Cà Phê Cùng Tony

Chương 7 - Những Nỗi Lo Riêng

trước
tiếp

Nó chạy xe SH vào trong quán cafe. Xe tay ga xịn nên được để trước quán, thể hiện đây là quán sang, do vậy mấy chiếc xe (non-tay-ga) khác bị thằng giữ xe dắt đi đâu mất. Ai trong quán cũng sụp sụp với chiếc nón Sơn sành điệu mấy trăm ngàn trên đầu, dù nơi đây đang mở máy lạnh hết công suất và mùi thuốc lá, mùi nước hoa, mùi thức ăn và café hòa quyện vào nhau. Nếu không có nón, là những mái đầu unisex không phân biệt nhiễm sắc thể XX hay XY, nhuộm vàng hoe đang gật gù, dậm dật theo tiếng nhạc “em không yêu anh, thì anh, không yêu em, oh yeh oh yeh”.

Xa xa, một anh ra dáng doanh nhân đang “oai phai”, lâu lâu lại đưa một ly càfé hớp một miếng. Chao ôi là sành điệu. Thỉnh thoảng đưa mắt rảo nhìn xung quanh xem có ai liếc nhìn chiếc laptop sang trọng kia không. Chỉ có nó. Chắc là anh ấy đang lo lắng về những hợp đồng thương mại lớn. Bàn tay anh tự tin gõ vào bàn phím. Nó ngưỡng mộ quá, lúc đi toilet ngang qua, vô tình nhìn vào, nó thấy anh đang chát Gia Hu với nickname “giật-nắp quan-tài-hôn-em-lần-cuối”. Trông anh rất lo vì bữa nay quán ít khách, đi khoe mà hổng ai nhìn.

Bàn bên có 3 anh đang mèo chuột với 3 chị. Áo quần các anh thì rộng thùng thình, các chị thì ngắn cũn cỡn, dây nhợ vất vưởng lung tung trên những tấm thân da vàng vọt Á châu, đầy hình xăm và những miếng tròn tròn màu đỏ (chắc đêm qua bị trúng gió). Đỉnh cao của Nghệ thuật giác hơi và cạo gió.

Ngoài đường kia, anh xe ôm đang méo mặt vì xăng tăng giá, cậu sinh viên gầy còm lại càng gầy hơn vì bà bán cơm bình dân xẻo bớt miếng thịt, con bé massage đang kỳ kèo ông khách thêm 30 ngàn tiền phụ thu, nếu không nó sẽ chỉ massage cái lưng không thôi (bỏ qua cái chân, mỏi cho chết luôn ai biểu keo kiệt).

Kết luận: Ai cũng có cái lo riêng của mình.

Ngày 10/05/2013

Phim Việt Nam

Lâu rồi Tony mới coi phim. Nói chung là Tony hẻm có thích. Coi nhức đầu, toàn theo ý thằng biên tập và đạo diễn. Bộ phim Hàn Quốc cuối cùng coi là Anh em nhà bác sĩ, lúc còn ở nhà trọ hạc đại hạc. Phim Tây không nhớ phim nào, vì coi toàn cà giựt cà thọt, không đầu không đuôi. Phim Việt cuối cùng coi là Khi đàn ông có bầu, phim hài mà cả rạp hẻm ai cười. Bữa đó Tết, cả nhóm bạn làm chung công ty quánh bài, xong cái đi ăn uống, coi phim… vì rảnh quá, nhớ là cái rạp gì chỗ Cầu Bông. Vô coi xong, nôn ói tháo chết, rồi đến giờ chưa vô rạp lại, cũng hơn chục năm.

