Hảo âm thầm bám theo Lý đến một bến sông vắng vẻ. Trông bộ dạng láo liên của hắn, đoán chắc sắp có chuyện gì mờ ám. Rất nhanh, nhỏ bắt gặp một bóng dáng khác đang đứng dưới gốc đa gần mé sông, phải nhìn một lúc mới nhận ra là lão Sâm.
Vô cùng lấy làm lạ về cuộc gặp mặt bí hiểm của hai người này, Hảo len lén tiến lại gần và núp sau một cái cây, nghe ngóng cuộc đối thoại ấy. Tiếng lão Sâm vang lên trước, khen tên Lý làm rất tốt rồi đưa bạc cho. Hắn cười hề hề mau chóng cất bạc vào túi áo, rồi hỏi liệu xã trưởng có bị xử tội chết không. Giọng lão đầy khẳng định, dĩ nhiên vì giết con trai tri phủ cơ mà! Đến đấy, Hảo cố nghe kỹ hơn. Thấy Lý dường như lo lắng điều gì, lão Sâm giả vờ trấn an:
“Việc sắp xếp ngươi làm nhân chứng và chôn con dao sau nhà họ Triệu, ta ra tay rất kỹ lưỡng nên ngươi cứ yên tâm.”
Hảo bất động vì nghe rõ từng câu từng chữ, vậy ra tên Lý đó bị lão Sâm mua chuộc ra làm nhân chứng giả, còn con dao vấy máu cũng do lão chôn giấu hòng đổ tội cho Tưởng. Lý do lão làm thế là gì? Một suy đoán khinh khủng lướt qua Hảo: Lẽ nào chính lão giết cậu Kiên? Hảo bần thần, nhưng vì sao lão phải ra tay với cậu?
Ánh mắt Hảo hoang mang mơ hồ, bên tai lại nghe tiếng lão nhắc hắn phải cẩn thận giữ kín chuyện này. Lý cười cả nể bảo mình có chết cũng không nói ra bí mật động trời này. Rồi đột nhiên, Hảo nhận thấy chất giọng lão Sâm thay đổi:
“Vậy ta sẽ đưa ngươi đến một nơi mà không ai tìm thấy ngươi.”
Lý liền hỏi là đâu. Không quá lâu, Hảo liền nghe một âm thanh “hự” và tiếng hắn rên lên đau đớn, nhỏ đưa mắt nhìn ra. Con ngươi đứng yên khi nhỏ chứng kiến cảnh lão Sâm đâm một nhát vào bụng tên Lý, do không ngờ nên hắn chẳng kịp chống đỡ.
“Đó chính là âm tào địa phủ”, buông lời gian ác xong lão thẳng tay đẩy hắn rớt xuống sông. Chỉ một loáng sau, mặt sông đã lênh láng máu đỏ. Hảo thất kinh quay đi, lấy tay bịt miệng lại. Lão vừa giết người bịt miệng! Trong lúc nhỏ cố gắng để đừng bị phát hiện thì lão Sâm quan sát xung quanh xong mau chóng rời khỏi bờ sông.
Lén nhìn theo bóng dáng đó khuất dần, bấy giờ Hảo mới vội vàng rời chỗ nấp, chạy đi. Về đến phủ nhà, nhỏ hộc tốc vào phòng tìm Quyên.
…
Trịnh tri phủ bước vào nhà lao xem thử Tưởng đã chịu điểm chỉ nhận tội chưa. Đến phòng tra hỏi, ông thấy Tưởng ngồi yên lặng trước bản tội trạng được viết bởi tri huyện Xuyên, còn đám cai đinh thì liên tục yêu cầu cậu điểm chỉ. Ông đằng hắng giọng, họ liền đứng dậy cúi đầu. Ông hỏi tình hình thế nào rồi, tên cai trưởng thở dài lắc đầu nói Tưởng cứng đầu không chịu y theo lệnh nên chưa biết phải làm gì. Trịnh tri phủ bước đến trước mặt Tưởng, bảo:
“Đừng nghĩ ta chịu thua, nhất định ta sẽ bắt ngươi điểm chỉ nhận tội.”
Tưởng chậm rãi ngước nhìn, ban đầu thì cười nhạt nhẽo tiếp theo là kiên quyết:
“Dù có chết, tôi cũng không nhận tội.”
