Mỗi khi tâm trạng không tốt, tôi lại lôi phim EXO nhà bên ra xem lại một lần. Nữ chính trong phim này đúng là không thể dùng hình tượng Mary Sue để hình dung được, bởi vì đây không phải Web drama*, cũng chẳng phải phim thần tượng, nó vốn là phim làm riêng cho người hâm mộ.
*Web drama là thuật ngữ chỉ những bộ phim truyền hình được thực hiện để chiếu trên mạng.
Cô nữ chính tóc tai rối bù, mặc bộ đồ ngủ, nằm dài trên sô pha nhai bim bim “rôm rốp” không phải chính là bức tranh chân dung chân thực nhất của tôi đó sao?
Tôi xem phim quá nhập tâm, đến nỗi phải nhảy cẫng lên nói với Mr. Bu, “Sao em không thể trở thành chủ nhà cho idol của em thuê nhà?”.
“Đầu tiên, em phải sở hữu căn chung cư hai tầng cao cấp sang trọng, đủ đẳng cấp cho EXO của em thuê đã.”
Tôi rất trịnh trọng vỗ vào vai của Mr. Bu, “Anh cố gắng kiếm tiền đi!”.
Thế mà anh lại không hề phản bác tôi.
Nữ chính tặng cho hàng xóm mới một hộp bánh Tteok, đôi mắt của bốn anh nam chính tỏa sáng dịu dàng, kết hợp với nhạc nền, bánh tỏa hương thơm ngào ngạt. Tôi đang ra sức hít hà thì Mr. Bu nói, “Chỉ là mấy cái bánh Tteok thôi mà, có phải lẩu cung đình đâu, xa thế mà em cũng ngửi được mùi thơm chắc?”.
Được rồi, cái này tôi nhịn! Nhưng lúc nam nữ chính phát hiện ra mình chính là thanh mai trúc mã của nhau, Mr. Bu lại xen miệng vào, “Quảng cáo gì mà thô thế, kể cả LINE là nhà tài trợ, cũng không thể để nhân vật từ thời thơ ấu đã mặc trang phục của họ như thế được, còn đeo cả ba lô thương hiệu đó nữa”. Tôi hoàn toàn suy sụp, hét lên, “Anh biến đi!”.
Mr. Bu còn hừ mũi khinh thường, “Không phải mọi khi em thích làm phụ đề lắm sao? Anh đọc phụ đề trực tiếp cho em luôn”.
“Đây vốn là phim làm để tặng cho người hâm mộ, anh còn soi mói tình tiết như thế, anh bị trúng gió thì có!”.
Tôi đuổi anh đi chỗ khác, nhưng anh quyết không đi, còn rất nhàn rỗi lấy bơ, thanh long và đủ đủ ra trộn salad hoa quả, vừa ăn vừa “làm phụ đề”, “Em đuổi anh đi, anh càng không đi, anh cứ ngồi đây xen mồm vào đấy, cho em không tập trung xem phim được thì thôi”.
Tôi và Mr. Bu mãi mãi không cùng một hệ không gian.
Nhưng điều này chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống ngọt ngào của hai chúng tôi.
072.
Mr. Bu không hút thuốc, không nghiện rượu nên rất ít khi anh say.
Còn nhớ có một lần tụ tập bạn bè, chưa tan tiệc mà Mr. Bu đã gọi điện cho tôi.
“Bà xã…”
Tôi vừa nghe là đã biết anh uống nhiều rồi, vì bình thường anh rất ít khi gọi tôi là “bà xã”.
“Anh đang ở đâu? Bao giờ về?”.
“Bà xã…”, Mr. Bu hoàn toàn không định trả lời câu hỏi của tôi.
Nghe giọng nói của anh, có vẻ như đang chuẩn bị bộc bạch những lời thật lòng sau khi say rượu? Vừa nghĩ thế tôi đã có chút kích động. He he, tôi ra vẻ điềm nhiên, hỏi, “Ừm, anh muốn nói gì nào?”.
“Bà xã… mấy giờ rồi?”.
“Chết tiệt!”.
Một tiếng sau, có hai đồng nghiệp đưa anh về tới nhà, tôi khó khăn lắm mới dìu được anh lên sô pha.
“Bà xã…”, anh nắm lấy tay tôi.
“Buông ra!”, tôi ra sức giãy giụa. Nếu anh chẳng nói được câu nào ăn nhập với tình sử lãng mạn của chúng ta thì buông ra đi nhé!
Đúng lúc đó, “Bà xã… Anh yêu em…”.
Tôi quay phắt người lại, người nào đó sau khi dốc nốt chút sức lực cuối cùng để thổ lộ thì đã chìm sâu vào giấc ngủ rồi.
073.
Mr. Bu vẫn luôn thích nuôi một con Samoyed, nhưng tôi bị mắc chứng sợ động vật.
Anh từng thử giúp tôi khắc phục những chướng ngại tâm lý, tuần tự từng chút một, đầu tiên là nuôi cá vàng, sau đó là chuột Hamster. Thế nhưng, hai con chuột Hamster nhà tôi từ lúc sinh ra cho tới khi tạ thế, tôi vẫn không dám chạm vào chúng.
Nhưng dù sao cũng chung sống với nhau hai năm trời, lúc chôn chúng, tôi đã khóc.
Tôi quệt hết nước mắt nước mũi vào người Mr. Bu, “Chúng ta sẽ không bao giờ nuôi con gì nữa, đến lúc chúng chết đi, em buồn lắm, không chịu được”.
Mr. Bu ôm lấy tôi, “Được, chúng ta không nuôi nữa”.
Từ đó trở đi, anh không bao giờ nhắc tới chuyện nuôi thú cưng nữa.
Sau này, tôi cùng Mr. Bu về thăm quê anh, nhìn thấy cuốn sổ nhật ký của anh thời tiểu học có viết, “Tôi thường xuyên tưởng tượng ra cảnh ngôi nhà của mình trong tương lai, nắng chiếu rực rỡ, hoa cỏ ngập tràn, quan trọng nhất là, nhà tôi sẽ nuôi một chú Samoyed mũm mĩm đáng yêu, sáng nào cũng chạy vào liếm mặt tôi, đánh thức tôi dậy”.
074.
Độ chín của bít tết thường được biểu thị bằng số lẻ, 1 phần, 3 phần, 5 phần, 7 phần và chín hoàn toàn.
Có lần, tôi và Mr. Bu mời một người bạn thân đi ăn bít tết. Bồi bàn tới hỏi chúng tôi muốn dùng bít tết chín mấy phần. Bạn của tôi lần đầu tiên đi ăn bít tết nên nói là chín 8 phần. Bồi bàn không biết nói gì nữa, bầu không khí bỗng chốc trở nên gượng gạo.
Lúc này, Mr. Bu ra vẻ hiểu biết nói, “Người ta nói độ chín của bít tết thường biểu thị bằng số lẻ, anh lại thấy nên dùng dãy số Fibonacci để liệt kê thì đúng hơn, chính là 1, 2, 3, 5, 8…”.
Sau đó, bầu không khí càng gượng gạo hơn.