Sau màn Hương phi phẫn uất nhảy lầu tự sát, có Tiểu Yến Tử nên cũng chẳng bị một thương tích nào. Nhưng nhờ đó mà sau đấy Hàm Hương vẫn được ngang nhiên mặc áo dân tộc Hồi của mình. Lệnh “thay đổi xiêm y” của thái hậu, hoàn toàn mất tác dụng. Chuyện đó đối với thái hậu, là một điều không vui. Vì sao một hoàng thái hậu, mà lại chẳng khiển được một Vương phi? Ðiều đó hẳn nhiên khiến bà thấy mất mặt, nhất là chuyện xảy ra trước mặt bọn cung nữ, nô tài. Cạnh đó còn có sự đổ dầu thêm của hoàng hậu và đám ma ma.
– Lúc gần đây hoàng thượng làm nhiều chuyện khá bất thường. Tại sao lại tự nhiên phong một Hoàn Châu cát cát, rồi thêm một Tử Vy cát cát nữa. Chưa hết, bây giờ còn bị một Hương phi nương nương làm mê muội. Ba đứa con gái nầy đã làm xáo trộn nề nếp cung đình, đó nào phải là phúc khí của nhà Ðại Thanh? Hay của hoàng thượng? Thật hoàn toàn không hiểu. Tại sao ba đứa đó lại liên hợp trong lúc này? Có sự sắp xếp gì không?
Nhưng Tịnh Nhi thì có cái nhìn riêng của Tịnh Nhi. Cô nàng nói với thái hậu:
– Hai cô cát cát đó xuất thân từ chốn dân dã, thì đương nhiên là lề lối sinh hoạt phải khác hẳn chúng ta. Còn Hương phi nương nương, đến từ xứ Hồi thì cũng vậy. Ba người đó có một điểm tương hợp đấy là “cái nhìn sự việc, khác chốn cung đình”. Và chính vì sự khác biệt với cung đình đó đã kết hợp họ lại với nhau.
Thái hậu suy nghĩ, thấy sự phân tích của Tịnh Nhi có lý, nên hỏi:
– Theo Tịnh Nhi thì cái con Hương phi kia, nó không chịu thay đổi xiêm y, kháng lại mệnh lệnh của ta. Vậy thì ta phải phạt nó thế nào mới đáng?
Tịnh Nhi đáp:
– Bẩm lão phật gia, sáng nay ở Ngự Hoa Viên. Con thấy hai cô cát cát mặc áo đỏ, còn Hương phi nương nương vẫn mặc y phục Hồi mầu trắng trông thật ấn tượng. Trong hoàng cung chúng ta, có người mặc y phục Hồi đi tới đi lui, thì nó làm tăng thêm cảnh sắc. Giống như chúng ta xem vạn hoa kính vậy đó, có gì không đẹp đâu. Nếu bây giờ chỉ vì một bộ quần áo, mà lão phật gia khó dễ, thì có phải làm hoàng thượng buồn bực như vậy lợi ít mà hại nhiều không?
Thái hậu như ngộ ra:
– Lời của Tịnh Nhi nghe hữu lý đấy, vì một bộ quần áo mà để thương tổn tình cảm mẹ con, thì đúng là không đáng!
Sự phân tích của Tịnh Nhi, khiến thái hậu thấy chuyện mất mặt không còn quan trọng nữa, nên cũng cho chìm xuống luôn. Có điều sau đó giữa thái hậu và Hương phi đã có một vết nứt, tình cảm không còn như trước.
o O o
Thái hậu bị cản mũi, không vui. Vua Càn Long gặp nhiều chuyện bực mình cũng khó chịu.
Vua không chỉ nặng đầu chuyện Hương phi mà còn bận tâm nhiều về thân phận Tử Vy và Tiểu Yến Tử.
Bởi vì vua biết thái hậu không làm khó dễ được Hương phi thì bao nhiêu cơn bực tức sẽ quay qua đổ trút lên đầu hai cô cát cát dân dã, mà điều trước tiên thái hậu muốn phá bỉnh sẽ là chuyện hôn nhân của hai người. Vua biết sự việc có cố kéo thế nào, trì hoãn thế nào thì sớm muộn cũng phải giải quyết. Nhưng giải quyết thế nào đây? Khi họ thật tình yêu nhau? Tình cảm nào có thể giải quyết đơn tuần bằng lý trí.
