Kiếm Mộng Thành Nam

Chương 5 - Mười Năm Tình Cũ

trước
tiếp

Khi người ta đối diện với một thứ tình cảm

mà chính họ đã cố đè nén một thời gian dài thì có lẽ

họ sẽ không khống chế được nó như họ từng nghĩ.

Người áo đen kia hụp lên hụp xuống mấy cái đã ra khỏi rừng trúc, khinh công thật nhanh.

Lữ Toàn Long giữ mục tiêu trong mắt mình như một đầu hương rồi mới thi triển khinh công bám theo. Vì chàng phát hiện kẻ này thân thủ không kém những người tại trận đấu trong rừng trúc.

Cũng may ra khỏi rừng trúc thì nhà thưa dần, hai bên là ruộng đồng, khung cảnh hoang vắng nên chàng không để mất dấu người áo đen. Qua khỏi ruộng đồng là một vùng lau sậy, ở giữa có một con đường đất nhỏ.

Lau sậy cao ngang ngực, mọc trên một vùng trũng nước lớn, nhìn không hết tầm mắt.

Người áo đen rẽ qua trái, theo một con đường đất được đắp kỹ, gọn gàng. Lúc này, trăng đã tỏ trở lại. Chàng liền dừng bước, quay đầu ra sau quan sát một vòng.

Cũng may cỏ lau cao ngang tới ngực nên Lữ Toàn Long đã kịp ngồi thụp xuống. Người áo đen rẽ trái một lần nữa. Con đường lúc này to hơn, đủ để hai cỗ xe song mã qua lại.

Để che giấu hành tung của mình, Lữ Toàn Long liền lợi dụng tầm che của cỏ lau thi triển Ngô Công Khiêu bám theo.

Người áo đen lúc này cũng hơi chậm cước lực nên mặc dù sử dụng Ngô Công Khiêu nhưng Lữ Toàn Long vẫn đuổi kịp.

Lữ Toàn Long cua theo hướng của người áo đen. Nhưng vừa qua khỏi khúc cua gã liền ngừng lại, vì chàng phát hiện phía trước có một chốt canh. Trong chốt canh có năm người.

Lữ Toàn Long nén hơi, ém khí trườn sát chốt canh, không gây một tiếng động.

Năm người bên trong không hề phát hiện. Chàng thò tay vào trong ngực, rút ra năm mũi phi châm.

Chàng phất tay một cái, chưa cạn chén trà, ba người kia đã cảm thấy buồn ngủ hết sức, thở ngắn ngáp dài rồi gục xuống.

Năm mũi phi châm này rất nhỏ, nếu không để ý kỹ thì không phát hiện được. Loại phi châm này một khi đã phóng ra thì lẩn vào trong da, rất khó phát hiện. Phi châm được tẩm thuốc mê nên chỉ trong tích tắc có thể khiến đối phương chìm vào giấc ngủ. Khi tỉnh dậy thì cũng chẳng ai hiểu được tại sao mình lại ngủ quên lâu như vậy.

Chờ cho bọn chúng gục ngã hẳn, Lữ Toàn Long mới tiếp tục lướt tới. Phía trước có hai chốt canh nữa, Lữ Toàn Long cũng dùng thủ pháp phóng châm như trên nên dễ dàng vượt qua mà không bị phát hiện.

Người áo đen dừng lại trước một trang viện đồ sộ. Trước cổng là một phiến đá rộng, cao ngang đầu người, được chạm trổ một chữ “Tâm” lớn, chữ được chạm theo lối thảo, như rồng bay phượng múa, khiến người đứng gần không khỏi bị áp chế bởi hào khí lẫm liệt toát ra từ đó. Trang viện lẩn khuất sau lùm cây đại thụ nên nếu nhìn từ xa thì rất khó phát hiện. Hơn nữa dọc đường đều có chốt canh, người ngoài rất khó vào được.

Trước cổng trang viện có hai chốt canh, trong mỗi chốt canh đều có năm người. Cả tòa trang viện được bao bọc bởi bốn bức tường cao. Lại còn hai toán mười người thay nhau đi tuần quanh phía ngoài trang viện nên Lữ Toàn Long đang suy tính không biết làm cách nào có thể thâm nhập vào bên trong được.