Tối qua lễ 30/4, không đi đâu chơi vì chen lấn không lại, nên ở nhà quanh quẩn, cái mở ti vi ra coi. Bật qua mấy kênh, đều thấy phim Việt Nam, chắc do lễ. Đều là những phim buồn, thấy diễn viên có khóc. Bối cảnh phim thấy toàn quay ở Đà Lạt, vì diễn viên phải mặc áo lạnh và quấn khăn cho giống Hàn Quốc, nên nếu quay bối cảnh Sài Gòn thì người ta tưởng khùng. Nên phim nào cũng có chuyện làm doanh nghiệp doanh nhân, có biệt thự ở Đà Lạt và có biệt thự ở Sài Gòn. Chắc đi đi về về. Thấy toàn biệt thự và xe hơi không, không có nhà ống nhà phố lô nhô, nhà cấp 3 cấp 4 xập xệ. Tên diễn viên cũng giống tiểu thuyết Quỳnh Dao, trai thì toàn Gia Thành, Gia Nghĩa… và gái là Gia Hân, Gia Lệ, Gia Tú… chứ hẻm có Nguyễn Thị Bưởi hay Trần Văn Mít, Lê Thị Ổi. Sinh viên gì toàn vô bar uống rượu Tây. Bệnh nặng hay nan y cũng môi son đỏ chót. Ngủ thì mắt vẫn gắn lông mi giả nặng trình trịch và bận áo bận quần pyjama xoa xít bóng có mấy đồng tiền. Bà mẹ già khú đế vẫn gọi con dâu ra quán ngồi uống rượu nói chuyện phải quấy… Coi mà cười rất vui. Nên phim Việt Nam, cứ làm phim buồn thì người ta cười, còn phim hài thì người ta khóc.

Còn nhớ ngày xưa, thời đói văn hóa, lâu lâu có phim Liên Xô về, cả xã nô nức ra bãi đất trống chỗ sân vận động, để coi. Có ông thuyết minh nói trực tiếp, nghe đã gì đâu. Hết thời này thì chuyển qua thời phim có Lý Hùng Diễm Hương, nhứt là phim Phạm Công Cúc Hoa nghen, khóc phải nói tơi bời hoa lá. Cả lớp, hồi đó hạc cấp 2, đứa nào cũng yêu mến các minh tinh này nên giờ ra chơi, toàn tụ năm tụm bảy nói chuyện Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Thu Hà… Có thông tin gì thì nói cái đó. Cũng có khi chẳng có thông tin gì nhưng cũng tự ý thêm thắt, kiểu tụi mày biết hông, tao có bà dì ở Sài Gòn về kể nè, Mộng Vân yêu Công Hậu… Riêng có một đứa trong lớp, thằng này rất cá tính, cả lớp ai cũng thần tượng Lý Hùng Diễm Hương thì nó bĩu môi chê, nó chỉ thích… Ngọc Sơn và Y Phụng.

Cảnh nude hồi đó cũng dễ thương. Cứ có cô gái, đi trong rừng chẳng hạn, thấy một dòng suối, cái cô nhìn quanh, dáo dác coi có ai không để xuống tắm. Khán giả nín thở. Cái cô từ từ cởi áo, nhảy ủm xuống suối. Quần áo của cô vẫn mắc trên cành cây, gió thổi lay qua lay lại. Cái khán giả thấy cô trườn lên, chuẩn bị leo lên bờ để lấy quần áo mặc, thì rầm rập, một đoàn tàu chạy qua. Đoàn tàu dài, chờ tới cái toa cuối thì đã chuyển qua cảnh nói chuyện.

Mấy thằng choai choai trong làng coi đến đây hay phun nước miếng rồi chửi, đù má.

Ngày 13/05/2013

Văn hóa tàu điện ngầm

Và Sài gòn đã khởi công xây dựng hệ thống tàu điện ngầm trong niềm hoan hỷ của… báo đài. Người dân thì mơ màng bên ly cafe đầy hóa chất, mơ viễn cảnh tươi sáng của việc chui ra chui vào dưới lòng đất mát rượi và không sợ mưa, không sợ nắng, không sợ kẹt xe, khói bụi… và đặc biệt không có mấy chú màu vàng núp sau gốc cây nhảy ra “cút hà “sợ đến hết hồn. Giới đầu cơ lật đật đi mua đất quanh các nhà ga mà có tàu dừng, mong là giá đất nơi đây sẽ lên để kiếm lời khi dự án hoàn thành (công thức làm giàu ở Việt Nam), các bạn chứng khoán thì mua ngay cổ phiếu của công ty nào liên quan đến dự án (công thức đầu tư tài chính ở Việt Nam), và râm ran trong các quán cafe, mọi người hỏi nhau ngồi xe điện là như thế nào, bước lên thế nào bước xuống ra sao, đặc biệt ai đã từng đi ngoại quốc thì ra sức hướng dẫn cho những người chưa đi (ngoại quốc ở đây là các thành phố có metro, có nơi gọi là underground hay subway, chứ hẻm phải Viêng Chăn, Phnom Pênh hay Manila đâu nhé). Cả thành phố sục sôi không khí điện ngầm và văn hóa điện ngầm. Một số phường xã có tuyến xe chạy qua sẽ tổ chức lớp tập huấn cách đi đứng nói năng trên tàu điện cho dân địa phương, ưu tiên hộ khẩu thành phố và KT3 học trước, dân nhập cư học các khóa sau…