Hôm ấy vua cho gọi Tử Vy, Tiểu Yến Tử, Vĩnh Kỳ, và Nhĩ Khang cùng đến thư phòng.
Lúc bốn người vào, vua đang ngồi duyệt tấu chương, duyệt xong, người nhìn lên nói:
– Nói thật ra, từ lúc lão phật gia hồi cung đến nay, trong cung đình xảy ra quá nhiều sự việc. Trẫm thật không vui, cả chuyện hạnh phúc của mấy người lại cũng là nỗi bận tâm của ta. Tiểu Yến Tử và Tử Vy có công cứu Hương phi, điều này trẫm ghi nhớ, nhưng ma…
Ông quay qua nhìn Tiểu Yến Tử và Tử Vy.
– Nghĩ xem tại sao hai người lại chẳng được lão phật gia yêu thích? Ðiều đó là nổi khổ tâm lớn của ta đấy.
Bốn người bối rối nhìn nhau, Tử Vy ngượng ngùng nói:
– Bẩm Hoàng a ma, xin người đừng quá bận tâm như vậy con hứa từ đây về sau, con sẽ thường xuyên đến Từ Ninh cung, thần hôn định tỉnh (sớm tối có mặt) để lão phật gia ưa thích.
Bốn chữ “thần hôn định tỉnh” của Tử Vy, Tiểu Yến Tử nào hiểu được, nhưng cái tật ham nói, nên Tiểu Yến Tử vọt miệng:
– Sao? Ngươi định “thành hôn” rồi “định tâm” ư? Lão phật gia đâu có muốn ngươi “thành hôn” với bà đâu? Ngươi đến đó chỉ làm chuyện vô ích!
Lời của Tiểu Yến Tử làm mọi người lắc đầu, Vua Càn Long trừng mắt nói:
– Con đúng là nỗi “bận tâm” lớn của ta đấy!
Rồi vua quay qua ba người còn lại:
– Các ngươi chẳng phải là đã dạy nó học thành ngữ rồi ư?
– Dạ có, dạ có!
Vua Càn Long nhặt một tờ giấy để trên bàn đưa cho Tiểu Yến Tử.
Nầy Tiểu Yến Tử, sang nay Kỷ sư bá đưa cho ta xem một bài luận văn rất kỳ quặc, có phải của con viết không?
Tiểu Yến Tử cầm lên biết ngay là của mình, gật đầu:
– Vâng.
– Vậy ngươi đọc lên cho ta và mọi người cùng nghe xem?
Tiểu Yến Tử đỏ mặt:
– Con nghĩ là không cần đọc hay hơn ạ!
Vua Càn Long trừng mắt:
– Ta bảo đọc là phải đọc. Ðọc ngay!
Tiểu Yến Tử không còn cách thối thác, đành nói:
– Ðọc thì đọc chớ! Bài này có tựa đề là “như nhân ẩm thủy.”
Rồi quay qua nhìn vua Càn Long:
– Hoàng a ma, xin đừng trách con, cũng tại Kỷ sư bá ra cái đề tài gì kỳ cục quá. Nên con nghĩ mãi không biết phải viết thế nào. Cuối cùng mới nghĩ ta chữ “ẩm thuỷ” là uống nước ạ.
Vua Càn Long trợn mắt:
– Thế sau khi hiểu ra xong, ngươi viết cái gì?
Tiểu Yến Tử cầm giấy lên, đọc:
-… “ai cũng phải uống nước. Sáng uống, trưa uống, tối uống. Khát uống mà không khát cũng có thể uống. Uống lạnh cũng được, uống nóng cũng được. Mùa xuân uống, hạ uống, thu uống, đông uống…”
Tiểu Yến Tử còn chưa đọc hết mọi người đã ôm bụng cười.
– “… đàn ông uống, đàn bà uống, con nít, ông lão đều phải uống, mà cả loài thú cũng không thể nhịn khát được.”