Chờ cho ánh trăng bị đám mây đen to lớn che khuất, Lữ Toàn Long như một con rắn trườn nhẹ ra góc sau của trang viện. Chàng phát hiện có một cây hòe to lớn, tàng lá xum xuê xòe cả ra ngoài bức tường, liền phóng người lên. Rồi chàng leo qua một cành cây to, nhìn vào bên trong. Vì cây hòe khá cao, tàng lá lại rậm rạp nên từ bên trong chàng có thể nhìn thấy rất rõ mà bên ngoài lại không thấy gì. Dù cho bọn trang đinh có đứng gần cây hòe thì với kỹ năng phong bế hơi thở của chàng thì bọn chúng cũng không thể phát hiện ra được.

Lữ Toàn Long phát hiện tất cả các nơi trong trang viện đều có người canh tuần, chỉ riêng tại góc có cây hòe cổ thụ nơi gã đang ẩn thân thì không thấy ai canh gác, chỉ thấy có vài ả a hoàn thỉnh thoảng qua lại.

Cây hòe chàng đang ẩn thân là một cây cổ thụ, thân cây quá một người ôm. Phía trước cây hòe là một hồ nước lớn. Trên hồ mọc đầy sen, lá sen che kín mặt hồ. Đầu bên kia có một tiểu đình, được dựng một nửa trên hồ sen.

Tuy dưới trăng nhưng phong cảnh rất u nhã. Vị chủ nhân trang viện này có lẽ là một người rất biết thưởng thức.

Lữ Toàn Long nhìn qua tiểu đỉnh, loáng thoáng thấy một bóng nữ nhân. Bóng dáng thướt tha của người đó in lên mành trúc.

–––

Bên trong trang viện, nửa giờ trước.

Vầng trăng vành vạnh trên cao tỏa ra một thứ ánh sáng vàng vọt xuống khu vườn, khiến cho cảnh đêm đã tĩnh mịch lại càng thê lương.

Ở góc phía nam của trang viện là một khu biệt lập, ngăn cách bởi toàn thể trang viện bằng một bức tường. Bức tường thông với những khu vực khác bằng một cổng bán nguyệt. Một gian nhà trúc được dựng sát tường. Tuy là nhà trúc nhưng không hề nhỏ, phòng ốc đầy đủ.

Gian nhà trúc nhìn ra một hồ sen. Diện tích hồ tuy không thể so với những hồ ngoài tự nhiên nhưng có thể nói là khá lớn so với một trang viện.

Trước mặt gian nhà trúc là một vườn hoa, ở giữa chừa một lối đi trải đá xanh, được nối từ lối đi tại nguyệt môn. Hai bên lối đi trồng đầy sơn trà. Tuy dưới trăng nhưng đóa nào đóa nấy cũng rực rỡ tinh khiết, mùi hương dịu nhẹ tràn ngập cả khu vườn.

Hoa kế tiếp hoa, tầng tầng lớp lớp, toàn là sơn trà.

Trên con đường nhỏ ấy có một a hoàn đang bưng một cái khay tiến về phía ngôi nhà trúc. Trên khay là một bát canh nhân sâm lớn còn bốc khói.

A hoàn vừa bước vô hiên nhà thì chợt dừng lại. Vì ả thấy một người phụ nữ đang bước ra. A hoàn liền cúi đầu:

– Phu nhân, người tính đi đâu?

Người kia là một phụ nữ gần bốn mươi. Khuôn mặt bà rất đẹp, dáng điệu lại mười phần thướt tha, khiến cho kẻ nào gặp được cũng không khỏi sinh lòng yêu mến.

Phu nhân nói:

– Ngươi đã mang tới rồi à?

A hoàn “dạ” một tiếng.

Phu nhân:

– Ngươi hãy mang vào trong!

A hoàn:

– Phu nhân uống ngay cho nóng.

Phu nhân thốt nhẹ:

– Cứ để trên bàn, lát nữa ta sẽ uống.

A hoàn không nói nữa, bưng bát canh nhân sâm vào thì phu nhân đã nói tiếp:

– Nhân tiện, ngươi mang cây đàn ra cho ta.

A hoàn xoay người đi vô trong gian nhà trúc. Người phụ nữ được gọi bằng hai tiếng “phu nhân” ấy bước qua vườn hoa, đi trên con đường lát đá xanh. A hoàn cũng đã mang cây đàn thập lục theo sau.