Và đầu năm 2018. Giả sử mọi thứ đều trơn tru vì có bàn tay vô hình của A Đam Xơ Mít, dự án hoàn thành. Dân Sài gòn sẽ nô nức đi thử. Sẽ tranh nhau, sẽ chen lấn để mua vé. Hồi mới ra siêu thị cũng vậy mà. Giá vé chính thức dự kiến là 7,000đ cho tuyến từ Bến Thành đi Suối Tiên, trước mỗi ga sẽ có đội ngũ bán vé chợ đen lên đến 70,000 VNĐ (đội ngũ này xuất thân từ các nữ hoàng cóc ổi mía ghim, lên đời nhờ dự án tàu điện), ai làm biếng xếp hàng thì mua đi cho lẹ. Người người chen chúc đến Suối Tiên chẳng biết vì mục đích gì, đến Suối Tiên vẫn không xuống, ngồi lại cho nó quay về Bến Thành, rồi lại ngồi tiếp đến Suối Tiên. Rảnh quá mà, ngồi đồng quán cafe suốt mấy chục năm ớn quá rồi… giờ lên ngồi đồng trên tàu điện cho mát. Có thể sẽ có thêm thông báo trên tàu là “ai nãy giờ ga nào cũng hẻm xuống thì vui lòng ra khỏi tàu, nhường chỗ cho người khác”. Rồi cả gia đình các tỉnh thành toàn quốc sẽ kéo nhau đi Saigon và mua tour du lịch “tham quan tàu điện ngầm”. Hình ảnh cả nhà già trẻ bé lớn dắt díu nhau lên tàu, vừa đi vừa khóc vì sợ, tiếng con nít thất thanh gọi bà, tiếng ông ngoại bà nội tìm thằng Cu con Bé… dáo dác. Áo bà ba và nón lá phấp phới, tiếng gà vịt heo qué inh ỏi (lên thành phố hổng lẽ không có chút quà quê). Còn dân thành phố thì trên tay ai cũng cầm một cái mũ bảo hiểm để đến ga xuống thì lấy xe máy chạy về nhà, vì theo lời một thanh niên ngồi bên cạnh “đi bộ là gì chúng tôi không hiểu, từ đầu hẻm đến cuối hẻm cũng phải đi xe máy, đi bộ mỏi chân thấy mẹ”. Anh ta lưu ý tôi là nhà anh ta nằm trong khu phố văn hóa của một phường văn hóa…

Hàng ngày từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm là tiếng rì rầm của động cơ tàu dưới lòng thành phố. Trên mặt đất khu vực các trạm tàu điện là âm thanh vang vọng của tiếng khạc nhổ, tiếng loa báo chú ý móc túi, tiếng xe ôm, taxi và hàng rong hòa quyện vào nhau. Sau 12 giờ đêm, còn lại trên sàn tàu là hộp cơm, bao ny lông, đất cát vôi vữa, lá chuối, vỏ lon coca, cứt gà, kẹo cao su, vỏ chai nước suối… lăn lông lốc. Các công nhân vệ sinh lại cần mẫn dọn dẹp, khiêng hàng tấn rác ra khỏi tàu, làm quần quật vừa xong thì bình minh đã ló dạng, những tia nắng đầu tiên soi rọi đến làm các chú chim thức giấc, reo vang trên những hàng cây. Và mọi người bắt đầu lao ra đường và lập tức đi Suối Tiên… bằng tàu điện

