Đường Uyển Nhi là xao xuyến rung động, không rõ có duyên phận gì với người đàn bà này! Cứ suy nghĩ đắn đo như vậy, trong đầu rối tinh rối mù, trở đi trở lại mãi, cuối cùng đã bước chân vào một quán rượu nhỏ cạnh đường, gọi một đĩa lòng lợn hun khói, một chai bia ngồi uống một mình. Đây là một nơi chỉ có hai mươi mét vuông, tường chung quanh xây gạch xanh không trát vữa. Trên quầy gỗ trắng thô xếp các hũ rượu theo thứ tự, phủ nắp vò bằng vải đỏ. Trên tường phiá nóc quầy treo một cái cây gỗ kiểu cũ một cách lạ lùng, thể hiện rõ phong cách cổ xưa chất phác của làng quê. Trang Chi Điệp thích nơi này, làm cho tâm trạng nôn nóng của anh dịu đi, tâm tư tình cảm bâng khuâng, trở về với từng cảnh sống ở Đồng Quan thời niên thiếu. Người ở trong quán rượu không đông, lúc đầu có mấy người buôn thúng bán mẹt bày bán hàng lặt vặt ở ngoài cửa, vừa coi quầy hàng, vừa nói chuyện tào lao với chủ quán. Một ly rượu nhỏ xíu nhấm nháp mãi không hết. Sau đó có một người đàn ông bước vào, đứng trước quầy chẳng nói chẳng rằng, chủ quán liền lập tức lấy gáo múc đầy rượu rót vào cốc nhỏ, người đàn ông bưng lên ngửa cổ uống, tay móc tiền trong túi, chớp chớp mắt nhìn chủ quán hỏi:

– Ông cho nước vào phải không?

Chủ quán đáp:

– Anh định phá quán rượu của tôi hả? Phá quán này, thì một ngày ba lần không có ai hầu anh đâu đấy!

Người đàn ông cười, đi ra. Quán rượu lại vắng vẻ chỉ có Trang Chi Điệp và một ông khách già ngồi ở cuôi góc tường. Ông già tóc đã bạc da mồi, song ánh mắt còn sáng quắc, uống rượu trắng, nhắm với một đĩa đậu tương muối, dùng ngón tay cái ngón tay trỏ và ngón tay giữa bưng và đỡ bát rượu. Trang Chi Điệp biết ông là người cầm bút. Trong quán rượu nhỏ như thế này, Trang Chi Điệp thường gặp một số giáo sư quen biết, hoặc những học giả của Quán văn sử đầy tài năng học vấn. Họ ăn vận giản dị chất phác, dáng dấp hiền lành, bọn trẻ vô công rồi nghề say rượu thường hay coi khinh họ, cứ tưởng họ là công nhân về hưu, hay cán bộ trung cấp của cơ quan đã lui về tuyến hai, giành giật cái ghế của họ, chen họ sang một bên khi xếp hàng mua thức ăn. Trang Chi Điệp không quen biết ông già này, song trong bụng thầm nghĩ, có lẽ lại là một người thông thái. Anh luôn luôn nhìn ông già uống rượu, hy vọng ông già ngẩng mặt lên nhìn mình, song lại sợ ông già nhìn thấy mình, bởi vì những con người thành tinh này, sẽ lập tức nhìn thấu ruột gan anh, trước mặt họ, anh hoàn toàn là một người thủy tinh. Ông già vẫn không nghiêng ngó đi đâu, tay cầm hạt đậu cho vào mồm, nhai xong, rồi bê bát rượu lên húp, tự vui với chính mình. Bỗng dưng Trang Chi Điệp cảm thấy mình sống mệt mỏi quá, bất lực quá, thậm chí rất bỉ ổi.

Lúc này liền nghe thấy tiếng dạo nhạc réo rắt xa xa vọng tới, mỗi lúc một to dần. chủ quán rượu chạy ra cửa xem. Trang Chi Điệp cũng chạy ra theo. Thì ra đó là đám rước tro xương của một gia đình trong ngõ. Tro xương của người chết từ lò thiêu chở về đầu ngõ. Ban kèn trống đã dẫn dắt mấy chục con cháu hiếu thảo nhận hộp tro xương, đốt giấy tiền đốt pháo, sau đó quay về, nhạc lại nổi lên. Trang Chi Điệp đã xem nhiều cảnh đám ma, song tiếng kèn sáng hôm nay đã khiến anh hết sức cảm động, cảm thấy thâm trầm thong thả, từng tiếng từng tiếng đi vào tai, theo dòng máu chảy khắp các đường gân thớ thịt trên người, lại xua tan không khí buồn chán mệt mỏi trong từng khớp xương mà biến thành một tiếng thở dài. Anh hỏi chủ quán:

– Họ thởi thứ nhạc gì vậy ông?