Đôi mắt lạnh lẽo đến cay độc, ông ra dấu cho đám cai đinh. Họ hiểu ý, liền kéo Tưởng đứng dậy, tháo xiềng xích ở tay ra đồng thời lôi đến giá gỗ, dùng dây thừng cột hai tay cậu lên đó. Nhanh chóng hiểu ra điều này, Tưởng hướng đôi mắt lạnh băng về phía Trịnh tri phủ hỏi ông muốn dụng hình tra khảo để buột cậu nhận tội sao? Ông phủi nhẹ vạt áo, ngồi xuống ghế:
“Triều đình ra lệnh hạn chế dụng hình đối với phạm nhân, nhưng với kẻ ngoan cố như ngươi thì chẳng còn cách nào khác. Chết ư? Không dễ dàng vậy đâu… Các ngươi đánh mạnh cho ta, đánh đến khi nào hắn chịu điểm chỉ thì thôi!”
Tên cai đinh y lệnh, cầm roi thừng lên và quất mạnh vào Tưởng. Cậu nghiến răng chịu đau, dây roi như xé toạc da thịt, tạo thành vết thương rướm máu. Những quật roi liên tục giáng xuống. Còn Trịnh tri phủ thì ngồi quan sát cảnh Tưởng bị đánh đến xước quần xước áo, máu tứa ra nhưng vẫn cắn môi kìm nén tiếng la đau đớn. Ông muốn thử xem sức chịu đựng của tên xã trưởng ấy đến đâu, là dây roi hay da thịt sẽ chiến thắng.
Trận đánh roi dữ dội đó đã hành hạ Tưởng gần một canh giờ. Dẫu cố chịu đựng cái đau tê tái, rã rời trên từng mảng da thịt nhưng cậu vẫn ngất đi đến hai lần và bị cai đinh tạt nước cho tỉnh dậy, tiếp tục đánh. Được một lúc, Trịnh tri phủ giơ tay yêu cầu dừng lại. Tên cai đinh thở mệt nhọc, còn ông tiến lại gần chỗ Tưởng đang rũ đi trên giá gỗ với gương mặt bợt bạt đẫm mồ hôi, bờ môi ri rỉ máu do răng cắn quá chặt và toàn thân đầy vết roi ngang dọc.
“Ngươi cũng giỏi chịu đòn thật.”
“Ngài… cứ đánh chết tôi đi…” Tưởng ngoẹo đầu mệt mỏi, đôi mắt lim dim.
Trịnh tri phủ cười khỉnh, bản thân đâu dại gì giết chết tội phạm sắp lãnh án. Ông còn muốn cảnh tra khảo này diễn ra thêm vài lần nữa, cho đến khi nào Tưởng điểm chỉ vào bản tội trạng. Dây trói tay được cởi ra, cả người đau đến mức Tưởng gần như khụy xuống nhưng được cai đinh dìu đỡ kéo lê về phòng giam. Họ không chút nương tình khi ném cậu xuống đống rơm.
Tiếng xích khóa cửa khua lẻng xẻng, ở bên trong, Tưởng nghiến răng nhăn mặt bởi chẳng tài nào lật nổi người để nằm ngửa lại. Mỗi nơi trên da thịt đều đau nhói, những vết thương tươm máu bị rơm rạ cạ vào càng thêm rát buốt. Cậu hiểu, thời gian tới mình sẽ còn chịu đựng sự dụng hình này nhiều lần nữa, liệu bản thân có đủ sức vượt qua. Chỉ e cậu sẽ chết trong lúc bị đánh. Với ý nghĩ miên man và cái đau hành hạ, Tưởng chìm vào giấc ngủ tê tái.
***
Sau khi nghe Hảo kể lại chuyện lão Sâm giết Lý diệt khẩu, Quyên quyết định đến tìm Trịnh tri phủ. Đứng chờ ở ngoài cửa phòng khá lâu, cô mới thấy ông trở về. Nhận ra con gái Đỗ tri huyện, ông hỏi cô về xã Thổ lúc nào. Quyên đáp đã được hai ngày, cũng định chào ông một tiếng. Trịnh tri phủ biết Quyên đến là vì cái chết của Kiên, nhưng khi nghe cô nói về việc Tưởng không phải hung thủ thì ông ngạc nhiên.
“Con có biết mình đang nói gì không?” Ông trầm tư.
“Thưa, từ đầu con đã không tin Tưởng giết Kiên. Giết người, phải có mục đích.” Quyên lập luận, “Hai người là bằng hữu thân thiết, chẳng có lý do gì Tưởng làm vậy.”
“Lòng dạ con người khó đoán lắm.”
“Con hiểu ngài đau khổ vì cái chết của Kiên, nhưng ngài đừng nên hồ đồ.”
Bị một hậu bối nói mình hồ đồ, Trịnh tri phủ không khỏi tức giận:
“Ta chỉ căn cứ vào nhân chứng, vật chứng mà chỉ ra tội ác của Triệu Tưởng!”