Người phụ nữ này rẽ qua bên trái. Đi một lát thì tới tiểu đình bên hồ sen.

A hoàn đặt cây đàn thập lục bên chiếc bàn đá giữa tiểu đình rồi khẽ nói:

– Phu nhân có cần gì thêm không?

Phu nhân:

– Ngươi đi đi, ta muốn yên tĩnh một lát.

Dáng vẻ của phu nhân trông buồn bã lắm nên a hoàn không dám quấy rầy, cúi người lui ra.

Người phụ nữ ấy thẫn thờ, nàng bước tới đứng dựa cột nhìn trăng:

– Mười năm trước, cũng một đêm trăng như đêm nay…

Nàng lẩm bẩm từng lời chậm rãi:

– Liệu chàng có còn nhớ đến ta? Liệu chàng còn nhớ đến đóa trà hoa mười năm trước?

Người phụ nữ ấy trên tay cầm một đóa trà hoa đã khô. Đóa hoa tuy khô nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng. Có lẽ đối với nàng, đóa hoa này là một kỉ niệm khó quên, khó đến nỗi nàng luôn giữ gìn cẩn thận mười năm nay dẫu đã phai tàn hương sắc.

Nàng không ai khác chính là Cao Quyên Quyên nổi danh đệ nhất mỹ nhân thành Gia Định hơn mười năm trước.

Cao Quyên Quyên thở dài, giắt đóa hoa lên làn tóc mai rồi đưa đôi bàn tay mềm mại đặt lên cây đàn thập lục.

Nàng khẽ gãy lên một điệu khúc. Mỗi ngón tay nàng chạm vào dây đàn như chạm vào một nỗi đau. Tiếng đàn mang theo muôn vàn nỗi đau. Ngàn vạn nỗi đau tràn ngập không gian.

Đóa hoa nhỏ trong đôi tay mềm

Trong hoa có hương tình ý

Chỉ trách hoa không lời

Chẳng thể khiến chàng hiểu ý thiếp

Hoa thơm không ai hỏi

Hương thơm bay tỏa cũng quạnh hiu

Nhìn cánh hoa đẫm lệ ai hiểu được lòng ai

Khi nào thiếp gặp được người yêu hoa?

Để cùng ngắm hoa kia nở

Là đóa sơn trà hơn mười năm nay nàng vẫn cất giữ. Đóa hoa tuy không còn hương sắc nhưng tình ý vẫn mặn nồng. Là chàng không hiểu ý thiếp hay thời cuộc khiến lứa đôi bị chia rẽ?

Sinh ra trên thế gian đã là khổ, chìm đắm trong thế gian còn đau khổ hơn, nhất là chìm đắm trong ái tình. Chỉ trách mười năm trước ta không nắm bắt được chàng. Nhân thế điên đảo, ái tình nam nữ cũng bị cuốn theo. Ta là phận nhi nữ thì làm sao chống lại sự sắp đặt của phụ mẫu? Ta chỉ là một người con gái yếu đuối, chỉ đành ôm nhớ thương dằn vặt suốt mười năm trời.

Tiếng đàn vang vọng, chất chứa cả một trường tâm sự. Gió như ngừng thổi, mây như ngừng trôi, trăng vẫn nhỏ lệ trên cao, vạn vật cũng chìm trong một trường u sầu bi lệ.

Khúc đàn đang đi đến tận đỉnh sầu thì tưng lên một tiếng, dây đàn đột nhiên bị đứt. Ngón tay trỏ của nàng ứa ra mấy giọt máu tươi.

Nàng “ối chao” một tiếng.

Là đau đớn thể xác hay đau đớn trong tâm can?

Là máu từ đầu ngón tay hay từ chính trái tim nàng?

Chính nàng cũng không trả lời được!

Nàng thẫn thờ:

– Mười năm rồi, rốt cục nhớ nhung là gì? Là gì mà hành hạ con người đến thế!

Nàng lẩy bẩy như trong cơn lạnh của đêm đông.

–––

Lữ Toàn Long đứng trong tàng cây hòe đại thụ, chàng đang toan tính tìm cách nào để đột nhập vào bên trong truy tìm tung tích người áo đen.