Vua Càn Long không dằn được, cũng đứng dậy vừa cười vừa mắng:
– Con “uống nước” kiểu này. Khổng phủ tử mà đọc cũng phải chết vì ngộp. Kỷ sư bá cũng vậy, trẫm thật tức chết đi mất. Ngươi có biết bốn chữ “như thân ẩm thuỷ” còn có mấy chữ phía dưới nữa, ngươi bỏ đâu? Phía dưới mới là chủ đề đó!
Tiểu Yến Tử giật mình:
– Phía dưới còn có một câu nữa à?
– Chớ sao! Ðâu ngươi đọc câu kế cho trẫm nghe xem.
Tiểu Yến Tử hoảng quá ngó sang Vĩnh Kỳ, Kỳ vội đọc nhỏ “lãnh ôn tự tri” (nóng lạnh tự biết). Tiểu Yến Tử nghe không rõ quay sang Nhĩ Khang cầu cứu.
Nhĩ Khang vội lập lại bốn chữ ban nãy của Vĩnh Kỳ, Tử Vy thấy Tiểu Yến Tử vẫn ngơ ngác, kề tai Tiểu Yến Tử nói:
– Lãnh ôn tự tri!
Tiểu Yến Tử nghe không rõ, lập lại:
– Lãnh liễu tri thù! (làm lạnh con nhện)
Vua Càn Long trợn mắt:
– Sao lại lãnh liễu tri thù? Làm lạnh con nhện? Vậy bây giờ thì đốt nóng con chuồn chuồn? Thế này phải ăn một trăm roi mới được!
Tiểu Yến Tử nghe vậy thụt lùi nói:
– Hoàng a ma, cái chuyện học hành này khó khăn quá. Uống nước thì uống nước đi, còn bày đặt làm luận văn làm gì, vô bổ thiệt. Thấy đề cập đến chuyện uống nước là con đem hết những điều mình biết ra viết hết. Con còn muốn viết nhiều hơn nữa đấy, nhưng vì chữ nghĩa có hạn nên chỉ viết bấy nhiêu thôi!
– May mà chỉ viết bấy nhiêu thôi, chớ nếu không, chuyện uống nước của ngươi sẽ làm ngập cả thành phố Bắc Kinh này.
Tiểu Yến Tử nghe vậy phụng phịu, còn Tử Vy, Vĩnh Kỳ và Nhĩ Khang thì ôm bụng nhịn cười.
Vua Càn Long đi tới đi lui ra chiều suy nghĩ. Rồi dừng lại hỏi Vĩnh Kỳ:
– Nghe nói các ngươi đang dạy nó. Vậy thì đã dạy được gì nào?
Vĩnh Kỳ nói:
– Dạ chỉ dạy ba cái thành ngữ.
– Chỉ dạy thành ngữ? Vậy thì để ta khảo thành ngữ xem.
Tiểu Yến Tử nghe vậy giật mình:
– Phải thi nữa ư?
Nhĩ Khang lo lắng:
– Bẩm hoàng thượng, chỉ mới dạy sơ sơ thôi ạ!
Vua Càn Long ngẫm nghĩ rồi nói:
– Ðược rồi, trẫm sẽ chỉ hỏi ngươi những điều đơn giản nhất. Thí vụ như lần trước, trẫm nói một câu”dương phụng âm vi” là gì?
Tiểu Yến Tử nghe chữ được chữ không, nghĩ ngợi:
– “Dương phụng ưng vi” ư? Có nghĩa là… nghĩa là… Con dê gặp nguy thì hút đầu vô kẽ đá. Còn chim ưng thì hung dữ hơn nên sẽ phá vòng vây.
Tử Vy, Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ kêu khổ, vua Càn Long thì lắc đầu.
– Vậy thì nếu có kẽ đá thật, chắc ngươi cũng chui xuống luôn quá.
Tiểu Yến Tử biết mình lại hố, nên nói:
– Vâng, nếu có kẽ đá ở đây con sẽ chui trốn đi cho rồi.
– “Tam thập nhị lập” (ba mươi tuổi lập thân) là gì?
– “Ba mươi người đứng sắp hàng”.
– Thôi được, hỏi thêm một câu nữa “bất chiết thủ đoạn” là gì?