Quyên lập tức đáp rằng: “Tất cả những điều đó chỉ do dàn dựng sắp xếp”. Hiển nhiên, ông đã nhìn cô bằng ánh mắt đầy nghi hoặc. Nghe Quyên thuật lại chuyện Hảo chứng kiến, ông đập tay vào cửa, quát:
“Hàm hồ! Việc gì phó xã trưởng lại làm thế? Ông ta không thù oán với Kiên, cớ gì giết nó? Điều con nói chẳng có chứng cứ, tất cả chỉ là lời kể của một con bé hầu!”
“Vậy thì Tưởng cũng không thù oán gì với Kiên, chuyện ở quán rượu có thể do…”
Trịnh tri phủ mau chóng giơ tay lên ngăn, cất giọng lãnh đạm khi nói:
“Ta vốn hiểu rõ con từng thương Tưởng vì vậy đang cố giúp hắn thoát tội.”
Quyên tròn xoe mắt, càng ngạc nhiên hơn vì nghe ông hỏi mình làm thế mà không thấy có lỗi với Kiên sao?
“Phải, con thừa nhận mình không muốn Tưởng bị tội, nhưng hơn hết con làm là vì Trịnh Kiên! Kiên bị chết oan, con cũng đau đớn chẳng thua gì ngài.” Quyên trả lời.
“Với cách làm này mà con nói rằng mình đau đớn ư?”
Quyên nhìn sâu vào đôi mắt lạnh lùng đó, kiên tâm đáp lại rằng:
“Điều con làm là tìm ra hung thủ thực sự đã giết Kiên. Nhưng còn ngài, ngài chỉ đang muốn dùng một người khác thế thân để khỏa lấp nỗi đau mất con mà thôi.”
Nét mặt Trịnh tri phủ đanh sắc hơn, không muốn nói gì thêm nên đẩy nhẹ cửa phòng bước vào. Trước khi đóng lại, ông bảo khi nào Quyên tìm ra nhân chứng vạch tội lão Sâm thì hãy đến đây. Cánh cửa đóng mạnh ở trước mặt, Quyên nhắm mắt khi nghĩ tên Lý đã bị giết mất rồi đâu!
Đứng sau bức tường gần đó, Hảo đã nghe hết cuộc nói chuyện nãy giờ. Nhỏ nhận ra, việc vạch trần lão Sâm đã trở nên khó khăn. Thế nhưng nhỏ vẫn nhất quyết tìm bằng được hung thủ thực sự.
***
Quyên vào phòng giam cốt muốn hỏi Tưởng thêm vài điều, lần trước gặp mặt hai bên chẳng nói được gì với nhau nhiều. Đến nơi, cô bị đám cai đinh ngăn lại, nói là chỉ thị của Trịnh tri phủ không cho phép bất cứ ai vào thăm Tưởng. Quyên liền bảo mình đã hỏi ông rồi và nhận được sự đồng ý. Thấy hắn còn lưỡng lự, cô nói sẽ chịu trách nhiệm nếu ông có trách phạt.
Lúc vào đến phòng giam, Quyên sửng sốt khi trông cảnh Tưởng nằm trên đống rơm với thân thể đầy vết roi đánh rướm máu. Mau chóng, cô cất tiếng gọi. Mãi một lúc sau, Tưởng mới khẽ khàng mở mắt, mệt mỏi nhận ra Quyên. Nghe chất giọng gấp gáp ấy, cậu mím môi và cố dựng cơ thể đau buốt rã rời dậy, nhích lại gần cửa phòng giam. Qua khe hở của những thanh ngang, Quyên lo lắng lẫn kinh ngạc:
“Ngươi… bị dụng hình? Trịnh tri phủ đã ra lệnh đúng không?”
Tưởng ôm người ho nhẹ, chẳng đáp. Nhưng tự Quyên cũng đã có câu trả lời, ngoài ông ra thì còn ai nhẫn tâm đến mức này. Nhìn những vết thương tươm máu trên quần áo xước rách, cô không khỏi đau lòng. Hết Kiên rồi lại đến Tưởng, cô thấy mình bất lực trước bi kịch của hai chàng trai.
“Ta sẽ cho thầy lang đến chữa thương giúp ngươi.”
Lập tức lên tiếng ngăn lại, Tưởng nhìn Quyên bằng ánh mắt đầy khẩn khoản:
“Xin cô Quyên giúp tôi một việc… Tôi muốn gặp Tằm lần cuối…”
Quyên chợt bất động, không phải vì Tưởng muốn gặp Tằm mà là bởi hai từ lần cuối đó thực sự mang ý nghĩa gì?