Suốt cả quãng đường theo dõi người áo đen, chàng vẫn chưa nghĩ ra người đó là ai. Cho tới khi đứng trước cổng trang viện thì chàng mới sực nhớ tới một người mà mười năm trước mình đã giao thủ. Người đó có thân thủ và cách khinh hành giống hệt như người áo đen mà chàng đang theo dõi. Gã chính là Lê Bá Điền, từng theo tiên đế Gia Long đánh giặc Tây Sơn, cũng là một cánh tay đắc lực của Huỳnh Công Lý.

Huỳnh Công Lý chỉ là một võ tướng bình thường. Nhưng thủ hạ của hắn đều là những cao thủ trên giang hồ. Có nhiều người thắc mắc tại sao Huỳnh Công Lý lại mời được rất nhiều cao thủ, nhất là những người đã rửa tay gác kiếm ra làm việc cho hắn đến như vậy?

Vì tiền? Có lẽ không phải! Vì có nhiều người không màng đến tiền!

Lữ Toàn Long nhớ rất rõ Lê Bá Điền, vì cách đây mười năm gã và Lê Bá Điền từng giao thủ. Đó là đêm trước ngày cưới của Cao Quyên Quyên.

Đêm đó, Lê Bá Điền được Huỳnh Công Lý phái tới để chuẩn bị cho lễ cưới thì phát hiện cuộc gặp gỡ lén lút của đôi tình nhân ấy.

Lữ Toàn Long đêm ấy đánh ngang tay với Lê Bá Điền. Lữ Toàn Long nhớ rõ võ công của Lê Bá Điền. Võ công của hắn thuộc Nam phái, chuyên luyện âm kình. Kiếm thuật của hắn cũng thuộc hạng nhất nhì trên giang hồ.

Lữ Toàn Long cũng như đại huynh mình là Lữ Toàn Trung được chân truyền Lạc Nhật chưởng pháp, vậy mà ngày ấy cũng chỉ đánh ngang tay với Huyền Âm Quyền của Lê Bá Điền.

Nếu người áo đen kia chính là Lê Bá Điền thì Lữ Toàn Long cũng muốn tái đấu một trận thư hùng để phân rõ thắng thua.

Lữ Toàn Long đang quan sát tìm tung tích người áo đen thì chợt nghe tiếng đàn vọng ra từ tiểu đình. Tiếng đàn mềm mại nhẹ nhàng, cuốn hút Lữ Toàn Long.

Tiếng đàn thật quen thuộc, cả âm điệu lẫn lời ca.

Hoa thơm không ai hỏi

Hương thơm bay tỏa cũng quạnh hiu

Nhìn cánh hoa đẫm lệ ai hiểu được lòng ai

Khi nào thiếp gặp được người yêu hoa?

Để cùng ngắm hoa kia nở

Lời ca sao mà u sầu đến thế? Lời ca ẩn chứa thứ ái tình bị kìm nén, bị vùi dập.

Phải chăng là thứ ái tình mà mười năm nay Lữ Toàn Long đau khổ?

“Là nàng!” – Lữ Toàn Long vừa nghe được khúc đàn dạo đầu đã hốt hoảng nhận ra. Là tiếng đàn của Cao Quyên Quyên.

Chính là điệu đàn ấy, lời ca ấy, lời ca của hơn mười năm trước.

Từ sâu trong tâm khảm gã một nỗi đau bất chợt trào lên. Là một dòng máu từ trong tim vọt ra. Dòng máu từ vết đâm mà hơn mười năm trước nàng đã tặng cho hắn.

Lữ Toàn Long muốn vào tiểu đình để xác thực người đánh khúc đàn kia có phải là Cao Quyên Quyên không nhưng trong tâm khảm chàng cũng trào lên một nỗi sợ.

Chàng sợ phải đối diện với nàng!

Chàng sợ phải đối diện với kí ức!

Kí ức dẫu buồn đau hay hạnh phúc vẫn là kí ức. Người ta không thể nào vượt qua nó nếu không chân thực đối diện. Lữ Toàn Long muốn bỏ đi nhưng đôi chân lẫn trái tim của hắn lại không thể nào nhúc nhích được.

Người ta nói lời của con tim là lời chân thực. Một sự thực vẫn còn chôn sâu trong tâm khảm hắn, đã mười năm trời ròng rã. Có lẽ trong lòng hắn mười năm qua luôn chứa chấp và nuôi dưỡng thứ ái tình ấy để rồi hôm nay, ngày gặp lại thì nó bùng cháy mãnh liệt.

