Tác giả: Lưu HướngNgày: 16/02/2022 Chuyên đề: Chọn lọc, Giáo dục, Lịch sử, Phương Đông, Sống đẹp
"Liệt Nữ Truyện" là bộ sách giới thiệu hành vi của phụ nữ Trung Quốc cổ đại. Sách do tác giả Lưu Hướng là học giả Nho gia thời Tây Hán biên soạn vào năm 18 TCN đời Hán Thành Đế.
Bản "Liệt Nữ Truyện" hiện còn có 7 thiên, nội dung chủ yếu thuật lại chuyện về 105 người phụ nữ mẫu mực. Có tham khảo từ nhiều nguồn sử liệu khác như Kinh Xuân Thu, Tả truyện và Sử ký, riêng văn phong và cách trình bày đều chịu ảnh hưởng phần lớn từ thể liệt truyện trong Sử ký của Tư Mã Thiên.
Bảy thiên này gồm: Mẫu nghi (母儀), Hiền minh (賢明), Nhân trí (仁智), Trinh thuận (貞順), Tiết nghĩa (節義), Thông biện (辯通) và Nghiệt bế (孽嬖). Lưu Hướng chia phụ nữ thời Tiên Tần làm bảy loại điển hình, ngoài loại Bế nghiệt là hình tượng phản diện, sáu loại còn lại đều là điển hình mà Lưu Hướng tán dương. Lưu Hướng không đòi hỏi một chuẩn mực hoàn hảo đối với phụ nữ, chỉ cần nổi bật về một phương diện nào cũng được khen ngợi, đúng như Minh sử, thiên Liệt nữ truyện nói: "Lưu Hướng viết truyện liệt nữ, chuyện gì thu nhặt vào cũng có thể làm tấm gương, không chỉ theo một loại".
Trong sáu loại Mẫu nghi, Hiền minh, Nhân trí, Trinh thuận, Tiết nghĩa, Thông biện; phụ nữ chỉ cần thuộc một hai loại là có thể được biểu dương thành khuôn mẫu cho phụ nữ. Mẫu nghi, Hiền minh, Nhân trí và Thông biện, đặc biệt là ba loại sau chủ yếu đánh giá phụ nữ từ các nhân tố trí lực như tài đức, khí chất, năng lực, tinh thần dáng vẻ, nhân tố nhân cách. Chỉ có Trinh thuận và Tiết nghĩa mới đánh giá phụ nữ từ góc độ đạo đức thuần túy.
Sự phân loại phụ nữ của Lưu Hướng cho thấy người thời Tây Hán có nhiều tiêu chuẩn và rộng rãi trong việc đánh giá phụ nữ. Thời Tây Hán, thông minh tài trí, khí chất năng lực, tinh thần phong mạo, thậm chí năng lực ngôn ngữ vân vân, các phương diện đức, tài, trí, biện đều là tiêu chuẩn đánh giá cái đẹp bên trong của phụ nữ.