Có một năm chúng tôi đi Hakone, Nhật Bản tắm suối nước nóng. Vừa xuống xe điện, tôi đã nhìn thấy một cửa hàng đồ lưu niệm bày bán thú bông Monchichi phiên bản giới hạn của Hakone, vô cùng hào hứng định mua luôn. Mr. Bu lôi nhãn mác ra cho tôi nhìn, “Made in China”.
Tôi lườm Mr. Bu, “Lúc nào anh cũng làm cho người ta cụt hứng”.
Anh không hề tức giận, “Tuy rằng mua hàng Trung Quốc ở Nhật Bản có vẻ buồn cười, nhưng em thích thì cứ mua đi”.
“Không phải anh nói va li không thể nhét thêm cái gì nữa sao? Cho em mua thật à?”.
“Mua đi, cùng lắm thì không để trong va li nữa”.
Kết quả, lúc chúng tôi về nước, Mr. Bu phải đeo con thú bông đó trên cổ mình. Sau khi gửi hành lý xong xuôi, anh ôm cả nó lên máy bay. Cảnh tượng này quá đẹp, tôi phải vờ như không quen biết, đi cách xa anh ra một chút.
076.
Mr. Bu là tên “mù hoa quả”. Anh không phân biệt được nho ta và nho Mỹ, không phân biệt được sơ-ri và anh đào, không phân biệt được dứa ta và dứa nhập.
Tôi đứng bên hàng hoa quả bổ túc kiến thức cho anh, rồi chọn ra năm sáu loại quả, đưa cho người bán hàng cân. Sau khi báo số cân, bà chủ mang giấy bút ra chuẩn bị tính tiền. Chưa kịp tính thì Mr. Bu đã đọc vanh vách, “57.3 tệ”.
Bà chủ lôi máy tính ra, bấm một hồi rồi nói, “Đúng là 57.3 tệ! Ông xã cô lợi hại quá!”.
Khà khà…
077.
Lần đầu tiên về nhà tôi ăn tết, Mr. Bu lôi được tập album ảnh hồi bé của tôi ra, sau đó cứ cười ngặt nghẽo.
Đó là bức ảnh lúc nhỏ tôi lôi đồ trang điểm của mẹ ra, kẻ mắt, đánh son, má hồng, phấn trắng, vẻ linh tinh lên mặt trông như một con quỷ. Chỉ số xấu xí phải đạt tới 10 sao!
Tôi phi tới giành lại, nhưng Mr. Bu tay chân lanh lẹ đã lấy điện thoại ra chụp lại mất rồi.
Sau đó có môt lần chúng tôi cãi nhau, nửa đêm tôi còn đòi bỏ nhà ra đi. Còn chưa đi ra khỏi khu nhà đã nhận được tin nhắn Wechat của Mr. Bu: “Nội trong mười phút nữa phải quay về nhà, nếu không, anh sẽ công khai bức ảnh đó của em”.
078.
Tôi nói với mẹ, tôi muốn làm một nhà văn tự do.
“Con không đi làm, cứ ở lì trong nhà viết tiểu thuyết? Vậy thì ai nuôi con?”
Ngày trước mẹ hỏi câu đó, tôi không trả lời được, bây giờ đã có thể dõng dạc nói, “Chồng con”.
Sau đó mẹ tôi lại tiếp tục hát một bài ca, “Không thể trông cậy vào đám đàn ông được đâu, phụ nữ bắt buộc cần phải độc lập về kinh tế”.
Điều này thì tôi không phản bác được, Mr. Bu dạy tôi một chiêu, “Em đưa bản Hiệp ước hôn nhân của chúng ta cho mẹ xem”.
“Hiệp ước hôn nhân? Chúng ta ký Hiệp ước hôn nhân lúc nào thế?”.
“Chưa ký”, anh nói, “Bây giờ ký cũng chưa muộn”.
Tối hôm đó, anh mang theo hai bản Hiệp ước hôn nhân về nhà, nội dung chủ yếu là nếu như ly hôn, toàn bộ tài sản trong gia đình, bao gồm cả những tài sản đứng tên anh, tất cả đều sẽ thuộc về tôi. Dưới bản hiệp ước đã có sẵn chữ ký của anh.
“Ký đi, ký xong rồi chụp lại cho mẹ em xem”, anh đặt bút vào tay tôi.
Tôi cứ tưởng chuyện đó như thế là xong, ai ngờ có một hôm, mẹ tôi tìm tới tận cửa, nghiêm túc nói, “Đúng rồi, bản Hiệp ước hôn nhân của các con đâu? Mẹ muốn xem bản gốc”.
Tôi lập tức lục tìm, nhưng bới tung cả nhà vẫn không tìm thấy.
“Thứ quan trọng như thế mà con có thể vứt lung tung tùy tiện như vậy sao?”, mẹ chỉ hận không thể xông lên bóp chết tôi.
Lúc này, Mr. Bu mới nói, “Không sao đâu mẹ, bọn con ký lại bản khác”.