Ngày 15/05/2013

Làm răng

Xã hội mình đang sống đầy rẫy những hiểm nguy chực chờ. Tai nạn giao thông rình rập, cả những người đứng trên lề đường không hề tham gia giao thông vẫn chết tức tưởi. Những cơn mưa và những con đường ngập ngụa nước và rác, những người dân lom khom chạy xe máy dưới làn mưa và nguy hiểm treo trên tính mạng của mình, giành giật nhau từng mét vuông đường để sống. Không khí sạch sẽ trong lành và thực phẩm an toàn là cái gì đó xa xỉ. Từ ly cafe đến miếng thịt heo, ẩn chứa trong đó là hóa chất, là mầm mống của bệnh ung thư và sự sụp đổ niềm tin giữa người và người. Kinh tế suy thoái, nhà máy đóng cửa, sa thải công nhân. Dân đen quần quật bán sức lao động chỉ đủ kiếm cái đưa vào bao tử sống cho hết kiếp người, ngơ ngác đọc báo và không hiểu thâu tóm là gì, vài trăm tỷ là gì, thất thoát và thua lỗ vài ngàn tỷ là gì, tiền đâu nhiều thế? Rồi các tin về cướp, hiếp và giết… choán hết các trang báo, đến nỗi tờ báo và ly cafe buổi sáng, lẽ ra phải là những tin vui, là động lực mạnh mẽ để làm việc cho một ngày mới, thì lại gây cho ta cảm giác buồn xo và chán chường. Ly cafe trở nên đắng ngắt, vì không biết có bao nhiêu đậu nành, bắp và hương liệu bên trong? Tin hay không tin trong màu sóng sánh thơm lựng kia, có bao nhiêu phần trăm là sự thật?

Bây giờ thì phải làm sao? Làm sao?

Không ai biết

Bèn đi Huế chơi. Thấy dân Huế bảo nhau “bây chừ thì phải làm răng!”. Người kia cũng đáp lại “vậy phải làm răng!”

Làm răng? Mới thấy, bây chừ chỉ có dân Huế là còn lạc quan. Kinh tế và xã hội suy thoái thế này mà vẫn rủ nhau đi nha sĩ.

Khoe và được nể

Khoe là một nhu cầu. Maslow đã vẽ ra cái tháp nhu cầu (Hierarchy of need) đầu tiên là nhu cầu sinh lý (tức ăn-ngủ-x-y), mà thôi dùng từ sinh học cho nó hay, chứ nghe sinh lý nhiều người nói nó nhạy cảm. Và cao nhất, tức các nhu cầu khác thỏa mãn hết rồi, thì tới nhu cầu khoe, trong học thuật người ta gọi là nhu cầu tự thể hiện (Self Actualisation), tức được nể trọng, ngưỡng mộ.

Ông bà ta nói, tốt khoe, xấu che. Khoe chỉ diễn ra khi mình có mà xung quanh không có. Xã hội đang đi xe đạp thì mình có chiếc Dream thì phải dựng trước nhà. Ai cũng ăn mặc rách rưới thì khi có chiếc áo mới, Tony sẽ mặc ra đứng đầu xóm cho cả làng ngưỡng mộ. Xã hội sẽ đẹp biết bao khi ai cũng có cái để khoe. Có x xì khoe x xì, có y cà rốt khoe y cà rốt. Mấy ông Tây cũng khoe dã man. Họ khoe về những hầm rượu mấy trăm năm, về những cuốn sách quý họ đọc được trong thư viện, khoe về những vùng đất họ đã đi qua, khoe về những con người ở xứ sở tít mù nào đó họ đã đến khám chữa bệnh, dạy học hay cứu trợ. Châu Á khoe ác liệt hơn nhiều. Ai có dịp đi London chẳng thể nào không vô dòm ngó một chút cái Harrods, khu mua sắm soang trạng (sang trọng) của một quý tộc Ả Zập (nghe nói ông này cặp với công nương Diana (không phải Diana bán ở Việt Nam). Rồi Trung Quốc, Indo, Thailand, Hàn Quốc…, ở đâu người ta cũng khoe xe Ben Lây Lé Xệt, khoe nhà biệt thự Phú Mỹ Hưng, Trung Hòa Nhân Chính (nghe nói giờ chuyển qua biệt thự Đồi Cọ giữa rừng đâu tuốt Vĩnh Phúc rầu), khoe con cái học trường điểm trường chuyên lớp chọn hay du học một trường danh tiếng nào đó ở bển. Chân dài + đại gia => đám cưới siêu xe. Vì phải khoe mới được nể.