Lữ Toàn Long theo tiếng gọi con tim, từ trên tàng cây hòe lướt người về phía tiểu đình.

Cây hòe và tiểu đình nằm ở hai đầu của hồ sen, Lữ Toàn Long dùng khinh công đạp xuống một lá sen ở giữa hồ lướt vào tiểu đình.

Người phụ nữ trong tiểu đình lúc này cũng đứng lên bước ra ngoài hiên nhìn trăng, cũng vừa lúc Lữ Toàn Long lướt tới. Nàng hơi hoảng sợ, lùi lại một bước. Nhưng dù sao nàng vẫn là con nhà võ, tay trái liền rút cái trâm cài đầu phóng ra.

Thủ thuật phóng trâm cài đầu của nàng rất nhanh. Người kia còn ở trên không thì đã thấy một bóng ảnh lướt tới. Nhưng chàng cũng không chậm, hai ngón tay đã đưa ra kẹp lấy chiếc trâm cài đầu.

Nàng cảm thấy thủ pháp tiếp ám khí của chàng rất quen. Tới khi chàng vào tiểu đình thì nàng mới “ối chao” một tiếng. Nàng nhận ra chàng chính là Lữ Toàn Long – người mà ngày đêm nàng hằng nhớ thương.

Nàng thốt lên:

– Lữ lang!

Thanh âm của nàng như Oanh hót, thật thắm thiết. Lữ Toàn Long nghe đến hai tiếng “Lữ lang” thì đôi chân như muốn mềm nhũn ra. Chàng lẩy bẩy, không nói ra tiếng. Hồi lâu mới chậm rãi:

– Quả thực… là nàng!

Cao Quyên Quyên bước tới:

– Thật sự là Lữ lang sao?

Một cảm giác vừa thương vừa hận bất chợt trào lên trong lòng, chàng lui lại:

– Cô bây giờ đã là Huỳnh phu nhân quyền quý rồi.

Cao Quyên Quyên nghe chàng nói mà đau thắt tim can, người lảo đảo dựa vô cây cột.

Lữ Toàn Long bất giác nhìn đóa sơn trà trên tóc nàng. Nhớ tới kỷ niệm cũ, chàng vừa thương vừa hận:

– Cô còn giữ nó làm chi?

Cao Quyên Quyên nói:

– Thiếp vẫn luôn giữ gìn nó như là một kỉ niệm, một kỉ niệm mà suốt cuộc đời này chắc chắn thiếp không thể nào quên được.

Lữ Toàn Long ngắt lời:

– Kỉ niệm là thứ đã qua, chúng ta chẳng thế thay đổi được. Nàng hãy quên nó đi!

Lữ Toàn Long nói câu ấy mà tâm can đau đớn, chàng không dám nhìn vào mắt nàng.

Cao Quyên Quyên nói:

– Dù là điệp mộng hay ác mộng, thiếp vẫn thấy được ở bên cạnh chàng. Thiếp vẫn thường thấy chúng ta cùng bơi thuyền thưởng trăng trên dòng Bến Nghé.

Mắt nàng lim dim, nàng nhớ tới thời gian hơn mười năm trước, lúc đó nàng và chàng là những thanh niên hai mươi mấy.

Nàng rất thích cùng chàng bơi thuyền thưởng trăng. Lữ Toàn Long cũng rất chiều ý nàng.

Lữ Toàn Long nói:

– Kỉ niệm chỉ đẹp khi chúng ta để yên trong lòng. Ta và nàng bây giờ….

Cao Quyên Quyên nói:

– Bao nhiêu năm nay chàng vẫn chưa có ý trung nhân phải không?

Mười năm nay tuy không còn ra vào chốn giang hồ nhưng nàng vẫn âm thầm nghe ngóng tin tức về Lữ Toàn Long.

Lữ Toàn Long nói:

– Từ lâu ta đã không còn nghĩ đến chuyện ấy.

Cao Quyên Quyên nhào tới ôm chầm lấy Lữ Toàn Long. Lữ Toàn Long muốn đẩy nàng ra nhưng đôi tay như không còn chút sức lực.

– Chàng hãy đưa thiếp đi!

Lữ Toàn Long:

– Đi đâu? Nàng có thể theo ta được sao?