Chủ quán đáp:

– Đây là loại nhạc đám ma được cải biên từ làn điệu tiếng khóc phách chậm của Tần Xoang.

Trang Chi Điệp nói:

– Nhạc điệu này hay quá!

Chủ quán trố mắt bảo:

– Anh này lạ nhỉ? Nhạc kèn đám ma lại khen hay? Cho dù hay đấy, thì cũng không thể mở nghe trong gia đình như nghe các ca khúc đang thịnh hành phải không nào?

Trang Chi Điệp không nói nhiều, trở lại ngồi chỗ cũ. Đầu kia của chiếc bàn ăn uống có một chàng trai đeo kính trắng mới đến ngồi, vừa gọi một chai bia, một đĩa gan lợn xào, vừa lấy từ trong túi ra một quyển tạp chí giở xem. Chàng trai đọc chăm chú lắm, luôn luôn khe khẽ cười một mình. Bây giờ hiếm có người đọc sách say sưa như thế lắm. Trang Chi Điệp thầm nghĩ, văn chương trong thiên hạ đều do nhà văn bịa đặt ra, song đã làm cho người đọc mừng giận buồn vui. Người ta biết quá trình viết văn của anh, cho nên vợ anh thường xem nhẹ văn chương của chồng, song khi đọc sách của người khác viết, thì đã từng chảy dàn dụa nước mắt. Chàng trai đột nhiên chép miệng, phát ra tiếng kêu rất to. Trang Chi Điệp đoán chắc đọc đến đoạn nhân vật quan trọng trong sách đang ăn thứ gì ngon lắm. Lúc này hai tay cầm quyển sách kia, một tay buông ra cầm đôi đũa ở trước mặt, xọc thẳng vào trong đĩa của Trang Chi Điệp gắp một cái trúng ba miếng dồi lợn hun khói, nhét vào mồm ở sau cuốn tạp chí một cách chính xác. Một lát sau, đôi đũa lại thò tới, gắp thêm hai miếng ăn tiếp. Trang Chi Điệp cảm thấy vừa buồn cười vừa bực tức cầm đũa gõ canh cách xuống mặt bàn. Người đọc giật mình bỏ quyển tạp chí xuống nhìn anh, kêu “ồ” lên một tiếng, cúi xuống nhổ miếng dồi hun khói trong mồm ra nền nhà, nói:

– Xin lỗi, xin lỗi, em đã ăn nhầm.

Trang Chi Điệp cười hỏi:

– Văn chương gì mà hấp dẫn cậu thế?

Chàng trai đáp:

– Anh không biết đâu, đây là chuyện viết về Trang Chi Điệp. Anh có biết Trang Chi Điệp không? Ông ấy là nhà văn. Trước kia em chỉ đọc sách của ông ấy. Thì ra ông ấy cũng chẳng khác gì người thường chúng ta.

Trang Chi Điệp hỏi:

– Thật không? Trên đó viết gì vậy?

Chàng trai đáp:

– Lúc còn bé ông ấy là một đứa trẻ ngu dốt. Lúc học tiểu học chỉ cảm thấy thầy giáo là người vĩ đại nhất thế giới. Có lần vào nhà vệ sinh đi tiểu, gặp thầy giáo cũng đi tiểu, thế là ngáo ngơ hỏi: “Thầy giáo cũng đi đái ư?”. Cứ làm như thầy giáo là người không đi tiểu tiện, đại tiện cơ chứ! Đương nhiên thầy giáo đã trợn mắt nhìn lại, không nói gì. Cậu ta vẫn còn nhìn rồi hỏi: “Thầy giáo cũng vậy ư?”, kết quả là thầy giáo đã nhận xét cậu ta là hạnh kiểm kém, lại còn nói với phụ huynh, ông bố đánh cậu ta một trận.

Trang Chi Điệp nói:

– Chuyện ấy quả thật là láo toét.

Chàng trai hỏi:

– Láo toét ư? Bài báo này viết vậy mà. Anh tưởng những vĩ nhân ngay từ bé đã vĩ đại phải không?

Trang Chi Điệp bảo:

– Cậu cho mình xem nào.