Tối qua, Tony thức cả đêm để quyết định khoe gì. Mục đích là để được nể. Biệt thự chăng. Xe hơi chăng. Thường quá. Hay khoe cái quần lót hai tỷ? Cũng thường quá. Thôi mình khoe bằng cấp đi, những tấm bằng mà mình đã sưu tập, mua bán, năn nỉ, đạo văn, quay cóp… tức hẻm có cái liêm sỉ nào mà mình không từ bỏ để có được.

Thế là thực hiện chiến dịch truy tìm bằng cấp. Đầu tiên là bằng bé khỏe bé ngoan, rồi bằng tiểu học, bằng cấp hai cấp 3 đại học thạc sĩ tiến sĩ… ồ ạt được lau bụi ép nhựa, ngày mai sẽ photo dán đầy nhà, đầy công ty, tặng các đối tác. Trường cấp 3 bình thường ở huyện Ninh Hòa sẽ được sửa thành trường chuyên Nguyễn Trãi nghe cho nó giỏi, nhưng đừng hỏi chuyên gì nghen, đếch biết hồi đó hạc chuyên gì, chắc chuyên công dân giáo dục. Bằng đại học tại chức chuyên tu sẽ sửa thành hệ chính quy tập trung dài hạn, lớp cử nhân tài năng. Tony đã là doanh nhân rồi nhé, đừng có nói nước ta không ai là doanh nhân nhé vì Tony đã nộp mấy triệu đăng ký vào câu lạc bộ doanh nhân rồi… Các giải thưởng vở sạch chữ đẹp, em làm kế hoạch nhỏ, Thắp sáng tài năng kinh doanh, Dynamic… sẽ công chứng và dịch qua tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung hết. Hôm bữa đi từ thiện cho trại mồ côi nọ, sợ mấy bà sơ và các cháu ấy quên ơn nên Tony có bắt ký xác nhận, có giấy tờ hẳn hoi nè. Rồi cũng có chụp hình và có giấy chứng nhận của ủy ban xã công nhận thành tích xuất sắc trong công tác từ thiện. Có cả bằng… lái xe 4 bánh và hai bánh. Nể chưa? Quá nể quá nể.

Đang hí hửng thì đọc tin sét đánh. Mốt bây giờ không ai khoe bằng cấp nữa. Người ta nói mày học vậy thì có giàu có, có thông minh hiểu biết hay có chức vụ cao là bình thường. Người ta phải khoe ngược lại. Không học gì mà làm được người ta mới nể. Bắt chước cựu tổng giám đốc một bank xuất bản cuốn “Từ cậu bé chăn trâu thành tổng giám đốc” rồi ép bà con mua hem? Hay bắt chước viết tự truyện “Người giàu nhất Đông Dương từng là đứa trẻ mồ côi”? Ông này bữa ra mắt cuốn sách này, đã nhốt cha mẹ của mình trong nhà mấy ngày liền trong thời gian tung chiến dịch PR sợ bị báo chí phát hiện… là có cha mẹ. Thêm mấy ông doanh nhân có tiền giờ đều nói bỏ hạc nửa chừng nữa chớ. Thôi thôi mình cũng bắt chước vậy.

Trưa nay về nhà đốt hết bằng cấp. Không còn một cái lận lưng. Lý lịch cuối cùng của Tony: lớp 3 nghỉ học ở nhà chăn trâu, chăn được hai năm thì đi ở đợ, hai năm sau bị chủ nhà quánh dữ quá, sợ bị quánh chết nên đi lên Sài gòn bốc vác, được mấy năm thì bốc không nổi nữa nên đi biên giới Lạng Sơn làm đấm bóp, sau đó đi Mỹ diện con nai (con lai), sau về mở hãng phân Phượng Tím và trở nên giàu có vô cùng, chuẩn bị mua lại chợ Bến Thành sơn sửa lại thành trung tâm thương mại Tony Plaza chỉ để bán phân và cá mắm giải trí cho vui. Nói thêm, Phượng Tím là tập đoàn đa quốc gia khổng lồ có tới… 2 nhân viên, cũng dốt như chủ. Trụ sở đặt đâu ta? Thôi quận một đi, chình ình ngay đường Nguyễn Hợ cho nó trung tâm. Vậy đi.

Nể giùm tui cái…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.