Tiểu Yến Tử suy nghĩ:
– “Bất chiết thủ đoạn” ư? Có nghĩa là hai người đánh lộn với nhau, không cần bẻ cũng gãy tay ra nhiều khúc!
Vua bực quá, quát:
– Chỉ có tay ngươi không cần bẻ đã gãy, thế còn “hiểu dữ đại nghĩa” (hãy nghĩ đến đại nghĩa) thì sao”
– “Tiểu nghĩ đại nghĩ” (kiến nhỏ kiến to) ư? Ờ ý nói là con kiến nhỏ gặp kiến lớn, hai con đánh lộn nhau.
– Trời đất! Con giải thích kiểu này, trẫm cũng phải chịu thua luôn… ha ha! Trẫm đang bực mình, lo muốn thúi cả ruột vậy mà nghe con giải nghĩa thành ngữ kiểu này, không thể nào ôm bụng, cười lăn… Có điều, lão phật gia thì không được đâu nhé! Sợ là lúc đó con sẽ bị “bất chiết thủ đoạn” rồi đấy.
Cười xong vua lại trừng mắt.
– Như vậy, thì phải dạy con thế nào mới được đây?
Tiểu Yến Tử nhìn vua rụt rè:
– Dạ… dạ… bộ con giải thích trật lất cả ư?
– Thế theo con thì trật hay trúng?
Vĩnh Kỳ vội bước tới:
– Bẩm Hoàng a ma, xin người đừng bực dọc. Bọn con sẽ cố gắng sớm muốn gì Tiểu Yến Tử rồi sẽ tiến bộ mà.
Vua Càn Long khoát tay.
– Vậy thì các ngươi cố đi. Ðây cả là một sự kiến tạo đấy.
Người bước tới mấy bước, nghĩ sao lại lắc đầu.
– Thôi được rồi đừng nói chuyện Tiểu Yến Tử học hành nữa.
Ông chợt quay sang Nhĩ Khang hỏi:
– Chuyện hôm trước, trẫm nói ngươi có suy nghĩ kỹ không?
Nhĩ Khang giật mình, kêu lên:
– Hoàng thượng!
Vua Càn Long nhìn Nhĩ Khang rồi nhìn Tử Vy nói:
– Ngươi cứ suy nghĩ cho kỹ đi, nếu cần cứ thương lượng với Tử Vy.
Nhĩ Khang tái mặt, Tử Vy nghi ngờ, hẳn là có chuyện gì bất lợi với mình mới cần thương lượng đấy.
o0o
Bốn người từ ngự thư phòng bước ra, Tử Vy không dằn được hỏi ngay Nhĩ Khang:
– Hoàng a ma nói vậy là sao? Ông ấy muốn anh suy nghĩ chuyện gì? Thương lượng với tôi chuyện gì?
Nhĩ Khang cố che đậy.
– Ồ! Không có chuyện gì cả.
Tử Vy nhíu mày:
– Anh đừng giấu, chắc chắn là có, sao anh phải giấu? không lẽ anh muốn em đi hỏi Hoàng a ma ư?
Tiểu Yến Tử sau đợt truy bài, đã nghĩ mình thoát nạn, nên hăng hái yêu đời hơn nói:
– Đúng đấy! Tôi thấy Nhĩ Khang tối ngày cứ làm gì mà lén lén lút lút có vẻ không thành thật. Chắc có chuyện gì bí mật, mà không dám nói lại cho Tử Vy biết đây.
Nhĩ Khang có tật giật mình.
– Ðâu có! Đâu có! Cô đừng nói bậy nghe!
Vĩnh Kỳ thấy tình hình căng thẳng, vổ vai Khang:
– Tôi thấy thì Hoàng a ma không phải đùa đâu.
Lần trước người đề cập đến chỉ như một “đề nghị” Nhưng bây giờ hình như đã là “quyết định” rồi. Nhĩ Khang, đừng giấu nữa, cứ nói cho Tử Vy biết đi!
Nhĩ Khang nghĩ ngợi bực dọc:
– Ðề nghị gì? Quyết định gì? Tôi đã nói là tôi không đồng ý. Sao lại nói mãi vậy? Sao lại bất hợp lý thế. Chưa có sự đồng ý của tôi mà “đề nghị” biến thành “quyết định” được à?
