Một Nét Son Tình

Chương 11 - Chương 10: Cầu May Mắn Cho Nàng

trước
tiếp

cảnh báo: chương này hơi “nặng” máu me, ai ăn uống gì thì ăn cho xong rồi hẵng đọc. Liên quan đến cái chân tàn phế của nam chính.

“Trên đời này những ai có tâm chí kiên cường nhất, sẽ không sợ nguy hiểm tính mạng, mà sợ lúc động tình. Hễ động tình rồi, cả đời sẽ như đi trên băng mỏng, không cẩn thận sẽ thành vạn kiếp bất phục.”

Khoé miệng nhỏ xinh của An Kình hơi nhếch lên.

“Thảo nào dùng ánh mắt ấy mà nhìn hắn……”

Như Cầm không nghe rõ, hỏi lại: “Tiểu Vương Gia nói gì?”

An Kình không muốn nói thêm, lắc đầu đáp: “Không có gì.” Y nâng chén trà hớp một ngụm, nhìn Như Cầm như cười như không.

“Đại Sư đưa bột màu quý giá cho một người ngoài, không thấy tiếc sao?”

Như Cầm cười lớn.

“Thứ con người khó cầu được nhất trên đời là tấm lòng, cô ấy đã có, lão tăng vì thế mà đưa thêm chút bột màu, thêu hoa trên gấm, có gì không tốt.” Hơn nữa với năng lực của cô ấy, nhất định sẽ không lãng phí bột màu.

An Kình nâng chén trà, khẽ ngửi mùi hương.

“Tấm lòng” sao, bởi tấm lòng, cho nên mới có được ánh mắt gần như khiến người khác tan chảy sao……

“Cậu chủ, sắc trời đã muộn, nếu không xuống núi thì sẽ không kịp nữa.”

Bình Nhi đứng bên, nghe cậu chủ nhà mình nói chuyện với thiền sư Như Cầm, tách từng câu ra thì hắn nghe có vẻ hiểu, nhưng gộp lại chung thì cảm thấy cơ bản là nghe không hiểu nổi.

An Kình buông chén trà, đứng dậy.

“Cảm tạ đại sư chiêu đãi, sắc trời đã muộn, chúng tôi đi đây.”

Như Cầm nể thân phận cao quý của y, vốn định tìm người đưa y xuống núi, nhưng An Kình một mực muốn tự rời đi.

“Đại sư không cần phải bận lòng.”

Vốn là vì muốn tránh đám đông, An Kình và tên người hầu leo lên từ phía sau núi, nhưng không biết vì sao, An Kinh hoàn toàn không muốn rời đi bằng lối sau.

Tên đàn ông tàn phế kia xuống núi cực kỳ chậm, nếu mình đi lối sau, chắc chắn sẽ chạm mặt hắn và người con gái kia.

An Kình không muốn thấy lại ánh mắt khiến người ta tan chảy của người con gái đó.

“Bình Nhi, chúng ta xuống núi bằng lối trước.”

“Thưa vâng, cậu chủ.” Bình Nhi tuy lấy làm lạ vì sao đi lối trước, nhưng hắn theo An Kình từ bé, lời của tiểu vương gia đối với hắn to như bầu trời, hắn chỉ cần ngoan ngoãn vâng theo là được.

An Kình đẩy cửa, một ngọn gió trong lành thổi qua tà áo trắng như tuyết của y.

Y ngước mắt nhìn lên, tịch dương đã ngả hướng tây, ráng hồng giăng đầy trời. Ráng chiều chiếu trên dáng người thẳng tắp cân đối của y, như rắc một lớp nhũ kim, toả ánh sáng dìu dịu, đẹp như trong mộng.

Đôi mắt nhạt màu xinh đẹp của y ánh những áng mây hồng, miệng lẩm bẩm: “Thế gian này bao nhiêu điều bất công, chỉ có tình là công bằng. Lúc nên có, dẫu thân thế thấp hèn, nó cũng sẽ không phụ người, lúc không nên có, dẫu là vương hầu hay trạng tướng, nó cũng không màng đến.”

Bình Nhi đến bên An Kình, cung kính hỏi: “Cậu chủ?”

An Kình khẽ cười một tiếng, “Đi thôi.”

Thiền sư Như Cầm ở lại trong gian phòng nhỏ kia. Dẫu An Kình mang thân phận cao quý đến vậy, bà vẫn không ra tiễn. Tự mình châm một ấm nước nóng, ngồi nhìn chăm chăm ngọn lửa đang đun nước, nhảy nhót khắp nơi, từng đợt từng đợt. Tiếng nói của An Kình rất khẽ, nhưng bà đã nghe được hết.

Ngọn lửa ánh lên trong mắt vị sư già, trong căn phòng vắng không một bóng người, bà nói như đáp lời An Kình:

“Đúng vậy, tình là thứ duy nhất công bằng trên thế gian này, khi nó không đến, cho dù có đi đâu tìm, nó cũng sẽ không xuất hiện.” Khuôn mặt già nua của Như Cầm mang nụ cười của người đã thấu hiểu sự đời, “Nhưng khi nó đến, bất kể thân phận, cũng sẽ không trốn được.”