Cao Quyên Quyên:

– Nơi nào cũng được. Chẳng lẽ thiên hạ rộng lớn không có chỗ cho chúng ta sao?

Lữ Toàn Long:

– Cũng câu nói này… nhưng nếu là mười năm trước…

Cao Quyên Quyên tuôn lệ. Lệ của nàng thấm vào ngực chàng. Chàng cảm thấy ngột ngạt trong tim, bao nhiêu tâm sự trỗi lên.

– Bây giờ không được nữa sao? Mười năm nay thiếp sống trong nhớ thương và giày vò. Thiếp đã không còn chịu nổi nữa rồi.

Lữ Toàn Long:

– Huỳnh phu nhân, nàng có thể bỏ lại tất cả để theo ta hay sao?

Cao Quyên Quyên run rẩy:

– Thiếp bỏ hết!

Lữ Toàn Long không nói. Tâm tư chàng hoang mang lắm.

Khi người ta đối diện với một thứ tình cảm mà chính họ đã cố đè nén một thời gian dài thì có lẽ họ sẽ không khống chế được nó như họ từng nghĩ.

Cao Quyên Quyên nói tiếp:

– Chàng còn nhớ hôm nay là ngày gì không?

Rồi nàng tự trả lời:

– Hôm nay là ngày đôi ta ly biệt… mười năm trước. Chàng còn nhớ không?

Lữ Toàn Long:

– Nhớ, ta nhớ rất rõ. Suốt mười năm qua là những chuỗi ngày đau khổ của ta. Chính nàng đã giết chết trái tim này.

Lữ Toàn Long bao nhiêu năm nay vẫn hận nàng. Nhiều lúc chàng muốn đi tìm nàng để giết chết người phụ nữ đã phản bội mình. Nàng là người phụ nữ tham quý quên tình. Nhưng đêm nay gặp lại, bao nhiêu ý niệm hận thù chợt tan biến.

“Phải chăng ta đã tha thứ cho nàng? Phải chăng tình cảm bị cách trở quá lâu sẽ càng mãnh liệt?”

Lữ Toàn Long nói:

– Được. Chúng ta đi!

Thời gian như ngừng lại, hai người cảm nhận nhịp đập con tim của nhau.

Lữ Toàn Long khẽ ngâm:

Lồng lộng hương đưa giữa dòng giang

Trăng non dát bạc bến sông vàng

Thuyền câu thả muộn trên dòng nước

Mạn thuyền ai gõ nhịp con con

Gió gợn lên cao mây nhẹ bay

Vởn quanh cung ngọc mẩn mê say

Văng vẳng bến sông điệu hò lẻ

Nhạc tình cô lữ chín điệu bay…

Cao Quyên Quyên thổn thức:

Ai có quay về thăm cố hương

Bao năm phiêu bạt chốn đoạn trường

Có mỏi bước chân miền lữ thứ?

Có còn lưu giữ những dòng son?

Năm nay chốn cũ đông lạnh thêm

Thu trước qua mau tình héo mòn

Ván xanh cũng mục đôi dòng lệ

Bao năm vẫn giữ khối tình son!

Mười năm trước, chàng và nàng rất thường bơi thuyền thưởng trăng trên dòng sông Bến Nghé. Tám câu đầu tiên chính là trong một đêm trăng sáng chàng đã ngâm tặng nàng. Những tưởng hai người sẽ trở thành một cặp hồ điệp hạnh phúc nhất thế gian, có ai ngờ trời cao thường hay trêu người, đã khiến cho chàng sớm thành kẻ vong xứ, còn nàng thì trở thành một đóa hoa úa tàn như thế này.

Đêm trăng mười năm sau, sau bao năm nhớ nhung cách trở, đôi lứa cũng trùng phùng, và bài thơ đã trở thành trọn vẹn.

Đột nhiên từ phía ngoài tiểu đình có tiếng người quát lớn.

– Hay cho đôi gian phu dâm phụ!

Người vừa đến là một cẩm y nhân to cao, chừng năm mươi mấy, phong thái quyền quý.

Lữ Toàn Long tuy chưa từng gặp gã nhưng cũng đoán biết gã là Huỳnh Công Lý. Đứng bên cạnh là Lê Bá Điền.

Ấy chính là:

Ân ái mười năm dễ gì phai nhạt

Thương nhớ vốn vô cùng tận,

cố quên lại càng nhớ.

Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.