Tử Vy càng nghe vàng không hiểu, lo lắng:
– Cuối cùng sự việc thế nào? Mấy người nói đi đừng làm tôi căng cả đầu.
Tiểu Yến Tử trừng mắt:
– Hay là anh đã mắc nợ tình cảm ai rồi phải không?
Nhĩ Khang nghe vậy, vội đính chính.
– Làm gì có chuyện nợ tình cảm, nhưng sự việc không thể nói ở đây được. Phải về Thấu Phương Trai, đến đó tôi sẽ nói rõ hơn.
Tử Vy nhìn Nhĩ Khang nghi ngờ, Tiểu Yến Tử thấy sự việc quả là nghiêm trọng nên không còn đùa nữa. Cả bọn lặng lẽ kéo về Thấu Phương Trai.
Vừa về đến cửa là bọn Kim Tỏa, Minh Nguyệt, Thể Hà đã từ trong kéo ra lo lắng:
– Hoàng thượng cho gọi các ngươi lên đấy, có việc gì vậy?
Nhĩ Khang thấy vậy xua tay.
– Xin lỗi, mời tất cả mọi người đi nơi khác chơi, để tôi nói chuyện riêng với Tử Vy.
Tiểu Yến Tử không đồng ý.
– Không được! Tôi cũng muốn nghe chuyện bí mật của anh.
Tiểu Yến Tử chưa dứt lời, thì Vĩnh Kỳ đã kéo Tiểu Yến Tử ra ngoài. Kim Tỏa, Minh Nguyệt, và Thể Hà cũng vội rút lui ra cửa.
Nhĩ Khang thấy mọi người đã đi hết nói.
– Trước tiên, anh muốn là em phải tin anh. Đây chỉ là đề nghị của hoàng thượng, và đề nghị này chỉ mới được đưa ra trước đây hai ngày. Lúc đó anh cũng đã phản kháng “tuyệt đối không được”. Vậy mà không biết sao hôm nay hoàng thượng lại nhắc lại. Anh nghĩ có lẽ là phải tìm một dịp nào đó giải thích cho hoàng thượng rõ.
Tử Vy nghe Nhĩ Khang nói lòng đã rõ nhưng vẫn nói:
– Lời giáo đầu coi như đã xong. Chủ đề thế nào anh nói đi.
– Đó là… đó là…
– Thì cứ nói thẳng ấp úng gì?
Nhĩ Khang đành nói:
– Chuyện có liên can đến Tịnh Nhi, hoàng thượng định áp dụng biện pháp Nga Hoàng, Nữ Anh. Tức là gã cả em và Tịnh Nhi cho anh.
Tử Vy cảm thấy bầu trời trước mặt sụp đổ, Nhĩ Khang vội chụp lấy vai Tử Vy giữ lại.
– Tử Vy hẳn em biết rõ lòng anh mà. Trong lòng anh ngoài em ra chẳng còn ai nữa, ngay cả Kim Tỏa em định ghép cho anh, anh còn không nhận, thì làm sao tới tịnh Nhị. Chuyện này anh đã phản kháng không chấp nhận, vậy mà không hiểu sao lại có một đề nghị như thế. Nhưng mà em hãy tin anh đi anh sẽ không bao giờ để chuyện đó xảy ra đâu.
Tử Vy ngồi yên như tượng, một lúc mới nói:
– Hèn gì, hôm trước Hoàng a ma đã nói với em, khuyện em nên khoan dung nhìn xa một chút. Bây giờ thì em hoàn toàn hiểu ra rồi.
Nhĩ Khang giật mình.
– Hoàng thượng cũng đã nói với em rồi ư?
Tử Vy nhìn Khang với cái nhìn ngờ vực.
– Vậy mà anh dám nói với em là giữa anh và cô ấy chưa hề có cái “quá khứ”?
– Làm gì có chuyện quá khứ? Anh xin thề! Chỉ có với em thôi. Những chuyện xảy ra ở thung lũng thình yêu. Ở Tông Nhân phủ, ở Học Sử Phủ, lúc hoàng thượng bị thích khách… Những chuyện đó in sâu trong lòng anh sâu đậm hơn tất cả những cái gì khác.