Ở một nơi khác, Đông Cô vẫn theo La Hầu từ xa.

Trong núi lạnh, chàng lại không mặc nhiều quần áo, vẫn chỉ mỗi chiếc áo vải thô màu xanh thẫm. Trời tối dần, trong núi trở lạnh, Đông Cô ngây dại nhìn theo, cảm thấy lòng mình còn lạnh hơn cả núi rừng này.

Dáng người La Hầu cao lớn nên đi đứng rất vất vả, hơn nữa đi càng nhiều thì thể lực của chàng càng tiêu hao nhanh hơn, vấp ngã hết lần này đến lần nọ. Lúc vấp ngã, chàng rất biết cách bảo vệ bản thân, luôn để cho phía bên trái chạm đất trước, cố gắng không để cho chỗ đùi phải bị cụt của mình va xuống đất. Số lần ngã tăng lên, thì chàng liền tìm một tảng đá ngồi xuống nghỉ ngơi, co giãn cổ tay của mình, thỉnh thoảng cũng nắn bóp chỗ đùi cụt bên phải, sau đó chống gậy tiếp tục đi. Đường đi gian khó như thế, mà chàng không một lời oán trách, Đông Cô gần như có thể cảm nhận được sắc mặt bình thản của chàng và đôi mắt phẳng lặng.

Theo đến cuối cùng, nỗi đau trong lòng Đông Cô đã chết lặng, nàng không còn biểu cảm nào trên mặt nữa, nhìn La Hầu ngồi xuống đất nghỉ hết lần này đến lần nọ, đứng lên, ngã xuống, rồi lại đứng lên……

Lúc xuống được đến thị trấn từ trên núi, thì đã là giữa khuya.

Đông Cô vẫn không yên lòng, nàng theo La Hầu vào đến trong khách điếm. La Hầu có khuyết tật, không ở phòng tốt được, cho dù trả tiền cũng chỉ trọ được trong chái. Chàng chống gậy vào đến được sân sau của khách điếm thì tay đã không kiềm được mà run lên. Hôm nay đã đến cực hạn rồi.

La Hầu đẩy cửa mở, gian phòng rất nhỏ, một chiếc giường, thêm một chiếc bàn con, gần như đã chiếm toàn bộ diện tích, không có chỗ để đặt ghế. Chàng ngồi xuống giường, để gậy dựa vào khung giường, sau đó cẩn thận cởi giày. Lúc tháo chiếc chân gỗ ra, chàng phải ngừng vài lần, đau đến khắp mình đổ mồ hôi lạnh. Cởi xong chân giả, bên trong toàn vết máu. Chỗ băng dùng để bọc phần chân tàn khuyết đã sớm đóng thành một nùi giẻ đầy máu. La Hầu tháo từng lớp băng ra, lớp cuối cùng tiếp xúc với chân chàng dính rất chặt, chàng kéo nhẹ vài lần không thành công, cuối cùng bực dọc, vừa giật mạnh băng ra liền kéo theo da thịt từ vết thương. Vết thương chỗ cụt đau đớn kịch liệt, La Hầu cắn chặt răng để chống chọi cho qua lúc đau nhất.

Trong lúc mặt đầm đìa mồ hôi, chàng nhìn chiếc chân tàn của mình, gót chân trống huơ trống hoác, chỗ bị cụt sưng tấy và đổi qua màu đen, có nơi đang chảy máu, có nơi đã đóng vảy. La Hầu nhìn một lúc, nhíu chặt mày, cảm thấy trong lòng vô cùng phiền muộn, gom giẻ băng cuộn lại, vứt qua một bên. Chàng đổ mình xuống giường, chẳng buồn xử lý phần chân bị thương, cứ phơi mình như thế.

Ngửa mặt nhìn trần nhà rất thấp của căn phòng, La Hầu đặt tay nơi vạt áo, không ngừng vuốt ve tấm bùa nhỏ bé nằm bên trong, trong lòng cảm thấy dễ chịu hơn. Bùa may mắn của Gia Nhã Tự rất linh nghiệm, có thể xua đuổi được hết những sự dữ, nàng đeo nó, khi đến gặp mình, sẽ không còn phải lo gì nữa.

Bàn tay đầy vết chai của La Hầu nắm chặt lấy tấm bùa may mắn, ngủ thiếp đi.

Đông Cô đưa La Hầu vào đến trong khách điếm rồi mới ra về, trên đường về nàng như thất hồn lạc phách, trong đầu ong ong, muốn suy nghĩ đến một số việc, nhưng không có sao nghĩ được gì cho đàng hoàng. Về đến phòng, nàng đốt đèn dầu, nhìn ánh sáng leo lét, ngồi ngây người suốt một đêm.

Túi vải vị sư già cho nàng, nàng đã mở ra xem, bên trong đầy bột màu được mài từ đá, đủ để dùng rất lâu. Nàng bình tĩnh không chút dao động nhìn túi vải đựng bột màu mang giá trị không nhỏ, không chút cảm kích hoặc kinh ngạc.