Cầm quyển tạp chí thì chính là “Tạp chí Tây Kinh” số mới ra, đầu đề của bài văn là “Câu chuyện của Trang Chi Điệp”, người viết là Chu Mẫn. Đây là bài của Chu Mẫn viết ư? Trang Chi Điệp vội vàng đọc lướt một lượt. Bài văn toàn ghi lại những chuyện nghe được ở ngoài đường phố, song hấp dẫn và sinh động thú vị lắm, liền nghĩ bụng để mình xem mình thế nào. Thế là Trang Chi Điệp đọc đến chỗ Trang Chi Điệp khảng khái mà keo kiệt như thế nào, có thể cho người khác hẳn một con dê, song sau khi về nhà lại đi đòi đoạn dây thừng dắt dê, bảo chỉ cho dê chứ không cho thừng. Rồi Trang Chi Điệp thông minh và ngu xuẩn như thế nào, đọc “Đêm qua mưa thưa gió giật. Giấc nồng không khử hết rượu tàn”. Thử hỏi người cuộn mành lại bảo “Hải đường như cũ” biết không? Biết không. Trả lời: xanh thì béo đỏ thì gầy của Lý Thanh Chiếu. Liền nhận định Lý Thanh Chiếu tả sự việc trong đêm tân hôn, nhưng lại không xem được đồng hồ chỉ thời gian chạy tàu, rồi chuyện Trang Chi Điệp làm cho người ta vui vẻ mà lại khó xử như thế nào, có thể dạy người ta cách phân biệt ruồi đực ruồi cái, là xem con ruồi đậu ở chỗ nào, đậu ở trên gương là con ruồi cái, ruồi cái cũng thích đẹp. Nhưng ở nơi công cộng luôn luôn bị người ta kéo đi chụp ảnh làm kỷ niệm, liền nhăn nhó bảo kiếp trước làm thân con ngựa, con ngựa ấy không phải ngựa chiến, cũng không phải ngựa thồ, mà là con ngựa ở nơi du lịch khoác dải màu để người ta cưỡi lên chụp ảnh, rồi đau lòng rơi nước mắt. Trang Chi Điệp còn đọc tiếp, liền đọc đến chuyện yêu đương của Trang Chi Điệp, thì kể ra khi còn làm việc ở một toà soạn năm nào, Trang Chi Điệp đã tâm đầu ý hiệp với một cô cùng đơn vị như thế nào, như keo như sơn ra sao, nhưng đã trục trặc như thế nào để đến nỗi cuối cùng không thành vợ thành chồng. Trang Chi Điệp chau mày lai, những chuyện ở đoạn trên ly kỳ hoang đường như thế nào thì cũng chẳng hại đến ai, còn chuyện tình yêu này thì dính dáng đến người khác lại dám nói đùa sao? Tuy không chỉ mắt vạch tên cô gái ấy là ai, nhưng khuôn khổ sự việc hoàn toàn là chuyện đã xảy ra với Cảnh Tuyết Ấm. Nhưng lúc đó quan hệ với Cảnh Tuyết Ấm tốt đẹp, bây giờ cũng hối hận. Tuy trong lòng như lửa đốt mà trong mấy năm không dám động tới một sợi tóc của cô ấy, thậm chí không có một cái bắt tay bình thường. Bây giờ viết như thế này, thì dường như đã xảy ra tất cả mọi chuyện. Thế thì hai bên đều có gia đình con cái, chồng Cảnh Tuyết Ấm đọc bài viết này sẽ suy nghĩ như thế nào? Ngưu Nguyệt Thanh sẽ nghĩ ra sao? Mỗi sự việc đều dường như có cái bóng, song hoàn toàn không phải là cái dáng đã viết bây giờ. Chu Mẫn lấy đâu ra tài liệu này? Điều làm cho Trang Chi Điệp không yên tâm hơn hết là nếu Cảnh Tuyết Ấm đọc bài viết này, chị ấy sẽ nhìn nhận mình thế nào, chắc cho rằng Trang Chi Điệp ta đây đã cung cấp những chuyện giấu kín đó, là để khoe khoang bản thân, đã phải tung ra những chuyện chơi bời trai gái, nhằm đề cao uy tín và tên tuổi của mình có phải không? Nếu chồng chị truy hỏi tất cả mọi chuyện này, thì Cảnh Tuyết Ấm sẽ thế nào nhỉ? Trang Chi Điệp buồn khổ, đặt quyển tạp chí xuống, chẳng còn tâm tư nào đi gặp Đường Uyển Nhi nữa, tất ta tất tưởi đi đến toà soạn “Tạp chí Tây Kinh”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.