Tử Vy không tin, đứng dậy định bỏ đi thì Nhĩ Khang nắm lấy tay Tử Vy kéo lại năn nỉ:
– Em không được giận anh. Tất cả những chuyện đó nào phải lỗi ở anh? Em giận anh là vô lý.
Tử Vy nhìn thẳng vào mắt Khang nói:
– Ngay cáo hôm đầu em nhìn thấy Tịnh Nhi là em biết giữa anh và cô ấy đã có vấn đề. Mấy người không qua mặt tôi được đâu, mỗi lần hai người gặp nhau tôi lại nhìn thấy những ánh mắt kỳ lạ. Tôi là đàn bà nên hiểu đàn bà hơn ai cả. Tôi cũng đã yêu nên biết thế nào là yêu… anh đừng lừa dối tôi!
Nhĩ Khang quýnh quáng nói:
– Nếu em mà chẳng tin anh, thì đó như một thứ sỉ nhục.
– Lần trước anh cũng đem câu nói đó ra dọa em lần này lập lại nữa ư? Anh biết rõ ma. Mỗi lần anh giận lên là lúc nào em cũng dịu xuống. Nhưng sự viết đến nước này, người ta sắp là vợ anh rồi, anh làm dữ với tôi để làm gì… tôi… tôi.
Tử Vy cố vùng khỏi tay Khang nói:
– Anh buông tôi ra hãy đi cưới Tịnh Nhi của anh đi, bởi lão phật gia nào có ưa tôi, anh yêu tôi vô ích chắc chắn là lão phật gia không công nhận tôi đâu.
Nhĩ Khang nhíu mày:
– Em nói công bằng một chút chứ?
– Tôi không cần công bằng gì cả. Ðến nước này rồi nói chuyện công bằng để làm gì? Tôi cũng không cần sự khoan dung, quảng đại.
Nhĩ Khang tức lý.
– Em không cần… nhưng em vẫn cần anh chứ?
Tử Vy vừa khóc vừa nói:
– Tôi làm gì dám vượt qua bao khó khăn mới nhìn được cha đẻ, vào cung. Bây giờ bắt tôi chia sẻ anh với Tịnh Nhi. Thôi thì chuyện đó tôi không làm được đâu!
– Vậy sao lúc ở thung lũng tình yêu, em nói với tôi là làm vợ hay làm thiếp, làm a đầu, nô tài gì em cũng chấp thuận cả à.
Tử Vy giật mình nhớ lại, nhưng rồi nói:
– Lúc đó mọi thứ chưa rõ ràng. Nên muốn nói gì thì nói, bây giờ có một Tịnh Nhi ưu tú, thông minh như vậy làm sao tôi không ganh tị… thôi tôi không cần… không cần gì cả!
Nói xong Tử Vy đẩy Nhĩ Khang đi, rồi bỏ chạy. Nhĩ Khang đuổi theo, giữ Tử Vy lại.
– Anh yêu em như vày, làm sao nhẫn tâm để em làm thiếp chứ, anh cố tình nói điều đó ra, chỉ để em hiểu cho anh là, với anh chỉ có thể có “duy nhất” một thôi. Có nghĩa là giữa hai ta sẽ không có người thứ ba nào chen vào dược!
Nhĩ Khang nói xong cúi xuống hôn Tử Vy, lúc đó Tử Vy định phản kháng, nhưng nụ hôn khiến Tử Vy yếu lòng đi. Nhĩ Khang nói:
– Em thấy đó tìnhy yêu của chúng ta gặp quá nhiều trắc trở, vừa xong con sóng này, con sóng khác lại ập tới. Nhưng mà xin em hãy tin tưởng ở anh, anh lúc nào cũng là anh. Chuyện Tịnh Nhi cả hai ta tốt hơn nên đối mặt. Anh không sợ vì lúc nào anh cũng nghĩ. Nhân cũng có thể thắng thiên, sự việc đều tùy thuộc các ta xử trí thôi.
Tử Vy rụt rè hỏi:
– Có thật là giữa anh và cô ấy chưa có gì cả chứ?
– Không.
Nghe Nhĩ Khang nói, Tử Vy mới yên lòng, úp mặt vào lòng ngực Nhĩ Khang.