Nàng quay đầu nhìn ngọn lửa nhỏ leo lét, nước mắt lặng lẽ chảy xuôi.

Rốt cuộc ta phải làm sao đây.

Phải làm sao đây…….

Sáng sớm hôm sau, Đông Cô mua một số thuốc trị thương từ tiệm thuốc trong thị trấn, cất đi cùng với bột màu. Nàng đánh xe ngựa mau mau quay về Tích Thành, nàng phải đi cho kịp trước khi La Hầu về, không để cho chàng đánh hơi được có gì khác thường. Do xuất phát sớm, suốt đường Đông Cô chẳng buồn ăn cơm trưa, mải lo chạy xe, cho nên đến chiều nàng đã về được đến Tích Thành. Nàng quay lại xưởng gỗ của Lý Khương Liễm trước, cất bột màu cho kỹ.

“Đông Cô? Em về nhanh vậy sao?”

Khương Liễm đang làm việc trong xưởng gỗ, thấy Đông Cô về, buông đồ trong tay, chạy ra đón.

“Đông Cô mau tới nhìn.”

Đông Cô bị Khương Liễm khéo ra sau, nơi ấy có một tấm bình phong đã được làm xong.

“Ồ, sao chị làm xong nhanh thế?”

Lý Khương Liễm cười rộ lên, “Thế nào, tay nghề của chị không tệ đúng không, đây chỉ là dạng thô, em nhìn xem thế nào, nếu không hài lòng thì chị sẽ sửa.”

Đông Cô vội lắc đầu, “Không không không, cái này tốt lắm ạ.” Nàng thật sự bị kinh ngạc, Khương Liễm chọn vật liệu cho tấm bình phong này rất kỹ, thủ nghệ tinh xảo, tốt hơn không biết bao nhiêu lần những tấm bình phong được máy móc cắt hàng loạt trong kiếp trước, vượt tất cả mong muốn của Đông Cô.

“Nếu Đông Cô cảm thấy được, chị sẽ cứ chiếu theo vậy mà làm.”

Đông Cô gật đầu, “Vâng, cứ chiếu theo vậy mà làm.”

Khương Liễm giữ Đông Cô lại trò chuyện rất lâu, Đông Cô thuật lại hết những gì tai nghe mắt thấy ở Gia Nhã Tự cho Khương Liễm nghe, nhưng giữ phần có liên quan đến La Hầu.

“Thế cơ à? Bột màu ở Gia Nhã Tự được quản lý nghiêm khắc đến vậy, thế mà Đông Cô vẫn xin được, có thể thấy đó là ý trời.” Đông Cô chỉ nói với Khương Liễm rằng bản thân nàng và thợ vẽ ở Gia Nhã Tự nói chuyện vui vẻ với nhau, thợ vẽ liền cho nàng bột màu.

Đông Cô nhìn sắc trời bên ngoài, cảm thấy chắc tầm này La Hầu sắp về rồi, liền nói với Khương Liễm:

“Khương Liễm, em phải đi tắm rửa trước, chút nữa sẽ phải đi ra ngoài.”

Khương Liễm ngạc nhiên, “Muộn như thế rồi, còn đi đâu nữa?”

Đông Cô không giỏi nói dối, nàng ấp úng đáp: “Có chút việc liên quan đến hội hoạ, em phải đi hỏi thăm một số tiệm tranh.”

“Thì ra là thế, vậy Đông Cô đi tắm rửa đi.”

Tạm biệt Khương Liễm rồi, Đông Cô quay về phòng, đầu tiên là rửa ráy một phen, suốt nửa ngày đi đường, khắp người toàn bụi bặm. Nàng thay một bộ đồ sạch, nhìn phần thuốc chữa thương mình đã mua trong tiệm thuốc dưới chân núi Kỳ Sơn; đem nó theo có lẽ sẽ khiến La Hầu nghi ngờ, nhưng nếu không đem, nàng sẽ không yên tâm, không biết vì sao, nàng luôn cảm thấy La Hầu sẽ không xử lý vết thương ở chân của mình đàng hoàng. Do dự hồi lâu, nàng vẫn giắt túi thuốc vào trong người.

Hết chương 10

Giải thích sơ sơ về tên của các nhân vật chính:

La Hầu, Hầu cùng nghĩa trong “quan hầu” “vương hầu” v.v., chức quan đứng thứ nhì trong 5 chức. Ngoài ra cũng đọc là “Hậu,” có nghĩa là “đẹp,” mình đoán trong chế độ này thì chắc cha mẹ La Hầu mong cái nghĩa “đẹp,” cả hai đều cùng 1 cái phát âm bên tiếng Phổ Thông.

Tề Đông Cô = nấm đông cô (chắc lượm được trong rừng nhìn như cái nấm??)

An Kình: An trong bình an, Kình trong “mạnh mẽ, sức mạnh dữ dội” (mãnh nam La Hầu thì “đẹp” tiểu vương gia mỹ nhân thì “dữ dội, mạnh mẽ” lol).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.